Muốn Dùng Đúng Cách Để Yêu Anh

Chương 8-1: Hạ băng 1




Người ta vẫn thường bảo cho dù là bất cứ loại hình nghệ thuật gì, chỉ cần làm nghệ sĩ thì cuộc sống đều cực nhọc cả. Minh Tịnh đi hết từ tầng trên xuống tầng dưới, lại lượn hai vòng trong phòng vẽ tranh, vẫn chưa thấy được cuộc sống của Cổ Phạn có tí xíu cơ cực nào. Cô thấp giọng hỏi Trần Tĩnh xem liệu “đạo huynh” có phải là một phú nhị đại hay chăng, nếu không sao lại có thể sống tùy ý đến mức này được?

Trần Tĩnh nói: “Tranh anh ấy bán khá lắm, tiền nong tương đối rủng rỉnh, anh trai anh ấy cũng hỗ trợ một phần nữa.”

Minh Tịnh kinh ngạc: “Anh ấy có anh trai ạ?”

“Sao anh ấy lại không thể có anh trai được chứ?”

Minh Tịnh làm con một đã lâu, mà những người trạc tuổi cô cũng thường chỉ là con một. Cho nên đối với cô mà nói, anh trai chị gái chính là một điều gì đó cực xa xôi: “Anh trai của đạo huynh có thường tới đây chơi không? Hai người họ trông có giống nhau không?”

Trần Tĩnh kỳ quái cười cười: “Sau này em gặp thì tự nhìn xem thế nào.”

Cổ Phạn nhờ một chị gái trong thôn chuẩn bị ba bữa cơm cho mình mỗi ngày. Bình thường có mình Cổ Phạn, nhà chị gái ăn gì thì sẽ bưng cho anh ta món ấy. Bây giờ thêm hai người nữa, chị gái quyết định mua đồ sang nấu nướng luôn cho tiện. Tuy chỉ là ít dau dưa ở chốn thôn quê song mọi người đều cảm giác ăn rất ngon, có lẽ là do lạ miệng. Minh Tịnh không chú tâm nên đã trót ăn hơi nhiều, sau đó đành phải vác bụng ra bờ sông dạo bộ cho tiêu cơm. Ở đây không có gió, nước sông chỉ khẽ dập dềnh, xung quanh văng vẳng tiếng ếch nhái kêu ộp oạp, vừa ngẩng đầu lên đã thấy một bầu trời đầy sao sáng.

Điều duy nhất khó chấp nhận chính là nơi này có quá nhiều muỗi. Minh Tịnh mới đi một chốc, trên người đã bị mấy chục con muỗi bâu vào. Đêm ấy cô ngủ không ngon, ngay cả trong mơ cũng thấy ngứa ran khắp người.

Ngày hôm sau tỉnh giấc, Minh Tịnh soi gương, não nề nhìn mấy cái nốt hồng hồng ở trên mặt mình, cứ cái sau lại to hơn cái trước. Trần Tĩnh vừa thấy cô, cháo ngậm trong miệng lập tức phun sạch ra ngoài. Chị gái nấu cơm an ủi: “Không sao, đến tối là lặn hết thôi.”

Cổ Phạn không xuống tầng dưới ăn sáng. Trần Tĩnh nói anh ta ngày đêm đảo lộn, đêm khuya mới có cảm hứng, có cảm hứng rồi thì liền cắm cúi vẽ tranh, vẽ đến hừng đông mới lên giường ngủ. Cái loại cảm hứng này, cứ như không thể nào ló mặt ra ngoài sáng vậy. Thật ra bình thường Cổ Phạn cũng ít ở đây, lần này ở lâu như vậy là để chuẩn bị cho triển lãm tranh cá nhân vào mùa thu sắp tới. Mỗi buổi triển lãm đều giúp các họa sĩ đánh bóng tên tuổi của mình, nếu như tổ chức thành công thì không chỉ giải quyết được đống tranh tồn đọng trước đó mà còn có thể đẩy giá lên thêm đôi bậc.

Cổ Phạn rất coi trọng lần triển lãm này, từ nửa năm trước đã đóng cửa không tiếp khách. Một khi đã triển lãm thì không thể chỉ khoe mỗi tranh cũ được, vẫn cần phải có nhiều tác phẩm mới để trưng bày. Nếu không phải Trần Tĩnh sắp sửa thành bà chủ căn nhà này, Minh Tịnh hẳn là không đưa chân vào nổi.

Minh Tịnh ăn xong bữa sáng thì liền ra ngoài chạy bộ một vòng. Cách nhà nhỏ không xa là một khoảnh sân do một nhà điêu khắc thuê lại, khắp sân la liệt chân gãy tay rụng chỏng chơ, nhìn trông phát khiếp. Xa hơn một chút là nơi ở của một họa sĩ khác, nếu như Cổ Phạn chuyên tranh thủy mặc thì sở trường của người này là tranh sơn dầu. Minh Tịnh chạy ngang qua, vừa lúc trông thấy anh ta đang dọn tranh của mình lên xe, nói là muốn đem đi nhờ đóng khung hộ. Vị họa sĩ này hai má hóp lại, đôi mắt đỏ ngầu, hình như đã mấy ngày không ăn không ngủ.  

Minh Tịnh vội vàng quay về trước khi nắng trời trở gắt. Cô tưởng là Trần Tĩnh đang đọc sách nên lúc đẩy cửa vào trong bước đi cũng rất nhẹ nhàng.

Trần Tĩnh đang ngồi bên bàn ăn lướt net bằng chiếc máy tính xách tay của mình, vẻ mặt cực kỳ chăm chú.

Minh Tịnh bước tới sau lưng Trần Tĩnh, hơi thở bất giác ngưng lại.

Cô biết trên mạng có một kiểu người gọi là hacker. Những kẻ này đều có vũ khí bí mật của mình, có thể xâm nhập vào WeChat, QQ, email, di động, ngân hàng điện tử của người khác dễ như trở bàn tay, thì ra không phải nói ngoa mà đấy đúng là chuyện thực.

Hiện tại Trần Tĩnh cũng đang làm chính việc đó. Cô nàng giống như một đồng chí cảnh sát cặm cụi điều tra tung tích của một tội phạm sừng sỏ, không hề bỏ qua bất kỳ một chi tiết nhỏ nhặt nào. Trong khi ấy, tên tội phạm sừng sỏ kia vẫn còn đang ngáy khò khò trên gác.

Minh Tịnh nín thở đứng đó, không dám động đậy. Kết quả điều tra rõ ràng đã khiến cho Trần Tĩnh hài lòng, cô thoát máy, mày cũng nhẹ nhàng giãn ra.

“Chị Tĩnh, chị…”

Trần Tĩnh quang minh lỗi lạc nói: “Phòng bệnh còn hơn chữa bệnh. Em cũng biết đấy, mấy tên xấu nhẻm thường hay lắm chiêu trò lắm.”

Minh Tịnh: “…” Có người đánh giá bạn trai của chính mình như vậy ư?

Trần Tĩnh lại dõng dạc nói: “Đúng vậy, chị yêu anh ấy, nhưng cho dù có yêu cũng chẳng thể nào dối lòng mà bảo người ta siêu điển trai được. Làm người thì phải biết tôn trọng thực tế, không nên lừa mình dối người.”

Minh Tịnh lại một lần nữa cứng họng.

“Đạo huynh của em là một anh chàng tự do phóng khoáng. Hồi bọn chị mới quen nhau, anh ấy đeo một chiếc ba lô lang thang khắc các ngõ ngách ở Bắc Kinh, bảo là muốn tìm hiểu thêm về thành phố này. Xong rồi càng đi nhiều càng quen rộng, đặc biệt là người khác phái. Có lẽ những người làm nghệ thuật đều có một loại hào quang riêng, mà thứ hào quang ấy rất dễ khiến cho các cô gái nhỏ phát cuồng. Chính bản thân chị cũng từng bắt gặp đôi lần. Sau đó anh ấy lại gọi điện cho chị liên tục hết đêm này tới đêm nọ, nói rằng bọn họ chỉ uống rượu chung chứ không làm gì khác cả. Nhiều lần như vậy, anh ấy giải thích thế nào thì chị cũng chẳng tin nữa. Nhưng mà chị yêu anh ấy, có thể làm gì khác đây, đành phải chấp nhận vậy thôi. Thế nhưng nếu anh ấy có làm gì thật thì chắc chắn sẽ để lại dấu vết, chị mà tra ra một lần thì cả trăm lần kia cũng đừng hòng chối tội. Giờ thì có vẻ cũng an phận hơn rồi đấy, nhưng mà chị vẫn không thể lơ là được.”

Minh Tịnh tức thì nhớ tới câu nói: phía sau mỗi người đàn ông quy ẩn sơn lâm, đều có bóng dáng một người phụ nữ. Cô không khỏi cảm thấy đồng cảm với đạo huynh, nhưng đồng thời cũng rất kính nể chị Tĩnh.

Tình yêu, không thể nào chỉ có “cách nhau dòng sông lóng lánh, mắt nhìn chẳng nói nên lời”(1) được mà còn cần cả những lúc dữ dội oai hùng, uy phong lẫm liệt nữa.

Nghe thấy tiếng còi ô tô ngoài sân, Trần Tĩnh gập máy tính lại: “Hôm nay đâu có hẹn ai tới nhỉ? Hay là bị lạc nên muốn hỏi đường? Doanh Doanh, em ra ngoài xem thử đi.”

Minh Tịnh chạy ra cổng, trông thấy một chiếc xe màu đen, nhìn có phần hơi quen mắt. Cô bước mấy bước lại gần, cửa kính bên ghế lái liền hạ xuống, một người thò đầu từ trong ra, cười hỏi: “A, Minh Tịnh cũng ở đây à? Mặt em bị làm sao thế?”

Minh Tịnh vô thức đưa tay sờ má, cảm giác quẫn bách vẫn còn chưa kịp trào dâng thì cả người đã thấy như bị sét đánh khét lẹt. Anh Cổ họ Cổ, Cổ Phạn cũng họ Cổ. Chẳng phải Bắc Kinh có hơn hai vạn người ư, sao có thể trùng hợp tới vậy được chứ? Anh Cổ đang ở chỗ này, thế còn Nghiêm Hạo thì sao?

Hàng ghế phía sau anh Cổ hình như cũng có bóng người. Minh Tịnh định bỏ chạy gấp theo bản năng, ngặt nỗi phía trước là xe đằng sau là nhà, trốn ở đâu được bây giờ?

Trần Tĩnh cũng đã ra ngoài, còn gọi anh Cổ một tiếng “anh hai”: “Sao không gọi điện báo bọn em trước? Hôm nay còn chưa mua gì ăn nè.” Cô mở rộng cửa để anh Cổ lái xe vào. Chiếc xe lướt qua Minh Tịnh, dù cách nhau một lớp kính nhưng cô vẫn cảm nhận được mãnh liệt hơi thở của Nghiêm Hạo ở bên trong.

“Người nhà gửi đến mấy sọt hoa quả, dạo này trời nóng nên cũng chả để được lâu, anh mang qua cho Cổ Phạn. Mà vừa lúc Nghiêm Hạo cũng muốn tìm một chỗ yên tĩnh để viết luận văn nên anh rủ đi cùng luôn! Vẫn còn phòng chứ?”

“Còn ạ!” Trần Tĩnh đáp.

Minh Tịnh đã chẳng còn rảnh rang để lo che chắn mặt mũi nữa, toàn bộ đầu cô lúc này chỉ là “Nghiêm Hạo muốn ở lại”. Thế giờ là cô nên ở hay nên đi đây? Tự nhiên từ biệt mọi người thì có đột ngột quá không nhỉ? Nhưng nếu ở lại, căn nhà chỉ có mỗi thế, phòng họ lại không xa nhau, cúi đầu không thấy thì ngẩng đầu lên vẫn thấy, muốn coi nhau như không khí xem chừng cũng chẳng dễ dàng.

Cửa ghế sau mở ra, Nghiêm Hạo xách theo một chiếc ba lô lớn bước xuống, gật đầu với Trần Tĩnh: “Quấy rầy Tiến sĩ Trần rồi.”

“Làm gì mà quấy rầy chứ. Chắc cũng không cần giới thiệu nữa nhỉ. Minh Tịnh là đàn em của cậu, hai người từng gặp nhau chưa?” Trần Tĩnh liếc Minh Tịnh một cái đầy ẩn ý, sau đó lại đưa mắt nhìn Nghiêm Hạo.

Chị Tĩnh… Trong lòng Minh Tịnh đã lăng trì Trần Tĩnh đến tám trăm lần. Bộ chị ấy thấy cô chết chưa đủ thê thảm hay sao mà còn phải bồi thêm một đao nữa chứ?

Nghiêm Hạo tựa như lúc này mới nhận ra trong nhà vẫn còn người khác, hời hợt nhìn Minh Tịnh một cái rồi nói: “Ừm, gặp rồi.”

À, gặp rồi…

Trần Tĩnh rất ra dáng một nữ chủ nhân hiếu khách. Cô dẫn Nghiêm Hạo vào trong nhà, đưa anh đến gian phòng dành cho khách còn lại kia, rồi lại liên tục dặn dò phòng bếp ở đâu, nhà vệ sinh ở chỗ nào, mật mã wifi ra sao. Trong khi đó, anh Cổ nhanh nhẹn bê hai sọt trái cây vào trong, một sọt lê, một sọt dưa vàng.

Tiếng nói chuyện quá ồn ã, Cổ Phạn bị tỉnh giấc, bước chân trần xuống dưới nhà. Anh ta trông thấy Nghiêm Hạo thì liền giật mình thảng thốt, mãi đến khi anh Cổ ho hai tiếng mới hoàn hồn, cười cười với Nghiêm Hạo, nói: “Hoan nghênh!”

Ai cũng có thể nghe ra hai chữ này chẳng có bao nhiêu thành ý, nhưng mà đối với người làm nghệ thuật thì cũng không nên đòi hỏi nhiều hơn làm gì.

Trong khi anh Cổ và Cổ Phạn đứng một bên tán gẫu chuyện gia đình, Nghiêm Hạo vào phòng sắp xếp hành lý của mình. Minh Tịnh bỗng nhiên biến thành cái đuôi nhỏ của Trần Tĩnh, người ta đi tới chỗ nào cô liền bám theo chỗ đó. Trần Tĩnh bị Minh Tịnh quấn tới phiền, trực tiếp đẩy cô vào trong nhà bếp bổ dưa, còn mình thì gọi điện cho chị gái nấu cơm nhờ chị ấy nghĩ cách mua thêm một ít rau qua, tốt nhất là có thể mua được con gà về om nấm.

Dưa vừa bổ ra, mùi thơm ngọt liền quẩn trong không khí. Minh Tịnh dùng nước rửa trôi hết hạt bên trong, nạo sạch vỏ, sau đó lại cắt dưa thành từng miếng nhỏ, cắm tăm lên trên rồi bưng ra cho mọi người.

Đi du lịch mùa hè không cần nhiều đồ đạc lắm, Nghiêm Hạo chỉ xếp một tí là xong, giờ đã an vị ở trên sô pha với một tách trà trước mặt. Minh Tịnh có chút chần chờ, nhưng rồi cuối cùng vẫn để đĩa dưa vàng ở chỗ anh. Trần Tĩnh đang ngồi ngay bên bàn ăn, Minh Tịnh qua đó ngồi cùng cô ấy.

Anh Cổ nhìn đĩa dưa, tấm tắc khen: “Minh Tịnh khéo tay phết nhỉ, anh không ngờ đấy!”

Minh Tịnh cười cười, cúi đầu, mười ngón tay vặn xoắn trên đầu gối.

Anh Cổ ăn miếng dưa đầu tiên, gật gù khen ngon, Cổ Phạn cũng làm một miếng. Nghiêm Hạo cầm chén trà lên, thong thả uống. Mấy miếng dưa vàng cuối cùng trên đĩa đều chui vào bụng Trần Tĩnh.

Chị gái kia cũng là một người tháo vát, dù báo sát nút như vậy nhưng vẫn chuẩn bị được năm món ăn ngon lành, một món canh ba món rau, còn có cả gà om nấm mà Trần Tĩnh dặn. Đồ uống kèm là bia lạnh, Minh Tịnh không uống, tự lấy cho mình một chai nước đào. Anh Cổ ăn xong còn phải lái xe về nội thành cho nên cũng không đụng vào cốc bia nào. Trần Tĩnh thì tửu lượng kém, vậy nên toàn bộ bữa cơm gần như là Cổ Phạn và Nghiêm Hạo uống với nhau.

Cổ Phạn uống rất hào sảng, Nghiêm Hạo cũng không kém phần dứt khoát. Minh Tịnh cố gắng tỏ ra thật tự nhiên, nhưng ăn vẫn rất dè dặt, còn không dám ngẩng đầu nhìn Nghiêm Hạo. Hai người cách nhau có một chỗ ngồi, lại tựa như xa vạn dặm. Mới có vài tiếng đồng hồ mà Minh Tịnh đã xuýt chút không thở nổi, không biết mấy ngày sắp tới cô sẽ sống thế nào đây?

Ăn xong bữa trưa, anh Cổ lập tức quay về. Minh Tịnh chủ động tiễn anh ra cửa, câu “cho em đi nhờ xe với” ngắc ngứ vài lần bên miệng, cuối cùng vẫn nuốt vào bụng. Khi chiếc ô tô khuất dần về xa, cô lẻ loi đứng dưới nắng một mình, trông chẳng khác nào chú mèo nhỏ vừa bị người ta vứt bỏ.

Minh Tịnh lặng lẽ trở vào giữa ánh mặt trời chói chang, tới trước nhà rồi cũng chẳng còn sức mà đẩy cửa bước vào trong, chỉ ngồi xổm xuống đất hái mấy bông bồ công anh lên nghịch. Cỏ dại mọc khắp sân đã rũ xuống dưới cái nắng như thiêu đốt. Thế nhưng sức sống của thực vật vô cùng mạnh mẽ, sau khi mặt trời xuống núi, qua một đêm nghỉ ngơi, chúng sẽ lại lần nữa tràn trề sinh khí.

Nhưng mà Minh Tịnh thì lại chẳng được như vậy. Khả năng hồi phục của cô không cao, tốt nhất vẫn nên rời khỏi đây thì hơn.

Ý niệm rời đi vừa nhen nhóm đã ngay tức khắc bùng cháy, cô không thể kiềm nén được.

Trần Tĩnh và Cổ Phạn đưa nhau lên tầng nghỉ trưa, Nghiêm Hạo trở lại phòng mình, còn chị gái sau khi thu dọn bát đĩa xong xuôi thì cũng đã quay trở về. Minh Tịnh vào nhà vệ sinh rửa mặt, sau đó thất thểu về phòng. Cô nằm trên giường ngẫm nghĩ hồi lâu, cuối cùng cũng nghĩ ra một cái cớ hoàn hảo.

Trần Tĩnh đánh một giấc đến bốn giờ chiều rồi mới vui vẻ xuống tầng. Minh Tịnh đứng dưới đón cô, nở một nụ cười ngọt ngào: “Chị Tĩnh, bà ngoại vừa mới gọi điện nói nhớ em đến mức đêm ngủ không ngon. Em định sáng mai bắt xe về Cáp Nhĩ Tân ạ.”

Trần Tĩnh trừng mắt nhìn cô, nhếch môi nói khẽ: “Em có thể có chút tiền đồ cho chị được không?”

Cửa phòng Nghiêm Hạo mở toang, không thấy bóng người bên trong. Trần Tĩnh lúc này mới tăng âm lượng: “Nghiêm Hạo đâu rồi?”

“Anh ấy lái xe ra ngoài rồi ạ”. Chìa khóa xe của Trần Tĩnh đặt ngay tại lối vào nhà, ban nãy Minh Tịnh nhìn qua khe cửa, đã thấy anh lấy nó đi.

Trần Tĩnh lại thấp giọng nói: “Nếu như Nghiêm Hạo không đến thì em có muốn đi không?”

“Nhưng anh ấy đã đến rồi. Chị Tĩnh, chị biết mà… ngại lắm.”

“Nếu em đã nói như vậy, được, em là khách chị mời tới, em ở đây trước, cậu ta không mời mà đến, hơn nữa lại còn đến sau, nếu như một trong hai người phải đi thì để chị bảo cậu ta đi.”

Minh Tịnh trợn tròn mắt: “Chị Tĩnh, chị phải biết phân biệt nặng nhẹ chứ? Viết luận văn mới quan trọng, em chỉ là đi chơi thôi, để em rời đi thì hơn.”

Thế nhưng Trần Tĩnh không định nói lý với cô: “Ở đây không có nặng nhẹ, chỉ có trước sau, hoặc là cậu ta đi, hoặc cả hai người ở lại.”

Nhìn cái cách Trần Tĩnh theo dõi đạo huynh sát sao, Minh Tịnh có thể chắc chắn cô nàng không chỉ nói chơi mà thôi. Cô mím môi, không đề cập tới chuyện về Cáp Nhĩ Tân nữa.
(1) Cách nhau dòng sông lóng lánh, mắt nhìn chẳng nói nên lời: Hai câu cuối trong bài thơ “Điều điều Khiên Ngưu tinh” (Sao Khiên Ngưu đằng xa) của một tác giả khuyết danh thời Hán, nói lên nỗi niềm của Ngưu Lang và Chức Nữ khi bị chia cách bởi dải Ngân Hà.