Mưu Trí Thời Tần Hán

Quyển 4 - Chương 56: Tích cực cố gắng, chủ động tiến công





An Lộc Sơn mất 10 năm bí mật chuẩn bị, đến năm 755 sau Công nguyên mới làm cuộc đảo chính. Chỉ vì Đường Huyền Tông không hề phòng bị, trong cơn tức giận mất đi sự bình tĩnh và kiên nhẫn, thêm vào đó là bọn Dương Quốc Trung chỉ lo các tướng lĩnh khác có công lớn mà đã xúi giục Đường Huyền Tông chỉ huy mò, dẫn đến thất bại nghiêm trọng đó. An Lộc Sơn rất nhanh chóng chiếm cứ được Đông kinh Lạc Dương và đánh hạ Đồng Quan. Đường Huyền Tông hoang mang lo sợ, đem theo anh em Dương Quý phi cùng hoàng tử hoàng tôn thừa lúc đêm khuya rời khỏi Trường An, bỏ trốn về phía Tứ Xuyên. Trên đường vừa đi vừa nghỉ phải mất ba tháng mới đến được Mã Nguy Dịch (Thiểm Tây, Hưng Bình Tây). Vì dọc đường đi quan lại sớm nghe tin đều đã bỏ trốn hết nên chuyện cơm ăn áo mặc không có người cung phụng. Các tướng sĩ vừa đói vừa mệt không chịu nổi nữa, phẫn nộ giết chết kẻ đầu sỏ gây nên tội ác Dương Quốc Trung, đồng thời kiên quyết đòi xử tử Dương Quý phi. Đường Huyền Tông vì muốn làm quân sĩ nguôi giận để tiếp tục trốn nên đành phải ban cho Dương Quý phi cái chết. Lúc đó các tướng sĩ mới đồng ý đi tiếp.
Không ngờ dân chúng dọc đường đột nhiên chặn phía trước, viết bốn chữ "cung điện lăng tẩm" để trách Đường Huyền Tông, đồng thời bao vây Đường Huyền Tông và thái tử yêu cầu họ phải ở lại quyết chiến với phiến quân. Đường Huyền Tông vì muốn nhanh chóng thoát thân nên hạ lệnh cho thái tử ở lại để làm yên lòng dân chúng còn mình thì chạy mất dạng.
Thái tử Lý Hưởng chỉ muốn cùng cha chạy trốn nên nói: "Hoàng đế đường xa một mình rất mạo hiểm, tôi sao có thể nhẫn tâm rời xa người được? Hơn nữa tôi cũng chưa kịp cáo từ...". Nhưng lúc đó hàng ngàn người vây chặt lấy, một mực chặn trước đầu ngựa không chịu để cho thái tử đi. Lý Hưởng định thúc ngựa cố chạy thì bỗng nhiên phía sau xuất hiện hai người, họ tiến lên níu lấy dây cương ngựa và nói: "An Lộc Sơn chiếm cứ kinh thành, đất nước vì thế mà sắp bị chia cắt, nếu không cố gắng, thuận theo lòng dân thì sao có thể cứu được đất nước? Nếu bây giờ điện hạ cùng chí tôn Tây hành mà quân giặc ngay lập tức đốt sạn đạo ra vào Tứ Xuyên thì chẳng phải là đã cống cả Trung Nguyên vào tay giặc rồi ư. Một khi lòng người ly tán chẳng có cách nào hợp lại được, đến lúc đó thì có muốn quay lại chỗ này e rằng cũng chi là điều không tưởng. Xin điện hạ hãy nghĩ đến xã tắc, lập chí cứu nước ở lại đây đồng tâm hiệp lực cùng dân chúng, chủ động phản kích lại phiến quân".

Lý Hưởng nghe xong thấy cũng có lý, nhìn lại người nói thì ra là con trai thứ ba của mình Kiến Ninh Vương Lý Đàm và Đông cung thị vệ Lý Phụ Quốc. Lý Hưởng đáp rằng. "Ngươi dù muốn giữ ta ở lại thì cũng phải bẩm báo với chí tôn cho rõ ràng". Ngay lập tức con trai trưởng của Lý Hưởng là Quảng Bình Vương Lý Thích đuổi theo Đường Huyền Tông để trình báo tình hình. Đường Huyền Tông nói rằng: "Lòng người như vậy cũng tức là ý trời". Sau đó để lại 2000 hậu quân cho thái tử, bảo Lý Thích về báo lại: "Phải lấy xã tắc làm trọng, không cần lo cho ta. Đến Tứ Xuyên ta sẽ hạ chỉ nhường ngôi". Thế là thái tử Lý Hưởng ở lại, quyết tâm phản kích lại quân giặc, cứu lấy xã tắc Dân chúng ai nấy đều giải tán.
Không lâu sau, tại Linh Võ (ngày nay là Tây Nam Linh Võ - Ninh Hạ) theo lời thỉnh cầu của các đại thần, không đợi chiếu thư nhường ngôi của Đường Huyền Tông đến, Lý Hưởng đã lên ngôi hoàng đế, sử gọi là Đường Túc Tông. Từ đó, Lý Hưởng tự mình nắm đại chính, mời đại mưu trí gia Lý Tất, lấy Linh Võ làm căn cứ địa, chỉnh đốn quân đội, chủ động bố trí, tích cực chuẩn bị. Ông đã tiếp thu nhiều sáng kiến, thu thập binh lính đang trấn giữ ở Hà Bắc lại, trọng dụng những danh tướng như Quách Tử Nghi... lần lượt vào tháng 6 và tháng 10 năm 757 sau Công nguyên thu hồi lại Tây Kinh Trường An và Đông Kinh Lạc Dương, mời thái thượng hoàng (tức Đường Huyền Tông) Lý Long Cơ từ Tây Thục trở về cung điện của mình.
Nhà Đường đã chiến đấu giành lại hai kinh dưới thế tấn công hùng hổ của An Lộc Sơn, và cuối cùng đã dẹp được An - Sử chi loạn do nhờ điểm mấu chốt "Linh Võ chinh quân" của Đường Túc Tông.
Đường Huyền Tông tả tơi thảm hại đi về phía tây là sự chạy trốn tiêu cực, một cách làm bị động rất không đáng có. Vả lại tự nói rằng mình đã mất quyền phản kích, chống cự sẽ có thể mang đến một tai họa lớn chưa từng có: Đế quốc đại Đường biến thành một bãi chiến trường với những cuộc hỗn chiến quân phiệt, với sự hoành hành của các kỵ binh dân tộc thiểu số. Còn nói về số phận của cả nhà Đường Huyền Tông, nếu An Lộc Sơn thừa thắng truy kích thì bọn Đường Huyền Tông tướng thì mất hết ý chí chiến đấu, lính thì mất hết sĩ khí chỉ có thể bó tay chịu bắt, chết không có chỗ chôn thân.
Dân chúng Mã Nguy và hội Kiến Ninh Vương Lý Đàm hết lời khuyên thái tử ở lại để ổn định lòng dân, tích cực tiến thủ, chủ động nỗ lực phản kích phiến quân, đây có thể coi là hành động sáng suốt nhất trong tình thế nguy hiểm lúc bấy giờ. Sau khi thái tử nhận thức được điều này đã kiên quyết xưng tôn, chỉnh quân ở Linh Võ, nhờ vậy mà đã sửa lại được lịch sử bất hạnh có thể xảy ra.

Khi bàn về mưu trí, nói trên nghĩa rộng thì có nghĩa là nghĩ ra hoặc lựa chọn một cách làm hợp lý nhất trong số các phương án. Nghĩ hoặc chọn ra được một phương pháp nhất định nào đó được coi là có mưu trí, bởi vì nếu theo tiêu chuẩn về tình cảm nguyện vọng của những người bình thường thì những phương pháp này luôn bị coi nhẹ hoặc bỏ qua. Nói như vậy vì khi người ta gặp phải những tình cảnh quẫn bách không có lợi ình như khó khăn, thất bại hoặc nguy hiểm thì họ thường dùng những cách làm tiêu cực như trốn đi hoặc phóng túng một cách bị động, tự mình bỏ đi những cơ hội để có thể thoát khỏi khó khăn, từ đó dẫn đến chẳng làm được gì hoặc trong những lúc cùng đường không xuất đầu lộ diện nữa, vĩnh viễn không cựa mình được nữa. Ngược lại cách "chỉnh quân Linh Võ" , như vậy của Đường Túc Tông dám "tích cực cố gắng, chủ động tiến thủ" là kế đầu tiên trong hoàn cảnh khó khăn. Trong cạnh tranh thương mại lại càng hay gặp phải hoàn cảnh khó khăn, nguy hiểm và chỉ có áp dụng mưu kế "tích cực cố gắng, chủ động tiến thủ" , dám đứng lên chống lại trong tình thế đường cùng thì mới có khả năng thoát khỏi khó khăn, chuyển hóa sự nguy hiểm thành sự yên ổn.
Công ty Alan là một doanh nghiệp kinh doanh các linh kiện điện tử ở Mỹ, năm 1979 công ty đứng ở vị trí thứ hai trên toàn thị trường Mỹ. Song ở đời bao giờ cũng có bão tố, bất trắc. Vào một ngày tháng 12 năm 1980, công ty tổ chức một hội nghị các nhân viên chủ quản ở một nhà hàng thì bỗng nhiên nhà hàng đó bốc cháy. 13 vị nhân viên chủ quản cao cấp bao gồm cả chủ tịch hội đồng quản trị Klin, phó giám đốc điều hành Hoopkin đều bị chết trong vụ hỏa hoạn, chỉ có một phó giám đốc điều hành khác may mắn thoát nạn. Người may mắn thoát chết nói một cách thương tâm: "Vụ hỏa hoạn đó đồng nghĩa với việc cả công ty bị xử tử".
Hôm sau, cổ phiếu của công ty mất giá 19%, chỉ trong vòng có mấy ngày lại liên tục giảm xuống mấy lần, lòng tin của mọi người đối với công ty giảm sút nghiêm trọng. Các đối thủ cạnh tranh vui mừng trên nỗi đau khổ của người khác, mắt nhìn thèm thuồng như hổ đói, chỉ chực thôn tính doanh nghiệp đang phải đối mặt với tai họa khôn lường. Trong nội bộ công ty không ngừng truyền đi những tin đồn thất thiệt, một bầu không khí căng thẳng bao trùm cả công ty. Mấy năm trở lại đây sức ngưng tụ được hình thành nhờ việc kinh doanh phát triển nhanh chóng của công ty nay đột nhiên tan rã, mọi người từ cấp trên đến cấp dưới trong công ty đều cảm thấy rất nguy cấp thậm chí có số người còn bức thiết xin được từ chức để chuyển sang công ty khác.
Tai họa bất ngờ đó đã khiến nhà cung cấp nguyên liệu cho công ty Alan, họ tỏ ra rất lo lắng về tiền đồ của công ty, thậm chí còn nghi ngờ công ty có thể không tồn tại tiếp được nữa và họ không chịu mạo hiểm, dứt khoát ngừng quan hệ buôn bán lại.
Trong lúc nguy nan, việc làm hay không làm điều liên quan trực tiếp đến vận mệnh tương lai của công ty. Hội đồng quản trị quyết định "tích cực cố gắng, chủ động tiến thủ" , khắc phục khó khăn.

Trước tiên công ty trả một khoản tiền trợ cấp tương đối lớn cho vợ, chồng và người thân của những người tử nạn. Tiền trợ cấp và tiền bảo hiểm tổng cộng bằng năm lần lương năm của mỗi người trong số họ lúc còn sống, mọi người đều biết rằng công ty đã dốc hết toàn lực nên cũng không tìm thêm cớ để gây chuyện nữa.
Tiếp đó, công ty chủ động điều tra tìm hiểu rõ nguyên nhân hỏa hoạn là do đường ống dẫn ga bị rò rỉ gây ra chứ không phải do những đối thủ cạnh tranh châm lửa. Như vậy là đã xóa đi được tâm lý lo sợ của nhân viên, ổn định tư tưởng của mọi người. Ngoài ra, công ty còn áp dụng tích cực các biện pháp bảo đảm ọi cơ cấu hoạt động bình thường, cố gắng tranh thủ sự ủng hộ của ngân hàng và phía nhà cung cấp nguyên liệu. Chủ động hỏi thăm công chúng có quan hệ mật thiết với công ty, tuyên truyền tư tưởng tiến thủ trước sau như một của công ty.
Công ty Alan đã cải tử hoàn sinh từ trong tai họa lúc đầu đó khôi phục được sản xuất bình thường. Doanh thu của công ty trong năm 1993 đã tăng lên 567 triệu đô la, tăng 6 % so với trước khi gặp tai họa. Đồng thời giá cổ phiếu của công ty đã đạt mức cao nhất. Ngoài ra công ty còn chiêu mộ thêm nhân tài không ngừng khai thác chí tiến thủ, không bao lâu sau đã đưa vào thị trường Los Angeles hệ thống máy vi tính nhỏ, mua lại một công ty của Cananda, đồng thời tiến quân vào thị trường châu âu với một hoài bão lớn.
Không nói cũng biết, nếu lúc đó công ty không dùng kế "tích cực cố gắng, chủ động tiến thủ" mà lại dùng những cách tiêu cực cho rằng thất bại không gượng dậy được thì công ty đã không còn tồn tại từ lâu rồi.