Mr Đà Điểu Của Tôi

Chương 21: Nàng Cua thỏ đế




Triển lãm manga ở Thượng Hải sẽ diễn ra vào trung tuần tháng bảy, Bàng Sảnh ghi nhớ lời dặn của Cố Minh Tịch nên không cho Bàng Thủy Sinh biết về chuyện Giản Triết và Tôn Minh Phương không đi. Cô phấn khởi chuẩn bị một chiếc máy ảnh chụp lấy ngay, mua thêm hai cuộn phim và không quên một cuốn sổ bìa da dày cộp để các tác giả manga ký tên cho.

Thấy con gái hào hứng như vậy, Bàng thủy sinh chợt nhận ra Bàng Sảnh đã mười bốn tuổi. Chuyến du lịch lần này cũng có thể coi như một lần trải nghiệm của cô, để cô và bạn bè ra thế giới bên ngoài mở rộng tầm mắt.

Bàng Thủy Sinh và Kim Ái Hoa là công nhân viên hạng quèn ở nhà máy, lương không cao, đồng thời cũng không có ý thức nuôi dạy con trẻ toàn diện nên từ nhỏ đến giờ Bàng Sảnh không có nhiều cơ hội được đi đây đi đó.

Tổng cộng Bàng Sảnh mới được đi xa nhà hai lần. Lần đầu tiên là vào mùa hè năm cô lên tám, Bàng Thủy Sinh đi công tác ở Vô Tích và Nam Kinh, nhân thể đưa Bàng Sảnh đi chơi, lúc về đi xe khách.

Hồi đó còn chưa có đường cao tốc, mỗi chuyến đi phải mất mười mấy tiếng trên xe, Bàng Sảnh lại bị say nôn thốc nôn tháo.

Đến nơi, Bàng Thủy Sinh đưa Bàng Sảnh đi chơi nhưng lại gặp phải đợt lũ lụt ở Thái Hồ, nước tràn lên bờ, cao đến đầu gối Bàng Sảnh khiến cô được mở mang tầm mắt. cô còn được ăn vịt muối Nam Kinh và xương sườn ngâm muối ở Vô Tích. Lúc về không quên xin bố mua hai hộp làm quà cho Cố Minh Tịch.

Mấy tháng sau chuyến đi đó, Bàng Sảnh vẫn lải nhải không ngừng trước mặt Cố Minh Tịch, hơi một chút đã kể “Lần trước em đi Nam Kinh, nơi đó bla bla…” hoặc “Lúc em ở Vô Tích bla bla…” Thế nhưng Cố Minh Tịch chưa lần nào ngắt lời cô mà cứ im lặng nghe cô kể lể hết lần này đến lần khác. Nửa năm sau tự thấy nói mãi cũng chán, Bàng Sảnh mới không kể nữa.

Lần thứ hai xa nhà là năm mười tuổi cô được mẹ và ông bà đưa về thăm quê của bà ngoại. Bà ngoại rời quê lên thành phố E đã lâu, vừa nhớ nhà vừa nóng ruột khi nghe tin em trai qua đời, thâm tâm bà cũng rất muốn về quê xem sao. Thế là Kim Ái Hoa quyết định xin nghỉ năm ngày, đưa Bàng Sảnh đang trong kỳ nghỉ hè và bố mẹ già cùng về quê.

Đó là một làng nhỏ lạc hậu thuộc một tỉnh nào đó của miền Nam, phải đi xe buýt giường nằm một ngày một đêm mới tới nơi. Bàng Sảnh lại một lần nữa nôn thốc nôn tháo. Chơi ở quê một tuần, vì không thể nói chuyện được với đám trẻ chỉ biết nói tiếng địa phương nên cũng chẳng chơi được với chúng, ngày nào Bàng Sảnh cũng nhàn rỗi đến phát sầu, chỉ biết chơi với chó con ở nhà họ hàng của bà ngoại mà thôi.

Trở về sau chuyến này, Bàng Sảnh không kể gì với Cố Minh Tịch. Cố Minh Tịch hỏi cô chơi vui không, cô lắc đầu trả lời: “Chẳng có gì thú vị cả.”

So ra, kinh nghiệm đi du lịch của Cố Minh Tịch phong phú hơn Bàng Sảnh rất nhiều. Hồi còn chưa bị cắt tay, cứ mỗi  hai năm cậu lại được Lý Hàm đưa về quê thămông bà ngoại ở Miền Bắc, đi bằng tàu hỏa giường nằm chạy đường dài. Sau khi bị thương, Lý Hàm vẫn chăm chỉ đưa Cố Minh Tịch đi du lịch trong những dịp được công ty tổ chức.

Cố Minh Tịch từng được đi Tế Nam, leo núi Thái Sơn, còn tới Bắc Kinh, Thượng Hải, Nam Kinh, Tỉnh Cương Sơn, Phổ Đà… Cậu từng đi máy bay, du thuyền, tàu hỏa và cả xe khách. Vì lý do này mà không ít lần Bàng Sảnh nổi giận hỏi bố mẹ: “Tại sao Cố Minh Tịch được đi chơi cùng bác Lý mà bố mẹ đi du lịch chẳng bao giờ cho con đi theo?”

Bàng Thủy Sinh không thể nói cho Bàng Sảnh biết rằng Cố Minh Tịch được đi chơi thực chất là được Cố Quốc Tường nhường cho suất của mình. Cố Quốc Tường là nhân viên cấp cao của nhà máy, anh nói mình không đi mà để vợ và con trai đi, liệu có ai dám nói ‘không được’?

Vì vậy đứng trước Cố Minh Tịch, Bàng Sảnh chỉ là một đứa “quê một cục”. Cô chưa được đi tàu hỏa bao giờ, suốt ngày hô hào Thượng Hải Thượng Hải nhưng thậm chí còn không biết Thượng Hải nằm ở hướng nào của thành phố E.

Bàng thủy Sinh khích lệ con gái tự đi mua vé tàu. Anh thấy khiến thức của con mình khá nông cạn nên phải để cô tự làm nhiều việc cho biết.

Bàng Sảnh hoàn toàn không biết mua vé tàu như thế nào, còn không biết nhà ga nằm ở đâu. Thực lòng cô cũng không dám nhờ bố đi mua hộ bởi vì cô chỉ mua hai vé, nếu nhờ Bàng Thủy Sinh thì lộ tẩy ngay.

Thế là Bàng Sảnh hẹn Cố Minh Tịch cùng đi nhà ga mua vé.

Hai đứa trẻ đi xe bus tới nơi. Đang mùa hè nên nhà ga đông nườm nượp, người đến kẻ đi như mắc cửi. Bàng Sảnh hơi kém về nhận biết phương hướng nên Cố Minh Tịch phải nhìn bảng chỉ dẫn mới tìm được điểm bán vé.

Lúc xếp hàng mua vé, Bàng Sảnh đứng sát vào Cố Minh Tịch, thậm chí còn níu lấy vạt áo cậu một cách khoa trương.

Cố Minh Tịch nói vào cửa bán vé: “Cho cháu mua hai vé tàu đi Thượng Hải sáng mười sáu tháng bảy.”

“Sáng hết vé rồi, chỉ còn buổi chiều thôi, hai giờ tàu chạy.”

“Vậy sáng mười bảy thì sao ạ?”

“Cũng hết rồi.”

“Vậy cháu mua chiều mười sáu. Hai vé.” Dừng lại một lúc, cậu nói: “Cô ơi, cháu mua luôn vé từ Thượng Hải về thành phố E chiều mười tám được không?”

“Được.”

“Vậy cho cháu thêm hai vé lượt về.”

“Chiều mười tám ba giờ được không?”

“Được ạ.”

“Tổng cộng bốn vé, một trăm hai mươi tám đồng.”

Cố Minh Tịch quay lại nói với Bàng Sảnh đang đứng ngây ra: “Bàng Bàng, trả tiền đi.”

Bàng Sảnh vội lấy tiền đưa cho người bán vé, nhận tiền thừa và vé tàu.

Lúc ra khỏi nhà ga, cô cắm cúi nhìn bốn tấm vé trên tay, nói như vừa tìm hiểu được điều gì, “Thì ra mua vé tàu là như vậy.”

Cố Minh Tịch thật không biết nên nói gì. Nhìn dáng vẻ tò mò ngó nghiêng hết chỗ này đến chỗ nọ của Bàng Sảnh, cậu chợt hiểu ra rằng đây là một con cua khôn nhà dại chợ điển hình. Vừa ra khỏi cửa có lẽ cô còn nhát gan hơn thỏ đế.

Đến ngày lên đường, nỗi lo của Cố Minh Tịch biến thành sự thật. Bàng Thủy Sinh và Lý Hàm thì luôn miệng dặn dò Bàng Sảnh phải chăm sóc cho Cố Minh Tịch, Bàng Sảnh miệng thì dạ vâng nhưng vừa tới nhà ga, cô lại đi theo Cố Minh Tịch như một cái đuôi dính chặt.

Soát vé vào trạm, qua cửa kiểm tra hành lý, tìm phòng chờ, soát vé lên tàu, tìm chỗ ngồi… Một ý nghĩ khắc sâu trong đầu Cố Minh Tịch, nếu chỉ có một mình, nhiều khả năng Bàng Sảnh sẽ quay về nhà.

Hôm nay là thứ sáu, toa tàu đông kín chỗ. Dĩ nhiên Bàng Sảnh sẽ giành ngồi cạnh cửa sổ, tò mò bám lấy khung cửa nhìn chằm chằm ra ngoài.

Chẳng mấy chốc Cố Minh Tịch đã trở thành tâm điểm của tất cả các hành khách xung quanh, mọi người lặng lẽ đánh giá cậu bằng ánh mắt tò mò và dò xét. Cậu bình thản coi như không nhìn thấy. Khó chịu vì bị nhìn chằm chằm hồi lâu, cậu bèn quay sang chăm chú nhìn Bàng Sảnh.

Cô bé mặc áo phông ngắn tay màu đỏ sẫm… Đây là yêu cầu của Bàng Thủy Sinh, anh nói mặc quần áo màu sắc sặc sỡ nếu đi lạc cũng dễ tìm. Cô buộc tóc đuôi ngựa, dùng dây buộc tóc cũng màu đỏ, chăm chú nhìn ra ngoài cửa sổ không chớp mắt như kính Tây(1).

(1) Xuất phát từ một dụng cụ trò chơi dân gian TQ. Có một chiếc hộp chứa bức ảnh thu nhỏ bên trong, trên hộp có lắp kính lúp nên nhìn qua hộp có thể thấy bức hình được phóng to. Vì hồi xưa ảnh chủ yếu là của Tây nên gọi là kính Tây.

Lúc tàu hỏa lăn bánh, trên mặt Bàng Sảnh hiện rõ vẻ kinh ngạc rồi cô dần yên lặng lại, dựa lên người Cố Minh Tịch ngoan ngoãn như một con mèo.

Chuyến tàu chạy từ thành phố E đến Thượng Hải phải mất  ba tiếng rưỡi. Ngồi được một lúc, cảm giác mới lạ ban đầu dần phai nhạt, Bàng Sảnh lấy một quyển truyện tranh từ ba lô ra rồi kiếm thêm một túi snack Lãng Vị Tiên, mở gói rồi vừa ăn vừa đọc truyện.

Và tất nhiên cô cũng không quên thỉnh thoảng nhét một miếng Lãng Vị Tiên vào miệng Cố Minh Tịch. Đây là một hành động cực kỳ thân mật, vì vậy Cố Minh Tịch không khỏi đỏ mặt khi tiếp xúc với những ánh nhìn đầy ngỡ ngàng của các vị khách xung quanh.

Sau khi tàu chạy được nửa tiếng, bà cụ đi cùng chồng ngồi đối diện hai đứa trẻ bắt đầu lân la hỏi chuyện Bàng Sảnh: “Cô bé, các cháu đi đâu vậy?”

Bàng Sảnh ngước lên nhìn bà lão, trên tay vẫn cầm nguyên cuốn truyện tranh và bịch snack Lãng Vị Tiên, thật thà đáp: “Tụi cháu đi Thượng Hải ạ.”

“Chỉ có hai cháu thôi à? Đi Thượng Hải làm gì thế?”

Bàng Sảnh toan trả lời thì Cố Minh Tịch đã nói trước: “Bố mẹ chúng cháu làm việc ở Thượng Hải, bọn cháu qua đó nghỉ hè ạ.”

“À…” Bà lão chợt hiểu ra, “Hai cháu là anh em?”

Cố Minh Tịch gật đầu: “Dạ.”

“Hai cháu bao nhiêu tuổi rồi?”

“Bọn cháu học cấp hai.” Cố Minh Tịch từ tốn đáp: “Em cháu trông còn nhỏ nhưng đã có chứng minh thư rồi ạ.”

Bà lão nhìn Bàng Sảnh vẻ hồ nghi, trên khóe miệng cô còn vải mảnh vụn snack, ánh mắt dè dặt, nhìn thế nào cũng còn rất trẻ con.

Sau một khoảng im lặng, bà lão lại hỏi chuyện Cố Minh Tịch: “Cậu bé, hai tay cháu sao vậy?”

Cố Minh Tịch mặc áo sơ mi kẻ caro trắng xám ngắn tay, hai bên tay áo trống không rủ xuống bên người. Hình ảnh trống rỗng trên tay áo khiến người ta không khỏi tò mò muốn biết căn nguyên thực sự. Cậu thoáng mỉm cười rồi trả lời ngắn gọn: “Hồi nhỏ cháu sơ ý bị máy biến thế giật ạ.”

“Ồ… Tiếc quá, một cậu bé đẹp trai vậy mà…” Thương hại và xót xa hiện rõ trong giọng nói bà cụ, Bàng Sảnh tự nhiên thấy khó chịu, cô mím môi thở phì phì, nhét truyện tranh và bịch Lãng Vị Tiên ăn dở vào ba lô một cách thô bạo, gây lên tiếng động rất lớn. Cuối cùng cô ngang nhiên nằm bò ra mặt bàn đánh một giấc.

Lúc gối mặt lên cánh tay, cô nghe thấy Cố Minh Tịch lễ phép nói với bà cụ: “Em gái cháu là vậy đấy, tính nó hơi tùy hứng ạ.”

Anh mới tùy hứng! Bàng Sảnh nổi giận mắng thầm.

“Con gái đứa nào chẳng thế.” Bà lão nói: “Cháu phải nói bố mẹ không được nuông chiều nó như vậy, sau này bước chân vào xã hội, tìm chồng, tìm việc sẽ rất khó.”

Nét cười thấp thoáng trong giọng nói Cố Minh Tịch, “Cháu biết rồi ạ.”

Sau đó bà lão bắt đầu kể về cô con dâu hết sức tùy tiện, vô lý và không biết điều của mình. Cố Minh Tịch không hề xen ngang, bà lão nói liên miên suốt hai mươi phút đồng hồ, thì bỗng Bàng Sảnh đang lơ mơ buồn ngủ nghe thấy Cố Minh Tịch nói: “Bà ơi, thực ra em cháu rất ngoan, rất được mọi người yêu quý. Chỉ là bây giờ em cháu vẫn còn chưa hiểu chuyện, sau này trưởng thành chắc chắn sẽ là một cô gái rất tốt.”

Bàng Sảnh giả vờ ngủ từ đầu đến cuối đến mức cánh tay đã hơi tê dại. Không hiểu sao sau khi nghe Cố Minh Tịch nói vậy, hai mắt cô lại hơi rơm rớm.

Toàn bộ hành trình tiếp theo, sau khi Bàng Sảnh “thức giấc”, cô lại tiêu diệt thêm một túi cá khô, một chai sữa hoa quả và một cây jambon.

Cố Minh Tịch há hốc mồm nhìn  cô lấy hết loại đồ ăn này đến loại đồ ăn khác từ trong ba lô ra, sau đó nhét chúng vào bụng với vẻ mặt thỏa thích. Cuối cùng Bàng Sảnh hỏi Cố Minh Tịch có muốn uống nước không vì trời thì nóng mà đã mấy tiếng cậu không uống ngụm nào, trông môi cũng hơi khô.

Cố Minh Tịch liếm môi, thú thật là rất khát nên không từ chối nữa. Nhờ Bàng Sảnh giúp đỡ, cậu uống hết nửa chai nước khoáng.

Tàu hỏa đến ga Thượng Hải đúng lịch trình. Chập tối, Bàng Sảnh và Cố Minh Tịch đeo hai chiếc ba lô trên lưng ra khỏi nhà ga.

Thượng Hải là một đô thị phồn hoa tầm cỡ quốc tế. Lúc này mặt trời đã xế bóng, sắc trời nhá nhem tối, đèn nê ông và đèn cao áp trên đường đều đã sáng tỏ. Bàng Sảnh đứng ở lối ra, nhìn đám đông nhộn nhịp trước mắt, những tòa nhà cao ốc san sát nối đuôi nhau cùng dòng xe cộ nườm nượp trên đường, cô bắt đầu thấy ngỡ ngàng và xen chút âu lo.

Dù sao cô cũng còn nhỏ, tưởng tượng và thực tế là hai thái cực hoàn toàn khác biệt. Cô gần như bám sát lên người Cố Minh Tịch như sợ bị lạc mất nhau, tay trái níu chặt vạt áo sơ mi cậu.

Thời điểm đó đến cả người lớn cũng chẳng mấy ai có điện thoại di động, huống hồ là hai đứa trẻ. Cố Quốc Tường cũng sắm được một chiếc, còn Bàng Thủy Sinh chỉ có một chiếc máy nhắn tin. Bàng Sảnh thực sự không dám tưởng tượng sẽ phải làm gì nếu lạc mất Cố Minh Tịch.

Dường như cảm nhận được sự lo lắng qua ánh mắt hoảng hốt của Bàng Sảnh, Cố Minh Tịch quay lại nhìn cô, nghiêm túc nói: “Bàng Bàng, đây là Thượng Hải chứ không phải thành phố E. Em nghe cho rõ đây, nếu chẳng may hai đứa mình lạc nhau thì em phải đứng im một chỗ không được đi lại lung tung, anh nhất định sẽ đến tìm em, biết chưa?”

Bàng Sảnh ngước lên nhìn cậu rồi khẽ gật đầu.

Cố Minh Tịch nhoẻn miệng cười nói: “Đi thôi, chúng ta tìm chỗ ở qua đêm nay trước đã. Có phải bố em nói đã nhờ một người bạn sắp xếp chỗ ăn ngủ cho bọn mình không?”

Bàng Sảnh gật đầu rồi lại ngẩng phắt lên: “Không được, bọn mình chỉ có hai người, nhỡ chú ấy biết rồi nói lại với bố em, em chết chắc!”

Cố Minh Tịch suy nghĩ thấy cũng đúng nhưng cả hai đều không có chứng minh thư thì thuê phòng trọ sao được?

Sau một hồi suy nghĩ cậu vẫn cảm thấy việc tìm nơi dừng chân có phần quan trọng hơn, bèn bảo Bàng Sảnh gọi cho ông chú đó nhưng cô lại khăng khăng không đồng ý: “Em không gọi đâu, Cố Minh Tịch, lúc trước chính anh bảo đừng nói thật với bố em.”

Cố Minh Tịch chau mày, “Nếu em không gọi cho chú ấy thì chẳng phải bố em vẫn biết mà trái lại còn lo hơn?”

Bàng Sảnh đảo mắt một vòng, “Có cách rồi. Em sẽ gọi cho chú ấy bảo là người nhà của bạn khác đã thu xếp cho bọn mình ở khách sạn, nên không phiền chú ấy nữa!”

Cố Minh Tịch hết nói nổi, “Em từ chối chú ấy thế thì tối nay bọn mình ở đâu?”

Bàng Sảnh gãi đầu rồi tự đưa ra ý kiến: “Chỉ cần có tiền thì ở đâu chẳng được.”

Cố Minh Tịch hoàn toàn bị cô đánh bại.

Sau đó Bàng Sảnh dùng điện thoại công cộng gọi cho người bạn ở Thượng Hải của Bàng Thủy Sinh, nói dối là bốn đứa đã tìm được chỗ ở. Xong xuôi cô gọi điện về nhà báo đã đến nơi an toàn, Cố Minh Tịch cũng khẳng định với Lý Hàm là mình đã đến Thượng Hải bình an, tất cả đều ổn.

Cúp điện thoại, Cố Minh Tịch ngước lên nhìn bốn xung quanh nhà ga, đúng là có rất nhiều nhà nghỉ, khách sạn cỡ nhỏ.

Cậu biết những nơi này trị an không cao nhưng lại không thuyết phục được Bàng Sảnh. Đúng lúc này, một người phụ nữ trung tuổi tay cầm ảnh khách sạn tới chào mời họ: “Hai em tìm nhà nghỉ đúng không? Có nước nóng, tivi, điều hòa, tám mươi đồng một đêm. Muốn qua xem không, nếu không thích sẽ đưa các em về.”

Chị ta vờ như không thấy sự khiếm khuyết trên cơ thể Cố Minh Tịch. Thấy hai đứa trẻ đứng ngây ra, chị ta liền kéo tay Bàng Sảnh: “Đi thôi đi thôi, trời sắp tối rồi, có xe đưa hai em đi. Gần lắm, ở ngay bên cạnh.”

Bàng Sảnh đã bước đi theo chị ta, Cố Minh Tịch vội kêu lên: “Bàng Bàng! Đứng lại!”

Bàng Sảnh quay lại nhìn cậu với vẻ hơi hoảng sợ, muốn giãy khỏi tay người phụ nữ, chị ta mỉm cười bỏ tay ra rồi nói: “Cô không phải người xấu, không làm hại hai cháu đâu. Thấy hai cháu giống như chưa tìm được chỗ ở, hai cháu có chứng minh thư không?”

Cố Minh Tịch im lặng, theo phán đoán của cậu, người phụ nữ này đích thực là người môi giới tìm khách thuê nhà trọ chứ không phải hội buôn người gì đó, còn cậu và Bàng Sảnh đúng là không có chứng minh thư nên không khỏi có chút dao động.

Lúc này Bàng Sảnh vẫn im lặng bỗng nhếch môi, lạch bạch chạy lại chỗ Cố Minh Tịch, bám chặt vào người cậu, sợ đến run rẩy: “Cố Minh Tịch… Hu hu…”

Cố Minh Tịch: “…”

Người phụ nữ trung tuổi dở khóc dở cười: “Chao ôi cô hiểu rồi, nhìn qua là biết ngay! Hai đứa yêu nhau, gia đình không đồng ý nên bỏ trốn phải không? Haiz… tụi bay còn bé quá, mau đi với cô tìm chỗ qua đêm nay, đừng ngủ lại ngoài đường, cô chỉ lấy của tụi bay năm mươi đồng thôi. Mai đi tàu về nhà luôn nhé, người lớn chắc lo lắm đấy!”

Bàng Sảnh nức nở khóc liên hồi, nhìn bầu trời tối dần, Cố Minh Tịch có cảm giác chính mình cũng sắp khóc đến nơi!

***

Ngồi trên chiếc xe vừa vặn ga đã gào rú như xe bán bánh mì, Bàng Sảnh lo lắng đến không nói thành lời. Cô và Cố Minh Tịch ngồi ở hàng ghế cuối cùng, đằng trước ngoài người phụ nữ trung niên còn có ba người bị lôi kéo đi thuê phòng.

Sau mười phút bon chen trên đường, xe rẽ vào một hẻm nhỏ rồi dừng bánh. Bàng Sảnh và Cố Minh Tịch xuống xe, đi theo người phụ nữ trung tuổi vào một nhà trọ lụp xụp.

Ở quầy lễ tân, người phụ nữ trung niên trao đổi giúp họ để miễn thủ tục đăng ký. Khi cầm chìa khóa dẫn hai đứa trẻ vào phòng, chị ta tốt bụng nhắc nhở Cố Minh Tịch: “Trong phòng không có đồ bảo hộ, cháu muốn dùng thì phải tự đi mua.”

Mặt Cố Minh Tịch đanh lại, đã quyết định không đáp lời thì Bàng Sảnh lại tò mò hỏi: “Đồ bảo hộ gì vậy?”

Người phụ nữ trung niên liếc mắt nhìn cô, không khỏi than vãn: “Haiz… Đúng là không ra sao, cô bé còn nhỏ quá, haiz…”