Một Trăm Lý Do Không Thích Anh

Chương 2




Tôi và Lâm Ngạn Tùng quen biết vào hồi lớp Mười, năm chúng tôi 16 tuổi.

Cậu ấy là hot boy nổi tiếng ở trường trung học, cao ráo đẹp trai, đội trưởng đội bóng rổ. Có vài người trời sinh chính là để người khác theo đuổi.

Tuy chúng tôi học chung một lớp, nhưng ban đầu cũng không mấy quen thuộc, vì tôi luôn cảm thấy tôi và cậu ấy không phải là người cùng một thế giới.

Tôi nghĩ, nam thanh niên không nên quá khoa trương như vậy, trầm ổn một chút vẫn tốt hơn.

Nhưng tôi là đại diện của môn ngữ văn, mà cố tình cậu ấy lại không giỏi văn. Lần nào cũng cù nhây đến phút cuối cùng, khiến tôi luôn phải đến gọi cậu ấy.

“Lâm Ngạn Tùng, chỉ còn lại mỗi mình cậu thôi, cậu còn không mau nộp ra đây.” Bấy giờ cậu ấy mới thong thả lấy vở ra, cậu ấy thật sự mất cả giờ học để viết.

Mỗi lần tôi đứng đó giục cậu ấy, cậu ấy luôn vừa nói chuyện phiếm với tôi vừa viết, cứ nói hai câu mới viết được một câu.

“Theo cậu thì mình có nên dùng mấy câu thành ngữ không.” Cậu ấy ngẩng đầu nhìn tôi, nở nụ cười có má lúm đồng tiền. Đây chính là nguyên nhân khiến nhiều người con gái bị cậu ấy hút hồn.

“Cậu cũng biết viết thành ngữ sao? Viết văn xong là được rồi.” Tôi bực mình, thầm nghĩ loại nam sinh này chỉ có thể nhìn mặt, không thể thân cận.

Tôi chưa bao giờ xem nội dung mà cậu ấy viết, tại luôn cảm thấy thứ được người này viết ra, cho dù không phải rác rưởi thì cũng là nhảm nhí. Nếu không phải giáo viên Ngữ Văn đặc biệt thích thu toàn bộ vở của học sinh trong lớp, thì tôi đã không phải đứng tê chân ở đây vào mỗi ngày thu bài tập.

Mãi đến một ngày, tôi không thể nhịn được nữa mà hét lớn, “Lâm Ngạn Tùng, cậu không thể viết nhanh hơn một chút à!” Mấy nam sinh xung quanh liền hào hứng huýt sáo.

Cậu ấy thu lại nụ cười, nói được rồi được rồi. Sau đó vùi đầu vào viết.

Tôi cứ nghĩ phản ứng của tôi đã có tác dụng, nào ngờ không lâu sau cậu ấy lại xin giáo viên chủ nhiệm chuyển nam sinh ngồi trước mặt cậu ấy đi, rồi chuyển tôi đến ngồi vào chỗ đó.

Lý do cậu ấy đưa ra là, vì không muốn thành tích ngữ văn của mình kéo lớp đi xuống, nên cậu ấy muốn để bạn học Viễn Âm giúp mình học tập.

Tôi ôm balo, bi tráng nhìn về phía sau, không hề biết rằng cậu nam sinh tôi khó chấp nhận này sẽ là người ngồi sau mình suốt hai năm học còn lại, và cũng sẽ dần trở thành “bạn”.

Thời trung học cậu ấy rất nghịch ngợm, tôi thường xuyên phải chịu đựng khi chân cậu ấy đạp vào ghế, lắc la lắc lư. Hành động này được gọi là mấy trò đùa dai của nam sinh. Nghe nói bọn họ còn thích kéo tóc của nữ sinh nữa, may mà tóc tôi ngắn nên mới tránh được một kiếp.

Đối với hành động của cậu ấy, tôi vẫn luôn dễ dàng khoan dung tha thứ, vì không muốn đắc tội nên tôi cũng không tiện mở miệng, nhưng chẳng hiểu sao cậu ấy lại luôn cho rằng mối quan hệ của chúng tôi đang ngày một thân thiết.

Chơi bóng rổ thì nhờ tôi cầm quần áo rồi mua nước, làm bài tập thì mượn chép của tôi. Đến khi tôi chợt nhận ra tôi đã trở thành bảo mẫu toàn năng, phải giúp cậu ấy giải quyết đủ mọi việc thì đã muộn. Cậu ấy nghiêm trang nói, “Cậu là bạn của mình mà. Mình cũng sẽ giúp cậu.”

Bạn? Hừ, ai thèm. Tôi dần dần cảm nhận được địch ý của những nữ sinh khác. Bên cạnh cậu ấy không thiếu những cô gái xinh đẹp, ngay cả hoa khôi lớp bên cạnh cũng nhờ người đưa thư tình cho cậu ấy, chỉ là cậu ấy đến nhìn cũng không buồn nhìn mà cứ thế nhét vào trong ngăn bàn.

Đúng là một tai hoạ hàng thật giá thật.

Cậu ấy căn bản không biết tâm tư của những nữ sinh kia. Tôi vui mừng vì mình đã đủ lý trí để không bị gương mặt đó của cậu ấy đánh lừa, bởi vì tiếp xúc càng gần mới càng có thể thấy rõ.

Nhưng nào ai đoán trước được chỉ không lâu sau, lòng tôi cũng bắt đầu dao động.

Học kỳ 1 của lớp Mười Một, ba tôi đột nhiên bị bệnh qua đời trong vòng hai tháng. Chỉ qua một đêm, thế giới này đã thay đổi. Tôi bỗng ý thức được khi không còn cuộc sống một nhà ba người, dường như tất cả hạnh phúc cũng đều mất đi.

Tôi hoảng hốt, hơn nữa còn thường xuyên mơ ngủ đến bật khóc. Trong mơ, ba tôi trông rất già rất già, ông trò chuyện với tôi nhưng tôi không nghe được lời ông nói.

Mẹ tôi vô cùng kiên cường, bà vẫn ngày ngày đi làm, kiếm tiền trả nợ nuôi gia đình, nhưng căn nhà lạnh lẽo chỉ còn hai chúng tôi lại trầm mặc đến đáng sợ.

Đến lúc tôi bất tri bất giác phát hiện cậu ấy đối xử với tôi càng ngày càng tốt thì nửa học kỳ đã trôi qua. Giữa giờ học, cậu ấy luôn ra ngoài mua bữa sáng cho tôi, nhưng lại nói rằng mình ăn không hết nên cho tôi phần thừa. Cậu ấy học giỏi toán, phá lệ mà ghi chép rất nhiều chú thích cho tôi. Khi tôi nổi giận vô cớ, cậu ấy cũng chỉ cười cười.

Có hôm trời đổ mưa lớn, không biết cậu ấy kiếm ở đâu ra một chiếc ô đưa cho tôi. Mấy ngày sau không thấy cậu ấy đến lớp, nghe nói là bị sốt.

Hôm cậu ấy khỏi bệnh, nhìn gương mặt tái nhợt của cậu ấy, nội tâm tôi lại thấy chua xót, “Cậu ổn chứ?”

Cậu ấy mỉm cười xoa đầu tôi rồi đi về chỗ, tôi nghe được một giọng nói từ sau truyền tới, “Mình phải rèn luyện thôi, lâu lắm không chơi bóng rổ rồi.”

Rốt cuộc tôi đã nhận ra ưu điểm lớn nhất của cậu ấy, chính là lương thiện và bao dung.

Cậu ấy cũng không phải là cái thùng rỗng như tôi tưởng, vì khi giúp tôi làm bài tập, thành tích của cậu ấy cũng tiến bộ nhanh chóng, từ hạng trung bình lên top đầu của lớp. Suốt khoảng thời gian trước đó, tôi đã trút hết mọi ưu phiền vào cậu ấy, nhưng cậu ấy chưa một lần to tiếng với tôi.