Nên Gọi Anh Là Thầy Hay Chồng?

Chương 14: Ông Thầy Rắc Rối Bắt Chuyển Viện




Giờ tôi đã thấy hối hận khi nói cho thầy biết mình đang ở đâu. Tôi xụ mặt trả lời:

- Em nói với thầy là em bị tông xe rồi mà!

- “ Sao lại bị tông? Người gây tai nạn đâu?” Ổng nghiêm mặt hỏi.

- Xe ba gác mất thắng lao trúng em. Em thấy chú ấy nghèo khổ nên kêu chú về rồi.

- Năm xui tháng hạn của em hay sao mà hết gặp cướp giờ lại bị tai nạn. Thôi! Còn ngồi đây nói chuyện là tôi mừng rồi. Em đợi xíu, tôi ra làm giấy cho em chuyển lên bệnh viện quốc tế bên kia cho thoải mái. Đưa chứng minh thư của em đây.

Xịt! Năm xui tháng hạn gì chứ, năm nay có phải năm tuổi của tôi đâu. Từ ngày thầy bước chân vào cuộc sống của tôi, tôi mới xui tới tận mạng đó. Tự nhiên giờ còn bắt tôi chuyển viện cho rắc rối.

- Thôi thầy, em ở bệnh viện này được rồi! Cho gần nhà em với viện phí rẻ nữa, em không có nhiều tiền để chi trả bệnh viện quốc tế đâu. Người ta sắp đưa em đi chụp X-quang rồi! Xíu là xong bây giờ.

Thầy lườm tôi 1 cái không cho tôi quyền quyết định.

- Đừng có bướng. Ai bắt em phải trả tiền đâu mà em lo. Ngồi yên đó đi.

Nói rồi ổng tự mình ra nói chuyện với y tá để làm giấy tờ. Thấy mấy cô y tá nhiệt tình giúp thầy làm mọi thứ nhanh chóng mặc dù cái mặt thầy lạnh tanh, chỉ cần thầy gật đầu cảm ơn thôi là tôi thấy mấy chị ấy ngây người rồi. Có vài chị đến chỗ tôi mồi chài:

- Anh trai hay người yêu em vậy? Sao đẹp trai tuấn tú quá? Như người mẫu luôn. Ngưỡng mộ em quá à.

Tôi cười qua loa, giờ trả lời sao ta. Chả biết phải giới thiệu thầy với vai trò gì? Thôi trả lời đại theo cách tôi xưng hô với thầy vậy.

- Dạ thầy giáo em ạ!

- Ủa vậy hả? Sao trẻ dữ vậy? Thầy em có người yêu chưa? Cho chị xin số phone được không?

Hơ! Trên đời này chắc không có ai đưa số điện thoại chồng sắp cưới của mình cho người phụ nữ khác đâu ha. Tôi còn đang do dự không biết làm sao thì tiếng thầy vọng tới:

- Tôi là chồng của cổ.

Thiệt! Tôi muốn độn thổ, ai mượn ổng trả lời kia chứ. Mấy chị y tá trừng mắt nhìn tôi như muốn nói “ sao không nói toẹt sớm ra đi má”, nhưng họ vẫn cười giả lả:

- Vậy sao? Hì hì, em có phước quá ta.

Nói rồi họ lảng đi, tôi thì ngượng ngùng xấu hổ vô cùng. Hồi trước tôi cũng từng nghĩ đến chuyện lập gia đình, nhưng người chồng mặc định trong đầu tôi chỉ cần ở mức bình thường từ ngoại hình đến gia cảnh là được. Chứ tôi đâu cần người xuất chúng như thầy, đi đâu cũng bị thiên hạ dòm ngó soi mói, đem ra cân đo đong đếm muốn khổ. Lấy về sợ lại số đào hoa phong lưu, bồ nhí rải rác khắp nơi. Cuối cùng mình mới là người chịu thiệt, tôi thấy biết bao nhiêu cảnh rồi. Bởi vậy trước giờ ông bà ta nói cấm có sai, chồng đẹp là chồng người mà, chưa lấy về chưa gì tôi đã thấy vầy rồi, mốt còn ra sao nữa. Hajzzz, nghĩ nó chán. Ai ham chứ tôi không ham.

Tôi bức xúc nhìn thầy, ổng ngênh ngênh cái mặt trừng lại tôi:

- Hay quá ha! Dám cho số điện thoại của chồng em cho người lạ, em gan thiệt!

- Em đã cho đâu.

- Tôi không lại chắc dám cho lắm. Em liệu hồn đó, đừng có mà đưa số tôi lung tung.

” Chắc em sợ thầy quá!” Hồi xưa tôi ngán thầy lắm, chỉ cần thầy trừng mắt là tôi quéo người. Do bị đàn áp riết nên tư tưởng bắt đầu nảy sinh đấu tranh rồi. Mà tôi nói trong đầu vậy thôi chứ không dám nói ra ngoài kệ ổng muốn nói gì thì nói, sao tôi thấy mình hèn dễ sợ.

Mình mẩy tôi đau ê ẩm, chỉ mong cho lẹ để mau xong chuyện. Đáng lẽ ở lại bệnh viện này chắc xong lâu rồi. Ông thầy lựu đạn đày tôi tới lui, giờ phải chuyển viện tự túc, tôi buộc kí giấy xác nhận rằng trong quá trình di chuyển, có xảy ra sự cố gì bên bệnh viện không chịu trách nhiệm. Xong việc, thầy Vũ bế bổng tôi ra xe thầy để đưa đến bệnh viện khác theo ý thầy. Mọi người xung quanh ai cũng dòm ngó làm tôi cúi gằm mặt xấu hổ.

- Sao thầy không để em ngồi xe lăn ra, em ngại muốn chết.

- Vầy cho nhanh! Đẩy xe đến chừng nào. Người ta dòm kệ người ta, không thấy vợ chồng bế nhau bao giờ à!

Tự nhiên dạo này thầy lại cứ nhắc 2 từ vợ chồng với tôi như đúng rồi làm tôi không quen. Tôi chả buồn đôi co nữa mà yên lặng ngồi trên xe.

- Sao cái mặt em nó chù ụ vậy? Đau lắm hả, chịu khó đi sắp tới rồi! Bệnh viện kia trước giờ bị phản hồi dịch vụ không tốt nên tôi không muốn em ở đó. Bạn tôi là giám đốc bên Bệnh viện quốc tế X, bác sĩ giỏi rất nhiều, em qua đây tôi an tâm hơn.

- Thầy, em rất biết ơn bấy lâu nay thầy đã lo cho em ăn học. Nhưng có vẻ thầy can thiệp vào cuộc sống của em quá nhiều rồi không? Tại sao thầy phải làm như vậy? Chuyện đó đâu liên quan tới thầy.

Có những khúc mắc tôi rất muốn hỏi thầy. Tại sao thầy lại quan tâm tôi nhiều như thế? Đồng ý tuổi thơ của tôi có thầy, nhưng chẳng lớn lao đến nỗi để thầy bận tâm chuyện sau này của tôi. Thầy vẫn thản nhiên lái xe và trả lời tôi với khuôn mặt có ý chọc ghẹo:

- Em biết hết chuyện rồi sao? Nói thiệt, tôi mà không can thiệp sớm vào cuộc đời em lúc đó. Chắc giờ em đang ngồi khóc mếu máo ru con bên Hàn Quốc hay Đài Loan gì rồi!

- “Là sao thầy?” Tôi ngơ ngác hỏi, còn thầy thì miệng cười nhếch trả lời tôi:

- Em về hỏi mẹ em đi.

- Em muốn thầy nói cho em biết. Chắc gì mẹ kế sẽ nói thiệt với em, đi mà thầy.

Mắt tôi long lanh ngấn nước như muốn khẩn xin thầy trả lời câu hỏi của mình. Thầy Vũ khẽ cười, đưa tay nhéo mũi tôi 1 cái:

- Bữa nay giả nhân giả nghĩa chưng ra bộ mặt cute dụ dỗ tôi sao? Ờ thì chuyện có gì đâu. Lúc tôi về Việt Nam tính xuống nhà em thăm đốt nhang cho mẹ em. Chạy xe vô đầu ngõ nhận ra em ngồi rửa chén cho bà bán phở. Tự nhiên trực giác thấy có chuyện chẳng lành. Tôi mới nhờ người đi hỏi han tìm hiểu, mới biết ba em lấy vợ khác lâu rồi! Mẹ kế em đòi cho em nghỉ học lúc em học lớp 11. Vì bả rắp tâm đợi sang năm em đủ tuổi gả em cho mấy ông già bên Hàn Quốc, Đài Loan. Hàng xóm láng giềng kể rằng tuổi thơ em cơ cực vất vả, không ai quan tâm nên em tự mình bươm chải. Tôi nghe thấy mà xót em không thể tả, buộc lòng phải đứng ra lo cho em, nghĩ đó là nghĩa vụ mình phải làm. Ai ngờ đâu ba mẹ em lại tàn nhẫn với em như vậy! Mấy năm trời tôi bận quá nhiều công việc, không có thời gian hỏi han về em chỉ hàng tháng chuyển khoản tiền chu cấp. Đùng cái, chú tôi là thầy hiệu trưởng trường mình, kêu tôi về làm giảng viên đào tạo sinh viên mấy năm. Tôi cũng chẳng muốn lắm nhưng cũng ráng dành thời gian, sẵn dịp vào trường để chiêu mộ nhân tài vào công ty tôi. May sao dạy đúng lớp em, nhờ vậy mới rõ tình hình của em hiện tại. Số em vẫn còn may mắn chán! Em nghĩ coi, giờ em chịu lấy tôi hay lấy mấy ông già hải ngoại.

Nghe xong câu chuyện tôi muốn trào nước mắt ra mà khóc. Thấy biết ơn thầy vô cùng! Nếu không có thầy không biết bây giờ cuộc đời tôi ra sao nữa. Nhớ lại những chuyện thầy đã làm cho tôi, cảm giác thầy như vị thần tiên cứu tinh xuất hiện những lúc tôi gặp hoạn nạn. Lòng tôi cảm động mãnh liệt. Nhưng tôi lại thấy sợ ba mẹ tôi hết mức. Trước mặt thì giả lả tỏ vẻ lo cho tôi lắm, thực chất bên trong lại gây cho tôi thất vọng vô cùng. Đúng là “ mấy đời dì ghẻ lại thương con chồng”.

Tôi ngồi khóc huhu như 1 đứa trẻ, dường như bao dồn nén từ sáng giờ mới tuôn ra, khiến tôi quên luôn nỗi đau thể xác hiện tại. Tự nhiên lại thấy nhớ mẹ ruột tôi vô cùng, ước gì mẹ còn sống để lo cho tôi, để tôi không lâm cảnh đáng thương thế này. Thầy Vũ đột ngột dừng xe, hoảng hốt vươn 2 tay ôm lấy mặt tôi hỏi:

- Em sao vậy? Sao tự nhiên khóc vậy? Em đau gì hả? Sắp tới nơi rồi.

Tôi lắc đầu, đưa tay không bị thương quệt nước mắt, ráng nhịn khóc trong tiếng nấc. Lúc này trông tôi xấu xí thảm hại lắm đây.

- Em cám ơn thầy hic.. Không có thầy không biết giờ em ra sao! Hic.. hic..

- Trời ơi con nhỏ này, làm tôi hú hồn hú vía. Biết ơn tôi thì sau này phải nghe lời tôi, không được bướng bỉnh nữa nghe không?