“Sư phụ!”
“Bộ đang muốn đóng “Tây du hàng ma” hay gì?”
“Trạm trưởng!”
“Ầy, đổi kịch bản thành “Tiềm phục” rồi hả?”
Minh Tịnh đảo mắt nhìn lên trần nhà: “Lão Vi, đây là bản thảo em mới viết ngày hôm qua, anh xem thử đi, nếu không có vấn đề gì em sẽ gửi về tòa soạn.”
Lão Vi lúc này mới rời mắt khỏi màn hình. Trông thấy gương mặt chữ điền này, Minh Tịnh lại bất giác nhớ tới Sơn Béo. Không biết vì cơ duyên gì mà trong cuộc đời, cô luôn gặp một số người có hình thể tương đối đặc biệt.
Lão Vi, tên đầy đủ là Vi Minh, là trạm trưởng trạm Berlin của tờ Hoàn Vũ Thời Báo. Gọi là trạm thường trú Berlin, thực ra cũng chỉ có mỗi hai người bọn họ mà thôi. Trước kia Minh Đại Bằng và Chu Tiểu Lượng ở đây, cũng tương đương với một cái trạm nhỏ.
Vi Minh đã từng đi theo Minh Đại Bằng thực tập, hiện giờ Minh Tịnh lại theo anh ta. Về lý thuyết mà nói Minh Tịnh nên gọi anh ta là sư huynh, nhưng cô hiểu chuyện, lễ phép gọi sư phụ, vậy mà anh ta lại phớt lờ cô. Cô gọi trạm trưởng, Vi Minh cũng không ngó ngàng. Anh ta bảo lấy đâu ra lắm quy củ như vậy, cứ kêu lão Vi là được.
Lão Vi thực ra không “lão” tí nào, chỉ hơn Minh Tịnh tám tuổi, chẳng mấy chốc nữa là sang đầu ba. Anh ta có một cô bạn gái là giáo viên cấp hai, vẫn đang giảng dạy trong nước. Lão Vi cũng không hẳn béo, người anh ta tráng kiện, cứng rắn như thể một tấm ván gỗ nặng trịch. Hồi Minh Tịnh vừa đặt chân đến Berlin, tiết trời vẫn còn nóng nực, anh ta mặc một chiếc áo phông bó sát, cánh tay lực lưỡng như bát ô tô. Minh Tịnh nhìn cơ ngực kia, đoán chừng áo lót cup E cũng không thể bao kín được. Mà áo lót có cup E không nhỉ? Đại khái là con người này rất đô con. Cô chưa từng thấy anh ta đi tập thể hình, vậy mà cơ bắp vẫn cứ cuồn cuộn như thường.
Hoàn Vũ Thời Báo là một tờ báo lớn, ở Berlin cũng có văn phòng riêng, khi không ra ngoài lấy tin vẫn phải đi làm đúng giờ. Lão Vi chia việc thành các mảng nội dung khác nhau, Minh Tịnh chủ yếu phụ trách văn nghệ thể thao, còn lại đều do anh ta đảm nhiệm.
Lão Vi lúc nào cũng mặt cau mày có, tâm trạng ủ ê. Làm phóng viên thường trú nước ngoài đòi hỏi năng lực nghiệp vụ rất cao, tin ảnh tin chữ hàng tháng đều có yêu cầu nhất định, anh ta luôn phải chịu áp lực khá lớn. Về phương diện tiền bạc, công việc này đúng là lương cao hơn so với làm trong nước một chút, song sinh hoạt phí cũng chẳng hề thấp tẹo nào. Thế nhưng đây vẫn chưa phải là vấn đề chủ yếu, chuyện nhức óc nhất chính là anh ta và bạn gái vẫn đang mỗi người một nẻo. Bạn gái anh ta cùng tuổi, cũng đã sắp sửa ba mươi, có thể không vội được ư? Cơ mà có vội cũng chả giải quyết được gì, hợp đồng của anh ta phải năm rưỡi nữa mới hết hạn. Hai người bọn họ cứ gọi điện là cãi nhau, cãi xong anh ta lại đi uống rượu, rồi ngày hôm sau nồng nặc mùi rượu đi làm. Minh Tịnh muốn nói chuyện, anh ta lại cứ thờ ơ như không. Được cái lão Vi đối xử với cô không tệ, chỗ nào cần chỉ bảo thì không giấu nghề bao giờ. Thời gian đầu cô chạy sau lưng anh ta, bây giờ đã có thể tự mình ra ngoài lo liệu.
Nửa năm nay, nước Đức xảy ra nhiều sự kiện lớn. Lãnh đạo các nước không ngừng chạy qua chạy lại, họp tới họp lui, nào thì dân tị nạn, nào thì khủng bố bạo loạn. Thời điểm này cả Châu Âu cũng hỗn loạn, từ các cuộc tổng tuyển cử cho đến vấn đề Brexit, lúc nào cũng có chuyện lớn để bàn. Lão Vi quan hệ tương đối tốt với bộ phận tin tức của lãnh sự quán, luôn lấy được tin trực tiếp. Bên Minh Tịnh thì càng chẳng phải lo. Đức nhiều thể loại hội hè, cứ cách mấy ngày lại có một cái lễ hội, tư liệu không bao giờ thiếu. Tháng Hai sang năm có liên hoan phim, tháng Sáu có giải bóng đá Châu Âu, tin tức có thể thích viết bao nhiêu thì viết.
Minh Tịnh làm xong công việc tháng này, bỗng dưng cảm giác nặng đầu, có dấu hiệu bị cảm lạnh. Thế là cô liền xin về nghỉ sớm. Sống ở nơi đây quả thực không dám đổ bệnh. Nhân viên công tác lâu năm ở Đức đều có bảo hiểm y tế, có bác sĩ cùng phòng khám cố định, trước khi đi khám gọi điện đặt lịch là được. Khám bệnh không phải vấn đề, vấn đề là ở một mình, nằm liệt trên giường rồi, ai sẽ cơm bưng nước rót cho mình? Đã không có ai bên cạnh thì phải chăm sóc bản thân cho thật chu đáo, tốt nhất là mấy ngày nữa ấm lên mua một chiếc xe mà đạp đi làm, hoặc là buổi sáng dậy sớm chạy bộ, nói chung là phải vận động để cho cơ thể khỏe mạnh.
Lão Vi xua xua tay: “Đi đi, đi mau đi! Nếu ngày mai vẫn chưa khỏe thì đừng có tới đây nữa, không lại lây bệnh cho anh, cái văn phòng này hết người làm việc bây giờ.”
Anh ta thực ra rất quan tâm người khác nhưng lại độc mồm độc miệng, điểm này có chút giống Chu Tiểu Lượng. Minh Tịnh sờ trán, cảm thấy cũng không nóng lắm, chắc ngủ một giấc đến mai là ổn.
Hai ngày hôm trước vừa có một trận tuyết lớn, góc đường vẫn còn tuyết đọng, song mặt đường đã được quét tước sạch sẽ cả rồi. Chẳng mấy chốc nữa là đến Giáng Sinh, ngày lễ lớn nhất của Đức. Minh Tịnh không hề háo hức, chỉ nghĩ cần phải tích ít thức ăn trong nhà. Người Đức rất chú trọng ngày nghỉ, tỷ như Chủ nhật hàng tuần, bảo nghỉ ngơi là nghỉ ngơi, gần như không hề có siêu thị nào mở cửa.
Từ văn phòng về chung cư của cô chỉ cần ngồi ba trạm xe, không xa lắm. Berlin là một thành phố văn hóa nổi danh, đâu đâu cũng có những nhà thờ lớn xây theo phong cách Baroque, những viện bảo tàng đủ loại kiểu dáng và cả những công trình kiến trúc nổi tiếng mang đầy hơi thở đương đại, thế nên di chuyển ở trên xe buýt cũng tựa như đi ngắm cảnh. Minh Tịnh rất thích khoảng thời gian ngồi xe buýt, an bình tĩnh lặng, bởi vì không ai biết mình cho nên nghĩ gì cũng không cần phải che giấu.
Ngày đó bay từ Bắc Kinh đến Berlin, xung quanh cô đều là người nước ngoài. Ngồi cạnh bên cô là một người đàn ông trung niên bụng phệ. Ông ta chủ động bắt chuyện với cô, nhưng vừa thấy cô nước mắt giàn rụa thì đã giật mình hoảng sợ, ngỡ rằng mình nói gì sai, còn quýnh lên xin lỗi. Chính cô cũng không biết tại sao mình lại khóc, nhưng mà nước mắt cứ thế lã chã tuôn rơi, có lẽ là vì vừa ngượng mặt vừa buồn bã! Cô và Nhan Hạo ở bên này diễn “Cảnh sát và kẻ cướp”, còn học trưởng và cô gái choàng khăn bên kia lại là “Bản tình ca mùa đông” đẹp đẽ, sự đối lập ấy khiến cô xấu hổ đến muốn độn thổ.
Học trưởng đã về nước rồi sao, nhưng vẫn chưa tới ba năm mà, sao lại về trước hạn thế? Là bởi cô gái kia ư? Cô ấy chắc là bạn gái của học trưởng nhỉ, cô đã thấy anh đắp lại chiếc khăn bị tuột cho người ta, động tác dịu dàng tới vậy. Có thể chẳng bao lâu nữa sẽ có tin tức tốt lành từ họ. Còn được gặp lại học trưởng một lần, cho dù giờ anh đã không còn là học trưởng nhà cô nữa, Minh Tịnh vẫn thấy rất vui. Nước mắt này, có lẽ một nửa vẫn là vì quá mừng vui mà khóc.
Nói ra lại thấy trùng hợp. Khi Minh Tịnh tìm nhà thuê, cô đã tìm hiểu con phố trước kia Minh Đại Bằng và Chu Tiểu Lượng từng sống trước tiên, dù sao đấy cũng là khu vực mà cô quen thuộc. Điều bất ngờ là, căn chung cư hồi trước cô ở khách thuê vừa mới dọn đi, vậy là cô liền vội vàng thuê nó. Nơi đây một người ở thì hơi rộng, nhưng cô lại biết công tắc đèn bàn trên tủ đầu giường ở đâu, áo khoác treo cánh tủ nào, đồ lót để ngăn kéo nào, nước nóng trong phòng tắm điều chỉnh đến đâu là vừa, bát đĩa ngoài bếp thông thường được xếp ra sao. Căn hộ này cũng không cũ, chủ nhà cứ cách hai năm là lại tu sửa một lần, thảm trải sàn hình như vừa thay mới, công viên nhỏ cạnh bên cũng vẫn còn nguyên ở đó.
Điều duy nhất khiến Minh Tịnh tiếc nuối là bà Bonnie nhà bên quá mức nhiệt tình. Cậu bé có đôi mắt xanh trong vắt như bầu trời trong trí nhớ của cô hình như đã chuyển nhà đi từ lâu, năm ngoái bà Bonnie dọn vào đây ở. Theo lời bà Bonnie nói, bà rất ghét phải ở một chỗ quá lâu, thường thường cứ khoảng ba năm bà lại đổi nơi ở mới.
Cứ cho là bà Bonnie năm nay bảy mươi tuổi đi, vậy thì từ lúc bà thành niên đến giờ, hẳn là đã phải chuyển tới căn nhà thứ mười bảy. Minh Tịnh không hỏi tuổi tác của bà, chỉ biết bà nhìn đã già. Tuy bà ở đây một mình nhưng thỉnh thoảng con gái bà vẫn đưa cả nhà tới thăm.
Mỗi lần con cháu đến chơi, bà Bonnie đều nướng rất nhiều bánh, làm đủ các loại salad và xếp xúc xích đầy ụ.
Hôm nay Minh Tịnh vẫn tự mình chuẩn bị bữa tối. Cô nấu nướng rất đơn giản, chỉ có một chút cháo, một miếng bánh niên cao và một ít cải muối. Bánh niên cao và cải muối đều là do cô Lâm gửi từ Thượng Hải đến, tiền gửi còn tốn hơn cả tiền mua nữa, khéo cô tổn thọ mất thôi.
Buổi tối bà Bonnie hay sang nhà Minh Tịnh chơi, bà muốn học hát Côn khúc(3).
Không biết là ai ba hoa với bà Bonnie mà bà cứ đinh ninh rằng người Trung Quốc nào cũng biết xướng “Mẫu đơn đình”. Khi bà thành khẩn nhờ Minh Tịnh dạy mình hát, Minh Tịnh toàn thân choáng váng.
Biết Minh Tịnh không hát được, bà đành lui một bước, nói: “Thế thì dạy “Đào hoa phiến” cũng được.”
Minh Tịnh đưa tay che mặt. Bà cụ tức giận hỏi cô: “Có thật là cháu lớn lên ở Trung Quốc không đấy?”
Minh Tịnh nói với bà: “Trung Quốc hiện tại cũng giống như các nước khác trên thế giới, loại nhạc nào phổ biến thì hát loại đó. Côn khúc thuộc loại hí kịch cổ xưa, chỉ có diễn viên chuyên nghiệp mới hát được thôi.”
Bà cụ thất vọng cực độ, sau đó lại hỏi: “Thế cháu có biết bốn chị em nhà họ Trương không?”
Minh Tịnh tức khắc hóa đá. Cô chỉ biết ba chị em nhà họ Tống(4), còn bốn chị em nhà họ Trương là ai chứ? Sau này lên mạng tra, cô mới biết bốn chị em nhà họ Trương là bốn cô con gái trong một gia đình giàu có ở Hợp Phì(5) thời Dân Quốc, được người đời ca tụng là những tiểu thư khuê các cuối cùng, ai nấy tài đức vẹn toàn, trong đó cô chị thứ ba chính là vợ của đại văn hào Thẩm Tòng Văn. Con rể cả nhà họ là một diễn viên Côn kịch xuất sắc, con gái đầu và con út cũng là những người yêu thích Côn khúc, từng lên sân khấu biểu diễn, thảo nào bà Bonnie lại biết họ.
Minh Tịnh rất sợ bà Bonnie, mỗi khi mở cửa đều rón ra rón rén, chỉ sợ bà nghe thấy rồi sang chào hỏi, sau đấy lại nói gì đó khiến cho người ta khiếp vía.
Dạo này trời lạnh nên bà Bonnie đi ngủ sớm, không qua quấy rầy Minh Tịnh. Cô ăn cháo xong lại uống hai cốc nước lớn, đêm phải dậy đi vệ sinh ba lần. Lúc nửa đêm, cô nóng quá nên tự tỉnh. Không cần dùng cặp nhiệt độ Minh Tịnh cũng biết thân nhiệt của mình lúc này đang cao chót vót, amidan sưng to đến mức nuốt nước bọt cũng không được. Cô chống người dậy, mặc quần áo, lấy ví tiền và chìa khóa, chuẩn bị sẵn thẻ bảo hiểm y tế, sau đó xuống tầng bắt xe buýt đêm tới bệnh viện mình hay khám.
Bên ngoài trời rét căm căm. Không hề có một gợn gió, nhưng mà khí lạnh xuyên qua quần áo vẫn len lỏi vào xương tủy. Lúc xuống xe, cô xém chút nữa ngã khuỵu luôn trên mặt đất, cảm giác người đã sốt đến mơ mồ, may mà cuối cùng vẫn lết được vào bệnh viện.
Y tá trực ban dẫn Minh Tịnh vào phòng khám. Minh Tịnh trợn mắt, không hiểu sao lại thấy như vừa gặp bác sĩ Cullen trong “Chạng vạng”. Người nọ da rất trắng, mắt rất xanh… Thế rồi mắt cô tối sầm, hoàn toàn bất tỉnh nhân sự.
(3) Côn khúc: Còn gọi là Côn kịch hoặc tuồng Côn Sơn, một thể loại hí kịch của tỉnh Giang Tô, Trung Quốc.
(4) Ba chị em nhà họ Tống: Tống Ái Linh, Tống Khánh Linh và Tống Mỹ Linh, ba người phụ nữ có chồng là những nhân vật chính trị nổi bật của Trung Quốc đầu thế kỷ XX, bao gồm Khổng Tường Hi, Tôn Trung Sơn và Tưởng Giới Thạch.
(5) Hợp Phì: Một thành phố thuộc tỉnh An Huy.