Nghìn Dặm Sơn Hà Đối Giai Nhân

Chương 5




- Tất cả cũng tại ả ta! Hừ! Đại nương và mẫu thân cũng vậy. Hai người như thế mà lại bênh theo ả kia. Ả dám nhảy vào người đại nương, đại nương không trách phạt ả, lại còn phạt mình! Thật là không có thiên lí! Thật đáng ghét mà!

Thanh Huyền bước vào, vừa nghe Tịnh Dung lảm nhảm, nàng khẽ cười hỏi:

- Là ai đáng ghét dám chọc cho nhị tiểu thư của Phạm tướng quân tức giận vậy nhỉ?

Tịnh Dung nghe giọng vội mừng rỡ, bỏ bút xuống đứng dậy đến chỗ Thanh Huyền:

- Công chúa! Người đến rồi! Tịnh Dung tham kiến công chúa!

Thanh Huyền lắc đầu, tỏ ý bất mãn nói:

- Ta nói bao nhiêu lần rồi. Chỉ khi nào ngươi vào cung hãy gọi ta là công chúa. Còn ở bên ngoài cứ gọi ta là Thanh Huyền. Chúng ta chính là bằng hữu tốt, tỉ muội tốt. Ngươi cứ công chúa, công chúa, ta sẽ không chơi với ngươi nữa!

Tịnh Dung lè lưỡi, mỉm cười nói:

- Công chúa, người đến đúng lúc lắm. Người mau giúp ta nghĩ cách đối phó với nữ quái kia đi! Người xem, ả dùng bùa mê dị thuật gì không biết mà cả phụ thân, mẫu thân cả đại nương của ta nữa đều hết lòng yêu thích ả? Cả đại nương cũng bênh vực ả mà xử phạt ta. Công...Thanh Huyền, người phải giúp ta trả thù!

Thanh Huyền chớp mi, nhìn một lượt số giấy chép phạt trên bàn của Tịnh Dung. Nàng cầm lên một tờ khẽ đọc:

- Dung nhi biết lỗi, sau này không dám dùng nhện hù dọa nghĩa tỉ Tịnh Nhu nữa!

Nàng quay sang nhìn Tịnh Dung hỏi:

- Tịnh Nhu? Kẻ xâm nhập làm loạn trong phủ lại được phụ thân ngươi nhận làm nghĩa nữ à?

Tịnh Dung gật đầu, giọng ấm ức nói:

- Ta thật không tin nổi, phụ thân và mẫu thân ta bị làm sao. Nói chung là ta ghét nữ nhân đó. Thanh Huyền, ngươi giúp ta đuổi ả đi đi!

Thanh Huyền nhướn mi, dịu dàng lướt một vòng quanh phòng Tịnh Dung rồi cười cười nói:

- Được, nhưng ta có điều kiện. Nếu ta đuổi được ả, ngươi phải vào cung, lấy danh nghĩa thăm Tĩnh Huệ phi cũng được, đến thăm ta cũng được. Nói chung ngươi phải ở đó bồi ta bảy ngày!

Tịnh Dung trợn to mắt. Công chúa thật biết tranh thủ nha? Thừa biết trong cung của nàng chán đến như thế nào, còn muốn Tịnh Dung vào đó bồi nàng bảy ngày sao? Ngay cả một ngày Tịnh Dung cũng chịu không nổi! Hừ, làm một công chúa, oai phong gì thì không biết nhưng ở trong cung, cả ngày đều có người theo giám sát. Từng mỗi bước đi, mỗi cử động đều có người nhắc nhở phải như thế này mới đúng lễ, phải thế kia mới chuẩn phép. Tịnh Dung thật sự không nghĩ sẽ dám quay trở lại cung Bảo Hoa của vị Huyền Bảo công chúa Trần Thanh Huyền này lần nào! Thế nhưng, Thanh Huyền nói sẽ giúp nàng đuổi đi Tịnh Nhu? Tịnh Dung cắn môi, thầm đắn đo. Chậc, đuổi được một kẻ đáng ghét chướng mắt kia đi, nàng chịu khó vài bữa có đáng gì! Nàng nghĩ xong liền khẳng khái gật đầu. Thanh Huyền nhìn nàng, tinh quái nheo mắt một cái nói:

- Nhớ đó, đừng có hòng nuốt lời. Nếu không bổn cung sẽ phạt ngươi, nhốt ngươi vào phòng tối nửa tháng!

Ngoài hậu viện, nhị phu nhân nhảy một hồi cũng mệt mỏi, đành bước ra ngoài vòng dây nhìn Tịnh Nhu vận động. Xem ra tuổi trẻ vẫn thật tốt. Nhìn Tịnh Nhu linh động hoạt bát như thế, bà lại rất hồi tưởng chính mình nhiều năm trước đây. Bà bây giờ đâu còn là nữ tướng quân của ngày nào có thể cầm kiếm phi ngựa xông pha chiến trường. Dẫu rằng cuộc sống hiện tại cũng rất tốt, làm nhị phu nhân của đại tướng quân, đại anh hùng mà bà từng ngưỡng mộ. Lại là mẫu thân của bốn đứa con đã trưởng thành, giờ lại có thêm một nghĩa nữ nữa. Nhìn đứa nghĩa nữ trước mặt, thật không thể tin rằng bà sinh cả bốn đứa con nhưng đứa giống bà nhất lại là một nghĩa nữ không có có quan hệ huyết thống này. Bà thật kì vọng đứa nhỏ này có thể thật tốt mà sống. Hơn nữa, còn mong nàng có thể đạt được ước muốn. Ước muốn của nàng, cũng từng là ước muốn một thời của bà. Chỉ nhưng bà đã không thể thực hiện. Nếu như nữ nhi này thật muốn, bà nghĩ mình sẽ tận lực giúp cho nàng hoàn thành. Chỉ lo, sức bà không đủ, không thể làm được nhiều cho nàng, rồi nàng lại như bà, cam phận chịu kiếp làm một nữ nhân bình thường thờ chồng dạy con, gác lại hết bao nhiêu ước vọng hoành tá thiên hạ, trừ gian diệt bạo.

Trong khi nhị phu nhân còn đang mơ màng trong dòng suy tưởng, lại nghe có tiếng nói cười từ bên ngoài vọng vào. Là giọng của phu quân bà, Phạm Duẫn tướng quân cùng với người kia, cũng là một nam nhân trung niên. Phạm Duẫn sánh bước cùng Hưng Hiệp vương Trần Định Thế từ bên ngoài đi vào. Lúc ngang qua hậu viện, cả Phạm Duẫn cùng lão đại nhân Trần Định Thế đều bị kinh ngạc bởi động tác kì lạ của một nữ nhân ở sân hậu viện. Trần Định Thế quay sang nhìn Phạm Duẫn hỏi:

- Muội phu, tiểu cô nương kia là ai của Phạm phủ, tại sao ta chưa từng thấy qua nàng trước đây?

Phạm Duẫn mỉm cười, khẳng khái đáp:

- Khiến tam ca chê cười rồi. Nữ nhi đó là nghĩa nữ của đệ và Ngọc Oanh vừa thu nhận mấy ngày trước. Đứa nhỏ có hoàn cảnh đáng thương, lại lanh lợi hiểu chuyện cho nên Ngọc Oanh rất thích nàng ta. Cả quận chúa Hảo Nguyên cũng không ghét bỏ.

Trần Định Thế nghe xong, chỉ cười nhẹ:

- Cả người khó tính như Hảo Nguyên cũng không ghét bỏ. Nữ nhi này chắc hẳn rất khôn khéo! Được, đưa ta qua xem!

Phạm Duẫn trợn mắt. Dù nói thế nào, nữ nhi ấy xuất thân bần hàn, không biết tri thư lễ nghĩa. Thật sự ông rất lo nàng sẽ thất lễ đắc tội cho nên thường ngày đều dặn nhị phu nhân giữ nàng trong hậu viện. Kể cả với đại phu nhân Hảo Nguyên quận chúa, ông cũng không dám để nghĩa nữ của mình xuất hiện trước mặt bà. Bây giờ như thế nào, cả tam ca của Hảo Nguyên quận chúa, một hoàng thân địa vị cao như Hưng Hiệp vương lại muốn gặp nàng. Ngộ nhỡ nữ nhi kia không biết chuyện, nói bậy gì mạo phạm thì làm sao đây?

Phạm Duẫn khổ tâm, nửa muốn ngăn cản Trần Định Thế, lại nửa ngại ngùng thì Trần Định Thế đã đến trước mặt Tịnh Nhu. Tịnh Nhu đang nhảy dây, nàng nhìn lên vừa lúc bắt gặp một lão nam nhân hơn cả tuổi của nghĩa phụ Phạm Duẫn đang đứng nhìn mình. Nàng còn chưa thắc mắc, chợt nhìn thấy Phạm Duẫn cũng đứng phía sau nam nhân kia. Nhìn thấy nghĩa phụ, nàng vui mừng quá, quên mất bản thân đang nhảy dây, hướng mắt về ông gọi lớn:

- Phụ thân!

Nàng nhanh chóng muốn chạy đến mừng chào Phạm Duẫn, vô tình chân vướng phải vòng dây đang còn quay. Nàng vấp một cái, lập tức ngã xuống. Hưng Hiệp vương và Phạm Duẫn đang muốn đưa tay đỡ nàng. Không ngờ Tịnh Nhu nhanh chóng lộn nhào một cái. Từ tư thế té ngã, nàng nhào lộn mấy vòng rồi bật dậy đứng thẳng trước mặt hai người, mỉm cười tươi tắn nói:

- Mừng phụ thân về nhà! Kính chào đại...lão bá!

Trần Định Thế hết sức kinh hỉ nhìn tiểu cô nương lanh lợi nhanh nhạy kia, bất ngờ bật ra cười lớn. Nhị phu nhân thấy Tịnh Nhu ngã cũng hoảng sợ vội từ trong đình tránh nắng chạy đến, bà cúi chào Trần Định Thế rồi quay sang nhìn Tịnh Nhu quan tâm dò xét xem nàng có bị thương không. Trần Định Thế nhìn bà mỉm cười nói:

- Xem ra Lương nữ tướng nàng đã có hậu nhân kế thừa nhỉ? Duẫn đệ, đệ nói xem đứa nhỏ này tay chân nhanh nhẹn, xương cốt dẽo dai như thế, quả nhiên là nhân tài luyện võ thiên bẩm. Tuy rằng là nữ nhi nhưng học theo Lương nữ tướng làm một nữ anh hùng cũng rất tốt đây. Hai người thấy ta nói đúng không?

Phạm Duẫn nhìn phu nhân, chưa biết nói sao thì Tịnh Nhu đã mỉm cười lên tiếng:

- Đa tạ vì đại lão bá xem trọng. Tịnh Nhu quả thật cũng rất thích học võ. Phụ thân và mẫu thân cũng hứa sẽ dạy cho con. Tịnh Nhu nhất định sẽ tận hết sức mình, quyết không làm xấu danh của Phạm đại tướng quân cùng Lương đại nữ tướng!

Trần Định Thế bật ra cười ha hả. Sau đó bất ngờ nhân lúc Tịnh Nhu không để ý, ông đưa tay muốn chộp lấy bả vai nàng. Tịnh Nhu vừa thoáng liếc sang, phát hiện. Nàng lập tức tung chân lách người tránh đi. Trần Định Thế khoái trá, nhảy lên tiến công giơ đôi tay to lớn muốn bắt lấy nàng. Tịnh Nhu dùng tuyệt chiêu trong kĩ năng sống mạnh nhất của nàng: Bỏ chạy! Cuộc đời nàng, lâm li khổ sở như thế, thứ duy nhất giúp nàng mạnh mẽ tồn tại chính là đôi tay cùng đôi chân nhanh nhẹn khỏe khoắn. Nhờ có như thế, bao nhiêu lần bị rượt đuổi truy bắt nàng đều thuận lợi thoát thân. Nhân lúc này, tuyệt chiêu tẩu vi thượng sách ấy cũng khiến đại võ gia như Trần Định Thế ông cũng phải mở rộng tầm mắt. Ngài dùng sức, tuyệt đối cũng không truy kịp bước chân của Tịnh Nhu. Nàng chạy quá nhanh, nhanh hơn tưởng tượng của ông rất nhiều. Trần Định Thế nổi tiếng là người nóng tính, lại cao ngạo. Lí nào một đại tướng gia như ông mà một đứa trẻ cũng bắt không được? Thế là ông vận khinh công nhảy lên đạp vào thân cây, lộn một vòng trên không trung rồi đáp xuống chặn trước mặt Tịnh Nhu. Tịnh Nhu không nghĩ đến ông chú thế kia lại biết nhào lộn trên không, y như trong phim kiếm hiệp. Nàng còn không ngờ đến thì đã bị Trần Định Thế bắt lấy, nhấc bổng lên. Lão đại nhân nhìn nàng giãy giụa mà bật cười ha hả. Phạm Duẫn và nhị phu nhân cũng biết lão đại nhân là người rất thích đùa, đặt biệt là rất thích trẻ con. Ông chính là xem Tịnh Nhu như một đứa trẻ thú vị nên mới trêu chọc nàng. Phạm Duẫn mỉm cười, bước đến nói với Tịnh Nhu:

- Tịnh Nhu, đừng có vô lễ. Ngài ấy là Hưng Hiệp vương. Con phải cúi đầu gọi là vương gia có biết không?

Tịnh Nhu tuy bị Trần Định Thế túm vai nhấc lên cao nhưng thấy rõ lão chỉ muốn đùa. Lại nữa là cạnh bên, nghĩa phụ nghĩa mẫu cũng không tỏ ra lo lắng. Nàng cũng yên tâm vị lão bá kia chỉ là đùa thôi. Nhân nghe đến tên hiệu của ông ta, nàng quay sang nhìn ông ta hỏi:

- Không biết Hưng Vũ vương là gì của ngài vậy?

Phạm Ngũ Lão hết hồn, rất sợ nữ nhi dân gian này không biết chuyện sẽ phạm thượng trước mặt Hưng Hiệp vương. Ông hắng một tiếng chặn nàng lại:

- Nhu nhi, không được vô lễ! Ngài ấy là đương triều đại tể tướng. Con không được phép nói chuyện với ngài như vậy?

Trần Định Thế chỉ mỉm cười, thả Tịnh Nhu xuống đất hòa nhã nói:

- Ta là nhi tử thứ ba của Hưng Vũ đại vương. Ta tên Trần Định Thế, ngươi đã nghe qua chưa?

Tịnh Nhu mở to mắt, sau đó gật gật đầu:

- Chẳng trách nhìn ngài oai phong lẫm liệt như vậy. Hầy! Nếu được nhìn thấy Hưng Vũ vương, chắc chắc ông ấy còn oai phong hơn nữa!

Trong lòng Tịnh Nhu vô cùng kính ngưỡng với Hưng Vũ đại vương. Thật ra nàng không có được đi học, nàng vốn không biết chữ nhiều để mà hiểu nhiều về nhân vật lịch sử đâu. Chỉ là cô nhi viện nuôi dưỡng nàng nằm trên đường Hưng Vũ vương. Mà vị viện trưởng của cô nhi viện trước kia xuất thân từ giáo viên dạy sử, cho nên bà rất thường hay kể chuyện các danh nhân lịch sử cho trẻ em trong viện nghe, nhất là chuyện truyền kì về vị danh nhân trên tên đường của viện. Tịnh Nhu tuy rằng ra đời tự kiếm sống rất sớm nhưng vẫn thường hay quay lại cô nhi viện thăm hỏi các cô trong viện. Tất nhiên nàng là đứa trẻ được nghe viện trưởng kể chuyện nhiều nhất.

Trần Định Thế nghe Tịnh Nhu nịnh bợ khen ngợi mình, còn khen cả phụ thân đã mất của mình. Ông ta rất cao hứng, vỗ đầu Tịnh Nhu nói:

- Đứa nhỏ này tay chân dẽo dai, tiềm lực cũng mạnh mẽ. Rất thích hợp luyện nội công. Như vậy đi, ngươi bái ta làm sư phụ, ta truyền cho ngươi nội công cùng khinh công. Sau này, ngươi học võ của phụ thân ngươi sẽ mạnh càng thêm mạnh. Ngươi thấy sao?

Chuyện tốt đến vậy luôn sao? Tịnh Nhu không dám tin vị lão bá gọi là Hưng Hiệp vương kia rồi lại nhìn sang Phạm Duẫn như hỏi ý. Phạm Duẫn ngại ngùng phân vân né tránh ánh mắt nàng. Thật ra nàng được Trần Định Thế chấm trúng nhận làm đồ đệ thì quá tốt rồi. Chỉ sợ là Hảo Nguyên quận chúa không thích, như vậy cả Phạm Duẫn, nhị phu nhân và Tịnh Nhu đều phải rất mệt mỏi đối mặt với sự tức giận của quận chúa.

Trần Định Thế dường như nhìn ra khó xử của Phạm Duẫn, ông ta vỗ vai Phạm Duẫn hào hiệp ngước mặt lên nói:

- Duẫn đệ! Quyết định như vậy đi! Ngươi không phản đối là được. Về phía Hảo Nguyên, để ta nói với muội ấy một tiếng. Hừ! Lúc trước ta định thu Tịnh Dung làm đồ đệ, cũng là muội ấy nhất định ngăn cản. Đứa tiểu muội này mở miệng ra là lễ nghi phép tắc. Lúc nào cũng trầm trầm, nói không dám nói, cười không thể cười, thật làm người ta mệt mỏi! Ngươi cứ giao tiểu nghĩa nữ này cho ta. Ta đảm bảo sẽ dạy cho nó một thân bản lĩnh. Nhất định thành tựu sẽ không kém hơn Lương nữ tướng ngày xưa!

Phạm Duẫn định nói gì đó. Nhị phu nhân đã lên tiếng trước:

- Như vậy, nô gia xin đa tạ tam ca đã yêu mến Nhu nhi.

Nàng quay sang Tịnh Nhu nói:

- Nhu nhi, còn không mau quì xuống, gọi sư phụ!

Tịnh Nhu chỉ chờ có thế. Nàng thật là mê học võ, lại còn được con trai của Hưng Vũ đại vương lừng danh thanh sử thu làm đồ đệ, tất nhiên là phải bái rồi! Nàng bắt chước y trong phim chưởng, quì một chân xuống, tay chắp trước trán hướng Trần Định Thế nói:

- Sư phụ! Xin nhận của Nhu nhi một lạy!

Trần Định Thế thích chí quá, cười thật vang. Ông vỗ vai nàng, đỡ nàng đứng dậy vừa nói:

- Ngươi thật lanh lợi, tinh ranh lắm! Thật sự rất khá đó! Nào, theo sư phụ qua đây, ta dạy ngươi bước cơ bản nhất để vận khí luyện khinh công.

Tịnh Nhu lập tức hớn hở chạy theo lão tướng gia:

- Dạ, sư phụ!

Phạm Duẫn nhìn theo một già một trẻ đang đi qua hướng cây cổ thụ trong hậu viên mà khẽ thở dài. Nghĩa nữ Tịnh Nhu này thật sự rất đáng yêu, lại rất có lòng với võ học. Nhưng mà để cho nàng học võ, một nữ nhi mà học võ liệu có nên hay không? Ông nghĩ thầm rồi lại nhìn sang nhị phu nhân khẽ thở dài một tiếng.

Bên này, Trần Định Thế làm mẫu, đứng làm động tác vận khí dạy cho Tịnh Nhu cách hít thở, nén thở sau đó ông tung mình đạp lên thân cây cổ thụ. Chỉ ba bước chân, ông đã nhảy lên được đến ngọn cây cao hơn bốn trượng. Tịnh Nhu đứng bên dưới vỗ tay tán thưởng. Trần Định Thế đáp xuống đất, kéo nàng đến, đứng sửa tư thế cho nàng rồi lại dạy nàng giống như ông vừa làm. Thấy nàng hít khí, bế khí rất có tư thế, sau đó ông mới gật đầu. Nàng liền tung chân đạp hai phát lên thân cây. Nàng cũng vọt lên được nửa thân cây, sau đó liền khó thở, nàng khẽ thở ra một tiếng, vậy là từ trên cao ngã ầm xuống đất.

Trần Định Thế đỡ nàng đứng dậy rồi lại dạy lại. Tịnh Nhu làm lại lần thứ hai, rồi đến lần thứ ba. Mãi đến lần thứ năm, nàng quyết tâm không thở ra. Nín một lèo, đạp bảy bước liền cũng nhảy được đến ngọn cây. Nàng đứng trên ngọn cây nhìn xuống chỗ Trần Định Thế, mỉm cười vẫy ông nói:

- Sư phụ, con làm được rồi! Ha ha! Chỉ cần bảy bước con leo được đến ngọn cây cao này rồi!

Nàng phấn khởi quá mức, đứng trên cây nghiêng người cười ha hả. Chợt sơ ý, đặt chân trượt khỏi ngọn cây thế là từ trên cây nàng rơi tỏm xuống. Duyên cớ xui rủi, nàng lại va phải ngay một người vừa từ bên trong nội viện đi ra. Toàn thân nàng đổ ập đè lên trên người ta. Ngay lập tức Trần Định Thế, Phạm Duẫn, nhị phu nhân, cả Tịnh Dung, Ngọc Thúy đều hối hả chạy đến kéo Tịnh Nhu ra, đỡ người bên dưới dậy. Phạm Duẫn nhìn thấy ngươi vừa bị nghĩa nữ của mình đè trúng chính là đương kim quốc hoa Huyền Bảo công chúa thì liền đen mặt hoảng sợ. Ông quì sụp xuống thay Tịnh Nhu xin tội:

- Công chúa xin thứ tội! Là nữ nhi của mạt tướng sơ ý. Cầu mong công chúa đại lượng...xử nhẹ cho!

Tịnh Nhu cũng hoảng hốt nhìn lại vị nữ nhân mà khiến nghĩa phụ phải quì xuống xin tội cho mình. Nàng nhất thời mở mắt thật to, miệng cũng há thành chữ o, muốn nói mà nhất thời lại không biết mở lời thế nào. Trần Định Thế nhìn tình hình, Huyền Bảo công chúa xem ra đang rất giận nha. Trần Định Thế thở dài một tiếng, chắp tay hướng công chúa nói:

- Thần Trần Định Thế có tội, xin công chúa giáng tội!

Thanh Huyền nhìn Trần Định Thế, nhất thời nàng không dám tin vào tai mình. Đương triều đại tể tướng Trần Định Thế nổi tiếng nghênh ngang cao ngạo vậy nhưng lại xin tội với nàng? Ông ta là vì ả nữ nhân vừa được Phạm Duẫn nhận làm nghĩa nữ mà xin tội thay sao? Nữ nhân kia đến cùng là ai mà có thể khiến một người tự cao tự đại như Trần Định Thế đại nhân cũng vì nàng ta mà ra mặt?

- Hưng Hiệp vương quá lời! Ngài có tội gì mà bổn cung lại giáng tội ngài? Huống hồ chi...

Nàng bỏ dở nửa câu, rồi nhìn sang Tịnh Nhu đang đứng ngơ ngác. Đúng lúc nàng chạm phải ánh mắt ngây ngốc của Tịnh Nhu. Nàng khẽ nhíu mày, tức giận nói:

- To gan! Ngươi đã va trúng hại bổn cung bị ngã. Lại còn không biết hối cãi quì xuống xin tội, còn đứng đó trừng mắt với bổn cung hay sao?

Phạm Duẫn và nhị phu nhân vội kéo Tịnh Nhu quì xuống. Tịnh Nhu quì rồi, ánh mắt vẫn không thể thu lại, nhìn đến vị công chúa trước mặt. Nhị phu nhân phải đẩy đầu nàng cúi xuống. Trần Định Thế thấy nàng ngây ngô như thế, khẽ thở dài lên tiếng thay:

- Bẩm công chúa! Nữ nhi này là đồ đệ vừa nhận của bổn tướng. Là ta sơ suất trong lúc dạy võ cho nàng ấy lại để nàng ấy ngã xuống từ ngọn cây, liên lụy đến công chúa. Tội là tội của bổn tướng. Xin công chúa giáng tội cho một mình ta! Nữ nhi ấy trẻ con không biết chuyện. Cúi xin công chúa đừng trách!

Tịnh Dung nghe Trần Định Thế bênh vực Tịnh Nhu, nàng liền bước lên, bĩu môi oán trách nói:

- Tam cửu, người thật quá lắm! Ngay cả người cũng bênh vực ả tiện dân kia? Ả mà là trẻ con không biết chuyện ư? Con không biết đâu! Tam cửu, người rất thiên vị, con sẽ mách lại với đại nương!

Nàng nói xong liền òa lên ấm ức khóc. Phạm Duẫn và nhị phu nhân hết biết đường xoay chuyển. Đang là nghĩa nữ mạo phạm công chúa chưa giải quyết được, bây giờ lại là nữ nhi thân sinh mè nheo khóc lóc trước mặt công chúa và Hưng Hiệp Vương. Tình thế như vậy, thật sự khó mà tưởng tượng nổi. Tịnh Nhu nhìn thấy nét mặt của nghĩa phụ nghĩa mẫu và cả sư phụ đều rất khó xử, rất khổ tâm. Nàng liền ngẩng đầu lên, nhìn thẳng Thanh Huyền bản lĩnh nói:

- Công chúa, là ta ngã trúng người, ta có tội. Nàng cứ phạt đi. Nghĩa phụ, nghĩa mẫu, sư phụ! Ba người không cần vì con cầu xin.

Thanh Huyền nhìn vẻ mặt kiên cường của nàng, khá là bất ngờ. Nàng quay sang nhìn Tịnh Dung. Tịnh Dung thấy Tịnh Nhu chịu tội, liền mỉm cười, nói với Thanh Huyền:

- Công chúa, người đánh ả ba mươi gậy, đuổi ra khỏi kinh thành đi!

Phạm Duẫn và phu nhân cùng Trần Định Thế đều kinh ngạc nhìn Tịnh Dung. Phạm Duẫn bất ngờ lớn tiếng:

- Tịnh Dung, ngươi...Công chúa, nếu phải chịu phạt, Phạm Duẫn cam chịu lĩnh gậy thay cho Nhu nhi! Khẩn xin công chúa khai ân, đừng đuổi nhi nữ của ta rời khỏi kinh thành!

Trần Định Thế cũng nói:

- Phải đó công chúa, người xử như vậy rất nặng. Thỉnh công chúa thương xót. Dù sao Tịnh Nhu cũng là một nữ nhi. Xin công chúa thương tình nghĩ lại!

Thanh Huyền nghĩ nghĩ, lại nhìn sang vẻ mặt đầy nước mắt của Tịnh Dung đang mong chờ. Thanh Huyền nói:

- Được, vậy không phạt đánh gậy, cũng không phải đuổi nàng ta rời khỏi kinh thành. Nhưng mà nàng ta mạo phạm ta, bổn cung muốn nàng ta...phải vào cung làm khổ sai cho bổn cung ba tháng!