Mưa Bóng Mây - Dư Trình

Chương 53




Thời Mông quay về chỗ ở, lúc đi qua khoảnh đất trồng cúc vạn thọ trước sân, dừng lại nhìn một hồi, cuối cùng cậu vẫn không dỡ bỏ mái che vừa mới được dựng lên.

Trời mưa phòng mưa, trời nắng phòng nắng, một cái mái che hai tác dụng, có gì không tốt?

Nhấc bình nước lên theo thói quen, cậu do dự một lúc rồi quyết định không ra sân tưới hoa. Với thái độ nghiêm túc tin vào khoa học, Thời Mông còn cầm điện thoại lên mạng tra cứu, baike xác nhận cúc vạn thọ ưa khô ráo sợ ẩm ướt, cậu coi lựa chọn của mình là muốn hoa sinh trưởng tốt, không liên quan đến những thứ khác.

Làm vội vài món cho xong bữa trưa, rồi Thời Mông ngồi xuống trước khung vẽ.

Thầy Mã đã thay mặt cậu đăng ký tham gia cuộc thi hội họa, chủ đề lần này là vẽ chân dung, Thời Mông cầm bút than gạch gạch xóa xóa trên giấy vẽ một hồi vẫn chưa nghĩ ra nên vẽ gì.

Cậu không thạo vẽ chân dung, thậm chí còn có một sự mâu thuẫn bản năng với đề tài này. Trước đó cậu và thầy Mã đã nghiên cứu thảo luận vấn đề này qua email, ý kiến của thầy Mã là cậu hãy thử vẽ người dân lao động phổ thông xung quanh mình, miêu tả lại những chi tiết chân thực nhất, bởi càng là thứ mộc mạc càng dễ lay động lòng người.

Thế là Thời Mông bắt đầu tìm kiếm trong đầu những người mà cậu đã gặp gần đây. Phan Gia Vĩ vừa bấm thêm 2 cái lỗ tai, nhìn hoàn toàn không có miếng nào liên quan đến 2 chữ mộc mạc; Dì Phan vừa đi uốn

tóc, phải quan sát kỹ thì mới vẽ lại được; Vệ tiên sinh mà hôm qua vừa gặp, ngôn từ cử chỉ hoàn toàn là một nhà tư sản chứ không phải dân lao động tay chân; Bà chủ quán ăn sáng đang bận sửa lại cửa sổ kính, sáng nay không mở cửa; còn người mới gặp hồi trưa ở Cục cảnh sát kia…

Cậu tự nhủ, nhất định là do phục hồi chức năng chưa đầy đủ, tay vẫn chưa ổn định, mà bên cạnh cậu chỉ có mấy người này tới tới lui lui, nên bỗng nhiên nghĩ đến anh ta là chuyện rất bình thường.

Nghĩ đến đây, cậu móc dây thun trong túi ra, nhớ lại cách bác sĩ hướng dẫn hôm qua, làm động tác co duỗi bằng ngón cái và bốn ngón còn lại.

Từ ngón trỏ đến ngón út, lần lượt từng ngón, đang định bắt đầu lại một vòng mới, chợt bên ngoài vang lên một tiếng cạch, là tiếng cổng sắt bị đẩy ra.

Lúc nhìn ra bên ngoài, thấy người xách túi lớn túi nhỏ đang đứng ở cổng, Thời Mông vô thức chớp chớp mắt, không rõ có phải mình nhìn nhầm hay không.

Người tới thăm cũng không quá bình tĩnh, bàn tay siết chặt cho thấy bà đang rất căng thẳng.

Hai người nhìn nhau cả nửa ngày, Lý Bích Hạm lên tiếng phá vỡ sự im lặng trước, nhẹ nhàng nói: “Hiếm khi được nhàn rỗi nên hôm nay dì muốn trực tiếp đưa đồ đến đây, vốn định để xuống rồi đi luôn, không ngờ cánh cổng này không khóa…”

Thuận theo ánh mắt của bà, Thời Mông nhìn về phía cổng.

Dù đã làm lại khóa nhưng khi về nhà cậu quen tay chỉ kéo một phát, mặc kệ nó có đóng hẳn hoi hay không, dù sao thì bên trong vẫn còn cánh cửa nữa.

Thời Mông “à” một tiếng, vì chưa từng ứng phó tình huống kiểu này bao giờ nên đành phải nói như khi tiếp đãi khách khứa: “Vào nhà uống chén trà nhé ạ?”

Họ uống trà nhài do chính Lý Bích Hạm gửi tới.

Hai hôm nay khách tới chơi tấp nập, nên Thời Mông để sẵn đồ pha trà trên bàn.

Thấy đồ mình đưa tới được sử dụng vào mục đích thích đáng, Lý Bích Hạm mím môi cười, nâng tách trà lên uống một ngụm rồi hỏi Thời Mông: “Trà lài này không phơi khô hẳn, cảm giác khá nhạt miệng, con uống có quen không?”

Thời Mông cũng tự rót cho mình một tách, nghe vậy ngẩng lên gật đầu đáp: “Vâng.”

Cậu nghĩ, đã nhận đồ rồi thì không thể bắt người ta đứng ngoài, dù từ nhỏ không ai dạy cậu nhưng phép lịch sự tối thiểu ấy cậu vẫn hiểu.

Lý Bích Hạm lại nhắc đến hoa trong sân: “Hạt giống dì gửi cho con nảy mầm rồi à? Trồng sớm cũng tốt, mùa xuân năm sau là kịp nở hoa rồi.”

Lời này khiến Thời Mông tự dưng nhớ đến mấy gốc tường vi bị cậu xới tung gốc lên, nếu chúng bén được rễ thì có phải mùa xuân sang năm cũng nở rộ hay không?

Uống xong trà, Lý Bích Hạm đứng lên: “Lần nay mang nhiều đồ quá, để dì cầm xuống bếp phân loại ra giúp con.”

Thời Mông cũng vào theo, nhìn bà lấy ra từng chiếc hộp tinh xảo trong túi giữ ấm lớn hơn nhiều so với cái lần trước người kia mang đến, có hộp trong suốt, có hộp in hình chú thỏ bé xinh, giống với cái đặt trên bệ cửa sổ.

“Đây là tương thịt bò (*), dì và dì Phương của con mới nghiên cứu ra cách chế biến mới… Đây là trà bưởi, dì tự mày mò tìm hiểu, con thử xem, nếu không hợp khẩu vị thì bỏ đi… Đây là lạp sườn, ngày thường nếu bận không kịp nấu đồ ăn thì bỏ vào nồi cơm hấp chín, xắt miếng là ăn được, lúc xắt thì cứ từ từ đừng vội, kẻo bị bỏng…”

(*) 牛肉酱:

Lý Bích Hạm vừa xếp chai chai lọ lọ ra trước mặt Thời Mông vừa giới thiệu kỹ càng. Sự chú ý của Thời Mông thì không đặt ở những món đồ ăn này, mà rơi xuống tay Lý Bích Hạm.

Đôi bàn tay đã từng nõn nà an nhàn sung sướng, không dính chút khói dầu, giờ đây lại vì những vết nhăn nhỏ mà nhuốm màu tang thương, thậm chí trên da còn có những vết thương vụn vặt, hình như là do lúc thái thịt không cẩn thận nên bị cắt vào.

Đã như vậy rồi mà còn ráng đan cho Thời Mông đôi găng tay mới.

Lần này là kiểu có 5 ngón, chỗ lòng bàn tay phải được xử lý đặc biệt để dày hơn hẳn, về chi tiết này Lý Bích Hạm nói rõ: “Sắp vào đông rồi, tay không thể để nhiễm lạnh, nhất là chỗ đau, đôi này tiện hoạt động hơn một chút, con có thể đeo trong nhà.”

Thời Mông nhận lấy găng tay, cảm giác rất mềm mại, đường len gọn gàng hơn đôi trước rất nhiều. Nhìn một lát, cậu ngẩng đầu lên: “Vậy còn dì?”

Lý Bích Hạm thoáng sững sờ, đến khi hiểu Thời Mông đang hỏi tay của bà, đầu ngón tay tấy đỏ không khỏi run lên, bà vội nói: “Dì không sao, dì thuê xe tới, không bị lạnh, con đừng lo.”

Nói xong mới nhận ra có lẽ Thời Mông chỉ tiện thể hỏi một chút, không có ý lo lắng.

Dẫu vậy, đây là lần đầu tiên Thời Mông chủ động bắt chuyện với bà kể từ sau khi xảy ra chuyện đến nay, Lý Bích Hạm vẫn có cảm giác vui vẻ vô ngần, tay chân cũng không biết để vào đâu, bà thử hỏi Thời Mông: “Dì còn mang theo một ít xương heo tươi ngon, để dì nấu canh cho con nhé? Dì mượn phòng bếp một lúc, con cứ làm việc của con, dì sẽ không làm phiền đâu.”

Mãi đến khi quay lại ban công, ngồi xuống trước giá vẽ, Thời Mông mới nhận ra mình đã đồng ý chuyện gì.

Cậu có chút hối hận, không phải là không dám giao phòng bếp cho Lý Bích Hạm, mà là cậu sợ có lần một thì sẽ có lần hai, đến khi cậu quen thuộc với tất cả rồi, có muốn thoát ly cũng khó, cách này không khác gì dùng nước ấm nấu ếch cả.

Thời Mông cầm bút than, vẽ một con ếch ngồi xổm trên giấy.

Giá vẽ là khu vực an toàn của Thời Mông, bởi vậy cậu chỉ cần vẽ một lúc là tâm trạng xao động đã bình tĩnh trở lại.

Vẽ ếch xong, còn thiếu bối cảnh, Thời Mông bèn vẽ thêm một tấm lá sen trải bên dưới.

Lá sen, hoa sen, chữ “hạm” (菡/hàn) có nghĩa là hoa sen. Như có một sự chỉ dẫn nào đó, ánh mắt Thời Mông lướt qua phòng bếp.

Từ góc độ này cậu có thể nhìn thấy Lý Bích Hạm đứng trước bàn bếp, đang cúi đầu sơ chế nguyên liệu nấu ăn, ánh nắng chiều ngả về phía tây phủ một tầng sáng xung quanh người bà, mông lung và dịu dàng, có gì đó tựa như vết tích thời gian khắc lên đôi bờ vai nhỏ bé.

Suối tóc đen được bà buộc lệch một bên, áo khoác phẳng phiu tôn lên bóng lưng thon thả cao gầy, khiến Thời Mông nhớ ngày xưa có người khen tỉ lệ cơ thể cậu rất chuẩn, như minh tinh màn bạc, còn qua đó phỏng đoán mẹ cậu nhất định rất xinh đẹp.

Mẹ…

Xưng hô lạ lẫm này rất hiếm khi xuất hiện trong đầu Thời Mông, nhưng lại khiến con tim rung động không thôi.

Không kìm lòng được, Thời Mông trải một tờ giấy vẽ mới lên giá, cầm bút than, vừa ngắm nhìn vừa phác họa cảnh tượng trong mắt cậu lên giấy.

Xương heo muốn hầm cho nhừ phải tốn rất nhiều công sức, Lý Bích Hạm bận rộn đến tận chạng vạng.

Lúc đi ra bà nhìn thấy Thời Mông vươn tay che đi giá vẽ, bà mỉm cười: “Đừng sợ, dì không nhìn lén đâu.” Nói rồi chỉ về phòng bếp, “Nấu xong canh rồi, con có muốn nếm thử không?”

Tuân theo nguyên tắc tôn trọng thành quả lao động của người khác, Thời Mông nhận bát canh nhỏ đang bốc hơi nghi ngút, nếm thử một miếng.

Dưới ánh mắt mong đợi của Lý Bích Hạm, cậu gật gật đầu, lặng lẽ tán thành.

Chút thấp thỏm ban sơ bị quét sạch, cuối cùng thì Lý Bích Hạm cũng nở một nụ cười tự tận đáy lòng, ánh mắt cũng có thần thái hơn hẳn.

Bà muốn tiếp cận Thời Mông thật nhanh, đồng thời cũng biết đạo lý khéo quá hóa vụng, đợi Thời Mông ăn xong bát canh, bà đứng dậy cởi tạp dề ra, định ra về.

Trước khi đi còn dặn dò vài câu kiểu như “Ở một mình nhớ chú ý an toàn” “Uống nhiều nước ấm đừng ham đồ lạnh” vân vân, đi ra tới cửa bước chân lại dần chậm lại.

Thời Mông tiễn bà ra cửa, thấy hình như bà vẫn có lời muốn nói, cậu không thúc giục, chỉ yên lặng đứng đó, không nói một lời.

Cửa mở ra, gió lạnh bên ngoài ùa vào, Lý Bích Hạm quyết định, lấy một chiếc áo khoác trong chiếc túi dù đã bỏ ra rất nhiều đồ nhưng vẫn căng phồng, xoay người lại, hơi kiễng chân khoác áo cho Thời Mông.

“Áo lông vũ mà dì mua từ lâu, sợ gửi qua bưu điện không đảm bảo.” Bà nói, “Hai ngày nữa là sinh nhật con, vụ kiện bên chỗ dì đang đến giai đoạn quan trọng, có lẽ dì không dành thời gian ra được, nên tặng quà cho con trước.”

Thời Mông không nghe kỹ, chỉ cảm thấy trên người rất ấm áp, ngay sau đó là ngửi thấy một mùi cam quýt quen thuộc, là mùi hương thường có

trên người Lý Bích Hạm.

Cậu đã từng hướng tới, đã từng hâm mộ, bây giờ cách cậu gần đến vậy, gần đến mức có thể giơ tay là đụng đến, cậu lại không biết phải đáp lại như thế nào, chỉ ngốc nghếch đứng ở đó, để chiếc áo dày dặn bọc kín cậu không chút kẽ hở.

Kích cỡ vừa vặn, đủ để mặc thêm một cái áo thu mỏng bên trong. Lý Bích Hạm vỗ vỗ vai Thời Mông, sau đó lùi lại vài bước để ngắm, cười nheo cả mắt: “Mông Mông của chúng ta mặc gì cũng đẹp.”

Đáy lòng run bắn lên, có một cảm giác vững tin hơn hẳn so với lúc nhận được những bức thư kia.

Điều này khiến Thời Mông hơi sợ hãi, đến cả lời cảm ơn cậu cũng quên.

Lý Bích Hạm nhìn dáng vẻ luống cuống của cậu, không hiểu sao tự dưng đỏ cả vành mắt.

“Mông Mông của chúng ta, đáng giá có được những thứ tốt nhất trên trần đời.”

Bà lại vươn tay sửa sang cổ áo cho Thời Mông, sợ cậu có áp lực, bà cố nén nước mắt, nghẹn ngào nói: “Đây không phải là đền bù, mà là đem những thứ vốn thuộc về con trả lại cho con.”

Đến tối, Thời Mông sờ thấy một lá thư trong túi.

Mọi người thường dùng câu chữ để thổ lộ những chuyện khó truyền đạt bằng lời nói, Lý Bích Hạm cũng không ngoại lệ.

Bà viết trong thư: Ngày xưa đối xử tệ bạc với con là chuyện khiến dì hối hận đến tận bây giờ. Nếu con còn trách dì thì không cần để ý đến dì, hoặc con mắng dì cũng được, đừng tùy tiện tha thứ, hãy để dì làm nhiều điều hơn nữa cho con.

Đọc hết, Thời Mông thở ra một hơi, nhủ thầm, con chưa từng trách người mà.

Cậu cố chấp tùy hứng, nhưng không phải là ngang ngược không biết lý lẽ, nhất là sau khi chết hụt một lần, cậu thấy ai cũng có nỗi khổ của riêng mình, ai rồi sẽ có lúc sơ sẩy mắc sai lầm, nếu cứ mãi quanh quẩn quá khứ thì sống khổ sở biết bao.

Thế nhưng buông bỏ không phải là tiếp nhận, buông bỏ không cần dũng khí, nhưng để tiếp nhận thì cần rất rất nhiều, còn nhiều hơn lần đầu tiên

quyết định cầm lấy, Thời Mông đã kiệt sức, không cầm được, chỉ có thể suy sụp ngồi đợi tại chỗ.

Tương tự, sau khi tỉnh táo lại, Thời Mông xác định mình cũng chưa từng trách Phó Tuyên Liệu.

Chỉ là khi bị dồn tới đường cùng, binh bại như núi lở, dưới tình thế cấp bách cậu dùng công kích thay cho chống cự, để cho mình không đến nỗi chật vật, không để mình bị anh dắt mũi mãi như thế.

Đợi cơn xúc động qua đi, Thời Mông tới quán ăn sáng đã bắt đầu nườm nượp khách, hỗ trợ chủ quán điều tra phương hướng của kẻ trộm.

Thật ra cũng không cần giúp đỡ, dạo này có mỗi vài người đi đi lại lại, bà chủ quán tranh thủ lúc đóng cửa không buôn bán cẩn thận quan sát, thế là nhanh chóng phát hiện ra dấu vết.

Hôm nay Thời Mông tới cửa hàng nghe ngóng tình hình như thường lệ, cậu đứng từ xa đã nghe thấy tiếng trẻ con khóc gào, cùng với đó là tiếng mắng mỏ của bà chủ.

Lại gần mới biết, con trai của bà chủ quán đang bị đánh đòn.

Thằng bé này là ông bà chủ về già mới có được, cả nhà từ lớn đến bé cưng chiều thằng nhỏ vô cùng, nghe nói nhân bánh bao thịt trong quán được điều chỉnh theo khẩu vị bắt bẻ của nó, cũng bởi vậy món bánh bao thơm ngon này dần dần nức tiếng xa gần, khách đến ăn cơm dù là ăn mì hay hoành thánh cũng sẽ gọi thêm một lồng bánh bao để thưởng thức.

Thấy Thời Mông tới, bà chủ quán tạm thời thu tay, nhấc thằng bé đứng dậy khỏi ghế, nói với vẻ mặt đầy áy náy: “Thật sự xin lỗi họa sĩ, thằng con trời đánh gây chuyện mà lại khiến bạn của cậu chịu tội.”

Hóa ra cậu bạn nhỏ đòi mua đồ chơi nhưng cha mẹ kêu đắt không mua cho, nó nhớ sáng nào cửa hàng cũng thu được rất nhiều tiền nên rục rịch định trộm một ít.

Còn về phần tại sao trộm cả bức tranh, thằng bé ấm ức khai báo: “Bức tranh ấy vẽ giống thật quá, con muốn vẽ theo, vừa leo lên ghế định gỡ xuống thì đạp đổ bàn… không cẩn thận nên làm vỡ cả cửa sổ.”

Giờ Thời Mông mới hiểu, bảo sao kẻ trộm dễ dàng thoát thân, vừa chạy là mất tích như thế, hóa ra là người trong nhà gây án.

Trải rộng bức tranh bị cậu bé gập thành hình vuông ra, rồi treo lên tường như cũ, Thời Mông lại giúp bà chủ quán lắp camera giám sát.

Cuối cùng cậu còn nhận được một xấp phiếu ăn sáng dày cộp được ông bà chủ quán nhét cho.

Thời Mông thấy nhiều quá, ăn cả năm không hết, bà chủ quán cười tươi như hoa lộ cả hai cái lúm đồng tiền, sảng khoái nói: “Mang cả bạn của cháu tới ăn nhé, tranh thủ cơ hội để bác tạ tội với cậu ấy.”

Tất nhiên là Thời Mông sẽ không chủ động truyền lời.

Nghe nói cảnh sát đã tới, trừ việc giáo dục thằng bé nghịch ngợm ra còn thông báo đã thả người, Thời Mông yên lòng quay về.

Hàng xóm láng giềng vẫn thảo luận không ngớt, Thời Mông coi như không nghe thấy, dì Phan qua chơi cũng nhắc đến chuyện này, cậu chỉ ngập ngừng nói là hiểu lầm.

“Nếu là hiểu lầm thì tốt rồi.” Dì Phan gặm hạt dưa, “Phòng giam của đồn công an không phải chỗ cho người thường đâu, nghe bảo ở đó không được ăn uống, đến cái phản cứng để ngả lưng cũng không có, trong cái thời tiết khắc nghiệt này mà phải ở đó vài ngày thì chẳng mấy mà đổ bệnh.”

Tới tận đêm khuya, Thời Mông nghe thấy tiếng mưa nên xuống lầu đóng cửa sổ, nghe thấy tiếng cổng sắt vang lên loảng xoảng, cậu định ra sân khóa nó lại, chợt bị một người không biết mai phục ở góc tường từ lúc nào lao ra ôm lấy từ phía sau lưng, bấy giờ cậu mới có chút khái niệm về “chẳng mấy mà đổ bệnh”.

Ngay khoảnh khắc bị ôm lấy, Thời Mông đã nhận ra đây là ai qua hơi thở, bởi vậy vô thức thở phào, sau đó mới bắt đầu giãy dụa.

“Đừng nhúc nhích, đừng nhúc nhích.” Hình như Phó Tuyên Liệu đã cạn kiệt sức lực, giọng khàn đặc như bị nhét đầy cát sỏi vào cổ họng, “Em để tôi ôm một lát, một lát thôi là tốt rồi.”

Thời Mông không biết anh nói một lát là bao lâu, là một giây hay một phút, cậu không nghe lời anh, dùng cả hai tay đẩy cánh tay của anh ra sau, nghiêng người về phía trước, rời khỏi ngực anh.

Mà Phó Tuyên Liệu thì không những không cố hết sức để ôm chặt Thời Mông, mà còn bị đẩy đến mức lảo đảo, nếu đằng sau không phải là lan can thì có lẽ anh đã ngã ngửa ra.

Mượn ánh đèn trong nhà, Thời Mông thấy rõ sắc mặt tiều tụy của anh, chỉ vài ngày mà đã gầy xọp hẳn đi.

Trời lạnh như vậy nhưng anh vẫn mặc bộ đồ mỏng manh, hơi thở nóng rực vừa đứt quãng vừa yếu ớt.

Như đang nghiệm chứng từng lời của dì Phan, Thời Mông quan sát xong xuôi, tự dưng không hiểu sao lại hỏi: “Ở trong đó không có cơm ăn đúng không?”

Phó Tuyên Liệu chống tay vào vách tường dần dần đứng thẳng người dậy, nghe xong vấn đề này anh thoáng giật mình, sau đó nở một nụ cười khẽ.

“Em quan tâm tôi?” Ban đầu anh đặt câu hỏi, sau đó nhìn Thời Mông, khẳng định, “Em quan tâm tôi.”

“Tôi biết mà.”

Cái ôm từ phía sau quen thuộc, lời nói và tình cảnh quen thuộc, khiến Thời Mông hoảng hốt như vừa xuyên về đêm Giáng Sinh của 10 năm về trước.

Người ấy cũng dùng ngữ khí giận dỗi nghiến răng nghiến lợi mà tủi thân ấm ức như thế, nói với cậu rằng: “Tôi biết mà… Em cũng thích tôi.”

Hết chương 50.