Ngủ Quên Dưới Giàn Thiên Lý

Chương 12




Tùng mang tới đặt trước bàn làm việc của tôi một cây xương rồng. Anh không ngại thể hiện những cử chỉ quan tâm đặc biết đối với tôi trước mặt cấp dưới. Thế nhưng, thay vì cảm thấy vui trước sự quan tâm của anh, tôi lại cảm thấy khó xử.

Buổi tối, chúng tôi đi dạo biển như đã hẹn. Tùng nhẹ nắm lấy tay tôi, cả hai cùng lặng im đi dọc bờ cát mịn và ẩm ướt. Thấy tôi quá trầm mặc, anh siết nhẹ bàn tay, dịu dàng hỏi:

- Em đang nghĩ gì?

- Em thèm ăn mực nướng quá!

Tùng cười, lắc đầu:

- Cô bé này! Mà em không hỏi anh đang nghĩ gì sao?

- Anh đang nghĩ gì?

- Anh nghĩ… làm sao để có thể được sống cùng với em. 

Tôi sững người, giật tay ra nhưng lại bị Tùng giữ chặt. Anh xoay người về phía đối diện, đặt bàn tay tôi lên phía ngực trái. Dưới lòng bàn tay áp sát vào vị trí chiếc túi trên áo sơ mi, xúc giác vẽ lên hình dạng một chiếc nhẫn. Tôi nghẹn lời, trân trối nhìn Tùng.

Anh ấy đang cầu hôn mình!

Ý tưởng này khiến tôi run lên. 

Chưa kịp định thần, Tùng đã quỳ một chân xuống cát và lấy chiếc nhẫn ra. Viên kim cương nhỏ trên mặt nhẫn lấp lánh dưới ánh trăng mờ nhạt. Đầu óc tôi hoàn toàn trống rỗng, khuôn mặt chắc trông đần độn đến nỗi Tùng phải kéo tôi ngồi xuống. Anh bẹo má tôi:

- Xem ra anh đã làm em hạnh phúc đến đông cứng lại rồi đây này. Thôi được rồi, đã vậy anh phải kiềm chế niềm hạnh phúc của em chậm lại một chút. Em không cần phải nhận lời anh ngay bây giờ mà để qua ngày mai, hoặc ngày mốt, hoặc sang tuần sau… nhận lời anh cũng được.

Sau đó anh thả tay tôi ra, vươn mình một cái ra chiều khoan khoái rồi nằm dài xuống cát. Hàng dương rì rào ca hát trong điệu vũ của biển và trời. Tôi bó gối ngồi bên cạnh Tùng, nhìn ra phía biển đêm vô tận. Phía xa, những đốm sáng của tàu thuyền đi lưới đêm nhấp nhánh nhảy múa, trông chẳng khác gì những vì sao đang treo phía trên đầu.

Đêm muộn, tôi gọi điện cho Giang. Con nhỏ thảng thốt:

- Anh ấy đã cầu hôn mày? Giờ mày tính sao?

- Tao không biết!

- Ơ cái con dở này. Mày theo anh Tùng tới đó, tao tưởng mày đã xác định tư tưởng rồi chứ. Thế mày còn lăn tăn cái gì? Đằng nào mày chẳng phải lấy chồng, sinh con. Anh Tùng yêu mày như thế còn gì?

Tôi nhắm mắt. Tôi biết nói ra điều này Giang sẽ chửi rủa tôi thậm tệ, nhưng quả thực mỗi khi ở bên cạnh Tùng, tôi đều tưởng tượng ra rằng mình đang ở gần bên Tuấn Anh.

Giọng Giang gay gắt:

- Quyên ơi, hãy tỉnh táo lại đi. Tuấn Anh đã mất từ lâu rồi. Còn mày mới là người đang sống. Mày phải sống tiếp, vì cuộc sống của chính mày, và có thể, cho cả phần của Tuấn Anh nữa. Đã đến lúc quên hết tất cả đau buồn của quá khứ đi. Anh Tùng là một người tốt. Mày cũng nói với tao mày thích anh ấy rồi còn gì. Vậy tại sao mày không nhân cơ hội này hãy quên hết quá khứ đi. Hãy nhận lời anh Tùng và bắt đầu sống một cuộc đời mới. Mày sẽ thấy hạnh phúc, rất hạnh phúc. Tin tao đi mà!

Tôi muốn tin theo lời Giang lắm, nhưng tôi biết rõ điều đó là không thể. Tôi cần thú nhận với Tùng mọi chuyện, nhưng tôi vẫn chưa góp đủ can đảm để đối diện với anh. Có lẽ là do tôi hèn nhát, biết chắc rằng đây là chuyện tôi sẽ phải đối mặt nhưng lại lần lữa chưa dám quyết. 

Và trong khi bạn đứng lại, không có nghĩa là mọi thứ đứng lại theo để đợi bạn. 

Tôi bị cấp trên gọi lên văn phòng. 

Trong căn phòng họp kín như bưng có vài người ngồi đợi sẵn. Tôi nhận ra một người là Giám đốc nhân sự, một người là thành viên Ban quản trị, còn những người còn lại thì tôi chưa từng gặp mặt. Họ đang ngồi đó, ở phía đối diện, nhìn tôi với ánh mắt như thể tôi là một… một cái gì đó nhỏ bé, đáng thương, không đáng cho họ phải bận lòng nhưng vì một lí do bí ẩn nào đấy mà sáng nay, họ phải ngồi đây, tập hợp quanh chiếc bàn họp này để đưa ra một quyết định chẳng mấy tốt đẹp giáng xuống đầu tôi.

Chẳng rào trước hay đón sau, vị Giám đốc nhân sự ném một tập giấy xuống bàn:

- Hồ sơ nhân viên của cô nộp cho công ty thiếu mất bằng đại học. Cô có thể bổ sung liền được không?

Tôi cứng cả người lại, lắp ba lắp bắp:

- Tôi… tôi…

Giọng vị Giám đốc thiếu kiên nhẫn:

- Thôi để tôi nói trắng ra cho đỡ mất thời gian. Chúng tôi thừa biết là vào năm thứ hai, cô đã bị đuổi học. Chúng tôi không thể chấp nhận một nhân viên mới đạt trình độ trung học trong một công ty lớn như thế này được. 

Tôi cúi đầu im lặng. Những ánh mắt mỉa mai, thương hại đang bắn thẳng vào tôi với cường độ khiến cho da đầu tôi tê rần. Tai tôi ù đi, đầu óc đặc quánh. Hàng vạn con kiến li ti đang bò quanh viền mắt, tôi dụi mắt liên tục.

- Bằng cách chạy chọt nào đó mà cô đã lọt vào đây làm nhân viên, chúng tôi sẽ không truy cứu trách nhiệm nữa. Thế nên, để cho mọi chuyện được giải quyết êm xuôi và cũng là có lợi cho cô, chắc cô tự biết mình phải làm gì. Chúng tôi cho cô một tuần để giải quyết. – Ông ta ngừng lại một chút: - Thế có đủ không?

Tôi cũng không hiểu làm thế nào mà tôi có thể trở về nhà trọ sau khi rời khỏi văn phòng một cách nhục nhã như thế. Suốt trên đường, tôi cứ cúi gằm mặt xuống, cảm giác chỉ cần ngẩng đầu lên, người ta ngay lập tức sẽ nhổ nước miếng lên mặt mình. 

Tôi nằm vật ra giường, muốn khóc lắm nhưng hốc mắt lại ráo hoảnh. Ngày trước, tôi thi đỗ đại học vốn đã được coi là cả một kỳ tích. Năm thứ nhất, việc học của tôi diễn ra bình thường. Nhưng đến năm thứ hai, mọi thứ trở nên khó khăn hơn. Tôi không thể tập trung vào bài giảng, ngồi trên giảng đường lúc nào cũng cảm thấy như có một đàn ong đang vo ve làm tổ trong đầu mình. Thời điểm đó, tôi đến trường chỉ để chui vào văn phòng khoa Tài chính chơi cờ tướng với Vương đại ca. Cuối năm hai, Vương đại ca khuyên tôi nên bảo lưu kết quả, nghỉ ngơi một năm rồi hãy tiếp tục đi học lại. Nhưng thời hạn một năm đã kéo dài ra đến tận bây giờ. Hồ sơ sinh viên của tôi ở trường chắc cũng đã bị hủy, tuy nhiên cả tôi và Vương đại ca đều cho rằng việc học đại học vốn không mấy quan trọng. Kiến thức ư? Tôi sẽ chẳng cần áp dụng đến mớ kiến thức phi thực tế đó. Việc làm ư? Vương đại ca đã bọc lót cho tôi vào công ty của anh mà chẳng ai bắt bẻ gì. Tôi đã quên rằng, trừ công ty của Vương đại ca ra, sẽ không có bất kỳ một công ty nào khác chứa chấp nổi người như tôi.

Nhớ đến Vương đại ca, tôi bỗng thấy tủi thân ghê gớm. Tôi vẫn nhớ mỗi lần có chuyện gì xảy ra, tôi đều bù lu bù loa đến tìm anh. Vương đại ca sẽ thô bạo vò tóc tôi, cười hề hề:

- Ối giời! Tưởng chuyện gì! 

Tôi mò chiếc điện thoại trong túi xách ra, không ngăn nổi mình bấm số của Vương. Tôi muốn nghe tiếng cười vô tư lự của anh, muốn được anh an ủi, muốn được nghe anh nói với mình: “Cà Rốt ơi là Cà Rốt! Đâu sẽ có đó. Thịt chó sẽ có lá mơ! Lo cái quái gì chứ!”. 

Chuông nhạc chờ điện thoại vang lên phía đầu bên kia. Qua ba hồi, sóng di động đã được kết nối. Nhưng người bắt máy lại là người tôi không muốn gặp chút nào. 

- Alo, ai đấy ạ! – Chất giọng ngọt như mía lùi của Phương Mai thánh thót rót vào tai. Tôi cảm thấy thất vọng ghê gớm.

- Alo…?

- Cho tôi gặp anh Vương!

- Dạ, anh Vương… Ủa? Cô là Đỗ Quyên có phải không?

- Đúng là tôi đây! Tại sao cô lại nghe điện thoại của anh Vương vậy? Anh ấy không có trong văn phòng à?

- Văn phòng? Chúng tôi đang ở nhà của anh ấy. – Giọng Mai bốc lửa đầy vẻ ỡm ờ huyền bí. – Anh Vương đang ở trong phòng tắm. 

Tôi nhìn đồng hồ. Bây giờ mới là quãng trưa, vậy mà bọn họ vẫn đang cùng nhau ở nhà. 

Giọng Mai bốc lửa vẫn uể oải, biếng nhác:

- Hôm nay, lẽ ra phải đến văn phòng từ sớm vì có hẹn với đối tác quan trọng vậy mà anh ấy cứ đòi hỏi mãi không chịu dừng lại. Cô gọi có chuyện gì không? Nếu không có chuyện gì thì tôi cúp máy đây. Tôi đang mệt muốn chết. Eo như muốn gẫy ra làm đôi vậy. 

Chiếc điện thoại rơi đánh “chát” một tiếng xuống nền nhà, bung ra làm ba mảnh, nắp đi đằng nắp, pin đi đằng pin. Tôi ngồi thẫn thờ ở trên giường. Căn phòng im ắng quá. Tôi nghe rõ tiếng trái tim mình đập “thịch, thịch, thịch”, dội cả vào bốn bức tường câm lặng. Tôi thật quá ngây thơ và ngu ngốc khi đã đặt hết hy vọng vào cuộc điện thoại này. Sự thật hiển hiện khiến trong tôi, có một cái gì đó đang vỡ ra, toang hoác, tê tái đau và rươm rướm máu. 

Tôi òa khóc. 

Tôi khóc một trận tả tơi hoa lá. Một trận đã đời sương khói. Nước mắt như nước lũ tràn đê. Đã lâu rồi tôi không khóc. Sự thật là kể từ hồi mười lăm tuổi, tôi đã không thể rớt một giọt nước mắt. Thế nhưng bây giờ tôi đang khóc, ruột gan cồn cào co thắt như sẵn sàng tan chảy ra thành nước. Càng khóc, nỗi chua xót, buồn tủi càng chồng chất. Tôi nhận ra mình chỉ là một đứa trẻ đáng thương còn cuộc sống này thật vô nghĩa lý.