- Cạc cạc cạc!
Từ xa truyền đến tiếng ngỗng kêu vui vẻ, cao rồi lại thấp, liên miên không dứt.
Đây là lúc nghỉ trưa của ngày đầu tiên làm việc. Ăn cơm xong, ta đến vườn rước, chuẩn bị thăm thú vườn tược của Vệ phu nhân. Khó được lúc yên tĩnh như thế này, các vị thiếu gia đều đã về nhà ăn cơm.
Thực ra bọn họ đi lại đều rất tiện vì đều ở ngay trong con ngõ Ô Y này nhưng vừa đến trưa, cổng nhà Vệ phu nhân vẫn chật ních người, đều là đám người hầu đến đón chủ nhân.
Nhìn bọn họ xuất môn, ta hỏi lão Trương canh cửa:
- Nếu bọn họ ai cũng có bao nhiêu hạ nhân như vậy thì sao còn phải mời con đến? Bọn họ tự mang tôi tớ trong nhà vào trường học hầu hạ chẳng phải là được rồi sao?
Lão Trương nói:
- Ban đầu thì đúng là nhưng vậy nhưng đám tôi tớ này ngày nào đến cũng chỉ có lau bàn mài mực, lúc giảng bài thì bị phu nhân đuổi ra ngoài. Bọn họ ở ngoài nhàm chán nên tụ họp nhau nói chuyện dông dài trong nhà, còn tìm hiểu lẫn nhau, so sánh lẫn nhau, chẳng mấy chốc ầm ỹ như chợ vỡ. Phu nhân thấy phiền nên đuổi hết ra ngoài. Chỉ cho bọn họ sáng vào chuẩn bị cho các thiếu gia, chuẩn bị xong thì phải đi về ngay
Cũng đúng, gia đinh hào môn tụ tập lại thì đúng là nơi thị phi, lúc nói năng có khi không cẩn thận còn tiết lộ bí mật không nên nói. Cho dù Vệ phu nhân không đuổi thì chỉ e chủ nhân bọn họ cũng phải ra mặt. Tôi tớ nhà giàu không được phép qua lại đã thành một quy củ bất thành văn.
Cho nên ta mới có cơ hội kiếm được công việc này. Một trong những lý do Vệ phu nhân thuê ta hẳn cũng là vì ta là từ ngoài mới đến, hoàn toàn không biết gì về những thị phi chốn hào môn.
- Cạc cạc cạc!
Tiếng kêu càng vang dội.
Theo tiếng nhìn qua, cuối đình viện dường như có một hồ nước. Tiếng ngỗng kêu chính là từ đó truyền ra. Ta vội bước đến bên hồ.
Sân vườn rộng rất tốt, không những có thể trồng nhiều cây mà còn nuôi được cả gia cầm. Về sau lúc nghỉ ngơi, đi dạo trong đình viện, đến bên bờ nước ngồi. Ừm, càng lúc ta càng thích chỗ này. Thật chẳng biết vì sao Diêu chưởng quầy lại nói đây là ổ sói hang hùm, mấy vị thiếu gia kia, ngoài tiểu ma đầu kia thì mấy người còn lại cũng tốt. Ít nhất sáng nay còn chẳng sai bảo gì ta. Chắc thấy ta bận quét dọn, thực sự không thể phân thân.
Đi đến bên bờ nước đã thấy một đàn ngỗng trắng lớn, mỗi con phải hơn mười cân (cân Tàu ngày xưa, không phải kg), lông trắng nõn, mỏ hồng hồng sáng bóng như đá đang bơi lội trong nước, thoáng còn thấy được những màng chân vàng vàng đang không ngừng quẫy đạp.
- Ngươi là con ngỗng thật đẹp. Ta nói với một con ngỗng
- Ngươi cũng thấy là chúng rất đẹp sao?
Ta hoảng sợ, rõ ràng ở đây không có người mà.
Nhìn kỹ mới phát hiện, dưới gốc chuối tây lớn bên trái có một người đang xếp bằng, lại chính là Vệ phu nhân.
Ta vội chạy qua chào:
- Phu nhân, thì ra người ở đây? Thứ cho Đào Diệp mắt kém không phát hiện ra, quấy rầy người.
Vệ phu nhân gật gật đầu rồi nói tiếp đề tài khi nãy:
- Ngươi cũng thấy đàn ngỗng này rất đẹp đúng không? Chúng đều do ta nuôi rất cẩn thận, con lớn nhất năm nay cũng được 6 tuổi rồi.
- A?
Ngỗng nuôi đến 6 năm trời thì chẳng phải là thịt không thể nhai nổi sao? Phải dùng lò lửa hầm một ngày một đêm may ra còn được.
- Ngươi nhìn đi, là con kia kìa! Bà chỉ tay vào đàn ngỗng nói
Ta nhìn nửa ngày, con nào cơ? Theo ta thấy, ngoài lớn và nhỏ, con nào mà chẳng giống nhau nhưng vẫn ậm ừ phụ họa bà.
- Ngươi thực sự biết là con nào sao?
Vệ phu nhân đột nhiên nhìn ta cười sâu xa.
Ta đỏ mặt, vội thừa nhận:
- Không biết, Đào Diệp mới nhìn đều thấy ngỗng rất giống nhau.
- Đó là đương nhiên, ta mất ba năm mới nhìn ra được con nào vào con nào.
- A!
Ta đáp lung tung, lòng lại buồn bực nghĩ: Sao phải tốn nhiều công sức phân biệt con nào con nào làm gì?
- Nhưng Vương Hiến Chi chỉ mất một năm đã phân biệt được rõ ràng, đứa nhỏ đó đúng là có thiên phú
Nhắc đến đồ đệ đắc ý, Vệ phu nhân mỉm cười.
- Phu nhân, vì sao phải nhận rõ từng con ngỗng này?
Cuối cùng ta vẫn không nhịn được mà hỏi. Chẳng lẽ muốn kết giao với chúng, nhận họ hàng, thân thích sao?
Vệ phu nhân cười thần bí:
- Chút nữa người sẽ biết
Buổi chiều, các thiếu gia tiếp tục lên lớp. Lần này, lớp học không ở trong phòng học mà ở trong đình viện, bên hồ nước với đàn ngỗng trắng.
Vệ phu nhân chỉ vào một con rồi hỏi Tạ Huyền:
- Tiểu Huyền Tử, con này tên là gì?
Tạ Huyền gãi tai:
- Là Lục Lục?
- Thế Thất Thất của sư phụ đâu?
Vệ phu nhân trừng mắt:
- Con có chịu cố gắng để ý không vậy, con này mà cũng không nhận ra, con này là dễ nhận nhất. A Siêu, nói cho nó, đó là con nào?
- Sư phụ, con này là.. là… Si Siêu cũng chỉ cười ngây ngô
- A! Con biết rồi, sư phụ, đây chính là Điểm Điểm. Bởi vì chân nó màu không thuần, có mấy vết lốm đốm. Hehe, con vừa nhìn ra chân nó đạp nước.
Đây là giọng Hoàn Tể, sự hưng phấn và đắc ý lộ rõ.
- Nhận biết như vậy không tính!
Vệ phu nhân lại quát khiến Hoàn Tể cúi gằm xuống. Vệ phu nhân nhìn mấy đệ tử, bất mãn nói:
- Các con phải học theo Hiến Chi kìa, người ta luôn rất cẩn thận
Cũng phải nói, tiểu ma đầu kia, nhân phẩm tệ hại nhưng học hành rất cố gắng. Khi Vệ phu nhân nói chuyện với các đệ tử, hắn như chẳng nghe thấy gì, chỉ ngồi bên bờ nước mà nhìn theo những con ngỗng đang bơi qua bơi lại, tay còn vung lên trong không trung.
Sau khi yên lặng mô phỏng theo, đột nhiên hắn nhảy dựng lên, chạy biến vào phòng học, lúc sau lại lao tới nói:
- Sư phụ, người xem chữ này của con có phải là viết tốt hơn so với hôm qua không?
Mọi người đều vây lại, ta cùng nhìn qua khe hở, chỉ thấy trên giấy Tuyên Thành trắng tinh là một chữ “chi” rất lớn.
Vệ phu nhân gật đầu nói:
- Ừm, không tồi. Chữ này rất khó viết, con có thể viết được như vậy quả thực không dễ.
Nào chỉ là không tồi, theo ta thấy, chữ này quả thực quá đẹp. Một chữ rất khó mà có thể viết đẹp như vậy. Chấm kia thật đậm đà, nét hoàng kia như con sông mùa thu phẳng lặng, nét gấp lại như thác đổ.
Bản thân Vương Hiến Chi cũng cảm khái nói:
- Vì viết chữ này mà con bị phụ thân mắng rất nhiều. Tên mình viết cũng không xong, rất mất mặt.
Si Siêu cười nói:
- Chữ này ngươi hẳn nên viết cho đẹp, đây là chiêu bài nhà họ Vương các ngươi, ai cũng phải có chữ “chi”, cha cũng Chi mà con cũng Chi, ngươi Chi, ta Chi, đây Chi, kia Chi, tam Chi, tứ Chi…
Nói chưa xong mọi người đã cười ầm lên.
Ta cũng cười. Quả thật tên nhà họ Vương chẳng hiểu là làm sao, hình như kết oán với chữ “chi”, chết cũng không tha. Cha là Vương Hi Chi, con là Vương Hiến Chi, các thúc, bá, huynh đệ ai cũng như thế, cả đại gia tộc, già trẻ lớn bé, có rất rất nhiều Chi.
- Ngươi cười cái gì?
Người nào đó thở phì phò, lườm ta nói.
- Không, có cười gì đâu. À, ta cười hai con ngỗng kia, vì giành cá mà đánh nhau, con lớn ỷ to xác mà cười lên con bé.
- Ha ha ha…
Mấy người kia càng cười lớn, đến Vương Hiến Chi cũng nhếch miệng cười.
Tai ta đỏ bừng, bởi vì ta đột nhiên ý thức ra mình đã phạm phải sai lầm rất lớn: hai con ngỗng kia không phải là đánh nhau mà chúng nó đang thế này, thế này…
(1) Dùng ngỗng để luyện chữ, các bạn đừng coi thường mấy bạn ngỗng trắng này nhé. Có truyền thuyết cả đấy ạ. Chuyện kể rằng Vương Hi Chi nuôi ngỗng không chỉ để thảnh thơi nhàn nhã mà mỗi tư thế của ngỗng khiến ông lĩnh hội được bút thế của Thư pháp, phép tắc vận bút. Một hôm, Vương Hi Chi và con là Vương Hiến Chi cưỡi thuyền nhẹ ngắm non nước Thiệu Hưng, tới gần thôn Huyện Tương chợt thấy trên bờ có một đàn ngỗng trắng, lắc đầu, vẫy cánh. Vương Hi Chi xem tới mức xuất thần, bất giác thích đàn ngỗng vô cùng, muốn đem về nhà. Ông liền hỏi vị đạo sĩ, mong được mua đàn ngỗng. Đạo sĩ nói: “Nếu Hữu quân đại nhân muốn mua, xin hãy viết hộ cho một cuốn “Hoàng Đình kinh” của Đạo gia!” Vương Hi Chi nóng lòng muốn lấy đàn ngỗng liền nhận lời ngay. Đó chính là câu chuyện “Vương Hi Chi viết chữ đổi ngỗng trắng”.