Ngày Mai (Demain)

Chương 17: Cậu nhóc với những chiếc màn hình




Tự do của chúng ta được xây dựng dựa trên điều mà

người khác không hay biết về cuộc sống của chúng ta.

Alexandre SOLJENITSYNE

Boston, 2010

19 giờ 15

Những bông tuyết vương lại trên kính của Romuald.

Cậu nhóc gỡ kính ra rồi lau mắt kính bằng tay áo pull. Cậu đeo lại kính để rồi nhận ra rằng cậu chỉ nhìn rõ hơn chút xíu. Dù có đeo kính hay không thì thế giới vẫn hiện ra dưới mắt cậu nhòe nhoẹt tăm tối, diệu vợi như vậy.

Câu chuyện đời mình…

Duy nhất một lần, cậu cố gắng hành động đúng trình tự. Lúc từ sân bay tới khách sạn, cậu đã nhìn thấy tòa nhà trụ sở của một thương hiệu tin học lớn. Một khối lập phương khổng lồ trong suốt nằm trên phố Boylston. Cậu phải đi tới đó. Vỉa hè chỉ chực biến thành sân trượt băng. Cậu trượt chân nhiều lần và kịp thời túm được thoạt tiên là một cột đèn, sau đó là một biển báo. Cuối cùng, cậu đến được trước mặt tiền bằng kính rộng thênh thang của tòa nhà ba tầng. Chỉ còn hai ngày nữa là tới Giáng sinh, cửa hàng mở tới tận nửa đêm. Bên trong giống như một tổ kiến. Đám động nghìn nghịt và khẩn trương suýt thì khiến cậu nhóc mê tin học bỏ cuộc. Như mỗi lần rơi vào tình huống tương tự, cậu lại bỗng nhiên phát hoảng. Tim cậu nện thình thịch trong lồng ngực và một dòng mồ hôi khiến cậu ớn lạnh xương sườn. Thoáng thấy xây xẩm mặt mày, cậu cố gắng tách khỏi đám người bằng cách đi cầu thang bộ bằng thủy tinh hữu cơ, dây thần kinh trung ương nối ba tầng của cửa hàng.

Lên trên cao rồi, cậu thấy dễ thở hơn một chút và dần dà có thể xoa dịu nỗi lo cho mình. Cậu tới xếp hàng và kiên nhẫn chờ nhiều phút dài dằng dặc trước khi một nhân viên bán hàng hỏi đến cậu. Một khi đã tiếp xúc, cậu nhóc biết cách tỏ ra thuyết phục: cậu không chỉ biết mình muốn gì mà thêm vào đó còn đang cầm trong tay một chiếc thẻ tín dụng gần như không giới hạn. Thế nên cậu chọn mua chiếc máy tính mạnh nhất, mua nhiều màn hình cùng nhiều thiết bị ngoại vi, cáp và ổ cắm nối dài. Mọi thứ mà cậu hằng mơ ước. Sau khi đã kiểm tra tính hợp thức của thẻ thanh toán cậu đưa ra, cửa hàng chấp nhận – xét trên giá trị đơn hàng và địa điểm giao hàng tại khách sạn khá gần – trong vòng một tiếng sẽ giao tận nơi toàn bộ số hàng cậu đã mua.

Hãnh diện vì đã tiến hành trôi chảy phần đầu của nhiệm vụ, Romuald cuốc bộ trở lại khách sạn Bốn mùa. Vào đến phòng hạng sang, cậu gọi bộ phận phục vụ phòng, đặt một suất bánh kẹp thịt nấm củ, một bánh ngọt rắc vụn sô cô la và một lon Coca light để ra vẻ ý thức tốt.

Khi đã nhận được thiết bị tin học, cậu nối máy nghe nhạc vào loa, cài đặt một playlist thích hợp (Led Zep, Blue Oyster Cult, Weeer…) rồi dành cả tối để cài đặt cấu hình cho các thiết bị.

Ở đó, trong căn phòng ấm áp, được bảo vệ giữa tiếng máy móc chạy ro ro, cậu như cá gặp nước. Cậu yêu thích máy tính, những thiết bị công nghệ cao, đồ ăn và tự tặng cho mình những khoảng trống dài một mình với những cuốn sách khoa học viễn tưởng hoặc kỳ ảo. Dĩ nhiên, cậu thường xuyên cảm thấy cô độc. Hết sức cô độc. Nỗi buồn đột ngột dâng lên như một cơn sóng từ xa dội lại, thít lấy cổ họng cậu và khiến mắt cậu ngân ngấn nước.

Ở bất cứ đâu cậu cũng cảm thấy không tự nhiên, không thực sự thoải mái, không thể hết lo lắng. Bố mẹ và bác sĩ tâm lý thường xuyên theo dõi cậu vẫn thường nhắc nhở rằng cậu cần phải “đi về phía những người khác”, phải “tập luyện một môn thể thao”, “kết bạn với cả nam lẫn nữ”. Đôi khi, để họ vui lòng, câu bằng lòng thực hiện vài nỗ lực nhưng chúng chẳng bao giờ mang lại kết quả. Cậu ngờ vực quá nhiều người, ngờ vực ánh mắt họ, lời phán xét của họ, những vố lừa mà họ có thể sẽ bắt cậu phải chịu. Vậy nên cậu chờ họ bắn cho cậu vài mũi tên rồi quay trở lại nấp đằng sau lớp vỏ đã tự rèn đúc cho mình từ tuổi ấu thơ.

Cậu kết thúc việc cài đặt bằng cách uống nốt lon Coca. Trước tình huống hiện nay, cậu vừa thấy phấn khích vừa thấy mất phương hướng. Cậu đang làm gì ở đây nhỉ, tại Boston này, cách nhà sáu nghìn cây số, trong căn phòng khách sạn hạng sang cùng một phụ nữ mà cậu vừa mới quen biết và khẳng định là mình nhận được những bức mail từ tương lai?

Đơn giản là cậu để mặc cho bản năng mình dẵn dắt. Cậu nhận thấy ở Emma bóng dáng của một người chị có lẽ cũng khốn khổ và cô độc như cậu. Cậu đoán rằng đằng sau những lời châm chọc, chị có một trái tim nhân hậu. Nhất là cậu cảm thấy chi đã gần chạm đến sự tan vỡ, và lần đầu tiên trong đời, cậu có cảm giác mình hữu ích đối với ai đó. Ngay cả khi cậu là người duy nhất biết điều đó, cậu cảm thấy trong mình có một sức mạnh và một trí tuệ đang đòi hỏi được thể hiện.

Lúc này, những ngón tay của cậu đang lướt trên bàn phím như những tốp lính bộ binh tấn công thành trì của kẻ địch.

Tại New York, cậu từng chứng kiến thằng bạn Jarod lén lút xâm nhập vào tầng thứ nhất của Domain Awareness System, hệ thống giám sát tổng thể của thành phố khai thác trong thời gian thực tế những máy quay ở Manhattan. Cậu vẫn còn nhớ một vài thao tác. Đủ để tấn công vào mục tiêu của riêng cậu: hệ thống tin học của Bệnh viện Đa khoa Massachusetts.

Cuộc chiến kéo dài, nhưng cứ kiên trì rồi cuối cùng cậu cũng kiểm soát được mạng nội bộ và toàn bộ các máy quay giám sát của trung tâm khám chữa bệnh. Cậu hack cho đến lúc nắm quyền truy cập hồ sơ bệnh án của bệnh nhân cũng như hồ sơ nghề nghiệp và thời gian biểu của toàn bộ nhân lực bệnh viện.

Cậu máy móc kiểm tra thời khóa biểu của Kate. Nữ bác sĩ khoa ngoại đã kết thúc ngày làm việc của mình và chỉ quay lại lúc tám giờ sáng mai: buổi sáng tại khu nhà chính của Trung tâm Tim mạch, buổi chiều và tối tại bệnh viện Nhi Jamaica Plain thuộc khu ngoại ô phía Tây Nam Boston.

Romuald cố gắng hồi tưởng lại những gì Emma đã kể cậu nghe: chính vào lúc rời khỏi bãi đỗ xe của bệnh viện Nhi thì Kate bị chiếc xe tải giao bột tong phải. Lặp lại cùng một “lối thao tác”, cậu chỉ cần mười lăm phút là hack được hệ thống tin học của chi nhánh bệnh viện. Cậu dành gần một giờ lang thang từ camera này sang camera khác để “nắm vững” địa hình, rồi chợt nhớ ra trang blog mà Emma nhờ cậu tham khảo.

Cậu bèn kết nối với Những gian truân của một phụ nữ Boston. Đó là một blog nghiệp dư, một dạng catalog những địa chỉ thú vị được nữ bác sĩ ngoại khoa khuyên đến. Ở đó chủ yếu tập hợp những lời khuyên về các nhà hàng, quán cà phê hay cửa tiệm, mỗi bài viết đều được minh họa bằng một hoặc nhiều bức ảnh. Romuald dành nửa giờ để đọc lướt các bài viết theo trật tự đăng tải. Đang đọc dở thì có điều gì đó khiến cậu chú ý: giọng điệu không thuần nhất giữa các bài viết. Một vài bài được viết hết sức kỹ càng trau chuốt, một số bài khác viết theo lối lỏng lẻo hơn và đầy rẫy những lỗi chính tả. Khó mà tin được rằng tất cả những đoạn văn này đều do cùng một người viết ra. Mặt khác, làm sao một người phụ nữ như Kate – chỉ biết sống cho công việc – lại có thời gian rảnh để tặng cho bản thân chừng ấy cuộc vui?

Bằng cách đào sâu tìm tòi, cậu nhóc phát hiện ra rằng những bài viết đăng trên trang blog này thực tế chỉ là những đoạn “cắt/dán” từ những blog khác. Rõ ràng là Kate bằng lòng với việc sao chép bài viết của các tác giả khác.

Nhưng với mục đích gì?

Lần này thì cậu tắc tị. Cậu dành thêm vài phút để đọc các bình luận cho blog. Trang blog này không nhiều khách truy cập lắm, dù cho một nickname “Jonas21” nào đó, một khách thăm đều đặn của blog, thường để lại một bình luận ngắn ngủi sau mỗi bài viết: “thú vị đấy, chúng tôi rất muốn biết thêm”, “chúng tôi đã đánh chén no say rồi, cảm ơn cô vì những lời khuyên!”

Romuald cố nén ngáp. Toàn bộ câu chuyện này trở nên quá khó hiểu đối với cậu. Cậu gửi hú họa cho Jarod, thằng bạn chuyên gia tin học, đường link của blog kèm theo một ghi chú yêu cầu cậu ta kiểm tra xem có thấy gì lạ trong trang web này không. Cậu bảo bạn rằng đây là việc gấp và hứa sẽ trả cậu ta khoản tiền công 1.000 đô.

Đã hơn một giờ sáng khi cậu thiếp đi trước các loại màn hình.