Mùi Hương

Chương 3




Cha Terrier là một người có học thức. Ông không chỉ nghiên cứu thần học mà còn thông hiểu các triết gia. Ngoài ra còn biết thực vật học lẫn thuật giả kim [1] Ông không coi thường khả năng phán đoán của mình. Tuy không đi quá xa như một số kẻ nghi ngờ phép lạ, lời tiên tri cũng như chân lý của Kinh thánh, dù nghiêm khắc mà nói thì những thứ kể trên không thể giải thích đơn thuần bằng lý trí, thậm chí còn thường mâu thuẫn nữa. Ông không thích đụng tới những vấn đề này, chúng chẳng thú vị gì mà chỉ tổ đẩy ông tới chỗ hoang mang và vô cùng bất an, khó chịu, trong khi sử dụng lý trí thì tâm hồn phải yên ổn và thanh thản. Cái mà ông kiên quyết chống là thói mê tín của quảng đại quần chúng, phù thuỷ, bói bài, đeo bùa, thôi miên, trò quỷ thuật đêm trăng và ai mà còn biết được còn những trò gì nữa, thật hết sức nản lòng khi thấy những tập tục ngoại đạo này vẫn chưa bị tận diệt sau hơn một ngàn năm kiến lập vững chắc Giáo hội Thiên chúa! Phần lớn những vụ gọi là quỷ ám hay liên minh với quỷ xét cho kỹ cũng chỉ là trò hề mê tín. Nói cho đúng, đi xa đến độ chối bỏ sự hiện hữu của quỷ xa tăng, nghi ngờ quyền lực của nó thì cha Terrier không dám, quyết định những vấn đề đụng chạm tới nền tảng của thần học như thế thuộc thẩm quyền những cơ quan nào khác hơn là một tu sĩ quèn. Mặt khác thì rành rành là khi một người nhẹ dạ như cái chị vú nọ cứ một mực rằng đã phát hiện ra quỷ hiện hình thì chẳng bao giờ có quỷ nhúng tay vào đó cả. Chính việc chị ta tin đã phát hiện ra nó là chứng cớ đanh thép rằng chẳng có tí gì của quỷ được phát hiện cả vì nó không ngu đến độ để cho chị vú Jeanne Bussie lột được mặt nạ. Mà lại bằng mũi nữa cơ chứ! Bằng cái khướu giác tầm thường, kém cỏi nhất trong các giác quan! Như thể địa ngục thì có mùi lưu huỳnh còn thiên đường thì có mùi trầm và mùi mật nhi lạp! Ôi, cái sự mê tín khốn khổ! Cứ như trong thời tiền sử đen tối còn tà giáo, khi con người còn sống như thú vật, mắt chưa đủ tinh, không phân biệt được màu sắc nhưng có thể ngửi được mùi máu và qua ngửi mà phân biệt được bạn với thù, tin rằng bị những tên khổng lồ ăn thịt người, những ma chó sói và nữ thần báo oán đánh hơi phát hiện nên cúng tế đủ loại thần gớm ghiếc của họ với đồ cúng tế nướng cháy hôi rình! Thật là khủng khiếp! Đứa ngu nhìn bằng mũi hơn bằng mắt và có lẽ ánh sáng của lý trí Chúa ban cần soi rọi thêm cả nghìn năm nữa mới mong quét sạch tàn dư cuối cùng của thứ tín ngưỡng sơ khai này.

“Chao, đứa nhỏ tội nghiệp! Cái sinh vật vô tội! Nằm tbiu thiu ngủ trong giỏ mà chẳng biết gì hết vễ những nghi ngờ gớm ghiếc gán cho nó. Mày không có mùi như con của người, cái ả vô liêm sỉ kia dám xưng xưng thế đấy. Nào, biết phải nói gì bây giờ? Tú ti, tú ti!”

Và ông nhẹ nhàng rung cái giỏ trên đầu gối, vuốt nhẹ đầu đứa bé và thỉnh thoảng lại nói “Tú ti, tú ti” mà ông cho rằng có tác dụng vuốt ve trẻ nhỏ.

“Mày phải có mùi caramen! Vớ vẩn. Tú ti, tú ti”.

Chặp sau ông rút ngón tay ra, đặt lên mũi rồi hít mạnh, chẳng ngửi thấy gì ngoài mùi cải chua mới ăn bữa trưa.

Ông do dự một lúc, nhìn quanh để được chắc chắn là không ai đang ngó, nhấc cái giỏ lên, gí cái mũi to tướng vào. Ông dí sát đến nỗi lớp tóc hoe mỏng của đứa bé cọ vào mũi, ông hít mạnh khắp đầu nó, hy vọng ngửi được một mùi. Ông không rõ đầu lũ sơ sinh phải có mùi gì. Chắc chắn không phải caramen, nhất định thế, vì caramen là đường nấu chảy được.Có thể nó có mùi sữa, sữa của người vú. Nhưng mà nó không có mùi sữa. Có thể nó có mùi tóc, mùi da, và một chút mùi mồ hôi của trẻ nhỏ. Và cha Terrier lại hít và nghĩ rằng sẽ ngửi thấy mùi da, tóc và một chút mồ hôi. Nhưng ông chẳng ngửi thấy cái gì cả. Thật sự không. Ông nghĩ trẻ sơ sinh không có mùi, hẳn là phải thế. Khi được giữ sạch sẽ, trẻ sơ sinh không có mùi, giống như không biết nói, biết chạy hay viết. Phải đợi đến khi lớn. Xét cho kỹ thì con người ta chỉ toả mùi khi dậy thì. Thế chứ không thể khác được. chẳng phải Horaz [2] đã từng viết “trai tơ nồng ấm mùi dê, gái tơ thơm ngát khác gì thuỷ tiên…” đó sao? Mà bọn La Mã rành mấy thứ này lắm nhé. Mùi thơm của con người bao giờ cũng là mùi thơm xác thịt, nghĩa là một mùi thơm tội lỗi. Thế thì làm thế nào mà trẻ sơ sinh ngay cả trongmơ cũng không biết đến tội lỗi xác thịt lại có mùi được? Làm thế nào nó có mùi được? Tú ti tú ti? Tất nhiên nhiên là không rồi!

Ông lại đặt cái giỏ lên đầu gối và lắc nhè nhẹ. Đứa bé vẫn ngủ say. Nắm tay phải thò ra khỏi chăn, bé bỏng và đỏ hồng, thỉnh thoảng khẽ cọ vào má. Cha Terrier mỉm cười và chợt cảm thấy rất thoải mái. Ông tự cho phép tưởng tượng là bố đứa nhỏ trong giây lát. Ông không là tu sĩ nữa mà là một công dân bình thường, có thể là một thợ thủ công ngay thẳng, lấy một người đàn bà thơm mùi sữa ấm, có với cô ta một đứa con trai và giờ đây đung đưa nó, đứa con ruột thịt của ông, trên đầu gối, tú ti, tú ti…Nghĩ thế ông thấy dễ chịu. Trong suy nghĩ ấy có cái gì đấy nghiêm chỉnh. Người cha đung đưa con trai mình trên đầu gối, tú ti tú ti, là một hình ảnh xưa như trái đất nhưng lại luôn luôn mới khi thế giới này còn, thật đấy! Cha Terrier thấy ấm đôi chút trong tim và mềm lòng đi.

Đứa bé thức dậy. Nó thức trước tiên bằng cái mũi. Cái mũi nhỏ xíu động đậy, hếch lên rồi hít. Nó hít không khí rồi thở ra từng đợt ngắn như thể hắt hơi chưa hết. Nó nhăn mũi rồi lại mở mắt. Màu mắt nó khó xác định, nửa xám màu vỏ con hàu, nửa trắng đục màu kem, còn bị phủ một lớp màng mỏng rõ là chưa thích ứng để nhìn. Cha Terrier có cảm giác là đôi mắt ấy không nhận ra có ông ở đấy. Cái mũi thì ngược lại. Trong khi đôi mắt đục của đứa bé liếc tận đâu đâu thì cái mũi lại có vẻ tập trung vào một mục tiêu nhất định và cha Terrier có cảm giác lạ lùng rằng chính ông, Terrier, là cái mục tiêu ấy. Hai cánh của hai lỗ mũi nhỏ xíu ngay giữa mặt đứa bé phập phồng như bông hoa đang nở. Giống nắp của thứ hoa nhỏ ăn thịt trồng trong vườn của Đức Vua thì đúng hơn. Mũi nó như thể có một sức hút kỳ quái giống loài hoa nọ. Như thể đứa bé đã nhìn thấy ông, Terrier, bằng lỗ mũi của nó, như thể nó nhìn ông chăm chắm, soi mói, thấu suốt hơn là người ta có thể nhìn bằng mắt, như thể nó nuốt chửng vào mũi nó cái gì đấy tiết ra từ người ông, Terrier, mà ông thì không thể giữ và che giấu cái ấy được…Cái đứa bé không mùi ấy đang ngửi ông hôi mùi mồ hôi và giấm, mùi cải muối chua và mùi quần áo không giặt. Ông có cảm giác như trần truồng và xấu xa, như bị một kẻ đang nấp kín soi mói nhìn. Như thể nó ngửi xuyên qua cả da ông, vào tận nội tạng. Những tình cảm dịu dàng nhất, những ý nghĩ bẩn thỉu nhất phơi trần trước cái mũi nhỏ đầy thèm khát này. Chưa thật sự là mũi nữa, mới chỉ là dấu vết của mũi, một bộ phận có lỗ nhỏ xíu không ngừng nhăn lại, phồng lên xẹp xuống. Cha Terrier rùng mình, tởm lợm. Ông quay mũi đi như thể gặp vật gì có mùi kinh tởm, không muốn đụng chạm tới. Hết rồi cái ý nghĩ thân thương rằng đấy là máu thịt của ông. Tan biến cái tình cảm thơ mộng cha con và người mẹ ngát thơm. Tấm màn tư tưởng mềm mại mà ông tưởng tượng trùm quanh đứa bé và ông, bị giật phăng đi, một sinh vật lạ hoắc, lạnh ngắt đang ở trên đầu gối ông, một con vật thù địch mà nếu như ông không phải là một người cẩn trọng, biết sợ Chúa, có suy nghĩ hẳn ông đã ghê tởm quẳng nó đi như một con nhện.

Cha Terrier đứng bật dậy, đặt cái giỏ lên bàn. Ông muốn tống khứ cái của nợ này càng nhanh càng tốt, ngay, ngay lập tức.

Đứa bé chợt khóc. Nó nhắm nghiền mắt lại, há hốc miệng, rít lên khủng khiếp khiến cha Terrier lạnh cả xương sống. Ông dang tay ra đung đưa cái giỏ, miệng kêu “tú ti tú ti” cho nó im nhưng nó còn gào to hơn, mặt nó tím lại như thể sắp vỡ ra vì gào.

Phải tống khứ ngay! Cha Terrier nghĩ thầm. Tống khứ tức khắc cái đồ…ông muốn nói “đồ quỷ” nhưng cố nén lại được…tống khứ ngay cái quái vật này, cái thằng lỏi không thể chịu đựng được này! Nhưng tống đi đâu? Ông biết cả tá bà vú và nhà mồ côi trong vùng nhưng mà họ gần quá, khác nào ngay bên cạnh sườn, cái vật này phải tống đi xa, rõ xa để không còn phải nghe nó, rõ xa để không thể cứ mỗi giờ người ta lại đem nó đến đặt ngay trước cửa, nếu được thì ở một họ đạo khác, bên kia sông càng tốt, tốt nhất là Extra Muros [3] ở Faubourg Saint-Antoine, phải đấy! Thằng nhóc hay gào này sẽ đến đấy, tuốt phía đông, bên kia cửa ngục Bastille, nơi tối tối người ta đóng cổng thành.

Ông khoác vội áo dòng, vớ cái giỏ đang gào chạy đi, chạy qua ngóc ngách bàn cờ tới Rue du Faubourg Saint-Antoine, ngược sông Seine về phía đông, ra khỏi thành phố, xa xa nữa tới Rue de Charonne, khoảng cuối đường này, gần tu viện Madeleine de Trenelle, ông biết địa chỉ một Madame Gaillard nào đó nhận nuôi mọi loại trẻ ở mọi lứa tuổi miễn là có người trả tiền, ông giao cái đứa bé vẫn còn khóc ở đó, trả trước hẳn một năm rồi chạy biến về lại thành phố, về tới tu viện, ông vất quần áo như thể bị dính dơ, tắm gội từ đầu đến chân rồi len lén vào phòng riêng lên giường, làm dấu thánh giá nhiều lần, đọc kinh thật lâu rồi cuối cùng thiếp đi nhẹ nhõm.

Chú thích:

[1] Nhà giả kim: nhà hóa học thời Trung cổ.

[2] Horaz: nhà thơ La Mã trước công nguyên.

[3] Ở ngoại thành (tiếng La tinh).