Đám đông chợt vẹt ra làm hai, bên trong xuất hiện một vị quan nhân mặt đen ăn mặc giản dị như lão nông, ghìm lại trường thương của võ tướng.
Trước mặt quan mặt đen, vị võ tướng ngồi trên chiến mã không dám ngồi thẳng lưng, bị ông ta chặn trước mặt, quát to:
- Hồ đồ!
Võ tướng vội ôm Thiết Tâm Nguyên nhảy xuống khỏi chiến mã, khom người trả lời:
- Nông phụ này thật sự phạm vào quốc pháp, là tử tội.
Quan viên mặt đen liếc mắt nhìn, chỉ vào đám người đang vây xem, giọng lạnh nhạt:
- Phạm pháp thì hiển nhiên sẽ bị xử tội, nhưng một nông phụ không phải người trong quân, trong tay dù cho có dao nhọn thì ắt có ẩn tình. Ngươi là võ quan, lấy quyền gì xử trí dân chúng?
Võ tướng trả Thiết Tâm Nguyên lại khiến Vương Nhu Hoa dấy lên tia hi vọng. Hắn gãi gãi đầu trả lời:
- Dù Đề Hình Ti hay Khai Phong Phủ xử án thì cũng khó thoát tội chết. Tiểu chất nghĩ bá bá ngài không bao giờ nương tay chiếu cố.
Quan viên mặt đen hừ lạnh:
- Một khi quốc pháp đã có thì phải thi hành đúng luật. Tuy nói ngoài luật pháp còn có tình người nhưng hoàng quyền là bất khả xâm phạm, đây là thiết luật! Hoài Ngọc, ngươi tuổi trẻ còn lỗ mãng, sau này không được hành động bồng bột như vậy nữa. Hiện giờ phụ thân ngươi đang trấn giữ Phượng Châu, bao nhiêu đôi mắt đang thèm thuồng nhìn ông ta, hy vọng túm được nhược điểm. Ngươi đảm nhiệm Long vệ, đảm bảo an toàn cho bệ hạ thì vạn lần không thể mắc sai lầm, nếu không sẽ liên lụy đến ông ấy.
Quan mặt đen lại nói tiếp:
- Phụ nhân này quả thật phạm vào tội chết, nhưng cô nhi quả mẫu hết sức đáng thương. Ngươi giết người ngay giữa đường, sẽ ảnh hưởng đến con đường công danh của ngươi sau này đấy.
Vị tướng quân thiếu niên khom người cảm tạ:
- Đa tạ Bao bá bá dạy bảo, tiểu chất ghi nhớ.
Vương Nhu Hoa thì tỉnh tỉnh mê mê, không biết chuyện gì vừa phát sinh nhưng Thiết Tâm Nguyên lại hết sức rõ ràng. Nhìn thấy lá cờ quân binh cầm trên tay thêu chữ ‘Tống’, cộng thêm cuộc đối thoại hai người và đối chiếu với lịch sử… điều này đã giúp Thiết Tâm Nguyên đoán được thân phận hai người này.
Hắn không thể nào tưởng tượng nổi mình lại sớm gặp hai vị nhân vật nổi danh trong lịch sử sớm đến như vậy. Một người nổi tiếng tàn bạo, một người thì cứng nhắc. Mẹ con mình chẳng qua chỉ núp ở góc tường thành tránh cơn mưa to, vậy mà giờ đến mạng cũng không giữ được.
Thiết Tâm Nguyên trừng mắt đầy oán độc nhìn hai người đang cầm dù đằng kia. Bao Chửng dường như cảm giác được gì đó, bèn xoay người nhìn Vương Nhu Hoa đang run rẩy trong cơn mưa, tiến lại gần nói với nàng:
- Con của ngươi lão phu sẽ an bài thỏa đáng, ngươi không cần lo lắng.
Vương Nhu Hoa khóc òa, nước mắt rơi trên mặt Thiết Tâm Nguyên rồi hòa vào trong màn mưa. Riêng Thiết Tâm Nguyên thì lạnh lùng nhìn chằm chằm Bao Chửng, không hề chớp mắt.
Bao Chửng cảm giác hơi lạnh gáy, liền lắc đầu xua đi ý nghĩ kỳ quái trong đầu. ‘Làm sao có thể xảy ra chuyện đó được, mình quả thật không nên nghĩ nhiều! Hài tử trước mắt còn chưa đầy năm tháng tuổi mà…’
Trên cổ mang xích sắt, Vương Nhu Hoa bế Thiết Tâm Nguyên được dẫn ra góc tường. Thiết Tâm Nguyên trông thấy một cỗ xe ngựa khổng lồ dừng cách đó không xa.
Trên càng xe ngựa có hai đại hán vạm vỡ đứng vững vàng, dù mưa vô cùng nặng hạt nhưng vẫn đứng bất động, còn quân tốt đứng hầu hai bên thì lại hệt như những pho tượng được điêu khắc, không nói một lời.
Sắc trời chưa tối hẳn, mười mấy cái lồng đèn lớn có nhỏ có chiếu rọi bốn phía sáng như ban ngày.
Thiết Tâm Nguyên nãy giờ đang yên lặng thì bỗng nhiên khóc ré lên, vô cùng thê lương. Vương Nhu Hoa thì nghĩ đến sau này con trai không còn mẫu thân, cũng quỳ xuống đất khóc rống. Dù bộ khoái nắm xích sắt kéo thế nào vẫn không thể khiến nàng đứng dậy, vẫn quỳ nơi đó ôm con trong vũng nước bùn.
Tã lót bị ướt đẫm. Tiểu hổ ly mọi hôm trốn kỹ ở trong thì hôm nay càng cẩn thận ẩn nấp hơn vì xung quanh đầy người, cái đuôi lại nghịch ngợm quét qua quét lại trên người Thiết Tâm Nguyên, khiến tiếng khóc của hắn càng thê lương, bi thống.
Tiếng khóc ấy rốt cuộc đã kinh động người trong xe ngựa. Một người trong xe ngựa bước ra khoác áo tơi cầm phất trần tiến tới gần Bao Chửng, thấp giọng nói mấy câu, sau đó liếc mắt nhìn hai mẫu tử đang quỳ trong mưa rồi quay trở lại xe ngựa.
Trong chớp mắt, một người thanh niên gầy yếu có đại tán che đầu từ trong xe chầm chậm bước ra, nhìn thoáng qua mẫu tử Vương Nhu Hoa, rồi lại ngẩng đầu nhìn bầu trờ xám xịt, nói với Bao Chửng:
- Đại thiên tai mãi không ngừng, đây là trời cao đang trừng phạt trẫm! Dân chúng phải chịu khổ thì trẫm phải chịu trách nhiệm.
Bao Chửng khom người nói:
- Vì tai họa giáng xuống bệ hã đã hạ chiếu răn mình, thiên địa tự nhiên sẽ thấu hiểu sự thành tâm của bệ hạ. Năm sau ắt mưa thuận gió hòa!
Người thanh niên khẽ hắng giọng, từ tốn nói:
- Mấy năm qua trẫm đã đã hạ ba đạo chiếu chỉ răn mình, giờ có khi trong mắt trời cao trẫm đã là tội nhân. Quên đi, các ngươi tựu giúp trẫm bớt tạo nghiệt thì ta đã hài lòng. Ngươi cho rằng mẫu tử kia có khả năng uy hiếp hoàng cung, đủ sức ám sát trẫm sao?
Lời nói tiếp theo của Bao Chửng hơi ngập ngừng:
- Không được, trong trường hợp này phải bảo vệ tôn nghiêm của luật pháp!
- Giết chết nông phụ này có thể giữ được thể diện của pháp luật? Trẫm không cần cái thể diện lớn đến thế. Mấy năm qua, trẫm đã mất ba vị hoàng tử, tận đến nay vẫn không có con nối dòng. E rằng chuyện này có liên quan đến pháp luật quá hà khắc!
Ngay lúc đó Bao Chửng không thèm để ý đến trời mưa nặng hạt mà cởi đấu lạp* xuống, mặc cho nước mưa tuôn xối xả vào mặt, nói bằng giọng sang sảng:
- Nhân hiếu là rường cột lập quốc của Đại Tống ta, sao có thể tùy ý thay đổi vì hoảng tử xảy ra chuyện không mong muốn? Xin bệ hạ hãy nghĩ lại!
(*Đấu lạp: nón trúc rộng vành).
Hoàng đế lắc đầu, chỉ tay ra phía ngoài thành mà nói:
- Được rồi, hôm nay trẫm đã thấy quá đủ thi thể dân chúng rồi! Thật sự không muốn thấy thêm một cái nữa đâu.
- Truyền chỉ đi, nay ta cho hai mẫu tử này mượn một góc hoàng thành làm nơi an thân. Bao khanh không cần phải can ngăn nữa!