Năm Đó Giáp Sắt Động Đế Vương

Chương 10: ★ Tam Dị Tinh ★






Nhan Pháp Cổ là một đạo sĩ đổi nghề giữa đường, còn là một đạo sĩ bị đạo quan đuổi ra khỏi cửa.

Đối với việc này, Nhan Pháp Cổ rất tự đắc.

Không phải mỗi một đạo sĩ đều có thể dựa vào đoán mệnh lừa tiền để kiếm ăn, ngươi phải có một cái miệng lanh lợi dẻo quẹo (1), còn phải có dũng có mưu, mấu chốt nhất là phải chạy nhanh.

Cũng không phải mỗi một đạo sĩ đều dám gào lên chửi giữa pháp hội cầu phúc cho hoàng đế, hô to “Sở Vương chết oan, Bạo Yến tất vong”, ngươi phải có được cái gan chính nghĩa đó, hơn nữa, mấu chốt nhất vẫn là phải chạy nhanh.

Đương nhiên, mấu chốt nhất nhất, đó là không phải mỗi một đạo sĩ đều biết đánh giặc.

Công lực xem sao đoán chữ của Nhan Pháp Cổ không mạnh bằng bói toán giờ lành, mà công lực bói toán giờ lành không mạnh bằng dẫn binh đánh giặc.

Vậy nên Nhan Pháp Cổ làm đạo sĩ, đúng là chọn sai nghề.

May mắn Cố Liệt không nhận người theo khuôn mẫu cố định nào, Nhan Pháp Cổ cầm thanh phất trần rách nát gia nhập Sở quân, cũng không bị kỳ thị, nhờ nhiều lần hiến trí tuệ kế sách mà từng bước một trở thành đại tướng Sở.

Khi nhàn còn có thể phát huy phát huy bản chức, bói bói giờ lành, viết viết tế văn này nọ cho mấy sự kiện lớn như tế tổ.

Nhưng việc Nhan Pháp Cổ yêu nhất vẫn là xem sao đoán chữ, hằng ngày ở trong Sở quân gieo rắc thuật ngũ hành đoán mệnh, chơi đến độ ngay cả Khương Dương thỉnh thoảng cũng nảy ra một câu “hoả sinh mộc, đại cát”.

Nhan Pháp Cổ đi theo sau Cố Liệt vào chính sảnh tẩm điện, quy quy củ củ hành lễ lần nữa, sau đó vừa mở miệng đã nói: “Chủ Công, bần đạo xem tinh tượng đêm nay, nhìn thấy dị cảnh, là điềm lành.



Cố Liệt cánh tay trái chống lên tay vịn ghế, đè trán.

Cũng không biết do ba chén rượu uống trên đài cao quá mạnh, hay do thật sự không đỡ nổi thủ hạ quá mức chấp nhất với chuyện đoán mệnh này.

Nhưng Cố Liệt nhớ rõ kiếp trước tối nay Nhan Pháp Cổ tới để nói việc gì.

Sở quân chinh phạt đất Thục, Cố Liệt tự mình lãnh binh, giao quê quán Kinh Châu cho Nhan Pháp Cổ và gia thần Chúc Bắc Hà, tin tưởng hai người họ có thể bảo vệ Kinh Châu không mất.

Quả nhiên, hai người không phụ kỳ vọng to lớn, quản lý Kinh Châu gọn gàng ngăn nắp, tối nay Nhan Pháp Cổ chuyên tới để báo cáo công tác, ngoại trừ tình thế hoạt động trong chín tháng qua của Kinh Châu, còn đặc biệt nhắc đến việc Cố gia Trung Châu dường như có dị động.

Kiếp trước Cố Liệt không để việc này ở trong lòng, hoặc là nói, Cố Liệt coi thường Cố gia Trung Châu, hắn không nghĩ tới kẻ ngu dốt làm ra chuyện ngu xuẩn là không thể phỏng đoán theo lẽ thường, suýt nữa lật thuyền trong mương.

Cố Liệt vốn đã khó chịu vì rượu mạnh, giờ phút này lại chợt hồi tưởng chuyện ghê tởm mà Cố gia Trung Châu làm ra, càng cảm thấy buồn nôn hơn.

Vì thế Cố Liệt cũng không giục hắn nói chính sự, ngược lại còn cổ vũ: “Nói nghe chút xem.


Thấy Chủ Công thích nghe, Nhan Pháp Cổ mặt mày hớn hở tiếp tục, mắt đơn phượng (2) loé lên ánh sáng, như một con chuột đụng trúng chĩnh gạo.

“Ngày ấy tin chiến thắng Chủ Công phá Thục truyền đến, bầu trời đêm giăng đầy sao như bàn cờ, chính là thời cơ rất tốt để xem sao, bần đạo trai giới tắm gội, lên đài vọng xa, chợt thấy có ánh sáng nhạt loé lên trước mắt, bèn nhìn theo, rồi thấy ba dị tinh phân bố trên màn trời, trùng hợp đối ứng với ba phần thiên hạ, bần đạo suy ngẫm, vậy chẳng phải đúng là liên hệ với ba phần thế lực hay sao? Vì thế lập tức dùng quẻ bói toán, tính ra những người liên hệ với ba dị tinh đó.


Nhan Pháp Cổ từ tước đến nay luôn khoa trương, tối đến phát hiện sao trời lanh lảnh nên mới đi xem sao, còn phải thêm một câu “trai giới tắm gội”, ngẫm lại cũng biết, thật ra đơn giản chỉ là — không ăn cơm tối, đi tắm một cái.


Kiếp trước không nghe một đoạn bậy bạ này, không ngờ nói dóc còn rất đầy đủ tình tiết, Cố Liệt phối hợp hỏi: “Ba dị tinh này là người phương nào?”
Cảm động trước sự nể mặt của Chủ Công, đã phải nhịn chín tháng vì Chu Bắc Hà quá chất phác, Nhan Pháp Cổ kích động vung phất trần, giọng điệu đầy diễn cảm tiếp tục nói.

“Dị tinh của Yến Triều cũng không khó tính, ai cũng biết văn nhân hoàng đế Yến Triều không hề có thực quyền, mà thực quyền đều nằm trong tay tứ đại danh phiệt, nhưng cố tình còn có một Thừa tướng Vi Bích Thần trung thành và tận tâm, giúp Yến Triều và Dương gia giữ chặt được một chút thể diện cuối cùng, nâng đỡ chính thống, dùng sức một người chế hành giữa tứ đại danh phiệt, nếu không có hắn, Yến Triều đã sớm không tồn tại, đáng tiếc cho trung đó, đáng tiếc cho trí đó.


“Vậy nên, bần đạo cho rằng, dị tinh của Yến Triều, chính là Thừa tướng Vi Bích Thần.


Bỏ qua lập trường, về bản thân Vi Bích Thần, tuy Cố Liệt không tán thưởng, nhưng cũng bội phục, Nhan Pháp Cổ gắn cho hắn cái danh dị tinh, Cố Liệt không phản bác cũng không phản đối, để cho Nhan Pháp Cổ tiếp tục bịa.

“Dị tinh của Phong Tộc lại không dễ tính toán, rốt cuộc chúng ta biết rất ít về Phong Tộc, nhưng theo tình báo của mật thám, sau khi Phong Tộc thua thủ lĩnh Phong Tộc Ngô Côn mới đột nhiên ngoi đầu, thủ lĩnh trước đó vốn là vương thúc của gã, gã giết trở về vì báo thù cho cha, người thân tín chỉ có một phụ tá đeo mặt nạ ở bên cạnh, nghe nói mọi chuyện Ngô Côn đều phải hỏi ý kiến của tên phụ tá này trước khi làm.


“Như vậy, dị tinh của Phong Tộc nếu không phải Ngô Côn, thì sẽ là tên phụ tá thần bí đó.


Cố Liệt đi theo ý nghĩ của hắn bắt đầu suy tư chuyện cũ đời trước, không lên tiếng, gật gật cằm.

Nhan Pháp Cổ lại tiếp tục: “Còn về Đại Sở chúng ta, bần đạo đặc biệt tính mệnh bàn, được một câu phê rằng ‘dị tinh đột hàng tả xuân thu’, hai chữ ‘đột hàng’ (3), liên hệ tới ngày ấy vừa lúc Địch tướng quân làm thần binh trời giáng, cứu Chủ Công giữa lúc nguy nan, bởi vậy bần đạo phỏng đoán, dị tinh của Đại Sở ta, là Địch tướng quân.



Tiếng nói của hắn vừa dứt, nhất thời yên tĩnh, Nhan Pháp Cổ đang nghiền ngẫm ý tưởng của Chủ Công là gì, bỗng nghe Cố Liệt bật cười, xua tay nói: “Hắn còn chưa đánh được trận nào hẳn hoi, các ngươi một người hai người đều khen cứ như thiên tiên, tuổi hắn còn trẻ đừng khen thủng trời, không nói việc này nữa, giao Kinh Châu cho ngươi quản lý nhiều ngày như thế, công văn ta đã xem, chính ngươi trình bày đi.


Nhan Pháp Cổ cân nhắc đây là Chủ Công tích tài, sợ bọn họ tâng bốc Địch Kỳ Dã quá cao thành không hay, vì thế cười hề hề, bắt đầu chuyển sang nói chuyện đứng đắn, như đổ đậu (4) mà kể kỹ càng tỉ mỉ đã quản lý Kinh Châu như thế này thế nọ thế kia.

Nói xong lời cuối, kẻ cợt nhả như Nhan Pháp Cổ cũng phải nhăn mày, trù trừ một lát vẫn nhắc nhở: “Chủ Công, bần đạo cho rằng, cỏ đầu tường không giữ lại được.

” (5)
Cố Liệt khẽ gật đầu: “Bổn Vương đều có tính toán.


Hắn nói như vậy, Nhan Pháp Cổ liền an tâm rồi, đang định nói thêm mấy câu dí dỏm chọc cười Cố Liệt, lại nghe thấy tiếng người hầu bẩm báo bên ngoài.

“Chủ Công, Địch tướng quân và Cố gia Trung Châu nổi lên tranh chấp, Cố đại nhân mời ngài phân xử.


Cố Liệt đau đầu.

Nhan Pháp Cổ lập tức nói: “Bần đạo đi xem?”
“Đi đi,” Cố Liệt vừa nói xong, lại bổ sung: “Ngươi đi, gọi Địch Kỳ Dã lăn lại đây, rồi ngươi phân xử với Cố gia Trung Châu.


Nhan Pháp Cổ cân nhắc ra ý tứ trong ấy, lại cười hề hề, nhanh nhanh nhẹn nhẹn lui ra đi.

*
Không tới một lát, Địch Kỳ Dã một thân bạch y đã theo người hầu đến.


Vào tẩm điện, Địch Kỳ Dã đi đến trước chủ toạ, tốt xấu vẫn còn nhớ phải hành lễ: “Chủ Công.


Không phải bộ dạng vui vẻ cho lắm.

“Làm sao vậy?”
Địch Kỳ Dã dứt khoát ngồi bệt xuống đất, “Bọn họ gây sự.


Thế này không biết là bị rót bao nhiêu rượu rồi.

“Ồ,” Cố Liệt gật đầu, hỏi lại, “Vì sao gây sự?”
Địch Kỳ Dã cúi đầu cười cười, ngay thẳng nói: “Chọn hồng mềm để niết, ta vừa mới đến, đã được phong thành đại tướng quân, bọn họ muốn thăm dò ý tứ của ngươi, tất nhiên đều tới chọc ngoáy ta.


Kỳ thật câu này không nói sai tí nào, Cố Liệt vẫn cười: “Vậy hoá ra còn là lỗi của Bổn Vương?”
Cũng không rõ Địch Kỳ Dã có nghe thấy hay không, ngẩng đầu nhìn hắn, một lúc lâu sau mới nói: “Ngươi, không muốn cười, thì đừng cười.


—————————————————
Chú thích:
(1) Nguyên văn, “khẩu xán liên hoa”: nói nhanh nói giỏi nói hay
(2) Mắt đơn phượng: đuôi mắt cao hơn khoé mắt, cong lên, kéo dài về phía thái dương, nhìn như kẻ mắt tự nhiên
(3) Đột hàng: đột nhiên hạ xuống
(4) Đổ đậu: nói như đảo đậu, ý là có gì nói nấy, không giấu diếm
(5) Cỏ đầu tường: ba phải, gió chiều nào theo chiều ấy.