Mộng Điệp Kỳ Truyện

Chương 78: - Kim Sanh Ngư Trường




Mùa xuân cuối cùng cũng tới, mở đầu cho năm thứ 1000 Tân Thiên lịch, một kỷ nguyên mới của Phong Vũ đại lục. Bách Phong Linh năm nay được vui vẻ cùng đón năm mới bên cạnh Dược Cao Lãng và dân chúng của tam huyện Thủy Thuận châu. So với tân niên năm ngoái ngồi trên xe ngựa xóc nảy trở về từ Hắc Lâm trấn, hay là tân niên năm kia suýt mất mạng ở Thiên An thành, thì tân niên năm nay nàng quả thực là vui vẻ hơn rất nhiều. 

Năm nay, Bách Phong Linh nàng đã mười bảy tuổi, theo tục lệ của Trịnh quốc thì nàng đã tới tuổi thành nhân, đã có thể được gả đi rồi. Nhớ ngày đó Hoàng Thiên Du còn nói hắn sẽ chờ tới ngày nàng thành nhân. Chỉ tiếc ... Tất cả những gì đã từng xảy ra giữa nàng và Hoàng Thiên Du bây giờ chỉ còn là một đoạn ký ức mờ ảo mà thôi.

Để ăn mừng việc mùa đông khắc nghiệt cuối cùng cũng trôi qua, lễ hội tân niên năm nay của Tề quốc được Lễ bộ cho phép kéo dài tới mười ngày. Không khí khắp nơi đều vô cùng rộn ràng, nhà nhà thi nhau giăng đèn kết hoa, còn phố phường thì tấp nập tiếng nói cười và tiếng pháo nổ đôm đốp vui tai.

Ngày mùng ba tháng Giêng, mấy vị trưởng làng của mấy làng chài tam huyện gõ cửa Vân phủ mới được xây ở đối diện thành thành chủ phủ. Bọn họ đồng loạt tới diện kiến Vân Vụ các chủ Mộng Điệp cô nương. Phong tục tân niên ở các địa phươngtrên Phong Vũ đại lục tuy khác nhau, nhưng có một điểm chung duy nhất đó chính là hậu bối vào ngày đầu năm sẽ được nhận hồng bao từ tiền bối trong nhà. Mấy vị trưởng làng này thế mà lại mang hồng bao tới bái phỏng Bách Phong Linh.

Tiền trong hồng bao không nhiều, nhưng tấm lòng của bọn họ mới là thứ quý giá hơn cả. Bách Phong Linh hai tay nhận lấy phong bao, đồng thời nhún gối mỉm cười cảm tạ mấy bị lão nhân. Sau đó, mấy vị trưởng làng lại ngỏ lời mời nàng tham dự lễ hội hoa đăng đêm nay. Bách Phong Linh đã sớm có ý định này nên đương nhiên là nàng gật đầu đồng ý.

Mặt trời vừa lặn, một đám lửa lớn đã được đốt lên bên ngoài Thủy Thuận thành, bên cạnh một nhánh sông nhỏ rẽ ra từ Hoàng Hà. Tới chốc nữa, hoa đăng sẽ được dân chúng thả trôi trên nhánh sông này, mang theo những lời cầu nguyện năm mới của bọn họ.

Lúc này trời còn sớm, các phụ nhân đang nướng ngô khoai thịt cá trên đống lửa, đám thanh niên nam nữ cùng nhảy múa vui ca, còn tiểu hài tử thì cùng nhau nô đùa chạy nhảy náo nức. Tất cả quyện lại tạo nên một khung cảnh ấm áp tới lạ thường giữa tiết trời đầu xuân vẫn còn đang lạnh lẽo.

Bách Phong Linh vừa tới liền sai người của Vân Vụ các đi xung quanh thăm hỏi chúc tết dân chúng, còn bản thân lại cùng lão thành chủ đi tìm mấy vị trưởng làng bàn bạc kế hoạch mở ngư trường. Mùa xuân tới đồng nghĩa với việc băng trên Hoàng Hà sắp tan và hải ngư sắp trở lại phía vùng bờ biển này. Ngư trường của nàng cũng có thể bắt đầu khai trương được rồi!

Theo thông lệ hàng năm của Thủy Thuận châu, trước lễ thả hoa đăng thì lão thành chủ sẽ đứng lên nói mấy câu chúc mừng năm mới, cầu cả năm thủy thuận gió hòa, lại khích lệ dân chúng năm nay làm ăn phát đạt hơn năm trước. Năm nay, thông lệ này có một chút thay đổi nhỏ. 

Bách Phong Linh đứng trước đống lửa nhìn về phía bách tính, đại diện cho Vân Vụ các phát biểu vài câu, đồng thời công bố kế hoạch mở ngư trường của nàng. Ngư trường này nàng tạm đặt tên là Kim Sanh, theo tên một loài hải ngư sống ở Bắc Hải, cũng là loại hải ngư sẽ được trọng điểm nuôi dưỡng ở ngư trường.

Tin tức này đem lại một niềm kinh hỉ lớn cho ngư dân tam huyện. Nếu ngư trường có thể thành công nuôi dưỡng ra kim sanh ngư, Thủy Thuận châu có lẽ sẽ không còn là châu nghèo khổ nhất của Tề quốc nữa.

Lễ hội tân niên vừa kết thúc là tới trung tuần tháng Giêng, kiến trúc Kim Sanh ngư trường cũng bắt đầu được xây dựng. Kế hoạch của Vân Vụ các được lão thành chủ nộp lên triều đình, Tề vương cũng cử một vị giám sát quan từ kinh đô tới đây "hỗ trợ". Trong khi cấu trúc của ngư trường dần thành hình, Bách Phong Linh lại bận rộn cùng với ngư dân tam huyện thử nghiệm các loại môi trường nuôi dưỡng khác nhau. Dược Cao Lãng cũng giao việc khám chữa bệnh cho mấy dược đồng của hắn, còn bản thận thì tập trung nghiên cứu chế tạo ra các loại thực phương thích hợp cho Kim Sanh ngư.

Việc nghiên cứu này dùng hai tháng trời và một trăm đầu kim sanh ngư để đổi lấy phương pháp hoàn thiện để nuôi dưỡng loài hải ngư này. Tới đầu tháng ba, kiến trúc của ngư trường cũng đã được xây dựng hoàn thiện.

Nơi nuôi dưỡng của ngư trường nằm ngay trên rìa Bắc Hải, bao gồm mấy chục khu vực lớn được rào chắn kín lại bằng nhiều cọc gỗ đan lưới. Bọn họ đã từng thử nghiệm di chuyển kim sanh ngư tới nuôi thả trong bế chứa trên đất liền, nhưng kim sanh ngư một đầu có thể nặng tới nửa tạ, rất khó di chuyển; cộng thêm việc dẫn nước biển vào đất liền không quá dễ dàng; nên cuối cùng phương pháp này cũng bị từ bỏ.

Vấn đề lớn nhất của ngư trường là thủy nhiệt sẽ giảm mạnh vào mùa đông cuối cùng được giải quyết bằng việc xây dựng một lò nung lớn trên bờ biển ngay sát ngư trường. Lò nung này được dùng để nung một loại nhiệt thạch có khả năng giữ nhiệt lâu dài. Vào mùa đông, ngư dân chỉ cần hàng ngày vận chuyển nhiệt thạch này tới đổ ở phụ cận ngư lồng là có thể giữ thủy nhiệt ở mức kim sanh ngư chịu đựng được.

Dược Cao Lãng cũng bỏ tâm tạo ra hai loại thực phương riêng biệt: một loại có hàn tính để dùng cho mùa hè và một loại có nhiệt tính để dùng cho mùa đông. Mấy thực phương này là bí mật của Vân Vụ các, chỉ có một số nhân vật cấp cao của ngư trường mới có thể được biết. Bách Phong Linh làm điều này không phải vì lo ngư dân tam huyện sẽ trộm phương pháp này để tự mở ngư trường, mà là lo lắng thứ này sẽ rơi vào tay quan lại triều đình Tề quốc.

Nếu triều đình có được thứ này, bọn họ nhất định sẽ ra tay chèn ép Vân Vụ các, rồi sau đó cho một vị thân vương tới đây mở một ngư trường khác tranh miếng mồi béo bở này. Nếu Bách Phong Linh làm việc này là vì giúp đỡ Thủy Thuận châu, thì hoàng thân quốc thích của Tề quốc sẽ chỉ mở ngư trường để kiếm thêm mấy đồng bạc từ công sức lao động của bách tính. Bắt dân chúng nơi này chuyển từ cuộc sống tự do hàng ngày ra khơi đánh cá thành cuộc sống khốn khổ phục vụ cho tầng lớp phú quý thì Bách Phong Linh nàng thà rằng ngư trường này không được mở ra còn hơn.

Vị giám sát quan từ Hoa Lư cử tới kia hiển nhiên muốn đánh chủ ý tới thực phương trong tay nàng, nhưng nhiều lần kẻ này tới bái phỏng đều bị Bách Phong Linh lấy cớ mà đuổi đi. Sau đó, hắn ta đành phải cắp đuôi chạy về kinh thành than khóc kể lể với Tề vương. Cuối cùng, tới khi triều đình Tề quốc bị Vân Vụ các "nhắc nhở" về việc bọn họ đã ra tay giúp đỡ Tề quốc trong mùa đông vừa qua như thế nào, thì Tề vương mới ngậm ngùi từ bỏ miếng bánh này, cũng không cử thêm vị đại quan nào tới Thủy Thuận châu giám sát nữa.

Tới tháng năm, Kim Sanh ngư trường đã có thể đồng thời nuôi trữ khoảng một ngàn đầu kim sanh ngư. Thời điểm này cũng là lúc hải ngư bắt đầu sinh sản. Đây chính là thời gian quan trọng nhất đối với ngư trường. Nếu kim sanh như không thể thành công sinh sản, hoặc giả tiểu ngư không thể thành công lớn lên trong môi trường nuôi dưỡng nhân tạo này, thì kế hoạch mở ngư trường coi như là thất bại.

Trong vòng một tuần, hàng vạn kim sanh noãn bắt đầu nổi lên trên bờ mặt Bắc hải. Một phần nhỏ kim sanh noãn thành công nở ra thành tiểu ngư, được ngư dân chuyển tới ngư lồng riêng biệt với mắt lưới nhỏ hơn, cộng với hoàn cảnh và thức ăn đặc thù mà bọn họ nghiên cứu riêng cho tiểu kim sanh ngư.

Tới đầu tháng sáu, có khoảng năm sáu ngàn đầu tiểu ngư vẫn còn sống sót và bắt đầu sinh trưởng ổn định. Bách Phong Linh, Dược Cao Lãng, Vân Vụ các, và mấy ngàn dân chúng tam huyện lúc này mới thở dài nhẹ nhõm. Bọn họ rốt cục cũng thành công rồi!

Khi Kim Sanh ngư trường đi vào quỹ đạo hoạt động thì Bách Phong Linh cũng giao lại toàn bộ ngư trường cho Vân Cẩn, một trong những phó quản lĩnh của nàng. Nàng ở Thủy Thuận châu hơn nửa năm trời rồi, hiện tại cũng đã đến lúc phải rời đi. 

Hơn nửa năm gắn bó thân thiết, dân chúng tam huyện đối với nàng đều là một lòng yêu mến và mang ơn. Nói quá một chút, dân chúng ở đây có lẽ còn thần phục nàng hơn cả thần phục hoàng quyền của Tề quốc. Vân Vụ các trong lúc bọn họ khó khăn gian khổ nhất tới cứu tế, lại xây ngư trường rồi cho bọn họ cơ hội có cuộc sống tốt hơn trước kia trăm ngàn lần. Thử hỏi làm sao mà bọn họ không thần phục Vân Vụ các chủ tiểu cô nương này cho được?

Vào một ngày đầu thu khi Bách Phong Linh và Dược Cao Lãng rời đi, dân chúng tam huyện bịn rịn tới tận bến thuyền để tiễn biệt. Một đám người nam phụ lão ấu nước mắt ngắn nước mắt dài nhìn hai vị ân nhân của bọn họ lên thuyền. Bọn họ cứ mãi đứng đấy cho tới khi bóng dáng hai người biến mất ở phương nam thì mới buồn bã quay đầu trở về thôn xóm của mình.

Trên Vân thuyền dành riêng cho Vân Vụ các quản sự hiện tại đang chất đầy các loại lễ vật mà tam huyện Thủy Thuận châu tặng cho Bách Phong Linh. Còn hai thân ảnh bạch y đứng trên thuyền vẫn cứ đang nhìn về hướng Thủy Thuận châu đang dần mờ đi trong tầm mắt của bọn họ.

Nhân sinh đơn giản thực sự rất hạnh phúc a! Bách Phong Linh nàng đã sống qua hai đời người nhưng mãi vẫn không có cơ hội có được nhân sinh đơn giản như bọn họ, trong lòng nàng thực sự có chút ghen tị.

Trong lòng Bách Phong Linh có tâm sự gì, Dược Cao Lãng là người hiểu rõ nhất. Nửa năm qua cùng nàng trải qua cuộc sống bình đạm giản dị như vậy là nửa năm hạnh phúc nhất trong cuộc đời của hắn. Thế nhưng mà, có nhiều chuyện vĩnh viễn là thân bất do kỷ. Đây cùng là điều mà nàng nói với hắn nhiều năm trước ở Lạc An thành, khi nàng và Vân Vụ các bị cuốn vào giữa tranh đấu quyền lực của Trịnh quốc.

"Linh nhi," - hắn nhẹ nhàng gọi tên nàng, "để bách tính có được hạnh phúc như tam huyện Thủy Thuận châu hiện tại thì cần có rất nhiều người hy sinh hạnh phúc của bọn họ để đấu tranh cho điều đó. Có thể muội sẽ không bao giờ có được cuộc sống bình đạm như Lưu thẩm hay Lý bá, nhưng nàng chính là lý do bọn họ và nhiều người nữa có được cuộc sống như vậy. Cuộc đời một người có thể thực hiện nhiều điều vĩ đại như vậy thì còn cần cầu gì hơn?"

Còn cần cầu gì hơn? Bách Phong Linh lẩm bẩm câu nói này trong đầu. Nàng vùi đầu vào lồng ngực nam nhân bên người, chậm rãi hít thở.

"Muội hiểu chứ!" - nàng lầm bầm, "nhưng có những lúc nhìn mấy người bọn họ hạnh phúc như vậy, muội chỉ muốn từ bỏ tất cả, chậm rãi ở bên huynh sống tới đầu bạc răng long, không cần lo toan chuyện gì khác. Như vậy mới không cần phải nghĩ đến đại lục tranh đấu, âm mưu quỷ kế, đánh đánh gϊếŧ gϊếŧ."

Dược Cao Lãng ôm nàng vào lòng, đặt một nụ hôn nhẹ lên đỉnh đầu nữ nhân trong lòng, rồi nói với nàng bằng giọng chắc nịch: "Dù như thế nào, ta nhất định vẫn sẽ ở bên muội. Chúng ta cùng nhau sống tới già. Chuyện gì muội không muốn làm, thì cứ để đó, đã có ta rồi."

Bách Phong Linh mỉm cười. Phải! Nàng đã có hắn rồi! Hắn chính là trụ cột vững chắc nhất của nàng, vận hạnh tinh của nàng.

Tiếng nước vỗ vào mạn thuyền, tiếng mái chèo rẽ nước, cùng với sóng tình lưu chuyển trong không gian của Vân thuyền tạo nên một bức tranh vô cùng hài hòa, lại đẹp đẽ đến chói mắt.

Mộc thuyền chậm rãi theo dòng thủy lưu xuôi theo Hoàng Hà, sau đó rẽ vào một nhánh sông nhỏ phía tây đi về hướng trung tam Trịnh quốc. 

Ba ngày sau, hai bạch y thân ảnh cưỡi trên hai đầu bạch mã xuất hiện ở cửa bắc của Lạc An thành.