Mùa Xuân Của Công Tử Bột

Chương 27




Cuối tháng tám, năm học mới bắt đầu.

Tai Đàm Duệ Khang bị rách một đường, chưa khép miệng hoàn toàn, trời lại nóng nực oi ả, Diêu Viễn lo ngay ngáy, vốn định xin nghỉ thêm mấy hôm nữa. Đàm Duệ Khang kiên quyết bảo không, Diêu Viễn vừa sợ anh đổ mồ hôi bị nhiễm khuẩn, lại sợ vết thương viêm tấy, hai đứa ở nhà cãi cọ một trận, cuối cùng Đàm Duệ Khang nhất quyết không nghỉ là không, bọn nó đành phải thu dọn gói ghém đồ đạc, chuẩn bị nhập học.

Sau khi hai đứa bàn bạc xong xuôi, trước hết là máy tính không thể vác theo, Diêu Viễn cũng muốn mua một cái mới, máy tính Đàm Duệ Khang đang dùng là cái mà nó đã ngưng xài từ hồi tốt nghiệp cấp hai, máy của nó cũng đã ì ạch không cài nổi trò chơi nữa. Nó tính là mỗi đứa mua một cái laptop mới.

Song, ý của Đàm Duệ Khang lại là để anh dùng máy tính Diêu Viễn sử dụng lúc lên cấp ba, mua máy mới cho Diêu Viễn thôi. Diêu Viễn cứ lăn tăn mãi, hai đứa vì chuyện này mà cãi nhau liên miên.

Đàm Duệ Khang khăng khăng, "Bình thường anh chỉ cần lên mạng tra cứu thôi là đủ rồi! Em mua đồ tốt vậy cho anh làm gì?"

Diêu Viễn có hơi không chịu được cái tính này của anh, nó bảo, "Làm sao mà khuân cái máy này đi được! Nặng trình trịch í."

Đàm Duệ Khang gạt đi, "Em khỏi lo, học quân sự xong máy tính của em cũng để anh xử lý."

Một khi Đàm Duệ Khang đã quản lý việc nhà cửa rồi, mỗi lần hai đứa bắt đầu cãi nhau về vấn đề tiền nong, kết thúc thế nào cũng là Diêu Viễn phải nhường bước, nó tức anh ách kém vui vác hành lý, cùng Đàm Duệ Khang nhập học.

Ý của Diêu Viễn là sau khi đến đó thì mua mới toàn bộ chăn ga gối đệm dùng cho rồi, Đàm Duệ Khang lại cảm thấy tiếc tiền, thế là thấy cái gì có thể đóng gói được là đóng gói tuốt, lưng vác một cái balo leo núi, còn xách thêm hai cái túi to đùng.

Diêu Viễn bị anh quần tới quần lui muốn phát điên, nó la lên, "Đừng có mang đủ thứ lỉnh kỉnh như vậy được không!? Tai anh còn chưa có lành đâu, vác nặng như vậy dễ ra mồ hôi, cái gì mua được thì cứ mua đi!"

Đàm Duệ Khang nói, "Có bắt em xách đâu."

"Như thế rất mất mặt đó!" Rốt cuộc Diêu Viễn mới nói tiếng lòng thật sự ra.

Đàm Duệ Khang bảo, "Vậy nhờ dượng đánh xe chở nhé? Bảo để dượng chở mình đi thì em lại không chịu."

Diêu Viễn hết biết nói gì luôn, ý niệm duy nhất trong đầu nó là muốn động đầu vô tường để xả phát nào hay phát ấy, bản thân nó cũng thấy mình thần kinh rung rinh lắm rồi.

Hai đứa mang hành lý lên xe lửa, tới Quảng Châu thì đổi xe, Đàm Duệ Khang lại muốn đi tàu điện ngầm, Diêu Viễn sắp khóc thét tới nơi. Tổng cộng có bảy cái túi bự tổ chảng, leo lên tàu điện ngầm thể nào cũng bị người ta dòm dỏ đến chết mất.

"Bắt taxi đi." Diêu Viễn nói.

Đàm Duệ Khang không đồng ý, "Chỗ này bắt xe không giống bên mình đâu, mắc lắm đó! Em đừng nhìn giá mười đồng mấy kilomet đầu, anh tra bản đồ rồi, từ đây tới trường những mấy chục..."

Diêu Viễn nói gì cũng vô ích, đành phải vô thức xua tay, cầu xin Đàm Duệ Khang đừng nói gì thêm nữa.

Bọn nó đi một vòng quanh trạm phía đông bỗng phát hiện ra khu quầy hàng sinh viên của thành phố đại học, thế là được cứu rồi!

Xe buýt chở bọn nó đến thành phố đại học, bên trong rộng thẳng cánh cò bay, Diêu Viễn nhỏ lớn nào giờ trừ đi du lịch ra thì chẳng thò chân vào đời nhiều, mới đầu còn tưởng toàn bộ các trường gom chung lại một chỗ, sử dụng chung một giảng đường hoặc mấy cái căn-tin to khủng khiếp, sau này mới biết hoàn toàn không phải thế. Bắt đầu từ lúc mở rộng chiêu sinh đại học toàn quốc, số lượng sinh viên cứ tăng đều đều qua từng năm, diện tích thành phố đại học cũng bành trướng chưa từng thấy.

Mà cơ sở học của Đàm Duệ Khang lại nằm ở Ngũ Sơn, còn phải ngồi tàu điện thêm một chuyến nữa, Diêu Viễn thoạt tiên la nhặng lên, cảm thấy đầu xoay mòng mòng. Không phải nói là đều ở trong thành phố đại học sao?

Đàm Duệ Khang lại nghiêm túc xem bản đồ, rồi hỏi thăm các anh chị, cuối cùng đưa ra một kết luận, năm nhất học ở cơ sở Ngũ Sơn, qua năm hai mới chuyển về thành phố đại học, tụi nó chỉ cách biệt có một năm thôi.

Được rồi, một năm thì một năm, một năm vẫn có thể chấp nhận được.

Đàm Duệ Khang trước tiên phân túi lớn túi nhỏ của Diêu Viễn ra, hai đứa đi báo danh.

"Em tự mình đi được rồi." Diêu Viễn nói, "Em đi được thật mà."

"Vậy em xếp hàng đi." Đàm Duệ Khang cười nói, "Anh ở đây đợi em."

Cuối tháng tám trong trường nóng muốn chảy mỡ, Diêu Viễn đi báo danh, nhận chìa khóa ký túc xá trước, mấy chuyện còn lại đợi giải quyết sau. Hai đứa vô phòng ngó sơ một lượt, phòng bốn người, chỉ có một cậu đeo cặp kính dày cộm như cái đáy bình đang đọc sách, ngẩng đầu lên lờ đờ nhìn bọn nó.

"Chào." Đàm Duệ Khang cười đánh tiếng với cậu ta.

Cậu ta đứng lên bắt tay với Diêu Viễn, lần đầu tiên trong đời Diêu Viễn chào hỏi một cách trịnh trọng như thế, không kiềm được nổi da gà rần rần.

"%¥ #@." Cậu ta nói.

Diêu Viễn tự giới thiệu, "Triệu Diêu Viễn."

Cậu ta gật đầu, Diêu Viễn căn bản là chẳng nghe ra đối phương nói gì, khẩu âm quá nặng cộng thêm nó trời sinh chẳng bao giờ nhớ nổi tên ai, thành thử vô tai này lọt qua tai kia, nó nhìn xung quanh một thoáng, rồi hỏi, "Chưa có ai khác tới à? Tui ngủ... chỗ này." Nó chọn vị trí kế bên ban công.

Có bốn cái giường, loại giường hai tầng đa chức năng, bên trên là chỗ ngủ, Đàm Duệ Khang nói, "Ở gần ban công dễ bị gió lùa, sát cửa cũng không tốt... thôi ở đây đi."

Đàm Duệ Khang leo lên trên trải giường cho Diêu Viễn, Diêu Viễn bảo anh xuống đi, Đàm Duệ Khang phớt lờ bảo, "Để anh trải, em trải thấy ghê lắm."

Diêu Viễn đi dạo một vòng, ngó ban công dòm toilet, không có máy lạnh với máy giặt, có máy nước nóng với quạt điện.

"Hai người ở chung à?" Cậu ta hỏi.

"Không!" Diêu Viễn cười bảo, "Ảnh là anh tui, đưa tui đến trường thôi."

Một lát sau lại thêm hai cậu nữa bước vô, giới thiệu với Diêu Viễn, đầu Diêu Viễn xoay như bông vụ, nó không nhớ nổi tên ai, chỉ có thể cười trừ với bọn họ.

Năm người chen chúc cùng một phòng có hơi chật chội, để Đàm Duệ Khang thu dọn giường chiếu Diêu Viễn cảm thấy thật xấu hổ, vội nói vầy được rồi, phần còn lại để em, Đàm Duệ Khang bảo đi ra ngoài quan sát xung quanh, ngó qua rồi sẽ đi ngay.

Diêu Viễn trút một hơi nhẹ nhõm, lấy đồ ra, máng vô tủ quần áo, giường thiết kế vô cùng tiện lợi, bên dưới giường là bàn học kệ sách tủ quần áo. Bốn đứa sinh viên cùng lui cui dọn đồ.

"Tiểu Viễn à." Đàm Duệ Khang nói, "Dưới lầu có phòng giặt đồ đó, em có thể kiếm dì quản lý ký túc xá, đưa đồ cho dì giặt giùm, vậy là em không cần phải tự giặt nữa. May quá, cuối cùng cũng giải quyết được vụ đó rồi."

Mọi người phá ra cười rần, mặt Diêu Viễn đỏ lựng, nó bảo, "Em biết rồi."

Đàm Duệ Khang cười mời thuốc lá bạn cùng phòng của Diêu Viễn, một cậu kẹp điếu thuốc sau vành tai, một người nhận lấy để trên bàn, riêng cậu đeo kính thì xua tay ý bảo không hút thuốc.

"Mong mọi người chiếu cố em trai mình nhiều hơn." Đàm Duệ Khang thành khẩn nói, "Đây là lần đầu tiên nó ra ngoài sống tập thể. Anh em có gì bao dung hơn nhé."

Diêu Viễn ngượng chín mặt, đương tính nói gì đó thì--

"Nhất định nhất định." Một cậu có tầm vóc tương đương Đàm Duệ Khang cười bảo, "Ai cũng lần đầu tiên hết, có thể ở chung là duyên phận rồi, phải chiếu cố lẫn nhau chứ."

Diêu Viễn nghĩ trong bụng cái cậu này nói được mấy câu như thế hay thật, mình không bắt chước nổi.

Đàm Duệ Khang nói, "Vậy anh đi nhé." Diêu Viễn bảo, "Để em đưa anh xuống."

Đàm Duệ Khang lưng đeo balo, tay xách một túi hành lý, hai đứa xuống dưới lầu, xung quanh là các tân sinh viên mặc trang phục rằn ri, ôm chăn mền hớn hở trò chuyện tíu tít. Diêu Viễn đưa Đàm Duệ Khang ra tới ngoài cổng trường, Đàm Duệ Khang còn định tranh thủ đi nhờ xe buýt, đổi tàu điện ngầm, anh dặn dò, "Em à, nhớ tự lo cho bản thân, học cách ở chung với bạn cùng phòng nhé."

"Em biết mà." Diêu Viễn dở khóc dở cười xua "Anh mau đi đi." "Vậy anh đi nhé." Đàm Duệ Khang nói.

Trong lòng Diêu Viễn thoáng trống rỗng, vừa rồi bảo Đàm Duệ Khang nhanh nhanh rời khỏi trường nó chỉ là do mắc cỡ, nhưng đến khi Đàm Duệ Khang đi thật rồi, Diêu Viễn lại không nỡ để anh đi.

"Chừng nào mình gặp nhau?" Diêu Viễn hỏi.

Đàm Duệ Khang nói, "Giờ mình gọi điện thoại thôi, nếu cả hai đều không bận bịu gì thì... đợi bao giờ tập quân sự xong, chiều nào không có tiết mình ăn chung nhé?"

Diêu Viễn đáp, "Ừa."

Đàm Duệ Khang lên xe rồi, Diêu Viễn nói lớn, "Anh nhớ cẩn thận đó!"

Đàm Duệ Khang không nghe được, anh ở trên xe buýt lấy di động ra, có lẽ định báo cáo chuyện bọn nó thuận lợi nhập học với Triệu Quốc Cương, Diêu Viễn đứng ở trạm xe, một nỗi mất mát khôn tả trào dâng.

Chỉ còn một mình nó.

Thật kỳ lạ, trước đây cũng chỉ có một mình nó tự thân vận động thôi mà, bốn năm trước khi Đàm Duệ Khang đến, Diêu Viễn một mình thức dậy, một mình đánh răng rửa mặt, rồi nhét tai nghe đón xe buýt đến trường, tại sao khi ấy không hề cảm thấy hụt hẫng thế này?

Đàm Duệ Khang vừa đi xong, Diêu Viễn liền cảm thấy không thoải mái tẹo nào. Nó xoay người đi chừng hai bước, tin nhắn của Đàm Duệ Khang đã tới.

[Em trai, chỉ cần chân thành với mọi người là được, bản thân em thật sự rất dễ chiếm lấy cảm tình của người khác, không cần phải cố gắng a dua hay lấy lòng ai đâu.]

Diêu Viễn ngẩng đầu lên nhìn, thấy Đàm Duệ Khang đứng trên xe buýt cũng ngẩng đầu lên cười với nó, giơ tay lên vẫy chào.

Quay về ký túc xá, giường nào cũng trải chăn thẳng thớm đâu ra đấy rồi, hai cậu bạn mới quen nhau đang tán gẫu, cậu cao ráo thấy Diêu Viễn đã về, bèn hỏi, "Nãy là anh cậu hả?"

Diêu Viễn trả lời, "Anh họ, nhưng sống chung với tui từ nhỏ, ảnh học bên trường kỹ thuật Hoa Nam."

"Cậu ở đâu?" Cậu ta hỏi.

Diêu Viễn suy nghĩ một chút, nhớ lời dặn của Đàm Duệ Khang, bèn thành thật trả lời, "Tui ở... Thâm Quyến. Cậu tên gì? Ngại quá hồi nãy tui hơi run nên nghe không rõ... không nhớ được tên của ai hết trơn."

Mọi người trong phòng phì cười, một cậu bảo, "Tui là Trương Quân." Diêu Viễn cười tự giới thiệu, "Tui là Triệu Diêu Viễn."

Cậu cao ráo bảo, "Mình là Vu Hải Hàng." Cậu đeo mắt kính nói, "Mình Vương Diệp."

Mọi người làm quen với nhau, Diêu Viễn âm thầm ghi nhớ tên họ, nó ngồi xuống ghế, tựa lưng vào, cậu cao cao kia lại hỏi, "Anh cậu mới nghỉ hè xong, rồi đến trường với cậu hả?"

"Ừ... ảnh bên kỹ thuật Hoa Nam." Diêu Viễn nói, "Cũng năm nhất thôi, nhưng lớn tuổi hơn tui."

"Học lại cấp ba à?" Vương Diệp xen vào, "Mình cũng học lại một năm." Diêu Viễn nói, "Cũng có thể coi là vậy, hồi trung học ảnh có học lại..."

"Điểm đầu vào Trung Sơn cao thật đấy." Vu Hải Hàng nói, "Chỗ mình lấy tới 600 điểm..."

Mọi người bắt đầu nói về chuyện thi đại học, Diêu Viễn mới biết hóa ra mỗi trường đại học cao đẳng ở những tỉnh khác nhau có điểm xét tuyển khác nhau xa lắc. Ví dụ loại trường thi là đỗ dành cho bọn đúng tuyến trượt hết các nguyện vọng như đại học Thâm Quyến, ở vùng nội địa lại được xếp vào hạng lấy điểm trúng tuyển cao nhất nhì Thậm chí còn rất khó được nhận*.

* Trung Quốc có sự phân hóa rất rõ ràng về trình độ phát triển kinh tế xã hội giũa vùng nội địa và vùng duyên hải. Các đô thị phát triển cũng nhw các trwờng đại học lớn phần lớn đều t¾p trung ở vùng duyên hải. Vùng nội địa chủ yếu là nông thôn ho¾c các vùng địa thế hiểm trở, khí h¾u khắc nghiệt. Thực chất, việc phân hóa điểm sâu sắc giũa các vùng nông thôn và thành thị là chính sách hạn chế "nông thôn hóa thành thị" của ngành giáo dục Trung Quốc, có thể hiểu đơn giản là điểm cao bao nhiêu nhwng là dân nông thôn thì sẽ không đwợc wu tiên lên thành phố học. Chính sách giáo dục của Trung Quốc khuyến khích dân vùng

nào học trwờng vùng ấy, để tạo nguồn nhân lực cho chính địa phwơng, chú không ủng hộ việc lao động nông thôn ồ ạt lên thành phố, tạo áp lực cho các đô thị.

Đại học Trung Sơn và kỹ thuật Hoa Nam có điểm đầu vào cao chót vót, dân ngoại tỉnh muốn chen vô cũng phải u đầu mẻ trán.

Ngay cả những trường như đại học Bắc Kinh, Thanh Hoa cũng có chính sách ưu đãi dành cho đám học sinh ở Bắc Kinh, với trình độ học hành cỡ Đàm Duệ Khang nếu sống ở Bắc Kinh thì đã vô Thanh Hoa ngon lành cành đào rồi.

Trường đại học Phúc Đán và đại học Giao Thông thì lại có phần ưu tiên dân Thượng Hải, tương tự thế, việc Diêu Viễn có thể xếp đại học Trung Sơn vào mục nguyện vọng hai, cũng nhờ vào cái phúc là thí sinh tỉnh Quảng Đông.

Không ngờ chuyện thi đại học lại nhiêu khê thế này, Diêu Viễn nào giờ có nghe Triệu Quốc Cương nói gì đâu, nó và bạn cùng phòng Vu Hải Hàng học ngành kỹ thuật thông tin, nghe bảo ngành này tương lai cũng khá khẩm lắm, còn cậu bạn đeo kính và Trương Quân học về kỹ thuật máy tính.

Diêu Viễn chịu không nhớ nổi tên, đành phải nhận mặt trước đã, sắn gán cho cậu đeo mắt kính biệt danh Ngố Cận. Tại vì cái cậu này người đã nhỏ thó lại trông có vẻ ngố tàu.

"Các cậu không biết tụi Sơn Đông bọn mình điểm nó cao thế nào đâu." Vương Diệp nào biết Diêu Viễn âm thầm tặng nickname cho mình, cậu ta kể, "Sơn Đông là cái ổ cạnh tranh đại học khốc liệt nhất cả nước..."

Bốn đứa vừa mới quenbiết nhau, đề tài chủ yếu xoay quanh mấy tháng trước khi thi đại học, hết chuyệnđiểm đóm lại chuyển sang chuyên ngành của từng đứa, ngành khoa học máy tính củaTrung Sơn rất có triển vọng, mấy năm gần đây ngành này bắt đầu cung cấp nhân tài cho vùng đồng bằng Châu Giang, triển vọng nghề nghiệp khá là thênh thang.

Một hồi sau có người gõ cửa, bạn cùng lớp nhắc bọn họ đi lãnh quân phục và chăn mền.

Diêu Viễn đi ra đánh tiếng chào hỏi, mới hay cái tầng nó đang ở có đám nam sinh cùng lớp chiếm phân nửa, cứ hai người lớp nó với hai người ngành khác ở chung một phòng, nó bèn đi cùng Vu Hải Hàng xuống dưới lầu nhận chăn với chậu rửa mặt.

Vu Hải Hàng bảo, "Anh cậu thương cậu quá há, đi bên này, đừng chạy lung tung. Cậu chưa đi xa nhà bao giờ à?"

Diêu Viễn thiếu trải nghiệm cuộc sống, bao nhiêu năm qua có ông ba hoặc anh trai y như bảo mẫu lo liệu cho, ngay cả bản đồ cũng không biết coi, giờ nó hệt như một chú chó pug bị ném vô một ổ chó nhà, mặt mày ngơ ngác rầu rĩ, cả Vu Hải Hàng cũng nhìn ra.

"Sao cậu nói thế?" Diêu Viễn vừa xếp hàng vừa tám chuyện với Vu Hải Hàng.

"Thì ổng trải giường còn thu dọn cho cậu còn gì." Vu Hải Hàng cười bảo, "Hồi trước bị cậu bắt làm bảo mẫu hả."

Diêu Viễn ngượng nghịu cười cười, rồi hỏi, "Ba mẹ không đưa cậu đến đây à?"

Vu Hải Hàng hút xong điếu thuốc Đàm Duệ Khang mời, cười đáp, "Lộ phí tốn kém lắm, không thể để họ đi được."

Diêu Viễn gật gật đầu, biết bạn cùng phòng đứa nào cũng gia cảnh khó khăn, trừ Trương Quân có mang một bộ dàn máy tính còn chưa gỡ bao kiếng đến đây, Ngố Cận với Vu Hải Hàng chẳng có máy tính, quần áo của Vu Hải Hàng kiểu dáng quê mùa, cậu ta còn xỏ đôi giày chơi bóng trông cũ cũ bẩn bẩn.

"Tui mời cậu uống nước nha?" Diêu Viễn đề nghị.

Vu Hải Hàng vội nói không cần đâu, Diêu Viễn cũng không nài thêm, mua cho mình một chai nước, hai đứa ôm một đống lỉnh kỉnh lên lầu, còn hai hôm nữa mới học quân sự, tụi nó bèn nói chuyện luyên thuyên trong phòng ngủ.

Buổi tối có một đàn anh cao to đẹp trai đến phòng dạy cách gói ghém chăn mền, lấy chăn của Diêu Viễn ra làm mẫu, anh ta cao hơn Diêu Viễn, và kiểu đẹp trai cũng không giống Diêu Viễn.

Diêu Viễn thế mà lại lấy làm căng thẳng, hoàn toàn không nghe lọt tai đàn anh nói gì. Nó hoàn toàn không hiểu nổi suy nghĩ trong đầu mình, tại sao nó lại căng thẳng? Tại sao nó lại căng thẳng với một người cùng giới tính có ngoại hình đẹp? Ôi thôi tiêu rồi.

Câu chuyện từ rất lâu Diêu Viễn cố gắng quên lãng nhất thời lại bị xới lên. "Sao vậy?" Vu Hải Hàng để ý thấy Diêu Viễn thất thần, bèn nhắc nhở nó.

Đàn anh bảo, "Bé dễ thương, cái này anh gói ghém lại giúp cậu, hôm sau cứ vác lên lưng đi quân sự là được."

Diêu Viễn vội vàng cảm ơn, đàn anh đi hút bóng rồi, Diêu Viễn lại ngơ ra, lòng nó rất khó chịu, có lẽ nó đúng là một người đồng tính thật rồi.

Gay thì gay chứ, nhưng gay sau này phải làm sao... thôi bỏ đi không nghĩ nữa. Diêu Viễn đề nghị, "Tối nay tui đãi nhé, mọi người đi ăn chung nha?"

Mọi người vội từ chối, bảo nhau ra căn-tin ăn, Diêu Viễn cũng đành thôi, đi theo mọi người ra căn-tin, cơm vừa cứng lại khó nuốt, đồ ăn mặn bác gái trong căn-tin múc cho có chút tẹo, một thìa chỉ lưa thưa vài miếng thịt.

"Sao mà ít dữ thần vậy?" Diêu Viễn phàn nàn, "Đồ ăn cũng dở ẹc nữa."

"Món mặn có hai tệ à. Đồ chay thì năm xu." Trương Quân cười bảo, "Nhiều làm sao được? Ý là bác gái thấy cậu đẹp trai nên đã cho nhiều lắm rồi á."

Cả bốn đứa đều phì cười, Ngố Cận xơi hai phần cơm chay, Vu Hải Hàng lại mua nửa ký cơm, ăn xong còn muốn ăn thêm, cậu ta bảo, "Người phương nam các cậu không ăn màn thầu, ăn cơm không sao mà no. Lại vẫn phải ăn thêm màn thầu."

Diêu Viễn mua một đống đồ ăn, đó là nó dựa theo tiêu chuẩn phần ăn nhanh giá mười tệ hồi cấp ba, hơn nữa mỗi phần thức ăn chỉ có một thìa bé xíu, lựa tới lựa lui cũng không đủ đô. Nó ăn thử vài miếng, chả ngon lành gì, cơm lại càng không nuốt trôi, gạo vừa khô vừa nhai lạo xạo, trời thì oi nóng, cơ bản là ăn không vô, nó muốn gọi thêm ít đồ chiên xào, nhưng không hiểu sao lại cảm thấy mình kêu nhiều vậy thì không được hay cho lắm.

Đang ăn thì có tin nhắn của Đàm Duệ Khang: [Em à, đi nhận đồng phục quân sự chưa? Ăn cơm chưa?]

Diêu Viễn: [Lấy rồi, đang ăn nè.] Đàm Duệ Khang: [Ăn gì đó?]

Diêu Viễn: [Thịt kho tàu, cá trắm, xíu mại cay ngọt, canh rong biển sườn lợn, cải thìa, bông cải xanh.]

Đàm Duệ Khang: [Tối nhớ ngủ sớm một chút nhé, mọi người trong phòng thế nào?]

Diêu Viễn: [Ai cũng tốt, ở chung có vẻ ổn, còn anh?] Đàm Duệ Khang: [Chỗ anh cũng ổn.]

Diêu Viễn không nhận ra là mình gọi quá trời đồ ăn, nuốt không trôi nên thừa mứa nhiều, đến khi ba người còn lại chòng ghẹo nó lãng phí, Diêu Viễn mới thấy lúng túng, nhưng chẳng biết làm gì khác ngoài im lặng là vàng.

Còn nhớ hồi mới vô lớp bảy, nó ngồi chung bàn với Tề Huy Vũ, Diêu Viễn mang theo máy nghe nhạc Walkman của Panasonic nhập khẩu rất đắt tiền thời bấy giờ, nó với Tề Huy Vũ mỗi đứa nhét một bên tai nghe chung, còn lấy kẹo sữa Poko ra mời Tề Huy Vũ ăn, hai đứa trở thành bạn tốt của nhau, hộp kẹo cũng được truyền đi chia cho hơn nửa lớp học, cũng từ đấy mà Diêu Viễn được gán cho biệt danh Poko.

Sau tiết thể dục, nó người đẫm mồ hôi đi mua nước uống, Trương Chấn ở kế bên bèn nói, "Poko, bao tao chai nước đi."

Diêu Viễn bao cậu ta một chai, rồi mời luôn cả Tề Huy Vũ, thấy Lâm Tử Ba gần đó, lười cất tiền xu lẻ nên mua luôn bốn chai mười tệ, rồi chia cho Lâm Tử Ba chai cuối cùng.

Chỉ đơn giản có vậy, bốn đứa trở thành bạn thân.

Giờ việc giao du với người mới, đánh bạn với nhau dường như lại nảy sinh thêm một vấn đề - đó là tiền. Tuy các bạn cùng phòng không nói trắng ra, nhưng

chủ đề luôn xoay quanh tương lai, nghề nghiệp, và những nội dung liên quan đến vật chất.

Khi còn bé, tiền chỉ là tiền, tiền chỉ là một tờ giấy có thể mua được đồ ăn thức uống, đồ tiêu dùng hoặc đồ chơi mà thôi.

Sau khi lớn lên, những tờ giấy đó tựa như càng chất chứa thêm nhiều thứ: sinh hoạt, bối cảnh, địa vị xã hội, chênh lệch mức sống. Mọi người đều nghĩ rằng, bây giờ chưa có, nhưng sau này sẽ có. Cậu có tiền tôi cũng chẳng thèm, bởi tôi sẽ nỗ lực bằng chính sức mình, sớm muộn gì cũng có.

Ăn tối xong, Diêu Viễn ngồi vào bàn xem sách tranh, bạn cùng phòng tán gẫu linh tinh nó chẳng hào hứng tham gia, bọn họ lại chơi đấu địa chủ, rồi chơi tấn, mấy trò này Diêu Viễn cũng chẳng biết nốt, chỉ biết trò tiến lên mà người Quảng Đông vẫn chơi.

Bọn họ nói về chuyện vào nghề, đi làm, rồi xin vào làm ở Đông Quản một tháng có thể kiếm được bao nhiêu, đồng thời tràn trề mong chờ vào cuộc đời sinh viên sắp tới, trong lời nói toát lên chí hướng ngất ngưởng từ con tim, bàn xem chừng nào đi làm gia sư kiếm ít tiền tiêu, kể chuyện họ hàng ở nơi đẩu nơi đâu mở nhà máy buôn bán lời hơn trăm ngàn, rồi chuyện phong tục tập quán ở quê mỗi người... Vu Hải Hàng thích Trương Học Hữu, còn bắt Diêu Viễn hát vài câu tiếng Quảng nghe chơi, Diêu Viễn dở khóc dở cười, bảo rằng tự nhiên tiếng Quảng biến thành kỹ năng cao cấp.

"Sau này cậu dạy cho bọn mình nói tiếng Quảng Đông nhé." Vu Hải Hàng bảo.

"Được..." Diêu Viễn bó tay toàn tập, "Đảm bảo sau này các cậu tốt nghiệp xong đều rành chín trăm câu thoại Quảng Đông."

Diêu Viễn thử vài bận, cuối cùng đành phải thừa nhận rằng cậu nói chuyện với họ không hợp, cậu không hiểu chuyện nghề ngỗng quan trọng tới chừng nào, tiền có liên hệ sâu xa gì đến giá trị và địa vị xã hội của bản thân, không biết rằng trong suy nghĩ của nhiều người, Quảng Đông là chốn vàng vung rải nơi nơi.

Tụi Vu Hải Hàng thời cấp ba đứa nào cũng học hành khắc khổ, tư tưởng của họ đó là tới Quảng Châu rồi sẽ cố gắng bám trụ, sau đó kiếm công việc tại đồng bằng Châu Giang có mức kinh tế phát triển cực cao, rồi rước ba mẹ sang.

Diêu Viễn vốn dĩ không có khái niệm gì về công ăn việc làm, có người hỏi nhà nó làm gì, Diêu Viễn chỉ bảo ba nó mở một công ty nhỏ rồi chẳng dám nói gì hơn. Cũng không dám hé lộ chuyện từ hồi cấp ba đã được ướm cho vị trí thư kí tổng giám đốc của một công ty có niêm yết trên sàn, ngay cả vấn đề tiền bạc, đến giờ nó vẫn chưa thực sự hình thành một khái niệm minh xác.

Trước khi chia tay, Đàm Duệ Khang đưa cho nó một nghìn tệ, Diêu Viễn một mặt nhắc nhở bản thân không tiêu pha bừa bãi, mặt khác lại không dằn được lại cầm hai trăm tệ xuống lầu mua đồ uống bữa chiều, đồ uống bữa tối, đồ uống

sáng ngày mai, đồ ăn vặt lúc nửa đêm đói bụng, rồi mua mì ăn liền, một cái quạt máy nhỏ mắc ở đầu giường, dầu xông chống muỗi, thêm một đống tiểu thuyết và truyện tranh các anh chị lớp trên rao bán.

Lúc khuân về, Ngố Cận liếc đống truyện tranh sách ảnh của Diêu Viễn xong, bèn phán một câu, "Cậu mua đống này về có ích lợi gì chứ?"

"Đọc chứ sao." Diêu Viễn cười bảo, "Không thì hai bữa nữa chán lắm." "Nhà cậu khá giả thật." Trương Quân cười góp lời.

"Không hề không hề." Diêu Viễn vội phủ định, nó biết Trương Quân chỉ thuận miệng nói vậy chứ chẳng có ý gì đâu, nhưng ai để tâm đến quần áo rồi cử chỉ của nó, đều biết chắc trăm phần trăm nó là một đứa thuộc gia đình có điều kiện đến từ Thâm Quyến.

Trong tư tưởng bọn họ, Diêu Viễn mang hình dung đại khái thế này: ba bận rộn việc làm ăn, không có cả thời gian đưa con mình nhập học, nếu không chắc cũng lái xe đưa cậu ta đến trường, thế nên phải để anh lo thay, quen tiêu tiền, lúc ăn gọi rất nhiều món, còn không ngừng chủ động mời người khác ăn uống.

Đây là một thế giới đầy bỡ ngỡ, Diêu Viễn lần đầu tiên mới được tiếp xúc một góc cạnh khác của xã hội.

Dưới lầu có các đàn anh vừa học vừa làm cầm thẻ điện thoại rao bán, Vu Hải Hàng và Vương Diệp không có điện thoại, dùng thẻ điện thoại đường dài 210 trong phòng gọi về nhà báo bình an, Trương Quân đổ bột giặt vô cổ áo ra sức vò, tiếng quạt quay vù vù, trời đã oi còn bết dính, không giống như trong nhà có điều hòa, cũng chẳng phải đêm hè sao giăng đầy trời ở quê ngoại. Không có Đàm Duệ Khang nhẹ nhàng phe phẩy cái quạt, cũng không có chăn để ôm. Để cho mát Diêu Viễn không thể không dùng loại mền đơn khá mỏng, nó cảm thấy chẳng quen chút nào, không hề có cảm giác an toàn mà điều hòa và tấm chăn trùm kín mang lại.

Tắt đèn rồi, Vu Hải Hàng với Trương Quân vẫn còn nói chuyện, chủ yếu kể lể lịch sử tình trường của bọn họ, Trương Quân định bụng sẽ kiếm một cô bạn gái ở đại học.

Diêu Viễn bò lên chiếc giường cứng ngắc, mùi hương chống muỗi xông bằng điện chui vào mũi.

Vương Diệp cười nói, "May mà Triệu Diêu Viễn mua hương muỗi, bằng không chẳng biết mấy ngày tới chịu sao thấu."

Diêu Viễn cũng cười đáp, "Không có chi."

Nó nằm trên giường nhỏ và hẹp, không đủ để dang tay dạng chân, ở kiểu này thật khó sống quá đi.

Trong một khoảnh khắc, nó nhớ nhà da diết. Nó nghiêng người, lấy chăn che bớt ánh sáng nhắn tin cho Đàm Duệ Khang: [Anh à, em nhớ anh.]

Đàm Duệ Khang: [Tiểu Viễn, anh cũng nhớ em quá, không có em bên cạnh chẳng quen chút nào.]

Giây lát ấy mọi cảm giác buồn ngủ của Diêu Viễn đều tan biến, tựa như sự thổ lộ kín đáo của nó được đáp lại, đáy lòng vừa ngọt ngào pha lẫn phiền muộn.

Đàm Duệ Khang: [Ngủ đi, đừng thức khuya quá. Ngủ ngon nhé.] Diêu Viễn: [Anh ngủ ngon.]

Diêu Viễn thấy nóng nực vô cùng, nó lăn qua lộn lại trên giường, Vu Hải Hàng vẫn còn làm nhảm với Trương Quân, ồn chết đi được. Diêu Viễn muốn bảo bọn họ tắt đài phát thanh dùm, có cái gì đâu mà nói mãi, có mỗi chủ đề bạn gái thôi mà cứ tía lia hoài không dứt.

Nhưng nó chẳng dám mở mồm "Các cậu đừng nói nữa cho tôi ngủ", dù sao nó vẫn còn phải ở chung ký túc xá với họ bốn năm nữa, có rất nhiều chuyện nó không rành đường đi nước bước, cũng hiềm mới bữa đầu tiên đã đắc tội với người khác.

Còn Ngố Cận đã gỡ mắt kính ra, nằm trên giường ngủ khò khò, bọc chăn kín mít như cái kén mà không sợ nóng chi cả.

Mỗi bận Vu Hải Hàng và Trương Quân lắng tiếng xuống, Diêu Viễn liền thở phào nhẹ nhõm, tưởng rằng có thể ngủ được rồi, ai ngờ chưa tới vài giây sau, Trương Quân lại lên tiếng nói, "Con gái Hàng Châu ngọt nước lắm..."

Thế là hai đứa nó lại tiếp tục liến thoắng.

Ông giời ơi! Diêu Viễn bị chọc cho muốn chửi lắm rồi, nó khổ sở không nói sao cho hết. Nó bò xuống giường đi vệ sinh mấy lần, ngoài kia an tĩnh bao trùm, đã hai giờ khuya, hai con người nhiều chuyện kia rốt cuộc đã bặt tiếng.

Diêu Viễn kiệt sức nằm rũ ra giường, đang mơ màng thiu thiu ngủ, Vu Hải Hàng bắt đầu cất tiếng ngáy.

Diêu Viễn giật mình thức giấc. Diêu Viễn, "..."

Diêu Viễn suýt phát cuồng trở mình một cái, nằm sấp trên chiếu căn bản không ngủ được, đầu miên man nghĩ ngợi, nghe đâu mấy bữa nữa học quân sự còn khổ ải với mệt mỏi hơn thế...

Loáng cái nó bỗng muốn chết quách cho xong.

Bốn giờ hơn, Diêu Viễn đã hết xí quách nặng nề chìm vào giấc ngủ, kết thúc ngày đầu tiên sống tập thể sau khi xa rời Đàm Duệ Khang.

Bảy giờ sáng, lớp trưởng hai khoa qua gõ cửa, lần lượt thông báo, tám giờ đi họp, thầy cố vấn có chuyện cần phổ biến.

Diêu Viễn sắp điên mất rồi, nó chỉ mới ngủ có hai tiếng rưỡi thôi đó!!! Còn không để cho người ta sống với a a a!!!