Nên Gọi Anh Là Thầy Hay Chồng?

Chương 81: Quan điểm cá nhân của thầy Vũ




Tối nay tôi cùng ông thầy già đi dạo qua trung tâm mua sắm gần nhà, chẳng xe hơi cũng chẳng xe máy, đơn giản là cuốc bộ. Cả hai cùng nắm tay qua đường rồi băng qua vài góc phố.

- Anh đeo khẩu trang vô dùm em được không?

- Why?

Thầy nheo mắt hỏi tôi đang đi bên cạnh, còn tôi thì xị mặt trả lời:

- Gái nó cứ dòm anh hoài em khó chịu quá à.

- Biết ghen rồi sao?

Thầy mỉm cười rồi quàng tay qua cổ tôi kéo vào lòng, đặt 1 nụ hôn lên đỉnh đầu rồi dẫn tôi đi tiếp, không hề quan tâm ánh mắt mọi người nhìn chúng tôi ra sao. Cứ đi đến đâu là người ta xì xầm, cảm thán về nhan sắc của ổng đến đó, vì ổng ngời ngợi chói loá và nổi bật quá mà. Khiến tôi có chút không thoải mái và hơi xoắn xoắn trong lòng. Nhìn mấy bà chị mê trai nhìn chồng mình mà ánh mắt sáng lấp lánh, miệng há ra, nước miếng muốn chảy ròng ròng, hỏi sao mà tôi có thể bình thường được đây?

Chúng tôi vào trong 1 nhà sách lớn trong trung tâm, thầy thì vào khu toàn sách tiếng Anh tiếng Tàu để đọc sơ và lựa mua, còn tôi thì đi tìm mấy thứ linh tinh dễ thương về trưng phòng cho đẹp. Sau đó cả 2 cùng dạo 1 vòng đi mua sắm mấy thứ lặt vặt. Khi đến trước cửa hàng của trẻ sơ sinh, không hẹn nhau mà cả 2 cùng dừng lại nhìn. Hồi trước khi đi ngang qua mấy nơi này, có bao giờ để ý đâu. Giờ tự nhiên có chửa lại hứng thú vô cùng.

- Vô mua cho con không em?

- Đã biết trai hay gái đâu mà mua anh.

- Mua về ngắm thôi.

- Anh rảnh quá!

Nghe dì Phương nói là không nên mua đồ trẻ sơ sinh sớm. Bầu 7 hay 8 tháng gì thì hãy mua. Vì người xưa dị đoan quan niệm rằng, mua trước đồ em bé không tốt. Em bé trong bụng sẽ nôn và đòi ra sớm, dễ sảy thai và sinh non. Tôi mặc dù không mê tín mấy vấn đề đó lắm, nhưng nghe xong cũng hơi sờ sợ. Xui xui bị giống con Mỹ, chắc trắng mắt luôn. Nên vội kéo tay thầy rời đi, mặc cho ổng cứ ngẩn người nhìn hoài, và nhân viên bán hàng nhiệt tình tư vấn chào mua. Trên đường trở về chung cư, tôi ngóc đầu lên hỏi thầy:

- Anh, anh nghĩ sao về quan niệm “Phụ nữ thời nay phải được bình đẳng giới, không được ăn bám vào đàn ông theo tư tưởng xưa nữa. Phải biết tự lập, tự chủ cuộc sống, trau dồi kiến thức, nâng cao bản thân và không cần thu mình trong gian bếp chật hẹp, thui thủi ở nhà lo nội trợ và con cái nữa.”



Thầy gật gù nghe kĩ hết câu hỏi của tôi, suy nghĩ giây lát rồi bắt đầu trả lời:

- Em muốn nghe ý kiến từ anh sao? Đây chỉ là quan điểm cá nhân của anh thôi nha. Theo anh thì, “ăn theo thuở, ở theo thời”. Đúng là phụ nữ thời nay không nên giam mình trong 4 bức tường nhà, tối mặt tối mày lo cho con cái nhà cửa theo hình mẫu của người phụ nữ xưa nữa. Nhưng đòi bình đẳng giới thì anh thấy là hơi ngu ngốc.

- Tại sao lại ngu ngốc, anh có thể nói rõ hơn cho em không?

Tôi nhăn mặt hỏi vì không hiểu sao thầy lại phản bác mục đích mà nhiều phụ nữ thời nay đang hướng tới. Thầy chậm rãi trả lời:

- Tại sao không đi đòi công bằng, mà lại đi đòi bình đẳng giới? Em biết bình đẳng giới là sao không? Là khi 1 người đàn ông và 1 người phụ nữ cùng đứng dưới 1 tầng lầu, người đàn ông đó vác bao gạo 20kg lên lầu 6 được, thì cô ta cũng phải vác bao gạo 20kg lên lầu 6 được, đừng đứng đó cãi tại anh khoẻ nên anh vác được, tôi chân yếu tay mềm chỉ vác dc 5kg thôi. Là khi, cái bóng đèn trên trần nhà bị hư, tôi vác cái thang leo lên đó sửa được thì cô cũng tự bắc thang leo lên sửa đi. Bộ phụ nữ tụi em muốn như thế sao? Tại sao lại không đòi công bằng cho mình. Mà công bằng là sao, là tôi và anh cùng đi làm, cùng kiếm tiền. Tại sao khi về đến nhà, lại có mình tôi chạy vào lo nấu cơm nấu nước, giặt giũ chăm con, tất bật hết mặt mũi. Còn anh lại ung dung ngồi đó gác chân chơi game và coi đá bóng. Tại sao không công bằng với tôi, tôi cả ngày đã làm việc mệt nhọc giống y như anh, vậy khi về đến nhà, anh cũng phải có trách nhiệm phụ tôi chăm con cái, tôi nấu cơm thì anh phải có nghĩa vụ rửa chén, tôi lau nhà thì anh đi tắm con. Có hiểu vấn đề đó không cô bé ngốc?

Ừa ha, chà chà, hay quá thầy ơi. ”Từ đó trong tôi bừng nắng hạ, mặt trời chân lý chiếu quá tim” đây mà. Tôi trợn mắt nhìn thầy đầy cảm thán, thầy lại tiếp tục bài diễn thuyết của mình.

- “ Anh cũng không đồng ý dùng từ “ăn bám” cho các cụ thời xưa và những người phụ nữ thời nay ở nhà chăm con chờ lương của chồng. Đó phải được gọi là sự hy sinh. Mà phụ nữ Á Đông chúng ta xưa nay nổi tiếng 5 châu 4 bể đó là gì, là sự hy sinh cao cả, hy sinh thanh xuân, sức khoẻ, hy sinh hết thảy bản thân mình để cho chồng con mình ăn ngon mặc đẹp. Những thằng đàn ông gọi vợ mình là đồ ăn bám là những kẻ bạc nhược khốn nạn. Còn những cô dùng từ đó dành cho chính những người phụ nữ như mình, đó được xem là sỉ nhục vào truyền thống của các mẹ và các bà thời xưa. Anh không phải là đàn bà giống như họ, nhưng hãy đặt mình vào vị trí của họ mà cảm nhận. Họ muốn bị gọi như thế sao, không có ông bà nội ngoại 2 bên phụ giúp. Chỉ có 1 mình họ quần quật như thế, vậy ai trông con cho họ đi làm kiếm tiền như đàn ông đây, ai giặt giũ nội trợ, ai cơm nước cho tụi đàn ông về nhà 1 cái là mâm cơm đã chờ sẵn. Nhà mình khá giả thì mình sao cũng được, nhưng những gia đình họ eo hẹp về tài chính, là cả 1 vấn đề. Chứ giờ có thằng chồng nào chịu ở nhà lo nội trợ và con cái cho cô vợ ra ngoài bươm chải kiếm tiền thay mình không? Vậy cái câu”đàn ông xây nhà, đàn bà xây tổ ấm” của cha ông đúc kết mấy ngàn năm, đem liệng thùng rác cho rồi. Chỉ là có mấy thằng đàn ông vô cùng khốn nạn, nó coi mình như trời đất, cứ nghĩ đem tiền về quẳng vô mặt vợ, hạch sách đủ điều coi mình như thượng đế ban phát sự sống cho vợ mình, đúng là cái thứ trời đánh, thánh đâm. Cô vợ mà cổ cũng đi làm được, cũng sẽ quẳng tiền cái đốp vô mặt nó y như vậy. Vì thế ta nên đồng cảm và thương xót những người phụ nữ không được may mắn như thế. Đừng khinh rẻ họ, thực sự họ đáng thương lắm!

Bây giờ mình bàn tới vấn đề phụ nữ thời nay phải biết tự lo, tự lập tài chính và cuộc sống nha. Anh hoàn toàn ủng hộ vấn đề này, phụ nữ thời nay phải biết tu bổ và khẳng định bản thân qua việc học tập và nâng cao trí tuệ. Một số người bạn của anh, mặc dù họ là phụ nữ nhưng rất giỏi và quyết đoán chả khác gì đàn ông đâu, anh thật sự rất khâm phục họ. Vì thế anh luôn khuyên em là phải biết trau dồi kiến thức, học hành đâu ra đó cho thiệt tốt mà. Có câu nói: “Gió tầng nào sẽ gặp mây tầng đó.” Những điều tuyệt vời sẽ được dành cho những người xứng đáng, hãy biến bản thân trở thành người xứng đáng. Em hiểu không? Vì thế em đừng tự ti về bản thân của mình với anh nữa. Hãy nhìn xem những điều em đã làm trong quá khứ, tự bươm chải, tự lớn lên khi không có mẹ, tự mình vượt qua những nỗi sợ hãi, đó là cả 1 quá trình cơ cực và vất vả của em. Anh nghĩ em hoàn toàn xứng đáng có được tình yêu và sự chăm sóc của anh như ngày hôm nay. Anh rất tự hào về em đó, em biết không hả cục cưng?

Nhưng anh lại không thích cái mệnh đề là phụ nữ thời nay không cần đàn ông nữa. Cả đàn ông và phụ nữ đều cần nhau. Chả tự dưng mà ông trời lại sinh ra giống đực, giống cái. Có âm có dương, có nóng có lạnh, có mềm có cứng. Dù chim đực hay chim cái, cả ngày đã sải cánh bay bốn phương tứ hướng rồi, thì cuối cùng buổi tối, khi đôi cánh đã mệt mỏi rã rời, nó cũng phải quay lại tổ để nghỉ ngơi mà. Cả hai có thể bay hoài, bay mãi, bay đến già được không? Ừ thì 1 người phụ nữ họ sẽ rất tự hào khi tự mình đạt được những thành công to lớn. Nhưng sẽ hạnh phúc hơn khi sau lưng của cô ấy có 1 người đàn ông đã luôn ủng hộ và động viên cô ấy, cùng chung vui khi cô ấy chiến thắng và sẽ ôm cô ấy vào lòng an ủi:”có anh đây mà”, khi chẳng may cô ấy thất bại hay sao? Dù em có ở trên thiên đường, đủ thứ vinh hoa phú quý nhưng lại chỉ cô độc có 1 mình, thật cũng chẳng cảm thấy vui vẻ và sung sướng gì đâu.

Tại lúc còn trẻ họ nghĩ vậy, chứ thử về già coi. Khi đã không còn sức khoẻ, không còn thanh xuân và tuổi trẻ, em muốn sống 1 mình với số tiền tích góp cả đời làm được, bệnh cũng chả ai lo, đi du lịch cũng 1 mình, lủi thủi sớm tối sống trong cô đơn. Hay em lựa chọn cuối đời có 1 người bạn già tri kỉ, đã cùng em trải qua những thăng trầm trong cuộc sống, cùng nhìn con cái lớn, cùng chăm sóc nhau khi ốm đau bệnh hoạn, có phải như vậy em sẽ thấy cuộc đời này ý nghĩa và đáng sống hơn không? “

Kết thúc bài diễn giải cũng là lúc chúng tôi đã đứng dưới ánh đèn trong khuôn viên của chung cư. Thầy đứng đối diện, nắm lấy 2 bàn tay tôi như trong mấy cuộc thi hoa hậu chờ đọc kết quả xem ai đăng quang làm đương kim hoa hậu vậy. Mà thôi đang tình huống nghiêm túc, đứng đắn lại chút xíu. Thầy nhìn tôi, ánh mắt dịu dàng nhưng cũng có chứa nhiều điều áy náy:

- Anh xin lỗi nha, Vy Anh. Anh đã lấy thanh xuân của em để sinh con cho anh. Tại khoảng cách tuổi của anh và em lớn quá! Anh sợ khi đợi em thành công cũng là lúc anh già mất tiêu rồi. Có thể trước đây anh quá ích kỉ, chiếm hữu và ép buộc em cho riêng mình. Nhưng thật sự, anh không cam tâm và không thể chịu nổi khi người bên cạnh sẽ yêu thương và chăm sóc cả đời cho em không phải là anh. Anh hứa khi em sanh con cho anh xong rồi, anh sẽ luôn đứng phía sau ủng hộ, làm điểm tựa và là bệ phóng vững chắc cho em thực hiện những ước mơ của mình. Em cứ bay đi đâu thì bay, nhưng anh sẽ luôn là tổ chờ em về mỗi tối.

Nhìn ông thầy già đầy thâm tình và tha thiết như thế này, quả thật tôi xúc động mãnh liệt, nên nhào vào lòng ổng ôm thật chặt, miệng rưng rưng:

- Em thật may mắn khi gặp được anh, em thương anh lắm, anh ơi!