2
Triệu Thủ Khác mắng tôi qua điện thoại: “Chị ta từ đâu đến, là người thế nào
em còn không biết, thế mà dám để chị ta ở nhà em à?”
“Dù sao trong nhà còn nhiều phòng trống mà.”
“Để một người lạ vào nhà mình ở, em có bị điên không đấy?”
“Em muốn xem xem chị ấy định làm gì.”
“Em đúng là rỗi hơi.”
“Đúng vậy, rỗi hơi còn có lực sát thương mạnh hơn cả tò mò đấy ạ.”
“Đã rỗi hơi như vậy, sao không học hành chăm chỉ đi, mới học kỳ đầu tiên đã trốn học rồi, anh không hiểu nổi em đang muốn làm gì nữa.”
“Học hành còn chán hơn ấy chứ.”
“Hà Từ Hàng, đúng là không thể nói lí lẽ với em được nữa.”
Anh giận dữ cúp máy.
Tôi có thể hiểu sự nóng nảy của anh.
Triệu Thủ Khác là hàng xóm đối diện nhà tôi, hơn tôi ba tuổi. Năm anh mười
hai tuổi, cha anh qua đời, mẹ anh là dì Hồng đã một mình nuôi anh khôn
lớn. Dì Hồng làm nhân viên bưu điện ở thị trấn, là một quả phụ khá xinh
đẹp, mặn mà. Vài năm trước, tôi cảm thấy dì có chút tình ý với bố tôi,
nhưng sau đó tình cảm này không hiểu sao lại lụi tắt.
Chúng tôi
sống quá gần nhau, cảm giác như tôi đã quen anh từ khi lọt lòng, cho dù
tôi có cố gắng nhớ cũng không thể nhớ được anh đã trở thành giám hộ của
tôi từ lúc nào, thậm chí còn quản tôi chặt chẽ, nghiêm khắc hơn cả bố
tôi. Lúc còn ở nhà, anh đốc thúc tôi học hành chăm chỉ, nghiêm túc để
thi đại học, đến khi đỗ đại học, anh lại điều khiển từ xa cho tôi điền
vào phiếu nguyện vọng học chuyên ngành báo chí.
Tháng trước, mấy ngày liền tôi lười biếng nằm ở kí túc không đi học, không biết tại sao
việc đó lại đến tai anh, anh đích thân chạy đến trường tôi, mắng tôi té
tát, bọn bạn cùng phòng kí túc nghe thấy thế cũng không dám ho he nửa
tiếng. Sau khi anh đi khỏi, bọn chúng nhao nhao lên tiếng, nhất loạt cho rằng giọng điệu và dáng vẻ của anh khi mắng mỏ tôi chẳng khác nào bố
chúng, nhưng về mặt dùng từ thì “đẳng cấp” hơn hẳn.
Tôi cứ nghĩ
rằng anh không thèm quan tâm đến tôi nữa, nhưng hôm trước, anh lại chủ
động giúp tôi xách hành lý ra trạm xe buýt, lạnh lùng nói: “Có lẽ em
không quen với cuộc sống ở tỉnh, học kỳ này coi như anh bỏ qua, em về
nhà nghỉ ngơi cho tốt, qua Tết thì không được học hành chểnh mảng nữa,
phải nghiêm túc, chăm chỉ đấy.”
Tôi lúng túng không biết làm thế
nào, cảm nhận được sự quan tâm của anh dành cho mình, tôi không định
giận anh nữa mà chỉ “Ừ” một tiếng, rồi nói thềm: “Vậy lúc nào anh về
nhà?”
“Chắc vài hôm nữa.” Anh ấy vừa học vừa làm nên thời điểm trước Tết vô cùng bận rộn.
Dường như anh và tôi đã làm hoà, nhưng việc hôm nay hình như anh rất
giận tôi thì phải. Tôi không thể không cho rằng tính cáu giận của anh
ngày càng có xu hướng gia tăng.
Hứa Khả bước ra từ căn phòng mà tôi sắp xếp cho chị ở, hỏi tôi: “Ông em đâu rồi?”
Tôi nhìn ra ngoài, rồi vội vàng chạy như bay ra cổng, kéo ông đang định đi
đâu đó lại, sau đó nhân tiện đóng luôn cửa cổng, nói to: “Ông ơi, áo
khoác ông còn chưa mặc, ông lại định đi đâu đấy?”
Ông nheo nheo đôi mắt dấp dính, mờ đục, nhìn tôi, ậm ờ nói: “Ông muốn ăn bánh gạo nhân đường đỏ.”
Tôi dỗ dành ông: “Người bán bánh gạo đã đi từ lâu rồi, ngày mai cháu sẽ mua cho ông, được không?”
Ông vẫn còn bán tín bán nghi. Tôi dứt khoát kéo ông vào nhà, mặc áo bông
cho ông, bảo ông ngồi xuống, rồi đưa ông một túi bánh quy. Ông có vẻ
không vui, nói: “Cái này không ngon.”
“Ông ăn tạm vậy, chẳng còn cái gì khác đâu.”
“Ông muốn ăn bánh gạo nhân đường đỏ.”
Tôi nói qua loa: “Mai hẵng ăn, mai hẵng ăn ông nhé!”
Hứa Khả thấy vậy nói chen vào: “Bánh gạo nhân đường đỏ bán ở đâu? Chị đi mua giúp ông nhé!”
Tôi liếc nhìn chị. “Chị nghĩ em keo kiệt, lười biếng không muốn đi mua cho
ông sao? Ông bị bệnh tiểu đường, cho dù có thèm ăn bánh gạo nhân đường
đỏ thì cũng chịu, chỉ có thể ăn bánh quy không đường thôi.”
Hứa Khả bỗng cảm thấy xấu hổ, nói: “Xin lỗi.”
“Cô gái này từ đâu ra vậy?”
Ông nội đột nhiên hỏi Hứa Khả, chị ngập ngừng một lát rồi trả lời: “Ở trên tỉnh, phía đông của tỉnh.”
“Cô đến đây là muốn hỏi về đường tình duyên hay tương lai?”
Hứa Khả ngạc nhiên nhìn sang tôi. Tôi xua tay, giải thích: “Trước đây, ông
em vốn được coi là thầy bói có tiếng, rất nhiều người tìm đến ông nhờ
xem bói, có lẽ bây giờ ông già rồi nên lẫn lộn, cứ nghĩ chị đến đây để
nhờ xem bói.”
“Ồ, ra vậy, ông ơi, không phải cháu đến đây xem bói đâu ạ.”
Ông tôi dường như không để ý đến câu nói này, nhìn Hứa Khả hồi lâu, nói
giọng trầm đục: “Muốn thắp đèn đi tìm lửa, chi bằng cứ im lặng, chớ lao
tâm làm gì.”
“Câu này nghĩa là gì ạ?”
Tuy nhiên lúc này
ông nội lại hoàn toàn tập trung chú ý vào chiếc bánh, ngồi xuống chăm
chú ăn, không hề đáp lại chị ấy. Chị ấy nhìn tôi, một lần nữa, tôi xua
tay thở dài. “Đừng hỏi nữa, hình như ông đã quên những gì vừa nói rồi.
Chị sống ở đây thì nên biết, đầu óc của ông em không minh mẫn lắm, có
lúc cứ thức dậy là đòi ăn, có lúc còn lăn lộn trên đất như một đứa trẻ.
Ông em nói năng cũng lộn xộn lắm, lúc nhớ lúc quên, chị đừng để ý làm
gì.”
Hứa Khả lại nhìn ông, ông đang yên lặng ngồi ăn bánh rất
điềm đạm. Dáng người gầy yếu, mái tóc bạc cắt ngắn, ông mặc chiếc áo
bông màu xám sạch sẽ. Tôi biết, trông ông thế này hoàn toàn vô hại,
không giống như khùng điên chút nào, thế nên tôi đành phải bổ sung: “Đợi vài hôm nữa là chị sẽ biết ngay thôi. Em dặn trước, cho dù ông em có tỏ ra đáng thương thế nào, chị cũng đừng cho ông em ăn linh tinh đấy!”
Hứa Khả gật đầu, do dự nói: “Ông em nhìn chưa đến bảy mươi nhỉ, nhìn rất đẹp lão.”
“Chị cũng thật biết khen, ông em chỉ mới sáu mươi bảy tuổi thôi.”
Chị tỏ vẻ vô cùng ngạc nhiên. “Thế bố em năm nay bao nhiêu tuổi?”
“Năm mươi lăm tuổi.” Thấy miệng chị há hốc, tôi phì cười, giải thích: “Thực
ra, ông là sư phụ của bố em. Em gọi là ông Trương. Ông nội em đã qua đời trước khi em được sinh ra một năm, chị nhìn kìa, đó là ảnh treo tường
của ông và bà em đấy. Em không được gặp ông, nhưng hình như bố em trông
rất giống ông ấy.”
Chị gật đầu, nhìn chăm chú vào khung ảnh của
ông nội tôi, còn tôi lại nhìn chằm chằm vào chị. Dáng người chị nhìn
nghiêng quá là đẹp, mái tóc được uốn hơi xoăn rất tự nhiên, vầng trán
đầy đặn, đôi mắt to hơi sâu làm nổi bật chiếc mũi cao thẳng tắp khiến
tôi âm thầm ngưỡng mộ. Tôi nhìn chị chăm chú như đang thưởng thức cái
đẹp, còn chị thì chăm chú nhìn vào khung ảnh của một ông lão đã qua đời
gần hai mươi năm làm gì chứ?!
Dường như chị phát hiện ra ánh mắt
của tôi nên ngoảnh đầu lại, còn da mặt tôi cũng khá dày nên chẳng thèm
dịch chuyển ánh mắt của mình đi chỗ khác.
“Bố em làm nghề gì?”
Tôi cười xấu hổ. “Người thất nghiệp của thị trấn.”
“Ồ.” Ánh mắt của chị hình như đang di chuyển đi đâu đó, rồi chị chỉ lên
những nhạc cụ treo trên tường. “Những cái này đều là của bố em à?”
“Đàn tì bà là của em, còn những cái khác đều là của bố em. Bố em chơi nhị hồ rất hay, các nhạc cụ khác chơi cũng khá, ông còn thích hát Kinh kịch
nữa cơ.”
“Đa tài quá! Chữ “Phúc” cũng là do bố em viết à?”
“Vâng.”
Nhìn những dòng chữ viết một cách cẩn thận tỉ mỉ, hài hoà treo ngay trên bàn học cạnh của sổ, Hứa Khả khẽ đọc:
“Thương yêu cùng tụ hội
Do nhân duyên hợp thành
Sống ngập tràn âu lo
Mạng như sương trên cỏ
Vì yêu nên lo,
Vì yêu nên sợ
Nếu không có yêu thương
Thì không còn lo sợ.”(2)
“Đây là kinh Phật à?”
“Nói chính xác ra thì đó không phải kinh Phật, mà là Phật gia kệ ngữ, trong cuốn “Diệu sắc vương cầu phấp kệ””.
“Bố em có tin vào Phật không?”
Tôi lắc đầu. “Không tin, em chưa thấy bố thắp hương cầu khấn bao giờ. Đoạn
kệ này em thấy bố chép khá nhiều lần, chắc chỉ đơn thuần là thích thôi.
Đúng rồi, có dạo ông ấy còn chép “Tư trị thông giám”(3) đấy.”
Chị ấy vẫn đứng xem đoạn kệ, lâu đến nỗi khiến tôi cảm thấy kỳ lạ. Chị
ngẩng đầu, hơi mỉm cười, nói: “Hình như có ý nghĩa sâu xa nào đó. Phía
bên ngoài của câu đối cũng là bố em viết đấy à? Chữ “Lệ” được viết rất
công phu, đúng là một người có vốn văn hoá sâu sắc.”
Tôi cảm thấy rất buồn cười, nhưng lại gật đầu, nghiêm túc nói: “Đúng vậy, bố em
không có bằng cấp, nhưng lại rất hiểu biết về văn hoá. Trong phòng chỗ
nào cũng có sách của ông ấy, hơn nữa bố em còn có tài trồng hoa, cây
cảnh. Cây hoa trà, lạp mai trong sân đều là do bố em chăm sóc, cắt tỉa.
À, đúng rồi, em quên hỏi chị năm nay bao nhiêu tuổi?”
“Năm nay chị ba mươi tư tuổi.”
Tôi thực sự kinh ngạc, ngớ người trong giây lát.
“Sao thế?”
“Ồ, không sao ạ, đúng là không thể nhìn ra, em cứ nghĩ chị cùng lắm chỉ hai mươi tám tuổi thôi.”
Chị cười. “Cảm ơn câu nịnh của em.”
“Không phải em nịnh đâu, chị quả là biết cách chăm sóc sắc đẹp, hoàn toàn không thể nhận ra tuổi thật.”
“Chị không để ý người ta có nhận ra tuổi hay không, phụ nữ ở mỗi giai đoạn
đều có vẻ đẹp khác nhau. Ngoài ba mươi tuổi chính là giai đoạn đẹp nhất
của người phụ nữa đấy.”
Tôi nhìn chị chằm chằm, mặc dù không
trang điểm nhưng da của chị vẫn trắng nõn, chiếc áo khoác ngắn chưa cài
cúc để lộ chiếc áo bó màu xanh đen bên trong, cho thấy một vòng eo thon
gọn, vừa toát lên dáng vóc thanh xuân, vừa thể hiện phong thái mặn mà,
đằm thắm, quả thật đó là “phong thái” đẹp nhất mà tôi từng biết. Tâm
trạng tôi loạn cào cào, những ý nghĩ lộn xộn từ đâu tuôn đến, khiến tôi
không biết nắm bắt thế nào, hơi thở của tôi bỗng dưng không tự chủ được
trở nên dồn dập. Chị chú ý đến dáng vẻ khác thường của tôi, kinh ngạc
hỏi: “Em thấy không khoẻ à?”
Tôi lắc đầu, cảm thấy cực kì hối hận khi nhận tiền của chị và cho chị thuê phòng, đột nhiên, tôi thấy mình
cần một không gian yên tĩnh ngay lúc này.
(2) Nguyên văn:
“Nhất thiên ái hội
Vô thường nan đắc cửu
Sinh thế đa nguy cụ
Mệnh nguy vu thần lộ.
Do ái cố sinh ưu
Do ái cố sinh bố
Nhược ly vu ái giả
Vô ưu diệc vô bố.”
(3) Tư trị thông giám: Là một cuốn biên niên sử quan trọng của Trung Quốc,
với tổng cộng 294 thiên, khoảng ba triệu chữ. Tác giả chính của cuốn sử
này là Tư Mã Quang - nhà sử học thời Tống.