Mộng Đổi Đời

Chương 44: Đầu thai




Uông Trường Xích đến địa điểm đã định sớm mười phút so với dự kiến.

Sống suốt cuộc đời, Uông Trường Xích chưa bao giờ đến muộn, do vậy mà cậu không hề muốn lần cuối cùng này phải mang lấy cái tiếng "đến muộn". Cậu mặc một bộ áo quần chỉnh tề, sạch sẽ, đầu tóc được chải bóng láng, râu được cạo nhẵn nhụi. Vốn dĩ, Uông Trường Xích định mua một đôi giày da mới để mang, nhưng nghĩ lại, với năm trăm đồng cũng đủ để cho bố cậu lắp một khung cửa sổ bằng kính, đành phải nuốt một ngụm nước bọt, vân vê ngón tay rồi quyết tâm vứt bỏ ý tưởng ấy. Lúc này thì Uông Trường Xích mang đôi giày Giải phóng đã được lau chùi đến độ biến thành màu trắng, đứng ở chính giữa lan can cầu Tây Giang. Khoảng cách từ vị trí này đến mặt nước là cao nhất, cậu đoán là lúc gieo mình xuống, khi thân thể tiếp xúc với mặt nước, âm thanh sẽ rất vang. Con người khi sống cả đời rồi, hoặc là biến mất một cách lặng lẽ, hoặc là ầm ào mà rời xa, hai cách tất nhiên phải chọn cách thứ nhất. Bầu trời trong xanh một cách lạ thường,mây cũng trắng chưa từng thấy… Hình như trời cao cũng cố ý ban cho Uông Trường Xích một không gian tuyệt vời, chí ít cũng tặng cho cậu một ý niệm cuối cùng. Ánh nắng trải trên mặt nước, những cơn gió thổi qua nên ánh sáng hắt lên từ những con sóng lúc mạnh lúc yếu, không ngừng thay đổi, lúc thì chỗ này sáng đến độ chói mắt, lát sau thì chỗ kia cũng sáng đến độ chói mắt. Tiếng còi xe lướt qua sao mà đáng ghét, nhưng hình như cũng có một chút vui tai, ngay cả những luồng khói phụt ra sau đuôi của chúng cũng phảng phất tỏa ra một mùi thơm. Đăm đắm nhìn những ngôi nhà cũ kỹ dọc theo hai bên bờ sông, Uông Trường Xích nghĩ hắn nhất định đang ẩn mình sau những tấm rèm cửa sổ, đưa ống nhòm lên và đang quan sát sự chấp hành của mình khi đối diện với bản thân…

Bảy mươi hai tiếng đồng hồ trước, Lâm Gia Bách dùng một chiếc túi nilon màu đen, xách hai trăm nghìn đồng tiền mặt đến nhà trọ của Uông Trường Xích. Hắn vất túi tiền lên chiếc bàn xiêu vẹo vì lâu ngày không dùng bị mối xông trong phòng, không chịu được sức nặng, chiếc bàn nghiêng về một bên và ngã kềnh. Sau âm thanh của cái bàn ngã xuống đất, Uông Trường Xích cảm thấy căn nhà rung rinh chao đảo như có một trận động đất đến bốn năm độ đang diễn ra. Lâm Gia Bách muốn kê mông ngồi xuống một chỗ nào đó trong phòng, nhưng hầu như chiếc ghế nào cũng không muốn chấp nhận hắn, mỗi khi vừa đặt mông xuống là như có muôn ngàn mũi kim đâm vào mông hắn. Lâm Gia Bách đành phải đứng, lấy máy tính xách tay ra và mở một đoạn video. Trong đoạn băng video, Lâm Gia Bách, Đại Chí và Phương Tri Chi đang chụm đầu vào nhau, miệng đều điểm những nụ cười hạnh phúc và cùng nhìn vào ống kính máy quay. Đại Chí cười tươi nhất, hạnh phúc nhất, hai cái lúm đồng tiền xinh xinh. Trong tay nó đang cầm một tấm ngân phiếu. Ống kính quay cận cảnh tấm ngân phiếu này, tấm ngân phiếu càng lúc càng to, choán hết màn hình của chiếc máy tính, những con chữ và con số trên đó đều xem được rất rõ ràng. Uông Trường Xích đếm đủ số tiền ghi trong đó là tám con số, có con số 1 đứng đầu và bảy con số không tiếp theo. Lâm Gia Bách hỏi, anh đã thấy rõ chưa? Uông Trường Xích gật đầu, nghĩ: Bố, mẹ! Con đã bán chính con rồi. Được giá lắm. Có lẽ cái mạng này của con là đắt nhất trong thôn, không phải, trong xã, cũng không phải, nhất định phải là đắt nhất huyện ta rồi. Con trai của bố mẹ đáng giá quá phải không?

Ngay chiều hôm ấy, Uông Trường Xích đến ngân hàng chuyển hai trăm nghìn đồng vào tài khoản của Uông Hòe. Cậu từng có ý định về quê một lần cuối cùng, nhưng nghĩ lại, sau khi gặp bố mẹ, cậu sẽ không dám chết nữa và như thế là sẽ thất hứa với người ta. Cậu sợ đêm dài lắm mộng, sợ mình sẽ chạy trốn và như thế là phá hoại cuộc sống hạnh phúc của Đại Chí, nhưng sợ nhất là chính mình nhất thời sẽ trở nên hồ đồ, sẽ hạ thủ Lâm Gia Bách để tìm cho mình con đường sống. Mỗi lần nghĩ đến điểm cuối cùng này, Uông Trường Xích thấy toàn thân toát mồ hôi lạnh, oán trách thời gian sao trôi chậm.

Bốn mươi tám tiếng đồng hồ trước, Uông Trường Xích gõ cửa căn nhà Lưu Kiến Bình đang ờ. Có lẽ đã hơn mười năm rồi cậu không hề quấy nhiễu Lưu Kiến Bình, anh ta cũng đã chuyển đến nơi ở mới. Nhưng lần này Uông Trường Xích đành phải mặt dạn mày dày tới tìm anh ta. Người mở cửa chính là Hạ Tiểu Văn, lúc này đã là vợ của Lưu Kiến Bình. Vốn đã biết trước chuyện này nên cậu không có tâm trạng đặc biệt gì, riêng Tiểu Văn thì không ngờ là chồng cũ lại tìm đến đây nên vừa kinh ngạc vừa hoảng sợ. Hơn mười năm trước, cụ thể là sau khi Tiểu Văn biến mất khoảng hơn mười ngày, Uông Trường Xích đã tìm đến Lưu Kiến Bình. Đứng dưới đất, cậu thấy ánh đèn nhà Lưu Kiến Bình vẫn hắt ra khung cửa sổ, nhưng khi lên đến nơi, đưa tay lên gõ cửa thì đèn tắt, vừa khít đến độ khiến Uông Trường Xích nghĩ rằng tiếng gõ cửa của mình đã làm chạm mạch điện khiến đèn bị tắt. Cậu nghĩ, Lưu Kiến Bình không có lý do gì để tránh mặt mình, thế thì liệu mình có nhìn nhầm trước khi đi lên lầu hay không? Nghĩ vậy, Uông Trường Xích quay trở xuống, cửa sổ nhà Lưu Kiến Bình tối đen như thể bị phủ một lớp sơn đen khiến Uông Trường Xích cảm thấy vô cùng thất vọng và buồn bã. Đại Chí đã giao cho người ta nuôi, Tiểu Văn cũng đã biến mất, cậu muốn tìm đến Lưu Kiến Bình để mời anh ta uống vài ly rượu, trút bầu tâm sự, không ngờ anh ta lại không có ở nhà. Cái thành phố lớn thế này nhưng ngoài Lưu Kiến Bình ra thì không có người thứ hai muốn nghe những lời tâm sự của cậu ấy. Uông Trường Xích chờ đợi, hy vọng là Lưu Kiến Bình sẽ trở về, nhưng rồi một tiếng đồng hồ trôi qua vẫn không hề thấy bóng dáng anh ta đâu cả. Uông Trường Xích đứng dậy định về thì bỗng nhiên nghe thấy một âm thanh, hình như là tiếng đẩy cánh cửa sổ vang lên. Cậu chạy vội về phía ấy, trông thấy Lưu Kiến Bình đang vươn đầu ra khỏi cửa sổ nhìn xuống dưới sân, thấy không có ai thì rụt đầu vào và ngay sau đó, đèn trong nhà vụt sáng. Thằng trời đánh này té ra vẫn ở trong nhà, vì cớ gì lại không mở cửa? Uông Trường Xích tức giận đấm thình thình lên cửa. Lưu Kiến Bình mở hé cánh cửa vừa đủ nhìn ra ngoài, thì thầm rằng anh ta đang tìm hiểu một cô gái, đang trong giai đoạn mặn nồng, liệu Uông Trường Xích có thể tránh mặt vài hôm? Cậu ra về mà lòng tức anh ách. Sau đó mấy ngày, Uông Trường Xích tìm đến thì chủ nhà nói Lưu Kiến Bình đã trả nhà hôm qua. Kể từ ngày đó, Lưu Kiến Bình biến mất. Một năm sau, khi đến một công trình xây dựng sơn cửa, Uông Trường Xích bắt gặp Lưu Kiến Bình đang dẫn đầu mười mấy người tay cầm biểu ngữ, mặt mày đỏ gắt hô vang khẩu hiệu đòi nợ thuê. Uông Trường Xích kéo mũ sụp xuống tận mắt, đeo khẩu trang vào và leo lên chiếc xe máy mới mua đi theo Lưu Kiến Bình khi anh ta trên đường về nhà. Trước đó, trước việc Lưu Kiến Bình lẳng lặng chuyển nhà, Uông Trường Xích đã biết có một điều hệ trọng gì đó mà anh ta muốn giấu mình, lần này đi theo anh ta, những nghi ngờ đã biến thành hiện thực. Quả nhiên là Hạ Tiểu Văn đang sống chung với anh ta, thảo nào khi Uông Hòe “làm phép” có nói rằng, Tiểu Văn đang ở sau cửa sổ, có điều không thể mở được cánh cửa sổ này. Thì ra khoảng cách giữa cậu và Tiểu Văn chỉ là một lớp giấy mỏng. Sau một lát suy nghĩ, Uông Trường Xích lẳng lặng rời khỏi chỗ ở mới của Lưu Kiến Bình, bởi vì cậu ý thức được rằng, gia đình mình đã tan nát thì không có lý do gì mình lại tiếp tục làm tan nát một gia đình mới.

Tiểu Văn đưa Uông Trường Xích vào nhà. Lưu Kiến Bình pha một ấm trà và ba người cũng ngồi trong phòng khách lắng nghe tiếng thở của nhau, không ai muốn mình sẽ là người mở miệng đầu tiên. Căn nhà khá tiện nghi, một chiếc tủ lạnh đặt ở phòng khách, trong nhà vệ sinh cũng có máy giặt, trong chạn thức ăn có mấy hộp bia thuộc loại đắt tiền… chứng tỏ cuộc sống của họ không đến nỗi tồi. Uông Trường Xích hỏi: 

- Mấy đứa trẻ con đâu?

Lưu Kiến Bình gọi lớn:

- Thanh Vân! Trực Thượng! Hai đứa ra đây chào chú nào!

Hai đứa nhỏ trắng phau lập tức xuất hiện, đứa con trai sà vào lòng Tiểu Văn, đứa con gái ôm chặt lấy Lưu Kiến Bình, đưa đôi mắt sợ sệt nhìn Uông Trường Xích. Lưu Kiến Bình bảo chúng nó chào chú Uông, cả hai nói “Chào chú Uông” như một cái máy. Răng chúng rất trắng và rất đều, mặt chúng trắng hồng xinh đẹp, thần thái chúng thật tươi tắn. Uông Trường Xích nói:

- Kiến Bình à, anh có đồng ý cho hai đứa nó gọi tôi một tiếng bố hay không?

Lưu Kiến Bình đưa mắt nhìn Tiểu Văn, Tiểu Văn lại nhìn hai đứa nhỏ, cả hai đứa đều không hiển chuyện gì đang xảy ra. Uông Trường Xích lấy ra một cái gói vuông vức đặt lên bàn, nói:

- Đây là số tiền tôi kiếm được trong hơn mười năm làm thợ sơn, hai người hãy giữ lấy để hai đứa nhỏ sau này ăn học.

- Cậu không tiêu tiền sao?

- Tôi phát tài rồi.

- Phát tài thế nào?

- Anh đừng hỏi. Dù sao thì Uông Trường Xích này từ nay về sau chẳng bao giờ phải lo lắng về chuyện tiền bạc nữa.

Lưu Kiến Bình nhìn hai đứa nhỏ, nói:

- Gọi bố đi, hai con!

Hai đứa nhỏ dùng dằng, Tiểu Văn đẩy nhẹ vào người chúng. Cả hai đều lắc đầu. Lưu Kiến Bình nói:

- Ai cho bố chừng này tiền, bố sẽ gọi người ấy là bố ngay lập tức. Hai đứa không chịu gọi chú Uông là bố, bố sẽ trả số tiền này lại cho chú Uông.

Hai đứa nhỏ lập tức bước tới một bưóc, đồng thanh lên tiếng:

- Bố Uông…

Uông Trường Xích nhắm mắt, hai hàng nước mắt chảy dài trên má.

- Đại Chí thì sao? Nó sống có tốt không? - Tiểu Văn lên tiếng.

- Tôi đến là để báo cho cô biết là Đại Chí đã thành công rồi, nó không cần chúng ta phải lo lắng nữa. Cô chỉ phải lo cho Thanh Vân và Trực Thượng, cố gắng nuôi hai đứa cho thành tài.

- Tôi có nằm mơ cũng cứ nhớ về nó. Tôi có lỗi với nó và tôi cũng hận anh. - Tiểu Văn gạt nước mắt nói.

- Cô hận tôi vì cô không biết bây giờ nó sống hạnh phúc như thế nào. Bây giờ cô có thiếu con đâu! Cái mà chúng ta thiếu không phải là con…

Hai mươi bốn tiếng đồng hồ trước, Uông Trường Xích ngồi trong phòng trọ viết hai lá thư, sau đó thì đến trường để thăm Đại Chí. Đang trong giờ học, nhân viên bảo vệ không cho cậu vào trong trường, đành phải ngồi trong một quán mì trước cổng chờ đợi. Lão chủ quán nói, cậu không ăn mì thì đứng trong quán của tôi làm gì? Uông Trường Xích đưa tiền cho lão ta và bảo làm cho mình một tô mì, vừa ăn vừa quan sát cổng trường mặc dù vẫn biết là còn hai tiếng đồng hồ nữa mới tan học. Đôi mắt nhàn rỗi của Uông Trường Xích hết nhìn những cây cao trong sân trường thì lại nhìn ra sân vận động, ở đó có mấy nhóm học sinh đang trong giờ học thể dục. Không biết bao nhiêu thời gian đã trôi qua cho đến khi lão chủ quán gõ gõ ngón tay xuống mặt bàn, nói bát mì cậu đã ăn xong từ lâu rồi, sao vẫn ngồi trong quán tôi làm quái gì? Uông Trường Xích cảm thấy xấu hổ, mặt mày đỏ tía lên, bảo làm thêm một tô nữa. Một tô mì nữa được đặt lên bàn. Rút kinh nghiệm tô mì trước ăn quá nhanh, lần này Uông Trường Xích cố ý ăn thật chậm, mục đích là chỉ kéo dài thời gian và cái chỗ ngồi. Nhưng, dù có gắp từng sợi mì một thì một tô mì cũng chỉ có vài chục sợi thôi nên chẳng đến nửa tiếng đồng hồ, tô mì đã hết veo. Uông Trường Xích nghĩ, dù gì thì cũng ăn cho lão chủ cuán hai tô mì, chắc sẽ không đuổi mình ra khỏi quán, không ngờ khi còn khoảng ba mươi phút nữa là tan học thì lão ta lại xuất hiện nói, cậu vẫn chưa chịu rời khỏi quán của tôi à? Uông Truờng Xích liếc nhìn một lượt khắp quán, thực ra thì chỉ có lơ thơ vài khách ăn mì, vắng teo, không hiểu sao lão chủ quán lại muốn đuổi cậu ra khỏi quán đến như vậy. Uông Trường Xích gọi tiếp tô mì thứ ba. Vừa ăn hết tô mì này thì chuông tan học cũng reo lên, học sinh kéo thành hàng ba hàng bốn lũ lượt rời khỏi cổng trường. Cuối cùng thì Uông Trưòng Xích cũng đã trông thấy Đại Chí đang cười cười nói nói với hai học sinh nữ đi ra khỏi cổng, vỗ vai nhau từ biệt. Hình như có một dự cảm nào đó mà Đại Chí lại đưa mắt nhìn chung quanh đầy vẻ cảnh giác, cuối cùng thì ánh mắt nó cũng dừng lại ở quán mì đối diện cổng trường. Uông Trường Xích có cảm giác là ánh mắt mình và ánh mắt của con trai đã gặp nhau, giống như lúc mới lọt khỏi lòng mẹ, nó đã từng nhìn thẳng cậu vậy. Toàn thân Uông Trường Xích tê dại, không dằn lòng được nữa, cậu bật lên hai tiếng “Đại Chí”, định đứng dậy chạy về phía con mình. Có điều, vì phải ăn liên tục ba tô mì nên Uông Trường Xích đứng dậy không nổi nữa. Đại Chí quay người bỏ đi, đi được khoảng hai trăm mét thì chui vào một chiếc xe màu đỏ. Người lái xe chính là Phương Tri Chi. Uông Trường Xích nghĩ, từ trước đến nay mình chưa bao giờ ăn no như hôm nay. Thực ra thì cuộc đời mình cũng đã được ăn no nhiều lần, nhưng no như thế này hình như chỉ có hai, một lần là cùng với Tiểu Văn lên huyện xem phim cấp ba và sau đó thì đến đồn công an xin lỗi. Lúc ấy hai người đã ăn một đĩa thịt kho, một đĩa lạc, một đĩa bí đỏ, một bình ruợu trắng và bốn bát cơm, no thật đấy nhưng lần ấy không no đến độ không thể đứng dậy được như hôm nay.

Lúc này đã là mười hai giờ trưa. Thời gian ước hẹn với Lâm Gia Bách đã đến. “Kính coong!!!”. Một âm thanh không biết từ đâu vẳng lại, hình như là từ phía giáo đường dội đến, nhưng hình như là từ trong ruột phát ra, lại giống như tiếng nổ đanh gọn của nhiều phát súng trường bắn ra khỏi nòng cùng một lúc khi hành hình tội nhân. Uông Trường Xích quay đầu lại nhìn rồi trèo lên thành lan can cầu Tây Giang.

62

Ngày hôm sau, thi thể của Uông Trường Xích được vớt lên. Cảnh sát xé toang quần ngoài áo trong của cậu, phát hiện trong túi quần có một túi nilon được buộc rất kỹ, bên trong là một mảnh giấy, trên đó ghi số điện thoại của Lưu Kiến Bình. Cảnh sát tìm đến Lưu Kiến Bình, yêu cầu anh ta đến nhận dạng thi thể. Tiểu Văn đấm ngực khóc. Trời ơi, thì ra là Uông Trường Xích tìm đến nhà là để vĩnh biệt!

Lưu Kiến Bình và Tiểu Văn đi theo cảnh sát đến nhà xác. Thi thể Uông Trường Xích đã trương lên, da dẻ đã nứt thành nhiều đường ngang rãnh dọc. Nhưng cho dù thi thể của cậu có biển đổi thế nào thì hai người vẫn nhận ra ngay. Họ nói: tên người này là Uông Trường Xích. Nhận dạng xong, cảnh sát đưa Lưu Kiến Bình và Tiểu Văn đến chỗ ở trọ của Uông Trường Xích. Căn phòng đang khóa kín, cảnh sát định đi tìm bà chủ nhà trọ thì Tiểu Văn đã chìa ra chiếc chìa khóa năm nào đã cầm theo khi bỏ đi. Viên cảnh sát cầm lấy, vừa tra vào ổ khóa thì nó đã bật ra. Hơn mười năm rồi mà Uông Trường Xích vẫn không thay ổ khóa, cửa phòng cậu vẫn chờ Tiểu Văn về mở! Vẫn là căn phòng ngày xưa, có điều lúc này nó được dọn dẹp gọn gàng ngăn nắp hơn, ngay cả sàn nhà cũng được lau sạch bóng. Chính giữa phòng là chiếc ghế mà Uông Trường Xích đã mang từ dưới quê lên, trên đó có đặt một hộp giấy đè lên hai lá thư, một thư ghi “Bố Uông Hòe nhận”, một thư ghi “Lưu Kiến Bình nhận”. Viên cảnh sát bảo Lưu Kiến Bình mở thư. Hai tay anh ta run rẩy, lật qua lật lại đến mấy lần mới mở được lá thư. Thư viết như sau:

Anh Kiến Bình,

Nhờ anh, anh nhất định phải đưa tôi về quê hương. Nhờ anh nói lại với bố mẹ tôi rằng, tôi chết vì tai nạn lao động trên công trường. Nói với bố mẹ tôi rằng, hai trăm nghìn đồng ấy chính là tiền bồi thường tai nạn lao động. Khi hỏa thiêu xác tôi, nhờ anh ném chiếc ghế này vào lò để nó cháy cùng tôi. Tôi sợ sau khi chết mình sẽ phải đứng mãi, tôi muốn ngồi xuống rồi, tôi đã mệt. Vĩnh biệt anh, kiếp sau ta lại gặp nhau.

Trường Xích

Đọc xong lá thư, Lưu Kiến Bình khóc rống lên, Tiểu Văn cũng hòa theo. Viên cảnh sát mở chiếc phong bì gửi cho Uông Hòe, bên trong là biên lai chuyền khoản hai trăm nghìn đồng. Anh ta hỏi: Uông Trường Xích lấy đâu ra nhiều tiền như thế? Lưu Kiến Bình và Tiểu Văn đồng thời lắc đầu nói không biết. Hai trăm nghìn đồng này đã khiến tiếng khóc của họ dừng lại. Cảnh sát nghi ngờ số tiền này không phải Uông Trường Xích ăn trộm thì cũng do cướp mà có, Lưu Kiến Bình và Tiểu Văn đưa tay lên trời thề rằng cậu ấy không phải là hạng người ấy. Cảnh sát không tin, lập chuyên án điều tra, trọng điểm là điều tra lai lịch của hai trăm nghìn đồng mà bỏ qua nguyên nhân tự sát của Uông Trường Xích. Điều tra nửa năm mà chẳng có bất kỳ một đầu mối nào, cũng chẳng thấy đơn vị hoặc cá nhân nào báo là bị trộm hai trăm nghìn đồng nên đồng ý đem xác Uông Trường Xích hỏa thiêu. Lưu Kiến Bình đại diện cho gia đình ký biên bản hỏa thiêu. Khi những nhân viên nhà hỏa thiêu đưa cái xác đã đông lạnh hơn nửa năm vào lò, Lưu Kiến Bình cũng đặt chiếc ghế gỗ bên cạnh xác cậu ấy. Cửa lò đã đậy lại, ngọn lửa bùng lên. Lưu Kiến Bình rì rầm khấn:

- Trường Xích, tôi đã gửi cái ghế theo cho cậu rồi. Cậu có thể yên tâm mà ngồi nghỉ ngơi nhé, Amen!

Lưu Kiến Bình, Tiểu Văn, Thanh Vân và Trực Thượng đưa chiếc hộp đựng tro tàn của Uông Trường Xích về quê. Về đến thôn đúng vào giữa trưa, gió lạnh đang thổi xào xạc, cảnh vật tiêu điều run rẩy trong những đợt gió rét, dãy núi xa xa ẩn hiện những lớp tuyết phủ. Khi họ vừa về đến đầu thôn thì chó trong làng đã sủa vang lên. Nghe thấy tiếng chó, cửa sổ các gia đình đều mở hé ra, xem thử có phải người thân của mình về quê ăn Tết. Tiểu Văn dắt tay con trai Thanh Vân, còn Lưu Kiến Bình một tay bồng con gái Trực Thượng, tay còn lại xách chiếc hộp tro. Những bước chân họ sao mà nặng nề, càng đi càng có cảm giác như bùn nhão dưới chân đang níu chân họ lại. Ngôi nhà hai tầng mới xây của Uông Trường Xích đã hiện ra trước mắt, trong đó có Uông Hòe và Lưu Song Cúc, một người đứng, một người ngồi trên xe lăn đang nhìn về phía con đường như chờ đợi một điều gì đó. Mái tóc của Lưu Song Cúc đã bạc phơ, những nếp nhăn chi chít hằn sâu trên gương mặt. Uông Hòe thì càng gầy, càng đen, hai chân đã teo hoàn toàn, chỉ còn lại hai thanh củi khô bất động. Cả hai đều không nhận ra Lưu Kiến Bình, ngay cả Tiểu Văn họ cũng chỉ lờ mờ trong tiềm thức là từng gặp gỡ. Cả hai đều cho rằng, bốn người đang xuất hiện trên đường kia không có quan hệ gì với mình, người mà cả hai trông chờ là người khác, không ngờ là họ lại đi thẳng vào nhà mình, đến thẳng trước mặt mình. Thanh Vân và Trực Thượng ngã vào lòng Lưu Song Cúc và Uông Hòe, miệng gọi “Ông nội, Bà nội”. Đến lúc ấy, Lưu Song Cúc mới nhận ra Tiểu Văn, ôm lấy cô và òa khóc.

Uông Hòe nhìn chiếc hộp, muốn khóc nhưng hình như không còn nước mắt để khóc nữa. Thân xác con người suốt đời muốn thay đổi vận mệnh nhà họ Uông này đã bị thời gian hủy hoại, không còn chút dịch thế nào để có thể bày tỏ cảm xúc nữa, ngay cả khi bóc lá thư tuyệt mệnh của đứa con trai duy nhất ra để đọc, ông cũng không còn hơi sức đâu để mà run nữa:

Bố, mẹ!

Mệnh vận nhà họ Uông đã được thay đổi thực sự rồi, con đã hoàn thành nhiệm vụ. Mấy đời họ Uông nhà ta làm không được việc này thì Đại Chí đã làm được. Nó đang sống những ngày thần tiên, bố mẹ không cần phải lo lắng cho nó nữa. Nếu dùng không hết tiền thì hãy cho Thanh Vân và Trực Thượng. Nếu Kiến Bình và Tiểu Văn không phản đối thì bố mẹ nhận hai đứa nó làm cháu nội.

Con trai Trường Xích bất hiếu, ba mẹ hãy đánh vào mông như ngày xưa.

Trường Xích quỳ lạy.

Đầu Uông Hòe ngoẹo sang một bên, bất tỉnh. Ngày hôm sau tinh thần và sức lực ông mới hồi phục. Nửa đêm, Lưu Song Cúc chuẩn bị gạo, một con gà trống còn đang sống, đầu lợn, rượu, hương và giấy vàng mã đặt lên một chiếc bàn ngay giữa nhà. Uông Hòe ngồi trước bàn làm phép cho Uông Trường Xích. Hai chân ông rung rung, miệng rì rầm khấn vái, hai tay không ngừng vung gạo và hắt rượu ra chung quanh. Nửa tiếng đồng hồ sau, mồ hôi bắt đầu túa ra trên trán ông Đột nhiên, ông lớn tiêng hỏi:

- Uông Trường Xích đầu thai về nơi nào?

Đang quỳ trước bàn, Thanh Vân và Trực Thượng đồng thanh hô lớn:

- Về thành phố!

- Về nơi nào?

- Về thành phố!

Cứ như thế, hỏi đáp tiến hành liền mười mấy lần, linh hồn Uông Trường Xích vẫn không động đậy, vẫn nẳm gọn trong chiếc hộp. Uông Hòe lại tiếp tục vãi gạo, tưới rượu, cắt một cánh gà và nhổ một nhúm lông của con gà vất xuống đất. Nhưng tất cả đều không đánh động được sự linh ứng của quỷ thần cũng như linh hồn Uông Trường Xích, Uông Hòe nói:

- Trường Xích, bố biết con không nỡ rời xa bố mẹ, không nhẫn tâm vất bỏ bố mẹ lúc tuổi già sức yếu này. Con đã nghe lời bố mẹ suốt cả cuộc đời rồi, bây giờ con hãy nghe lời lần cuối nhé. Kiếp trước con đầu thai nhầm chỗ, đã lạc bước vào nhà bố mẹ. Bố mẹ nghèo khổ, không đủ sức cho con một cuộc sống tốt. Kiếp sau con nhất định phải chọn một gia đình giàu có, nhất định con phải đầu thai lên thành phố. Bố mẹ đã có Thanh Vân và Trực Thượng rồi, con yên tâm mà đi đi.

Nói xong, Uông Hòe tiếp tục lầm rầm niệm chú, hỏi:

- Trường Xích đầu thai về đâu?

- Về thành phố! - Thanh Vân và Trực Thượng đồng thanh hô.

- Về đâu?

- Về thành phố! - Lần này thì Lưu Song Cúc, chú Hai, thím Hai, Tiểu Văn và Lưu Kiến Bình đồng thanh hô lớn.

- Về đâu?

- Về thành phố! - Tất cả mọi người lên tiếng.

- Về đâu?

- Về thành phố! - Từ bên ngoài cửa, tiếng trả lời đồng loạt vang lên. Đó là tiếng trả lời của mọi người trong thôn. Họ đã kéo đến từ lúc nào và giúp linh hồn Uông Trường Xích đầu thai về thành phố. Linh hồn Uông Trường Xích bồi hồi xúc động. Uông Hòe dùng sức tàn đập tay thật mạnh vào mặt chiếc não bạt đặt trên bàn. “Roảng!!!”. Linh hồn Uông Trường Xích bay vút lên cao, vượt qua nóc nhà, lượn lờ trên không trung. “Roảng!!!”. Một tiếng não bạt nữa. Linh hồn Uông Trường Xích hướng về phía ngọn cây phong cổ thụ, dừng lại trên đó và quanh quẩn với từng chiếc lá, từng cành cây lưu luyến không nỡ rời. “Roảng!!!” một tiếng nữa. Đó là âm thanh của sự thúc giục, giống như ngày xưa Uông Hòe đã từng thúc giục Uông Trường Xích đi học ôn thi hay lên thành phố làm thuê. Âm thanh của não bạt đuổi theo linh hồn Uông Trường Xích đang vương vấn trên ngọn cây phong khiến nó lại một lần nữa bay vút lên cao, vượt qua sông ngòi, rừng rậm, đồng ruộng, đường quốc lộ, đường sắt, phố xá, quảng trường..., bay thẳng đến thành phố, đến đường Nhân Dân rồi sà xuống bệnh viện phụ sản.

Phòng sản vang lên mấy tiếng khóc “Oa! Oa! Oa!”. Cuối cùng thì Ngô Hân đã sức cùng lực kiệt sinh ra một đứa con trai. Nghe nói là con trai, đang đứng chờ bên ngoài mà lòng như lửa đốt, Lâm Gia Bách mừng đến độ tay chân múa lên loạn xạ như một thằng điên.

63

Mấy năm sau, Lâm Phương Sinh tốt nghiệp trường Đại học Cảnh sát, được phân công công tác tại đội 1 của Đội cảnh sát trinh sát - hình sự tỉnh. Đội trưởng Củng biết rõ hoàn cảnh gia đình của cậu nên chưa giao ngay công việc phá án, yêu cầu cậu nghiên cứu những chuyên án cũ để làm quen với công việc. Lâm Phương Sinh có ý thức cầu tiến, lại xem rất nhiều phim hình sự nên rất chuyên tâm đến việc đọc tài liệu, từ bồi dưỡng kiến thức phá án. Mỗi lần tiếp xúc với một hồ sơ vụ án, cậu luôn ý thức được rằng mình đang đọc một cuốn sách nên cố gắng nhớ thật kỹ với hy vọng là sẽ vận dụng được những kinh nghiệm của người đi trước. Đọc xong mười mấy hồ sơ vụ án cũ, có một vụ án khiến Lâm Phương Sinh không thể quên được, có một tiếng nói mơ hồ nào đó thôi thúc cậu phải đọc lại thật kỹ và trong mơ hồ, cậu nhận thấy vụ án này chưa được gíải quyết triệt để. Hình như đó cũng là ý trời!

Đó là ngày đầu tiên Lâm Phương Sinh đến Phòng Lưu trữ, đó cũng là vụ án tự tử từng gây chấn động dư luận một thời. Đọc xong vụ án thứ nhất, khi xếp tập tài liệu lại để chuẩn bị lật sang vụ án thứ hai, đôi vai của Lâm Phương Sinh như có ai đó đập một cú thật mạnh. Lâm Phương Sinh giật mình kinh sợ, theo phản xạ lạng người qua một bên để tránh cú đập thứ hai, quay người lại thì không thấy ai, nhưng trên mặt đất có một tập hồ sơ đang mở ra. Tập hồ sơ này rơi xuống khi cậu lạng người tránh sang một bên, vai cậu đã hất phải khiến nó rơi xuống đất. Nhặt tập hồ sơ lên, lật vài trang, cái đập đầu tiên vào mắt cậu ấy là một tấm ảnh chụp một thi thể đã trương phềnh. Tuy gương mặt của nạn nhân đã thay hình đổi dạng nhưng Lâm Phương Sinh có cảm giác người này khá quen thuộc, có điều cậu không thể nhớ đã gặp người này ở đâu và lúc nào. Tựa lưng vào tủ, Lâm Phương Sinh đọc hết tập hồ sơ chuyên án. Đó là vụ án xảy ra chín năm trước, vừa đọc xong là cậu nhận ra ngay có một điểm sơ suất nghiêm trọng: Viên cảnh sát phụ trách vụ án họ Triệu chỉ lo thu thập những chứng cứ phạm tội của người chết mà không điều tra nguyên nhân dẫn đến cái chết của anh ta, không hề hoài nghi rằng anh ta tự tử hay bị bức tử. Mấy ngày sau, Lâm Phương Sinh đưa hồ sơ vụ án cho đội trưởng Củng, ông ta chỉ nhìn liếc qua rồi vất lên bàn, nói cậu nhàn nhã đến độ không còn việc gì để làm hay sao? Một vụ án nhỏ như con tép thế này cũng khiến cậu chú ý hay sao? Lâm Phương Sinh nói, dù sao thì cũng là một mạng người. Đội trưởng Củng nói, cậu đã từng ném một hòn đá xuống sông bao giờ chưa? Lâm Phương Sinh gật đầu. Đội trưởng Củng nói, chắc cậu chỉ chú ý đến những tia nước bắn lên và tiếng của hòn đá đập vào mặt nước mà không chú ý đến tiếng những tia nước bắn lên và rơi xuống mặt nước sông, đúng không? Lâm Phương Sinh gật đầu. Có điều, cậu không dừng lại. Cậu muốn điều tra lại vụ án này với mục đích là thẩm định năng lực của chính mình.

Trong quá trình điều tra vụ án “Uông Trường Xích”, Lâm Phương Sinh phát hiện Uông Trường Xích vẫn còn đang sống, là Phó Cục trưởng cùa cơ quan X. Cậu ấy nghĩ, chắc có lẽ là trùng tên trùng họ mà thôi, nhưng sau khi điều tra, nơi sinh, số chứng minh nhân dân, quê quán, nơi tốt nghiệp trung học phổ thông của Uông Trường Xích còn đang sống trùng khít hoàn toàn với Uông Trường Xích đã chết, Lâm Phương Sinh đến cơ quan X tìm gặp Phó Cục trưởng Uông. Đương nhiên là vị Phó Cục trưởng này không thể là người chết trong tấm ảnh. Qua mấy lần gặp nhau, Phó Cục trưởng Uông cuối cùng cũng quỳ trước mặt Lâm Phương Sinh cầu xin cậu tha cho mình lần này. Lâm Phương Sinh nghĩ, ai bảo vụ án “Uông Trường Xích tự tử” này chỉ là âm thanh như gió thoảng của những tia nước bắn lên từ hòn đá ném xuống mặt nước sông? Không phải lúc này âm thanh của nó đã vang vọng hơn tiếng của hòn đá hay sao? Qua điều tra, cậu phát hiện rằng, Phó Cục trưởng Uông tên thật là Nha Đại Sơn, năm ấy thi đại học không đủ điểm chuẩn, nhưng nhờ bố hắn can thiệp nên đã đổi tên thành tên của người bạn học cùng lớp là Uông Trường Xích, sau đó dùng hồ sơ tuyển sinh đại học của người này để vào học đại học. Sau khi tốt nghiệp, cũng nhờ sự can thiệp của bố mả Nha Đại Sơn được nhận một công việc béo bở ở tỉnh, từng bước từng bước thăng quan tiến chức và hiện tại là Phó Cục trưởng. Lúc này, công việc của hắn vô cùng thuận lợi, vị trí của hắn vô cùng vững chãi, gia đình sung túc, hạnh phúc, sức khỏe dồi dào, vợ đẹp con ngoan, có đứa đang học nghiên cứu sinh. Nếu không có Lâm Phương Sinh chúi mũi vào chuyện này thì Nha Đại Sơn chẳng phải lo lắng gì mà tiếp tục hưởng cuộc sống hạnh phúc mà hắn cướp từ tay người khác. Lâm Phương Sinh nghĩ, một kẻ vì cuộc sống riêng của mình mà đã chà đạp lên một sinh mệnh khác, đúng là trời đất không thể dung tha. Cậu thề là sẽ đưa Nha Đại Sơn ra ánh sáng của công lý.

Lâm Phương Sinh quyết định về quê Uông Trường Xích để thu thập thêm thông tin, hy vọng sẽ tìm thấy những điều bổ ích cho việc thẩm định lại vụ án. Đường về thôn đã được xây dựng mới, ô tô có thể vào đến tận nhà Uông Trường Xích. Vì đường chưa được rải nhựa nên bụi mù bốc ngay sau đuôi xe. Không muốn người ta chú ý nên Lâm Phương Sinh đã dùng xe riêng, mặc thường phục, lại thêm một đôi gọng kính đen trùm gần nửa khuôn mặt. Cậu nhìn thấy Uông Hòe gầy như que củi đang ngồi trên xe lăn, Lưu Song Cúc mái tóc trắng phau lưng còng gần song song với mặt đất. Hai người trông thấy Lâm Phương Sinh nhưng chỉ nghĩ cậu cũng như rất nhiều cán bộ đã về làng, không hề kinh ngạc, cũng chẳng tỏ vẻ hiếu kỳ, nghĩ rằng cậu có thể cũng chỉ là một cán bộ đến tuyên truyền chủ trương sinh đẻ có kế hoạch mà thôi. Nhưng Lâm Phương Sinh thì giật mình kinh sợ khi phát hiện trong khung ảnh gia đình có một tấm ảnh chụp chính cậu khi còn nhỏ. Ban đầu, Lâm Phương Sinh cũng chỉ nghĩ đó là ảnh của một đứa trẻ khác có nét giống với mình mà thôi, nhưng sau khi dụi mắt nhìn kỹ thì không thể nhầm lẫn được nữa, đó chính là cậu. Lâm Phương Sinh chỉ lên khung ảnh hỏi Uông Hòe tại sao trong nhà lại có tấm ảnh này? Lúc này đôi mắt Uông Hòe mới sáng lên một tí, trong đó có ẩn chứa niềm vui lẫn tự hào, ngực ưỡn về phía trước nói, đó là cháu nội của tôi, tên là Uông Đại Chí. Khi chưa sinh ra, nó đã lên thành phố cùng với bố mẹ nó, nhưng sau đó thì bố mẹ nó không thể cho nó một cuộc sống đầy đủ nên đã đem cho một gia đình có tiền làm con nuôi. Lâm Phương Sinh nhìn tấm ảnh, một cơn lạnh chạy dọc theo sống lưng, răng đánh vào nhau lộp cộp, hai chân run rẩy như đang đứng giữa một vùng băng tuyết.

Sau khi về thành phố, Lâm Phương Sinh ngầm điều tra hoàn cảnh của chính mình, càng phát hiện sự thật cậu càng sợ hãi. Một đêm khuya, Lâm Phương Sinh đến đứng trên cầu Tây Giang. Trên cầu không còn ai, hình ảnh phản chiếu của phố xá về đêm với nhiều màu sắc lấp lóa dưới mặt nước sông. Cậu đứng đúng vào chỗ năm xưa Uông Trường Xích đã gieo mình xuống sông rất lâu, đứng cho đến khi hai chân bắt đầu run rẩy. Cuối cùng, Lâm Phương Sinh lôi từ trong cặp xách ra một bộ hồ sơ vụ án cùng với một xấp ảnh ném xuống dòng sông. Những trang giấy như những chiếc lá vàng nổi phập phù trên mặt nước và bí mật về Lâm Phương Sinh bắt đầu từ đó bị chôn vùi, chỉ cần cậu không tự bán đứng mình thì ngay cả ông trời cũng không biết quá khứ cậu như thế nào.

Một buổi sáng, Uông Hòe chăm chú nhìn vào khung ảnh trên tường, kêu lên hoảng hốt: Song Cúc à, ảnh của Đại Chí biến đi đâu rồi nhỉ? Lưu Song Cúc chạy từ nhà bếp lên, ngước đầu nhìn một lát, nhận ra tất cả những tấm ảnh khác hãy còn, duy nhất chỉ có ảnh Đại Chí là hoàn toàn biến mất. Có lẽ nào mắt tôi đã hoa? Lưu Song Cúc đeo kính lão vào, vẫn không hề thấy ảnh Đại Chí. Uông Hòe lấy gọng kính của Lưu Song Cúc đeo vào mắt mình, xác nhận là trong khung ảnh không còn bất kỳ tấm ảnh nào của Đại Chí. Đại Chí không hề từ giã mà bỏ đi đâu? Từ nay tôi không còn trông thấy cháu nội của mình nữa rồi, khi nhớ nó, tôi chỉ còn biết dựa vào trí nhớ mà thôi. Có điều, trí nhớ của cả hai người càng ngày càng trở nên mơ hồ, không đáng tin. Đôi khi, hai người vừa nhìn ảnh của mình trong khung, vừa nhớ đến Đại Chí, bởi họ vẫn còn nhớ rất rõ điều này: Đôi mắt Đại Chí giống ông nội, sống mũi thì giống bà nội, riêng cái miệng thì lại giống bố nó - Uông Trường Xích.

Viết từ tháng 5.2013 đền tháng 5.2015.

HẾT.