Nghề Nào Cũng Có Trạng Nguyên

Chương 7-1




- Muội cảm thấy con bé này thế nào?

- Nó suốt ngày ngồi trên đệm như vậy, hơn nửa ngày cũng không di chuyển, chân không tê sao?

- Ta thấy không tê đâu, trẻ nít nông thôn thân thể tốt lắm.

- Thân thể tốt? Nhìn cái bộ dạng gầy không tới nửa lạng thịt của con bé xem, muội nói thật không có sức thuyết phục.

- Ôi, gầy thì là thân thể không tốt? Muội cũng gầy vậy nhưng không phải rất khỏe mạnh sao. Còn nữa, đừng thấy nó nhỏ chứ sức lực lớn lắm. Hôm qua ăn trưa xong, Tĩnh Mặc lén theo nó ra ngoài, nó đến bên phòng bếp, thấy một đống cành củi khô rải rác bên ngoài liền đi lấy dao chặt hết đám củi kia mà không rên tiếng nào.

- Đại sư tỷ, tỷ không phải là luôn lén theo sau cô bé nên mới rõ như vậy chứ?

- Hề hề.

Ni cô béo pháp danh Tĩnh Ngôn đẩy sư muội gầy bên cạnh, nói:

- Ta thật sự muốn biết nó chạy đến phòng bếp liệu có giống Thúy Hoa trước kia không, thấy phòng bếp có cơm thừa thì không nói tiếng nào lấy đem về nhà.

- Không thể nào.

Ni cô gầy pháp danh Tĩnh Túc nghe vậy lắc đầu:

- Nhìn tác phong của mẹ nó là biết đứa trẻ này sẽ không làm ra chuyện trộm cắp như vậy. Thuận Nương chưa từng mang bất kỳ thứ gì trong am trở về, dù là thức ăn mình chưa ăn hết cũng không lấy; còn con bé này quả thực có mang bánh bao trong am về nhưng đó là tự nó tiết kiệm được chứ không phải lấy trong phòng bếp đem về.

- Ban đầu ta cũng cho rằng đứa trẻ này không thể nào kiềm chế được lòng tham, dù sao cũng là người thôn Tiểu Quy. Nhưng quan sát hai tháng nay thì thấy hai mẹ con này thật sự là người tốt.

Cô lại bổ sung một câu:

- So với những người làm thuê trước đây tốt hơn nhiều.

- Nghe nói Thuận Nương không phải người nơi này, ta thấy bà ấy tướng tá nhã nhặn, làm việc cũng có trình tự, có lẽ từng là nha hoàn thượng đẳng của nhà giàu nào đó.

- Ta cũng nghĩ vậy. Tiếc là Thuận Nương rất kín miệng, lại không thích nói chuyện, khơi chuyện với bà ấy cũng không moi móc ra được gì.

Tĩnh Ngôn tiếc nuối than thở.

- May mà Thuận Nương không phải người thích hóng hớt, nếu không tám phần là tỷ đã bị moi móc sạch.

Tĩnh Túc nói.

- Này, nếu Thuận Nương là người thích hóng hớt, ta sẽ không tìm bà ấy nói chuyện đâu. Mấy người làm thuê trước kia, ta có từng để ý ai chưa?

Tĩnh Ngôn phản bác.

Hai ni cô nấp bên ngoài cửa sổ phòng kinh khẽ bàn luận, giọng nói tuy nhỏ nhưng không đến mức người bên trong không nghe được, đương nhiên sẽ dẫn tiểu sư muội Tĩnh Mặc của họ tới.

- Hai tỷ gánh nước xong chưa? Chuẩn bị thức ăn chay bữa tối chưa? Quét dọn am từ trong ra ngoài xong chưa?

Giọng nói lành lạnh từ bên cửa sổ mở vọng ra.

- Xong cả rồi.

Mặc dù hai ni cô ngồi xổm bên cửa sổ đường đường là đại sư tỷ và nhị sư tỷ, nhưng trên thực tế, họ đều chịu sự quản lý của tiểu sư muội……..

- Nếu xong cả rồi, vậy hai tỷ đến đây là muốn chép kinh sao?

- Không phải không phải! Bọn ta tới xem muội có cần nước nóng không, ta nghĩ nước trà của muội đã uống hết rồi, sợ muội khát.

Tĩnh Ngôn quản lý phòng bếp nhanh chóng tìm được cớ:

- Sư muội, muội cần nước nóng không?

- Không cần. Hai tỷ thực quá rảnh rỗi thì tới chép kinh đi. “Diệu pháp liên hoa kinh” hôm nay muội mới chép tới lượt thứ mười ba, có hai tỷ cùng chép thì có thể chép xong ba mươi ba lượt trước Tết để đưa về kinh thành dâng lên Phật Tổ_____

- Ối! Sư muội, đây là nhiệm vụ quan trọng sư phụ giao cho muội, bọn ta không gây thêm phiền phức cho muội đâu. Chữ muội đẹp, lại hiểu biết sâu sắc về ý nghĩa trong kinh, sư tỷ tuyệt đối không theo kịp. Đôi tay này của tỷ nấu cơm, chặt củi còn được chứ loại công việc thần thánh như chép kinh, tỷ không dám không biết tự lượng sức mình.

Tĩnh Ngôn khoát tay liên tục, muốn thoái thác.

- Đúng đúng đúng! Chữ của hai chúng ta cũng chỉ tốt hơn chữ chó cào của đứa trẻ trong phòng kia một chút thôi, nếu dùng để chép kinh là mạo phạm với Phật Tổ! Nam mô a di đà Phật, bần ni tuyệt đối không dám.

Tĩnh Túc kính cẩn đọc Phật hiệu rồi kéo đại sư tỷ, lập tức chuồn mất dạng.

Rất rõ ràng, Tĩnh Mặc đến bên cửa sổ ngắt cuộc trò chuyện của hai sư tỷ, không hề thật sự muốn hai người họ chép kinh mà chỉ muốn đuổi họ đi chỗ khác, đừng quấy rầy sự an tĩnh của người chép kinh trong phòng mà thôi.

Tĩnh Mặc nhìn hai sư tỷ một gầy một béo đi xa mới khép cửa sổ lại, bỏ thêm vài khối than vào chậu than, rồi quay trở lại ngồi bên chiếc bàn nhỏ, nhấc bút thấm mực, nâng mắt thấy đứa trẻ ngồi đối diện vừa viết xong một trang giấy đang nhìn trộm cô. Cô bèn hỏi:

- Có việc?

- Chữ con không còn là chữ chó cào nữa.

Tiểu Vân nhỏ giọng lẩm bẩm.

- Chỉ là nhìn ra được mặt chữ thôi, không có gì hay để khoe khoang.

- Con tiến bộ nhiều lắm.

Tiểu Vân cảm thấy nỗ lực của mình rất có thành tựu.

- Chưa đủ.

Giọng nói trong trẻo lạnh lùng không hề có nửa phần dao động.

- Đẹp giống chữ người viết mới đủ sao?

Tiểu Vân nhìn những con chữ tinh tế khiến người khác cảm thấy vô cùng đẹp mắt do Tĩnh Mặc viết thì nghĩ mình bao giờ mới có thể viết ra chữ đẹp đến vậy____

- Chữ này không tính là đẹp, có điều, nếu con có thể viết được thế này thì quả thực đủ rồi.

Tĩnh Mặc hơi ngừng lại, nói rõ với Tiểu Vân:

- Đây gọi là thể chữ Đài Các, các công văn thông thường trong quan trường đều dùng loại này là chủ yếu. Nếu con là nam nhi, đi thi khoa cử cũng phải dùng thể chữ này để viết.

- Con sẽ học tốt thể chữ Đài Các này.

Tiểu Vân thận trọng nói.

- Đương nhiên phải học tốt, ta vẫn đang chờ ngày con chính thức giúp ta chép kinh đấy.

Tĩnh Mặc là một ni cô nghiêm túc, không nói cười tùy tiện, rất ít khi thể hiện tâm trạng trong lời nói, nhưng không có nghĩa cô ấy là một người bảo thủ. Tiểu Vân theo bên cạnh sư phụ này chưa được mấy ngày đã hiểu được tính tình của cô ấy, trực giác biết mình phải thể hiện trung thực chăm chỉ, không cần ra vẻ lanh lợi hoạt bát; mà cô ngoại trừ ưu điểm trung thực chăm chỉ ra, điều giỏi nhất chính là khiến người khác chủ động đi moi móc, chứ không phải tự mình phô ra cho mọi người đều thấy. Tiểu Vân cho rằng đây là cách chung sống tốt nhất cùng với kiểu người trầm tĩnh trong nóng ngoài lạnh như Tĩnh Mặc.

Không ai dạy cô quan sát sắc mặt người khác để điều chỉnh hành vi của mình, nhưng Tiểu Vân bẩm sinh đã có thiên phú này____dĩ nhiên, cô cho rằng đứa trẻ nhà nghèo nào cũng có sẵn kỹ năng sinh tồn như vậy.

Lúc Tĩnh Mặc chép xong ba lượt kinh văn, dừng bút uống trà, cũng yêu cầu Tiểu Vân đi lại hoạt động một chút. Tiểu Vân tay chân nhanh nhẹn đứng dậy, việc đầu tiên làm là chạy đến bên chậu than, cho vài khối than vào, sau đó nhấc bình trà trên chậu than trở lại bàn thêm nước nóng vào ấm trà của Tĩnh Mặc; sau khi làm xong hết thảy, cô mới rót ít nước nóng vào chén trà của mình.

Tĩnh Mặc uống trà nóng, tựa như lơ đãng tán gẫu:

- Con tới đây đã hai tháng rồi, sao không thấy con lúc rảnh rỗi đi tìm mẹ?

- Mẹ tới đây để làm việc, sao con lại đi tìm?

- Buổi trưa ăn cơm nghỉ ngơi, không cản trở công việc, đương nhiên có thể gặp nhau.

- Mỗi ngày sớm tối đều gặp, không cần buổi trưa cố ý đi gặp.

Vẻ mặt Tiểu Vân đầy nghi hoặc.

- Con không tò mò mẹ con làm những việc gì ở đây sao?

- Tại sao phải tò mò? Mọi người không phải muốn mẹ con không được nói chuyện trong am sao?

- …….Mẹ con không phải là ngay cả chuyện thế này cũng kín như bưng chứ?

Trong giọng nói của Tĩnh Mặc có chút kinh ngạc.

- Chuyện đã hứa thì phải làm được.

Tiểu Vân nghiêm túc gật đầu.

- Mấy chuyện vặt vãnh bình thường thì không sao.

Tiểu Vân đưa ngón tay gãi gãi má, hơi xấu hổ nói:

- Tĩnh Mặc sư phụ, chúng con là người nhà quê chưa từng thấy việc đời, không có tâm tư khéo léo gì cả, không phân biệt được chuyện nào có thể nói, chuyện nào không thể nói, nếu đã như vậy thì đừng nói gì cả là tốt nhất.

Tĩnh Mặc nhìn Tiểu Vân hồi lâu, ánh mắt mang theo chút ấm áp.

- Con không tò mò sao? Con xem, trong Thận Nghiêm Am có vài người thế này, chút công việc thì ba tỷ muội ta thay phiên nhau làm được hết; vậy, mẹ con đến đây làm gì?

- Dù sao cũng không phải tới để chép kinh.

Tiểu Vân sau câu trả lời dí dỏm kia mới nghiêm mặt nói:

- Tuy con không biết mẹ đang làm gì ở đây, nhưng Thận Nghiêm Am nếu đã thuê bà ấy thì hiển nhiên có việc cần làm. Mà mẹ con cũng không phải người thích chiếm lợi của người khác, cho nên nếu thật sự không có việc gì để làm, bà ấy sẽ không tiếp tục ở lại đây.

Lời nói của Tiểu Vân giống như đã vượt qua khảo nghiệm nào đó của Tĩnh Mặc, Tĩnh Mặc trầm ngâm hồi lâu, sau khi uống xong chén trà mới mở miệng nói:

- Mẹ con là một người tốt, con, cũng rất tốt. Vậy, Tiểu Vân, nếu ta sẵn lòng cho con biết bí mật của Thận Nghiêm Am, con dám nghe không?

- Nghe có bị diệt khẩu không?

Tiểu Vân rất cẩn thận tìm sự bảo đảm.

- ……….Không.

Trong đầu đứa trẻ này nghĩ cái gì vậy!

- Vậy được. Người sẵn lòng nói bao nhiêu, con sẽ nghe bấy nhiêu. Con kín miệng lắm, chỉ nghe chứ không kể lại.

Dù hiểu chuyện thế nào, Tiểu Vân cũng là một đứa trẻ có lòng tò mò, đương nhiên thích nghe người khác chia sẻ bí mật, đồng thời nhiều lần nhấn mạnh mình rất có đạo đức của người nghe.

Sau khi Tiểu Vân lăn lộn ở Thận Nghiêm Am gần sáu mươi bữa trưa, cuối cùng nhờ vào sự thành thực siêng năng đã học được cách sử dụng bút nghiên giấy mực, đạt được thiện cảm và tín nhiệm của ba ni cô trẻ ở Thận Nghiêm Am, sau đó có quyền được biết bí mật không muốn người khác biết của Thận Nghiêm Am.