Một Màu Xuân

Chương 39




Khắp đất Thần Châu, chốn nào cũng có thổ nhưỡng màu mỡ nảy mầm chuyện hóng hớt, giang hồ cũng không ngoại lệ.

Từ nhỏ Nam Sương đã nổi danh, “Hoa Đào Nước Nam” vừa khiến nàng trở thành người trong mộng của vô số chàng trai giang hồ, vừa khiến vô số tiểu thư ngọc bích khịt mũi coi thường nàng.

Nhưng Nam Sương không để bụng những điều này, giống như có người trời sinh lạnh nhạt, trời ban cho nàng cái tính lãnh đạm, luôn có thể bốn lạng địch ngàn cân, biến hóa can qua thành mây khói bằng cách thức độc đáo.

Hoa đào Nam cho rằng trong cuộc đời xuôi chèo mát mái của nàng chỉ có hai chuyện làm nàng mãi không thể quên được.

Hai chuyện này đều có liên quan tới Hoa Nguyệt.

Hoa Nguyệt là vũ cơ, kỹ thuật múa nghiêng nước nghiêng thành, bà múa khúc Kinh Loan là đẹp nhất, xưa nay chưa từng có ai múa đẹp hơn. Mà tính tình bà còn thật thà ngốc nghếch hơn cả hoa đào Nam.

Có người nói năm đó Nam Cửu Dương theo đuổi Hoa Nguyệt chỉ mất tổng cộng chưa đến một tháng.

Khi đó kinh thành đang là mùa hè nóng bức, Hoa Nguyệt múa hết một khúc Kinh Hồng, mồ hôi đầm đìa lẫn với phấn, công tử Nam Cửu Dương trông thấy thì động lòng. Hắn lập tức sai người đi nghe ngóng lai lịch của Hoa Nguyệt. Khi quản gia đưa ngày sinh tháng đẻ của cô nhi Hoa Nguyệt đến tay hắn, một mưu kế dần dần nảy sinh trong lòng Nam Cửu Dương.

Sau ba ngày, trạng nguyên khóa mới Nam Cửu Dương của triều đình dẫn thầy tướng số và gia đinh, nhao nhao chạy tới Vũ Thiên Hạ. Hoa Nguyệt vừa mới ra khỏi phòng, công tử Nam đã tiến lên nắm lấy bàn tay của mỹ nhân Hoa, nước mắt nước mũi tèm lem mà gọi em gái.

Hắn vốn tưởng rằng cô nương Hoa thấy cảnh tượng này thì nhất định sẽ sợ hãi nhượng bộ. Nào ngờ cô gái này không giống người thường, chớp mắt nhìn mình, một lát sau còn gọi anh.

Nam Cửu Dương choáng váng, mặc dù sau đó hắn biết dù có không biết hay là quen mặt, Hoa Nguyệt cũng đều gọi anh hết.

Nhưng đã là trạng nguyên thì nhất định là người từng va chạm xã hội. Công tử Nam nhanh chóng bình tĩnh lại, khoát tay áo, thầy tướng số trình lên ngày sinh tháng đẻ, một bà xen lẫn trong đám gia đinh một mực chắc chắn Hoa Nguyệt chính là em gái thất lạc nhiều năm của Nam Cửu Dương.

Lúc đó đầu óc Hoa Nguyệt cũng mơ hồ, nhưng nàng nghĩ tự dưng có thêm một người anh thì dẫu sao cũng là chuyện tốt, thế là cười hì hì lộ răng nanh ra, xưng em gọi anh với Nam Cửu Dương.

Nam Cửu Dương là một vị trạng nguyên hiểu rõ đạo nghĩa, tỏ tường đạo lý dục tốc bất đạt.

Sau khi nhận thân, hắn nói với Hoa Nguyệt:

– Em ở Vũ Thiên Hạ nhiều năm, chắc chắn đã có tình cảm. Tuy anh là anh trưởng mới của em cũng không muốn thấy em phải dứt bỏ, chi bằng em cứ ở lại chỗ này, anh thường đến thăm em là được.

Hoa Nguyệt cười nói:

– Tốt quá tốt quá.

Đàn ông theo đuổi phụ nữ có hai chiêu trăm dùng không lậm, một là lấy lui làm tiến, hai là lạt mềm buộc chặt. Nam Cửu Dương giở cả hai chiêu, tất nhiên hiệu quả rất tốt.

Giữa mùa hè nắng chói chang, mỗi ngày quan trạng nguyên khóa mới lâm triều, làm xong công vụ thì đều nóng lòng chạy tới Vũ Thiên Hạ. Chạy tới không lượn ra sau vườn xem Hoa Nguyệt ngay mà ngồi một mình ở trong chỗ tối ở mái hiên trong sân vườn.

Mỗi khi Hoa Nguyệt luyện múa xong lượn ra từ vườn sau là có thể thấy Nam Cửu Dương đứng ở chỗ cách trước mặt một tấc dưới ánh mặt trời gay gắt.

Bốn vách tường sân vườn tiêu điều vắng vẻ, chẳng có một chỗ ngồi nào. Nam Cửu Dương thấy Hoa Nguyệt thì phấn khởi bừng bừng bừng nhảy dựng lên gọi, gọi bà là em gái.

Hoa Nguyệt cũng gọi Nam Cửu Dương là anh, thấy hắn ngồi xổm đến mức tê cả chân, bước đi đã lảo đảo thì trong lòng luôn có cảm giác khó tả. Không phải cô nương Hoa chưa từng hỏi vì sao công tử Nam không ra vườn sau tìm mình, Nam Cửu Dương nói:

– Lượn ra vườn sau thì sợ cản trở việc luyện múa của em; chờ ở vũ quán lại thấy cách xa quá, chi bằng đến sân vườn ngồi, tê chân một chút nhưng trong lòng mới yên.

Lúc bấy Hoa Nguyệt nghe xong những lời này, trong lòng ấm áp song bề ngoài lại chỉ biết cười hì hì ngây ngô với người, cười đến mức Nam Cửu Dương phải thở dài trong lòng.

Trạng nguyên Nam tường tận đạo làm quan, đến tiệc rượu, nhận ít hối lộ, biết khi nào làm cho ra trò, khi nào đưa đẩy cho xong chuyện, khi nào nhắm một mắt mở một mắt. Tác phong linh hoạt trong ngoài của hắn được quan viên lớn nhỏ trong triều chào đón, ngay cả vị ở ngôi cửu ngũ cũng không khỏi khen một câu: “Nam Cửu Dương? Cáo già xảo quyệt”.

Thế nên công tử Nam cũng khá giàu có. Ngày ngày hắn sai gia đinh mua gối ngọc chiếu mát, quạt tròn bằng lụa thượng hạng tặng cho Hoa Nguyệt, còn thường nói mắt đám quan trong triều tệ hại, toàn tặng anh thứ vô dụng, chỉ đành đem ra cho em gái tiêu khiển.

Đương nhiên Hoa Nguyệt đã nhận những thứ này, còn làm một chiếc đèn cung đình, đưa cho Nam Cửu Dương làm quà cảm ơn.

Chỉ nửa tháng, hai người đã nặng tình anh em, khó bỏ khó phân.

Tháng bảy đổ lửa, như có ai bỏ nhân gian vào nồi hơi mà hấp vậy. Một hôm nọ, Hoa Nguyệt luyện múa xong đi ra, không thấy Nam Cửu Dương ngồi dưới mái hiên, thầm nghĩ có lẽ hắn có công vụ trong người.

Nhưng sau đó, ba ngày liền Nam Cửu Dương không tới tìm nàng, Hoa Nguyệt liền thấy sốt ruột. Nàng đội mặt trời chói chang, lảo đảo chạy về phía phủ trạng nguyên. Gã sai vặt trước cửa phủ vừa thấy nàng thì kêu một tiếng ôi chao, nói:

– Cảm tạ trời đất, cuối cùng cô nương Hoa cũng tới rồi.

Hoa Nguyệt cười hì hì, lại nghĩ thầm thấy lạ, vội nói:

– Tôi tới thăm anh tôi.

Gã sai vặt trầm mặc một lát rồi dẫn Hoa Nguyệt vào phủ.

Bên trong nhà chính, Nam Cửu Dương nằm mê man trên giường, người hầu xung quanh bận trong bận ngoài, thay nước đắp trán. Hoa Nguyệt thấp thỏm tiến lên, giơ tay lên sờ thấy trán nóng đến đáng sợ.

Nam Cửu Dương bắt lấy bàn tay kia, gọi tên Hoa Nguyệt trong lúc ngủ mơ. Đây là lần đầu tiên cô nương Hoa nghe thấy công tử Nam không gọi mình là em gái, nghĩ thầm có lẽ hắn đã sốt đến lẫn rồi.

Hoa Nguyệt canh bên giường Nam Cửu Dương ba ngày ba đêm.

Tảng sáng bốn ngày sau, quan trạng nguyên mới tỉnh lại. Cả người hắn không còn chút sức lực nào song đầu óc vẫn khá tỉnh táo, nhìn Hoa Nguyệt ghé vào mép giường mơ màng mở mắt, nói:

– Ôi, em gái, sau đó tôi lại đi điều tra ngày sinh tháng đẻ, phát hiện thật ra em gái ruột của tôi là người khác, tôi phải đi tìm em ấy.

Hoa Nguyệt nghe vậy thì cắn môi, mãi vẫn không nói gì. Một lúc lâu sau, nàng lại ngẩng đầu lên mỉm cười, răng nanh trắng bóc, lúm đồng tiền bên khóe miệng giống như hoa đào tươi đẹp nhất mùa xuân, nhưng lúc nàng nói “Tốt quá tốt quá”, trên mặt rõ ràng lóe lên vẻ ảm đạm.

Trong lúc cuống quýt, Nam Cửu Dương nắm lấy tay Hoa Nguyệt, gọi “Nguyệt”, vùng ngồi dậy khỏi giường như có thần giúp:

– Mấy ngày nay, dù nàng không phải em tôi, tôi cũng đã coi nàng thành người thân nhất của mình. Vả mỗi ngày tôi đến Vũ Thiên Hạ tìm nàng, nàng cũng đã tới phủ tôi ở một thời gian, đợi tôi tìm được em gái thật sự rồi, chẳng phải nàng phải mang tiếng xấu ư? Thế thì tôi sẽ hủy thanh danh của nàng, bảo tôi làm sao chịu nổi?

Quan trạng nguyên nói xong những lời này thì quả thực hối hận.

Lúc đầu hắn định giả vờ tìm em gái ruột trước, đợi nửa tháng sau trở về lại nói với Hoa Nguyệt, không tìm được em gái. Mà cô nương Hoa của hắn vừa hay sẽ trải nghiệm được sự mạn diệu của nỗi tương tư khắc cốt ghi tâm trong nữa tháng không có hắn.

Nhưng hôm nay hắn vô ý rút dây động rừng, thất bại trong gang tấc, quân lính tan rã.

Ngờ đâu Hoa Nguyệt nghe xong lời này của hắn chỉ yên lặng ngồi bên giường, chốc sau nàng lại mở miệng, giơ tay lên vỗ ngực Nam Cửu Dương:

– Thế, đành để chàng ấm ức cưới tôi thôi.

Đất bằng nổi một tiếng sấm, khiến Nam Cửu Dương chấn động đến ngẩn tò te, hắn chỉ mở miệng ấp úng nói:

– Cũng chỉ đành vậy thôi. – Dứt lời lại hôn mê bất tỉnh.

Hôm Nam Cửu Dương khỏi bệnh chính là đại hôn của hai người.

Trong kí ức của ông cụ Nam, hôm ấy vẫn là ngày náo nhiệt nhất trong sinh mệnh.

Trượng nghi rợp hồng trần, hương thoảng qua mười dặm. Đèn lồ||g sáng đường trường, trăng chiếu khắp trời cao.

Chiêng trống vang trời, hắn đeo lụa hồng, cưỡi ngựa mà lòng vui rạo rực, quay đầu lại đã thấy kiệu hỉ lắc lư, cô nương Hoa của hắn đương ngồi bên trong.

Cô nương Hoa mang khăn đội đầu, tất nhiên cũng đang cười hì hì ngây ngô ở bên trong kiệu.

Một ngày cực kì đáng nhớ như vậy khiến rất lâu về sau, Nam Cửu Dương vẫn cầm chén rượu nhỏ, ngồi một mình trong đình lục giác lắc đầu lẩm nhẩm hát: “Còn nhớ lúc đó, hai ta còn trẻ. Vén khăn voan, thổi ngọn nến. Kéo mành che, cởi xiêm áo. Lật qua lật lại, lật tới lật lui, trằn trọc trăn trở, trăn trở trằn trọc…”.

Có công mài sắt có ngày nên kim, với sự miệt mài khổ cực như thế của Nam Cửu Dương và Hoa Nguyệt, cuối cùng ngày xuân năm sau hoa đào Nam đã cất tiếng khóc chào đời.

Khi đó hoa đào nở khắp kinh thành, từng cánh hồng bay lượn.

Hoa Nguyệt ôm con gái nhỏ bé, vui sướng khó tả.

Cửa mở ra, mấy đóa hoa đào mềm mại bay tới, mang theo sự ấm áp ngày xuân. Nam Cửu Dương nói tên con gái nên là Nam Tiểu Đào, Hoa Nguyệt lại khăng khăng muốn gọi nàng là Nam Sương.

Nam Cửu Dương nói:

– Vợ à, gọi nó là hoa đào vì nàng cười lên đẹp như hoa đào vậy.

Hoa Nguyệt không nói gì.

Nam Cửu Dương lại nói:

– Vợ à, nàng xem con gái chúng ta cũng giống như hoa đào vậy.

Hoa Nguyệt vẫn không nói.

Nam Cửu Dương vỗ bàn nói:

– Vợ à, Nam Sương đúng là một cái tên rất hay!

Hoa Nguyệt mới cười hì hì.

Nam Sương không có nhiều kí ức về Hoa Nguyệt. Đoạn chuyện cũ này của cha mẹ nàng cũng là do Nam Cửu Dương từ tốn kể với nàng sau khi nàng dẫn Vu Hoàn Chi về kinh gặp ông cụ Nam.

Sau khi Hoa đào Nam ra đời, Hoa Nguyệt ở cữ xong bèn trở về Vũ Thiên Hạ. Sau đó có một ngày hồn lạc phách xiêu trở về nhà, từ đó càng luyện múa siêng năng chăm chỉ hơn.

Nam Sương hai tuổi, thấy mẹ múa phiêu diêu trong sân, cũng hoa chân múa tay theo. Người nàng mềm dẻo, tư chất vô cùng tốt, còn nhỏ đã có thiên phú của vũ cơ xuất sắc. Hoa Nguyệt thấy thế lại cực kì sợ hãi, cầm gậy gỗ đánh thật mạnh vào mắt cá chân nàng.

Khúc Kinh Loan phải xoay tròn tại chỗ, múa ra phong thái của tiên, múa ra màu sắc nhuộm khắp trời.

Hoa Nguyệt làm tổn thương gân chân Nam Sương, cả đời hoa đào Nam cũng không thể múa được điệu đẹp đẽ ấy nữa.

May mà còn nhỏ nên không nhớ, qua một thời gian, Hoa Đào Nhỏ đã quên béng chuyện này. Còn thứ làm nàng khắc cốt ghi tâm là một chuyện khác.

Nam Sương bảy tuổi, Nam Cửu Dương bỗng dưng từ quan, chọn một tòa nhà để xây phái Thiên Thủy.

Khi đó, Hoa Nguyệt đã luyện múa đến si mê, suốt ngày ở Vũ Thiên Hạ, đêm khuya mới về nhà.

Một hôm trời xanh mây trắng, Nam Sương bị Hoa Nguyệt gọi vào phòng chính, trên bàn phòng chính có bức tranh hoa đào liền đế. Hoa Nguyệt dỗ Nam Sương uống bát nước ngọt. Trogn nước ngọt có bỏ thuốc, hoa đào Nam vừa uống xong đã mơ màng ngủ mất.

Nàng bị cơn đau đớn đánh thức. Lúc mở mắt ra, nàng thấy Hoa Nguyệt đang dùng kim đâm từng chút một dưới xương quai xanh của mình, đổ phẩm màu đỏ như máu vào trong vân da. Cơn đau đáng sợ ấy làm Nam Sương quên cả la hét, chỉ ngơ ngác nhìn Hoa Nguyệt cầm nước mắt, hai tay run rẩy, đâm từng chút từng chút một.

Từ đó về sau Nam Sương không bao giờ để ý tới Hoa Nguyệt nữa.

Một năm sau, hình như Vũ Thiên Hạ không cần Hoa Nguyệt nữa. Thời gian nàng ở nhà càng ngày càng dài.

Mỗi ngày nhàn rỗi thì đến vườn của Nam Sương, hoặc trốn ở góc tường, hoặc trốn ở cạnh cửa dòm Hoa Đào Nhỏ cười ngây ngô. Thấy Nam Sương bắt gặp mình, nàng ấy bèn nói:

- Ngày sau Sương thành đại hiệp, về nhà thăm cha, báo hiếu mẹ.

Có lúc nàng ấy còn nói với Hoa Đào Nhỏ:

– Mẹ thấy con chim sáo đó sắp đẻ trứng rồi, về sau con nuôi mấy con chim sáo thì sẽ không cô quạnh.

Từ nhỏ tính cách Nam Sương đã cực tốt, mặc dù trong lòng nàng có khúc mắc với Hoa Nguyệt, song không tức giận thật. Nhưng nhớ tới cơn đau ngày đó cũng không biết nói gì cho phải, chỉ đành cười ngây ngô với mẹ.

Cho tới sau này, Nam Sương thấy mẹ múa khúc Kinh Loan trên bàn đá, kiệt sức mà chết.

Khi đó lại là một năm mùa hè nóng nực, đúng lúc dành dành nở rộ, cả vườn thơm ngát.

Nam Cửu Dương ngồi bên giường nắm lấy tay Hoa Nguyệt, hai mắt lấp lánh ánh sáng vì kiềm nén cực độ, hắn hưng phấn kể về chuyện trong những năm gần đây, hưng phấn kể từng câu chuyện cũ của hai người cho Hoa Đào Nhỏ của họ.

Lúc tinh thần của Hoa Nguyệt tốt hơn sẽ cười hì hì trả lời hắn.

Có một bữa, Hoa Nguyệt gọi Nam Cửu Dương tới bên giường, nói:

– Em thấy mấy ngày nay đều là chàng nói, hôm nay em nói với chàng nhé?

Nghe nói trước khi chết con người sẽ hồi quang phản chiếu, không phải Nam Cửu Dương không biết, nhưng hắn vẫn cười nói được.

Hoa Nguyệt bảo:

– Năm mười chín tuổi, em múa trên sân khấu, nhìn khán giả ngồi bên dưới mặc quần áo bằng gấm lam, đẹp trai cực kỳ. Lúc đó em đã nghĩ, nếu có thể lấy chàng ấy thì tốt biết bao.

– Ngày hôm sau, quan trạng nguyên khóa mới diễu phố, chị em trong Vũ Thiên Hạ kéo em đi xem, em lại nhìn thấy chàng ấy. Chàng mặc quan phục, dáng vẻ đường hoàng. Lúc đó em lại nghĩ, chàng ấy thật là đẹp trai, nếu có thể lấy chàng thì tốt biết bao.

– Sau đó, chàng ấy tới tìm em. Nói em là trẻ mồ côi, là em gái thất lạc của chàng. Thật ra em nào phải trẻ mồ côi gì, chẳng qua để vào Vũ Thiên Hạ múa nên em mới nói dối đấy thôi. Em có cha có mẹ, nhưng mẹ thì chết, cha thì điên. Lúc đó em nghĩ, nếu được làm em gái chàng ấy, em cũng đã thấy đủ rồi.

– Ai ngờ chàng ấy thật sự coi em là em gái, mỗi ngày đều đến thăm em, không đến vườn sau vì sợ cản trở em, không đến quán múa vì thấy xa cách. Đành ngồi canh mỗi ngày ở sân vườn giữa vườn sau và quán múa.

– Khi đó trời nóng lắm, nóng như lò lửa muốn nướng chín người ta. Em nhớ mình đặt cái ghế ở sân vườn cho chàng ấy, nhưng mỗi ngày cái ghế kia lại bị thầy lặng lẽ cầm đi mất. Thầy nói, bởi vì chàng ấy nghĩ lừa em đi mất.

– Chàng ấy tặng em nhiều thứ tốt lắm, còn nghĩ ra đủ cái cỡ muôn hình vạn trạng. Sau, em cũng làm một cái đèn cung đình tặng cho chàng. Em vụng về, chả có tài năng gì, chỉ có có thể làm đèn cung đình vuông vức. Chàng mừng rỡ cầm đi, thực sự là mừng rỡ nhảy nhót tung tăng ấy. Thật ra chàng ấy không biết, em buồn lắm, em thấy chàng ấy ngày ngày ngồi trong sân vườn chờ em, trong lòng lại buồn. Em vừa buồn là lại ngồi làm đèn cung đình. Cả đời này, chiếc đèn cung đình tốt nhất mà em từng làm chính là chiếc đèn tặng cho chàng ấy.

– Sau đó chàng ấy mãi không tới, em sốt ruột lắm, sợ chàng phải cưới vợ, bèn tới tìm chàng. Kết quả gã sai vặt kia mở cửa lại nói chàng bị bệnh rồi, nói là hai ngày trước gã sai vặt kia từng tới tìm thấy em, bảo thầy nói với em.

– Em không trông ba ngày ở bên giường chàng ấy, em trở về tìm thầy. Thầy nói chàng giả bệnh dọa em thôi, em lại vòng về phủ trạng nguyên tìm quản gia nhà chàng ấy.

– Quả thực chàng ấy giả bệnh dọa em, nhưng chỉ có ngày đầu tiên là chàng giả bệnh thôi. Đợi một ngày thấy em không đến nên ngâm mình trong nước đá cho cóng cả một ngày, thế là đổ bệnh thật.

– Lúc trông nom bên giường chàng ấy, em nghĩ chờ chàng tỉnh lại, em phải nói với chàng rằng em không phải em gái chàng. Khéo là chàng tỉnh lại đã nói chuyện này.

– Từ năm mười chín tuổi gặp chàng ấy, em nghĩ chàng thật đẹp trai, nếu có thể lấy chàng thì tốt rồi. Em thật tốt số, thật sự lấy được chàng ấy.

– Cả đời này, người đối tốt với em nhất chính là chàng ấy. Khi Sương xuất hiện trên đời, chàng nói muốn gọi là Hoa Đào Nhỏ, bởi vì giống em. Em không đồng ý, bởi vì em cảm thấy chàng ấy giống như sương tuyết. Khi đó, dưới cái nóng mùa hè, mỗi ngày em đều luyện múa, nóng đến mức luôn miệng kêu khổ, nhưng vòng đến sân vườn, thấy chàng ấy ngồi chờ ở đó, trong lòng em lại mát đi. Giống như phủ mấy lớp sương tuyết, vừa đắng lại lạnh vừa chát, lại có chút ngọt ngào…

Hoa Nguyệt nói với Nam Cửu Dương xong lại gọi hoa đào Nam tới, rủ rỉ tổng cộng cả nửa ngày.

Hôm ấy, mặt trời cực kì chói chang, tinh thần Hoa Nguyệt cực kỳ tốt, tốt đến mức nàng khăng khăng đến bàn đá trong đình, múa khúc Kinh Loan để Nam Cửu Dương ngắm, cho đến kiệt sức mà chết.

Nam Cửu Dương ngồi yên tại chỗ. Mặt trời độc ác thiêu đốt khiến mắt hắn cay sè, nước mắt chảy đẫm khuôn mặt.

Rất lâu sau, hắn bỗng ôm lấy thi thể của Hoa Nguyệt, dẫn Nam Sương trở về Vũ Thiên Hạ.

Lúc đó tiếng tăm của Vũ Thiên Hạ đã xuống dốc, bốn bức tường sân vườn vẫn tiêu điều vắng vẻ như năm xưa.

Nam Cửu Dương ngơ ngác ôm Hoa Nguyệt vào trong lòng, ngồi xổm tại chỗ, nhìn về phía cái cửa nhỏ góc tây hết lần này đến lần khác. Năm đó Hoa Nguyệt lượn ra từ nơi đó, cười hì hì với ông, vẻ mặt ngờ nghệch.

Mà khi đó Nam Sương lại đưa ngón tay ra chạm vào bàn tay lạnh như băng của Hoa Nguyệt.

Nàng nhớ sau khi về phủ, không còn người thò đầu ra từ góc tường sau cửa, cười với nàng, nói mấy câu ngô nghê nữa, nước mắt bỗng nhiên rơi xuống.

Hoa đào Nam cho rằng trong cuộc đời xuôi chèo mát mái của nàng chỉ có hai chuyện làm nàng mãi không thể quên được.

Một chuyện là năm đó Hoa Nguyệt khắc dấu hoa đào dưới xương quai xanh của nàng, còn một chuyện khác chính là cái chết của Hoa Nguyệt.

Lúc dấu hoa đào đó mới thành hình, còn lâu mới được đẹp như bây giờ, màu đỏ tươi, da thịt lồi lõm, là dấu vết đáng sợ nhất. Nam Sương nghĩ, nàng không hận Hoa Nguyệt nhưng lúc bà còn sống vẫn chưa hỏi rõ nguyên nhân khắc dấu.

Trên đời này, rất nhiều chuyện trôi qua rồi thì đều có thể bỏ qua, có thể không để bụng, chỉ để lại tiếc nuối trong lòng đã có thể ràng buộc người ta cả đời.

Lúc người khác đối tốt với mình thì mình phải đối tốt với người đó. Càng là người mình thích thì càng nên một lòng một dạ.

Sau đó hoa đào Nam đã hiểu ra.