Type-er: Linh Phan
6
Chị Hứa Khả cả đêm không về nhà.
Dự báo thời tiết nói tận bên Siberia có đợt gió mùa đông bắc, thế mà nó
tràn về thật, lại còn hẳn ở nước Trung Quốc mới lạ. Những cơn gió rít
gào khắp nơi đến nỗi chiếc là vàng khô trên cành dâu cũng phát ra tiếng
xào xạc. Mùa đông là thời điểm tôi ghét nhất trong năm, nằm trong bóng
tối, đắp một chiếc chăn bông ấm áp, thế mà tôi vẫn cảm thấy cái rét thấm vào da thịt, ngay cả trong không khí cũng có thể ngửi thấy mùi lạnh
giá.
Buổi sáng ngủ dậy, tôi chạy ra quét sân. Bố tôi đánh răng
súc miệng xong cũng bước ra, ngạc nhiên cười. “Sao hôm nay lại chăm chỉ
thế?”
“Con không ngủ được.”
“Lại nghĩ ngợi lung tung gì à?”
Tôi rầu rĩ. “Bố thì lúc nào chẳng cho rằng con nghĩ ngợi lung tung, thế bố còn hỏi làm gì.”
“Con đừng có suốt ngày để ý những chuyện vụn vặt được không hả?”
“Con cũng muốn giống bố, vô tư cười ha ha trước mọi việc, chuyện gì cũng bỏ qua một bên như thế lắm, nhưng con không làm được.”
Bố cuối cùng cũng bực bội. “Nếu bố mày có thế thật, cũng không cần mày lãng phí thời gian nghĩ đến những chuyện vô bổ đâu.”
Bố tôi vung tay đi vào phòng, tôi cầm cái chổi đứng ngẩn người ở đó, sau
lưng tôi có giọng nói vang lên: “Từ Hàng, chị thấy bố em rất quan tâm
đến em đấy.”
Tôi ngoảnh đầu lại, chị Hứa Khả đã về nhà, trên
người khoác một chiếc áo choàng màu đen của nam giới, tóc tai hơi rối,
trông chẳng ra sao cả. Chẳng hiểu sao, tôi lại thấy bực mình, cười nhạt. “Em cũng thấy chồng chị rất quan tâm đến chị, sao chị không theo anh ấy về?”
Đến lượt chị ấy bị lời tôi nói làm cho sững sờ. Đúng lúc
đó, có người đẩy mạnh cánh cổng, gọi bố tôi rất to: “Thầy Hà, thầy Hà
ơi!”
Bố tôi nghe tiếng gọi bước ra, người đó vội vàng nói: “Bà lão nhà họ Trần đã không được trọng dụng nữa rồi, ông mau qua đó đi.”
Bố tôi đáp lại một tiếng, sau đó bước vào nhà, rồi nhanh chóng đi ra, trên người đã thay một bộ vest, xách cặp, cùng người kia vội vã bước đi.
Chị Hứa Khả có chút ngạc nhiên, hỏi: “Không được trọng dụng là thế nào?”
Tôi giải thích sơ qua: “Là sắp chết, là hấp hối, là sắp trút hơi thở cuối cùng.”
Chị ấy càng kinh ngạc hơn, hỏi tôi: “Chú Hà là bác sĩ ư?”
Tôi lắc đầu. “Hôm qua chị hỏi bố em làm nghề gì, ông ấy có trả lời rõ cho
chị không? Nếu là bác sĩ thì nói ra quá đơn giản còn gì.”
Chu Nhuệ vác cái đầu bù tóc rối bước ra, cười, nói: “Bác Hà được gọi là thầy.”
Chị Hứa Khả mơ hồ. “Thầy chẳng phải là chỉ tên gọi chung chung hay sao?”
Một cơn gió bắc thổi tới làm Chu Nhuệ lạnh run cầm cập, ôm chặt lấy hai
vai, giải thích: “Em biết ở trên phố, nhưng người công nhân, người thợ
làm công việc chân tay thì gọi là sư phụ. Nhưng ở quê em, thầy (6) là
chỉ những người làm nghề cúng bái. Bác Hà làm những công việc trong tang lễ như bố trí linh đường, tổ chức cho bà con xóm giềng chia buồn với
gia quyến, viết cáo phó, chọn ngày hoàng đạo tốt lành, hay xem huyệt mộ, phong thuỷ, tế lễ dọc đường, v.v…”
Cậu ta nói một lèo khiến chị
Hứa Khả càng thấy khó hiểu. “Chủ trì việc tang lễ không phải là những
người xuất gia tu hành như hoà thượng hay sao?”
“Thầy của bác Hà
là ông Trương, ngày trước đúng là hoà thượng một trăm phần trăm, bốn
tuổi đã xuất gia, có pháp danh là Thích Diên, nghe cứ như là một bậc đại sư bước ra từ trong phim võ thuật. “Chu Nhuệ cười hì hì nói tiếp.
“Nhưng về sau ông ấy lại hoàn tục, còn ăn mặn, kết hôn và sinh con,
nhưng mọi người vẫn gọi ông là thầy Trương. Bác Hà tiếp nối nghề nghiệp
của ông nên theo lẽ tự nhiên thành thầy Hà.”
Tôi thấy chị Hứa Khả vẫn đứng ngẩn người ra, liền hỏi: “Chồng chị đâu rồi?”
“Anh ấy về thành phố rồi.”
“Chị thật sự muốn ở đây hết một tháng à?”
“Có phải chị làm phiền đến các em không?”
“Đương nhiên là không. Có điều em chẳng thể hiểu nổi, có vẻ như chồng chị rất
quan tâm đến chị, với độ tuổi của chị, chắc chắn cũng đang phải đi làm,
có một công việc bận rộn, cho dù có nghỉ phép cũng hoàn toàn có thể đi
tìm một nơi nào đó thật đẹp đẽ và thoải mái để nghỉ ngơi, sao lại rảnh
rỗi đến mức một thân một mình ở nơi này?”
“Chị có một vài việc muốn làm rõ, có lúc chỉ ở một mình mới làm được.”
Câu nói của chị khiến tôi cảm thấy thật mơ hồ. Tôi đường nhiên không biết
rốt cuộc chị định ám chỉ điều gì, nhưng tôi biết, chị cũng giống như
tôi, có lúc phải dựa vào chính mình để đi tìm đáp án.
“Tiểu Hàng, em đừng hiểu lầm, chị thật sự không có thành kiến gì về công việc của chú Hà cả.”
Tôi bật cười. “Chị Khả, chị nghĩ nhiều quá rồi, người khác có thành kiến
với bố em hay không, em không quan tâm. Em không hề cảm thấy tự ti về
việc làm của bố, mặc dù công việc của ông ấy không giống mọi người,
nhưng đối với em thì việc nào cũng như nhau cả thôi.”
“Cậu ta
chẳng biết tự ti là gì đâu.” Chu Nhuệ cười ha ha. “Trước đây em ăn cơm ở nhà cậu ta, cậu ta còn khuyến khích em, bảo rằng nhà em bị phá sản rồi, việc học hành của em cũng chẳng ra sao, thôi thì làm đồ đệ của bác Hà,
sẽ không bị chết đói đâu. Nói thật, lúc đó em cũng rất nhiệt tình, đáng
tiếc là bác Hà không thu nhận.”
Khuôn mặt chị Hứa Khả ánh lên vẻ băn khoăn. “Chú Hà chỉ làm mỗi công việc này thôi sao?”
“Từ lúc em hiểu chuyện thì bố em đã làm việc này, chẳng thấy ông làm việc
khác bao giờ. Em có hỏi ông, ông nói là lực bất tòng tâm, huống hồ ông
chẳng thề làm người trí thức, cũng chẳng kham nổi việc nhà nông, chỉ có
học cái này là được, cũng đủ nuôi cả gia đinh.”
“Chị không hiểu lắm về chuyện này, nhưng chị nghĩ với học thức của chú Hà, làm thầy giáo cũng không vấn đề gì.”
“Bố em có học sư phậm đâu, cùng lắm chỉ làm được ông giáo dạy lớp bổ túc
thôi, rồi có mà hít bụi phấn cho ung thư phổi, thời gian cố định, thu
nhập cũng ít, làm sao tự do tự tại như nghề này được?”
Thường
ngày tôi đâu có nhiệt tình biện hộ cho bố như thế này, nhưng bây giờ tôi rất muốn chứng kiến tận mắt, muốn biết vì sao chị Hứa Khả lại tỏ ra
hiếu kỳ với bố tôi như vậy.Quan niệm về giá trị nghề nghiệp của tôi
đúng là khiến chị Hứa Khả phản đối, chị vừa muốn bày tỏ thái độ không hề thành kiến, nhưng cũng không đồng ý với suy nghĩ của tôi nên vẻ mặt chị thể hiện rõ sự mâu thuẫn.
“Đương nhiên, nghề nghiệp không phân biệt sang hèn, nhưng…”
Tôi có thể nhận thấy chị đang cố gắng điều chỉnh lại tư duy, nhưng chắc
chắn chị vẫn cho rằng, công việc này không thể coi là thích hợp, hoặc có thể nhắc đến trước chỗ đông người, hơn nữa tôi cũng cảm thấy chị thực
sự lấy làm tiếc cho bố tôi. Tôi không hiểu tại sao chị ấy lại tưởng
tượng bố tôi sẽ là người như vậy và muốn tìm kiếm điều gì ở bố tôi.
Tôi cười khì khì, nói: “Không cần nói “nhưng”, nói thẳng ra, nghề nghiệp
đương nhiên là phân biệt sang hèn rồi, lúc đó bố em cũng thấy khó khăn
khi gọi tên cho cái nghề này. Có điều, bố em cũng nói rằng nếu lúc đầu
ông muốn, ông đã có thể trở thành một thầy bói xem tướng số, tử vi rồi
gặp phải đủ hạng người, mà ông lại không thích phán xét lung tung về
cuộc đời của người khác, can thiệp vào sự lựa chọn của họ, chẳng bằng
làm công việc thu xếp an nghỉ cho người đã khuất, có khi còn thiết thực
hơn.”
Chị Hứa Khả nói với giọng kính nể: “Chú Hà đúng là người suy nghĩ chín chắn, chị thì nông cạn quá!”
Bà chị này mặc dù hơn tôi rất nhiều tuổi, nhưng ở một số phương diện tôi
lại cảm thấy sao chị ấy ngây thơ thế. Tôi nghĩ mình không nên nói lung
tung để làm loạn ý nghĩ của chị nữa, tránh mang tiếng là ác. Tôi cười
khổ. “Chị đừng nghĩ ngợi nhiều làm gì, bố em chỉ vì mưu sinh thôi mà.”
Buổi chiều, trời càng trở nên âm u, lạnh buốt như sắp có tuyết rơi. Tôi ra
lệnh cho Chu Nhuệ cởi ngay cái áo choàng quân đội bằng bông mà cậu ta
lấy ở phòng bố tôi ra. “Tôi phải mang nó cho bố mặc.”
Cậu ta đành phải cởi ra và ấn vào tay tôi, khuôn mặt khổ sở nhìn tôi. “Vậy tôi thì sao?”
“Ai bảo cậu chỉ mặc một cái áo khoác mỏng chạy về đây giữa mùa đông thế
này, cứ thế mà chịu rét thôi, chịu không nổi thì ngoẻo chứ sao.”
“Cậu ác thật đấy, tôi không thể bảo bạn cùng phòng ở Anh gửi quần áo về đây
được, mua ở cửa hàng trên thị trấn thì sợ bố tôi biết tôi đã trở về.”
Chị Hứa Khả nói xen vào: “Thế này đi, chị cũng có việc muốn lên thị trấn, chị có thể mua giúp em hai cái áo khoác.”
“Chị Khả mới đúng là người tốt.”
Nhìn chị ấy cởi áo khoác của mình ra và bảo Chu Nhuệ mặc vào để đo xem kích
thước chiều dài chênh lệch bao nhiêu, tôi nghĩ chị ấy đúng là tốt hơn
tôi rất nhiều.
Năm ngoái, ở thị trấn có mở một siêu thị rất lớn,
còn có một vài cửa hàng chuyên bán hàng hiệu trong nước và một vài cửa
hàng bán quần áo lẻ. Tôi chỉ cho chị Hứa Khả xem, nhưng chị lại bảo:
“Thời tiết lạnh quá, chúng ta đem áo cho chú Hà trước nhé!”
Tôi cười. “Chị muốn xem bố em đang làm gì chứ gì?”
Chị ấy hơi ngại, nói: “Hy vọng em không nghĩ sự tò mò của chị là quá đáng.”
“Không đâu, đi nào!”
Bà cụ Trần sống ở toàn nhà ba tầng gần trung tâm thị trấn, vừa bước vào sân nhà bà, chị Hứa Khả đột nhiên đứng sững người.
Thời tiết rất lạnh, nhưng cổng và cửa đều mở toang. Đứng từ ngoài sân, có
thể nhìn thấy bà cụ được đặt nằm trên một cái phản kê giữa phòng khách,
mặc áo thượng thọ, trên mặt che một tờ giấy màu vàng, người nhà và họ
hàng đều ngồi xung quanh khóc than, đốt giấy, thắp hương, còn những
người khác thì đi ra đi vào vô cùng bận rộn. Bên ngoài sân, có người
đang căng bạt, có người đang mắc dây điện, có người thì vận chuyển đồ
đạc như thức ăn, nước đóng chai, thuốc lá, bàn chơi mạt chược, bàn
ghế…mọi thứ đều vô cùng lộn xộn. Ở một góc sân, bố tôi đang hướng dẫn
mấy bà gấp giấy vàng mã. Mọi người vừa bận rộn làm việc vừa nói cười rôm rả, hoàn toàn không để ý đến bà cụ vừa từ giã cõi đời đang nằm bất động chỉ cách họ mấy bước.
Tôi nhìn ngắm vẻ mặt ngạc nhiên của chị Hứa Khả, rất lâu sau vẻ mặt ấy mới bình thường trở lại. “Sao…sao lại náo nhiệt thế nhỉ?”
“Nếu chị thật sự muốn xem náo nhiệt thì nên đợi đến tối hãy qua, ở đây sẽ tổ chức ăn cỗ, sau đó có một buổi biểu diễn nhạc, hát những ca khúc thịnh
hành, diễn kịch, những người trông linh cữu còn chơi mạt chược nữa.”
“Làm như thế không phải sẽ ảnh hưởng đến việc bày tỏ nỗi đau xót của người thân ư?”
“Phong tục của địa phương là như vậy đấy. Thêm nữa, vì bà cụ Trần qua đời lúc
tuổi rất thọ nên không phải tỏ ra quá đau buồn, người nhà cảm thấy tổ
chức tang lễ cho bà cụ càng náo nhiệt thì càng chứng tỏ là những người
con có hiếu.”
“Nhưng…”, chị định nói gì nhưng ngừng lại, rồi cuối cùng vẫn nói: “Nhưng ít nhất cũng phải quét dọn sạch sẽ gọn gàng chứ!”
“Trong ba ngày không được quét dọn, sau khi đem đi hoả táng mới được dọn dẹp.”
“Sau đó thì sao?”
“Sau đó còn phải “làm bảy ngày”, tức là tính từ ngày mất, cứ bảy ngày, con
trai, con gái của người chết tập trung lại làm lễ cúng bái, thầy cúng sẽ tính xem ngày nào “xấu” thì phải làm một cái lễ đặc biệt để hoá giải
oan nghiệt, sớm được siêu thoát, đủ bảy lần bảy là bốn chín ngày thì làm lễ cúng “bốn chín ngày”. Sau đó, vào cái Tết đầu tiên sau ngày mất của
người đã khuất, người thân và họ hàng còn phải đến thăm hỏi, thắp hương, sau Tết Nguyên Tiêu thì phải chuyển phòng thờ, Tết Thanh Minh thì đi
tảo mộ, Tết Vu Lan thì thắp hương, đốt vàng mã.”
“Sao em biết nhiều tục lệ thế?”
Tôi cười, nói: “Hồi em còn nhỏ, bố không yên tâm để em ở nhà một mình nên
đi đâu, làm gì bố cũng dẫn em theo, cho nên em được chứng kiến nhiều.
Nếu là con trai, chắc chắn em đã nối nghiệp bố rồi. À, đúng rồi, người
thành phố tổ chức tang lễ thế nào ạ?”
Chị bỗng nhiên trầm mặc.
“Mẹ chị mất nửa năm trước, sau khi dán cáo phó, bà con họ hàng thân
thích đến dự lễ truy điệu tại nhà. Mẹ chị là bác sĩ phụ sản nên bệnh
viện cũng tổ chức lễ truy điệu tại nhà tang lễ, ngoài bạn bè, đồng
nghiệp, còn có các bệnh nhân trước đây mẹ chị đã chữa bệnh cũng đến đưa
tiễn, sau khi hoả táng, phần tro được an táng tại Lăng Viên.”
Nghe ra thì đúng là trang trọng hơn rất nhiều và nghi thức thì đúng là một
tang lễ nên có. Nhưng từ hồi tôi hiểu chuyện đã được chứng kiến rất
nhiều cảnh ồn ào náo nhiệt như thế này, đối với cái chết, tôi đã có cảm
giác dửng dưng từ lâu. Tôi bước đến đưa áo khoác cho bố, tiệp nhận câu
trêu đùa của bà thím bên cạnh, cảm ơn và từ chối lời mời ở lại dùng cơm, sau đó đi ra.
“Mỗi làng quê có phong tục riêng, chị không muốn tỏ ra là mình khác người, nhưng cảnh này thì chị không thể chấp nhận nổi.”
“Không phải tất cả đều náo nhiệt như thế này đâu. Nếu chị muốn chứng kiến cảnh trang nghiêm thì sáng mai có thể đến xem cảnh đưa ma. Nói thật, bố em
trong những lúc ấy trông rất xúc động.”
Mua áo xong, trên đường về nhà, chị Hứa Khả luôn trong trạng thái trầm mặc không nói năng gì.
Phải có một trái tim rất dịu dàng thì mới có thể dễ xót thương như vậy. và
một người phụ nữa ba mươi tư tuổi muốn có được tâm hồn dịu dàng như thế
thì chắc chắn tâm hồn đó luôn được nâng niu, chăm sóc. Chắc chắn chị ấy
sinh ra trong một gia đình tốt đẹp như vậy, từ nhỏ đến lớn đều được yêu
thương, chăm sóc, được hưởng nên giáo dục tốt nhất, học trường đại học
tốt nhất, sau khi tốt nghiệp lại làm một công việc tốt, sau đó được một
người đàn ông tốt cầu hôn rồi kết hôn, nên chị ấy mới có một tâm hồn
rộng mở đến vậy.
Đến khi tôi bằng độ tuổi chị ấy chắc hẳn phải chai lì lắm rồi.
Nhưng nếu quả thật có chai lì thì có gì đáng vui mừng chứ. Nghĩ đến đó, tôi cụt hết cả hứng.
“Em không có ý định thăm dò gì đâu, nhưng em muốn hỏi chị một câu thôi,
đương nhiên chị không trả lời em cũng được.” Tôi dừng lại trước cổng nhà mình. “Chị đến đây, ở nhà em, không phải là không có mục đích, đúng
không?”
Nghe tôi hỏi vậy, chị ấy sững người trong giây lát. “Em thông minh lắm, Tiểu Hàng. Đúng là chị có mục đích khi tìm đến nhà em.”
Tim tôi đột nhiên thắt lại, ngay cả giọng nói cũng run run: “Tại sao?”
“Theo chị đoán”, chị ấy nói từng chữ từng chữ thật chậm rãi, “bố em, chú Hà, có lẽ cũng là bố của chị.”
(6)Thầy: nguyên gốc từ này trong tiếng Trung là “sư phụ”, dịch giả chuyển sang từ “thầy” theo cách gọi dân gian của Việt Nam.