Ngắm Tận Non Sông

Chương 25: Trung thu




Mười lăm tháng tám năm Vĩnh An thứ năm.
Vọng Hải các, lầu cao nhất hoàng thành là nơi Vĩnh An đế thiết tiệc rượu vời các quần thần. Hắn muốn tìm nơi trời cao gió lộng để ngắm trăng rằm, nào ngờ mây đen che kín trời, gió thu săn sắt, chẳng thấy được chút ánh trăng. Nhưng điều này cũng chẳng quấy rầy hứng trí của hoàng đế. Mây năm rồi, hết thúc phụ Dương Diệp đến đường đệ Dương Đại không coi hắn ra cái gì. Nay Dương Diệp đã chết, Dương Đại bị giam, hoàng đế chỉnh đốn quốc nội, khắp thiên hạ chẳng còn ai dám nghi ngờ quyền uy của hắn.
Đèn lồng đỏ thắm chiếu sáng cả tòa lầu. Người dự bao gồm đám công thần tham gia vụ án Mục vương vu cổ, Ung vương, tân Mục vương cả các đại gia thế tộc. Giữa điện là những vũ cơ xinh đẹp nhảy múa, nhạc sư điêu luyện tấu đàn. Vĩnh An đế sảng khoái uống vài ly, trong lòng cực kỳ sung sướng.
Dưới tòa, Dương Quyết đã uống đến nghiêng ngả, nhịp chân theo tiếng đàn. Ung vương vẫn ngồi lim dim trên ghế, chậm rãi hé mắt nhìn đứa cháu, khẽ cười. Vĩnh An đế thấy bá phụ như vậy cũng thầm buồn cười. Nếu Mục vương còn là Dương Đại thì chẳng hề thú vị như thế. Tên kia không thèm để mắt đến ai, lúc nào cũng treo cái nụ cười cao thâm bí hiểm trên gương mặt, mỗi lần nhìn thấy đều đứng ngồi không yên, khó chịu vô cùng.
Không biết có phải mọi người uống quá say sưa hay không, chỉ một lúc sau, Vĩnh An đế đã thấy người lâng lâng. Hắn khoát tay một cái, đám nội thị liền hiểu ý đưa hắn ra hậu điện nghỉ ngơi. Tiếng nhạc thánh thót chưa dừng, lại chợt có tiếng thông truyền vang lên, "Môn hạ Thường thị Tạ Ngao cầu kiến."
Vĩnh An đế khép hờ mắt, "Cho hắn vào."
Một lúc lâu sau, Tạ Ngao đi vào hậu điện, khom lưng nói, "Hoàng thượng, thần có chuyện muốn tấu."
"Ái khanh có chuyện gì thì tạm gác lại đã, để mai lên triều tấu sau. Đang tiệc trung thu mà, vội gì đàm quốc sự." Vĩnh An đế hiển nhiên hơi mất hứng.
"Việc này.....Nếu tấu trên triều đường thì e không tiện." Tạ Ngao có chút do dự.
"Vậy thì khanh nói đi."
Tạ Ngao cung kính thưa, "Ngày ấy, thần đề nghị giao các phiên trấn Tây Bắc cho Thác Bạt công xử lý, bị rất nhiều đồng nghiệp chỉ trích là theo phe giặc ngoài. Tấu chương buộc tội thần chắc đã chất đầy ngự án của bệ hạ."
"Hóa ra ái khanh đang lo lắng chuyện này." Vĩnh An đế nhạt nhẽo cười, "Lão Thác Bạt kia nắm giữ trọng binh Đông Hồ. Nếu không nhờ đề nghị của ái khanh thì đâu dễ dàng đuổi hắn đi được. Tấm lòng trung thành của ái khanh, trẫm đương nhiên hiểu rõ."
"Không phải thần lo lắng về cái nhìn của các vị đại nhân trong triều, thần chỉ lo cho an nguy của Đại Chiêu và hoàng thượng." Cặp mắt hắn sáng quắc, hất vạt áo lên, quỳ sụp xuống, "Thứ cho thần nói thẳng, hiện nay Đại Chiêu ngoài có mãnh hổ, trong có ác lang, hung hiểm vô cùng, hoàng thượng không thể không đề phòng."
Vĩnh An đế hơi tỉnh rượu, có chút lo lắng, "Chẳng phải lúc trước các ngươi nói Dương Đại dã tâm bừng bừng, ý đồ làm loạn. Hôm nay hắn đã bị bắt giam, không biết Tạ khanh nói mãnh hổ ác lang phương nào?"
Tạ Ngao chậm rãi nói, "Ba năm trước, Yến Ngu chiếm được Tây Bắc đô hộ phủ. Triều ta ban cho Yến Ngu mười vạn lượng bạc trắng, mười vạn khúc tơ lụa. Tuy nói là ban thưởng nhưng thật ra là tiến cống cho Yến Ngu. Sứ thần Đại Chiêu ta gặp Khả Hãn Yến Ngu còn phải hành lễ quân thần. Hoàng thượng, chẳng lẽ Yến Ngu không xem là mãnh hổ sao?"
Nhắc tới nước láng giềng phương bắc luôn luôn rình rập này, sắc mặt Vĩnh An đế ngày càng khó coi. Hắn thấp giọng nói, "Tiếp đi."
"Tuy Yến Ngu có uy hiếp với nước ta nhưng không tính là họa lớn tiềm tàng. Điều khiến thần lo lắng là mấy chục vạn cường binh Đông Hồ ở Tây Bắc." Mỗi chữ Tạ Ngao thốt lên đều quả quyết, đâm thẳng vào điều Vĩnh An đế kiêng kị, "Thác Bạt gia nắm quyền Tây Bắc nhiều năm, binh lực cường thịnh. Nhưng dù sao chúng cũng là ngoại tộc, lòng lang dạ thú, không thể sống cùng, e là sau này sẽ thành đại họa."
Vĩnh An đế cảm thấy đầu quay mòng mòng, lắp bắp nói, "Không phải ngươi đề nghị giữ cháu ngoại Thác Bạt Tín ở Kiến An làm con tin sao? Lão nào dám tạo phản?"
"Hoàng thượng, Thác Bạt Tín đã đến tuổi bạc đầu. Nếu mai kia lão chết, gia chủ tiếp theo việc gì phải để tâm đến đứa cháu ngoại kia. Chúng ta cần nhanh chóng làm suy yếu lực lượng Đông Hồ, để bọn chúng dù có tâm làm phản cũng không có lực làm phản."
"Suy yếu...." Vĩnh An đế hỏi ngược lại, "Lúc trước ái khanh đã đề nghị để Thác Bạt gia tự quản Tây Bắc. Giờ triều đình mất khả năng khống chế Tây Bắc rồi thì còn làm cách nào suy yếu binh lực của chúng nữa?"
"Hoàng thượng, cho dù là lúc lão Mục vương còn tại thế, nắm binh quyền Tây Bắc trong tay cũng đâu dễ làm suy yếu binh lực Đông Hồ." Tạ Ngao thấp giọng, quỷ quyệt nói, "Đông Hồ cường binh vài chục vạn, muốn làm chúng suy yếu thì tốt nhất là khiến chúng hao tổn trên chiến trường."
"Cái gì!" Vĩnh An đế kinh hãi, "Chiến trường? Chiến trường nào?
"Tây Bắc giáp với Yến Ngu, đương nhiên là trên chiến trường giao tranh với Yến Ngu." Tạ Ngao nói giọng trầm thấp, nhưng mỗi lời thốt ra đều khiến người ta hoảng sợ. Nói xong, hắn ngẩng đầu lên, thấy hoàng thượng ngồi trên long tọa đang trố mắt nhìn mình.
"Hoàng thượng, chỉ cần chúng ta khiếu khích, chọc giận Yến Ngu, đợi Yến Ngu tuyên chiến, thủ vững hai môn hộ An Dương và Hà Tây là được. Hiện nay Thác Bạt Tín đã xem các trấn Tây Bắc là đất phong của mình, đương nhiên không chịu thiệt, lãnh binh đi đối kháng với quân Yến Ngu. Chiến trường này sẽ khiến ít nhất mấy vạn binh bỏ mình. Chỉ đánh mấy trận, binh lực Đông Hồ sẽ chẳng còn như xưa."
Vĩnh An đến cuối cùng mới sực tỉnh, trừng mắt nhìn Tạ Ngao, "Ý khanh là khai chiến với Yến Ngu. Nếu như Tây Bắc bị đánh tan tác, quân Yến Ngu tràn vào tận Kiến An thì phải làm sao?"
Tạ Ngao thong thả cười, "Hoàng thượng, dù Yến Ngu có may mắn phá được An Dương, Hà Tây, phía sau vẫn còn Quan Hữu hiểm trở ngăn cản, hoặc không thì Hội Ninh có Trần tướng quân trấn giữ, trùng trùng điệp điệp, tuyệt đối không để Yến Ngu đánh vào thành Kiến An." Nói rồi, hắn lại không người, thấp giọng thưa, "Thần chỉ lo quân Đông Hồ quá dũng mãnh. Nếu thắng quá dễ dàng thì có khi lại phải phong thưởng cho bọn họ, càng củng cố thế lực của họ hơn."
Vĩnh An đế nhíu mày. Sao hắn không biết cho được. Từ thời kiến quốc đến nay, những trận chiến có quân Đông Hồ tham gia hầu như thắng nhiều thua ít, công quân càng lúc càng lớn, nếu không thì đã chẳng phát triển đến mức hùng cứ Tây Bắc, thành một thế lực không thể lay chuyển.
"Nhưng mà thần vẫn có thất sách khác." Tạ Ngao lén liếc trộm hoàng đế, "Lần này khai chiến, hoàng thượng hãy tụ tập một nhóm cấm quân, tuyển thêm vài đệ tử trẻ tuổi của các thế gia, cử họ đến chiến trường trợ trận. Nếu chiến bại thì là lỗi của Đông Hồ, nếu thắng thì phong thưởng cho các nhân tài trong cấm quân. Như vậy thì vừa có thể bỏ đi quân công của người Đông Hồ, vừa bồi dưỡng được tướng lãnh trẻ tuổi, nhất cử lưỡng tiện."
Vĩnh An đế nghe vậy, lập tức khen, "Đúng là diệu kế!" Hắn dậy, giữ chặt Tạ Ngao, "Từ khi trẫm đăng cơ tới nay vẫn luôn giấu tài, chờ đợi một hiền thần như Tạ khanh. Nếu trận chiến này thật sự như Tạ khanh dự đoán thì đã giúp trẫm giải quyết loạn trong giặc ngoài. Tạ khanh sẽ thành Vô Nhai tể tướng của trẫm!"
Tạ Ngao cuống quýt quỳ xuống, "Thần không dám nhận. Thần cúc cung tận tụy, chỉ nguyện trung thành với hoàng thượng, đền đáp quốc gia."
"Được!" Máu nóng sục sôi trong người Vĩnh An đế còn quay cuồng, lại lâng lâng men rượu, lè nhè nói, "Ngày mai trẫm sẽ hạ chiếu phong khanh làm thái úy."
Tạ Ngao nghe vậy, mừng ngây người, vội dập đầu tạ ơn, nhưng hoàng đế đã được đám nội thị nâng đi.
Một lúc sau, có tiểu nội giám gương mặt lanh lợi nâng hắn dậy, "Tạ đại nhân, hoàng thượng về tẩm cung nghỉ ngơi rồi. Để nô tài đưa ngài đến tiền điện."
Tạ Ngao ngẩng lên, thấy bốn phía lặng thinh, chỉ còn vài tên nội dám. Hắn đứng dậy, nhìn căn điện bài trí quen thuộc này, trong lòng trăm mối ngổn ngang, dường như có tiếng hô vang vọng : Ta trở lại rồi!
Mười năm trước, khi hắn vẫn còn là một thanh niên mới nhập sĩ đồ, mang tâm nguyện vinh quang đến đế đô, vào triều làm quan. Hiếu Tông vẫn còn tại vị, quần thần tìm đủ cách lấy lòng hoàng đế, giở mọi chiêu trò để được ân sủng. Tạ Ngao nghe đồn Hiếu Tông bị bất lực trong chuyện phòng the lúc tuổi già, liền góp một quyển bí thuật trên giường, kẹp vào tấu chương rồi dâng lên. Không ngờ hắn bị ném khỏi đình, bị ngự tiền nội giám trách mắng, cuối cùng bị biếm truất, không thể trở lại đô thành. Những chuyện phát sinh khi ấy đều ở ngay hậu điện này. Đến tận hôm nay, nỗi sỉ nhục đó còn rành rành trước mắt, khiến hắn ngứa ngáy.
"Tạ đại nhân được hoàng thượng vừa ý, tương lai sẽ đứng dưới một người mà trên vạn người. Nô tài xin chúc mừng đại nhân." Tiểu nội giám dìu hắn dậy, nhiệt tình nói.
Tạ Ngao thấy vị tiểu nội giám này ăn nói biết điều, liền cười, "Công công đang hầu hạ ngự tiền à?"
"Vâng, nhờ tổ tiên tích đức, nô tài mới được theo hầu bệ hạ." Nội giám nọ mím môi cười.
Tạ Ngao dường như rất để tâm đến tiểu nội giám này, "Còn chưa thỉnh giáo tôn tính đại danh của công công?"
Tiểu nội giám liền thưa, "Nô tài tên là Hoài Hỉ, Tạ đại nhân sau này chớ quên đề bạt nô tài."
Tạ Ngao gật đầu, đột nhiên hỏi, "Vị công công họ Điền hầu hạ tiên đế trước kia có còn trong cung không?"
"Là Điền công công Điền Văn Lễ sao?" Hoài Hỉ ngẩn ra, định nói ông ấy là sự phụ mình, nhưng im bặt. Khi hỏi câu này, trong mắt vị Tạ đại nhân kia chợt lóe một tia rét lạnh. Hắn ở trong cung lăn lộn đã lâu, mắt tinh như cú, lập tức đổi giọng chán ghét nói, "Lão công công kia tính nết quá thẳng, đắc tội nhiều người, nên sau khi tiên đế băng hà đã được cử đi trông coi hoàng lăng rồi."
Tạ Ngao gật đầu, như cười như không nói, "Hóa ra lão vẫn còn sống."
Nam viện vương phủ.
Tiệc bày ở đình viện phía tây. Lúc này hoa quế đua nở, hương bay bốn phía, hòa cùng muồi rượu nồng, rất say lòng người.
Đêm này, mọi người trong nam viện đều đến dự. Tứ công tử bảo họ tới đình viện thưởng quế. Chuyện này cũng thường xảy ra trong vương phủ của đám công khanh. Mỗi khi có ngày hội lớn, chủ tử sẽ gọi hạ nhân đến phát thưởng. Theo lệ xưa, mỗi người được hai miếng bánh trung thu, một bầu rượu, chủ tử nào hào phóng thì còn cho ít tiền.
Hai mươi mấy người chen chúc trong đình viện. Bọn họ đều là phó dịch hầu hạ, trong đó có vài người phụng mệnh Mục vương đến canh chừng tứ đệ của vương gia. Lúc mới tới, bọn họ chẳng ai vừa lòng. Ngày trước khi còn đương sai trong viện, mỗi lần Trung thu đều được thưởng tiền. Bây giờ phải hầu hạ chủ tử thất thế, bọn họ thầm nghĩ có khi bánh trung thu cũng chẳng có một mẩu.
Rất nhanh, quả sự trẻ tuổi ở nam viện tên Phương Minh đi ra, cẩn thận đỡ một người, chính là chủ nhân nơi này, tứ công tử Dương Diễm. Dương Diễm mặc cẩm bào ngọc sắc thêu hoa văn như ý, bên ngoài khoác áo dệt cẩm tú. Người đi sau bọn họ mặc quần áo màu đen tuyền. Thân phận người này vô cùng đặc biệt. Cho đến giờ, các tôi tớ vẫn không hiểu nổi Vệ Trường Hiên là chủ tử hay là hạ nhân. Trên danh nghĩa, chàng là người hầu của tứ công tử, nhưng nhìn lễ nghĩa của tứ công tử với chàng thì cứ như huynh đệ ruột thịt.
Sau khi Dương Diễm ngồi vào chỗ, mọi người mới lần lượt lên tiếng hỏi thăm. Y điềm đạm cười nói với họ, đôi mắt trong như lưu ly khiến người ta có cảm tưởng xuyên thấu hết thảy vạn vật. Y thấp giọng nói, "Mấy ngày nay, mọi người bận rộn thu xếp nam viện, đúng là vất vả. Nhân ngày hội vui, ta mời các ngươi tới thưởng quế uống rượu."
Mấy chiếc vò lớn được khiêng ra, trong đựng đầy rượu hoa quế. Theo quy củ trước nay của vương phủ, phải kính rượu chủ tử trước. Lưu đầu bếp tiến lên, mới ngửi mùi hương đã không cầm lòng nổi, cảm thấy hơi men ngập tràn, cung kính quỳ xuống, "Tiểu nhân cung chúc tứ công tử phúc thọ an khang."
Dương Diễm không uống được rượu, chỉ nhấp ít trà rồi nói, "Lưu Vinh Thăng, thanh chước bạch ti ngươi làm ngon lắm, rất vừa miệng ta."
Đầu bếp họ Lưu kia kinh hãi. Gã vốn tưởng mắt công tử không thể nhìn thấy cho nên không biết chuyện xung quanh, quỳ cũng không quỳ đàng hoàng, chẳng ngờ mới nói một tiếng công tử đã đoán ra tên. Hơn nữa, trong viện có tới năm đầu bếp, hàng ngày thay nhau nấu ăn. Y chẳng những nhớ tên gã, mà còn nói đúng món gã làm, khiến người ta sửng sốt. Gã vội vàng quỳ nghiêm chỉnh, lo lắng nói, "Công tử thích đồ ăn do tiểu nhân làm là phúc phận của tiểu nhân."
Kế tới là một tên tôi tớ có gương mặt thanh tú, miệng lưỡi lanh lợi, tiến lên chúc phúc. Dương Diễm gật đầu cười, "Đường An, cây hoa quế trong viện nở hoa rực rỡ như vậy là nhờ ngươi chăm bón. Rượu hoa quế ngon, ngươi nên uống nhiều một chút."
Mọi người càng kinh ngạc hơn. Bọn họ mới hầu hạ tiểu chủ tử này chừng một tháng, dù có là người tai thính mắt tinh cũng chưa chắc nhớ rõ tên tuổi chức danh từng người. Nhưng vị chủ tử mù lòa kia lại biết rõ như lòng bàn tay.
Đến khi mọi người kính rượu xong rồi, Dương Diễm mới nâng tay nói với người bên cạnh, "Phương Minh, thưởng."
Phương Minh thưa vâng, cầm lấy cái khay son đi tới phía trước, cười nói, "Công tử có thưởng, các vị cùng chung vui."
Mọi người ngẩng lên, đều hiểu rõ hôm nay được phát tiền. Ngày lễ tết, quản sự sẽ đặt tiền đồng trong khay sơn son đỏ thắm, vung cho mọi người. Ai nấy đều vui cười đưa tay hứng, luôn miệng ngợi ca để chủ tử vui lòng.
Nhưng thứ Phương Minh vẩy ra từ trong khay không phải tiền đồng mà có hình dạng nhỏ bé, vừa lạnh vừa nặng, văng đầy đất. Có người tiến lên nhặt lấy một viên, há miệng không thốt nên lời, "Hạt....hạt dưa...."
Những người khác ngây ra, một kẻ lanh mồm cười, "Công tử thật có nhã hứng, mời chúng ta ăn hạt dưa?"
Nhưng người kia lại run rẩy lắp bắp, "Hạt...hạt dưa vàng...."