Hơn 7 giờ sáng, bên ngoài lại có người mở cửa đưa thức ăn vào, lần này không ai xa lạ mà là thím Đại. Thím Đại bưng mâm đồ ăn sáng trêи tay, thái độ vui vẻ khác thường:
- An An, cô ăn sáng đi, hôm nay chắc bận rộn dữ lắm đó.
Thấy thím Đại, tôi gấp gáp chạy đến hỏi:
- Thím Đại, rốt cuộc mọi chuyện là sao? Tới khi nào thì tôi mới được thả ra ngoài?
Thím Đại đặt mâm thức ăn xuống bàn, giọng bà ta dịu xuống:
- Chắc lát nữa cô được thả thôi... mà tôi nhiều chuyện nói cái này...
Giọng thím ấy khuyên nhủ:
- Cô... thật ra cũng không có xinh đẹp gì, nhà cửa lại nghèo lại còn thiếu nợ tùm lum. Thôi thì hy sinh đời cô để củng cố đời em trai cô đi, như vậy cũng coi như là cô báo hiếu cho cha mẹ của mình. Chứ cha mẹ cô già rồi, giờ để hai người bọn họ chịu khổ vì cô... ai mà làm vậy được phải không An An?
Càng nghe thím Đại nói, tôi càng cảm thấy hoang mang:
- Thím nói vậy là sao? Thím nói thẳng ra luôn đi, đừng úp mở như vậy nữa.
Thấy tôi có vẻ cứng rắn, thím Đại suy nghĩ một hồi cũng quyết định nói thẳng ra:
- Như vầy, lão phu nhân không còn cách nào khác phải đành chọn cô gả về đây làm vợ cậu Hai. Dù sao thì tôi và cô cũng là chỗ quen biết, tôi cũng không muốn giấu giếm gì cô hết... cậu Hai nhà này... bị bệnh rất nặng... có thể là không qua khỏi. Mà cái tục lệ của nhà này, cứ hễ cậu trai nào chết mà chưa vợ thì lúc chết phải lấy luôn vợ để chôn cùng... gọi là kết hôn để xuống dưới... có người hầu hạ bầu bạn...
Tôi run run, nói năng lấp bấp:
- Rồi... rồi... rồi thế nào nữa?
Thím Đại nhìn tôi bằng ánh mắt thương hại:
- Cô... là người được tổ tiên nhà này chọn, cô giữ bao lì xì đỏ thì coi như có duyên nợ vợ chồng với cậu Hai... nếu cậu chết thì cô sẽ được bồi táng theo cậu ấy...
Miệng tôi cứng đơ, khó khăn lắm mới nói được vài chữ:
- Sao... sao có thể được... tôi... tôi còn sống mà...
Thím Đại kéo tay tôi đi tới giường ngồi xuống, thím ấy vừa trách vừa khuyên:
- Thì tôi biết là cô còn sống, tôi cũng thấy tiếc cho cô... nhưng ai biểu cô nhặt bao lì xì đó làm gì, bộ cô không biết nhặt bao lì lì không rõ nguồn gốc là chuyện cấm kỵ ở vùng này hay sao? Giờ cô nhặt thì cũng đã nhặt rồi, bao lì xì cũng đã tìm thấy ở trong túi xách của cô... có chối thì cũng không được. Cô cũng đừng trách nhà chồng mình độc ác... nếu cô không nhặt bao lì xì lên thì cũng đã không có chuyện như ngày hôm nay.
Tôi không cam tâm, hỏi lại:
- Nhưng tôi là một người còn sống, bọn họ làm sao có thể giết chết tôi chỉ vì muốn có người chôn cùng con cháu họ được?
Thím Đại thở dài khuyên bảo:
- Được hết đó An An à, người ta có tiền, người ta làm cái gì mà không được. Đừng nói là mua mạng của cô, giờ có mua luôn mạng 1 nhà 4 người cô còn được nữa là... biết là bất công cho cô nhưng cô nhập gia thì phải tùy tục. Phép vua thua lệ làng, cô chống cự không được đâu.
Tôi bị tức đến nghẹn họng, cảm giác bản thân mình chẳng có một chút giá trị nào hết. Mua mạng, bọn họ cứ thế mà mua mạng một người đang sống sờ sờ?
Thấy tôi im lặng, thím Đại lại nói tiếp:
- Cô nên ngoan ngoãn nghe theo đi, tốt nhất đừng làm chuyện gì đó dại dột để rồi liên lụy đến cha mẹ cô. Tôi nói cô nghe nè An An, chết thì đáng sợ thật đó nhưng nếu chết mà đổi lại được cuộc sống sung túc cho cha mẹ mình... tôi thấy cũng không oan uổng đâu. Mẹ cậu Hai là người hiền lành hiểu chuyện, bà ấy không để cho gia đình thông gia của mình bị thiệt đâu mà cô lo. Với lại, cậu Hai cũng chưa chết mà, vẫn còn hy vọng...
Tôi cười thầm trong lòng, hy vọng... hy vọng gì nữa với một người đang hấp hối chứ?
Tôi im lặng một lát rồi mới quay sang thím Đại, tôi hỏi:
- Cha mẹ và em trai tôi thế nào rồi? Các người không làm hại gì bọn họ phải không?
- Tất nhiên là không làm gì rồi, sau này đều là thông gia, là người chung một nhà... cô là vợ cậu Hai, ai dám làm gì gia đình cô chứ.
- Vậy... các người có thể cho tôi gặp mẹ tôi được không?
Thím Đại do dự nhìn tôi:
- Chuyện này... gặp thì chắc là được nhưng cô... cô có giở trò gì hay không...
Tôi cười nhạt:
- Thím nghĩ tôi làm gì được, các người nắm thóp được tôi thì còn sợ tôi làm gì nữa hay sao? Tôi chỉ muốn gặp mẹ tôi, muốn nói chuyện với bà ấy vài câu... sợ là sau này... tôi sẽ không còn cơ hội được nói chuyện với bà ấy nữa.
Nghe tôi nói như thế, thím Đại có vẻ mừng rỡ, thím ấy cao giọng trả lời:
- Vậy... xem như cô nguyện ý rồi phải không? Phải như vậy chứ, làm người là phải biết suy nghĩ sâu rộng như vậy... được... để tôi báo với lão phu nhân một tiếng, chắc là cô sẽ đuợc gặp mẹ cô mà thôi, yên tâm đi.
Nói rồi, thím Đại ngoe nguẩy đi ra ngoài, cũng không quên khóa cửa bên ngoài thật kỹ. Tôi ngồi trong phòng, hai mắt ngước nhìn về phía bức ảnh treo trêи tường, trong lòng đột nhiên cảm thấy thanh tĩnh hơn rất là nhiều. Đúng, thím Đại nói đúng, nếu đổi mạng tôi mà có thể lấy được sự sung túc cho gia đình mình thì sự hy sinh của tôi cũng là đáng giá. Nhìn cha mẹ làm lụng khổ cực, tôi thật sự chịu không được. Thôi coi như phúc phần của tôi hạn hẹp, tôi sống được đến bây giờ đã là hay lắm rồi, cũng không dám đòi hỏi thêm gì nữa đâu.
Thím Đại đúng là làm được chuyện, chỉ hơn nửa tiếng đồng hồ sau, thím ấy đã đưa mẹ tôi đến gặp tôi. Hai mẹ con vừa thấy nhau đã khóc đến long trời lở đất, mẹ hỏi han sức khỏe của tôi, tôi hỏi han tình hình của gia đình, cũng không hỏi được gì nhiều vì có người đứng hai bên canh giữ. Gần đến lúc ra về, mẹ tôi lại không nhịn được mà quỳ xuống xin lỗi tôi:
- An An... mẹ lạy con... con tha lỗi cho cha mẹ... cha mẹ nghèo hèn quá... không cứu được con... biết con gặp nguy hiểm... vậy mà cha mẹ chỉ có thể giương mắt nhìn con chết... mẹ lạy con... cha mẹ lạy con...
Tôi khóc, mẹ tôi còn khóc nhiều hơn tôi, lòng tôi đau như cắt, vội vàng ôm chầm lấy bà an ủi:
- Mẹ đừng nói như vậy mà... lỗi phải gì... là con bất hiếu... không chăm sóc cho cha mẹ được lúc tuổi già... con đi lấy chồng rồi... cha mẹ phải cố gắng giữ gìn sức khỏe... mẹ nhớ chăm sóc cho cha nha mẹ... thấy cha vậy thôi chứ cha yếu mềm lắm. Không có con... không biết ai mua rượu cho cha nữa... thiệt con thương nhà mình lắm... con thương nhà mình nhiều lắm...
Hai mẹ con bù lu bù loa vừa khóc vừa xin lỗi lẫn nhau, tôi khóc đến hai tai ù đi, mẹ tôi thì gần như đứng không vững nữa. Nhìn gương mặt khổ sở tái nhợt của bà mà lòng tôi đau như có ai đâm dao vào vậy, giờ mà có thêm cha với thằng Toàn ở đây... chắc cả nhà tôi khóc thành một dòng sông luôn quá. Đau lòng thật, còn gì thê lương hơn việc người đầu bạc phải tiễn kẻ đầu xanh?!
Cũng tại tôi nghèo quá, nghèo nên sinh ra hèn, bao lì xì của ai bên đường cũng vô cớ nhặt lên xem xem bên trong có tiền hay không. Nếu tôi không ham tiền thì người ngồi đây bây giờ đã chẳng phải là tôi rồi...
Mẹ tôi được thím Đại đưa ra ngoài, dù rất không nỡ nhưng tôi cũng không còn cách nào khác. Mẹ nói, ở nhà vẫn tốt, có gặp một chút rắc rối nhưng giờ hết rồi. Bà nội của cậu Hai có ý muốn trả hết nợ nần cho cha mẹ tôi, còn cho nhà tôi một khu đất, một ít vốn cùng với công việc tử tế cho cha và thằng Toàn. Còn nếu như chống đối, vậy thì coi như là tự tìm đường chết với nhau. Mẹ tôi nói là nói để cho tôi an lòng chứ làm gì có chuyện chỉ gặp một ít rắc rối được...
Tôi biết cha mẹ tôi cũng đã chống trả rất quyết liệt vì muốn bảo vệ tôi nhưng càng vùng vẫy thì càng thảm hại, có khi là nhiều người chết chứ không phải chỉ có một mình tôi. Cha mẹ tôi làm sao chống lại được nhà ông Độ lắm tiền nhiều của, quyền lực ngang trời được mà chống. Mà tôi, tôi cũng không muốn cha mẹ tôi chịu khổ cực... như thế này coi như là tốt lắm rồi.
Từ nhỏ tôi đã lăn lộn theo cha mẹ làm ăn, dù ít hay nhiều tôi cũng học được vài quy luật cơ bản của cuộc sống. Nếu như tôi chỉ có một mình, tôi hứa danh dự với cuộc đời sẽ không bao giờ dễ dàng để người nhà họ Huỳnh đè đầu cưỡi cổ như vậy, dù có chết cũng phải chết trong vinh quang. Nhưng đó chỉ là ý nghĩ khi tôi sống đơn độc một mình, còn đằng này, tôi còn cha còn mẹ còn em trai, tôi làm liều thì được nhưng còn cha mẹ và em trai tôi thì sao? Nếu đã biết cố chấp sẽ để lại hậu quả không tốt, vậy thì tôi chắc chắn sẽ không làm. Sống ở đời cũng nên biết mình biết ta, nếu không thể thắng, vậy cũng đừng để bản thân mình thua đến mức không còn gì. Cha mẹ tôi lớn tuổi rồi, chịu ít đả kϊƈɦ thôi, nếu tôi đã không chăm sóc được cho họ, vậy thì để em trai tôi thay thế tôi vậy. Ít ra khi tôi chết đi rồi, cha mẹ và em trai tôi sẽ có được cuộc sống tốt hơn, bình yên hơn... như vậy, tôi đã có thể mỉm cười mãn nguyện nơi chín suối.
........................
Sáng hôm sau, lúc gà còn chưa gáy, bên ngoài đã có tiếng bước chân chạy rần rần, nghe có vẻ náo nhiệt gấp gáp lắm. Tôi bước xuống giường rồi đi tới cửa để nghe ngóng tình hình, còn chưa kịp áp tai vào cửa thì cửa đã đuợc mở ra, thím Đại cùng vài người nữa gấp gáp lôi tôi vào trong phòng rồi đóng sầm cửa lại. Thấy tình hình có chút kỳ lạ, tôi liền hỏi:
- Thím Đại... chuyện gì vậy?
Thím Đại nhìn tôi, mặt mày bà méo xệch:
- Cô thay quần áo đi, cậu Hai... cậu ấy đi rồi.
Tôi sững người, hai chân như chôn chặt dưới sàn nhà, nhiệt độ không lạnh nhưng không hiểu sao cả người tôi lại run rẩy như bị chết rét. Mặt biến sắc đến tái nhợt, tim đập như muốn văng ra khỏi lồng ngực, môi mấp máy nặng nhọc:
- Cậu Hai chết rồi... tôi... tôi... cũng phải chết!