Ngày 32

Chương 6: Chương 6




*Chương này có nội dung ảnh, nếu bạn không thấy nội dung chương, vui lòng bật chế độ hiện hình ảnh của trình duyệt để đọc.


tháng Sáu, hồi I
Dịch A Lam sững sờ hồi lâu.

Y tự hỏi rằng đâu là mơ, đâu là thật.
Y bật điện thoại, thời gian hiển thị rõ là ngày 1 tháng 6 lúc 7:10 sáng.

Ngoài cửa sổ, cảnh sáng sớm hệt như những gì trong ký ức của y: vài dụng cụ thể dục ngoài trời trong khu cộng đồng đã chật kín những cụ ông cụ bà; phóng tầm mắt ra xa, có thể trông thấy nửa con phố ngập trong dòng xe cộ tất bật.

(minh họa: tokyo2soul)
Dịch A Lam gọi cho mẹ trước tiên, sau một hồi chuông ngắn thì được nối máy.
"A Lam à." Giọng nói trìu mến có vẻ xa lạ, tựa như đã lâu không thấy.
Khóe mắt cay xè, Dịch A Lam nói: "Mẹ."
Đầu dây bên kia như thể đang cười: "Dậy sớm vậy con? Gọi mẹ làm gì đấy? Muốn mẹ mang bữa sáng về à?"
"Vâng." Dịch A Lam ậm ừ.

"Mẹ vẫn khỏe chứ?"
"Tan làm rồi.

Mẹ đang trên đường về đây."
"Vậy mẹ lái xe cẩn thận nhé." Dịch A Lam cúp điện thoại tựa vào bệ cửa sổ.

Dòng người đến rồi lại đi, tiếng chuyện trò vang khắp phố đã chứng minh không có nhiều sự khác biệt giữa hôm nay và những ngày trước.
Dịch A Lam chẳng biết nên khóc hay nên cười, ngày hôm qua quả là cơn ác mộng khủng khiếp.
Cuộc điện thoại cho chú vẫn không một ai bắt máy.

Dịch A Lam bỗng thắc mắc, rằng liệu có phải vì tính chất công việc nên chú đã đổi số điện thoại? Nghiêm túc mà nói, số này đúng là đã lưu khoảng bảy, tám năm trước.

Những hai, ba năm trôi qua mà y vẫn chưa từng liên lạc lại với chú qua điện thoại ư?
Dịch A Lam chẳng còn cách nào khác là lên mạng hỏi về ngày 32.

Lo lắng Hoa Quốc hãy còn quá sớm, y đã bật máy tính và truy cập Internet ở các múi giờ khác nhau để nhân rộng phạm vi.

Tiếc thay, chẳng lấy một người đề cập đến sự kiện kỳ lạ vào ngày thứ 32, cũng không một ai phản hồi các bài đăng và trạng thái.

Y thậm chí còn đăng một tin về Châu Yến An.

Giả sử Châu Yến An cũng đang tìm kiếm thông tin về ngày 32 trên mạng thì ắt hẳn anh có thể trông thấy bảng tin, nhỉ? Nhưng vì sao, vẫn như đá chìm đáy biển?
Dường như tất thảy những chuyện vừa rồi chỉ được dệt lên bởi trí tưởng tượng của y.
Y phải thừa nhận rằng mình đang ốm nặng.


Và y cũng thật lòng hy vọng rằng chỉ có bản thân mắc bệnh, chứ không phải là cả thế giới.
Vừa khéo, y đã đặt lịch hẹn với nhà tâm lý vào năm ngày sau.
"Cạch." Tiếng mở khóa khẽ vang, Nhạc Khê Minh bước vào với hộp sữa tươi và một phần sandwich ốp la.
Dịch A Lam chăm chú nhìn người sống thực sự đã tồn tại hai mươi bảy năm trong cuộc đời mình, và như...!chưa từng biến mất.
Ánh mắt nóng rẫy của Dịch A Lam hệt như hóa thành thực thể khiến Nhạc Khê Minh thoáng sững sờ.

Bà thận trọng hỏi: "Con có chuyện muốn nói với mẹ à?" Giọng bà gần như là cảnh giác.
Dịch A Lam lắc đầu: "Con đói thôi ạ." Y vờ như không trông thấy nét mặt đề phòng và lo lắng ấy, dẫu sao cũng đã quen rồi.
Nhạc Khê Minh đưa bữa sáng cho Dịch A Lam, sau đó vào phòng tắm rửa mặt.

Bà hỏi y trước khi bước vào phòng ngủ: "A Lam à, khi nào thì con tìm việc mới?"
Dịch A Lam cắn miếng sandwich: "Tùy tình hình thế nào ạ.

Để con tìm trên mạng trước có vị trí nào phù hợp với mình không."
"Mẹ nhớ con có một người bạn cùng lớp đang sống ở thành phố, hình như chế tạo thiết bị thông minh thì phải? Nghe đâu kinh doanh tốt lắm, lâu lâu mẹ còn nhìn thấy cậu ấy trên bản tin."
"Ý mẹ là Giản Thành ạ? Nhà cậu ấy kinh doanh khá thật, đứng trong top đầu cả nước về ngành công nghiệp thông minh," Dịch A Lam từ chối một cách dứt khoát.

"Nhưng nếu muốn đầu quân vào công ty cậu ấy, con đã làm ngay khi vừa tốt nghiệp.

Con không muốn trở thành cấp dưới của các bạn cùng lớp.

Dù gì con cũng không có tham vọng.

Con chỉ muốn tìm một công ty vừa phải, ổn định cuộc sống thôi."
"Ừ.

Tùy con." Nhạc Khê Minh mỉm cười hiền hậu, như thể luôn ủng hộ Dịch A Lam vô điều kiện dẫu con trai có làm gì chăng nữa.
Mẹ cần ngủ bù, Dịch A Lam không muốn ảnh hưởng đến giấc ngủ của bà bèn trở về phòng.

Thoáng nhìn màn hình máy tính, y thấy vẫn chẳng có ai nói về ngày 32 trên Internet.
Dịch A Lam ngả lưng xuống giường, cảm thụ nỗi bất lực sâu sắc đang dần trói chặt mình.

Ngày hôm qua ngỡ như giấc mộng hoang đường, chứng rối loạn tâm lý, sự mờ mịt về tương lai vô định...!Mọi loại suy nghĩ đan chéo vào nhau, dẫu cố "cởi rối" cỡ nào thì cũng vô ích.

Giờ phút này đây, y bỗng dưng nghĩ đến Châu Yến An - người đàn ông trông không có vẻ gì gọi là khuất phục trước hoàn cảnh, và tuồng như chẳng có thứ nào trên đời có thể đánh gục được anh.

Nếu anh là y, vậy mọi chuyện sẽ như thế nào đây?
Đương lúc đứng trên góc nhìn của Châu Yến An, Dịch A Lam đột nhiên toát mồ hôi lạnh.


Đây là dấu hiệu cho thấy y không chịu được áp lực từ thực tế mà đã phân liệt thành một nhân cách mới (1).
(1) Rối loạn đa nhân cách (DID/ Rối loạn nhận dạng phân ly): là một dạng rối loạn tâm thần được đặc trưng bằng ít nhất hai nhân cách khác biệt và tồn tại tương đối lâu ở người bệnh.
Dịch A Lam bỗng muốn khóc cực kỳ.

Những điều tưởng chừng đã xảy ra lại tuồng như chưa bao giờ xảy ra; và những điều sắp xảy ra đều hư ảo và đầy đau đớn.

Chúng giày vò linh hồn mỏng manh của y.

Y sợ rằng mình đã chìm thẵm trong cơn lạc lối về tâm lý, và y cũng không chắc liệu mình có còn tỉnh táo, liệu mình có thể nhận thức chính xác về thế giới bên ngoài hay không.

Và liệu, y còn có thể phân biệt đâu là thật, đâu là giả giữa đất trời mênh mông này.
Y nghi ngờ về chính sự tồn tại của mình.
Chợt, Dịch A Lam nghe thấy tiếng chuông điện thoại của mẹ vang lên.

Ngay sau đó tiếng chuông biến mất, ắt hẳn mẹ đã thức dậy trả lời điện thoại.
Dịch A Lam không thể nghe thấy mẹ nói gì, nhưng trong vòng chưa đầy một phút, cánh cửa phòng của mẹ lại được mở ra.

Nhạc Khê Minh vội vã đi qua phòng khách, mở cửa phòng Dịch A Lam mà không hề báo trước: "A Lam, chú con mất rồi."
Vừa đặt chân bước vào nhà chú Dịch Hiểu Sơn, bà của Dịch A Lam đã bật khóc ôm lấy Nhạc Khê Minh.
Cụ bà tội nghiệp trải qua nỗi đau mất con thêm lần nữa.

Cụ gào khản cả cổ: "Quả nhiên là thế! Do mẹ tạo nghiệp cả thôi! Mẹ ắt chết không được tử tế! Mẹ còn sống sờ sờ ra đấy mà đã người đầu bạc tiễn hai kẻ đầu xanh!"
Kết quả sơ bộ từ bác sĩ khám nghiệm tử thi là Dịch Hiểu Sơn đột tử do tim, thời điểm tử vong có lẽ rạng sáng hôm nay.
Tiếng chuông ồn ào khi Dịch A Lam gọi điện thoại cho Dịch Hiểu Sơn đã khiến cụ bà mất sạch kiên nhẫn.

Cụ ở trong phòng nói với ra ngoài, rằng "mau mau trả lời điện thoại đi kìa".

Nhưng Dịch Hiểu Sơn không ừ hử gì cả.

Cụ bà dù giận cũng đành bất lực.

Con trai thứ vô công rỗi nghề; đã tới cái tuổi này mà còn ẩm ương chả ra sao, kém xa đứa con trai cả.
Nghĩ đến đứa con lớn mất sớm, cụ bà lại càng buồn hơn.

Cụ ngồi vò võ một mình mà rơi lệ.
Đến khi thôi than thở về tuổi già ảm đạm, cụ bà bèn đi làm bữa sáng rồi bảo đứa con duy nhất còn lại ra ngoài.

Phòng Dịch Hiểu Sơn khi ấy vẫn im ỉm không động tĩnh.

Cụ bà đổ quạu mở toang cửa, để rồi trông thấy Dịch Hiểu Sơn nằm trên giường với lồng ngực đã thôi phập phồng, sắc mặt thì đông cứng tái nhợt.
Thoạt đầu, không loại trừ khả năng mưu sát vì Dịch Hiểu Sơn tham gia vào công việc đòi nợ mướn.

Tuy nhiên sau khi bác sĩ khám nghiệm tử thi, cũng như sau khi cảnh sát thẩm vấn cụ bà và khám nghiệm hiện trường, về cơ bản đã có thể loại trừ khả năng giết người bằng thuốc độc và các thủ đoạn khác.
Dịch Hiểu Sơn tuy thân hình vạm vỡ nhưng thực ra đã mục ruỗng từ bên trong: Tỉ lệ mỡ trong máu cao, sinh hoạt và nghỉ ngơi không ổn định, thường xuyên ăn nhậu chè chén suốt ngày suốt đêm; dưới tình huống phải chịu áp lực dài hạn và quá mức, rất có khả năng dẫn đến tình trạng đột tử tim.

Hơn nữa, cụ bà quả thật thường xuyên nghe thấy con trai mình càm ràm liên tục về một chủ nợ xảo quyệt đê hèn nào đó, dẫu làm thế nào cũng không thể chặn đường gã.
Cảnh sát mở khóa điện thoại di động của Dịch Hiểu Sơn, đoạn nhìn Dịch A Lam: "Cậu là cháu trai ruột của Dịch Hiểu Sơn, phải không? Cuộc gọi nhỡ cuối cùng trong điện thoại là của cậu.

Tôi nghe bà cậu nói hai người chẳng mấy khi liên lạc.

Tại sao bảy giờ sáng hôm nay, cậu đột nhiên liên lạc với chú mình? Cứ thoải mái thôi.

Tôi không có ý gì khác, chỉ là làm theo thông lệ."
Nhạc Khê Minh ngạc nhiên nhìn Dịch A Lam.

Bà cũng không hiểu vì sao sáng ra Dịch A Lam lại đi tìm một người chú chẳng mấy thân thiết, thậm chí còn không nói trước với bà.
Cụ bà nghẹn ngào: "Chắc Lam Lam cảm nhận được! Dầu gì hai chú cháu nó cũng có quan hệ huyết thống!"
Dịch A Lam ngỡ ngàng, cảm tưởng bản thân như lọt trong sương mù.

Hết thảy sao mà quá đỗi hư ảo.

Y không có cách nào chắc chắn rằng mình đã gặp chú vào ngày hôm qua trong kỷ nguyên tận thế, mà người duy nhất có thể giải đáp cho y lại đột ngột qua đời vào lúc này.
Có lẽ đúng như lời bà nội nói, rằng đó là nghiệp chướng và liên quan đến thần linh: Linh hồn của chú đã đưa y đến một giấc mộng mang tên ngày 32 để nói lời từ biệt, và chú cũng từ giã cõi đời để đuổi theo tên chủ nợ kia.
"Tôi vừa mới thôi việc ở nơi khác.

Biết chú có mạng lưới quan hệ rộng, nên tôi muốn hỏi chú ấy có công việc nào thích hợp ở đây thì giới thiệu giúp." Dịch A Lam miễn cưỡng tìm cho mình một cái cớ.
Cảnh sát quả thật chỉ lấy lời khai theo thông lệ.

Anh ta không đào sâu hơn mà chỉ nhắc nhở: "Cậu trai trẻ à, cơ hội còn rất nhiều.

Đừng đi sai đường đấy."
Nhạc Khê Minh nhìn Dịch A Lam thật sâu, rồi cúi đầu ôm lấy cụ bà hãy còn khóc nức nở.
Cảnh sát và các bác sĩ nhanh chóng rời khỏi hiện trường.
Dịch A Lam thận trọng bước vào phòng chú giữa những tiếng khóc liên hồi.
Tấm rèm đóng kín, không gian tối tăm, và đồ đạc lộn xộn.
Một cái xác không hồn nằm đấy.
Dịch A Lam chần chừ không dám cất bước.
Cái xác mang ý nghĩa của sự chết kia không chỉ là thân nhân, mà còn đại diện cho lý trí của y.
Đến khi trông thấy hình xăm quen thuộc trên cổ chú - một chuỗi bụi gai đen chằng chịt quấn lấy nhau, lan từ cằm xuống ngực - thành thật mà nói, hình thể và khí chất của chú thoạt trông rất hài hòa với một hình xăm như vậy.

Có lẽ, chú xăm cái chuỗi lạ lùng này chỉ cốt gây sốc cho chủ nợ.


Vì thế khi gặp được chú vào hôm qua, Dịch A Lam đã không thể hiện bất kỳ sự ngạc nhiên nào về hình xăm ấy.

Như thể, nó luôn đồng hành cùng chú của y.
Song Dịch A Lam nhớ rõ khoảng một năm trước - khi y trông thấy chú mình lần cuối, Dịch Hiểu Sơn chắc chắn vẫn chưa có hình xăm này.
Nếu ngày 32 là do y tưởng tượng, vậy y đã nhìn thấy hình xăm của chú ở đâu?
Dịch A Lam sa vào vực thẳm của sự bối rối và sợ hãi.

Y bỗng toát mồ hôi lạnh.
Tang lễ của chú kéo dài trong ba, bốn ngày.

Là người đàn ông cuối cùng của dòng họ Dịch, Dịch A Lam có trách nhiệm gánh vác mọi gánh nặng và tiến hành thủ tục tang lễ, dẫu cho xuyên suốt quá trình y chỉ làm một cách máy móc.

Y không có thời gian nhìn thẳng vào nỗi sợ hãi của mình.

Tất cả những gì y biết là Châu Yến An đã không tìm thấy y thông qua Internet, và cũng chẳng ai nhắc đến ngày 32.
Y chỉ có thể nhờ tâm lý gia giúp đỡ.
Nhà tâm lý Điền Lộ là một người đàn ông trẻ tuổi, không quá ba mươi lăm.

Anh có vẻ ngoài thoạt trông không đặc biệt, nhưng lại mang đến cho người khác cảm giác thân thiện.

Điều này khiến Dịch A Lam lấy làm dễ chịu, hiện giờ y không tài nào có thể bộc bạch nỗi hoang mang của mình với một người đàn ông tuổi trung niên.
Dịch A Lam ngồi xuống chiếc ghế bành màu lam.

Nội thất xung quanh căn phòng khá tươi mới và sạch sẽ; một bông hồng trắng đang nở rộ c ắm vào lọ thủy tinh trong suốt trên bàn, như là một điểm sáng đẹp đẽ khiến tâm trí người khác vô thức thả lỏng.
Điền Lộ nhìn y bằng ánh mắt dịu dàng, anh kiên nhẫn chờ thân chủ trải lòng.
Dịch A Lam kể về ngày thứ 32.
Điền Lộ cười mỉm, có lẽ chàng trai tuấn tú trước mặt mắc phải chứng rối loạn hoang tưởng (2).

Song, anh vẫn thể hiện sự tôn trọng và lòng thấu cảm đúng với cương vị của một nhà tâm lý: "Em phải nói rõ ngọn nguồn về "người bạn" trầm cảm của mình.

Có như vậy, tôi mới giúp em phân tích được nhiều thứ."
Dịch A Lam mím môi, nghiêng đầu nhìn nhà tâm lý hiền hòa đối diện.

Y dường như không dám nhìn thẳng vào tương lai của mình: "Cha tôi, là đồng tính luyến ái."
(2) Rối loạn hoang tưởng: có biểu hiện đặc trưng là thường xuyên gặp ảo giác.

Sự ảo tưởng này chủ yếu liên quan tới nhận thức lệch lạc.

Ngoài ra, số khác gặp tình trạng ảo tưởng kỳ quái khi không ngừng tưởng tượng về những việc không thể xảy ra như: Ảo giác biến hình, lo sợ bị người ngoài hành tinh bắt cóc,...
Hết chương 006
Mình: Như đã nói ở phần giới thiệu, bản gốc là "Bác sĩ tâm lý" và "bệnh nhân".

Nhưng khi chuyển ngữ, mình sẽ dùng "Nhà tâm lý" (hoặc Tâm lý gia) và "thân chủ" thay thế cho hai cái kể trên nhé..