Nghiễn Áp Quần Phương

Quyển 4 - Chương 101: Tiểu thư thứ sáu




Đảo mắt, vòng loại của cuộc thi tuyển chọn tài nữ gây xôn xao đã kết thúc. So với Si Đạo Mậu thì còn có một vị tiểu thư khác tham gia muộn hơn nhiều – muội muội của người vì lời đồn mà không thể không rời khỏi cuộc thi, Dữu Sướng, người ngoài gọi là “Ngư tràng” (Ruột cá)

Nghe nói Dữu Sướng tiểu thư biết tin mình bị đặt “tên hay” như vậy rồi cũng chỉ thản nhiên cười nói: “Ngư Tràng sao? Tốt lắm, lúc Chuyên Chư hành thích Ngô vương đã dùng bảo kiếm Ngư Tràng đó, đó là bảo kiếm vừa tinh xảo vừa sắc bén truyền lại đến đời sau mà. Ta rất vui vì có thể cùng tên với bảo kiếm.

Lời này vừa truyền ra, thanh danh của tiểu thư lại càng tăng lên, sau đó những người từng gặp nàng nói, nàng còn xinh đẹp hơn vị tỷ tỷ đã rời khỏi cuộc thi nhiều, quả thực chính là chim sa cá lặn. Giai nhân tuyệt sắc lại thêm kiến giải bất phàm, đương nhiên càng được nhiều người ủng hộ. Bởi vậy việc bất ngờ tham gia cuộc thi của Sướng tiểu thư trở thành tiêu điểm, hấp dẫn nhất cuộc thi, vào thời khắc cuối cùng đã đẩy được Si Đạo Mậu đang đứng đầu xuống giành lấy vị trí đầu bảng.

Vị Dữu tiểu thư danh khí đang thịnh này mới 14 cái xuân xanh, thua trong tay một tiểu cô nương nửa đường xông ra khiến Si Đạo Mậu 17 tuổi không cam lòng là điều ai cũng có thể hiểu, sau khi kết thúc vòng loại thì đổ bệnh.

Ngoài hai nhân vật nổi bật này, ta cũng là một trong những “kỳ tích” của cuộc thi lần này bởi vì trong khi xuất hiện nhiều người mạnh như vậy mà ta vẫn có thể giữ vững vị trí thứ 6!

Vốn dĩ cho dù ta có thể lọt vào danh sách những người đứng đầu thì cũng chỉ nên đứng thứ 8 mà thôi. Nhưng người ủng hộ giấu mặt kia hình như rất thích số 6, mặc kệ người khác thay đổi thế nào, mặc kệ hai mươi người đầu tiên lên xuống thế nào, đổi tới đổi lui thì hắn vẫn luôn dùng bàn tay mây mưa thất thường của mình để giữ ta đứng sừng sững ở vị trí thứ 6, không lay không đổ.

Thứ tự của ta là ổn định nhất trong số những người này, các nàng hoặc lên hoặc xuống, thay đổi nhiều lần khiến người ta nhìn hoa cả mắt nhưng thứ sáu của ta thì như bị đóng đinh vào bảng, theo nước dâng lên, không cao không thấp không nhiều không ít, vừa vặn là thứ sáu.

Có một nhà bình luận bí mật từng chỉ ra ta mới là người có tiềm lực mạnh nhất trong cuộc thi này. Bọn họ đều hoảng hốt: “Các ngươi chờ xem đi, thứ nhất thứ hai chỉ là bọt biển, chỉ là làm nền, tiểu thư thứ 6 Lã Vọng buông cần mới là người chiến thắng, vì sao? Nàng luôn đứng ở vị trí thứ sáu đó. Lục lục đại thuận, con số rất nhiều may mắn, có bản lĩnh đứng mãi ở thứ tự may mắn nhất, thế lực sau lưng tiểu thư thứ sáu đúng là sâu không thể lường.”

Đúng thế, cùng với lời khen Sướng tiểu thư “ngư tràng” thì ta cũng có biệt hiệu: Tiểu thư thứ sáu.

Giờ trên phố bàn tán về ta thì đều nói: Vị tiểu thư thứ sáu kia thế nào rồi.

Như vậy, tiểu thư thứ sáu của vòng loại, cũng chính là bản thân, ta, sống qua ngày thế nào?

Nói tóm lại, ta ở trong phòng trở về làm “Khuê nữ” một lần nữa. Từ sau khi mẫu thân qua đời ta đã mất đi tư cách làm “khuê nữ”, không thể lại “Ở trong khuê phòng”, chỉ có thể ngày ngày đi sớm về muộn, xuất đầu lộ diện, ra ngoài bôn ba kiếm ăn, mệt mỏi đến độ phát hiện, thì ra kiếp sống “khuê nữ” luôn bị chê nhàm chán lúc trước cũng là một phúc khí hiếm có.

Giờ có nghĩa mẫu, ta lại thành “khuê nữ” của nghĩa mẫu. Suốt tết nguyên đán, ta ở trong nhà nghĩa mẫu ăn rồi lại ngủ, ngủ rồi lại ăn, sống những tháng ngày hạnh phúc như heo.

Cuộc thi tuyển chọn tài nữ kết thúc không lâu thì đường cái bắt đầu đóng băng, trơn trượt rất khó để đi lại, mỗi bước một đáng sợ, thỉnh thoảng có người té ngã nằm trên đất kêu rên. Vệ phu nhân thấy tình hình không ổn thì vội cho chúng ta nghỉ.

Không quá hai ngày, sông Tần Hoài cũng đóng băng, may mà lúc này ta đã không cần qua sông nữa.

Đóng băng gần một tháng, giá đồ ăn tăng cao, một củ cải trắng kết băng li ti như thủy tinh còn bán được 20 văn tiền, còn chẳng có đồ mà mua. Mà bình thường, củ cải này cùng lắm cũng chỉ 1,2 văn mà thôi. May mà Hồ đại nương đã có kinh nghiệm từ trước nên đã mua rất nhiều hàng tết tích trữ trong nhà nên cả nhà mới không bị đói.

Tết nguyên đán này về cơ bản là ta sống ở Hồ gia, không phải là ta lười, cũng không phải ta mặt dày ở lại nhà người ta mà là vì ta không có nồi, bát, muôi, chậu.

23 tháng chạp, Hồ nhị ca đến nhà ta mượn nồi nói đi nấu rượu gạo, đương nhiên ta cho huynh ấy mượn.

Được rồi, mượn xong cũng không thấy trả lại cho ta. Lúc nấu cơm ta chẳng có nồi, Đào Căn lại sớm đã bị nhà huynh ấy “cướp” đi, nói phòng ta rất lạnh sẽ làm đứa nhỏ bị lạnh.

Ta chẳng có cách nào, không làm nổi “Người con gái khéo léo không nồi vẫn có thể nấu cơm” – lúc ấy đường trơn đến độ ruồi bọ cũng chẳng đi nổi, không thể ra ngoài mua cái khác được. Vì thế đành phải chạy qua Hồ gia xin cơm, xin một lần thẳng đến Tết âm lịch, chiếc nồi bảo bối kia cũng vẫn bị Hồ gia chiếm dụng, không phải nói này thì cũng là nói nọ, lúc ta đòi bọn họ thì còn nói như thể rất đương nhiên, “Chúng ta phải nấu đồ, sao có thể trả lại cho muội? Muội sẽ không đến mức nhỏ mọn như vậy, đến một cái nồi cũng tiếc cho mượn chứ?”

Thực ra mượn nồi cũng được, lấy luôn cũng được, tất cả đều là vì một múc đích, chính là không muốn ta tự nấu nướng, không muốn để hai đứa trẻ không cha không mẹ như chúng ta thê thảm sống qua Tết.

Bên ngoài lạnh thấu xương, khắp nơi là trời băng đất tuyết. Về cơ bản ta không ra khỏi cổng, ngày nào cũng chỉ ở bên Hồ đại nương sưởi ấm ăn uống hoặc không thì về phòng đọc sách luyện chữ.

Có nghiên mực trái đào, mỗi ngày sáng dậy chỉ cần mài mực một lần là có thể viết hết một ngày mãi đến khi hết mới thôi. Trận đấu trong cung có thi thư pháp không ta không biết, dù sao vẫn là nhàn rỗi, luyện tập cũng không thiệt đi đâu được.

Đào Căn càng ngày càng lớn, Hồ đại nương nói chờ qua mùa xuân, thời tiết ấm áp là có thể dạy con bé tập đi được rồi. Nghĩ ta cuối cùng đã nuôi được muội muội lớn lên, có thể ăn cơm, có thể đi đường, thật sự rất cảm khái, cũng rất vui mừng.

Ngày mùng một vì trời đóng băng không thể nên núi nên ta đặt ban thờ ở nhà để bái tế cha mẹ.

Sau đó là đến đêm nguyên tiêu.

Nguyên tiêu là tết hoa đăng, đèn đuốc rực rỡ, sau gần một tháng đóng băng, cuối cùng ánh nắng mặt trời rực sáng xuất hiện thì trở nên thật đáng quý. Đến buổi tối, gần như là cả thành đều chuyển động, ngày cuối cùng của tết âm lịch ở thành Thạch Đầu, cuối cùng cũng đến thời khắc náo nhiệt nhất.

Pháo hoa, pháo, đèn lồng, khắp nơi là người qua kẻ lại, khắp nơi đều là tiếng cười nói, hoan hô vui vẻ.

Nhưng có một nơi không cười nổi, đó chính là chỗ thả đèn hoa đăng bên sông Tần Hoài, tuyết mới tan, nước sông dần chảy về đông, cả con sông đều lấm tấm ánh đèn.

Ta bế Đào Căn, cùng Hồ nhị ca đi đến bờ sông, vừa khấn vừa thả đèn hoa đăng lớn. Bên trong có một phong thư, trong thư ta kể với cha mẹ tình hình nửa năm qua của chị em ta để hai người được yên tâm. Nhìn hoa đăng dần trôi xa theo dòng nước, lòng ta cũng yên tĩnh như nước chảy.

Nửa năm qua, ta đã hoàn toàn bước ra khỏi bi thương, tiếp nhận sự thật rằng cha mẹ đều đã qua đời.

Dù đả kích lớn đến đâu, bất hạnh cỡ nào, người còn sống vẫn phải nghĩ cách để sống cho tốt, chỉ có thể là vậy.