Mộng Cổ Xuyên Kim

Chương 12: Ba Năm




Sau Trừ Tịch (1) là đến Nguyên Tiêu (2). Lâm Dịch nhận thấy trong hai ngày lễ này, cổ nhân coi trọng Tết Nguyên Tiêu nhiều hơn một chút. Chỉ có trong đêm rằm tháng Giêng, các nữ tử khuê các mới có cơ hội xuất môn đi chơi một lần. Tô Bác Nhã đã được hứa gả cho người khác, nên cũng không xuất đầu lộ diện nữa. Hai ca ca thì phải vùi đầu miệt mài đọc sách, vì hai tháng nữa sẽ bắt đầu chuẩn bị thi Hội. Cuối cùng, Lâm Dịch chỉ mang theo một nhóm chất tử, cùng nhóm thứ tử, thứ nữ của đại bá và vợ lẽ, có vẻ hiểu biết một chút về Biện Kinh, để đi xem hội hoa đăng. Tuy là kinh đô nhưng hội hoa đăng ở Biện Kinh lại không náo nhiệt như ở Giang Châu. Có lẽ, vì Giang Nam có nhiều sĩ tử, mà hoạt động này lại phong nhã rườm rà, tự nhiên ở đó sẽ xuất hiện nhiều chuyện phong lưu vận sự (3) hơn.


(1) Trừ Tịch: Giao thừa.
(2) Nguyên Tiêu: Tết Nguyên Tiêu, là đêm trăng tròn đầu tiên của năm, thường nhằm vào ngày 15 hay 16 Âm lịch. Ở Việt Nam, ngày này còn được chọn làm ngày Thơ ca Việt Nam.
(3) Phong lưu vận sự: chuyện tình yêu nam nữ.


Mồng Chín tháng Hai Âm lịch, còn 15 ngày nữa là đến ngày thi Hội. Vì vào mùa xuân nên gọi là Xuân vi (4). Thi Hội phân làm ba đợt, mỗi đợt ba ngày, tổng cộng có chín ngày. Chín ngày này thí sinh hoàn toàn bị cách biệt với thế giới bên ngoài, ăn uống ngủ nghỉ đều được giải quyết trong trường thi.


(4) Xuân vi: Kỳ thi mùa xuân.


Một năm này với Tô phủ mà nói là chuyện vui liên tục. Đầu tiên là trong kỳ thi Hội, Tô Bác Văn và Tô Bác Tài đều thượng bảng nổi danh. Mặc dù chỉ là Nhị giáp, song hai huynh đệ Tô gia tuổi còn trẻ mà đã đậu được như thế thì cũng là không tồi, nhất là Tô Bác Tài, năm nay mới 19 tuổi, còn chưa qua nhược quán (5), có thể nói là tuổi trẻ tài cao. Sau khi Hoàng bảng được thông báo không lâu, vừa khéo là chúc mừng Tô Bác Văn được đề tên trên bảng vàng, thê tử của Tô Bác Văn liền sinh hạ được một hài tử. Có thể nói là đường quan rộng mở, yên bề gia thất. Mặc dù ở thời đại này bình thường không được cười nói tùy tiện, nhưng Tô Bác Văn cũng không che giấu được sự vui mừng ra mặt. Về phía Tô Bác Tài cũng không ngừng đón tin vui. Ngay từ đầu năm, Tô phu nhân đã luôn chuẩn bị việc đại hôn cho hắn, giờ lại còn được đề tên trên bảng vàng, tự nhiên việc lớn việc nhỏ đều rủ nhau mà đến. Ngày đại hôn đã định là mùa Hạ, tháng Năm, chỉ đợi thời điểm đón tân nương vào phủ mà thôi. Việc hôn nhân của Tô Bác Tài đã quyết định, tiếp theo chính là việc của Tô Bác Nhã. Vì Vương Cẩm đã 21 tuổi, trì hoãn sẽ không tốt, nên hôn sự của Tô Bác Nhã liền chọn vào cuối năm tháng Mười.


(5) Nhược quán: chưa qua tuổi 20.


Trong một năm đó, Tô phu nhân đầu tiên là có hai đứa con đồng thời đỗ Tiến sĩ, sau đó thì có cháu đích tôn, được thăng chức tổ mẫu, sau đó lại cưới thêm con dâu, rồi con gái rất nhanh sẽ gả ra ngoài. Tuy nói là con người ta gặp chuyện vui sẽ phấn khởi, một năm liên tiếp đón tin vui thế này lại khiến cho bà cảm thấy nhớ đến thời trẻ trước đây, trong lòng càng trống trải hơn, cho dù là Tô Minh Kiệt lại trăng hoa, nạp thêm một tiểu thiếp xinh đẹp, bà cũng không còn so đo, làm ầm ĩ nữa.


Những việc này với Lâm Dịch mà nói đều không có gì to tác. Nó vẫn phải đọc sách của nó, phải luyện võ của nó. Dù sao năm đó nó vẫn còn nhỏ, chuyện trong nhà cũng không có báo cho nó biết.


Hoa nở hoa tàn, chớp mắt đã qua hai mùa xuân thu.


Hai năm này, chưa nói đến đại phòng bên kia, chỉ trong phủ của Tô Minh Kiệt đã có thêm mấy người. Đặc biệt nhị tẩu, thế mà lại sinh được một đôi long phượng thai, cũng đã theo kịp đại ca. Bởi, năm ngoái đại tẩu cũng đã sinh được nữ nhi đầu tiên. Tô Minh Kiệt trở thành ông nội nhưng lại giống như nhi tử, tiểu thiếp mới nạp cũng đã mang thai. Tô phu nhân sau khi được thăng cấp thành tổ mẫu cũng không quá để ý đến việc này, còn dặn dò phải chiếu cố tiểu thiếp kia. Chỉ có Tô lão phu nhân là không vui, đem Tô Minh Kiệt ra giáo huấn một trận, làm Tô Minh Kiệt mặt mày xám tro. Sau đó, ông sa sầm mặt mũi trở về, tìm Tô phu nhân trút giận. Rồi cũng không biết Tô Minh Kiệt đã lén lút làm gì, hay là do ngoài ý muốn, hài tử của thiếp thất kia vậy mà lại không thể bảo vệ, đã bốn tháng mà cũng không giữ được. Lâm Dịch cũng không biết nói gì. Ban đầu nó cũng không hi vọng lại sinh ra đứa nhỏ làm rối loạn gia đình, tăng thêm phiền não cho Tô phu nhân. Thế nhưng, đó rõ ràng cũng là một sinh mệnh bé bỏng, cứ thế mà mất đi, thành ra nó cũng không vui vẻ gì. Dù sao nó cũng đã trải qua quá trình giáo dục ở hiện đại, coi thường một sinh mệnh như thế nó làm không được. Ngoài ra, tỷ tỷ Tô Bác Nhã năm này cũng sinh hạ một nam hài. Tâm tình của Tô phu nhân cuối cùng cũng được buông lỏng, không còn chuyện cứ mỗi lần Tô Bác Nhã về nhà mẹ đẻ là thang thang thuốc thuốc, ép tỷ ấy phải uống nữa.


Hai năm này, Tô lão thái gia ngược lại không giống như trước, hay kiểm tra học vấn, thay vào đó là kiểm tra kỳ nghệ (6) của nó. Ban đầu, nó gắng gượng đem cờ vây đương thời xếp thành cờ năm quân, sau rồi cuối cùng cũng dựa vào lời dạy của cụ mà học thành công. Kết quả, Lâm Dịch cũng tìm được chút hứng thú đối với việc này, nghiêm túc học hỏi. Bởi vì chỉ đánh cờ qua với một mình Tô lão thái gia, nên nó cũng không biết trình độ đánh cờ của bản thân thế nào. Thật ra, Lâm Dịch đối với nhạc khí cổ đại lại hứng thú hơn. Ở hiện đại nó cũng có học qua một chút, ví dụ như đàn dương cầm, đã học lên được cấp 8. Trước kia còn muốn phát triển theo con đường này, nhưng mà sau đó vì nhiều nguyên nhân nên không học được. Tô lão thái gia tựa hồ không để ý quá về nhạc khí, vì thế nó cũng không có nhiều cơ hội để học. Hơn nữa học văn luyện võ cũng đã tốn nhiều thời gian, nó cũng không có nhiều tinh lực như vậy. Con người nói cho cùng cũng chỉ có hai kiểu người, một là học gì cũng tinh thông, hai là không có khả năng học được gì cả. Lâm Dịch may mắn là người có thể bắt chước được, so với người khác là một lúc gộp cả hai loại kia, là thuộc dạng đặc biệt.


(6) Kỳ nghệ: khả năng đánh cờ.


Trên tay cầm quân cờ đen, Lâm Dịch trầm ngâm suy nghĩ. Trên bàn cờ này đánh tới đánh lui rất lâu, cũng đã rõ ràng thế cục. Nếu muốn thắng ván này còn có một cách khác, dễ hơn. Mặc dù vẻ mặt của Lâm Dịch không tỏ ra một chút bối rối nào, trong lòng đã nhanh chóng bị suy nghĩ quấn chặt.


"Giờ thì Nghệ nhi muốn phá giải thế nào?" Tô lão thái gia nâng chén trà, tinh tế đưa lên miệng. Khói trắng lượn lờ bốc lên làm khuôn mặt của cụ thoạt nhìn có chút thần bí khó lường.


Lâm Dịch nghe thế cũng không tỏ vẻ gì, hạ xuống một quân, nhàn nhạt mở miệng, "Nguy hiểm!"


Lời này của Lâm Dịch thật ra có hơi vô lễ, nếu bị Tô Minh Kiệt nghe được có lẽ sẽ bị giáo huấn một trận. Chỉ là sau ba năm ở chung, Lâm Dịch xem như cũng hiểu lão thái gia một chút, ở trước mặt cụ hoàn toàn không cần thiết phải quá câu nệ.


Tô lão thái gia quả nhiên không trách cứ nó, lại lấy lên một quân cờ khác, đặt ở giữa bàn cờ, đem thế trận mà nó vất vả lắm mới thiết lập một lần nữa phá vỡ, tùy ý nói, "Sao lại nói thế?"


"Khê vân sơ khởi nhật trầm các, sơn vũ dục lai phong mãn lâu (7)."


(7) Hai câu thơ trong bài Hàm Dương Thành Đông Lâu của Hứa Hồn. Trong văn học, hai câu thơ này đã trở thành thành ngữ dùng để diễn tả hiện tượng hay điềm báo của một sự kiện trọng đại, hoặc một sự thay đổi lớn trong thời cuộc. Trước khi "mưa gió ập tới," thì "gió đã thổi đầy cả lầu" rồi.


Hai câu :


溪雲初起日沉閣, Khê vân sơ khởi nhật trầm các,


山雨欲來風滿樓。 Sơn vũ dục lai phong mãn lâu.


Dịch Nôm :


Mây vờn khe suối vầng ô khuất,


Mưa chửa thành cơn gió ngập lầu.


Dịch thơ lục bát:


Mây lên mặt nhựt khuất lầu,


Mưa chưa thành hạt gió sầu đầy song.




Lâm Dịch nói xong lại đặt xuống một quân, rất lâu cũng không thấy Tô lão thái gia có động tác gì. Ngẩn đầu nhìn thì thấy cụ kinh ngạc, ánh mắt không tiêu cự.


"Sơn vũ dục lai phong mãn lâu... Sơn vũ dục lai phong mãn lâu..." Cụ lẩm nhẩm mấy lần, dường như có chút tâm trạng, chốc lát trong mắt lại khôi phục thần thái. "Câu này nói rất hay, mới học được gần đây?"


"Dạ?" Lâm Dịch hơi mơ màng, phản ứng trên gương mặt cũng có chút xấu hổ. Cũng may là Tô lão thái gia không nhìn nó. Nó chỉ trả lời qua loa, "Cứ xem là vậy đi!" nhưng mà trong lòng lại tự nhủ, này là đạo văn, hi vọng hoàng đế Khang Hi không trách mình.


"Ta biết cháu cùng với phụ thân và các ca ca bất đồng." Giọng Tô lão thái gia sang sảng, có hơi đắc ý. Nghe lời này, Lâm Dịch cũng không biết nên phụ họa thế nào mới tốt, chỉ có thể cười. "Đọc vạn quyển sách không bằng đi ngàn dặm đường. Ta định cho cháu đi ra ngoài một chút, cháu nghĩ sao?"


Lâm Dịch cảm thấy bi kịch, nắm chặt tay, "Việc này... Mẫu thân sợ là sẽ không dễ dàng đáp ứng!" Tô phu nhân càng lớn tuổi càng không muốn rời khỏi nhà, đồng thời cũng không nỡ để con cái bên cạnh rời đi xa. Năm ngoái Nhị ca có việc ra ngoài, bà đã cằn nhằn rất lâu. Nếu giờ lại để tiểu nhi tử mà bà cưng chìu đi xa, chỉ sợ lại làm ồn ào lên, không chừng còn có thể dọn đi theo, kiểu như "Phụ mẫu tại, bất viễn du (8)" gì đó.


(8) Phụ mẫu tại, bất viễn du: Ý nói khi cha mẹ còn khỏe mạnh, cố gắng đừng nên đi xa. Hoặc ý là, khi đi đâu nên báo cho cha mẹ biết, đừng để cha mẹ lo lắng. Hoặc có thể hiểu là, cha mẹ ở đâu con ở đó. Ở đây ý của Lâm Dịch có thể là, con cái ở đâu, cha mẹ ở đó, như một cách nói thể hiện sự kiên trì của Tô Phu nhân.


"Về phần mẫu thân cháu, ta đương nhiên sẽ nói chuyện với bà ấy, hẳn lời của ta bà cũng không dám trách móc!" Tô lão thái gia nói, giọng đầy tự hào. Dường như đối với quyền uy của mình, cụ rất hài lòng. "Hơn nữa ta chuẩn bị cho cháu chính thức đến đại thư viện học tập một thời gian, không cần ở lại xó xỉn này nghe mấy lời giảng gì đó của tiên sinh."


Đương nhiên là không dám cãi trước mặt cụ rồi, nhưng sau lưng nói gì, chửi rủa thế nào ai mà biết, tiểu nữ vẫn chưa trưởng thành đó! Lâm Dịch thầm nghĩ, trên mặt không biểu hiện gì, lại đặt xuống một quân cờ, "Có lời nói của Tổ phụ thì không còn gì tốt hơn, chắc mẫu thân sẽ hiểu được!"


"Đến lúc đó, cháu mang danh thiếp của ta tới Thạch Cổ Học viện (9) một chuyến, Sơn phu tử của học viện trước đây là bạn tốt của ta, mang theo thư của ta đi, ông ấy tự khắc sẽ an bài tốt cho cháu."


(9) : còn gọi là Shigu Academy nằm ở phía trung nam thị trấn Hành Dương, thuộc khu Thạch Cổ Sơn, tỉnh Hồ Nam, Trung Quốc. Đây là một trong những thắng cảnh nổi tiếng của tỉnh Hồ Nam, đến nay đã hơn 1200 năm lịch sử. Thạch Cổ Học viện là một trong những học viện nổi tiếng của thời nhà Tống, được chính Tống Thái Tông đặt tên này vào năm 997. Đến năm 1035, Thạch Cổ Học viện cùng với Tung Dương Học viện, Bạch Lộc Động Học viện, Nhạc Lộc Học viện được triều đình ban tặng danh hiệu là Tứ đại học viện của cả nước. Tháng 7 năm 1944, nơi này bị chiến tranh tàn phá, mãi đến năm 2006, Chính phủ thành phố Hoành Dương mới cho tùng kiến, khôi phục lại kiến trúc ban đầu.


Lâm Dịch nghe đến tên quen thuộc thì kinh ngạc, đến mức quên luôn bi kịch lúc nãy, "Tổ phụ nói là Thạch Cổ Học viện? Là Thạch Cổ Học viện ở quận Hoành Châu sao?"


Thạch Cổ Học viện này nhất định là nằm ở tỉnh Hồ Nam, thuộc khu Thạch Cổ Hành Dương. Hồ Nam là cái nôi văn hóa quan trọng, mà Thạch Cổ Học viện là hưng thịnh hơn cả. Ở Trung Quốc, các học viện về lịch sử, giáo dục, văn hóa đều sử dụng các tài liệu ở học viện này, còn được đánh giá rất cao. Tháng Sáu năm 2006, Thạch Cổ Học viện ở Hành Dương được Chính phủ bắt đầu trùng tu. Đến năm 2008, nơi này được dựa theo kiến trúc nhà Thanh mà tu kiến lại. Lâm Dịch không thể tưởng tượng được có một ngày nó sẽ có cơ hội đến đây học, nơi mà hơn 800 năm trước từng là học viện đứng đầu trong Tứ đại học viện của triều đại nhà Tống. Sau khi trùng tu, học viện đã giữ lại được phong cách cổ xưa vốn có của Thạch Cổ Học viện cho đến bây giờ.


_____________________________