Mưu Trí Thời Tần Hán

Quyển 2 - Chương 12: Nắm rõ tình hình chờ cơ hội khởi binh





Vào giai đoạn cuối của thời kỳ nắm quyền, Tùy Dạng Đế Dương Quảng luôn luôn nghi ngờ có người muốn mưu phản để đoạt mất ngôi vị của mình. Chỉ vì tin vào những điều thấy trong giấc mơ và lời sấm mà ông ta luôn nghi ngờ đề phòng đối với những người họ Lý, đặc biệt là những người họ Lý mà tên khi viết ra lại có ba dấu chấm thủy, thậm chí còn "giết nhầm hơn bỏ sót", đã giết sạch cả nhà quan đại thần Lý Hồn vì một lý do không rõ ràng. Khi đó, Lý Uyên - một vị quan trong triều biết mình đã phạm vào điều kiêng kỵ của Dương Quảng nên một mặt dùng tiền mua chuộc người khác nói tốt về mình trước mặt vua, mặt khác giả bộ khờ khạo, tỏ vẻ mình là một kẻ ngu trung.
Năm Đại Nghiệp thứ 12 (năm 616), Dạng Đế ban chiếu lệnh cho Lý Uyên đi trấn giữ vùng Thái Nguyên, đồng thời sai võ sĩ Vương Uy và Cao Quân Nhã đi cùng để giúp việc nhưng thực chất là để theo dõi đề phòng Lý Uyên làm phản.
Thái Nguyên bấy giờ là cả một trọng trách quân sự của toàn bộ quốc gia vì nơi đây cất giữ một số lượng lớn vải vóc và lương thực có thể đủ dùng trong 10 năm. Lý Uyên sớm có dã tâm cướp ngôi nên rất đỗi vui mừng khi được giao trọng trách đối với Thái Nguyên. Lúc này, con trai thứ của Lý Uyên là Lý Thế Dân cùng với các mưu thần của ông ta đều khuyên rằng phải nhanh chóng hành động để khỏi lỡ mất cơ hội tốt. Lý Uyên vẫn trấn tĩnh không hề manh động, thậm chí còn lớn tiếng dọa sẽ bắt Lý Thế Dân đi báo quan vì tội nói năng "phản động".

Lý Uyên là một chính trị gia lão luyện, mặc dù ông ta vẫn tỏ ra bình tĩnh như không nhưng thực chất trong lòng đã suy đi tính lại từ lâu. Ông ta hiểu rằng nếu khởi binh khi thời cơ chưa chín muồi thì chỉ có thể tìm tới con đường chết. Cách đây không lâu, cuộc khởi binh phản Tùy với qui mô lớn của các nhà quý tộc do Dương Huyền Cảm đứng đầu mặc dù gây tiếng vang lớn và có mười mấy vạn người tham gia nhưng cũng chẳng được mấy ngày đã bị đàn áp một cách thảm khốc. Các cuộc khởi nghĩa của quan lại, cường hào ở địa phương diễn ra không ít, nhưng do lực lượng không tập trung thống nhất nên cũng không đem lại kết quả gì. Quân khởi nghĩa là nông dân cũng nhiều nhưng hầu như chỉ mang tính "vào nhà cướp của", chiếm núi xưng vương chứ chưa đoàn kết lại với nhau.
Lý Uyên nhận thấy rằng lực lượng phản đối vương triều nhà Tùy vẫn chưa đủ lớn mạnh. Vậy còn sức trấn áp của triều đình thì thế nào? Nhà Tùy vừa mới trải qua hai cuộc đông chinh lớn, tổn thất vô cùng nặng nề, lực lượng bị suy giảm, lòng dân phẫn nộ. Tuy nhiên cơ chế thống trị của triều đình vẫn chưa hoàn toàn bị suy yếu, nhất là lực lượng vũ trang lớn mạnh về cơ bản vẫn được bảo toàn nguyên vẹn. Lực lượng quân đội của Tùy Dạng Đế thật sự vô cùng lớn, trong cuộc đông chinh lần thứ nhất có thể điều động hơn 113 vạn quân thì lần này ông ta muốn huy động đội quân khoảng 70- 80 vạn người đâu có khó gì. Vậy thì tại sao nhà vua vẫn có thể ung dung trong khi có vô số quân phán loạn như thế? Lý Uyên trong lòng đã từng nghi hoặc như vậy, nhưng rồi ông ta cũng tìm ra ngay lý do: Xung quanh Tùy Dạng Đế là một đám nịnh hần lúc nào cũng báo chuyện tốt đẹp mà không bẩm tấu chuyện không hay. Mà bản thân Dương Quảng cũng là một hôn quân ưa nịnh không thích nghe tin xấu.
Nếu vậy thì liệu bây giờ khởi binh thì lẽ nào nhà vua cũng sẽ không hề hay biết? Không thể có chuyện đó. Lý Uyên thừa biết, các cuộc khởi nghĩa của quý tộc, cường hào địa phương lúc bấy giờ hầu hết là do những người có địa vị không cao lãnh đạo nên ảnh hưởng không lớn. Chuyện Lý Uyên khởi quân thì lại khác, gia thế nhà ông ta lớn, tiếng tăm lẫy lừng, trong tay nắm giữ đại quân, lại giữ trọng trách đối với Thái Nguyên thì làm gì có tên nịnh thần nào dám giấu giếm cuộc binh biến động trời này? Tùy Dạng Đế làm sao có thể để quân đội nhàn rỗi mà không truy dẹp đến cùng? Lý Uyên không dám đi lại vết xe đổ của Dương Huyền Cảm.
Mọi tình hình đều cho thấy nếu khởi binh quá sớm thì khả năng thành công cực kỳ nhỏ , đồng thời khả năng lặp lại thất bại của Dương Huyền Cảm cực kỳ lớn. Lý Uyên đời nào dám mạo hiểm như vậy! Vì vậy, mặc dù bên trong đã có sự chuẩn bị kỹ lưỡng từ lâu nhưng vẻ ngoài Lý Uyên vẫn giả bộ như một kẻ trung thần.
Thế nhưng đến tháng 5 năm Đại Nghiệp thứ 13 (năm 617), bỗng nhiên Lý Uyên đã đồng ý theo yêu cầu của Lý Thế Dân mà ngấm ngầm sát hại mật thám của Tùy Dạng Đế là Vương Uy và Cao Quân Nhã, ngay lập tức quảng chiêu binh mã, dốc sức chinh chiến đánh dẹp và đã liên tiếp hạ được Tây Hà, Hoắc ấp, Lâm Phần, Giáng Quận, Long Môn..., khi đó mới là đầu tháng 11. Rồi Trường An chẳng mấy chốc cũng bị hạ, chỉ trong vài năm toàn đất nước đã được dẹp yên, cơ nghiệp trăm năm của nhà Đường đã được đặt định.

Lý do gì khiến Lý Uyên lựa chọn thời điểm này để hành động? Trước đây ông ta đã suy nghĩ rằng nếu khởi binh sớm sẽ không được, nhưng đồng thời ông ta cũng hiểu rằng: khởi binh muộn cũng sẽ không thành công. Tháng 7 năm 616, Tùy Dạng Đế tự cảm thấy thiên hạ đang thái bình nên lại muốn đi tuần ở Giang Đô, toàn bộ đoàn tùy tùng gồm văn võ bá quan và quân lính có đến 20- 30 vạn người. Như vậy số lượng quân Tùy ở những nơi chủ chốt như Quan Trung, Trung Nguyên, Hồ Bắc... đã bị giảm đi rất nhiều. Đây là một cơ hội vô cùng thuận lợi cho quân khởi nghĩa ở khắp mọi nơi. Mấy trăm người tham gia khởi nghĩa dần dần hội tụ lại và phân thành ba cánh quân hùng mạnh: Quân Ngõa Cương do Địch Nhượng và Lý Mật lãnh đạo, nghĩa quân Hà Bắc do Đậu Kiến Đức đứng đầu và nghĩa quân Giang Hoài của Phụ Công Hựu. Thế là quân Tùy bị cô lập thành ba nơi riêng biệt, không thể liên lạc với bên ngoài và cũng không thể tự bảo vệ được. Do lực lượng quân khởi nghĩa quá mạnh nên Tùy Dạng Đế không muốn và cũng không thể quay trở về Trường An. Thế có nghĩa là bộ máy thống trị của vương triều nhà Tùy trên thực tế đã hoàn toàn sụp đổ. Trước sức mạnh của ba cánh quân khởi nghĩa với hàng chục vạn nghĩa binh, lại thêm một số các nghĩa quân vừa và nhỏ khác, quân của triều đình đành bó tay bất lực, vương triều Tùy bị diệt vong chỉ còn là vấn đề thời gian.
Nếu như chưa khởi binh thì rõ ràng bị muộn, Lý Uyên thầm nghĩ, mấy cánh quân tất sẽ mạnh dần lên theo thời gian, nếu không tranh thủ thời cơ tốt này mà phát triển lực lượng quân mình thì tương lai sẽ không đủ tư cách thống trị thiên hạ, hoặc dù cho có thể xưng bá một phương thì cục diện thay đổi không nhiều. Chưa kể ngoài thành Phổ Dương đâu đâu cũng là chiến trường, các nghĩa quân ở khắp nơi đều nhằm mục tiêu vào các quan lại của triều đình trước, nếu đến giờ mà vẫn chưa khởi binh thì đường đường một viên quan trấn giữ tinh Thái Nguyên rồi cũng sẽ chỉ là vật hi sinh vô nghĩa của triều đình nhà Tùy mà thôi.
Phải thật bình tĩnh chờ cơ hội chín muồi, đã hành động thì phải thật nhanh chóng. Nếu không nhanh sẽ vuột mất thời cơ. Lý Uyên biết im lặng khi cần phải im lặng, khi ra tay cần dốc toàn lực, thật là một người biết tranh thủ thời cơ, biết nắm bắt cơ hội. Nắm rõ tình hình chờ cơ hội khởi binh là một biện pháp linh hoạt nhất trong quân sự. Kinh doanh thương mại trên thực tế cũng vậy, hành động sớm hay muộn thì đều có thể dẫn đến nguy cơ thua lỗ sập tiệm, vì thế cũng cần phải nắm rõ tình hình chờ thời cơ đến mới được hành động.
Khi chiến tranh Nam Bắc ở nước Mỹ sắp kết thúc thì giá thịt lợn cũng lên cao đến cực điểm. Ông Philip Amore người sáng lập của công ty Amore biết rằng có một cơ hội kiếm lời lớn sắp đến, một khi chiến tranh đã kết thúc thì giá thịt lợn sẽ lập tức trượt dốc từ đỉnh điểm cao nhất xuống thấp nhất mà giá cả có biến động lớn thì đương nhiên sẽ là cơ hội tốt cho các thương nhân kiếm tiền. Nhưng khi nào sẽ ra tay? Quá sớm hay quá muộn thì chẳng những mất công toi mà có thể mất mạng sống như không.
Ông ta không động tĩnh gì, chỉ chăm chú theo dõi diễn biến cuộc chiến sự, chờ đợi thời cơ đến.

"Cục diện Nam quân thất bại đã định", Amore đã phán đoán chắc chắn như vậy sau khi đọc các bản tin mới nhất trên báo chí. Nhưng ông ta không biết cụ thể cánh quân phía Nam sẽ cầm cự được bao lâu nữa. Amore càng chú ý đọc báo hơn. Một hôm ông ta bị thu hút bởi mẩu tin vắn: Một cha cố gặp mấy đứa trẻ tại doanh trại Nam quân, chúng mang rất nhiều tiền và hỏi thăm chỗ nào bán bánh mì và sôcôla. Chúng kể rằng cha của chúng đều là lính dưới quyền tướng quân Luke, và rằng đã mấy ngày nay không được ăn bánh mì, phải ăn thịt ngựa chán lắm rồi. Amore quăng vội tờ báo, trong bụng vui như mở cờ và lập tức ký một hợp đồng mua bán với chợ miền Đông: ông ta sẽ bán ra một lô thịt lợn với giá thấp hơn hẳn so với thị trường với điều kiện sẽ giao hàng chậm vài hôm.
Ông ta tính rằng: Việc Nam quân thiếu hàng viện trợ thì ai ai cũng biết, nhưng đại bản doanh của tướng Luke đã đến mức phải giết ngựa để ăn thì chứng tỏ chiến tranh sẽ kết thúc chỉ trong nay mai.
Amore đã đoán đúng thời gian, và nắm bắt được cơ hội tốt nhất. Trong khi bên mua vẫn còn đang vui mừng khôn xiết vì mua được lô hàng với giá hời thì cục diện chiến tranh và thị trường đều có những thay đổi căn bản. Mấy hôm sau giá thịt lợn đã hạ xuống tới mức bình thường nhất, Amore mua vào rồi bán ra ngay luôn như lúc còn chiến tranh theo đúng hợp đồng đã ký và đã hốt bạc triệu một cách dễ dàng.
Điều này không có gì là khó hiểu hết, Amore mà hành động chậm một tí là không được mà sớm một chút cũng không xong.