Muốn Dùng Đúng Cách Để Yêu Anh

Chương 12-2: Thạch nam (2)




Ánh nắng ban mai lọt qua khung cửa sổ, giữa những khoảng vàng là vài đốm trắng nhàn nhạt, nhẹ nhàng trải lên sàn nhà. Nghiêm Hạo mở mắt, quang cảnh xung quanh khiến anh nhất thời không nhớ ra mình đang ở đâu. Thế nhưng chẳng cần đáp án, chỉ hai giây sau, anh đã hoàn toàn tỉnh táo. Đêm qua chắc hẳn trời vừa đổ mưa. Cứ mỗi đêm mưa anh lại ngủ ngon giấc hơn, hôm sau thường dậy hơi muộn. Căn chung cư này của anh nằm ở tầng hai, từ cửa sổ có thể nhìn ra một cây cổ thụ trồng cạnh tòa nhà, hẳn là cùng họ với tùng. Mùa đông dù tuyết rơi lớn thì cây vẫn cứ xanh rì, mùa hè nhờ cây che chắn nên phòng anh cũng râm mát. Có lần anh còn trông thấy một chú sóc nhảy nhót trên cây, đôi mắt nhỏ chớp lia lịa, luôn luôn cảnh giác đề phòng mọi thứ.

Nghiêm Hạo lấy một mẩu bánh mì ra dụ nó. Chú sóc phe phẩy cái đuôi xù xù, hai chân trước dựng thẳng lên, hình như có chút do dự, song cuối cùng vẫn từ chối. Thế nhưng từ đó về sau mỗi lần nhìn thấy Nghiêm Hạo, chú ta không bỏ chạy nữa, chỉ thoáng liếc anh một cái rồi lại tập trung vào việc của mình. Theo lý thuyết mà nói thì sóc thường ngủ vùi vào đông, nhưng nó hình như không cần, vẫn cứ hồn nhiên nhảy tới nhảy lui trên cây, khiến cho tuyết từ cành cây rụng lả tả xuống mặt đất.

Trường Nghiêm Hạo học nằm cách chung cư không xa, chỉ khi nào vội quá anh mới lái xe, bình thường dư dả thời gian thì đều cuốc bộ đi đi về về.

Nghiêm Hạo rất hiếm khi rảnh. Anh không phải lên lớp nhiều, song lượng kiến thức cần học rất lớn, giai đoạn tự học ở nhà mới là phần quan trọng nhất.

Khi vừa mới đến Mỹ, Nghiêm Hạo đã khiến người ta kinh ngạc. Anh kiên trì tham dự một khóa học ngôn ngữ kéo dài ba tháng, đồng thời còn tìm gia sư luyện riêng từ vựng chuyên ngành Pháp luật cho mình.

Tiếng Anh của Nghiêm Hạo rất chắc, cả đọc viết lẫn ngữ pháp. Tuy nhiên luật học không giống những chuyên ngành khác, không thể nói chuyện bằng số liệu nghiên cứu và dùng các loại luận văn để chứng minh bản thân mình mà quan trọng là biện luận cùng lượng kiến thức pháp lý sâu rộng. Khi đang tranh luận cùng người khác, trong bụng có ngàn câu chữ nhưng lại không thể diễn đạt thì có nghĩa lý gì đây? Như Minh Tịnh thường nói ấy, chẳng nhẽ lại dùng ánh mắt để giết người ư?

Nghiêm Hạo xốc chăn lên, xuống giường rửa mặt, người có hơi bải hoải. Anh không tự tin đoan chắc rằng mình sẽ không để ý tới Minh Tịnh nữa, anh chỉ có thể ép mình xóa bỏ tất cả những ký ức liên quan đến cô. Thế nhưng đây là một cách làm ngốc nghếch chẳng có tác dụng gì nhiều, bởi anh vẫn nhớ tới cô. Không chỉ vào lúc đêm khuya tĩnh lặng mà cả những buổi sớm như thế này, hoặc là đôi lúc đọc sách mỏi mệt, trong khoảng mấy giây lơ đãng, anh lại nghĩ đến Minh Tịnh.

Anh vẫn biết được chút ít tin tức của cô. Đêm giao thừa năm trước Nhan Hạo đã đăng một bức ảnh selfie của hai người họ lên vòng bè bạn: Minh Tịnh đang gói sủi cảo, mặc một chiếc áo sơmi kẻ caro, không biết vì sao đen mặt, còn Nhan Hạo thì lại cười vô cùng khoái trá. Gia đình bọn họ hẳn là ăn Tết cùng nhau, địa điểm thì chắc là nhà bà ngoại Minh Tịnh, anh trông thấy phía sau cô có đường ống dẫn máy sưởi. Thượng Hải mùa đông người ta thường dùng sàn sưởi hoặc điều hòa để làm ấm nhà, rất ít khi dùng loại máy sưởi như vậy.

Còn có một lần Trần Tĩnh đăng album ảnh hôn lễ, trong đấy có một tấm hình Minh Tịnh đang đàn dương cầm trong bộ váy dài phớt hồng. Anh không kìm lòng được mà duỗi tay chạm vào màn hình điện thoại, đến khi cảm giác lạnh lẽo truyền vào đầu ngón tay, anh mới bất chợt sực tỉnh, sau đó lập tức thoát ra khỏi vòng bè bạn.

Từ ấy về sau anh không còn nghe được tin tức gì của cô nữa. Hiện tại đã là đầu đông, cô học đại học năm cuối, sang năm cũng chuẩn bị tốt nghiệp rồi.

Sau cơn mưa trời quang đãng, không khí trong lành mát mẻ. Ở nơi góc đường có một quán sandwich nhỏ, vì bên trong ít bàn ghế nên người ta thường mua mang đi là chính. Đôi khi Nghiêm Hạo cũng tạt qua đây giải quyết bữa sáng. Hôm nay anh phải ra tòa với giảng viên hướng dẫn. Phiên tòa lần này xét xử một vụ án lừa đảo chiếm đoạt bất động sản liên quan tới một số tiền khổng lồ, giảng viên của Nghiêm Hạo là luật sư của nguyên đơn, còn anh là trợ lý.

Nghiêm Hạo gọi một chiếc sandwich và một ly cà phê nóng, trong lúc đang chờ đóng gói thì có một người vỗ nhẹ lên vai anh. Đó là bạn học David, cao một mét chín nặng bảy mươi cân, đứng cạnh bên anh trông như một cây sào trúc. Đêm qua David hình như ngủ không ngon lắm, quầng mắt hiện giờ thâm sì, mặt mày lờ đờ uể oải.

David oán giận phàn nàn với Nghiêm Hạo: “Cái thằng cha ở cùng phòng với tôi tối qua lại mang bạn về tiệc tùng, không biết có phải cắn thuốc hay không mà điên cuồng suốt cả đêm. Đầu tôi giờ như muốn nổ tung luôn rồi ấy.” David thuê chung căn hộ với một sinh viên da màu người Pháp. Anh chàng này Nghiêm Hạo cũng từng gặp qua, không bao giờ vắng mặt trong các bữa tiệc của trường, nhảy nhót cực kỳ điệu nghệ, cơ thể còn mềm mại hơn phụ nữ, đi đến chỗ nào cũng được chị em tung hô nhiệt liệt.

“Hay là chuyển qua chỗ khác ở đi?”

David thở dài ngao ngán: “Làm gì có chuyện ngon xơi như vậy? Thuê nhà riêng nhiều tiền lắm, mà nếu như thuê chung nhà ngộ nhỡ đối phương cũng vẫn thế này thì sao?”

Nghiêm Hạo nhún vai, anh không có lời khuyên nào tốt hơn cho David cả.

“Mà Yan này, chẳng phải cậu đang ở một mình sao? Hay là tôi chuyển qua ở cùng cậu nhé? Tôi thề, tôi tuyệt đối sẽ không quấy rầy cậu đâu.” David nhìn Nghiêm Hạo đầy chờ mong.

Đây không phải là lần đầu tiên David đề cập tới chuyện này, còn Nghiêm Hạo thì vẫn trả lời như cũ: “Tôi ở một mình quen rồi.”

David không có vẻ gì là quá thất vọng hoặc khó chấp nhận, anh ta biết Nghiêm Hạo rất coi trọng sự riêng tư, chưa từng mời bạn về nhà và cũng không có cô bạn gái nào. Anh chàng còn ra sức phát huy trí tưởng tượng: “Yan nhất định là cậu ấm con nhà giàu phải không? Học phí Harvard đắt đỏ, cậu lại còn một mình thuê một căn hộ lớn như thế, vậy mà cũng chẳng thấy đi làm thêm gì bao giờ.”

“Tôi có học bổng mà.” Nghiêm Hạo nhận lấy túi giấy từ quầy, mỉm cười cảm ơn nhân viên cửa tiệm.

“Ôi Chúa ơi!” Đây là nỗi đau sâu kín nhất trong lòng David, anh ta đã cố gắng rất lâu mà vẫn chưa từng có duyên với học bổng. David cũng gọi một suất ăn giống Nghiêm Hạo. “Dù nói thế nào thì cậu cũng thật may mắn, ngay cả thầy cũng đối xử rất tốt với cậu, chỉ bảo mỗi cậu đi làm trợ lý cho mình.”

Nghiêm Hạo hiếm hoi bỡn cợt: “Chắc là vì sau này tôi sẽ quay lại Trung Quốc, không trở thành đối thủ cạnh tranh của thầy cho nên thầy mới thoải mái với tôi như thế.”

“Quay lại Trung Quốc? Thế Jian Xin cũng sẽ về nước cùng với cậu sao?”

Nghiêm Hạo trầm mặc một thoáng: “Sao cô ấy lại về nước cùng với tôi được?”

David kinh ngạc hỏi: “Cô ấy yêu cậu, cậu không biết à?”

Nghiêm Hạo không trả lời nữa. Anh đeo khẩu trang, cài lại cúc áo rồi sải chân bước lên xe. Chiếc xe lao nhanh xuống đoạn dốc núi phía trước, áo khoác của anh bị gió thổi tung, đôi tai nhức buốt vì lạnh.

David ở phía sau khàn cổ gọi: “Này này Yan, đợi tôi với!”



Nghiêm Hạo và David không hẳn là bạn bè, nhưng giữa bọn họ có cái gọi là “không đánh không quen” nên cũng thân hơn các bạn học khác một chút. Trong lớp họ chỉ có hai sinh viên Châu Á, người kia đến từ Nhật Bản. Nghiêm Hạo học tiếng ba tháng nên đến trường nhập học hơi muộn, bởi vì gương mặt khá lạ nên thầy giáo cũng chú ý tới anh nhiều hơn. Ông hỏi Nghiêm Hạo về mối quan hệ giữa dư luận và tư pháp. Nghiêm Hạo còn chưa trả lời, người bên cạnh đã cười mỉa một tiếng, đó chính là David.

Thầy giáo lại hỏi David có gì muốn phát biểu không, David nói: “Trong nền tư pháp phương Đông, việc tuyên án của thẩm phán không dựa trên các điều khoản pháp lý mà bị kiểm soát bởi dư luận. Có nhiều trường hợp phiên tòa sơ thẩm đã ra phán quyết rất công bằng rồi, song khi bị dư luận chĩa mũi dùi và phạm nhân kháng cáo, phiên tòa phúc thẩm nhất định sẽ thay đổi mức án.”

Thầy giáo không nhận xét gì, chỉ giơ tay ra hiệu mời Nghiêm Hạo nói. Nghiêm Hạo không nhanh không chậm đáp: “Xin cậu hãy nêu ví dụ minh họa cụ thể.”

David chìa hai tay ra: “Lên mạng tra một tí là thấy ngay.”

Nghiêm Hạo nghi hoặc hỏi: “Vậy thì trong nền tư pháp phương Tây, trước khi cân nhắc mức độ xử phạt, các thẩm phán đều lên mạng tra sao?”

Thầy giáo bật cười, David đỏ mặt.

Nghiêm Hạo lại tiếp tục nói: “Cậu không định nêu thì tôi có một ví dụ đây. Mùa đông năm 1980, ca sĩ nhạc rock nổi tiếng John Lennon(6) đã bị fan bắn chết ngay trước cửa căn hộ của mình ở New York. Vì sự can thiệp của dư luận, vụ án này đã thu hút sự quan tâm của toàn xã hội. Trước những lời đe dọa từ đông đảo người hâm mộ, nhiều luật sư không dám bào chữa cho hung thủ, song vẫn có một số người dũng cảm dám thách thức sự phẫn nộ của số đông. Trong phiên tòa xét xử, do gia đình kẻ sát nhân đưa ra bằng chứng về bệnh tâm thần cho nên luật sư kiên trì bào chữa cho bị cáo vô tội dựa trên cơ sở trạng thái tinh thần của y. Thẩm phán nhìn vào giấy xác nhận do luật sư cung cấp, nói vậy thì việc anh ta không đủ năng lực gánh vác trách nhiệm hình sự là không cần chứng minh, đúng không? Luật sư gật đầu. Chỉ vì luận điểm trên, bị cáo bị đã bị đưa đến một nhà tù lớn. Phạm nhân này cũng từng nộp đơn xin ân xá chín lần, cả chín đều bị bác bỏ. Theo như phân tích của cậu, đây hẳn là sức mạnh của dư luận chứ không phải là sự công chính của tư pháp?”

David bị Nghiêm Hạo hỏi đến mức mặt đỏ tai hồng, nghẹn họng nhìn anh trân trối. David biết John Lennon, cũng biết ông ta chết như thế nào, nhưng vụ án được xử lý ra sao thì anh ta thực sự không để ý. Làm sao một người phương Đông lại có thể đào ra được một vụ kiện xa xôi tới như vậy nhỉ?

Nghiêm Hạo lại tiếp tục nói: “Một thẩm phán chỉ có thể đưa ra phán quyết công bằng nếu anh ta hiểu một cách nghiêm túc và đúng đắn các yêu cầu về chính trị, đạo đức, nhân tâm cùng những yếu tố liên quan khác trong luật pháp. Điều này có nghĩa là phải nắm bắt rõ ràng ý nghĩa của pháp luật chứ không phải hùa theo bất cứ một thế lực gì, đương nhiên bao gồm dư luận.”

Thầy giáo vỗ tay, David cũng rất phóng khoáng, tức thì xin lỗi Nghiêm Hạo vì những lời nói không phù hợp, đồng thời bày tỏ sự ngưỡng mộ đối với anh.

Thực ra Nghiêm Hạo thấy rất biết ơn David, bởi chính anh ta đã giúp anh để lại một ấn tượng tốt trước mặt giảng viên của mình.
(6) John Lennon: Ca sĩ, nhạc sĩ, nhạc công và nhà hoạt động hòa bình người Anh, nổi tiếng thế giới với vai trò người sáng lập, đồng sáng tác, đồng giọng ca chính và tay guitar đệm của ban nhạc huyền thoại The Beatles.