Mùa Xuân Ở Căn Nhà Cũ

Chương 22: Anh Lãng hiểu ra




Thiệu Hồng nghe ra được ý tứ của Tông Lãng, nghi hoặc hỏi anh: “Không phải cậu, coi trọng người ta đấy chứ?”

Tông Lãng không lên tiếng, tự rót rượu cho mình. Thiệu Hồng coi như anh ngầm thừa nhận. Anh ta thở dài, nói: “Xã hội này bây giờ, đúng là ly hôn không coi vào đâu. Nhưng mà nói thật, chung quy vẫn không giống nhau. Ví dụ như anh đây, từ lúc anh ly hôn, anh nói cho chú biết, bao nhiêu đối tượng nhà tìm cho anh đều đã từng ly hôn.”

Tông Lãng hỏi: “Vì sao?”

Thiệu Hồng lườm anh, “Đạo lý rõ ràng như vậy mà chú không hiểu à, nồi vỡ xứng nắp bể, ly hôn xứng ly hôn! Có cô gái nào chưa kết hôn lại chịu lấy người đã ly hôn như anh đâu. Coi như có thật thì trong lòng tôi cũng không nỡ, luôn cảm thấy không xứng với người ta.”

Tông Lãng nhìn Lý Ngọc Phương cách đó không xa đang bận rộn, “Cô ấy cũng ly hôn rồi?”

Thiệu Hồng gật đầu, “Vốn cả đời này anh không định kết hôn nữa, một mình nuôi con cũng tốt rồi. Nhưng có điều từ sau khi quen cô ấy, cũng không biết thế nào nữa.” Nói tới đây anh ta dừng lại, có chút ngượng ngùng, “Cứ vậy mà rung động, khà khà.”

Tông Lãng cạn ly với anh ta, “Chúc mừng.” Giơ ly lên tính uống, thì đột nhiên trong đầu lại lướt qua một ý nghĩ.

Có phải vì Trình Nặc từng ly hôn nên cũng suy nghĩ giống Thiệu Hồng, bởi vậy anh vừa mới lấy lòng thì cô đã lùi bước?

Anh lại nghĩ tới câu nói đùa Trình Nặc nói với thím Ngô trước đó: “Người khác cũng không tệ, nếu không phải cháu đã từng ly hôn thì cháu cũng muốn gả.”

Cô lấy chuyện mình ly hôn ra chế nhạo, xem ra là để ý thật. Nhưng anh đâu có thèm để ý, ly hôn thì sao, nếu không ly hôn thì sao anh có thể gặp được cô.

Nghĩ thông suốt điểm này, tâm tình sầu muộn một ngày của Tông Lãng cuối cùng cũng được tháo gỡ. Một hớp uống cạn rượu trong ly, anh hỏi Thiệu Hồng: “Bao giờ tổ chức việc vui, đừng quên gửi thiệp mời cho em.”

Thiệu Hồng lắc đầu, “Đều là kết hôn lần hai cả, cô ấy cũng không muốn tổ chức lớn, nhận giấy chứng nhận rồi cùng người trong nhà ăn bữa cơm là được. Nếu cậu muốn thì mồng tám tháng sau tới dùng cơm.”

Tông Lãng nói được, “Nhất định sẽ đến.”

Buổi tối Tông Lãng ở lại nhà Bạch Nguyên, một đêm ngủ không yên, sáng sớm hôm sau đã vội vàng đi chuyến phà sớm nhất về cù lao, không về nhà mà trực tiếp đến thẳng nhà chú Lưu.

Chú Lưu, thím Ngô và cả Trình Nặc đang ăn sáng. Thấy anh đến, Trình Nặc có phần bất ngờ, không phải anh nói sẽ về trễ à.

Thím Ngô hỏi anh đã ăn chưa, Tông Lãng trực tiếp ngồi xuống, mặt đối mặt với Trình Nặc nói: “Chưa ăn ạ, do đuổi phà nên không kịp ăn.”

Bữa sáng là cháo loãng ăn kèm dưa cải, nấu cháo bằng lò đất nên khá đậm vị, phối thêm cải ướp vừa miệng, rất ngon. Thím Ngô múc một bát đầy cho Tông Lãng, hỏi anh ngày hôm qua lên trấn trên làm gì.

Tông Lãng nói đi thăm bà Bạch, còn nhắc đến Thiệu Hồng.

“Mồng tám tháng sau sẽ đi lấy giấy chứng nhận kết hôn.”

Thím Ngô nói: “Thế à, chuyện tốt chuyện tốt, coi như mẹ cậu ấy trút được một mối tâm sự rồi.”

Trước đây nhà Thiệu Hồng cũng ở trên cù lao, vài năm trước mới chuyển đến trấn trên, cho nên chú Lưu và thím Ngô đều biết anh ta.

Thím Ngô lại hỏi: “Tìm ai thế, cũng là người đã ly hôn à? Có con chưa?”

Tông Lãng trả lời: “Đã ly hôn rồi, cũng không biết có con hay không, cháu không hỏi nhiều lắm.” Anh dừng lại rồi nói: “Thiệu Hồng nói bản thân cũng từng ly hôn nên không muốn tìm người chưa kết hôn, sợ người ta chướng mắt anh. Có điều với cháu mà nói, đã ly hôn hay chưa không quan hệ, đúng người là được rồi.” Lúc nói chuyện, ánh mắt cứ liếc nhìn Trình Nặc ở đối diện, cô cúi đầu ăn cháo loãng, không nhìn thấu biểu cảm.

Chú Lưu nãy giờ không lên tiếng đã nhạy bén phát hiện ra ánh mắt của Tông Lãng, liền phụ họa thêm: “Đúng thế, bây giờ đã là thế kỷ nào rồi, cũng không phải là thời phong kiến mà ly hôn thì không thể tái giá. Chú có xem tivi, không phải có cô gái đã ly hôn, sau này lại gả cho người đàn ông nhỏ hơn mình mấy tuổi đó à, lại còn có con với người đàn ông trước nữa chứ, nhưng vẫn tốt bình thường.”

Thím Ngô thở dài, “Nói là nói như vậy, nhưng đó là diễn trên tivi thôi, chứ làm gì có loại chuyện này bao giờ.”

Chú Lưu trừng mắt với thím, “Bà còn không mau ăn cơm mà dọn dẹp lại phòng đi, lát nữa Tiểu Hải đến, trong nhà bừa bộn thì sao hả.”

Lúc này thím Ngô mới nhớ tới, hôm qua cháu trai bên nhà ngoại thím có gọi điện tới, nói hôm nay muốn đến thăm bọn họ. Thế là vội vã ăn hết cháo trong bát.

“Đúng đúng đúng, tôi còn phải giết gà nữa.” Lại nói với Trình Nặc và Tông Lãng: “Trưa hôm nay hai đứa cũng lại ăn cơm đi, người đông thì náo nhiệt.”

Trình Nặc vội hỏi: “Không được đâu thím, hôm nay chú La bắt đầu làm việc, cháu còn phải nấu cơm nữa.”

Tông Lãng cũng nói không đến được, “Cháu cũng phải đi giúp chú La, ăn ở bên kia vậy.”

Thím Ngô kiên quyết nói không được, bảo Trình Nặc: “Bảo lão La cũng đến đây ăn đi, cháu nấu ăn ngon mà, coi như cháu giúp thím đi, đứa cháu đó của thím kén chọn lắm.”

Thím Ngô đã nói thế rồi, Trình Nặc cũng không tiện từ chối thêm, chỉ có thể gật đầu đồng ý.

Ăn sáng xong, Trình Nặc về nhà một chuyến, cô phải nói trước với chú La đã. Tông Lãng đi cùng cô, trên đường đi nói với cô chuyện có thể mấy ngày nay Bạch Nguyên không tới được.

Trình Nặc đáp biết rồi, bước nhanh hơn đi trước anh, không nghề ngoái đầu lại. Mấy lời anh nói vừa rồi ở trên bàn cứ luôn lởn vởn trong lòng cô. Không biết anh có ý gì, là thuận miệng nói hay là nói cho cô nghe.

Trở lại nhà, cũng vừa hay chú La mới đến. Trình Nặc đun nước sôi, chuẩn bị trà ngon, nói với chú La mình phải đi nấu cơm giúp thím Ngô, mời chú buổi trưa cũng qua ăn chung.

Chú La đáp được, bảo cô cứ bận việc của mình đi, không cần phải để ý đến chú.

Lúc đi Trình Nặc cũng không chào Tông Lãng, trên đường đi ngang qua tiệm bán, sực nhớ trong tủ lạnh còn cất ít rau với thịt, tế là cô lấy ra hết đem sang nhà chú Lưu, đỡ lát nữa thím Ngô phải lên trấn mua đồ ăn.

Nhớ tới lần trước mình để lại đề nghị cho chủ tiệm, cô nhân tiện lật sổ xem, phát hiện chủ tiệm đã trả lời.

Rất cám ơn đề nghị của cô. Sau khi suy nghĩ cặn kẽ, tôi cho rằng phải cần gắn camera, chỉ là gần đây vì nguyên nhân công việc nên không thể tự mình đến lắp, nên toàn bộ xin nhờ Tông Lãng giúp. Hi vọng cô có thể đốc thúc anh ta giúp tôi, đừng quên chuyện này. Vô cùng cảm kích —— Chủ tiệm.

Trình Nặc xem xong thì bất ngờ, sao lại cứ giao cho Tông Lãng làm thế nhỉ. Nhưng cô có nghe anh ta nhắc đến bao giờ đâu, không biết có phải quên rồi không. Vốn không muốn có nhiều tiếp xúc với anh, nhưng là chủ tiệm đã nhắc đến, vậy khi gặp thì cô sẽ nhắc nhở.

Cầm thịt trở lại nhà thím Ngô, vừa lúc thím Ngô đang giết gà. Vì hai ngày nay chú Lưu không cần bắt đầu làm việc, nên vừa ăn xong đã bắt đầu ra đồng làm rồi.

Thấy cô đem thịt đến, thím Ngô mất hứng nói: “Lại đem đồ ăn đến nữa rồi, chỉ ở nhà ăn một bữa cơm mà cháu lại còn phải đem đồ ăn đến.”

Trình Nặc vội nói không phải, “Cháu vốn định trưa hôm nay làm rồi, nếu đã đến ăn thì thuận tiện mang đến, chứ không để lâu cũng hỏng. Thím cũng đỡ phải lát nữa lên trấn mua.”

Thím Ngô nghĩ đúng là mình cũng không có thời gian chạy lên trấn, “Được được, vậy thím cám ơn cháu trước. Đúng rồi, cháu có biết làm sườn xào chua ngọt không?”

Trình Nặc đáp biết, thím Ngô vui vẻ nói: “Thế thì tốt quá, cháu trai của thím thích ăn sườn xào chua ngọt lắm, có điều thím không quen làm món ngọt nên nêm nếm không vừa miệng. Lát nữa đành làm phiền cháu vậy.”

Trình Nặc nói không phiền. Kỳ thực trước kia cô cũng không thích làm món ngọt, bởi vì bản thân cô không thích ăn ngọt. Nhưng Lâm Dĩ An lại rất thích, cho nên sau khi kết hôn đã học nấu dần dần. Không ngờ hôm nay còn có thể phát huy công dụng.

Trong số thịt Trình Nặc mang đến vừa hay còn có sườn vì cô vốn định kho tàu. Cô ngâm vào nước trước, rồi ra vườn hái rau với thím Ngô.

Vườn rau của thím Ngô không nằm trong sân mà ở ngoài thôn, phải đi mấy phút. Trên đường đi, thím luôn miệng kể về cháu trai của mình với Trình Nặc, “Bố mẹ nó bận công ăn việc làm, hồi nhỏ không ai nuôi thằng bé nên ở nhà thím rất lâu. Là người rất biết niệm tình xưa, hay về thăm chú thím. Bây giờ đi làm ngân hàng ở trong thành phố, mua nhà mua xe, có tiền đồ.”

Trình Nặc lại nhớ tới mợ mình, sau khi cậu qua đời, cuộc sống sinh hoạt của mợ rơi vào cảnh túng quẫn, chỉ đành phải đưa cô về với bố mẹ. Cô nhớ lúc đó mình gào khóc đến nỗi tê tâm liệt phổi, giữ khư khư cửa lớn, sống chết không chịu đi. Cô gọi mợ là mẹ, cầu xin bà đừng đưa cô đi. Mợ nói bà cũng không nỡ, nhưng cuối cùng vẫn đưa cô về. Sau đó cô lại bị đưa đến ở với bà nội, rất ít có cơ hội gặp lại mợ, về sau nữa bận đi làm đi học, kết hôn rồi lại càng khó về. Tính toán thử thì đã có ba năm chưa gặp mợ rồi, thậm chí cả một cuộc gọi cũng không có, không biết bây giờ mợ ra sao rồi.

Trình Nặc nghĩ, so với cháu trai của thím Ngô, cô đúng là quá lạnh lùng.

Đến vườn rau, Trình Nặc hái được một ít rau xanh, thấy có măng tây nên cũng nhổ hai gốc, lại nhổ thêm ít tỏi, rồi dùng dao chặt củ cải trắng, thấy đã đủ thì mới chịu rời đi.

Sau khi trở về, hai người bắt đầu nấu nướng. Thím Ngô nói mình nấu cơm cả đời nhưng tay nghề vẫn không khá hơn được. Cho nên hôm nay nhường Trình Nặc đứng bếp, còn thím giúp một tay.

Trình Nặc hầm gà nấu canh trước. Bình thường nấu cơm thím Ngô toàn dùng thiết bị hóa lỏng, rất ít khi dùng lò đất. Hôm nay vì hầm canh gà mà đã đỏ lửa lò. Dùng nồi lớn hầm gà vườn, rất thơm.

Hầm canh xong, Trình Nặc xắt trước rau củ các thứ, đến mười giờ mới bắt đầu nấu nướng, cô sợ làm quá sớm thì sẽ nguội.

Trước tiên là làm sườn xào chua ngọt, món này quan trọng nhất chính là nước màu. Người bình thường thích dùng đường trắng, còn Trình Nặc thích dùng đường đỏ.

Đầu tiên là rán xương sườn rồi mới thắng đường. Đợi đường thắng nổi bong bóng thì cho sườn vào, nhanh chóng đảo đều để mỗi miếng thịt đều dính nước màu, khi đã có sắc đường thì chêm thêm ít nước, tiếp tục rim thịt, cuối cùng mới cho một nhúm muối vào đề vị, lại cho nước vào, nấu thêm vài phút là xong.

Thím Ngô sốt ruột sao cháu trai vẫn chưa đến, gọi điện thoại hỏi thì mới biết là đang đợi phà ở bờ bên kia. Thế là Trình Nặc nắm chặt thời gian, lại làm vài món ăn phụ. Xào rau xanh với nấm hương, măng tây xắt miếng xào với thịt, tỏi rang thịt mặn, còn có cả cải trắng chua cay nữa.

Vì đều đã chuẩn bị cả nên nấu rất nhanh. Làm xong đồ ăn, Trình Nặc nói với thím Ngô một tiếng, nói về gọi hai người chú La đến ăn.

Thím Ngô cởi tạp dề ra nói: “Để thím đi, lão La cứng đầu lắm, cháu đi gọi chưa chắc lão đã tới.”

Dù sao cũng là nhà thím Ngô mời khách, Trình Nặc nhường thím đi còn mình ở lại, cô chuyển đồ ăn đến nhà chính, sắp xếp bát đũa. Chuẩn bị xong vẫn không quên chụp mấy tấm ảnh.

“Cô ơi!”

Đột nhiên trong sân có người kêu, Trình Nặc đi ra xem, là một người đàn ông hơn ba mươi, mặc tây trang đơn giản, hào hoa phong nhã. Có lẽ là cháu của thím Ngô đây.