Tin chia biệt luôn đến khi bạn chẳng có chuẩn bị.
Tôi và Minh Vũ vào đêm mưa ấy đã nhận được một tin như thế: Người bạn từ nhỏ, cậu con trai đã làm chúng tôi lần đầu rung động, sẽ đi xa chúng tôi.
Chuyện chưa từng nghĩ đến, nhất thời cũng thật khó để chấp nhận.
Đến lúc về lại nhà Niệm Từ, trừ việc kinh ngạc bọn tôi không những mang theo bàn chải với chuyện tranh, mà còn hộ tống nguyên một người đi cùng, thì chuyện làm cả đám giật mình hơn là tôi và Minh Vũ đã đang khóc sướt mướt, mắt mũi tèm lem.
"Ai da, Doanh Tử cậu làm sao thế?" Niệm Từ lo lắng hỏi.
Bây giờ nghĩ lại, nước mắt của trẻ con đúng là dồi dào, chớp mắt cái đã có thể ồ ạt chảy. Tuy có hơi dễ dãi, nhưng thật sự chân thành.
Từ lúc bọn tôi bắt đầu khóc, Trang Viễn đã hơi luống cuống. Tưởng Dực đón lấy bộ truyện từ tay Trang Viễn, hỏi: "Hai nhỏ bị gì thế?" "Lúc nãy tớ nói chuyện thi xong sẽ chuyển đi Bắc Kinh, hai cậu ấy bèn khóc."
Quách Tĩnh nói: "Quyết định đi rồi à?"
"Ừ, từ mai có lẽ là bắt đầu thu dọn, thi xong thì chuyển đi."
"Sao lại nhanh vậy? Vậy hôm đấu bóng tốt nghiệp cậu còn tham gia được không?" Quan Siêu chỉ nghĩ mỗi chuyện bóng banh. "Các cậu đã biết trước rồi à?" Tôi vừa nức nở vừa nghe ra được có vấn đề.
"Thì sao?" Tưởng Dực nhìn tôi bằng ánh mắt kì cục.
"Sao tớ không được biết?" Tôi giận nói.
"Chẳng lẽ chuyện gì cũng phải cho cậu biết?" Tưởng Dực trợn trắng mắt, sau đó nhìn qua Minh Vũ, phát hoảng hỏi: "Chị hai, chị thở còn nổi không?"
Trong ấn tượng của tôi, Minh Vũ khóc kinh khủng như thế, chỉ có một lần này.
Về sau Minh Vũ nói với tôi: Lúc ấy giống như là thi rớt khỏi ba hạng đầu của khối, ăn bánh kem không được ăn dâu, mùa hè đến rồi mà chưa có váy đẹp mặc, cảm thấy cả thế giới đều tối đen, chẳng thể nào thấy gì vui vẻ được nữa.
Tôi hỏi, khoa trương dữ vậy á? Có đấy. Minh Vũ nói, thật sự không hề khoa trương, ngày hôm đấy tớ khóc, thật sự là cảm thấy tất thảy sẽ không bao giờ tốt lên được nữa.
"Nhưng cũng có cái tốt." Cậu ấy ngừng một chút, lại nói, "Từ sau đó, mỗi lần gặp phải chia xa, tớ cũng không cảm thấy u ám nữa. Ngày hôm ấy, giống như là tớ đã lớn hơn một chút. Càng lớn, sẽ càng ít cảm thấy thất vọng vì những u ám ấy hơn. Đó là nhờ việc mình đã lớn hơn trước. Tớ cũng không biết mình nên buồn, hay nên nói cảm ơn, là mình đã lớn nữa."
Đứng trước "trưởng thành", chúng tôi luôn có thật nhiều cảm xúc khó nói thành lời.
"Hoàn Châu Cách Cách" kết thúc lên sóng lần đầu, kì thi cuối kỳ cũng theo đó kết thúc. Trang Viễn không tham dự trận bóng cuối mà đã chuyển đi Bắc Kinh. Cũng vào lúc đó, World Cup chính thức bước vào vòng đấu loại.
Năm đó là năm cầu thủ ba tôi thích nhất, cỗ máy ném bom vàng Klinsmann tham gia World Cup lần cuối. Trong buổi tối khuya chiếc xe tăng Đức già cỗi bị Croatia dùng tỷ số 3:0 tiễn về nước, tôi đang ngồi trong lòng ba tôi dụi mắt.
Hết trận đấu, chú Tưởng và mọi người lục tục về nhà, ba tôi bế tôi lên: "Doanh Tử ngủ thôi, mai đi nhà bà, phải dậy sớm đấy." Tôi ôm cổ ba nói: "Còn đợt World Cup sau mà ba."
Ba tôi thở dài: "Đến lần sau thì bọn họ đều phải rút lui rồi."
Đó là đội tuyển cùng các cầu thủ đã gắn bó cùng ba từ ngày còn thanh niên. Đã từng lần mò tên của họ trong tiếng loa radio rè rè, đến vòng đấu loại có phát trên TV mới thấy được họ trông ra sao. Những con người ấy đã từng ôm cúp vàng thế giới 1990, cũng từng giơ cao cúp Euro 1996, trải qua bao huy hoàng, in dấu trong lòng người hâm mộ. Từng đem lại cho ba bao nhiệt huyết, mừng vui, gắn bó. Đến hôm nay chia biệt, ba khó mà không buồn.
Tôi nằm trên giường đắp chăn, hỏi: "Rút lui rồi thì không thể thấy họ trên TV nữa hả ba." "Chắc không thấy nữa đâu."
"Giống bọn con tốt nghiệp tiểu học rồi sẽ không được gặp cô Kim thường nữa."
Ba tôi ngớ ra: "Đúng vậy, nhưng con vẫn có thể năng về trường tiểu học thăm cô, cũng không xa mấy."
"Ừa, với lại giờ con đã là học sinh trung học." Tôi buồn ngủ sụp cả mắt, song lại không nỡ để ba buồn một mình: "Về sau con có thể thức khuya hơn coi đá banh với ba. Giờ con là thiếu niên rồi."
Hình như ba không nghĩ tới là tôi sẽ nói vậy, cười rộ lên nói: "Đúng vậy, Doanh Tử của nhà mình thành thiếu niên rồi, là học sinh trung học." Ba thơm lên đầu tôi: "Doanh Tử nhà mình đã lớn rồi."
Lớn lên là chuyện có không muốn cũng chẳng được, nhưng lớn lên cũng là một chuyện khiến người ta vui vẻ.
Lại nói, cuộc sống cứ thế tiếp diễn, tất thảy đều chưa rõ. Ai biết được sẽ không có những niềm vui bất ngờ? Mùa hè ấy đi qua, tôi lên trung học.
Đầu năm sau đó, Klinsmann rút lui.
Thế nhưng, tám năm sau, World Cup 2006 tại Đức, tôi học đại học năm thứ ba, Klinsmann lại xuất hiện trở lại, nắm quyền huấn luyện viên đội tuyển Đức.
Buổi tối hôm ấy thấy tin trên TV trong nhà ăn của trường, tôi gọi điện thoại cho ba: "Nè ba già, con về coi World Cup với ba nha." Ba tôi cười nói: "Thôi khỏi đi, con lại ngủ mất ba cũng không bế nổi con nữa."
Chúng tôi đã lớn lên như thế, bước ra khỏi vòng tay bao bọc của ba mẹ, bắt đầu có khoảng cách mà một cái ôm không thể thu ngắn lại giữa người và người. Sau khi mùa hè ấy đi qua, cả khối chúng tôi chuyển từ dãy nhà tiểu học sang dãy trung học ở phía đối diện. Tôi vẫn thế, tan học thì qua nhà Niệm Từ làm bài tập, vẫn lơ đãng quên này quên kia, vẫn tay chân không ăn nhịp, vẫn mỗi ngày đến trạm radio soạn chương trình... Tất thảy dường như chẳng hề thay đổi, tất thảy lại dường như không còn giống xưa.
Nhà Trang Viễn chuyển đi, nhưng căn hộ thì vẫn giữ đó. Đã không còn cậu con nhà hàng xóm đầy ưu tú biến Hoàng Doanh Tử thành nấm lùn, nhưng cũng không còn cậu con trai mỗi khi tan học sẽ kiểm tra xem thử tôi có đem bài tập về nhà chưa. Niệm Từ vẫn như xưa, trên đường đi học về sẽ giúp tôi đỡ cặp từ phía sau, cùng với giúp cài lại nút bấm bị tôi sơ ý quên mất. Thế nhưng bạn ấy cũng bắt đầu dậy sớm chạy bộ mỗi ngày, chỉ chạy một mình, lúc về ghé qua gõ cửa gọi tôi dậy cùng ăn sáng đi học. Cô bạn gái kỷ luật đến mức đáng sợ này chỉ có một điểm còn trẻ thơ duy nhất: Bạn ấy yêu thích một bộ phim Nhật. Trong hộp bút, tấm hình Akana Rika tươi cười vẫn ở đó mãi không suy suyển, đến tận khi tốt nghiệp cấp ba.
Minh Vũ nuôi tóc dài, thắt thành bím lắc qua lắc lại, rất xinh xắn đáng yêu. Mỗi khi tự học buổi chiều, bạn lại nhìn ra cửa đọc câu: "Mỗi năm đều tiếc xuân, xuân đi chẳng để tiếc." khiến người ta vừa yêu mến vừa bực mình. Trang Viễn đi rồi, bạn ta chưa từng nhường ngôi đầu khối cho ai khác.
Diệc Phi cũng vẫn như thế, đi trước tất cả bọn con gái chúng tôi. Thân hình yểu điệu dường như qua một đêm bèn tự nhiên có, mỗi ngày trong hộc bàn đều bị nhét thư tình. Đêm giáng sinh số thư nhận được có phát cho cả lớp mỗi người một phong vẫn còn dư.
Quan Siêu bắt đầu quen bạn gái, là một bạn lớp dưới, tóc xoăn xoăn như búp bê. Mỗi khi tan học bạn ấy đều đến xem đấu bóng, tiếng la cổ vũ to đến mức khiến Quan Siêu mặt dày như tường thành cũng phải đỏ chín vì ngượng.
Quách Tĩnh tan học sẽ đến phụ quán xiên nướng của mẹ. Cậu ấy mỗi lúc một thêm chín chắn, cũng càng lúc càng không thích nói chuyện, nhưng tay nghề đứng bếp thì tiến bộ vượt bậc. Quán xiên nướng đông đúc hơn hẳn, cũng bận rộn hơn.
Tưởng Dực bắt đầu nhổ giò, phải chuyển từ bàn cạnh tôi sang bàn sau lưng. Mỗi lần cậu ấy dò kết quả bài làm đều đá chân ghế của tôi, mượn gôm thì toàn quen tay kéo tóc, bị tôi đánh cho sẽ lấy tay bịt mắt tôi lại... thế nhưng cũng không nhớ là từ lúc nào, cậu ấy qua nhà tôi ngủ lại đã không được phép vào phòng ngủ của tôi nữa, chỉ có thể nằm tạm bợ trên thảm phòng khách.
Tết nguyên đán 2000, năm "Thiên Hỉ" sắp đến, bà Chung khâu cho mỗi đứa chúng tôi một chiếc túi nhỏ, có thể bỏ tiền lẻ hoặc thẻ học sinh. Còn có một ngăn có thể để thẻ chứng minh mà chúng tôi sắp được phát.
Những cô cậu nhóc trong cái đêm hè 1998 ấy đã từng ghé đầu cùng nhau giỡn cười, cùng tâm tình đêm khuya, chẳng chút giấu diếm, muốn khóc thì khóc muốn cười là cười, đã có bạn đi trước một bước rời xa, những người ở lại cũng dần lớn lên cả.
Lần hẹn gặp lại nữa, là chuyện chẳng biết đến khi nào...
======