Một Màu Xuân

Chương 3




*Chương này có nội dung ảnh, nếu bạn không thấy nội dung chương, vui lòng bật chế độ hiện hình ảnh của trình duyệt để đọc.

Mục Diễn Phong vẫn khá ám ảnh với nụ cười của Vu Hoàn Chi.

Sau này về Tô Châu, thiếu chủ Mục cùng cô nương Nam nhắc đến tất cả việc xấu của ma đầu họ Vu, hai người ăn nhịp với nhau mà đưa ra kết luận thế này: Hoàn Chi cười một, trời đất mịt mù; Hoàn Chi cười hai, lễ nhạc tan vỡ; Hoàn Chi ba thì trăm họ lầm than.

Sau khi nghe được kết luận này, Vu Hoàn Chi cũng cho rằng vô cùng tuyệt diệu, tìm hai người Nam, Mục uống trà chuyện phiếm, cởi nón sa đen, lộ ra khuôn mặt khí khái hào hùng mà dịu dàng thanh tao, vô tội cười với họ cả một ngày. Trái tim nhỏ bé của Nam Sương suýt nữa không chịu nổi, sức vỗ bàn của Mục Diễn Phong làm mưa hoa hạnh rơi xuống một trận: “Nhãi con cậu có gì cứ nói thẳng! Không nói thì bổn đại gia sẽ chém người đấy!”.

Cánh hoa trắng như tuyết phất qua môi Vu Hoàn Chi, cũng phất qua mắt Nam Sương, bốn mắt nhìn nhau không khỏi đờ đẫn một lát. Nam Sương cười thật thà với Vu Hoàn Chi, ma đầu Vu quay đầu đi, ho khẽ hai tiếng mất tự nhiên.

Mục Diễn Phong thích thú mở to mắt. Hắn chẳng những tìm được vẻ mất tự nhiên trăm năm khó gặp trên mặt tiểu ma đầu mà còn tìm được vẻ ửng hồng bên tai y. Thế là thiếu chủ Giang Nam lơ đễnh ngửa mặt lên trời cười dài, nói: “Hiếm có, hiếm có! Cậu Vu, cậu khiếp sợ sự oai phong của bổn đại gia rồi phỏng?”.

Thứ Mục Diễn Phong mong đợi là một tràng hoan hô, ít nhất cũng phải được vài câu khen ngợi. Ngờ đâu lời nói rơi vào hư không, cánh hoa trắng nõn như tuyết rơi lả tả ở trên bàn đá trong bóng cây xanh mướt.

Chỉ chốc lát, Vu Hoàn Chi quay đầu lại, trên mặt là một nụ cười nhạt như khói hết sức hiếm thấy, nom như lờ mờ, mơ hồ lại vô cùng đẹp đẽ như sương mù đặc quánh của mùa đông bị nắng sớm chiếu lên: “Sương, Diễn Phong, lần trước nói phải kết bái. Ừm, chúng ta kết bái đi”.

Song khi họ vẫn còn làm quen ở các Vạn Hồng, nụ cười của  ma đầu Vu còn lâu mới có vẻ vô hại như sau này. Khi y ném một câu “Có chuyện tốt chờ anh đấy” rồi thi triển khinh công bay xuống dưới núi thì trên gương mặt đực ra của Mục Diễn Phong dần lộ sự đau khổ khó có thể dùng lời diễn tả được. Hắn siết nắm tay, hung dữ đập lên cái cây bên cạnh: “Mây đen đè thành thành muốn đổ[1], xưa nay chinh chiến mấy ai về[2]“.

Nam Sương nghe xong rất vui mừng, hiếm khi nhìn thấy người có trình độ thi văn ngang sức ngang tài với nàng, liền tươi cười rạng rỡ an ủi: “Đại hiệp Mục, không sao đâu, nhân sinh tự cổ ai không chết[3], giành cho thân thế được tiếng thơm[4]“.

Tục ngữ nói rất hay, đầy nước không vang, nửa nước dập dềnh[5]. Mục Diễn Phong gặp Nam Sương như kẻ hành khất gặp người xin cơm, đồng bệnh tương liên, rắn chuột một ổ.

Hai người vẫn âu sầu bất đắc chí trong việc bồi dưỡng thi từ, hôm nay gặp mặt như Du Bá Nha gặp được Chung Tử Kỳ[6], lập tức trở thành tri âm, hô to chỉ hận gặp nhau quá muộn. Huống chi Mục Diễn Phong nghe thấy tôn xưng “đại hiệp” thì đắc ý trong lòng, hắn lập tức khoác hai bộ móng lên vai Nam Sương như thiên lí mã gặp Bá Nhạc[7]: “Cô nương Nam, bổn đại gia thích cô rồi đấy! Từ nay về sau cô chính là em gái kết nghĩa của ta, có việc gì thiếu hiệp Mục tôi sẽ bảo kê cho cô!”.

Nam Sương cũng đắc ý nhưng nàng bình tĩnh hơn Mục Diễn Phong. Tình hình lúc này rất rõ ràng, tên dưới các Vạn Hồng đều không muốn gặp nàng, nhưng mọi người e sợ Vu Hoàn Chi, tên tiểu ma đầu này có tình cảm sâu sắc với thiếu chủ Giang Nam, thế là nàng cũng cười nói: “Đại hiệp Mục gọi tôi em Sương là được”.

Ngoại hình Nam Sương xinh đẹp, lúc cười, hai mắt cong cong như trăng sáng, lộ ra một đôi răng nanh, vừa lanh mà lại ngốc nghếch chân chất, hết sức đáng yêu. Mục Diễn Phong trông nụ cười này, cảm thấy ánh xuân ấm áp chiếu rọi, hô to một tiếng: “Được! Em Sương, chi bằng hai ta cứ lấy cây phong này làm chứng, kết bái ngay tại đây, từ nay về sau trên giang hồ…”.

“Kết bái? Sợ là không được”. Một giọng nói lạnh lùng bên ngoài viện bỗng dưng cắt ngang chuyện tốt của Mục Diễn Phong.

Nam Sương và Mục Diễn Phong cùng run rẩy, nhìn về phía cửa. Chỉ thấy mười mấy gia đinh vừa tháo chạy xuống núi – những kẻ nghe thấy ba chữ “Vu Hoàn Chi” thôi mà chẳng hiểu sao đã lăn xuống núi – ba người một hàng, nhếch nhác trở lại sân.

Chưa đến chính ngọ, trời thu trong xanh thoáng đãng, một trận gió mát mẻ thổi qua, lay động chuông gió treo tren mái hiên. Mái hiên đầy rêu xanh ẩm ướt, nhỏ vài giọt sương sớm xuống dưới.

Vu Hoàn Chi chắp tay đi sau mọi người, đưa họ trở về hiên Nghênh Khách như xua vịt. Đám người kia vừa vào sân đã tự giác tìm một chỗ đất trống, ngồi xổm thành một trận vuông, ai nấy đều khoanh tay ôm đầu, vô cùng uể oải.

Nam Sương từng nghe kể một vài tin đồn về tiểu ma đầu Vu Hoàn Chi trong giang hồ.

Có kẻ nói người này có một sở thích là tuyệt đối không giết kẻ cô đơn chiếc bóng. Nếu nói một cách mĩ miều thì “Phúc tới có đôi; họa không đến mình”. Nhân thế, càng nhiều người, y giết càng phấn khởi, cách chết của mỗi người đều vô cùng kỳ quặc, không bao giờ lặp lại. Nếu như người bị giết muốn được toàn thây thì chỉ có một điều kiện là nghe lời. Người càng nghe lời thì chết càng sảng khoái.

Vì vậy lại có người giang hồ tổng kết rằng: Nếu một người gặp Vu Hoàn Chi thì thừa dịp những người khác chưa đến, mau mau trốn chạy; nếu một đám người gặp Vu Hoàn Chi thì xếp thành hàng, ngồi xổm trên đất, ôm đầu chờ y một chiêu giải quyết mình, nếu như không theo… đành tự cầu phúc thôi.

Vầng sáng nhạt phủ lên chiếc áo xanh của Vu Hoàn Chi, mềm mại và non mịn tựa như lá lộc đầu xuân đón ánh bình minh. Mặc dù không thấy rõ khuôn mặt của y, vẫn có thể cảm nhận được khí chất trắng như tuyết, nhẹ như mộng.

Nam Cửu Dương – cha Nam Sương – từng nói, thật ra Vu Hoàn Chi không phải người quá đáng sợ, chỉ là đứa trẻ bất hảo mà thôi; kẻ đáng ghét phải là Vu Kinh Viễn – người cha già hung ác độc địa của Vu Hoàn Chi đã mất tích khi trước.

Bây giờ gặp Vu Hoàn Chi, Nam Sương cũng cho rằng người thanh cao như vậy sẽ không phải tiểu ma đầu bất hảo, giết người không chớp mắt.

Nhưng một khắc sau, nàng đã dao động.

Vu Hoàn Chi nhìn chung quanh một vòng, dù cách mạng che đen, ánh mắt sắc bén vẫn làm người ta sợ mất mật. Cuối cùng y nhìn về góc đông nam trong sân: “Công tử Âu Dương”.

Âu Dương Hi đứng tại chỗ với sắc mặt trắng bệch, đỡ lấy Âu Dương Nhạc, còn Âu Dương Vô Quá đã ngã ngồi trên mặt đất, cả người run rẩy từ lâu.

“Công tử Hoàn”. Một lúc lâu sau, Âu Dương Hi hít vào một hơi, nói.

Ma đầu là biệt hiệu của Vu Hoàn Chi. Còn công tử Hoàn mới là danh hiệu thực sự của y trên giang hồ.

Vu Hoàn Chi nghiêng đầu nhìn đám bị thịt khắp nơi: “Nếu các Vạn Hồng không cứu những người này thì tôi khai đao nhé?”.

Âu Dương Hi hoảng hốt nhìn Nam Sương, dường như không tin nàng sẽ nhập bọn với Vu Hoàn Chi.

“Cứu”. Một lúc lâu sau, Âu Dương Hi mới hỏi: “Không biết công tử Hoàn có điều kiện gì?”.

Vu Hoàn Chi khẽ cười một tiếng, chỉ Nam Sương và Mục Diễn Phong: “Hôm nay tư tình giữa cô nương Sương và thiếu chủ nhà tôi bị trên dưới các Vạn Hồng này trống thấy, không biết công tử Âu Dương chấp nhận, hay không chấp nhận?”.

“Không chấp nhận”. Âu Dương Hi đáp.

“Hả?”

“Chấp nhận”.

“Tốt”. Vu Hoàn Chi lại cười một tiếng: “Thế các Vạn Hồng có nói với bên ngoài không?”.

“Không nói”. Âu Dương Hi đáp.

“Hả?”

“Nói”.

“Tốt”. Vu Hoàn Chi cười lần nữa: “Nếu vậy, xảy ra chuyện thế này rồi, việc hôn nhân của công tử Âu Dương và cô nương Sương chỉ có thể bỏ thôi. Nhưng nguyên nhân gây ra chuyện này đều là vì thiếu chủ nhà tôi…”. Nói rồi, ánh mắt y thấp thoáng rơi vào Mục Diễn Phong và Nam Sương đang nghẹn họng nhìn trân trân: “Thiếu chủ nhà tôi làm việc quang minh lỗi lạc, há là người không chịu trách nhiệm? Lần này ngài cướp cô nương Sương, thật sự cảm thấy hổ thẹn nên quyết định…”. Nói đến đây, Vu Hoàn Chi cố ý dừng lại, đến khi hài lòng nghe thấy Mục Diễn Phong và Nam Sương hít hơi mới bảo: “Quyết định cưới cô nương Sương làm thiếu phu nhân trang Lưu Vân. Không biết công tử Âu Dương và bác Âu Dương có bằng lòng không?”.

“Chỉ vậy thôi?” Âu Dương Nhạc hỏi.

“Chỉ vậy”. Vu Hoàn Chi gật đầu, lại nhìn về phía Âu Dương Hi.

Lúc đầu tuy rằng thanh danh bên ngoài của Nam Sương có điều tranh luận, nhưng cưới nàng làm vợ là việc mà tất thảy chàng trai trong thiên hạ đều ước mong. Người ta nói “Đào Hoa Nước Nam” trong ba đại kỳ nữ của thiên hạ am tường thuật khuê phòng, dáng người thướt tha mềm dẻo, là chốn tiêu hồn mười phân vẹn mười.

Mà hôm nay, Âu Dương Hi gặp được Nam Sương, thấy nàng quả thực xinh đẹp như hoa, nhưng mặt mày không hề có quyến rũ diễm lệ mà lại mông lung như sương như khói, một cái nhăn mày một tiếng cười lại lộ ra vẻ ngờ nghệch chân chất. Hắn ta là người chính trực, vốn không có hảo cảm mấy với Nam Sương trong lời đồn, nhưng gặp được người thật thì lại động lòng tiếc nuối.

Có điều, nếu phải lựa chọn giữa sắc và mạng thì tất nhiên hắn ta sẽ chọn cái thứ hai mà không hề do dự, huống chi đây còn là mạng của mọi người trong viện.

“Được”. Hắn ta liếc nhìn Nam Sương không biết làm sao, lại nghe Âu Dương Nhạc đột nhiên ho dữ dội, Âu Dương Hi vội vàng giơ tay lên vỗ lưng cho ông ta.

Vu Hoàn Chi cười hài lòng, xoay người đi về phía Nam Sương và Mục Diễn Phong định bỏ chạy, chắp tay khom người hành lễ: “Chúc mừng thiếu chủ lần này rời phủ đón được mĩ nhân về”.

Vẻ mặt Mục Diễn Phong rất trang nghiêm: “Cậu Vu, lần này đùa hơi quá rồi”.

Vu Hoàn Chi nói: “Không, lần này Hoàn Chi nghiêm túc đấy”.

“Anh bảo tôi lấy anh ta?” Nam Sương nghiêm túc hỏi, thấy Vu Hoàn Chi gật đầu, nàng vội vàng lắc đầu nói: “Không được”.

“Vì sao?” Vu Hoàn Chi cười.

Mục Diễn Phong không khỏi buồn bực: “Ngay cả em họ Âu Dương Hi của tôi mà cô cũng chịu lấy, chẳng lẽ thiếu hiệp Mục tôi đây không anh tuấn tiêu sái, phong lưu phóng khoáng hơn cậu ta ư?”.

Bên kia, mặt Âu Dương Hi nhăn nhó lại.

Vu Hoàn Chi bảo: “Cô nương Sương không cần quan tâm ý kiến của minh chủ và lệnh đường. Đợi về Tô Châu, Vu tôi tự sẽ đi báo cho hai người họ biết”.

Nam Sương lại lắc đầu: “Không phải vì việc ấy”. Sau đó nàng nhìn Vu Hoàn Chi, đường hoàng trả lời: “Mặc dù tôi với thiếu chủ Mục mới kết bạn nhưng thấy đôi bên cùng chung chí hướng, là tri kỷ chứ không phải tình yêu nam nữ. Kết làm vợ chồng như thế, hết sức kỳ quặc”.

Mục Diễn Phong rất mực tán thành: “Em Sương, gọi tôi anh Mục là được”.

Vu Hoàn Chi cười nói: “Thật ra nói cách khác là mặc dù cô nương Sương với thiếu chủ chưa mây mưa đã có tình nghĩa chung giường, mới kết bạn hai ba canh giờ đã đồng cam cộng khổ, tình đầu ý hợp. Quả là lương duyên trời ban”.

Nụ cười Nam Sương cứng lại, “giết người vô hình” là ấn tượng lúc này của nàng với Vu Hoàn Chi. Nàng không phải người giỏi tranh cãi, nghe ma đầu họ Vu tỉa tót câu chữ bóp méo sự thực thì chỉ đành bại mà quay về.

Người trước ngã xuống, người sau tiến lên, Mục Diễn Phong quyết định lấy tình làm lí. Hắn nhấc cánh tay khoác vai Vu Hoàn Chi, đưa y rẽ vào một góc nhỏ, đạp một cú trên băng ghế đá bên cạnh, thành khẩn nói: “Cậu Vu, cô nương Nam là con gái nhà lành, lấy em họ tôi chưa được một ngày lại tái giá với tôi, cậu bảo người sẽ trên giang hồ nghĩ như thế nào?”

Vu Hoàn Chi thong dong liếc hắn, nhỏ giọng nói chỉ Mục Diễn Phong nghe được: “Vừa rồi thiếu chủ mới liếc bớt hoa đào như màu xuân mới chớm dưới xương quai xanh của cô nương Nam, thiếu chủ là đấng nam nhi tràn đầy tinh lực, chưa từng động lòng ư?”.

“Một màu xuân…” Mục Diễn Phong nghe thấy lời ấy thì cảm thấy có gì kỳ lạ, nhưng rốt cuộc lạ ở đâu thì hắn lại nói không nên lời. Suy nghĩ một lát, hắn lại giải thích tiếp: “So le rau hạnh mọc dài, xứng cùng quân tử sánh vầy lứa duyên”.

Vu Hoàn Chi cúi đầu cười thầm một hồi, mãi mới lặng lẽ nói: “Là “U nhàn thục nữ thế này, xứng cùng quân tử sánh vầy lứa duyên[8]“. “Bên sông rau hạnh vắn dài, cô em ngắt hái ngọn ngoài ngọn trong. Yêu nàng anh những nhớ mong, cầu mà chẳng được anh trông đêm ngày[9]“ mới là câu anh nói”.

“Cũng như nhau thôi, những câu này đều là phần Kiêm gia”.

Vu Hoàn Chi nghiêm túc nói: “Là Quan thư”. Không đợi Mục Diễn Phong giải thích tiếp, y lại bồi thêm một câu: “Quan thư và Kiêm gia đều là bài trong Kinh Thi, không phải Sử ký”.

Mục Diễn Phong ngượng ngùng cười, biểu cảm chân thành trên mặt tỏ vẻ “Cậu thật hiểu tôi”.

Vu Hoàn Chi vỗ cánh tay hắn, sau đó quay về tàng cây mà Nam Sương đứng, nói với hai người Nam, Mục: “Lần này cô nương Sương đi khỏi phái Thiên Thủy vốn là để lập gia đình. Nếu như thiếu chủ không muốn nhận cô ấy, cô ấy trở về một mình như thế sẽ bị người ta phát hiện chuyện tư tình với thiếu chủ vào đêm tân hôn, nhất định sẽ truyền đi khiến cả thiên hạ đều biết. Từ đó, cô nương Sương sẽ mang danh không trong sạch, sau này đừng nói đến việc hôn nhân, ngay cả hành tẩu giang hồ cũng sẽ bị người khác chế nhạo”.

“Thiếu chủ, anh đã coi cô nương Sương như em gái kết nghĩa chia ngọt sẻ bùi thì anh phải đưa cô ấy về trang Lưu Vân, cưới cô ấy làm vợ vì danh dự của cô ấy”.

“Cô nương Sương, phái Thiên Thủy kết minh với các Vạn Hồng, nếu cô một mình trở về thì minh ước ấy tất định bị bãi bỏ, cha cô ắt sẽ hết sức thất vọng. Nếu cô lấy thiếu chủ, dựa vào danh tiếng trên giang hồ của trang Lưu Vân thì việc kết minh lần này vẫn có khả năng cứu vãn”.

Mục Diễn Phong và Nam Sương đều là người cực kỳ ngay thẳng, đầu óc hết sức đơn thuần, bị Vu Hoàn Chi lừa dối như thế thì không truy cứu nguyên nhân gây ra mà đều lắc đầu, thở dài thườn thượt. Hai người một như thu buồn, một như xuân đau, cuối cùng u uất nhìn Vu Hoàn Chi, ta thán: “Anh nói có lí”.

Hai mắt dưới mạng che của Vu Hoàn Chi cong lên. Y đi tới trước mọi người, báo cho mọi người nghe việc vui tiểu thư phái Thiên Thủy tái giá với thiếu chủ trang Lưu Vân. Ai nấy nghe được, đều sầu khổ mà hoan hô. Âu Dương Hi buồn bực nhếch khóe miệng, Âu Dương Vô Quá thì chân thành tiến lên chúc. Chỉ có Âu Dương Nhạc nhiều năm không ra khỏi nhà là ngồi sụp trong bóng tối, làn da chảy xệ tái nhợt, già yếu lọm khọm.

Một trận ngựa hí truyền vào từ ngoài cửa. Đồng Tứ dắt một chiếc xe ngựa tới, Vu Hoàn Chi bèn quay đầu lại, cười hỏi: “Thiếu chủ, thiếu phu nhân, giờ về trang chứ?”.

Nam Sương và Mục Diễn Phong nhìn nhau, một trước một sau cúi đầu rời viện như cha mẹ chết.

Vu Hoàn Chi đi theo sau hai người, trông từng vầng sáng chói chang lúc chính ngọ, tâm trạng cũng dễ chịu như trời thu trong xanh.

Ra ngoài độc một người, về nhà lời một đôi.

Lời tác giả: Ừm… CP chưa định… Ha ha.
[1] Một câu trong bài Nhạn môn thái thú hành của Lí Hạ, ý chỉ quân địch đã tới cửa thành, giống như muốn đè sụp tường thành. So sánh thế lực kiêu ngạo nhất thời tạo thành cục diện căng thẳng.

[2] Một câu trong bài Lương châu từ của Vương Hàn, ý chỉ các tướng sĩ xuất chinh vì nước, từ đầu đã tính đến da ngựa bọc thây, không định sống quay về.

[3] Ngạn ngữ: nhân sinh tự cổ ai không chết, lưu lấy lòng son soi sử xanh.

[4] Một câu trong Phá trận · Viết về thời tuổi trẻ gửi Trần Đông Phủ.

[5] Ý là nữ chính trình độ văn hóa kém nên đọc thơ đều chắp vá, nửa câu bài này nửa câu bài kia nhưng lại cho là thế mới hay 

[6] Bá Nha là người Tấn đi sứ qua nước Sở. Trên đường trở về đến sông Hán, ông cao hứng mang đàn ra gảy nhưng bản đàn chưa dứt đã bị đứt dây, ra có chàng trai tiều phu thấy khúc đàn hay quá nên dừng chân nghe. Bá Nha gảy khúc nhạc Cao sơn Lưu thủy, người tiều phu Chung Tử Kỳ rung cảm sâu sắc, cao đàm khoát luận, khiến Bá Nha khâm phục hết mực. Thu năm sau Bá Nha trở lại bến sông xưa nhưng không còn gặp được Tử Kỳ vì Tử Kỳ đã mất trong một cơn bạo bệnh. Bá Nha tìm đến mộ Tử Kỳ, gảy một bản nhạc ai điếu. Đàn xong, ông đập đàn vào đá, thề trọn đời không đàn nữa vì biết mình từ nay vĩnh viễn không còn bạn tri âm.

[7]Thiên Lí mã vốn là tên gọi của loại ngựa tốt và quý nhất trong các giống ngựa, nhưng rất ít người biết được nó. Song nhờ có Bá Nhạc mà Thiên Lí mã được phát hiện và trở nên nổi tiếng, quý hiếm trong dân chúng. Ý chỉ người tài gặp được kẻ giỏi phát hiện tiến cử bồi dưỡng và sử dụng.

[8] Yểu điệu thục nữ, quân tử hảo cầu. Bài Quan thư 1 trong Kinh Thi.

[9] Sâm si hạnh thái, tả hữu lưu chi, yểu điệu thục nữ, ngộ mị cầu chi. Bài Quan thư 2 trong Kinh Thi.