Mấy hôm ấy dở giời, chẳng hiểu sao bà nội Gia Văn bỗng dưng kêu đau người. Bà đã ngoài chín chục tuổi cho nên một câu đó cũng đủ làm cả nhà lo đến sốt sắng hết lên. Những ngày đấy, Gia Văn và Lâm Khanh vẫn thường xuyên lui tới thăm bà. Sáng nào nhìn vào trong phòng, cũng thấy hai người đang ngồi ở bên trong.
Sáng hôm ấy, đích thân Lâm Khanh nấu cháo gà đem lên phòng cho bà nội Gia Văn. Khi mở cửa ra, anh thấy cậu cũng đang ngồi trong phòng giúp bà đánh gió. Lâm Khanh mỉm cười một cái, đem bát cháo nóng hổi đặt xuống trên bàn gỗ. Lúc này, bà nội không quấn khăn lụa đen. Mớ tóc dài búi gọn sau đầu lộ ra màu sắc bạc trắng như dây cước.
"Bà ạ, hôm nay trời hơi lạnh, bà ăn ít cháo đi! Cháo này nấu bằng nước ninh xương gà, tốt cho xương, cháu nghĩ bà sẽ thích."
Gia Văn nhỏ nhẹ nói, dùng hai tay đỡ bà nội ngồi dậy. Bàn tay nhăn nheo của bà phất khăn tay, đôi mắt liếc nhìn bát cháo nóng để trên bàn. Thấy Lâm Khanh vẫn đứng yên không chịu ngồi, bà ho nhẹ hai tiếng, ý nhị dùng khăn che miệng đi. Bà nhìn về phía bàn tay đang đặt trên tấm chăn mỏng của mình, nói.
Lâm Khanh mỉm cười dùng thìa múc cháo. Anh cẩn thận thổi cho nguội rồi đưa đến trước mặt bà của Gia Văn. Bà nội cũng giơ tay đỡ lấy chiếc thìa, từ tốn nếm thử thìa cháo nóng. Cháo nấu không loãng không đặc, gạo nếp lẫn đậu xanh được ninh đến nở bung. Mùi thơm của hành lá, thịt gà và nước ninh xương hòa quyện. Hương vị vừa thấm vào miệng liền tan ra khiến người ta lưu luyến không dứt.
Gia Văn trông vẻ mặt của bà mình, nhanh nhẹn chen vào tiếp lời.
"Bà thấy không? Cháu không nói sai với bà mà! Ngày xưa cháu ốm, cháu vẫn luôn thích ăn đồ ăn anh Khanh nấu nhất. Anh ấy từng nhiều năm chăm sóc em gái bị bệnh cho nên đối với người ốm lúc nào cũng rất cẩn thận, chu đáo quan tâm."
"Bà biết, Lâm Khanh rất tốt, tất nhiên không có gì để chê. Nhưng cháu cũng phải nhớ nhé, cháu là đàn ông, phải ăn sam ăn sưa, không thể chỉ cứ chăm chăm ăn mãi một món. Đàn ông như con thuyền, làm việc lớn, đi nơi xa. Nếu cứ mãi rúc trong xó nhà thì không thể là người có chí khí được."
Lời của bà nội tưởng như vu vơ, nhưng Lâm Khanh nghe được liền thấy nghẹn. Nói như vậy, dường như đang ẩn ý nhắc nhở Gia Văn phải phong lưu mạnh mẽ, không thể cứ suốt ngày quấn quýt bên anh. Một phần, do anh không thể trở thành một người bạn đời hoàn hảo cho nên bà mới có tư tưởng như vậy. Nếu người Gia Văn đem về là một cô gái, không chừng bà nội sẽ không quá lạnh nhạt với người ta như vậy.
Lâm Khanh dù buồn nhưng trong lòng vẫn không xuống tinh thần. Bản thân anh là vì Gia Văn mà muốn gần gũi với người thân của cậu nên cũng không quá nặng lòng với những điều kia. Anh coi như nghe không hiểu gì, vẫn từ tốn múc cháo, thổi nguội rồi đưa cho bà từng miếng nhỏ. Động tác cẩn thận tôn kính không khác những khi chăm sóc cho mẹ già, em thơ ngày trước.
"Gia Văn, chỗ đấy bà đang đau, đừng ấn mạnh quá!"
Ngón tay Gia Văn lướt qua nơi hơi hõm xuống trên bả vai bà, sức ấn hơi mạnh khiến cho bà nhỏ giọng kêu đau. Lâm Khanh nhìn vẻ mặt lúng túng của cậu, liền nháy mắt ra hiệu cho cậu cầm lấy bát cháo. Anh đổi chỗ với cậu, chuyển đến ngồi sau lưng bà của Gia Văn. Bà cụ hơi nhíu mày nhưng cũng không tỏ vẻ gì. Anh thấy vậy, liền bắt đầu đánh bạo thoa dầu lên ngón tay rồi nhẹ nhàng nắn bóp trên cổ cho bà. Ngón tay vừa chạm đến, những khớp xương cứng như dần được mở ra. Toàn thân bà dần nhẹ nhõm, vì thế cũng để yên cho anh xoa bóp trên lưng mình.
"Bà ngồi yên một chút, cháu giúp bà đấm lưng. Ngày xưa, cháu cũng từng chăm sóc em gái như vậy, sẽ có kinh nghiệm hơn Gia Văn. Bà ngồi thẳng nhé, nếu có đau thì cứ bảo cháu."
Bà nội Gia Văn ậm ừ, có lẽ đang do sự quan tâm này mà cảm thấy áy náy về hành vi của mình ban nãy. Gia Văn thấy vậy mừng thầm trong lòng, đích thân múc từng muỗng cháo lên mời bà xơi. Một hồi sau, bỗng nhiên như nhận ra điều gì, bà cụ khẽ nói.
"Bình thường sáng nay vợ anh cháu được nghỉ, hai bác dâu của cháu chắc cũng chẳng phải đi đâu. Các bác cháu bận việc thì không nói, con hai hôm nay bận đi làm nên hôm qua cũng sang thăm bà rồi. Vậy mấy người kia sao giờ này vẫn chẳng thấy đâu?"
Ánh mắt Gia Văn hơi lóe lên. Cậu hạ mi xuống, từ tốn đáp.
"Cháu không biết nữa, có lẽ họ bận việc gì đi chung chăng?"
Lâm Khanh ở bên vai cũng gật đầu, tiếp lời.
"Cháu cũng nghĩ thế. Có khi do bai bác trai bận việc nên mới nhờ vợ con đi lên tỉnh mua thuốc men thức ăn giúp cho bà."
Bà nội không nói thêm gì, vẫn tiếp tục chuyên tâm ăn cháo gà trong chén sưa. Hôm nay bà ăn được nhiều hơn mọi ngày, một lần ăn hết được gần một bát tô. Sắc mặt vì thế cũng hồng hào hơn nhiều. Khi ăn xong, bà dùng khăn lau miệng, nhẹ nhàng nói.
"Cháo hôm nay rất ngon. Lần sau cứ nấu như vậy đi. Chính ra cháo Lâm Khanh nấu còn ngon hơn ngoài hàng, thậm chí còn hơn cả tay nghề của vợ bác hai cháu rồi đấy."
Một câu nói ấy của bà nội đủ khiến Gia Văn và Lâm Khanh cùng nhau cười đến tít mắt. Gia Văn biết Lâm Khanh muốn ở gần bà nhiều hơn, nên tự mình một mình cầm bát đũa ra ngoài, để yên cho anh một mình ở lại trong phòng cùng với bà.
Đợi cho đến khi Gia Văn đi rồi, Lâm Khanh mới từ tốn lên tiếng hỏi.
"Bà ơi, bà còn đau ở đâu không?"
"Không...Không, tay nghề của cháu...tốt lắm."
Bà nội có hơi ấp úng, do ái ngại về việc lỡ lời ban nãy mà không dám một câu nói quá nhiều với Lâm Khanh. Một lúc sau, cho đến khi thấy anh vẫn mãi yên lặng, bà mới từ tốn lên tiếng hỏi tiếp.
"Lâm Khanh này, ban nãy bà nghe cháu kể rằng cháu từng tự tay chăm cho mẹ và em gái bị bệnh trước kia. Bây giờ, họ sao rồi?"
Lâm Khanh không ngờ bà cụ sẽ bất ngờ hỏi câu này. Trong một khắc, sắc mặt anh ngây ra. Đợi vài giây sau, khi trong lòng đã thực sự bình tĩnh, anh mới từ tốn đáp.
"Bố cháu mất lúc cháu còn nhỏ. Mẹ và em cháu đi theo bố cũng được gần hai mươi năm rồi bà ạ."
Bà nội Gia Văn nghe vậy, chợt nảy sinh cảm giác xót thương, vẻ mặt e dè dịu dàng nói.
"Lâm Khanh, bà xin lỗi."
"Không sao bà ạ. Tính ra chuyện đấy cũng không tránh nổi. Em cháu bệnh rất nhiều năm, đến lúc đấy đã không chồng nổi nữa, gia đình lại còn gặp sự cố...Mẹ cháu vì thế cũng đau buồn, ốm một trận rồi đi luôn."
Chất giọng của Lâm Khanh hơi trầm xuống, sắc mặt mờ mịt như khói bụi phủ lên kí ức tháng năm. Anh thở dài một hơi, tiếng thở khiến người ta cảm giác như cơn gió lạnh báo hiệu mùa đông trong năm đã tràn về. Bàn tay anh đặt trên lưng bà cụ vẫn hoạt động, nhẹ nhàng vân vê những khớp xương. Hoài niệm trong ánh mắt chạy nhanh qua như những tia sao băng. Khi anh nói tiếp, đôi mắt bỗng hiện lên một nét cười buồn nhàn nhạt.
"Em cháu nằm nhiều năm trên giường, cơ thể dần bị cứng lại cho nên rất đau nhức. Từ đó mỗi khi nào rảnh, cháu đều hay xoa bóp cho em. Chỉ tiếc là sau này con bé đi rồi, mẹ cháu cũng mất. Đã lâu rồi cháu chẳng còn ai để làm những hành động như vậy nữa."
Bà nội gật đầu thở dài, trầm ngâm hồi lâu rồi lại dịu giọng đáp.
"Bà hiểu. Cảm giác mất đi người thân ấy bà cũng từng trải qua. Thực ra, Gia Văn còn một người bác gái. Nó chính là đứa con cả của ông bà. Con bé sinh ra rất đẹp, lớn lên lanh lợi thông minh. Chỉ là do ngày đó còn quá thiếu thốn. Con bé bị viêm phổi nhưng cả nhà lại không hay. Cho đến khi phát hiện ra, nó chỉ sốt cao một trận rồi mất. Bà còn nhớ, năm ấy chiến tranh, cả nhà vừa chạy giặc, vừa tìm chỗ chôn con bé. Bụi tre đầu làng bị giặc đốt thành vàng trụi. Bà ôm con gái trên tay, quỳ bên gốc tre mà khóc từ giữa đêm cho đến tận lúc người ta ra đồng."
"Nói vậy, tức là đáng ra Gia Văn còn một người bác nữa ư?"
"Đúng thế. Chính vì thương nhớ con bé, nên sau này dù đã có ba cậu con trai nhưng bà vẫn cố đẻ thêm. Cầu mong, lạy lục thần Phật mãi, cuối cùng mới sinh đôi được hai người cô ruột của Gia Văn bây giờ."
Bà Gia Văn nói ra được chuyện này, bên trong đôi mắt bàng bạc bỗng lộ ra tia sáng trong veo. Đến chính bà cũng cảm thấy ngạc nhiên. Đã từ lâu lắm, vì là nỗi đau nên bà gần như không bao giờ nhắc lại về cô con gái mất sớm của mình. Ngay cả Gia Văn cũng rất ít được nghe. Chỉ là không hiểu tại sao khi ngồi cạnh Lâm Khanh, bà lại có cảm giác muốn nói nhiều hơn một chút. Có lẽ do cái buồn của bọn họ từa tựa như nhau. Một đứa con mất mẹ, một người anh mất em cũng giống như khi một người mẹ mất đi đứa con đầu lòng vậy.
"Cháu tin ở trên trời, bác ấy cũng đã vô cùng hạnh phúc, giống như cháu vẫn tin về cuộc sống của mẹ và em cháu ở thế giới bên kia. Sống chết do số. Họ đi hay ở mình cũng không tài nào giữ được. Người đi cũng đi rồi. Quan trọng là người đang sống phải luôn cảm thấy vui vẻ và bình an."
Bà nội Gia Văn gật đầu.
"Cháu nói đúng. Ngoài việc mất đi đứa con ấy, bao nhiêu năm chung sống, cuộc sống của ông bà luôn luôn có niềm vui. Con đi rồi, nhưng bà vẫn có được một người chồng luôn đem tới cho mình nụ cười và hạnh phúc. Cái bà tiếc nhất, chính là tại sao ông ấy không sống lâu hơn một chút. Những ngày ông ấy còn sống, hai vợ chồng già chăm sóc cho nhau, lúc nào bà cũng cảm thấy rất bình yên."
Lâm Khanh ngưỡng mộ trong lòng, nhìn lại ánh mắt bỗng long lanh chan chứa, đầy ắp tình cảm của bà nội. Bỗng dưng anh chợt nhớ đến đôi mắt của Gia Văn. Ngay từ lần đầu tiên chạm mặt nhau, ánh mắt trong vắt như trẻ nhỏ ấy của cậu đã luôn cho anh cảm giác rất ấm áp và bình an.
Anh chợt mơ tưởng đến một ngày rất xa, nếu Gia Văn tóc bạc cũng có thể ngồi với một ai, tự hào kể với người ta về anh như vậy, nhất định sẽ vô cùng hạnh phúc.
Thì ra hai chữ "bạc đầu" cũng có thể là một đích đến đầy hứa hẹn như vậy.
Bà nội bừng tỉnh khỏi cơn mơ. Khi nhìn sang và bắt gặp vẻ mặt trầm mặc của Lâm Khanh, bà khẽ thở dài. Lâm Khanh chợt tỉnh mộng, cũng nhận ra tay mình đã rời khỏi lưng bà cụ từ lâu. Bà không trách anh, trái lại ánh mắt còn nhuốm vẻ trong trẻo dịu dàng hơn trước. Bà nhẹ phất phất tay ra hiệu với anh, nói.
"Hôm nay cảm ơn cháu. Bà hết đau người rồi, bây giờ cháu ra ngoài đi! Gia Văn cứ lâu lâu không thấy cháu sẽ lại lo lắng đấy, cho nên cứ đi đi, đừng khiến cho thằng bé cảm thấy không vui."
"Vâng..."
Lâm Khanh rụt rè nói, sau đó liền từ từ đứng lên. Anh mở cửa ra, thở dài quay người rời đi.
-----------------------
Sau ngày hôm ấy, bà cụ bỗng nhiên đổi tính, ôn hòa thân cận với Lâm Khanh hơn. Mỗi lần anh và Gia Văn sang phòng, bà đều chủ động nhờ anh giúp mình gọt trái cây ăn tráng miệng. Hai người trong lòng đương nhiên mừng như mở hội, càng cố gắng tỏ ra thân thiết với bà nội hơn. Chuyện này khiến cho mấy bà con dâu trong nhà ngứa mắt. Việc đá thúng đụng nia, gà bay chó sủa cũng từ đó bắt đầu xảy ra.
Đáng ra, Gia Văn chỉ định ở lại nhà một tháng nhưng không hiểu vì sao kì hạn khi ấy lại kéo dài đến vài tháng sau. Sang tháng thứ hai khi cậu ở lại quê nhà, đúng lúc tiết trời bước sang mùa lạnh, bà nội bắt đầu trở bệnh cả ngày nằm trên giường. Bố mẹ cậu ở Hà Nội gọi về dặn dò, còn nói khi gắng sức thu xếp được nhất định sẽ về thăm.
Gia Văn và Lâm Khanh làm rất tốt nhiệm vụ, ngày ngày ở cạnh giúp bà ăn uống thuốc thang. Lâm Khanh có kinh nghiệm, lo liệu mọi thứ chu đáo đâu ra đó. Những ngày như vậy khiến cho bà cụ dần dần trở nên gắn bó với anh hơn. Dù vậy, không hiểu sao đã rất nhiều ngày mà bệnh tình của bà vẫn dai dẳng không thuyên giảm. Trong khi đó cơn đại hàn trong năm, chẳng biết lúc nào sẽ thực sự kéo sang.
Một đêm nọ.
Chị dâu của Gia Văn ôm lấy cánh tay chồng, nhỏ nhẹ thì thầm nói vào tai anh ta.
"Em thấy lạ lắm anh ạ. Từ khi có cái người chú út đưa về chăm sóc, bệnh của bà không đỡ mà ngày càng nặng lên. Anh phải để ý vào. Có khi ai đó thấy bà lớn tuổi lại nảy sinh ý nghĩ tranh giành với anh em không biết..."
Người đàn ông trừng mắt với vợ mình, hạ giọng khẽ nói.
"Em xem nhiều phim quá rồi. Đừng có nói bậy! Khuya rồi, ngủ đi!"
End chap 84