Tôi chạy một mạch xuống lầu.
Trời đã khá muộn nhưng nhiệt độ vẫn không giảm, không khí oi bức kinh khủng. Tôi chạy chưa được bao xa đã không còn sức nữa, ngồi sụp xuống vệ đường thở dốc, mồ hôi chảy ròng ròng.
“Coi như cậu còn có lương tâm, biết chạy đuổi theo tôi, tôi tha thứ cho cậu đấy.”
Tôi ngẩng đầu lên, là Chu Nhuệ, bực khoogn biết phải nói thế nào. Cậu ta cùng ngồi xuống bên cạnh, nhìn tôi chăm chú. “Này, cho dù không đuổi kịp tôi cũng đâu cần phải khóc lóc như thế?”
Tôi lấy ống tay áo lau mặt, nước mắt và mồ hôi trộn lẫn vào nhau, Chu Nhuệ thấy thế nhăn mặt, đưa khăn giấy cho tôi, còn chê bai: “Dáng vẻ cậu thế này mà cũng làm người mẫu ảnh.”
Tôi bỗng giận điên người, đẩy mạnh cậu ta một cái, cậu ta không chút đề phòng nên bị đẩy ngã dúi xuống đất, đau đến nỗi kêu oai oái. Tôi không thể bỏ mặc, bèn đứng lên kéo cậu ta dậy.
Vậy mà cậu ta không thèm trở mặt với tôi, còn cầm khăn giấy lau mồ hôi trên trán tôi. Tôi hỏi: “Sao cậu còn ở đây chưa đi?”
Cậu ta bực bội nói: “Vừa nãy bố cậu gọi cho tôi, nói cậu cãi nhau với chú ấy rồi bỏ ra ngoài, chú ấy đuổi theo không kịp, gọi điện cho cậu thì thấy tắt máy nên đã gọi cho tôi, tôi đành phải quay lại tìm cậu. Mới có một lúc, cậu làm tôi tức điên người bỏ đi, rồi cậu lại cãi nhau với chú Hà, hiệu suất lên cơn của cậu cũng cao đấy chứ!”
Bị cậu ta nói cho một hồi, cơn bực của tôi cũng hạ hỏa, bình tĩnh lại, tôi lấy giấy ăn lau nước mắt.
“Cậu cáu với tôi, dù sao tôi cũng đáng bị thế. Nhưng cậu không nên cãi nhau với chú Hà, chú ấy đối với cậu rất tốt.”
Hiếm khi thấy cậu ta nói năng tử tế như vậy, tôi cười gượng lắc đầu. “Tôi về trước đây, kẻo bố tôi lại lo.”
Cậu ta gật đầu. “Ừ, về đi.”
Tôi quay về căn nhà trọ, cửa phòng vẫn đang mở, bố ngồi ở mép giường, hai vai so lại, cảm giác già đi rất nhiều, nhìn thấy mà xót xa.
Bố ngẩng đầu lên nhìn tôi, thở phào một cái. “Con nhóc này, chạy gì mà nhanh thế, bố xuống lầu đã không thấy tăm hơi đâu, gọi điện cho con thì tắt máy, bố đang không biết tìm con ở đâu.”
“Con định đi dạo loanh quanh một lát rồi về, để bố phải lo lắng một chút.”
Bố nhìn tôi rồi bỗng nói: “Bố xin lỗi, Tiểu Hàng, trời nóng như thế này, ban ngày con đi chụp ảnh kiếm tiền, buổi tối lại phải ở trong căn phòng nhỏ bí bức thế này là vì bố, bố hiểu cả.”
Nước mắt tôi cứ thế lăn xuống.
“Nhưng bố không thể lấy căn nhà đó.”
“Bây giờ bố cứ ở đi, sau này trả lại cho chị Hứa Khả là được. Con viết giấy bảo đảm không lấy căn nhà đó rồi.”
Bố lắc đầu. “Tiểu Hàng, ngày mai cùng bố đến gặp Hứa Khả, rồi trả lại giấy tờ nhà đất cho cô ấy.”
Tôi giận đùng đùng, nói: “Người ta đang nằm viện dưỡng thai, bố thật sự muốn đi làm chị ấy thêm buồn ư?”
“Vậy thì gặp em trai của cô ấy là bác sĩ Hứa cũng được.”
Tôi không còn gì để nói, một lúc lâu mới hỏi bố: “Sao bố lại phát hiện ra?”
“Bố chỉ nghi ngờ, chụp hình cho công ty thời trang làm sao có thể kiếm được nhiều tiền để mua nhà như thế. Sáng nay bố bỗng nhớ ra, thẻ tiết kiệm của con là do bố làm, bố có mật khẩu tra tìm, thế là bố nhờ Thủ Khác lên mạng tìm ngân hàng rồi nhập mật khẩu, nhìn người chuyển tiền và số tiền là hiểu ra tất cả.”
Tôi thầm mắng anh Triệu Thủ Khác nhưng cũng chẳng biết làm thế nào, đành im lặng không lên tiếng.
“Thuê phòng cũng không khác gì nhà cả, điều kiện cũng không kém hơn ở đây đâu. Tiểu Hàng, con không phải lo cho bố. Đi thôi, bố dẫn con ra ngoài ăn chút gì đó.”
Sau khi xuống lầu, bố băn khoăn nhìn xung quanh, trầm ngâm suy nghĩ rồi cười tự giễu. “Thành phố hoàn toàn thay đổi rồi, không thể nhớ được là nên đi thế nào nữa.”
Từ nhỏ bố đã sống ở thành phố này, vậy mà lại phải bỏ đi, trở thành một người tha hương. Tôi không thể nhìn tiếp vẻ mặt này của bố bèn kéo cánh tay bố. “Con biết một quán có đồ ăn vừa ngon vừa rẻ, cạnh bờ sông, ở đó cũng rất mát.”
Chúng tôi đến quán ăn cạnh bờ sông, quán ăn này thắp đèn sáng trưng, khách ra vào tấp nập, tiếng cười nói ồn ào, huyên náo. Bố nhăn mặt. “Ồn quá!”
“Bố con mình mua đồ ăn, sau đó ra bờ sông ngồi ăn cũng được.”
Tôi chọn mấy món quen thuộc, thêm một chai bia và nước uống có ga, sau đó bước qua đường đến chỗ bờ sông, ngồi xuống một chiếc ghế dài, đã có khá nhiều người ngồi hóng mát ở đây, gió sông thổi vào mát rượi, rất sảng khoái.
Thấy tôi vẫn buồn rầu không vui, bố trêu: “Cái mặt của con thế này mà cũng chụp ảnh được à?”
Tôi lườm bố, không nói câu nào.
“Được rồi, được rồi, con lừa bố cũng coi như thành công đấy, cái hợp đồng giả này còn có cả con dấu, đúng là bố không thể tìm ra sơ hở được.”
“Hừ, con phải tìm người chuyên khắc dấu đấy, phí mất của con năm mươi đồng, bố đền cho con đi.”
Bố tôi lắc đầu cười.
“Con không hiểu, tại sao bố lại cố chấp như vậy? Bố hiền lành thế cơ mà? Có phải bố rất hận mẹ của chị Hứa Khả không? Hồi đó rốt cuộc bà ấy đã làm gì bố thế?”
Vẻ mặt bố trầm xuống, nhưng lần này tôi không thể chịu nổi nữa, cứ thế nhìn bố chăm chăm, cuối cùng bố cũng nói. “Đều là chuyện quá khứ rồi, bố không hận ai cả, nhưng bố đã mất rất nhiều thời gian mới có thể chấp nhận được mọi chuyện. Cuộc sống của bố bây giờ rất bình lặng, lại có con nữa, bố không muốn nhắc đến những chuyện không vui.”
Sống mũi cay cay, tôi hỏi: “Tại sao bố lại mang con về?”
Đây là câu hỏi có lẽ bố không muốn trả lời,nhưng bố không né tránh như trước nữa. “Lúc đó, tinh thần bố rất suy sụp, Tiểu Hàng à. Bố cảm giác thị trấn nhỏ này vô cùng ngột ngạt, vậy mà vẫn phải làm một công việc không hề muốn làm để giải quyết chuyện cơm ăn áo mặc. Sau đó, vì chán quá, bố và ông Trương đã uống một trận say túy lúy, uống say rồi thì đương nhiên chẳng muốn nghĩ đến cái gì, nhưng khi tỉnh dậy cảm thấy mình chẳng khác gì một xác chết di động.”
Trong tình trạng như thế, chuyện hôn nhân khó có thể khiến cho đôi bên hài lòng, chẳng trách sau đó ha người ly hôn.
“Có một lần bố uống rượu say, lúc tỉnh dậy thấy mình đã ngủ mê mệt gần hai ngày, nhìn lên lịch mới biết hôm đó chính là sinh nhật của mẹ bố. Đã tám năm rồi bố không về lại thành phố, bố lấy hết dũng khí bắt xe khách về nhà, mua một gói quà và gõ cửa, nhưng kết quả anh trai bố nói với bố, mẹ của bố đã mất năm kia và bố của bố mất năm ngoái rồi.”
Tôi kinh hãi mở to mắt. “Bố, tại sao lâu như vậy bố không liên lạc gì với họ?”
“Bố được trại cải tạo cho về nhà năm 1980, lúc đó bố mẹ đều không cho bố vào nhà. Cũng không thể trách họ được, dù sao những gì bố phải chịu khiến họ cảm thấy nhục nhã. Sau đó bố tìm được việc làm ở một công trình xây dựng trong thành phố, có lần chỉ đi qua khu chung cư nhà máy hóa chất và đứng từ xa nhìn họ, cứ như vậy năm năm trời.”
“Trong năm năm đó mà họ vẫn không cho bố vào nhà ư?” Tôi không thể tin được, cảm thấy vô cùng bực tức. “Họ là cha mẹ đẻ của bố, sao lại đối xử với bố như vậy được?”
Bố không trả lời câu hỏi của tôi. “Sau đó, lưng bố bị thương, không thể làm việc nặng được nữa, đúng lúc đó thì gặp ông Trương. Ông làm nghề xem bói trong thành phố, sức khỏe cũng yếu, định trở về quê nghỉ ngơi, bố nghĩ đi nghĩ lại, cuối cùng quyết định cùng đi với ông. Sau khi có chỗ ăn ở ổn định, bố liên tục viết thư gửi về nhà, thông báo cho họ biết bố đang ở đâu, liên lạc với bố như thế nào nhưng không nhận được bất cứ bức thư trả lời nào. Dần dần, bố cũng thấy nản lòng, không viết thư, cũng không quay trở lại thành phố nữa. Không ngời ngay nhìn mặt bố mẹ lần cuối bố cũng không được nhìn, vì không ai muốn thông báo cho bố biết. Bố nói với anh trai muốn vào thắp hương cho bố mẹ, nhưng ông ấy không đồng ý. Bố cầu xin ông ấy nói cho bố biết mộ bố mẹ được an táng ở đâu để bố đi tảo mộ, ông ấy cũng không nói.”
Toàn thân tôi run rẩy, ngồi bên cạnh bố, tôi đưa tay nắm lấy tay ông, bố lắc đầu, vỗ nhẹ vào mu bàn tay tôi. “Không sao đâu con, bố giờ đã nghĩ thông rồi. Có điều thời điểm đó, bố vô cùng phẫn nộ nên đã to tiếng với ông ta rồi đánh nhau, sau đó bố bỏ đi. Bố đi lang thang không mục đích, thành phố đó đã thay đổi rất nhiều, bố không biết mình đang đi đâu, chợt nghĩ sống như thế này chi bằng chết đi cho xong.”
“Bố…” Tôi nghĩ đến cảnh cô Du Tịnh Văn đó rơi từ trên lầu cao xuống trước mắt mình, lòng bàn tay bắt đầu túa mồ hôi.
“Thế nên bố không muốn nhắc đến chuyện này. Khi con người ta đã có ý nghĩ là cuộc đời này không còn ý nghĩa gì nữa. Bố ngắm chuẩn phương hướng, cứ nhằm hướng bờ sông mà đi…”
Bố phải tuyệt vọng đến thế nào mới có ý nghĩ như vậy. Tôi bỗng khóc nấc lên, toàn thân run rẩy, bố nắm lấy vai tôi.
“Bố đi ngang qua cổng phụ của Bệnh viện Nhân dân tỉnh, vô tình nhìn thấy con.”
Thì ra là vậy. Tôi dựa đầu vào vai bố, bố xoa đầu tôi. “Lúc đó con mới được sinh ra có vài ngày, vẫn còn rất nhỏ bé, yếu ớt, bế lên cảm giác nhẹ như sợi lông vậy. Chuyện là như thế đấy, bố không biết cuộc đời con sau này thế nào nhưng ít nhất bố cũng có thể dẫn con đi một đoạn đường. Thế là bố đã bế con lên và quay trở về khu tập thể của nhà máy hóa chất, đi một vòng qua trường tiểu học mà bố từng học, coi như tạm biệt với quá khứ, sau đó đưa con tới thôn Lý Tập.”
Thị trấn nhỏ tẻ nhạt đó dung nạp hai con người bị bỏ rơi là tôi và bố, lần đầu tiên trong đời, tôi biết ơn sự tồn tại của nó đến vậy.
“Trước đây con từng hỏi bố, tại sao bố đặt tên con là Từ Hàng. Đối với bố, con chính là con thuyền từ bi, có con, bố mới có thể trở về nhà. Con muốn giúp bố lấy lại ngôi nhà, bố hiểu tâm ý của con. Nhưng Tiểu Hàng à, thật sự không cần thiết đâu, con và ông Trương đã cho bố một ngôi nhà, bố cảm thấy thế là đủ rồi.”
Bố lau nước mắt cho tôi, nhưng nước mắt tôi cứ thế rơi xuống không ngừng. Sau khi biết mình là con nuôi của bố, tôi luôn nghĩ, tôi sẽ không để ý bố mẹ đẻ là ai, tôi cũng sẽ không đi tìm họ, nhưng trong lòng chẳng lúc nào buông bỏ được nỗi băn khoăn, day dứt: Tại sao họ lại bỏ rơi tôi? Chỉ đến lúc này, tôi mới thực sự từ bỏ được. Bất kể họ là ai, lúc đó đã nghĩ như thế nào, điều ấy không còn liên quan đến tôi nữa.
Cách không xa có một hồ bơi cjanh bãi sông, bố nhìn những người đang bơi ở đó với ánh mắt xa xăm.
“Bố sao thế ạ?”
“Hồi còn nhỏ, vào mùa hè, bố cũng ra sông bơi, lúc đó chưa có công viên nước đẹp như bây giờ, cũng không có hồ bơi, bọn bố đều bơi ở bãi sông bỏ hoang trước mặt, lấy bánh xe ô tô người ta vứt đi làm phao bơi.”
“Vui thật bố nhỉ?”
“Vui thì vui thật, nhưng người lớn sợ bọn bố gặp nguy hiểm nên không cho đi bơi. Nghỉ hè, anh trai nhân lúc bố mẹ đi làm, lén dẫn bố đến đây. Bọn bố luôn về nhà trước khi bố mẹ đi làm về, cứ nghĩ làm như thế là qua mắt được bố mẹ. Nào ngờ mẹ chỉ dùng móng tay cào nhẹ lên cánh tay bọn bố là đã phát hiện ra bọn bố lén đi bơi, thế là mẹ lấy mắc áo quất cho một trận.”
Tôi nghe thấy vậy bật cười ha hả. “Không ngờ ngày nhỏ bố nghịch thế!”
“Đứa trẻ nào mà chẳng nghịch. Anh trai lúc nào cũng chịu đòn thay cho bố, vậy mà chớp mắt đã già hết rồi.”
Nghĩ đến ông anh khắc nghiệt của bố, tôi nhìn bố và nhận ra rằng, bố vẫn nhớ những kỉ niệm xưa, thảo nào không bao giờ trách người anh đã hói nửa đầu mà vẫn đuổi ông ra khỏi nhà.
“Bố, đằng nào thì cũng đi thuê nhà, hay bố chuyển ra thành phố đi, hai bố con mình sống với nhau, như thế tốt hơn.”
Bố cười. “Ở đây người ta không mời bố đi tổ chức tang lễ đâu, chẳng lẽ hai bố con ta ăn không khí để sống à?”
“Thì bố không cần căn nhà đó, trả lại nó cho chị Hứa Khả, chị ấy nhất định sẽ trả lại một phần tiền con đã bỏ ra, như vậy cũng đủ cho bố con ta sống một thời gian.”
“Sau khi tiêu hết thì sao?”
“Bố có thể kéo nhị hồ trước cổng trường con kiếm tiền, chắc thu nhập cũng không đến nỗi nào đâu, hơn nữa con cũng có thể tìm được công việc khác.”
Bố cười, vuốt tóc tôi. “Đừng nghĩ lung tung nữa, con phải học hành cho tốt vào.”
“Con hứa sẽ học hành tốt, bố cũng phải hứa với con uống ít rượu thôi, đặc biệt là rượu trắng đấy.”
Bàn tay cầm lon bia của bố hơi khựng lại. “Được, bố hứa.”
Bố nói lời là giữ lời. Tôi nghĩ, trả lại nhà cũng được, chỉ cần luôn có bố bên cạnh là tôi coi như đã có nhà rồi.