Mùa Xuân Ở Căn Nhà Cũ

Chương 41: Mộng đẹp




Trình Nặc nằm mơ, mơ thấy đã sửa nhà xong. Ở sân trước cô trồng rất nhiều hoa, hoa khoe nhau đua sắc thắm. Dựng một giàn nho, lủng lẳng từng chùm nho xanh. Tiết trời rất đẹp, cô giặt rửa chăn gối trong nhà, phơi đầy một sân. Gió thổi đến, drap trải giường phất phơ trên mặt cô, mang theo mùi nắng.

Cô nghe thấy tiếng cười khanh khách, một cô bé mặc quần bông đi xe trẻ em, chui tới chui lui dưới tấm drap, chơi trò đuổi bắt với cô. Cô đuổi theo, cũng muốn hỏi cô bé là con nhà ai, sao lại chạy vào sân nhà cô. Nhưng cô bé đạp xe rất nhanh, cô không đuổi kịp.

Bỗng trong phòng bếp có người gọi cô, gọi Nặc Nặc, “Nặc Nặc, em để quần lót của anh ở đâu rồi!”

Trình Nặc nghĩ, đây lại là ai nữa thế, sao lại chạy đến nhà cô, lại còn tìm quần lót nữa.

Xuyên qua tầng tầng drap trải giường, cô đi tìm người gọi mình là Nặc Nặc. Nhưng ra quá nhiều, cứ vén mãi vẫn không hết. Cô cuống quýt, lớn tiếng hỏi: “Anh là ai, anh là ai!”

“Anh là Tông Lãng mà.”

Giọng rất gần, cứ như ngay cạnh tai cô.

“Trình Nặc dậy đi em, em đang nằm mơ.”

À, thì ra là nằm mơ. Trình Nặc mở mắt, nhìn Tông Lãng phóng đại trước mặt. Cô bối rối, lại nhắm mắt.

Không, cô vẫn còn đang mơ, cô vẫn chưa tỉnh đâu.

Anh cười rất khẽ, hôn lên trán cô, “Ngủ nữa hả?”

Trình Nặc không tránh được nữa, lại mở mắt ra, cách lớp rèm cửa sổ nhìn thấy nắng ban mai rực rỡ. Lại nhìn điện thoại đặt ở đầu giường, đã sắp bảy giờ rồi, cô vội bò dậy, hôm nay mấy người chú La sẽ đến làm.

Cuống quýt hoảng hốt mặc quần áo vào rồi đuổi Tông Lãng đi.

Tông Lãng đáp thì đáp vậy chứ vẫn thong thả đi ra sân sau, múc nước rửa mặt. Không có nước nóng, anh lại cầm bình nước đi nấu nước. Nước còn chưa sôi thì ngoài sân trước đã có động tĩnh.

Chú La và chú Lưu bác Ngô đều đã tới.

Tông Lãng ra sân trước chào mọi người, thấy anh mới sớm thế đã có mặt ở đây, hơn nữa lại còn là dáng vẻ vừa tỉnh ngủ, mấy người chú Lưu cũng ăn ý không hỏi gì. Chỉ là khi nhìn hai người thì cười cười, như muốn nói chú bác biết, chú bác biết cả rồi.

Trình Nặc chột dạ, len lén trừng mắt với Tông Lãng, trách anh không rời sớm đi. Nhưng anh chỉ cười khoác vai cô, tuyên bố: “Chú ơi, cháu thông báo với mọi người một tiếng, cháu và Trình Nặc đang hẹn hò nhau.”

Chú Lưu nói: “Chuyện tốt, bọn chú đợi uống rượu mừng đấy nhá.”

Chú La quen sầm mặt cũng lộ ra vui vẻ, tuy không lên tiếng nhưng vẫn hừ thầm, lẩm bẩm: “Coi mấy người này là mù hết đấy à, biết từ lâu rồi.”

Bác Ngô nghe không hiểu, nhưng thấy chú Lưu nhắc đến rượu mừng, bác cười hớn hở, “Được, được nha.”

Trình Nặc xấu hổ, đỏ mặt chạy vào bếp.

Pần chính của nhà cũ đã được sửa xong xuôi rồi, tiếp theo là đến xây nhà vệ sinh, số vật liệu xây dựng lúc trước mua ở chợ đã được đưa tới.

Nhà vệ sinh vốn ở trong góc sân sau, đã hư hỏng nhiều rồi, mà cũng khá xa nhà chính. Nếu như xây lại chỗ cũ thì buổi tối không tiện lắm.

Giữa nhà chính và nhà bếp có một khoảng chừng năm sáu mét. Nếu xây nhà vệ sinh ở đây thì khá là tiện. Có điều Trình Nặc lại lo về vấn đề cống thoát nước ở trên cù lao, nếu không có cống thoát nước thì khá phiền toái.

Chú Lưu biết được thì cười cô bận tâm gì đâu, “Cháu cứ yên tâm, từ một trăm năm trước trên cù lao đã có cống thoát nước rồi, không hề kém cạnh gì mấy thứ trong thành phố đâu. Cháu phải biết, một trăm năm trước, nơi này chính là một Thượng Hải thu nhỏ, một nơi lớn như thế này lại có một trăm ngàn người đấy!”

Trước kia Trình Nặc cũng đã tìm kiếm tin tức về cù lao Hà Diệp ở trên mạng, biết được nơi đây từng rất sầm uất. Không ngờ tới sản vật phồn hoa năm đó lại có thể để cô được tiện lợi vào một trăm năm sau.

Thế là quyết định xây nhà vệ sinh ở cạnh nhà bếp. Vẫn dùng gạch ngói cũ nhưng không đủ, chú Lưu nói có thể lấy gạch ở mấy căn nhà sụp đổ vô chủ, dù sao bỏ lại đó cũng vô dụng.

Tông Lãng dùng xe ba bánh chở được hai ba chuyến gạch, nhà vệ sinh không lớn lắm nên đủ dùng.

Bắt đầu làm việc, Trình Nặc nhận được tin nhắn của Bạch Nguyên, nói bà cụ muốn đến xem, hỏi cô có cần đem gì không. Trình Nặc nghĩ nhà hết thịt rồi, đành nhờ cậu ấy mang tới giúp cho.

Hôm nay trời đẹp, Trình Nặc chuyển gà vịt ra sân sau cho chúng phơi nắng, rồi lại cho thức ăn, thay rơm rạ ở trong hộp giấy, sau đó bắt đầu làm cơm trưa.

Tông Lãng đo nền móng xong thì tới tìm cô.

“Lát nữa anh phải lên thành phố một chuyến, có thể tối không về.” Anh nói.

Trình Nặc đáp biết rồi, hỏi: “Đi bây giờ hả, không ở nhà ăn trưa à?”

Anh cười khổ, “Đi xã giao tiếp khách, ăn cơm cùng lãnh đạo.” Vì chuẩn bị sơn trang mà không thể thiếu tạo quan hệ với bên chính phủ, những ngày qua uống nhiều tới độ sắp đau dạ dày rồi.

Trình Nặc gật đầu, “Uống ít rượu thôi.”

Anh cười đáp được, kéo tay cô hôn một cái, “Buổi tối ở một mình sợ thì gọi cho anh.”

Cô xấu hổ gật đầu, rút tay về, “Đi đường cẩn thận.”

Anh ừ một tiếng, quay đầu lại nhìn, mấy người chú Lưu đang làm việc ở ngoài phòng bếp, cửa mở, ngẩng đầu là có thể nhìn thấy trong phòng. Anh thất vọng thở dài trong bụng, lại nấn ná một hồi, lén thơm má cô mới thỏa mãn rời đi.

Tông Lãng đi không được bao lâu thì Bạch Nguyên đỡ cụ bà đến.

Bà lão thấy phòng ốc đã rộng hơn, tò mò nhìn quanh. Thấy loạt cửa sổ được thay mới, nhà sáng sủa hơn trước nhiều, bà khen tốt lắm.

Mấy tấm ảnh cũ treo trên vách ngăn lúc trước được Trình Nặc cất đi. Cô hỏi bà lão có muốn đem về không.

Bà lão nói: “Nếu cháu không chê thì cứ giữ đi. Mấy tấm ảnh được chụp trong nhà này, vẫn nên ở lại đây thì hơn.”

Trình Nặc cầu còn chẳng kịp, cô rất thích những thứ cũ kỹ.

Bạch Nguyên nhìn một vòng rồi đi giúp mấy chú. Trình Nặc để bà lão ngồi nghỉ trên xích đu, lấy thảm phủ lên cho bà. Xong xuôi mới vào bếp.

Trong số đồ ăn Bạch Nguyên đem đến có hai miếng chân giò. Trình Nặc định trưa nay sẽ làm món chân giò hầm dầu, hầm mềm rục để bà lão ăn được.

Món chân giò hầm dầu phải mất một giờ, làm bằng thiết bị hóa lỏng thì quá tốn thì giờ, thế là cô nổi lửa lò đất.

Rửa sạch móng giò, châm nước nấu cho chín rồi vớt lên, sau đó rưới hơn nửa chai dầu và trong nồi, nấu nhỏ lửa.

Chân giò hầm dầu, bước quan trọng nhất chính là rưới dầu. Nhân lúc dầu chưa sôi thì rán tầm năm phút, dầu sôi rồi thì rán lần thứ hai. Thời gian rán lần này lâu hơn, cho đến khi da thịt rán vàng rụm mới vớt ra, ngâm trong nước lạnh. Cuối cùng là pha chế nước dùng trong nồi, sau đó bỏ giò vào nấu. Vì bà lão không có răng nên thời gian hầm lâu hơn để thịt được mềm.

Buổi trưa lúc ăn cơm, chỉ hai chân giò mà được tất cả tấm tắc khen ngon.

Cơm nước xong, bà lão muốn về, trước khi đi Bạch Nguyên hỏi cô đã được duyệt tự truyền thông chưa. Trình Nặc sực nhớ, hôm qua sang nhà Thiệu Hồng ăn tiệc mừng, sau khi về lại bị Tông Lãng quấn lấy một đêm, suýt nữa quên mất chuyện này. Cô vội lấy điện thoại ra kiểm tra, chợt phát hiện đã được duyệt rồi.

Cô vui vẻ đưa điện thoại cho Bạch Nguyên xem, cậu cũng vui lây, hai người cùng vui cả buổi. Bà lão đứng bên tuy không biết gì nhưng cũng vui theo.

Bạch Nguyên đi rồi, Trình Nặc liền gọi điện cho Tông Lãng, muốn kể chuyện này cho anh biết. Cô như học sinh tiểu học thi được 100 điểm, muốn để bố mẹ biết trước, vừa giành công cũng vừa muốn được khen.

Điện thoại nhanh chóng được kết nối, cô không kịp đợi anh mở miệng, hưng phấn nói: “Em được duyệt tự truyền thông rồi! Tối hôm qua nhận được, nhưng giờ em mới nhìn thấy, em…”

Còn chưa dứt lời thì đã bị cắt ngang.

“Xin hỏi cô là ai?”

Giọng phụ nữ. Hơn nữa Trình Nặc cũng chả xa lạ gì, là Phương Đình.

Vì sao điện thoại của Tông Lãng mà Phương Đình lại nghe máy, chỉ thoáng chốc, trong đầu Trình Nặc có rất nhiều suy nghĩ lướt qua, cuối cùng cô đáp: “Tôi là Trình Nặc, phiền cô chuyển điện thoại cho Tông Lãng.”

Trình Nặc nghe thấy Phương Đình cười, “Là chị Trình đấy à, xin lỗi chị, tôi thấy số lạ nên cứ tưởng là điện thoại lừa đảo chứ. Có điều anh Tông ngủ rồi, chị có chuyện gì không, tôi có thể chuyển lời giúp chị.”

Trình Nặc nói không cần rồi cúp máy.

Mấy người chú Lưu vẫn còn đào móng, Trình Nặc không giúp được gì. Chợt nhớ hôm trước lúc nhổ củ cải giúp thím Ngô, cô thấy trong vườn rau mọc rất nhiều cây rau tề* hoang, thế là cầm xẻng với giỏ trúc đã mua đi nhổ rau tề.

(*Là tên một thức cỏ, hoa trắng, khi còn non ăn được, dùng làm thuốc giải nhiệt, lợi tiểu, cầm máu.)

Mùa này chính là mùa rau tề tươi non nhất. Xanh non mơn mởn ẩn nấp trong cỏ dại, cô vừa tìm vừa nhổ. Mặt trời rất gắt, làm cô đổ đầy mồ hôi.

Nhổ rau tề là một việc rất gây nghiện, mỗi khi tìm được một cây, lòng thầm reo lên: Oa, ở đây lại có một cây rau này. Oa, bên kia còn có nhiều nữa…

Bất khi bất giác nhổ đầy giỏ trúc, đến lúc không đựng đổi nữa thì Trình Nặc mới dừng tay.

Về đến nhà, cô múc nước giếng rửa sạch từng cọng rau, định băm nhỏ làm nhân sủi cảo.

Mấy người chú Lưu đào nền móng xong thì nghỉ tay. Trình Nặc nhìn giờ, còn chưa tới năm giờ. Cô dùng lò đất đun một nồi nước sôi lớn, cho rau tề vào nổi bập bềnh, khi xanh non biến thành xanh đậm thì lập tức vớt ra ngâm trong nước lạnh, như thế rau tề sẽ giữ được màu xanh mà không bị đen.

Nhà không có bột mì, nhưng trong tiệm nhỏ thì có bán. Lúc cầm tiền ra tiệm nhỏ, cô nghe thấy tiếng phà cập bờ, bước chân chậm lại.

Đến nơi thì thấy một chiếc xe van đậu ngoài cửa. Xe rất lạ mắt, chưa từng thấy ở trên cù lao bao giờ, cô lấy làm lạ, bước vào tiệm thì phát hiện có một người đàn ông trung niên mập mạp, chừng bốn mươi tuổi, đang bày hàng lên kệ.

Đây hẳn là ông chủ xuất quỷ nhập thần của tiệm bán rồi đây.

Cô bước lên chào, “Anh chính là ông chủ của cửa tiệm này à?”

Người kia ngẩn người, cười nói: “À, không phải, tôi đến giao hàng tôi. Tông Lãng và tôi đã hẹn rồi, nửa tháng sẽ tới giao hàng một lần.”

“Tông Lãng?!”

“Ừ, Tông Lãng chính là ông chủ cửa tiệm này, cô không biết à?”

Cả buổi chiều Trình Nặc khống chế không cho phép mình nghĩ đến Tông Lãng, sợ mình suy nghĩ bậy bạ dẫn tới hiểu lầm. Mặc dù cô chỉ mới gặp Phương Đình có một lần, nhưng cô cũng hiểu được đại khái người kia, nói gì cũng không đáng tin.

Nhưng ông chủ của tiệm bán lại là Tông Lãng?!

À há, xem ra cô quá tin anh rồi.