Ngón Tay Những Người Nghệ Sĩ

Chương 29




*Chim đa đa bay - 鹧鸪飞: bản nhạc độc tấu sử dụng sáo Giang Nam tiêu biểu của Trung Quốc, xuất xứ từ nhạc dân gian Hồ Nam, xuất hiện lần đầu trong "Tuyển tập nhã nhạc Trung Hoa" năm 1926, sau đó được nhiều bậc thầy âm nhạc dân tộc trong nước chuyển thể thành phiên bản sử dụng sáo trúc, trong đó bản của Lục Xuân Linh và bản của Triệu Tùng Đình là nổi tiếng nhất.

—-------------------------------------------

Chiếc bàn dài kê gần ngưỡng cửa, cánh cửa mở rộng, ánh mặt trời nghiêng nghiêng chiếu vào phòng, chiếu lên cả một hàng dài nồi niêu chum vại ly chén bằng sứ trắng đặt trên bàn.

Hạ Thận Bình ngồi một bên bàn gỗ, trước mặt đặt một cái ấm trà men gốm, ông đang vẽ lên mặt gốm một cành hoa mai. Phía đối diện ông là một người đàn ông trông lớn tuổi hơn một chút, tóc hơi hoa râm, những ngón tay thô ráp đang vẽ phong cảnh giang sơn tráng lệ lên một chiếc bình lớn.

"Thầy Giang ——" Vương Bân từ xa chạy tới, hình như cậu ta chạy rất lâu nên mặt bị phơi hơi đỏ lên, "Ấy, thầy Hạ cũng ở đây ạ."

Giang Hạc Lai đang híp mắt nhìn cái bình, bàn tay cầm bút dừng giữa không trung, bàn tay kia chặn Vương Bân lại: "Đi chậm một chút, cậu đi cứ như đất rung núi chuyển ấy."

Vương Bân lau mồ hôi, cười ha hả: "Tôi đứng yên ở đây thôi, thầy cứ vẽ tiếp đi. Cơ mà trong xưởng vừa lập tổ công tác, đang mở cuộc họp giám định đấy, lãnh đạo bên đó sai tôi tới báo cho thầy một tiếng, nói đã sắp đến tháng năm rồi, thầy tới đây cũng được ba năm, tới kỳ hạn yêu cầu giám định."

Giang Hạc Lai đáp một tiếng: "À." Sau đó lại tiếp tục vẽ giang sơn của ông ta.

Vương Bân thấp giọng: "Thầy chưa biết à, nếu kết quả giám định tốt, thầy không cần ở xưởng đồ sứ này nữa rồi."

Giang Hạc Lại vừa vẽ vừa hỏi: "Ồ, kết quả như thế nào thì gọi là giám định tốt?"

Vương Bân nói: "Tôi làm sao biết người ta giám định thế nào...... theo ý tôi thì chắc là tiêu chuẩn hòa mình vào quần chúng, là người tốt."

Giang Hạc Lai cười nhạo một tiếng, ria mép hơi vểnh lên: "Cậu cho là tôi không biết à? Tôi đã bị giám định hai lần, nếu tôi là người tốt thì đã sớm đi khỏi đây rồi."

"Thầy có phải người tốt hay không, thầy nói không tính, tôi nói không tính, phải để tổ công tác nói thì mới được tính." Vương Bân nhìn Giang Hạc Lai vẫn mải mê vẽ không thèm để ý chuyện gì, gấp đến độ gãi đầu, mặt mày ủ ê nói, "Ây dà, thầy mau đi đi, nếu không tôi biết về nói với lãnh đạo thế nào?"

Giang Hạc Lai vẽ nửa ngày, cuối cùng vẽ màu nền cho bức họa giang sơn xong đâu đấy mới thả bút đứng lên vươn vai: "Thôi được rồi, đi thôi, biết đâu năm nay tôi lại biến thành người tốt cũng nên." Trước khi đi ông ta nhìn qua cành hoa mai của Hạ Thận Bình, "Cậu em Thận Bình này, hoa mai của cậu trông câu nệ quá."

Vương Bân nhìn Giang Hạc Lai đi rồi mới nhẹ nhàng thở phào, bắt đầu nói chuyện phiếm với Hạ Thận Bình: "Thầy Hạ, nếu tổ giám định gọi thầy đi, thái độ thầy đừng giống thầy Giang, không cho ai vào mắt như thế......"

Hạ Thận Bình không nói gì nhiều, Vương Bân thấy ông bận rộn, nói thêm mấy câu nữa rồi cũng đi mất. Cậu ta đi được mấy chục bước thì bị vài công nhân tạp vụ cản lại, xách đến dưới chân tường, chưa kịp phản ứng thì đã bị ăn một cái tát không nhẹ không nặng: "Vương Bân, có phải đầu mày đụng vào chỗ nào rồi không hả?"

Vương Bân xua tay đẩy người ra, nâng mắt lên mới thấy rõ người trước mặt là ai: "Nói linh tinh cái gì đấy, tự dưng lại đi mắng tao?"

"Trong cái xưởng này chẳng có mấy người làm công tác văn hóa, nếu không phải giống lão già họ Giang không thèm để ý đến chúng ta thì cũng là loại điên điên khùng khùng, khó khăn lắm mới có người tình nguyện giúp chúng ta viết thư, đã viết được tận mấy tháng rồi, nếu ông ấy giám định mà có kết quả tốt thì lại phủi mông đi mất, thế ai giúp chúng ta đọc thư viết thư nữa?"

Vương Bân nhổ "phì" một tiếng: "Cái đám nhãi ranh này, công việc của người ta đâu phải là chuyên môn đi viết thư cho nhà chúng mày."

"Vương Bân, thế mày không muốn viết thư cho em gái mày nữa à, nếu ông ta đi mất thì mày chỉ biết ôm cái hộp sắt khóc lóc thôi, còn rảnh ở đây mà làm người tốt nữa đi."

"Đúng thế, chúng tao bàn với nhau rồi, nếu thầy Hạ cũng bị gọi đi giám định, chúng tao liền nói rõ tình hình với lãnh đạo, nói ông ấy không hòa đồng với quần chúng nhân dân, chưa cải tạo tốt, không được thả về."

Vương Bân cực kỳ giận, lật tay cho người nọ một đấm: "Lương tâm mày ném cho chó ăn rồi à?"

"Lương tâm mày mới để chó ăn ý." Bọn họ xông lên đè Vương Bân lại, "Thầy Hạ ở lại đây chỉ có mỗi việc viết chữ với vẽ bình, nếu thầy bị bệnh còn có người cơm bưng nước rót, việc gì mà không thể ở?"

"Đúng, công việc của ông ta là do tao đổi cho, giờ không cần đi vác đá nữa, ở lại ít lâu viết chữ thì có làm sao?"

Vương Bân không đủ nhanh miệng, không nói lại mấy người bọn họ, cậu ta cũng không có nền tảng văn hóa, nghe qua chỉ thấy bọn họ nói không đúng, nhưng lại không thể nói rõ là không đúng chỗ nào, chỉ có thể bị bọn họ ấn xuống, vừa chửi bậy vừa thở phì phò.

Chờ cho đám người kia bỏ đi, cậu ta đứng dưới chân tường nửa ngày hết đấm lại đá, còn đứng moi vôi vữa trên tường rụng đầy xuống đất. Vương Bân nhìn mấy vết tróc trên tường gạch, đột nhiên đầu óc linh hoạt lên, quay người đi tìm Hạ Thận Bình.

Cậu ta đến nơi thì Giang Hạc Lai cũng vừa trở lại, cậu ta vội hỏi: "Thầy Giang giám định thế nào?"

Giang Hạc Lai không trả lời, chỉ lấy một cây bút cực mảnh, vẽ lên mặt sông mênh mang trên mặt bình một ông lão đầu bạc.

Hạ Thận Bình đã vẽ xong hoa mai, đang muốn gọi Giang Hạc Lai qua góp ý một chút, nhìn thấy hình ông lão thì than nhẹ một câu: "Nhất thoa yên vũ nhậm bình sinh." (một lần trú mưa bụi mất cả đời)

Giang Hạc Lai viết lên bức tranh giang sơn hai hàng chữ rồng bay phượng múa, Hạ Thận Bình thậm chí thấy được chút ý tiêu dao tự tại giữa những con chữ:

Hồi thủ hướng lai tiêu sắt xử

Quy khứ

Dã vô phong vũ dã vô tình

(Ngoái cổ lại nhìn nơi hiu quạnh. Rời bước, không mưa không gió cũng không hanh)

Vương Bân nhìn nửa ngày cũng không hiểu: "Trên này viết cái gì vậy, kết quả giám định thế nào?"

Hạ Thận Bình nhìn qua, trong mắt hiện lên ý cười: "Thầy Giang sắp đi rồi."

Vương Bân ngạc nhiên nói: "Thầy Hạ, sao thầy biết?"

Hạ Thận Bình không nói gì, Giang Hạc Lai ném bút, xua xua tay, vừa đi vừa nói: "Đã có quyết định, tháng chín này đi."

Vương Bân nhìn theo bóng dáng Giang Hạc Lai, lúc này mới nhớ ra mục đích đến đây của mình: "Thầy Hạ...... nếu thầy rảnh rỗi, có thể dạy tôi viết chữ được không?"

Hạ Thận Bình không hỏi nguyên do, chỉ đáp một tiếng: "Được." Đối với ông, học đọc học viết không cần lý do, không muốn học mới cần.

Sau khi Vương Bân bắt đầu học chữ, cũng có người rục rịch muốn học theo. Ban đầu chỉ dạy học trong phòng ngủ, sau đó người theo học nhiều quá, Hạ Thận Bình viết chữ lên giấy những người ngồi sau không thấy được, cũng không thể viết theo, vì thế đành tìm chỗ dạy ở ngoài trời.

Bên cạnh xưởng đồ sứ có một mảnh rừng mơ, thời điểm nghỉ trưa vừa lúc có thể học dưới bóng cây, Hạ Thận Bình dùng nhánh cây viết chữ xuống đất, những người khác viết theo. Về sau hừng đông ngày càng đến sớm, buổi trưa quá nóng nực, bóng cây không đủ chỗ cho mọi người chen chúc, đành đổi giờ học thành sáng sớm trước giờ làm việc.

Dần dần đã có vài người có thể tự viết những bức thư đơn giản gửi về nhà, nhưng cũng có nhiều người căn bản không muốn học, vẫn theo thói quen cũ nhờ Hạ Thận Bình viết thư hộ.

Một ngày nọ ăn cơm tối xong, Hạ Thận Bình lại viết giúp mọi người mấy bức thư, từ nhà ăn về đến ký túc xá trời đã tối mịt, bỗng nhiên ông thấy một bóng người thất hồn lạc phách đi ra khỏi xưởng đồ sứ.

Ông nhận ra bóng dáng kia nên vội vàng gọi: "Thầy Giang?"

Giang Hạc Lại đẩy ông ra: "Đừng để ý đến tôi."

Hạ Thận Bình không yên lòng, đành đi theo sau Giang Hạc Lai ra khỏi xưởng đồ sứ, đi đến cánh rừng mơ.

Giang Hạc Lại đào đất dưới một gốc mơ lên, ông ta không mang công cụ gì, chỉ dùng hai tay không cào đất, cào đến bụi đất mù mịt, vừa đào còn vừa lẩm bẩm gì đó trong miệng.

Đống đất bên miệng hố ngày càng cao, lộ ra một cái vò sứ bên dưới.

Giang Hạc Lai ôm cái vò lên, sờ soạng nửa ngày mới mở được niêm phong ra, chỉ nghe "póc" một tiếng, trong chớp mắt, hương rượu bay khắp bốn phía rừng mơ.

Giang Hạc Lai ôm cái vò ngồi bên đống đất mới đào, qua một lúc đâu mới ngẩng đầu nhìn vào mắt Hạ Thận Bình, phát hiện trong tay ông còn cầm theo hộp cơm từ nhà ăn đi ra.

"Cho tôi mượn hộp cơm dùng một chút." Giang Hạc Lai mở hộp cơm ra, nâng vò rót rượu lên hai ngăn hộp và nắp hộp, "Uống không? Tôi giấu ba năm rồi đấy, chỉ hời cho ông."

Hạ Thận Bình cầm lấy cái nắp, ngồi xuống bên cạnh gốc cây uống một ngụm, rượu rất thơm, nhưng còn hơi chua.

Giang Hạc Lai uống một hơi hết nửa hộp cơm, nấc một cái: "Vốn dĩ rượu này chờ đến ngày tôi đi mới mở ra, nhưng bây giờ không đi được nữa, nhân lúc còn sớm tranh thủ uống đi."

Hạ Thận Bình chần chừ một lát vẫn hỏi: "Vì sao không đi nữa?"

Giang Hạc Lai không để ý đến ông, chỉ mải uống rượu, rượu trong hộp còn một nửa, ông ta lại nâng vò lên rót đầy, lại uống, lại rót, cuối cùng uống sạch một vò rượu, ông ta vẫn tiếp tục rót, mơ bị ngâm mềm rục dưới đáy vò cũng rơi ra lăn đầy đất.

Ông ta ngơ ngẩn nhìn mấy quả mơ, đột nhiên nôn ra, nôn cho cả người dơ bẩn nhếch nhác rồi bắt đầu gào khóc.

"Cậu em Thận Bình, tôi nhớ cậu kể cậu có hai đứa một trai một gái, đúng không?" Ông ta vừa khóc vừa hỏi.

Hạ Thận Bình không biết nên khuyên nhủ như thế nào, đành phải đáp: "Đúng vậy."

Giang Hạc Lai lại hỏi: "Bọn chúng có viết thư cho cậu à."

Hạ Thận Bình đáp: "Đúng vậy."

Giang Hạc Lai nói: "Cậu kể cho tôi nghe đi."

Hạ Thận Bình nói vài câu, muốn đỡ Giang Hạc Lai nhưng ông ta không chịu, cứ tiếp tục nói: "Kể chuyện từ ngày nhỏ đến lớn đi, kể nhiều một chút, nhiều một chút...... Bọn chúng lớn lên như thế nào?"

Ông nói rất lâu, đến khi sắc trời hoàn toàn tối đen, trăng rằm từ rặng núi xa xa đã treo trên đầu cành mơ, Giang Hạc Lai uống quá nhiều rượu, liên tục nôn mửa, nôn đến khi không thể nôn được nữa mới nằm nghiêng qua một bên ngủ mất.

Sáng sớm ngày hôm sau, Hạ Thận Bình đi dạy học, được nửa đường thì có người đi đối diện đụng phải.

Người nọ đang vội vã chạy trở về, căn bản không thấy rõ là Hạ Thận Bình, bị đụng phải lập tức mắng: "Nhìn đường đi chứ, chó ngoan không cản đường."

Hạ Thận Bình đỡ người sang bên cạnh: "Có chuyện gì vậy?"

Người đó nghe thấy tiếng nói, ngẩng đầu lên mới biết là Hạ Thận Bình, cậu này cũng học chữ ở chỗ ông nên lập tức áy náy: "Thầy Hạ, thật ngại quá, ngại quá."

Hạ Thận Bình không để ý, chỉ hỏi: "Xảy ra chuyện gì?"

"Trong rừng mơ, Giang Hạc Lai ——" ngoại trừ Hạ Thận Bình và Vương Bân, trong xưởng không ai gọi Giang Hạc Lai là thầy.

Đêm hôm trước Hạ Thận Bình cõng Giang Hạc Lai trở về, lúc này ông vừa nghe đến rừng mơ, liền nhớ lại vò rượu mơ và tàn tích đầy dưới đất vẫn chưa được dọn dẹp.

Nhưng ngay sau đó, người nọ liền nói: "Giang Hạc Lai treo cổ trong rừng mơ rồi, treo trên một thân cây, mặt mày hù chết người ta, dưới gốc cây đầy mơ ngâm lăn lóc, còn có một vò rượu, nhưng rượu bị uống hết......"

Âm thanh của cậu ta bị ném lại đằng sau, Hạ Thận Bình vội vã chạy đến rừng mơ đã thấy người treo lủng lẳng trên cây.

Hạ Thận Bình muốn ôm Giang Hạc Lai xuống, nhưng ông chỉ có một mình không đủ sức, vì thế bèn nhặt một cục đá cắt đứt dây thừng.

Cuối cùng dây thừng bị cắt, thi thể rơi ầm xuống mặt đất, Hạ Thận Bình nâng người lên, thân thể vẫn còn độ ấm, chưa cứng đờ, toàn thân còn tản ra mùi rượu mơ, không khác mấy với người ông cõng về phòng đêm hôm qua là bao.

Hạ Thận Bình vác người lên chạy về xưởng đồ sứ, gặp một công nhân đi ra rừng mơ học liền nói một câu: "Hôm nay tạm nghỉ."

Ông nói xong thì phía sau lại đi theo một người, cuối cùng cả một đám người cùng theo Hạ Thận Bình trở về xưởng.

Dù xảy ra chuyện nhưng công nhân vẫn phải vào ca, đá ở khu mỏ còn chờ gánh, lò còn đốt lửa, phôi còn chờ tráng men, tiến độ công việc là quan trọng nhất, không ai chờ được.

Cho nên mãi đến tối ngày hôm đó, Hạ Thận Bình mới biết được nguyên do tại sao lại xảy ra chuyện này.

Bạn ở cùng phòng với Giang Hạc Lai giao mấy phong thư cho Hạ Thận Bình, nói là ông ta đặt dưới gối đầu, nhờ Hạ Thận Bình đọc thử.

Hạ Thận Bình đọc từng hàng từng hàng, công nhân cùng phòng hỏi: "Rốt cuộc xảy ra chuyện gì? Tôi thấy ông ta đọc thư xong thì như mất hồn mất vía, người ta không cho ông ta về nữa hay là sao?"

Hạ Thận Bình cầm thư, ngẩng đầu nhìn chung quanh nửa ngày, cuối cùng tìm thấy một cái ghế dựa, đỡ lưng ghế chậm rãi ngồi xuống.

Bạn cùng phòng vội la lên: "Thầy Hạ, thầy mau nói đi."

Hạ Thận Bình trả lời: "Phía bắc bị mất mùa, người nhà ông ấy...... chết đói."

"Tất cả đều chết đói? Cha mẹ vợ con đều chết đói hết? Con cái cháu chắt gì cũng chết đói? Bây giờ không phải đang mùa hè sao?"

"Chưa tới đầu xuân năm nay thì đã...... chỉ là tin tức tới quá muộn." Dạ dày Hạ Thận Bình cuộn lên từng trận, muốn nhịn xuống, nhưng cuối cùng vẫn nôn hết bữa cơm tối ra ngoài.

"Sao lại nôn? Ăn phải cái gì hỏng rồi?" Công nhân cùng phòng nhanh chóng tìm một cái khăn lông, lại rót một cốc nước, "Cũng tội nghiệp quá, tôi nghe nói nhà ông ta có mấy miệng ăn, ông ta là thầy dạy vẽ, nhà cửa cũng khấm khá, tại sao lại chết đói hết được?"

Hạ Thận Bình ngồi yên nửa ngày, đến một ngụm nước cũng không uống.

Mãi cho đến lúc rời đi, ông cũng không nói ra, không phải toàn bộ người nhà họ đều chết vì đói.

Mùa hè năm đó, Hạ Thận Bình thường xuyên nôn mửa, không muốn ăn uống gì, đặc biệt không thể ăn thức ăn mặn, cũng may là một năm công nhân trong công xưởng cũng không có bao nhiêu cơ hội được ăn thịt.

Đôi khi ông lo lắng đi vòng quanh xưởng đồ sứ, muốn tìm thứ gì phát ra âm thanh giống đàn để đánh, nhưng thật sự không thể tìm thấy, cuối cùng chỉ có thể chặt một cây trúc tốt, tước hết cành khoét lỗ cũng có bảy tám phần giống cây sáo, ngồi thổi dưới gốc mơ.

Mơ trong rừng từ màu xanh chuyển thành màu đỏ, lần lượt bị người ta hái hết, chỉ có cây mơ Hạ Thận Bình thường xuyên ngồi dựa vào, trái vẫn mọc um tùm, mọc trĩu cả cành, cuối cùng chín rục rơi đầy đất cũng không có ai ăn.

Những quả còn trên cành chưa rụng, Hạ Thận Bình hái xuống ngâm rượu, chôn dưới đất.

Trời chuyển lạnh, tiết học sáng sớm lại đổi thành buổi trưa, người có thể tự đọc tự viết ngày càng nhiều lên, Hạ Thận Bình không chỉ dạy chữ nữa, mà còn giảng cả văn chương, sau đó dạy thêm chút lịch sử, văn học lịch sử ông dạy không chỉ gói gọn những bài học trong nước.

Một ngày nọ hết tiết, Vương Bân chờ tất cả mọi người đi hết mới lén đưa một quả trứng gà cho Hạ Thận Bình, cậu ta nói: "Thầy Hạ, thầy gầy như vậy rồi, nên ăn thêm vào đi."

Hạ Thận Bình không nhận.

Đây đã là lần thứ bảy trong tháng cậu ta đưa trứng gà cho Hạ Thận Bình, lần nào ông cũng không nhận. Một quả trứng Vương Bân có thể đưa hai lần, trước khi trời sáng nấu chín, ngày đầu tiên đưa một lần, ngày hôm sau lại đưa lần nữa, ngày thứ ba trứng hỏng cậu ta đành phải tự mình ăn luôn, qua ngày thứ tư lại nấu một trái mới.

Cho đến khi cậu ta lén nấu quả trứng thứ năm trong tháng trong buồng nồi hơi, một nhà làm nông ở gần xưởng đồ sứ tìm tới, nói trong xưởng này có người ăn trộm trứng nhà ông ta.

"Trong nhà có một con gà mái đen, vừa mới đẻ xong, ổ vẫn còn ấm, nhưng trứng thì chả thấy đâu nữa." Ông nông dân xách theo một con gà đang đập cánh đứng trước mặt lãnh đạo xưởng lên án.