Ngắm Tận Non Sông

Chương 4: Vô Nhai




Trong màn gấm lúc này, thịt nai đã được bày lên bàn. Đám tôi tớ nhanh nhẹn đã xẻ thịt nướng mềm trên lửa, cắt thành miếng, xếp thành vòng đẹp đẽ. Dương Quyết cử người hầu giỏi nấu ăn của mình đến lo chuyện bếp núc. Lửa được khống chế vừa đủ, nêm nếm gia vị và muối ăn, dâng lên cho các chủ tử.
Dương Quyết hào hứng nhìn hai thiếu niên so đao bên ngoài. Thấy Vệ Trường Hiên bị Trần Thiệu áp đảo đến không còn sức phản công, tâm trạng hắn cực kỳ tốt, cầm miếng thịt nai nướng do người hầu dâng lên, cắn mấy miếng, liên tục khen ngon. Hắn rút chiếc nhẫn đeo trên tay, ném ra ngoài, "Thưởng cho ngươi."
Người hầu kia vội nhặt lên, vui sướng ôm vào lòng, luôn miệng tạ ơn, sau đó lại quỳ bên đống lửa, tiếp tục nướng thịt.
Dương Diễm không nhìn thấy trận tỷ thí này ra sao, chỉ biết nghe tiếng mọi người thì thào bàn tán cùng âm thanh đao gỗ va vào nhau canh cách.
Dương Quyết vừa ăn thịt nai vừa cổ vũ, "Một nhát đao ban nãy thật đẹp!"
Trên sân, Vệ Trường Hiên trúng một đòn vào gáy, hai mắt tối sầm. Đòn tấn công của Trần Thiệu không hề chậm lại. Hắn nhận ra Vệ Trường Hiên đã sức cùng lực kiệt, bèn lạnh giọng hỏi, "Ngươi còn chưa chịu thua sao?"
Vệ Trường Hiên cố sống cố chết vung đao ngăn đòn của đối phương. Cả người chàng đau ê ẩm, nhưng không cách nào thốt ra được lời đầu hàng, chỉ cắn răng nói, "Ta vẫn chưa thua!"
Trần Thiệu cảm thấy thật nực cười, "Ngươi định bày trò gì nữa? Nếu mười mấy đao ban nãy là đao thật thì ngươi đã mất mạng rồi."
Vệ Trường Hiên cầm chuôi đao bằng hai tay, hướng về phía hắn, trầm giọng nói, "Còn chưa cắt được yết hầu của ta, ta sẽ không nhận thua."
Cuộc đối thoại của họ mơ hồ vọng đến. Dương Diễm đứng dậy khỏi chỗ ngồi, mò mẫm muốn ra ngoài, nhưng bị một cánh tay cản lại, "Tứ đệ, ngoài kia gió lớn, vẫn nên ngồi trong trướng thì hơn. Thịt nai này nướng không tồi đâu. Mấy người các ngươi, bưng thịt lên cho tứ công tử nếm thử."
Dương Diễm một lần nữa bị ấn ngồi xuống vị trí cũ. Có người dâng thịt đến bên môi, tỏa ra mùi khói thơm ngát. Y há miệng ăn, rồi lại một miếng nữa được đưa tới. Y gắng gượng cắn nuốt miếng thịt tanh nồng, nghe tiếng chan chát vang vọng bên ngoài. Đó là tiếng đao chém vào da thịt, rất nặng nề, chậm rãi, như chuông đồng vang dội trong lòng y.
Bỗng nhiên, có tiếng người khác thốt lên kinh hãi. Hóa ra thiếu niên bị Trần Thiệu đánh đến gần chết kia bỗng dưng đứng bật dậy. Thanh đao trong tay Trần Thiệu đâm vào ngực chàng, nhưng bị chàng nắm lấy, dùng sức mà nhào lên. Trần Thiệu cảm thấy đao trong tay như bị kẹp bằng gọng sắt, không sao rút về được. Trong khoảnh khắc ấy, đao gỗ của đối thủ xẹt qua, lưỡi đao cắt trúng cổ hắn.
Vệ Trường Hiên dốc toàn khí lực vào một đao này, dù chỉ là đao gỗ cũng để lại vết tụ máu đỏ bầm trên cổ đối phương. Trong tay chàng còn ôm đao của Trần Thiệu. Nếu hai người dùng đao thật thì giờ này chàng đã bị chém đến máu thịt tơi bời. Trần Thiệu bị chàng chém trúng yết hầu, đương nhiên phẫn nộ đến phát điên. Lần đầu tiên hắn gặp phải loại đối thủ không màng đến sống chết như vậy.
Người trong trướng cũng bị biến cố này làm cho kinh ngạc. Dương Quyết tính tình nóng nảy, quát trước, "Trần Thiệu, ai thắng?"
Trần Thiệu sờ nhát đao trên cổ, nghiến răng đáp, "Khởi bẩm công tử, ta thua." Hắn nói rồi đẩy Vệ Trường Hiên ra, bò dậy khỏi tuyết, sắc mặt tối sầm.
Vệ Trường Hiên cũng ngây ra một hồi, sau đó chậm chạp bò lên, nhìn về phía màn gấm, do dự không biết có nên tới đó hay không.
Dương Tông là người đầu tiên phá tan sự yên tĩnh, "Còn thất thần ở đó làm gì. Không mau nhận thưởng đi."
Vệ Trường Hiên tiến lên nhận miếng ngọc bội, hành lễ nói, "Tạ ơn công tử ban thưởng."
Dương Quyết nghẹn một cục hận trong lòng, lạnh lùng nhìn chằm chằm thiếu niên kia một lúc, đang định mở miệng thì bỗng nhiên tay áo khẽ động. Dương Tông ngồi bên cạnh, nhẹ nhàng kéo hắn. Hắn nhìn theo ánh mắt ám chỉ của Dương Tông, thấy Dương Diễm đang ngồi trên ghế dựa lớn, sắc mặt tái nhợt, người run bần bật, không biết vì lạnh hay hoảng sợ.
Thấy bộ dạng vô dụng đó của y, Dương Quyết cũng thoải mái hơn phần nào. Khóe môi hắn khẽ nhếch lên một nụ cười lạnh lẽo, nghĩ bụng, chơi đùa với một tên người hầu đi theo loại chủ tử phế vật này đúng là mất cả thân phận của bọn họ.
"Nhị vị ca ca." Dương Diễm sợ hãi lên tiếng trước, "Ta về được chưa?"
Dương Tông nhìn sắc mặt tam đệ ngồi bên cạnh rồi cười cười, "Trời cũng không còn sớm nữa. Thân thể tứ đệ không tốt, nên về đi thôi."
Vệ Trường Hiên bước đến nâng cánh tay Dương Diễm, cúi đầu cáo lui. Lúc lại gần, chàng vô tình chạm phải ánh mắt Dương Quyết, thấy hắn đang nhìn mình như hổ rình mồi, nụ cười lạnh lẽo treo bên khóe môi.
Khi đến một ngôi đình yên tĩnh gần đó, Dương Diễm bỗng nhiên ho khan dữ dội. Hình như y kìm nén quá lâu, ho đến kinh thiên động địa, gần như muốn ho cả hai cánh phổi ra ngoài. Vệ Trường Hiên luống cuống chân tay, vỗ về lưng y. Y không đỡ hơn chút nào, bỗng nhiên ọe một tiếng, nôn sạch chỗ thịt nướng trong bụng.
Sau khi nôn xong, y mới ngừng ho. Vệ Trường Hiên vội nâng mặt y lên, thấy hàng lông mi của y ướt đẫm nước mắt, sắc mặt cũng đỏ lựng một cách đáng ngại. Bên cạnh họ lúc này không có tỳ nữ hay hộ vệ. Vệ Trường Hiên sờ khắp toàn thân y, nhưng không tìm được miếng khăn vải nào, chỉ đành dùng ống tay áo lau mặt cho y, nhẹ giọng hỏi, "Ngươi đỡ hơn chưa?"
Dương Diễm vừa chảy nước mắt vừa níu lấy tay áo chàng, thì thào đáp, "Ta cứ tưởng ngươi sẽ bị đánh chết."
Thấy y lo cho mình, Vệ Trường Hiên bỗng cảm thấy ấm áp và đau xót ngập tràn cõi lòng. Chàng mỉm cười, "Ta làm sao mà chết được. Hồi trước, lúc còn trong cấm quân, ta đánh nhau nhau cả ngày, chưa bao giờ thua ai." Chàng nhẹ nhàng vỗ về đứa bé nhỏ hơn mình mấy tuổi, "Hơn nữa, ta là người hầu của công tử, sao có thể để công tử mất mặt."
Dương Diễm được chàng an ủi, dần dần nín khóc. Vệ Trường Hiên đỡ y dậy, chầm chậm quay về biệt viện khi trời chiều dần buông.
"Ban nãy ngươi thắng à?" Giọng của Dương Diễm còn hơi nghẹn ngào, "Từ trước đến nay, bất kể là so tài gì với các ca ca, ta chưa bao giờ thắng."
Vệ Trường Hiên nhét miếng ngọc bội màu thanh thủy kia vào tay y, "Đây là phần thưởng của ta, ngươi cầm lấy. Sau này có ta ở đây, ta thắng được gì đều sẽ cho ngươi."
Gương mặt Dương Diễm còn vương vệt nước mắt. Y nắm chặt miếng ngọc bội, khẽ gật đầu.
Đêm xuống, một chiếc xe ngựa lặng lẽ dừng trước của Mục vương phủ. Người bước xuống là một nho sinh, không dâng lễ vật, cũng không đưa danh thiếp, chỉ trực tiếp gõ vang đại môn.
Tôi tớ trong vương phủ nghe tiếng động lớn, nhìn thấy dấu hiệu trên xe ngựa thì kinh hãi, vội chạy vào bẩm báo. Chỉ trong chốc lát, Mục vương Dương Diệp đã đích thân đi ra nghênh tiếp. Một ông cụ râu tóc bạc trắng, thân mình tiều tụy bước ra khỏi xe ngựa, không hành lễ với Mục vương, để cho nho sinh kia dìu, chậm rãi vào trong phủ.
Thường ngày, Mục vương vẫn luôn sinh hoạt ở phụ điện. Chỗ này có địa long (1) sưởi ấm, đốt huân hương, bước vào đã ấm sực. Lúc này, Dương Diệp mời ông cụ ngồi ngay ngắn lên ghế ở chính giữa, còn mình thì quỳ xuống, cung kính hành lễ.
Trên đời này, người có thể được Mục vương hành lễ chỉ đếm trên đầu ngón tay. Nhưng ông lão chẳng có vẻ gì là thụ sủng nhược kinh, cứ im lặng nhận lễ của hắn, sau đó mới mỉm cười nói, "Đa tạ Mục vương còn nhớ đến lão hủ. Hôm nay, người quen của ta trong thành Kiến An đã chẳng còn nhiều."
"Người lọt được vào mắt tiên sinh đúng là không nhiều, nhưng thiên hạ thì mấy ai lại không biết đến đại danh Vô Nhai tể tướng đâu."
Vô Nhai tể tướng là danh hiệu của lão trong năm Duệ Tông. Lão tên thật là Quảng Ngôn, là người kỳ tài tinh anh, học thức uyên bác nên mới được xưng là "Vô Nhai." Vào những năm Duệ Tông, Yến Ngu gây loạn, Quảng Ngôn hiến kế đẩy lui kẻ địch, được phong tể tướng, thế nhân tôn là Vô Nhai tể tướng. Sau khi Hiếu tông lên ngôi, hết lời mời lão quay về địa vị cũ, nhưng Quảng Ngôn kiên quyết từ chối, chỉ thong thả ngao du giang hồ.
Mà ông lão từng là quốc sĩ này, giờ chỉ thản nhiên lắc đầu, "Thứ hư danh xưa kia thôi, nào so được với Mục vương nắm quyền thiên hạ hôm nay."
Dương Diệp hổ thẹn cúi đầu, "Nếu năm xưa không nhờ tiên sinh chỉ điểm, giờ tiểu vương còn đang không biết an thân nơi nào." Hắn băn khoăn nhìn ông lão một lát, bỗng nhiên hỏi, "Không rõ tiên sinh đến đây lần này có gì chỉ bảo?"
Quảng Ngôn đương nhiên hiểu sự phòng bị sâu kín trong lòng hắn, chỉ lặng lẽ cười, "Hơn mười năm trước, lão hủ từng cùng vương gia luận thiên hạ. Không biết hôm nay, lão hủ có còn may mắn được bàn chuyện cũ với vương gia chăng?'
Dương Diệp thẳng lưng ngồi, tựa như một học sinh chăm chỉ, "Xin tiên sinh chỉ dạy."
Quảng Ngôn im lặng thật lâu trước ánh đèn, chậm rãi mở miệng, "Mấy năm nay, lão hủ đã đi rất nhiều nơi. An Dương, Bình Hỗ, Quan Hữu....Năm xưa, ta đã hiến thất sách cho những phiên trấn này chống đỡ quân Yến Ngu xâm lược, nhưng hôm nay cũng đi ngược lại ước nguyện ban đầu của ta."
Dương Diệp nhíu mày, "Các phiên trấn đó binh hùng tướng mạnh, binh lực còn cường thịnh hơn năm đầu tiên Đại Chiêu khai triều. Cớ sao tiên sinh nói vậy?"
Quảng Ngôn lẳng lặng nhìn hắn, "Dám hỏi vương gia, những phiên trấn binh hùng tướng mạnh ấy, hôm nay hoàng thượng có điều hành nổi không?"
"Chuyện này...."
"Người trong thiên hạ dều biết, những phiên trấn binh hùng tướng mạnh ấy đều nằm trong tay vương gia. Mà nguyên nhân vì sao, cả vương gia và lão hủ đều biết rõ." Lão chậm rãi đứng dậy, "Đại Chiêu cùng lắm mới chỉ khai triều hơn trăm năm, trải qua không biết bao nhiêu thay đổi bất ngờ. Ban đầu, khi Thái Tông hoàng đế tiêu diệt Cảnh Viêm, phủ binh trong tay ngài có đến một nửa là người Đông Hồ. Mẫu tộc và thê tộc của Thái Tông cũng là hậu duệ quý tộc Đông Hồ. Trong người tôn thất Dương gia là máu của tộc Đông Hồ. Binh mã của chúng ta cũng đổi sang chế phục của Hồ tộc. Nếu nói không ngoa, Dương gia có thể ngồi trên thiên hạ, công lao có đến một nửa là của người Hồ."
"Nhưng trên triều hiện nay, những kẻ có tiếng nói nhất chính là đám công khanh thế tộc. Dưới triều Cảnh Viêm, bọn họ làm quan làm tể, Viêm triều cũng phong họ làm Tam công lục khanh. Hoàng đế mỗi triều đều thay đổi, chỉ có xương cốt mấy lão già này vẫn còn nguyên." Quảng Ngôn bật cười khẽ. Thực ra, bản thân lão không có tư cách nói ra những lời này, bởi Quảng gia là một thế tộc như thế. Từ trăm năm trước, bọn họ đã vào triều làm quan, cho đến tận hôm nay.
Quảng Ngôn thong dong đi lại trong điện, thấp giọng nói, "Đám đại gia thế tộc muốn một lần nữa củng cố lại thế lực của mình, cho nên bọn họ liên tục dâng tấu hoặc dùng lời lẽ can gián, muốn hoàng đế tôn trọng huyết thống chính tông. Đại loạn Yến Ngu năm xưa là cái cớ cho bọn họ xem ngoại tộc là hồng thủy mãnh thú. Trước tình cảnh đó, Hiếu tông hoàng đế bỏ việc thông hôn với Thác Bạt gia, chọn Cao hoàng hậu từ thế tộc đứng đầu."
Thác Bạt gia là chi tối cao mang huyết thống Đông Hồ. Nhắc đến dòng họ này, Dương Diệp thoáng giật mình, hơi ngẩn ra một chút, rồi mới nói, "Ta vẫn luôn muốn hỏi, tiên sinh cũng xuất thân từ thế tộc Trung Nguyên, vì sao lại không muốn dứt bỏ ngoại tộc như bọn họ, mà lại ủng hộ thông hôn?"
"Bởi vì ta không ngu xuẩn như bọn họ, ánh mắt thiển cận, cho rằng nữ nhi nhà mình làm hoàng hậu thì nắm được cả thiên hạ trong tay mình." Trên mặt Quảng Ngôn hiện lên dáng vẻ bễ nghễ năm xưa, khẩu khí cũng kiêu ngạo vài phần, "Nếu muốn nắm giữ thiên hạ thì không được bảo thủ. Người Đông Hồ dũng mãnh thiện chiến, An Dương Tiết độ sứ Uất Trì Hiền, Quan Hữu Tiết độ sứ Hạ Nhược Phong đều xuất thân từ Đông Hồ. Nếu muốn họ làm việc cho ta thì không được đẩy bọn họ ra xa, biến họ thành mũi thương trong tay kẻ khác, rồi có lúc đâm vào ngực mình."
Cuối cùng, lão nhìn sang Mục vương, "Muốn nắm được thế lực của người Đông Hồ thì biện pháp tốt nhất là hoàng gia thông hôn với Thác Bạt gia. Về điểm này, vương gia hẳn phải rõ hơn hết."
Trước nay, Mục vương có cả thảy ba vị chính phi, trong đó có hai người là nữ nhi của Thác Bạt gia. Tất cả những chuyện đó đều do Quảng Ngôn đề xuất. Hắn từ một Mục vương nhỏ mọn trở nên như ngày hôm nay, không thể thiếu sự ủng hộ, duy trì của các thế lực Đông Hồ. Nếu không nhờ họ, Hiếu Tông hoàng đế cũng chẳng đời nào giao binh quyền Tây Bắc cho hắn.
"Hôm nay, trong chiều đều nói, mối uy hiếp lớn nhất với Đại Chiêu chính là Yến Ngu." Quảng Ngôn cười lạnh lắc đầu, "Người Yến Ngu hung tàn bạo ngược, nếu xuống nam đánh chiếm thì gây ra đại loạn. Nhưng mối nguy tiềm tàng của Đại Chiêu vốn không ở Yến Ngu, mà là mẫu thuẫn giữa các thế tộc trong triều với Đông Hồ. Mấy năm nay, thế tộc ở trong, Đông Hồ ở ngoài, đời đời văn thần và võ tướng đều mang hiềm khích, huống chi là khác tộc. Họa này không thể tránh. Vương gia còn nhớ chuyện của Thác Bạt Tín năm xưa không?"