Ngày 12 tháng 4,
bọn Vô Phong đến Thiên Kỷ thành. Thủ đô Xích Quỷ trong mắt tên tóc đỏ
vẫn y hệt năm ngoái: đường phố nhỏ hẹp, hàng trăm tiệm ăn buôn bán trên
vỉa hè, người qua lại đông như mắc cửi và đầy rẫy gái đẹp. Dạo qua vài
khu phố, Vô Phong cứ ngó nghiêng tìm chỗ bán thịt chó. Mỗi lần hắn nghĩ
tới Xích Quỷ, món đặc sản đó lại hiện lên rồi luẩn quẩn giữa những khuôn mặt Lộc Tục, Lạc Long, Mạc Điển hay mảnh đất Lạc Việt.
Nhưng suốt hôm ấy Vô Phong tìm đỏ mắt cũng chẳng bói ra tiệm bán thịt
chó. Mệt mỏi sau nhiều ngày liên tục di chuyển, hắn cùng Mi Kha và Thẩm
Tháo thuê nhà trọ giá rẻ, nghỉ ngơi rồi đợi tin tức từ Mai Hoa. Trong
mấy ngày, Vô Phong tranh thủ theo dõi tin tức. Kỳ thi Tổng Lãnh kết
thúc, chiến sự Đông Thổ có nguy cơ lan rộng, tình hình Băng Thổ vẫn rối
như canh hẹ, Tuyệt Tưởng Thành chẳng hề được đoái hoài. Thế giới tưởng
chừng thay đổi song rốt cục vẫn y như cũ.
“Trận chung kết Khối Ngũ Giác không thực sự hấp hẫn như dự đoán.” – Phát thanh viên người Xích Quỷ nói trên truyền hình – “Thay vì dùng hiện tượng mới nổi Tiểu Hồ, Lục Châu trở lại với Chiến Tử. Đã
có nghi ngờ trước quyết định này, nhưng kết quả trận đấu nói lên tất cả. Chiến Tử từng bước khóa chặt và áp đảo Suất Đài – hộ vệ của Cung Bàn
Thủ nổi tiếng với lối đánh càn lướt. Anh cũng luôn đặt Cung Bàn Thủ vào
thế bị động khiến cô gái lộ ra rất nhiều sơ hở. Cung Bàn Thủ không yếu,
nhưng thua cả chiến thuật lẫn chiến lược trước công chúa Lục Châu, thất
bại là điều dễ hiểu.”
“Nhưng điều đó không có nghĩa Lục Châu sẽ nắm chức Tổng Lãnh.” – Một phát thanh viên khác tiếp lời – “Theo thông lệ mới của Thánh Vực, kết quả phần hùng biện tức vòng thi đầu
tiên có ý nghĩa hơn cả. Theo các trưởng lão, chức vị Tổng Lãnh nên mang
tính nhân văn thay vì biểu trưng sức mạnh. Do vậy dù chiến thắng tuyệt
đối cả hai vòng cuối, ngôi vị Tổng Lãnh vẫn có khả năng tuột khỏi tay
công chúa Phi Thiên. Đây có thể là lần đầu tiên sau bảy thập kỷ, người
Phi Thiên không có Tổng Lãnh Thánh Sứ.”
“Hai trận chung kết của Nhất Thống Cục và Liên Minh Phương Bắc lại
ngả theo những chiều hướng khó tưởng tượng. Giang Hà, thánh sứ Thụy Khúc quốc đã chiến thắng trước Đan Đan, chấm dứt hai thập kỷ thống trị của
Bắc Thần. Là người đứng đầu vòng một và vòng ba, nhiều khả năng Giang Hà sẽ trở thành Tổng Lãnh mới. Trong khi đó tại Liên Minh Phương Bắc, sau
những khởi đầu chậm chạp, Khai Giã bỗng bùng nổ ở trận chung kết. Anh
chiến thắng áp đảo, thậm chí gây thương tích cho Di Li, thánh sứ Bạch
Hải quốc. Mặc dù Khai Giã đã đích thân tới bệnh viện thăm hỏi Di Li
nhưng quan hệ giữa Băng Hóa và Bạch Hải vẫn khá căng thẳng. Có lẽ sức ép cùng kỳ vọng quá lớn đã đụng chạm lòng tự tôn của Khai Giã. Anh chiến
thắng, nhưng cách chiến thắng khiến các vị trưởng lão phiền lòng.”
“Dù sao kỳ thi đã kết thúc, cứ để mọi người dự đoán, mọi chuyện sẽ
sáng tỏ khi Thánh Vực họp mặt vào tháng 5 tới. Giới chuyên gia dự đoán
Thánh Vực không chỉ công bố kết quả cuộc thi mà còn đưa ra tuyên bố về
tình hình thế giới. Trong thời điểm hiện tại, tiếng nói của Thánh Vực là hết sức cần thiết…”
Vô Phong không trực tiếp theo dõi cuộc thi nhưng bám tin tức khá sát,
thế nên việc Khai Giã thắng trận chung kết làm hắn bất ngờ. Mi Kha lắc
đầu:
-Khai Giã sống vô tổ chức, nhưng tôi không nghĩ gã chống đối quốc gia.
Chắc người Băng Hóa đã chán chạy theo yêu sách của đồng minh, họ muốn
giải quyết vấn đề bằng vũ lực.
-Họ không sợ Liên Minh Phương Bắc tan rã à? – Vô Phong nhíu mày.
-Nó vốn như thế lâu rồi, từ ngày Hắc Thủy quốc tuyên bố li khai kia! –
Mi Kha nhếch mép – Liên Minh Phương Bắc lâu đời nhất nhưng tồn tại nhiều vấn đề nhất, tan rã chỉ là hệ quả tất yếu. Băng Hóa giờ phải giữ lại
càng nhiều mỏ quang tố càng tốt, càng dây dưa đàm phán, họ càng mất
nhiều. Hơn nữa Đông Thổ đang chiến sự, Băng Hóa phải thật nhanh tay
trước khi mất tất cả.
-Đông Thổ chiến sự thì liên quan gì?
-Nếu chiến sự kéo dài, Bắc Thần có thể sẽ tiến sang sáu nước Miền Đông
Băng Thổ, chỗ này trữ lượng quang tố lớn, lại đang lừng khừng việc ở lại hay rời bỏ liên minh. Bắc Thần chỉ việc qua Khẩu Hàm quốc, vượt Đồng
Gió là vào Hoàng Hôn Cảng. Băng Hóa phải ngăn chặn nguy cơ đó. Xem chừng hỗn loạn còn dài!
Vô Phong thở phù. Mấy chuyện kiểu này làm hắn nhức đầu. Thế giới mà hắn biết giờ rối rắm như bát canh hẹ.
Nhưng thế giới là bát canh hẹ thì chuyện của tên tóc đỏ chẳng khác nồi canh khoai nẫu bét.
Vô Phong đến Thiên Kỷ thành được hai ngày, Mai Hoa đã có tin tức. Một
đêm nọ, đương bỏng mắt vì bắt gặp bóng Mi Kha sau cửa kính mờ của nhà
tắm, Vô Phong chợt thấy máy chiếu cá nhân thông báo có thư mới gửi. Thư
nhắc nhở Vô Phong trả thêm hai thùng vàng(2) phí phát sinh, bên dưới
đính kèm tài liệu. Thư xác nhận tài khoản TX-1000598 đã ngừng hoạt động
sau năm 7507, hoàn toàn không có giao dịch trong năm 7516 – thời điểm
Mạt Lã giao dịch với Tập Lâm và Cao Khánh. Bù lại Mai Hoa tìm được kha
khá thông tin về Hỏa Phu (Kham Mộ), người chủ đích thực của tài khoản;
ông ta chỉ đến Thiên Kỷ thành ba lần nhưng lần nào cũng trên dưới bốn
tháng. Hỏa Phu không những tới thư viện quốc gia Xích Quỷ, ông ta đi
nhiều hơn thế.
“…năm 7504 và 7505, Kham Mộ thuê trọ ở Thiên Kỷ thành. Nhà trọ dẹp
lâu rồi, đừng lần mò phí công, nhưng chúng tôi đã tìm được người chủ cũ. Ông ta nói mỗi lần thuê, Kham Mộ ở đây khoảng năm tháng, ngày nào cũng
đi từ sáng sớm đến tối mịt. Năm 7504, ông ta hầu như chỉ đến thư viện
quốc gia, trừ một lần tới Viện Nghiên Cứu Sinh Hóa. Năm 7505, ông ta đến cả thư viện lẫn Viện Nghiên Cứu, đi với ông ta còn có một gã thanh niên nữa tên Múy. Cái tên kỳ cục nhỉ? Tất cả là vậy, cần chúng tôi điều tra
tiếp không? Sao cậu không thuê trọn gói, giá rẻ hơn đấy!”
“Múy” ở đây không ai khác ngoài Thát Khan. Có manh mối, bọn Vô Phong lên đường tới Viện Nghiên Cứu Sinh Hóa. Tuy nhiên Thẩm Tháo không hưởng ứng chuyện này, gã nhăn trán nghi hoặc:
-Nói thật với hai cô cậu, Xích Quỷ hay Thiên Kỷ thành không thích hợp để nghiên cứu khoa học, đúng hơn là không thể làm. Xứ này không đủ cơ sở
vật chất, cũng không tôn trọng khoa học gia, nghiên cứu nỗi gì?
Thẩm Tháo không nói quá. Nền khoa học của Xích Quỷ gần như yếu kém nhất
Đông Thổ, khoa học gia hay những người làm lĩnh vực chế tạo thường chạy
sang nước ngoài – những nơi có điều kiện làm việc tốt hơn, mà Thanh Nhi
là ví dụ điển hình. Dù vậy, Thẩm Tháo vẫn theo bọn Vô Phong vì nóng lòng muốn biết Mạt Lã (Thát Khan) dùng cách nào để phân tách Tế Bào 7 Mạch.
Từ nơi trú chân đến Viện Nghiên Cứu mất khoảng mười phút đi tàu điện,
bọn Vô Phong bước xuống đại lộ rồi thẳng tiến đến tòa nhà lớn màu vàng
vọt nằm bên trái đường. Nóc nhà treo biển hiện dòng Viện Nghiên Cứu Si…; những chữ phía sau chìm nghỉm giữa đêm tối om òm, chúng tắt ngóm từ lâu và cũng chẳng ai buồn sửa. Lúc này là bảy giờ tối, cả viện chỉ còn lác
đác dăm ba cửa sổ sáng đèn. Bảo vệ tòa nhà là một ông già khó tính, mắc
bệnh ghét những thằng choai choai đầu xanh đầu đỏ như Vô Phong, ghét cả
đám bú rù nhếch nhác như Thẩm Tháo. Nếu không nhờ Mi Kha lựa lời ngon
ngọt và dụ dỗ ông già bằng cái khe sâu hút dưới cổ áo, cả nhóm phải chờ
đến sáng mai.
Ông bảo vệ khó tính dẫn ba người vào viện. Nơi đây trong mắt Vô Phong và Mi Kha vừa sạch sẽ vừa đẹp đẽ. Nhưng Thẩm Tháo chẳng hài lòng; gã hết
ngó phòng thí nghiệm lại soi phòng lưu trữ mẫu phẩm, đầu lắc lắc miệng
thở dài. Với kẻ chuyên môn như gã, Viện Nghiên Cứu y hệt hang hốc cho
người tối cổ. Tên tóc đỏ lấy làm lạ, không hiểu sao Hỏa Phu phải lặn lội tận chốn này để nghiên cứu.
Tiếp đón bọn Vô Phong là một nghiên cứu sinh gần bốn mươi tuổi. Anh ta
chải chuốt lịch lãm, dáng dấp không giống người nghiên cứu khoa học. Ông bảo vệ rời đi còn anh chàng nọ dẫn ba người vào phòng làm việc. Hai bên giới thiệu dăm câu, sau đấy Vô Phong vào việc:
-Chúng tôi muốn hỏi thầy Vân Tụy, anh biết thầy không?
Thư gửi từ Mai Hoa cho biết Hỏa Phu thường xuyên gặp gỡ Vân Tụy – một
giáo sư người Xích Quỷ và từng công tác ở viện này. Nhưng Vân Tụy dường
như không được lòng đám hậu bối lẫn đồng nghiệp. Biết bọn Vô Phong là
người nước ngoài, anh chàng nghiên cứu sinh trả lời ráo hoảnh:
-Vân Tụy, ông già dở dở đó à? Chết rồi, cách đây hai năm! Tôi không nhớ nữa, nhưng mấy người có việc với ông ta hả?
Nhóm ba người nhìn nhau. Một manh mối quan trọng biến mất, cánh cửa tới
Hỏa Phu đóng sầm lại trước mắt Vô Phong. Nhưng tên tóc đỏ không bỏ cuộc, bèn nói:
-Vậy chúng tôi có thể tìm nhà Vân Tụy ở đâu?
Anh chàng nọ ngẫm nghĩ ít phút rồi mở sổ danh bạ của Viện Nghiên Cứu như muốn chứng tỏ mình không hẹp hòi với người đã khuất. Lần sổ danh bạ một hồi, họ rốt cục cũng tìm thấy địa chỉ cư trú của Vân Tụy ở phố 25-9,
quận Hồng Thảo vùng ngoại ô. Đó là những dữ liệu cuối cùng của Vân Tụy.
Nhưng Vô Phong không vội đi ngay mà ở lại hỏi chuyện về vị giáo sư. Nể
đám khách lặn lội đường xa, lại có người đẹp Mi Kha xuất hiện ở chốn tẻ
nhạt này, anh chàng nghiên cứu sinh kể lể, hết tặc lưỡi lại chép miệng:
-Thực tình ông ấy khá giỏi, đám trẻ chúng tôi công nhận. Nhưng phải cái
ổng gàn dở! Dạy học chúng tôi, ổng quát tháo suốt, chẳng ai chịu nổi.
Rồi khi nội bộ viện bầu cử viện trưởng, ổng gây sự với tất cả ứng viên,
rêu rao rằng chẳng ai xứng đáng ngồi ghế lãnh đạo. Vậy đó, ông ta bị cô
lập, cuối cùng chết mà chẳng ai đoái hoài. Tôi cũng không dự tang ổng,
chỉ gửi thiệp chia buồn thôi… Sao? Tiếp xúc người nước ngoài? Tôi không
rõ. Không dễ bắt chuyện Vân Tụy đâu, ông ta chỉ có nghiên cứu thôi, mà
nói nhảm nói sai là ổng chửi bới liền. Tôi chẳng rành đâu, xin lỗi!
Tên tóc đỏ điên cái đầu, thực rất muốn hỏi Hỏa Phu cớ sao toàn gặp những kẻ không khùng điên cũng quái gở. Nhưng thay vì phàn nàn, hắn lên đường tới quận Hồng Thảo tìm nhà Vân Tụy. Nhóm ba người rời đi, anh chàng
nghiên cứu sinh bồn chồn muốn níu Mi Kha ở lại. Cô nàng chỉ cười tươi,
bỏ lại khuôn mặt ngẩn ngơ tiếc nuối của gã.
Chừng nửa tiếng sau, bọn Vô Phong tới quận Hồng Thảo. Nơi này nằm gần
bãi sông bao bọc thành phố, kiến trúc lố nhố cao thấp không đều. Cả quận quy hoạch lộn xộn, đường ngang ngõ hẻm đan nhau như mắc cửi, rắc rối
tựa mê cung. Đáng nói là một đường hai chục ngôi nhà nhưng may lắm chỉ
được năm nhà có biển, bọn Vô Phong dò đường muốn lòi mắt. Tìm được phố
25-9, họ lại khổ công gõ hàng chục cánh cửa và nhận vô số lời càu nhàu
khó chịu. May sao nhờ một người bản địa tận tâm chỉ dẫn, bọn Vô Phong
lần đến con ngách sâu tít trong phố rồi dừng trước một căn nhà thấp tè
lọt thỏm giữa vô số nhà cao tầng xung quanh. Tên tóc đỏ bấm chuông, từ
bên trong vội vã những bước chân trên sàn gỗ. Cửa mở, một người thanh
niên xuất hiện, dáng điệu bất ngờ vì ba vị khách lạ. Vô Phong lên tiếng:
-Chào! Đây là nhà thầy Vân Tụy? Vậy anh là…?
-Tôi là con trai thầy Vân Tụy. Nhưng bố tôi mất lâu rồi, mấy người cần gì?
Vô Phong hất đầu về phía Mi Kha và Thẩm Tháo:
-Chúng tôi từ xa đến. Ban nãy chúng tôi vừa qua Viện Nghiên Cứu Sinh Học tìm thầy, người ở viện cho địa chỉ này. Anh có thể gọi đến viện để xác
nhận, chúng tôi muốn hỏi chút chuyện.
Người nọ nghến ngó song không tìm nổi điểm chung nào giữa một tên tóc
đỏ, một cô gái da trắng tóc vàng và một gã trung niên đầu tóc rối bù.
Phải đợi khi gọi Viện Nghiên Cứu rồi được xác nhận, anh ta mới mở cửa
tiếp đón. Bọn Vô Phong bước vào, nhận ra căn nhà thậm chí bé hơn vẻ
ngoài. Phòng khách con con một khoảnh giữa những cơ man giấy má sách vở. Sách khắp nơi, chảy tràn dưới ghế, lênh láng bên chân kệ, ngồn ngộn đắp thành lũy ở bốn góc tường. Chỉ bếp, phòng vệ sinh hay cầu thang dẫn lên gác xép là không thấy sách. Cạnh tủ kê bàn thờ đặt lư hương cùng di ảnh Vân Tụy. Vị cố giáo sư nom nghiêm nghị, mắt quắc dội những tia đe dọa
người đối diện, gương mặt nhăn nhúm như luôn khó chịu với thế giới thực
tại. Trông bàn thờ, Vô Phong sợ rúm người vì những kỷ niệm chẳng hay ho
với Oán Hồn Dạ Hỏa.
Chàng thanh niên – chủ ngôi nhà mang lên khay trà thiết mộc. Người Xích
Quỷ uống trà thiết mộc quanh năm và thường dùng nó tiếp khách. Như xấu
hổ vì để khách chứng kiến nơi này, anh chàng vội phân bua:
-Bố tôi ở đây một mình. Ông cụ mất được hai năm rồi. Tôi là con trai nên phải về đây trông nom hương khói. Tôi tên Vân Thái. Vậy mấy người…
Tên tóc đỏ bắt tay Vân Thái. Như thường lệ, hắn bắt đầu cuộc nói chuyện
bằng bài ca ngụy tạo thân phận. Ba hoa xạo sự chán, hắn bèn hỏi về một
người nước ngoài từng tiếp xúc Vân Tụy. Anh chàng Vân Thái khoanh tay
nghĩ ngợi:
-À, có, hồi ấy tôi cũng gặp người đó, tên ông ta hơi khó nhớ… Cái gì?
Kham Mộ? À, phải, tên ông ta là Kham Mộ. Nghe đâu đến từ Băng Thổ. Tôi
không rõ bố gặp ông ta thế nào. Chắc mấy người nghe chuyện từ Viện
Nghiên Cứu nhỉ? Bố tôi không phải người dễ tiếp xúc. Rất hiếm người có
thể nói chuyện với ông, tôi là con cũng chẳng chịu nổi. Tôi phải ra
ngoài sống riêng, khi có việc cần mới qua thăm ông cụ. Nói tới đâu rồi
nhỉ? À, hồi đó người tên Kham Mộ thường qua nhà nói chuyện với bố, tôi
học ở trên gác xép cũng nghe được kha khá. Họ nói về tế bào gốc và cách
phân chia thành bảy mạch.
-Vậy ngoài Kham Mộ còn ai nữa không? Một người mà Kham Mộ thường gọi là “Múy”?
-Tôi không rõ. – Vân Thái lắc đầu – Nhưng đúng là có một anh chàng đeo kính cận đi theo Kham Mộ, hình như là phụ tá.
Vô Phong chưa kịp hỏi tiếp thì Thẩm Tháo nhoài người hỏi, thần tình vồn vã:
-Họ phân chia tế bào thế nào? Có phải bằng nội lực? Nhưng làm sao để nội lực tác động tế bào?
Vân Thái hơi bất ngờ lẫn nghi ngại trước bộ mặt đói khát của Thẩm Tháo.
Mi Kha phải túm vai gã này lôi về chỗ ngồi đoạn nở nụ cười xoa dịu người chủ nhà. Anh chàng Vân Thái cười gượng đoạn kể tiếp:
-Vâng, đúng là nội lực. Họ nói tế bào gốc có thể phân chia, nhưng muốn
phân chia thành bảy mạch rồi để bảy mạch đó hợp lại thành sinh thể mới
thì cần nội lực.
-Tại sao phải là nội lực? – Vô Phong thắc mắc.
Vân Thái gãi đầu bóp trán:
-Thực tình tôi không hiểu lắm, họ dùng nhiều từ chuyên môn quá, mà tôi
cũng chẳng theo nghề của bố. Nhưng để tôi nhớ… xem nào… họ nói trong nội lực tồn tại tính chất… biến chuyển… bộ… vòng… À! Nhớ rồi, là tính chất
“biến chuyển vòng lặp”! Họ nói vậy. Ông Kham Mộ giải thích rằng nhờ tính chất đó, nội lực có thể tác động, khiến tế bào gốc phân bào.
Nghe vậy, Vô Phong và Mi Kha nhìn nhau rồi quay sang Thẩm Tháo. Gã trung niên vò tóc, đầu óc xu bù như tổ cú. Gã yêu cầu Vân Thái nhắc lại lần
nữa, sau cứ lẩm bẩm “biến chuyển vòng lặp”. Vân Thái tiếp lời:
-Có vài đợt bố tôi vắng nhà nửa tháng, gọi điện tới Viện Nghiên Cứu thì
họ bảo ông đang nghỉ phép. Mẹ tôi hay ghen nên nghĩ bố lang chạ, ông
phải thanh minh chán chê, bà mới chịu yên.
Mi Kha ngó quanh quất đoạn lên tiếng:
-Xin lỗi vì bất lịch sự nhưng mẹ anh đâu?
-Li dị lâu rồi. – Vân Thái nhún vai – Bố tôi không phải người giỏi kiếm tiền…
Mi Kha gật gật vẻ thông cảm rồi hỏi tiếp:
-Tôi hơi thắc mắc… thầy Vân Tụy làm sao mà thanh minh với vợ? Ý tôi…
-À! – Vân Thái cười – Bố tôi phải đưa mấy tài liệu nghiên cứu rồi gọi
điện thông báo hàng tuần. Nói chung là phức tạp lắm! Ông cụ nói đang
nghiên cứu một thứ có thể thu được rất nhiều lợi nhuận. Nhưng mẹ tôi chờ ba năm mà không thấy gì nên bà li dị.
-Chúng tôi xem mấy tài liệu nghiên cứu được chứ? – Mi Kha nói.
Vân Thái tần ngần chốc lát rồi lên gác xép, khệ nệ lôi xuống một hòm
thiếc. Lục hòm, bọn Vô Phong tìm thấy hàng xấp bản vẽ tế bào bảy mạch,
dưới lưu chữ ký của Vân Tụy cùng ngày tháng năm 7504, một số khác được
vẽ vào năm 7505. Tất cả trùng với thời điểm Hỏa Phu đến Thiên Kỷ thành.
Thẩm Tháo đoán chúng là những bản phác thảo dự đoán hình dáng Tế Bào 7
Mạch, chúng còn nhiều sai khác so với phiên bản thực sự. Bên dưới bản
vẽ, họ tìm được hóa đơn thanh toán tiền vào thư viện quốc gia Xích Quỷ,
tài khoản trả là TX-1000598. Lần đáy hòm, họ phát hiện vài tập hồ sơ
chứa ảnh chụp Tế Bào 7 Mạch dạng tiền phân bào và sau phân bào, kèm theo ghi chú triệu chứng tự miễn dịch khi cấy vào mẫu thử nghiệm. Chúng bắt
đầu từ năm 7509, kết thúc năm 7515 – thời điểm mà Vân Tụy chết và Thát
Khan(Mạt Lã) biến mất. Thẩm Tháo nói:
-Vậy là thầy Vân Tụy và Mạt Lã đã tạo ra Tế Bào 7 Mạch. Chúng ta cần tìm phòng thí nghiệm của họ.
Vô Phong hỏi Vân Thái:
-Sau khi li dị, cha anh vẫn duy trì phòng thí nghiệm?
-Vâng, đúng thế. Ngoài công việc ở Viện Nghiên Cứu, ông giành tất cả thời gian vào đó.
-Nó ở đâu?
Vân Thái biết địa chỉ song hẹn cả bọn sáng mai quay lại. Nhưng Vô Phong
nói đang rất vội, có thể đi ngay đêm nay. Vân Thái tần ngần tập hai, Vô
Phong nài nỉ mãi, sau rốt con trai Vân Tụy phải dẫn ba vị khách đến
phòng thí nghiệm. Họ bắt chuyến tàu muộn rời ngoại ô, chạy thẳng vào nội đô Thiên Kỷ thành. Rời tàu điện, Vô Phong được dịp gặp lại hồ Thuận
Mệnh trong vắt, chính giữa hồ dựng lên tòa tháp gắn chín tấm khiên lớn
tượng trưng chín dòng họ từng cai trị Xích Quỷ, nhưng không có tấm khiên vinh danh họ Mạc – những kẻ “bán nước. Vòng hết đường quanh hồ, Vân
Thái dẫn họ vào khu phố lát đá đỏ trước những dãy nhà cổ loang lổ sơn.
Đã gần nửa đêm nhưng phố sá vẫn ken đầy người như thể có lễ hội. Tên tóc đỏ nhớ tháng 8 năm ngoái, hắn và Hỏa Nghi từng long nhong khắp chốn này vì món thịt chó(*).
Theo chân Vân Thái, bọn Vô Phong tạt vào một con ngõ hẹp nằm đâu đấy
giữa phố. Ngõ thẳng đuột, tối hù, hai bên trái phải tẽ vô số ngách nhỏ
dẫn vào nhà dân. Nhà chen chúc nhau nhô ra từng gian phòng bé tí tựa
chuồng cọp, bọn Vô Phong không tin nổi những chuồng ấy là nơi người ở.
Họ cảm tưởng đang bước trong một khúc xương cá, không ngửi được gió,
không cảm nhận nổi không gian. Nơi đây như một thế giới hoàn toàn khác
của Thiên Kỷ thành, bí bách ngột ngạt khôn tả.
Độ chục bước, Vân Thái dừng chân nhìn ngang ngó dọc. Anh ta quay lại,
thò đầu vô một con ngách rồi lẩm bẩm điều chi đó rồi đi tiếp nhưng chậm
hơn trước. Qua năm con ngách, Vân Thái rẽ vào ngách thứ sáu, kéo bọn Vô
Phong bước lên cầu thang gỗ ọp ẹp ẩm thấp. Hết cầu thang, họ băng qua
một lối chật hẹp xen giữa các gian nhà; Vân Thái và Thẩm Tháo nhỏ người
nên dễ lách, còn to cao như Vô Phong và Mi Kha thì phải khom lưng sụm
gối, khó chịu vô cùng. Tên tóc đỏ nhác thấy mọi gian nhà đều sáng đèn,
người bên trong cặm cụi làm đồ thủ công hoặc đồ gia dụng, máy móc chạy
suốt ngày điếc lỗ nhĩ. Nhưng nhiều thế hệ cùng hàng trăm con người đã,
đang và sẽ tiếp tục sinh sống ở nơi tù túng ầm ĩ này.
Lát sau, cả đám dừng trước căn phòng cuối lối đi hẹp. Vân Thái lần chùm
khóa tới lui mới mò được chiếc chìa mở cửa phòng. Cánh cửa xê dịch, bản
lề lộc rộc tiếng ốc vít chuyển động trong trạng thái gỉ nhoét. Bốn người bước vào một không gian có mái trần cao, Vô Phong lẫn Mi Kha thở phào
như trút được gánh nặng. Đèn bật sáng, nội thất căn phòng hiện lên với
bàn ghế cũ, tủ lưu trữ mẫu thử, ống nghiệm, vân vân. Phòng không nhỏ
nhưng đồ đạc nhiều nên di chuyển hơi khó khăn. Vân Thái nói:
-Thuê mặt bằng ở Thiên Kỷ thành rất đắt. Bố tôi đành thuê chỗ này, rẻ
hơn. Nếu không bận việc ở Viện Nghiên Cứu, ông cụ khéo đã sang thành phố khác.
Bọn Vô Phong bắt đầu kiểm tra căn phòng. Họ tìm thấy nhiều hóa đơn tiền
điện, tiền nước, đồ ăn nhanh bị vo viên và vứt dưới gầm bàn hoặc góc
nhà. Mi Kha cúi người rò rẫm sàn gỗ, ánh mắt chú mục vào bốn vết lõm
trên mặt nền. Vô Phong hỏi:
-Có chuyện gì sao?
Mi Kha chỉ bốn dấu lõm:
-Có một vật… một cỗ máy, nếu tôi không nhầm. Cái thứ ở đây được chuyển đi đâu vậy? – Cô nàng quay sang Vân Thái.
-Tôi không rõ! – Vân Thái lắc đầu – Tôi mới biết căn phòng này thôi. Hồi còn sống, bố tôi chỉ kể sơ qua về nó chứ tôi chẳng bao giờ đến. Mãi khi ông cụ mất, tôi mới cầm chìa khóa.
Mi Kha gật gù. Cả bọn tiếp tục tìm kiếm, sau tìm thấy một hóa đơn lạ nằm sau khe tủ chứa mẫu thử. Gọi là “lạ” vì tờ hóa đơn như nhánh đường ray
nằm lệch với trục tìm kiếm của bọn Vô Phong. Hóa đơn trả cho hộp đêm,
thanh toán những chai rượu đắt tiền và tiền thuê phòng nghỉ. Vân Tụy kỳ
quặc nhưng không thể tiêu tiền vào những thứ như vậy, người chi trả chỉ
có thể là Thát Khan (Mạt Lã). Hóa đơn trả vào một ngày tháng 10 năm
7514, Mi Kha thì thầm với Vô Phong:
-Anh chàng Mạt Lã của chúng ta không ngố lắm. Cũng biết tiêu tiền, nhỉ?
-Y ra nước ngoài, Mục Á kè kè một bên, sao còn thời gian tòm tem được?
-Ai biết? Đàn ông thèm của lạ, đàn bà nhớ tình xưa. – Mi Kha cười – Cứ
lần theo mấy địa chỉ này xem! Có khi lại lòi ra một con Sukka nào đấy.
(*) hồ Thuận Mệnh và khu phố lát đá đỏ ở Thiên Kỷ thành, xem lại Quyển 2 Chương 47