Mối Thù Tơ Lụa

Chương 7: Carsonne




Cửa hàng thời trang ở Paris là một sự cứu rỗi của tôi. Trong vòng một năm trời, tôi lao vào làm việc như điên. Tôi không muốn vấn vương gì về Drake. Ngoại bao giờ cũng là niềm an ủi lớn, bao giờ cũng nghĩ đến việc làm những điều tốt nhất cho tôi. Bà bá tước cương quyết không cho phép tôi thương xót bản thân. Dưới con mắt của bà, một cơ sở làm ăn ở thủ đô Paris còn giá trị hơn một ông chồng. Cha tôi cũng là một nguồn an ủi lớn. Ông hết lòng muốn bù đắp cho những năm tháng cha con không biết đến sự tồn tại của nhau. Cả Katie cũng là nơi bầu bạn vô giá. Nó thật phấn khởi, thật hào hứng với môi trường mới và khi nhìn thấy khuôn mặt xinh tươi của nó bừng sáng niềm vui và nghe những câu hỏi ngộ nghĩnh bất tận của nó, tôi cảm thấy dù tôi có mất mát bất cứ cái gì thì tôi cũng có một lý do hoàn toàn chính đáng để tiếp tục sống.

Mọi người đều nương nhẹ, chiều chuộn tôi trong thời gian ấy và ban ngày tôi có thể tạm nguôi ngoai dù rằng ban đêm tôi vẫn cảm thấy buồn và vẫn âu sầu day dứt mãi về những gì đã xảy ra. Tôi yêu Philip bằng một tình yêu trẻ trung đầy lãng mạn. Thời gian ngắn ngủi không cho phép chúng tôi phát hiện ra những điều bất như ý về nhau, một điều mà có thể một cuộc sống chung lâu dài sẽ làm lộ ra. Chúng tôi sống trong một niềm hoan lạc gần như tuyệt đích. Cuộc sống có thể như vậy mãi được chăng ? Có lẽ không. Nhưng tình yêu của chúng tôi bao giờ cũng đọng lại trong tâm trí hai người như nó là như vậy… và không thể nào khác đi được. Rồi cái chết cướp anh đi một cách bất ngờ, bi thảm…không một ai biết chính xác tại sao. Và giờ đây khi dường như cơ hội cho một mối quan hệ chín muồi với một người đàn ông tôi tôn thờ, kính trọng và yêu thương thì mọi việc lại xoay ra thế nào đó để tôi cũng mất anh nốt. Đôi khi tôi có ý nghĩ rằng định mệnh đã khép tôi vào một lời nguyền đáng sợ buộc tôi phải mất những người tôi yêu và mang họa đến cho họ. Philip chết vì một phát súng, Drake còn rơi vào một số phận tồi tệ hơn: sống với một người mà anh căm ghét.

Tôi phải quên, cố mà quên rằng giấc mơ của đời tôi đã tan vỡ và tôi phải làm lại từ đầu.

Về một phương diện nào đó tôi cũng còn may mắn bởi vì việc làm ăn buộc tôi phải dồn hết tâm trí cho nó và chính nó cũng quay lại giúp tôi. Ngoại cho rằng sẽ là một ý tốt nếu tôi sang Paris. Chúng tôi có một người quản lý tốt ở London và với sự trông coi của Cassie, chúng tôi có thể yên tâm. Có nghĩa là Ngoại, bà bà tước và mẹ con tôi có thể sang cơ sở mới ở Paris.

Thỉnh thoảng bà bá tước cũng đi qua đi lại giữa London và Paris để kiểm tra xem việc làm ăn ở đấy ra sao rồi quay về Paris.

Katie rất thích ngôi nhà mới. Tôi thuê hai gia sư một người Pháp, một người Anh bởi vì một khi nó sống ở Paris nó phải thành thạo tiếng Pháp, đồng thời tôi cũng không muốn nó xao nhãng tiếng Anh. Cô giáo người Anh sốt sắng, siêng năng có phần hơi nghiêm nghị, trái ngược với Mademoiselle Leclerc nhanh mồm nhanh miệng và rất tươi vui. Quê cô ở Lyon, nơi cô đoan chắc với tôi là người ta nói thứ tiếng Pháp chuẩn nhất.

Con gái tôi là một đứa trẻ khác thường. Nó thích làm bạn với Mademoiselle nhưng lại rất kính trong cô Price mặc dù cô này rất nghiêm khắc. Bản tính dễ thương của Katie giúp nó có thể điều chỉnh mình để phù hợp với hai thái cực; nó có thể trở nên nghiêm trang với cô Price và rất mực hồn nhiên vô tươi với Mademoiselle Leclerc. Tôi rất vui khi con tôi có thể sống hòa hợp với mọi người. Với cô giáo người Pháp nó thường cùng cô đi ra những chiếc đu quay ngoài vườn hoa, hoặc đi chơi trên xuồng chạy bằng hơi nước dọc theo sống Seine; ở những nơi này nó có thể mau chóng làm quen với những đứa trẻ khác và vui vẻ trò chuyện với chúng. Với cô Price, nó lặng lẽ cùng cô đi dạo dọc bờ sông, hoặc ngồi đọc sách và đi thăm những di tích lịch sử. Cô Price sẽ tìm ra những mối liên hệ lịch sử với những di tích đó. Katie hấp thụ tất cả những kiến thức đó rồi lại truyền lại cho tôi và tôi với tư cách là một người mẹ, rất hãnh diện về những điều con mình học được.

Vạn sự khởi đầu nan, nhưng với kinh nghiệm và tài khéo léo của mình bà bá tước đã giải quyết gọn gàng và nhanh nhẹn hơn là tôi có thể chờ đợi.

Tôi nhớ nhà. Trong kỳ bầu cử, diễn ra ngay sau đám cưới của Drake, ông Gladstone đã chiến thắng dù không phải là chiến thắng áp đảo như ông hy vọng. Mặc cho thái độ khinh bỉ công khai của Nữ hoàng dành cho mình, ông đến tận Osborn để hôn tay Bà. “Một lão già lừa đảo đã 82 tuổi”. Ba nói, “ lại cố gắng điều hành nước Anh với cái thể chế dân chủ đau khổ của ông ta. Thật lố bịch hết chỗ nói.”

“Đấy sẽ là một bước tiến cho một bữa tiệc rất xôm”, bà bá tước bàn luận.

Tôi tự hỏi không biết Drake đang làm gì. Không biết anh có cảm thấy khả năng ngoại giao của Julia đủ để đền bù cho một cuộc sống thiếu vắng tình yêu.

“Chẳng bao lâu họ sẽ ra rìa”, bà bá tước bình luận. “Nỗi ám ảnh của Gladstone về Ailen sẽ là sự sụp đổ của họ.”

Tôi cứ băn khoăn mãi về cái thai mà cuối cùng hóa ra là một cú lừa của Julia. Nếu nó ra đời thì cũng là một niềm an ủi cho Drake. Nhưng ít lâu sau tôi được biêt là không làm gì có chuyện đó – và cái lý do đích thực để Drake chịu cưới Julia cũng không hề tồn tại.

Tôi mong được nghe tin tức từ quê nhà. Tôi vẫn còn nghĩ về Drake nhiều lắm lắm. Có tin là luật điều hành Quốc hội do Gladstone đưa ra được Hạ nghị viện thông qua nhưng lại bị Thượng nghị viện bác.

Một năm nữa lại trôi qua mà tôi vẫn còn nghĩ về Drake nhiều lắm, ấy là chúng tôi rất bận, chỉ có một chút ít thời gian không cần dành cho salon.

Cha tôi thường lên Paris với chúng tôi. Ông giúp chúng tôi rất nhiều việc – không chỉ là vấn đề tài chính – bởi vì ông cũng sốt ruột như bất cứ ai trong chúng tôi muốn được thấy công việc thành công.

Katie là một niềm vui đối với ông – đặc biệt là khi nó có thể líu lo trò chuyện bằng tiếng Pháp. Ông thường giục tôi về thăm vườn nho của ông. Katie sẽ thích lắm, ông khẳng định và tôi biết là ông đúng.

Cha tôi cho mấy vườn nho nhưng vườn nho ưa thích nhất của ông là Villers-Carsonne giáp với Villers-Mure. Tôi có ý nghĩ rằng ông thích nó nhất là bởi vì nó ở gần ngôi nhà của cha mẹ và quang cảnh của nó gợi lại thời thơ ấu của ông. Giọng ông bao giờ cũng đượm vẻ trìu mến khi ông nói về nó. Nhưng lần đầu tiên ông không đưa con gái và cháu ngoại về đấy mà về một trang trại không xa Paris là bao.

Ông nghĩ Katie sẽ thích không khí một mùa hái nho. Thực vậy, con bé mê mẩn cả người và hoàn toàn sung sướng trong những tuần lễ chúng tôi ở đây. Nó cũng học cưỡi ngựa. Cha tôi cắt một tên giám mã ra dạy con bé đi ngựa. Vào những hôm nó không đi xem mọi người hái nho, nó sẽ cưỡi ngựa với người giám mã. Ký ức của tôi lại làm sống lại hình ảnh nó cưỡi con ngựa non quanh sân tập ngựa ở Swaddingham với Drake và tôi chợt buồn long tiếc nuối về những gì có thể xảy ra.

Khuôn mặt hạnh phúc của con bé là một niềm an ủi đối với tôi. Thật sung sướng khi thây nó có thể được cưỡi ngựa một mình. Cha tôi bảo nó sinh ra để làm một nữ kỵ sĩ và nó quen ngồi trên lưng ngựa cũng như quen đi trên mặt đất. Ông thường cùng cháu ngoại cưỡi ngựa dạo quanh vườn nho – ông trên con ngựa đen to lớn, cháu trên con ngựa non màu trắng trong khi ông nói cho cháu nghe về vườn nho và trả lời những câu hỏi bất tận của nó với một vẻ vui thích; để sau đó tối về nó lại đem những điều ấy thuật lại cho tôi nghe.

Đó là một trong những vườn nho có lối làm ăn cổ xưa, ở đây người ta hái nho, ủ nho theo lối cổ. Tôi nghĩ cha tôi muốn Katie chứng kiến điều đó và đó chính là lý do ông muốn mẹ con tôi về đây.

Ông nói chuyện với con bé như thể nó là một người trưởng thành – một điều làm cho nó vô cùng hãnh diện – giải thích cho nó hiểu ở hầu hết các vườn nho của ông người ta dùng máy để ép nho. Có hai trục gỗ xoay về hai hướng ngược nhau và trong cái máy này không một trái nho nào có thể trốn thoát. Nhưng một số người lại thích lối cũ đã được sử dụng hàng trăm năm nay.

Thật là một đêm đáng ghi nhớ! Nho đã hái được mười ngày rải đều trên sân để phơi năng, rồi cho vào trong những chiếc máng lơn. Dân làng vừa ca hát vừa giẫm đạp lên nho, nghiền nát chúng bằng đôi chân trần trong khi nước nho chảy vào những cái thùng lớn đặt phía dưới. Quang cảnh này thật mới lạ đối với Katie và có thể là đối với tất cả chúng tôi. Cha tôi tỏ vẻ xúc động khi ngắm nhìn cháu ngoại – mái tóc nó xổ tung, đôi mắt sáng long lanh đầy hứng thú.

“Bao giờ cháu cũng phải đến vào một mùa hái nho nhé”.

Katie miễn cưỡng quay lại Paris, nhưng chẳng bao lâu nó lại quên mất những nuối tiếc trẻ con của mình và quay lại hồn nhiên vui vẻ như xưa.

Tôi nhớ cái ngày khi một trong những vị khách cũ người Anh đến cửa hàng ở Paris. Đó là phu nhân Bonner, một bà chủ quảng giao, một người được thiên hạ đánh giá là rành chuyện riêng tư của người khác hơn bất cứ người đàn bà nào ở London. Bà ta rất thạo đưa chuyện và bao giờ cũng hối hả muốn gây ấn tượng bằng những tin giật gân.

Bà ta biết mối quan hệ của tôi với Julia và hỏi tôi có biết tin tức mới đây về cô ta không.

Tôi nói chúng tôi chả biết gì.

“Trời đất ạ! Thật là một vụ ầm ĩ. Tội nghiệp anh chàng Drake, anh ta đã phạm phải một sai lầm lớn. Tất nhiên đó là vì tiền bạc của cô ta. Anh ta cần tiền. Một người đàn ông đầy cao vọng mà. Cô cũng biết đấy, anh ta xuất thân từ một gia đình giàu có, nhưng anh ta thuộc loại người kiêu hãnh: Không, tôi sẽ tự tay gây dựng sự nghiệp bản thân. Cách thức của anh ta là kiếm tiền qua việc cưới một người vợ giàu có… Phải, anh ta đã làm như thế. Nhưng đó cũng là một gánh nặng mà người đàn ông đáng thương này phải mang. Cô ta nghiện rượu… cô cũng biết đấy…”

Tất cả những điều tôi có thể nói chỉ là “Ôi! Vậy ư?”

“Ồ phải, cô bạn thân mến ạ. Chắc chắn là cô đã biết rồi. Bao giờ nó cũng là vấn đề của cô ta và bây giờ nó trở nên nghiêm trọng hơn.”

“Còn đứa bé thì sao…” Tôi hỏi. “Có thể bị sẩy thai…”

“Một đứa trẻ à! Lạy Chúa lòng lành, không có đâu! Julia chưa hề có bầu. Đó chỉ là một trò lừa … Cô ta nghiện rượu…Cô ta bị đánh tơi bời khi nói chuyện với ngài Rosebery… Nếu Drake không có mặt ở đấy để đỡ cho cô ta thì ngã dập mặt. Cô không thể tưởng tượng được câu chuyện diễn ra như thế nào đâu. Drake đáng thương của chúng ta cảm thấy thật nhục nhã. Điều này sẽ bị trả giá, Drake có thể bị mất một vị trí của mình trong chính phủ…nếu như anh ta có một vị trí như thế. Anh ta đã nghĩ là tiền cô ta sẽ giúp dược nhiều việc…và như thế cô ta đúng là người vợ của một chính trị gia. Bọn họ ai cũng nghĩ là mình cưới được một Mary Anne Disraeli. Tội nghiệp, anh ta đã phạm một sai lầm lớn có thể trả giá bằng cả sự nghiệp của mình”.

“Nhưng anh ấy là một chính trị gia có khả năng”, tôi cự lại.

“Chỉ mới một nửa trận chiến thôi, cô bạn thân yêu ạ.”

Bà khách lắm điều chuyển sang nói về những chuyện kinh thiên động địa khác ở London nhưng tôi không còn tâm trí đâu mà nghe nữa. Trong đầu tôi chỉ có một vấn đề, Drake của tôi đang lún sâu vào một thảm họa. Drake đáng thương, anh cũng không hạnh phúc hơn tôi – trong thực tế anh còn không có lấy một niềm an ủi mà tôi đang có nữa.

Thỉnh thoảng Cassie cũng đến Paris còn bà bá tước thì thường xuyên về London. Cửa hàng ở Paris bắt đầu thu lợi nhuận, còn công việc làm ăn ở London thì ngày càng phát đạt. Chúng tôi đã trở thành một thương hiệu lớn trong thế giới thời trang. Ba năm trôi qua kể từ đám cưới của Julia và Drake, còn con gái tôi thì cũng đã 11 tuổi.

Một hôm cha tôi nó. “Cha sẽ dẫn con về Villers-Carsonne.”

Ong thường có vẻ bí ẩn khi đề cập đến nơi này, và tôi cảm thấy có một lý do nào đó khiến ông không hào hứng nói đến đề tài này.

Giờ đây dường như ông đã đi đến quyết định là đã đến lúc. Ong tìm một dịp chỉ có hai cha con để nói chuyện.

“Có thể con cũng tự hỏi, tại sao bố không đưa con về đấy ngay từ hồi con mới sang đây.”

Tôi gật đầu.

“Nơi này gần chỗ bố được sinh ra và lớn lên. Đó là vườn nho quý giá nhất của bố. Ở đây chúng ta có loại rượu nho ngon nhất. Bố thường xuyên đến đây, nhưng lại chưa bao giờ dẫn con đến, chắc con cũng có thắc mắc”.

“Không ạ, nhưng con cũng rất muốn biết.”

Cha tôi do dự một lát rồi nói. “Đó là bởi vì có rất nhiều cái cha phải nói với con. Ông nội con, Alphonse St.Allengère nổi tiếng khắp vùng này. Người ta nói cụ chính là Villers-Mure. Có thể con khó lòng hiểu nổi nhưng Villers-Mure giống một cộng đồng phong kiến. Ở Villers-Mure, cụ thân sinh của cha là vị chúa tể, một ông chủ lớn nhất. Cụ có quyền lực như một ông vua thời Trung cổ. Hầu hết mọi người trong vùng phụ thuộc vào công nghiệp dệt lụa; ông là chủ ngành công nghiệp này vì vậy mà là người nắm trong tay nguồn sống của họ.”

“Xem ra ông nội là một người rất đáng sợ.”

Cha tôi buồn bã gật đầu. “Ông cụ sẽ không chấp nhận con, Lenore ạ.”

“Con hiểu là ông nội không chấp nhận con như một đứa cháu nội. Nhưng sẽ không ngăn cản con đến vườn nho của bố chứ? Nó không thuộc về ông nội phải không ạ?”

“Nó là của bố. Cụ cho phép bố đến nhà chơi khi bố về đây. Bởi vì bố đã gây dựng nổi cơ đồ mà không dựa dẫm vào cụ cho nên cụ có phần nể nang bố. Cụ cho rằng bố không phải là đứa con có hiếu, nhưng thật buồn cười, vẫn cho phép bố đến thăm cụ.”

“Con nghĩ con có khuynh hướng không muốn đến thăm ông nội.”

“Không hẳn thế. Ông cụ cũng có những điểm tốt nhất định…Số người căm ghét thái độ của ông cũng nhiều như số người phục tùng ông.”

“Con đã chuẩn bị trước sự kiện con không được đón nhận.”

“Chị Ursule của bố sẽ vui mừng được gặp con.”

“Liệu cô ấy có được phép không?”

“Chị Ursule không sống trong gia đình ở Villers-Mre. Chị ấy sống ở Villers-Carsonne. Ursule đã bỏ nhà đi từ lâu. Chị ấy chống lại ông già.”

“Tha lỗi cho con, bố ạ, nhưng ông nội dường như là một người mà tốt nhất là ta không nên gặp.”

Cha tôi gật đầu. “Ursule bỏ nhà ra đi ít lâu sau ngày bố ra đi. Thời ấy Louis Sagon, chồng của Ursule bây giờ, đến nhà ta để vẽ chân dung ông cụ. Anh ấy cũng vẽ một bức chân dung cho Ursule và đem lòng yêu chị ấy – cả chị ấy cũng say mê anh họa sĩ. Nhưng ông cụ có một đám khác dành cho con gái. Ông ngăn cản cuộc hôn nhân. Họ cùng nhau chạy trốn và kết quả là chị ấy bị từ bỏ, không được công nhận là con trong gia đình nữa. Ursule đã cưới Louis Sagon và họ sinh sống ở Villers- Carsonne. Kể từ đó, ông cụ không bao giờ nhìn mặt con gái nữa. Chị của bố can đảm hơn em trai nhiều.”

“Cô con sống hạnh phúc chứ ạ?”

“Rất mãn nguyện. Họ có một con trai và một con gái. Ursule rất muốn gặp con. Chúng ta thường gặp nhau mỗi khi bố về đây.”

“Như vậy bố và cô Ursule là hai người phản bội lại gia đình.”

“Phải, là hai đứa con bất hiếu bất mục dưới con mắt của ông cụ. Tuy vậy anh của bố tên là René lại làm cụ hài lòng. Bác ấy làm được rất nhiều việc cho ngành dệt lạ của gia đình dù ông cụ vẫn là người cầm trịch mọi việc ở đây. René là một người con quý hóa. Anh ấy có hai con trai và hai con gái…sinh đôi. Một trong hai đứa tên là Heloise đã mất.”

“Lâu chưa ạ?”

“Khoảng 12 năm gì đó.”

“Chết vì bệnh à?”

“Chỉ mới 17 tuổi. Nó…tự trầm mình. Đó là một cú sốc lớn với tất cả chúng ta…nhất là với người chị sinh đôi tên là Adèle. Chúng bao giờ cũng quấn quýt với nhau.”

“Tại sao chị ấy lại làm thế ạ?”

“Vì tình. Đó là cả một chuyện bí ẩn.”

“Con thấy gia cảnh bên nội không lấy gì làm vui nhưng con cho rằng đó là do nó ở dưới sự trị vì của một người độc đoán như ông nội.”

Cha tôi đồng ý với một vẻ buồn rầu. “Bố muốn con biết rõ mọi chuyện.”

“Con không quan tâm đến ông nội. Nếu ông không muốn gặp con thì con cũng chẳng mong muốn gì được gặp ông.”

“Ursule lại rất muốn gặp con. Cô con bao giờ cũng hối thúc đưa con về đấy.”

“Vậy, con sẽ mong được gặp cô. Chẳng gì cô ấy cũng là cô ruột.”

“Con sẽ quý cô ấy và chú Louis Sagon. Đó là một người chỉ đắm mình trong công việc và có vẻ ít quan tâm đến bất cứ một cái gì khác. Nhưng con sẽ quý mến chú ấy. Một người tốt bụng, ít nói, và hiền khô.”

“Con sẽ hài lòng khi gặp họ - và quên tất cả những chuyện dễ sợ về ông nội.”

Mặc dù cha tôi đã chuẩn bị cho tôi bằng một cách mà tôi có thể chờ đợi, dường như ông vẫn có những dự cảm lo âu về chuyến thăm quê của hai mẹ con tôi. Tôi tạm biệt Ngoại và bà bá tước rồi cùng Katie theo cha tôi trở về quê hương.

Chúng tôi đi bằng tàu hỏa, đó là cả một chẳng đường dài. Con bé Katie ở trong một tâm trạng phấn khích cao độ trong suốt chuyến đi. Nó cứ ngồi bên cửa sổ, cha tôi ngồi bên cạnh, chỉ trỏ giới thiệu cho nó những vùng đất lướt qua. Tàu đưa chúng tôi đi qua những thị trấn, làng mạc, những con sông, những cánh đồng bát ngát, và những ngọn đồi xanh tươi. Thật vô cùng thú vị khi chúng tôi nhìn thấy những vườn nho và cha tôi lướt một cái nhìn hiểu biết qua chúng. Xa xa thấp thoáng vài tòa lâu đài cổ - bằng đá xám với những tháp canh vốn là đặc trung của đất nước này. Cha tôi càng lúc càng trở nên trầm tư buồn bã hơn khi tàu đi gần đến quê hương. Tôi đoán ông đang lo âu và ở một mức độ bất an nào đó. Tôi tự hỏi không biết ông có trăn trở băn khoăn về cha mình và phản ứng của ông cụ khi nghe tin về sự hiện diện của tôi không.

Có một cỗ xe đợi sẵn ở sân ga Carsonne để đón chúng tôi về nhà. Cha tôi bảo họ biết chắc giờ chúng tôi đến vì chỉ có một chuyến tàu tới đây mỗi ngày. Đó là một ga xép nhỏ.

“Chúng ta thật may mắn. Ngài bá tước ở Carsonne cứ khăng khăng làm đường tàu ở đây. Đó là một người rất có thế lực. Có một cái gì như là một cuộc đâu tranh, cha nghĩ như thế nhưng ông bá tước có cách nhìn của mình trong những vấn đề này.”

Khi chúng tôi đi vào sân ga cha tôi vẫy tay về phía một người mặc đồng phục màu xanh đậm.

“Chào cậu Alfredo!” Quay sang tôi, ông nói. “Cậu ta là người Ý. Có nhiều người Ý phục vụ ở đây. Chúng ta ở gần biên giới Pháp-Ý và về một phương diện nào đó người dân ở đây cũng mang những nét của người Ý.” Alfredo là người mang hành lý ra xe cho chúng tôi.

“Đây là con gái tôi, Madame Sallonger”, cha tôi nói, “và đây là cháu ngoại Mademoiselle Katie Sallonger.” Alfredo cúi chào chúng tôi thật thấp và mang hành lý chúng tôi ra xe ngựa.

Cha tôi rõ ràng là một nhân vật quan trọng trong vùng nếu chỉ căn cứ vào thái độ của người dân ở đây đối với ông. Người ta cất mũ và chào hỏi ông một cách vừa trịnh trọng vừa niểm nở.

Vườn nho trải dài ra hai bên đường xe chạy. Đang vụ hái nho, chúng tôi trông thấy hàng đoàn nhân công với một thế đứng được tính toán kỹ lưỡng để không làm dập nho với quá nhiều động tác.

Cha tôi hào hứng. “Chúng ta đến đây đúng vào lúc tốt nhất cho một vụ hái nho.” Nghe vậy, khuôn mặt Katie rạng rỡ hẳn lên.

Phía trước mặt sừng sững một tòa lâu đài cổ, tọa lạc trên cả một vùng đất rộng xung quanh có những hào nước vây bọc.

“Thật là một lâu đài tráng lệ!” Tôi thốt lên.

“Đó là lâu đài Carsonne.”

“Có phải đó là vị bá tước…người nhất định muốn xây đường tàu đến tận Carsonne này…Ông ta sống ở đó ạ?”

“Chính là người ấy.”

“Ông ta là cư dân ở đây?”

“Phải. Bố nghĩ là ông ta còn có nhà ở Paris và một vài nơi khác, nhưng đây là ngôi nhà từ nhiều đời của dòng họ này.”

“Chúng ta sẽ gặp họ chứ ạ?”

“Khó có khả năng đó. Hai dòng họ không lấy gì làm thân thiện với nhau.”

“Có một mối thù truyền kiếp nào phải không ạ?”

“Không hẳn như thế. Đất đai của dòng họ nhà ta giáp ranh với đất đai của họ. Hai bên ở trong trình trạng hòa hoãn có vũ trang…không hẳn là chiến tranh…nhưng cả hai đều sẵn sàng hành động…ít nhất thì cũng chống lại đối phương.”

“Nghe có vẻ như một cuộc chiến tranh.”

“Với những năm tháng trưởng thành ở Anh, con khó lòng hiểu nổi bản tính dữ dội của những người dân ở đây. Đó là dòng máu Latin và …mặc dù con cũng mang dòng máu ấy nhưng việc don được nuôi dạy ở Anh rõ ràng đã góp phần hạ nhiệt.”

Tôi bật cười. “Tất cả chuyện này có vẻ thú vị đây.”

“Chúng ta sẽ thấy ngôi nhà của bố. Ồ, nhìn kìa, nó đã ở ngay trước mặt rồi.” Katie nhảy tưng tưng vì vui thích. Cha tôi quàng một tay ôm nó vào lòng.

Nhà của cha tôi giống một tòa lâu đài thu nhỏ cùng với những chiếc tháp canh quen thuộc. Ngôi nhà làm bằng đá xám, những chiếc màn cửa màu xanh lá cây, một vài cửa sổ có ban công bằng sắt. Một ngôi nhà nom rõ thật duyên dáng.

Khi xe tiếng lại gần, chúng tôi thấy một người đàn ông và một người đàn bà đang đứng ngoài cửa dáng như đang đợi ai.

“Đấy là cô con, Ursule. Ôi chị Ursule thân yêu, thật cảm động khi chị đến đây đón chúng em. Cả anh nữa, Louis.”

Cha tôi quay ra tôi. “Đây là cô Ursule và chú Louis, chồng cô. Còn đây là Lenore và con gái Katie”.

“Chào mừng các cháu đến Carsonne”, cô Ursule nói. Cô có mái tóc đen nhánh và rất giống cha tôi. Có một cái gì đó thật đôn hậu tốt ra từ toàn bộ con người cô và tôi thích cô ngay lập tức. Chồng cô, như cha tôi nói, đúng là một người hiền khô. Ông bắt tay tôi và nói ông rất vui khi được gặp tôi.

“Cô chú đã phải thúc giục cha cháu mãi, ông ấy mới đưa cháu về đây đấy.” Cô Ursule nói. “Vào nhà đi. Cô chú sống ở cách đây nửa dặm. CÔ muốn đến tận đây để chào đón mẹ con cháu.:

Chúng tôi đi vào nhà, đến một gian phòng khách dài và rộng có ốp gỗ và một cái lò sưởi tròn phía ngoài có bọc đồng sáng loáng.

“Chị đã tự tay sắp xếp căn phòng dành cho Lenore”, cô Ursule nói. “Chị nghĩ như thế tốt hơn là phó mặc cho bọn đầy tớ. Katie có một phòng ngay bên cạnh phòng mẹ nó.”

“Cô thật chu đáo quá. Mẹ con cháu thích ở gần nhau.”

Katie chạy tung tăng vào nhà trong lúc Ursule dẫn chúng tôi về phòng. Căn phòng dành cho tối có trần thấp, rèm và khăn trải giường màu xanh lá cây nhạt, thảm trên sàn pha giữa màu xanh lá cây và màu xám. Đó là một phòng ngủ rất dễ chịu, duyên dáng và điều làm tôi hài lòng là nó có một cửa thông sang phòng Katie.

Ngoài phòng có một ban công. Tôi mở những ô cửa sổ kiểu Pháp nhìn ra ngoài. Từ đây tôi còn thể nhìn thấy xa xa là những chiếc tháp canh của lâu đài Carsonne và những mái nhà nhiều màu sắc ở thị trấn gần đấy. Và ở cự ly gần hơn là vườn nho xanh muôn thưở.

Tôi thấy lòng mình thơ thới một cách lạ lùng. Bên kia lâu đài là Villers-Mure – những vườn dâu và công nghiệp dệt lụa…nơi tôi lần đầu tiên nhìn thấy ánh sáng mặt trời. Tôi cho là người ta ai cũng cảm động khi nhìn thấy mảnh đất chôn nhau cắt rốn của mình, nhất là khi người ấy vốn sống thiếu quê hương.

Nước nóng được mang đến, chúng tôi tắm rửa, thay quần áo. Katie luôn miệng trầm trồ về những điều mới mẻ mà nó vừa khám phá. Nó nói, “Thật sung sướng và thú vị khi lại có thể tìm thấy ông ngoại ở ngoài công viên phải không mẹ? Mẹ bao giờ cũng phất hiện được một cái gì đó về ông. Ông của những bạn khác thì chán lắm. Bao giờ người ông ấy cũng chỉ có thế mà thôi.”

“Một số người lại thích như thế đấy”, tôi nhận xét.

“Con thì không. Con thích cách của chúng ta hơn.”

Sau bữa ăn họp mặt ở ngoài sân chúng tôi được dẫn lại vào trong nhà để gặp những người phục vụ. Có rất nhiều người phục vụ. Ursule giải thích cặn kẽ mọi chuyện cho tôi biết.

“Chúng ra sẽ ra ăn ở ngoài sân cho đến khi trời trở lạnh. Ai cũng thích không khí trong lành ngoài trời. Thỉnh thoảng ở đây khá nóng nực. Người em cùng cha khác mẹ của cháu, tên là Georges…thường xuyên đến đây. Nhà của Georges ở cách đây vào khoảng 15km. Cô em Brigitte mới lấy chồng, hiện đang sống ở Lyons. Cô dám nói là một ngày kia cháu sẽ gặp hai em mình. Cô rất sung sướng khi thấy hai cha con cháu lại đoàn tụ với nhau. Cha cháu không bao giờ quên sự tồn tại của đứa con rơi và khi bà ngoại cháu đến đây tìm cha cho cháu, cậu ấy thật sự bị kích động…thật sung sướng. Vì thế mà thật tuyệt vời khi lại được gặp cháu ở đây.”

“Cha bao giờ cũng tốt với cháu.”

“Cậu ấy nghĩ không bao giờ đền bù đủ cho cháu.”

“Cha cháu còn làm nhiều hơn những gì cháu có thể nói.”

“Cháu có biết cưỡi ngựa không?”

Dạ có.”

“Thế thì tốt lắm. Đó là cách dễ nhất để đi đó đây thăm thú vùng này.”

“Cháu cũng muốn đến thăm Villers-Mure.”

Cô Ursule im lặng một chút. Rồi cô nói, “Hơn 20 năm qua, cô chưa hề về đó.”

“Vậy mà chỉ cách đây không xa.”

“Cháu đã biết chuyện rồi phải không? Cô đã cưỡng lời cha trong chuyện chồng con. Đó là việc làm không thể tha thứ.”

“Dường như bao giờ chuyện đó cũng…rất kinh khủng.”

“Nó là như thế đấy.”

“Cô có bao giờ cố gắng hàn gắn lại những mất mát không ạ?”

“Rõ ràng là cháu chưa hiểu rõ cha cô. Ông cụ là người rất tự hào về việc đã nói là làm. Ông đã nói là sẽ không gặp mặt cô nữa thì không có điều gì trên đời này khiến cụ làm khác đi.”

“Chắc ông cũng mất mát nhiều lắm. Chắc ông cũng chẳng phải là người hạnh phúc.”

Cô tôi lắc đầu. “Ông cụ có cái mà ông muốn. Ông là nhà thống trị ở Villers-Mure. Ông là vị vua trị vì trong vương quốc mình, tất cả phải vâng lời ông nếu không sẽ chịu hình phạt về tội bất tuân thượng lệnh. Cô tin là ông cảm thấy hoàn toàn mãn nguyện. Tuy vậy, cô cũng không bao giờ hối hận về việc mình đã làm.”

“Vì thế cô sẽ không bao giờ trở về?”

“Không bao giờ.”

Sau khi cô Ursule dẫn tôi đi xem nhà, cha tôi dẫn chúng tôi đi thăm vườn nho một lúc. Bữa tối, chúng tôi lại ngồi ăn ở ngoài sân và nán lại trò chuyện một lúc lâu cho đến lúc trời tối hẳn. Hương đêm sực nức không gian và chúng tôi ngồi ngắm những vì sao lấp lánh trên nền trời, một con dơi chệnh choạng bay tới bay lui…sà thấp gần ngang đầu chúng tôi nhưng mọi người vẫn ngồi im lặng.

Tôi biết cha tôi rất hài lòng bởi vì cuối cùng tôi đã trở về nhà ông. Cô chú tôi còn ở lại thêm vài ngày nữa. Chúng tôi nói chuyện về thị trấn nhỏ Carsonne ở ngay biên giới với Ý và đây là nơi không khí, thời tiết, đất đai rất tốt cho trái nho. Chúng tôi trở nên buồn ngủ bởi loại rượu nho tốt nhất mà cha tôi cho mang lên từ hầm rượu trong dịp đặc biệt này và tôi nhận ra là Katie nó khó mà mở mắt nổi, thế là tôi đề nghị đưa nó về phòng ngủ.

Tôi đặt Katie vào giường và nói, “Mẹ để cửa thông mở, như vậy mẹ con ta sẽ gần nhau hơn.”

Tôi nghĩ nó rất vui sướng vì điều đó. Có thế là nó cảm thấy có cái gì thật xa lạ khi sống ở thôn quê nhất là vào lúc đêm hôm. Vào lúc tôi cúi xuống hôn nó để chúc ngủ ngon thì con bé đã ngủ mất rồi.

Tôi trở về phòng mình, thay đồ và trước khi lên giường đi ngủ tôi lại mở cửa bước ra ngoài ban công. Đêm đen như một tấm màn nhung và đầy bí ẩn – những ngôi sao sáng hơn bầu không khí trong lành và dường như bầu trời cũng trở nên gần gũi hơn ban ngày. Kia là lâu đài Carsonne ngạo nghễ, đồ sộ có một vẻ gì như thách thức ai. Tôi khó có thể không nhìn nó.

Cuối cùng tôi cũng lên giường nằm nhưng giấc ngủ trốn biệt. Tôi cứ nghĩ mãi về những sự kiện trong ngày đầu tiên và khi giấc ngủ kéo đến tôi lại bị chìm vào một giấc mơ đáng sợ trong đó ông nội độc ác của tôi được phóng to lên còn lâu đài Carsonne trở thành một nhà tù mà ông quyết định giam giữ tôi bởi vì tôi đã dám trở về lãnh địa của ông trái với ý muốn của ông.

Tôi tỉnh giấc rồi mà giấc mơ vẫn còn lởn vởn đâu đây. Nó làm tôi cảm thấy bất an và điều đầu tiên tôi làm khi tỉnh dậy là bước ra ngoài ban công nhìn thẳng vào lâu đài Carsonne.

*

* *

Ngày giờ trôi qua trong chớp mắt. Cô chú tôi từ giã ra về. Cô Ursule nhất định mời chúng tôi đến nhà. Tôi cam đoan với cô rằng tôi cũng thích như thế lắm bởi chúng tôi đã rất hiểu và thương yêu nhau.

Cha tôi có cả một bầy ngữa và cả hai mẹ con tôi đều thích rong ruổi trên lưng ngựa. Bây giờ thì Katie đã là một kỵ sĩ giỏi nhưng vào lúc này mối quan tâm chính của nó là vụ thu hoạch nho. Nó thích đi với cha tôi mà ông cũng thích có con bé bên cạnh, thế là tôi có dịp cưỡi ngựa dạo chơi một mình. Tôi biết Katie an toàn và sung sướng bên ông ngoại nó, thế là tôi có thể thả mình vào cái thú tự khám phá vùng quê này. Bốn ngày sau khi chúng tôi đến đây, tôi đã thông thuộc địa hình trong vùng. Cha tôi gợi ý là tôi nên cưỡi con ngựa cái màu hạt dẻ, nó nhỏ, thuần tính nhưng lại rất hăng. Chúng tôi rất hiểu ý nhau và cuối buổi chiều thứ năm ở đây, tôi cưỡi nó đi dạo.

Tôi bất giác đánh ngựa về hướng Villers-Mure. Có một nơi tôi có thể đứng nhìn xuống toàn bộ thung lũng, đó là vùng đồi cao nhất. Chẳng bao lâu nó đã trở thành một địa điểm yêu thích của tôi và tôi biết chẳng chóng thì chày tôi sẽ không cưỡng được ý muốn phóng ngựa xuống cái dốc kia và chạy vào làng.

Đứng từ chỗ này tôi có thể nhìn được những vườn dâu xanh tốt và nhà máy với những ô cửa kính sáng lấp lánh đằng xa. Tuy vậy trong nó không giống một nhà máy. Có một dòng suối chảy ngang qua và một cây cầu duyên dáng bắc ngang khúc sông chảy xiết làm cho phong cảnh rất nên thơ. Tôi có thể nhìn thấy những ngọn tháp vươn lên trên nhà ông nội và tự hỏi không biết giờ này ông đang làm gì, ông có biết là đứa cháu nội lưu lạc của ông đang ở rất gần ông không.

Một ngày kia tôi sẽ phóng ngựa xuống đấy. Tôi sẽ tìm đến ngôi nhà Ngoại tôi đã sống với mẹ tôi. Không biết có bao giờ mẹ tôi đi lên ngọn đồi này, chỗ nào hai người thường gặp nhau và nơi nào tôi được thành hình? Đây là nơi tôi cất tiếng chào đời mà tôi lại bị cấm cửa lối vào đời.

Tôi quay ngựa lại. Hôm ấy, mặt trời đổ nắng rực rỡ từ trên cao. Phía bên tay phải tôi là một cánh rừng râm mát, mời gọi và tôi có thể ngửi thấy mùi thơm của nhựa thông. Thế là tôi quay ngựa về phía cánh rừng. Cây cối càng lúc càng rậm rạp hơn. Khu rừng thật đẹp…mùi đất ẩm dưới những thân cây xòe tán rộng…không gian chợt mát lạnh và thoảng mùi hương của cánh rừng nguyên sinh. Tôi thả hồn mơ mộng và mặc cho ngựa chạy sâu vào rừng. Tôi tự hỏi không hiểu cánh rừng rộng bao nhiêu. Nhìn bên ngoài nó có vẻ nhỏ và tôi chắc nếu cứ tiếc về phía trước thì tôi sẽ vượt qua khỏi khu rừng.

Chợt có tiếng chó sủa rộn lên. Có ai đó cũng đang ở trong rừng hoặc có thể chỉ là một con chó. Tiếng chó sủa gần hơn, có vẻ dữ dội và hung hăng. Rồi bất thình lình hai con chó giống Alsati hiện ra giữa các lùm cây. Khi chúng nhìn thấy tôi chúng sủa nhặng lên một cách đắc thắng và phóng như mũi tên về phía tôi. Bất thình lình chúng đứng lại, nhìn chằm chằm vào tôi và tiếng sủa của chúng trở nên dữ tợn, ác độc. Tôi cảm thấy con ngựa màu hạt dẻ rùng mình. Nó ngoảnh đầu lại, có vẻ bất an.

“Đi đi”, tôi gào lên cố làm cho giọng mình có vẻ quyền uy nhưng dường như nó chỉ làm hai con chó hung hăng thêm bởi vì tiếng sủa của chúng nghe dễ sợ hơn như thể chúng sẵn sàng chồm lên người tôi.

Tôi nhẹ cả người khi thấy một người đàn ông phóng ngựa lại gần. Anh ta đến gần tôi và nhìn tôi một cách thiếu thiện cảm.

“Fidele, Napoleon! Lại đây!”

Lũ chó câm họng ngay lập tức và đi đến đứng bên cạnh chủ. Chỉ trong một vài giây tôi đã ghi nhận được rất nhiều điều về con người này. Người kỵ sĩ ngồi trên lưng con ngữa đen tuyền tuyệt đẹp kia một cách gắn bó như thể anh ta là một phần hữu cơ gắn chặt với nó. Người và ngựa làm tôi nghĩ đến một con quái vật nửa thú nửa người. Đôi mắt anh đen láy, bộ lông mi dày và đôi lông mày rất đậm đầy ấn tượng. Mái tóc dưới chiếc mũ đi ngựa cũng đen tuyền, khuôn mặt dài có nước da rất đẹp là một trong những lý do làm cho anh có một sức hút khó tả. Bởi nó tương phản với đôi mắt và mái tóc đen huyền. Mũi anh có một cái gì đó mà tôi cho là hơi ngạo mạn – dài, rất mực quý phái nhắc tôi nhớ đến những bức ảnh của Francois Premier mà tôi đã thấy. Khuôn miệng của anh là một bộ phận biểu cảm nhất trên khuôn mặt. Tôi có cảm tưởng nó vừa nghiệt ngã lại vừa hài hước. Người đàn ông đang đứng trước mặt tôi là một người có sức hút nhất mà tôi từng gặp, đó là lý do tại sao tôi có thể ghi nhận được ngần ấy ấn tượng trong vòng vài giây.

Tôi nhận ra ngay anh là một người đàn ông của quyền lực, đứng trên nhiều người và quen với sự phục tùng của những người xung quanh như hai con chó dữ tơn đang đứng dưới chân con ngựa của chủ. Anh dò xét tôi, đôi lông mày sắc nết hơi nhướn lên. Cái nhìn của anh như xuyên suốt qua tôi làm tôi cảm thấy gai người. Tôi bồn chồn, bứt rút dưới cái nhìn sắc như dao ấy và tôi không thể che giấu sự khó chịu của mình.

“Tôi cho rằng đây là những con chó của ông.”

“Phải đây là chó của tôi, cánh rừng này cũng là của tôi và cô là người xâm phạm bất hợp pháp.”

“Xin lỗi.”

“Chúng tôi kiện ra tòa những kẻ xâm phạm đấy.”

“Tôi không biết là tôi đã làm một việc như vậy.”

“Ở đây có biển báo.”

“Tôi e là tôi đã không nhìn thấy biển báo. Tôi là người lạ ở đây.”

“Đó không phải là lý do thưa cô.”

“Bà.” Tôi sửa lại.

Anh cúi đầu một cách mỉa mai. “Một ngàn lời xin lỗi thưa Madame. Tôi có thể biết quý danh không?”

“Tôi là bà Sallonger.”

“À họ St.Allengère. Như vậy bà có họ với những người sản xuất lụa.”

“Tôi không nói St. Allengère mà là Sallonger. Đó là họ của chồng tôi.”

“Và chồng bà…ông ấy hiện ở đây với bà?”

“Chồng tôi đang ở trên thiên đường.”

“Xin chia vui cùng ông nhà.”

“Cảm ơn ông. Tôi sẽ rời khỏi khu rừng của ông và xin tha lỗi cho những rắc rối mà tôi gây ra nếu ông và con chó của ông cho phép tôi rút lui.”

“Tôi sẽ tháp tùng bà.”

“Không cần đâu. Tôi chắc tôi sẽ tìm được đường về.”

“Người ta dễ bị lạc trong rừng lắm đấy.”

“Nó không có vẻ quá rộng đối với tôi.”

“Tuy vậy…nếu bà cho phép tôi.”

“Tất nhiên. Ông muốn biết chắc là tôi phải rời khỏi phần dất của ông ngay tức khắc. Tôi chỉ có thể nói là tôi xin lỗi về sự xâm nhập này. Chuyện này sẽ không bao giờ xảy ra nữa.”

Anh đi đến gần, tôi vỗ về con ngựa cái và thì thầm mấy câu an ủi nó. Con ngựa vẫn còn hoảng sợ trước lũ chó.

“Nó có vẻ là một con ngựa bất kham, thưa bà.”

“Nó không ưa con Fidele và Napoleon của ông.”

“Đó là những con chó đầy tinh thần trách nhiệm.”

“Trông chúng hung tợn quá.”

“Vâng, quả có thế, nhất là khi chúng đang làm nhiệm vụ.”

“Đó là việc đuổi những kẻ xâm phạm ra khỏi đất của ông?”

“Một trong những việc như thế. Xin bà đi lối này.”

Anh cưỡi ngựa bên cạnh tôi và chúng tôi đi xuyên qua rừng, hai con chó đã dịu đi, chúng chấp nhận tôi và con ngựa theo sự phê chuẩn của ông chủ.

“Xin cho tôi biết, Madame Sallonger, có phải bà đến du lịch ở đây?”

“Tôi đến nhà cha tôi, Henri St.Allengère.”

“Như vậy bà cũng là một người trong bọn họ.”

“Tôi cho là thế.”

“Tôi tin rằng tôi biết chắc bà là ai. Bà chính là cô bé được bà ngoại mang sang Anh nếu căn cứ vào giọng nói của và cái cung cách có vẻ ngoại quốc của bà.”

“Xin lỗi vì cái giọng người Anh của tôi.”

“Xin đừng. Nghe duyên dáng lắm. Bà nói ngôn ngữ của chúng tôi rất trôi chảy, những vẫn có một cái gì đó đã để lộ bà. Tôi thích thế lắm. Cả phong cách ngoại quốc của bà nữa…tôi cũng thích lắm lắm đấy. Sự khác biệt muôn năm.”

Tôi mỉm cười.

“Lúc này chắc bà đang tự hỏi gã đàn ông ngạo mạn đáng ghét kia là ai mà dám tháp tùng ta và đuổi ta ra khỏi cánh rừng của hắn. Có phải vậy không?”

“Vậy hắn là ai?”

“Không phải là một kẻ dễ chịu gì như bà có thể nghĩ thế.”

Anh nhìn tôi chờ đợi nhưng tôi không đáp. Điều đó làm anh thích chí và anh cười vang. Tôi quay sang nhìn người lạ. Lúc này anh trở thành một người khác. Đôi mắt đen ngời sáng…tiếng cười giòn tan sảng khoái. Cái miệng anh cũng thay đổi nó trở nên dịu dàng một cách bất ngờ.

“Và bà đã hoàn toàn đúng. Tôi tên là Gaston de la Tour.”

“Và ông sống ở đàng kia.”

“Phải, rất gần đây.”

“Ông cũng sở hữu cánh rừng mà ông rất tự hào và nóng lòng giữ nó cho riêng mình.”

“Đúng như thế. Tôi không hài lòng khi người khác cũng sử dụng cánh rừng này.”

“Cây cỏ ở đây mới đẹp làm sao. Thật đáng xấu hổ khi ông chỉ muốn giữ nó cho riêng mình.”

“Bởi vì nó đẹp nên tôi muốn nó là của riêng. Bà thấy đấy, tôi chỉ là một kẻ hoàn toàn bần tiện.”

“Người ta có thể làm gì phương hại đến rừng cây của ông?”

“Tôi cho là không nhiều. Để tôi nghĩ coi. Họ có thể chặt cây …đốt lửa. Nhưng lí do thực sự là tôi muốn cái gì của tôi thì chỉ của tôi mà thôi. Bà nghĩ điều này có thể hiểu nổi không?”

“Tôi nghĩ đó là một thói tật thông thường của con người.”

“Bà là một người đang nghiên cứu về tự nhiên?”

“Còn ông thì không à?”

“Tôi là một người tự chiêm nghiệm…thật sự là một tạo vật khó chơi.”

“Ông có một đức tính.”

“Làm ơn nói cho tôi nghe bà tìm thấy điểm tốt nào ở tôi?”

“Ông biết ông là ai..ngôn từ của ông…thật đặc biệt…Tự biết mình là một đức tính tuyệt vời và rất ít người trong chúng ta làm được điều đó.”

“Bà là một kẻ xâm phạm mới quyến rũ làm sao! Tôi lấy làm sung sướng là bà đã bất chợt có ý định vào trong rừng của tôi. Làm ơn cho tôi biết, Madame Sallonger, bà sẽ ở lại đây bao lâu?”

“Chúng tôi đến trong mùa thu hoạch nho.”

“Chúng tôi?”

“Con gái tôi và tôi.”

“Vậy bà có một cô con gái?”

“Phải. Cháu nó 11 tuổi.”

“Chúng ta có một số điểm chung. Tôi có một con trai. Nó 12 tuổi. Thế là cả hai chúng ta đều làm cha mẹ. Còn một điểm nữa. Bà là góa phụ. Tôi mồ côi vợ. Như vậy không thú vị sao?”

“Tôi không biết. Có rất nhiều đàn ông góa vợ, đàn bà góa chồng trên đời này. Tôi cho là họ cũng gặp nhau luôn đấy chứ?”

“Sao mà bà lạnh…tỉnh và …lý trí đến thế. Đó có phải là cái chất Ănglê trong bà?”

“Thực ra tôi sinh ra là người Pháp, mang đặc tính Ănglê như ông nói bởi được nuôi dạy và ăn học ở Anh.”

“Có lẽ điều thứ hai mà bà nói đến, quy định bản chất của một người nhiều hơn điều thứ nhất. Tôi sẽ cho bà biết một điều. Tôi biết một cách chính xác bà là ai. Lúc ấy tôi đã được 8 tuổi. Vì vật mà bây giờ bà biết tôi bao nhiêu tuổi. Ở một nơi như nơi này người nọ biết vanh vách chuyện của người kia. Ở một nơi như nơi này không ai giữ được bí mật chuyện của mìh. Phải có một vụ xì-căng-đan lớn. Henri St.Allengère và một thiếu nữ…một trong những người đẹp nhất vùng…và lão già quỷ ám kia đã hủy hoại cuộc sống của đôi bạn trẻ. Hủy hoại cuộc sống của người khác là thói quen của ông già Alphonse Sr.Allengère. Lão ta là một quái thú trong vùng…thật sự là một tên khổng lồ ăn thịt người.”

“Ông đã đúng trong suy nghĩ về ông nội tôi.”

“Xin chia buồn ở điểm này.”

“Tôi có thể thấy ông không thích ông tôi.”

“Thích lão già ư? Ai mà lại thích được một con rắn đuôi chuông nhỉ? Ông ta nổi tiếng khắp vùng này. Nếu bà đi nhà thờ, bà sẽ được thấy những ô cửa kính hoa văn, món quà của nhà từ thiện Alphonse St.Allengère. Bục làm lễ cũng là của ông ta. Mái nhà thờ thì ở trong tình trạng tuyệt hải. Nhờ ông ta chiến tranh nổ ra chỉ vì một cái chết của một con bọ cam còn nhà thờ và sự sống còn của nó thì trông chờ vào lão già. Đó là một người bạn tốt của Chúa trời và là kẻ thù tệ hại nhất của con người.”

“Có thể như thế được sao?”

“Đó là một cái gì mà, Madame Sallonger thân mến của tôi, với hiểu biết về bản chất con người hẳn bà biết rõ hơn tôi chứ.”

“Con đường dẫn ta khỏi cánh rừng cũng khá xa nhỉ?”

“Tôi hài lòng về điều đó. Nó tạo cho tôi có cơ hội được hầu chuyện với một quý bà thú vị như vậy.”

Đột nhiên tôi cảm thấy nghi ngờ. Rõ ràng quãng đường này dài hơn quãng đường tôi đã đi cho đến lúc gặp lũ chó. Anh bắt gặp cái nhìn của tôi, hiểu suy nghĩ của tôi và cười với tôi một nụ cười đáng yêu một cách bất ngờ.

“Chúng ta sắp ra đến đường cái chứ?”

“Rồi bà sẽ thấy.”

“Tôi còn chưa quen thung quen thổ. Tôi muốn tự mình tìm được đường về nhà.”

“Bà sẽ tuyệt đối an toàn khi ở bên cạnh tôi.”

“Tôi nghĩ tôi phải về nhà ngay. Mọi người sẽ không hiểu chuyện gì đã xảy ra với tôi.”

“Cứ để việc này cho tôi.”

“Dường như tôi không đi xa đến thế.”

“Rừng cây đẹp như tranh vẽ… Bà đã nói thế mà.”

“Vâng . Nhưng tôi không có ý định nấn ná lâu ở đây.”

“Tôi cho phép bà vào rừng của tôi bất cứ khi nào bà thích.”

“Cám ơn. Ông thật hào phóng.”

“Tôi cũng có những điểm tốt của mình chứ.”

“Tôi chắc là vậy.”

“Như vậy tôi đã chứng tỏ được bản thân sau một cuộc nói chuyện ngắn ngủi.”

“Tất nhiên rồi. Ông đã tỏ ra hào phóng nhất trần đời sau phản ứng đầu tiên khi nhìn thấy tôi. Bây giờ nếu ông chỉ đường ra khỏi khu rừng này ngay…tôi sẽ biết ơn ông lắm lắm.”

“Tôi ghi nhận lòng biết ơn của bà. Đi lối này.”

Cây cối thưa dần, chúng tôi ra ngoài bìa rừng và sừng sững trước mắt tôi là tòa lâu đài.

Tôi nín thở nói, “Thật là kỳ vĩ!”

“Lâu đài của bá tước vùng Carsonne đã hàng trăm năm nay.”

“Tôi biết. Tôi đã nghe nói về nó. Tôi thấy nó ngay từ lúc đặt chân đến đây và nó hết sức ấn tượng.”

“Đó là một trong những lâu đài cổ nhất và đẹp nhất của cả miền này.”

“Theo tôi biết, ông bá tước hiện nay thường ở đây.”

“Vâng. Dù vậy ông ta cũng thường ở Paris.”

“Tôi cũng biết thế. Vậy đây là những vườn nho của ông ta?”

“Phải. Thật nhỏ bé so với những vườn nho của ngài St.Allengère, nhưng nó là một phần đặc biệt của một tòa lâu đài.”

“Vâng, đúng thế. Tôi nghĩ tôi biết mình đang ở chỗ nào rồi. Cảm ơn ông vì đã cứu tôi thoát khỏi những con thú dữ của ông.”

“Bà muốn nói những tay vệ sĩ trung thành và tốt đẹp của tôi?”

Tôi gật đầu. “Và cảm ơn ông đã giúp tôi thoát khỏi khu rừng.”

“Bà quả là một phụ nữ duyên dáng rất mực. Tôi cũng có tham vọng được giống như thế. Tôi xin nhắc lại, xin bà vui lòng vào rừng dạo chơi bất cứ khi nào bà muốn.”

“Ông thật tử tế.”

“Có thể là vì tôi sẽ gặp bà ở đây.”

Tôi không đáp. Khi tôi nghĩ anh đưa tôi đi lòng vòng tôi có phần nào cảnh giác còn bây giờ lại thấy tiếc vì cuộc gặp gỡ đã kết thúc.

Chúng tôi dừng lại ở một triền dốc trong khi tôi xoay người nhìn quanh.

“Kia, vườn nho của cha bà ở đằng kia. Đi thẳng lên đồi chạy tắt qua cánh đồng kia, bà sẽ về đến nhà.”

“Tôi thấy rồi, cảm ơn ông. Chào tạm biệt ngày De la Tour.”

“Au revoir, Madame Sallonger.”

Tôi biết anh đứng lại nhìn theo lúc tôi phóng ngựa chạy đi. Chẳng vì lí do gì mà tôi thấy lòng phơi phới nhẹ nhàng. Vâng, đó là một cái gì thật thú vị. Anh đã gây một ấn tượng đậm nét. Tôi không nghĩ là tôi thích con người ấy. Tôi không ngưỡng mộ những người đàn ông hống hách. Philip đặc biệt dịu dàng, và Drake cũng thế. Người đàn ông này khác hẳn, suốt buổi nói chuyện tôi thấy anh ta muốn chọc quê tôi, có một cái gì đó đầy nhục cảm trong cái cách anh ta nhìn tôi – có một cái gì đó rất ngạo mạn trong giọng điệu của anh nữa. Tôi nghĩ anh ta nhận thấy một cái gì đó….rất nhục thể về tôi và trò đùa này dẫn đến một cái gì khác. Anh làm tôi cảm thấy khó chịu đồng thời lại hứng thú và rất kích thích.

Vừa về đến sân nhà, tôi đã thấy cha tôi từ buồng ngựa đi ra.

“Lenore, cha mừng là con đã quay về. Cha đã bắt đầu thấy lo lắng.”

“Có chuyện gì không ổn với Katie ư?”

“Không…không. Con bé vãn ổn thỏa. Cha nghe nói con cưỡi ngựa đi dạo và nghĩ đã đến giờ con quay về.”

“Con có một cuộc phiêu lưu. Cha biết khu rừng…”

“Biết.”

“Con đi vào đó, hai con chó dữ tợn hiện ra. Con nghĩ chúng chuẩn bị tấn công con ấy chứ. Con Marron hơi hoảng.” Tôi vỗ vào cổ ngựa khi nhắc đến tên nó và cảm thấy nó đáp lại cử chỉ của tôi.

“Chó à?”

“Vâng, trông kinh khủng lắm. Nhưng may thay chủ của chúng phóng tới, bắt chúng dừng lại và kết tội con là kẻ xâm phạm. Khu rừng có vẻ là sở hữu của anh ta. Chúng con nói chuyện một lúc, anh ta giới thiệu mình là Gaston de la Tour. Cha biết anh ta không?”

Cha tôi sững người nhìn tôi. “Gaston de la Tour… đó chính là bá tước vùng Carsonne. Khu rừng là của anh ta cũng như hầu hết đất đai ở vùng này.”

“Cha muốn nói người đàn ông ấy chính là bá tước? Anh ta không nói gì…chỉ tự xung Gaton de la Tour.”

“Cha rất tiếc là con đã gặp người ấy.”

“Đó là một cuộc nói chuyện rất thú vị.”

“Tất nhiên anh ta là như thế khi ở trong tâm trạng dễ chịu.”

“Sau khi anh ta quy tội xâm phạm cho con, anh ta trở nên rất thân thiện…”

Cha tôi lo lắng quan sát khuôn mặt đỏ bừng của tôi.

“Tốt nhất là con không nên gặp anh ta lần nữa. Như thế tốt hơn. Anh ta..không phải là người tốt…đối với phụ nữ đâu.”

“Con biết,” tôi bật cười, “con tin là như thế.”

Tôi để lại con Marron cho giám mã, theo chả vào trong nhà, vẫn mãi nghĩ về anh chàng bá tước tiếng tăm nọ.

*

* *

Đã đến lúc thu hoạch nho và quá trình này phải được tiến hành mà không có một sai sót nào. Nho hái xuống được rải đều trên sân để phơi nắng. Mỗi ngày người ta ngước lên nhìn trời với bao nhiêu thắc thỏm, âu lo, nhưng sáng nào mặt trời cũng lên cao rọi ánh nắng vàng như mật lên những trái nho chín mọng nằm trên sân. Tất cả đều tốt đẹp.

Katie càng ngày càng náo nức nóng ruột. Cha tôi đã chỉ cho nó xem những máy nghiền nho lớn mà ông vừa lắp đặt để ép nho. Con bé có phần nào thất vọng, nó trông chờ được thấy cảnh người ta nghiền nho bằng đôi chân trần. Tuy vậy, ông giải thích, ép bằng máy hiệu quả hơn.

Rồi chuyện trục trặc đầu tiên xảy ra. Những nhân công định kỳ hằng năm được thuê thêm cho vụ nho không đến. Cha tôi nổi giận khi biết lí do.

“Bọn họ đang ở đằng lâu đài. Vụ nho của ông bá tước thường chậm hơn của chúng ta khoảng một tuần, chúng ta có nhiều nắng hơn có nghĩa là chúng ta bắt đầu sớm hơn. Năm nay, anh ta quyết định làm cùng một thời điểm với nàh ta – vì thế mà lệnh cho những người vẫnl àm cho chúng ta mọi năm sang bên ấy làm.”

“Ý bố muốn nói là những người làm việc cho bố từ hồi nào đến giờ nay lại bỏ đi chỉ vì anh ta ra lệnh?”

“Đó là một bá tước mà. Anh ta chờ đợi một sự phục tùng tuyệt đối.”

“Nhưng còn lòng trung thành của những người kia đối với bố thì sao?”

“Bố không đổ lỗi cho họ. Họ nhận được lệnh và phải có bổn phận phải tuân lệnh.”

“Con người này quá đáng thật!”

“Anh ta muốn mọi người trong vùng nhận ra ai là chúa tể ở đây. Hầu hết đất đai ở đây thuộc về anh ta. Chỉ có vườn tược của cha và tất nhiên vùng Villers-Mure là ngoài vùng kiểm soát của anh ta. Nhưng anh ta thích nhắc nhở chúng ta nhớ đến quyền lực của mình.”

“Bố không thể giải thích với anh ta là bố cần những nhân công này sao?”

“Bố chẳng dám mơ đến chuyện cầu xin ân huệ của con người ấy. Chúng ta phải xoay sở lấy một mình thôi.”

“Có thể làm được chuyện đó ư?”

“Bố nghĩ chúng ta sẽ cố làm những gì cần phải làm.”

Cha tôi cố thu xếp số nhân công ông có, nhưng rồi lại xảy ra một sự cố đáng buồn. Ông dùng những cỗ xe ngựa để chở người làm từ nơi này đến nơi khác và một trong những chuyến xe ấy gặp tai nạn. Một con ngựa dở chứng lồng lên bứt khỏi càng xe, gẫy một chân và làm cỗ xe lộn mấy vòng.

Người ta buộc lòng phải bắn chết con ngựa; người xà ích gãy một chân, một người làm công gãy tay còn ba người khác thì bị trầy trụa và chảy máu nhiều. Cha tôi mất tinh thần. “Cứ nước này thì tôi mất toi vụ nho này rồi. Cứ như thể có một lời nguyền độc địa.”

Rồi có một việc bất ngờ xảy ra. Trong lúc cha tôi đang tuyệt vọng hoàn toàn và cố vớt vát mọi chuyện, một cỗ xe ngựa chạy tới trong có mười người đàn ông – một vài ngừi trong số đó trước vẫn làm cho chúng tôi nay chuyển sang làm cho bá tước.

Tôi nhìn thấy cỗ xe chạy đến vội vàng đi xuống sân xem chuyện gì xảy ra. Cha tôi cũng chạy theo.

Một người nhảy xuống xe nói. “Chúng tôi đến theo lệnh của bá tước. Ngài nghe nói ông gặp vận xui bèn phái chúng tôi đến đây làm việc cho ông.”

Cha tôi mở tròn mắt trước sự việc khó tin này. “Nhưng”, ông lắp bắp, “tôi không hiểu. Tại sao lúc đầu các anh lại bỏ tôi?”

“Theo lệnh của ngài bá tước mà. Chúng tôi không thể chống lại. Nhưng bây giờ ngài phái chúng tôi đến đây. Ngài nghe tin vụ tai nạn và muốn giúp ông. Khi xong việc ở đây, chúng tôi sẽ quay lại tòa lâu đài.”

Cảm xúc của cha tôi trở nên lẫn lộn. Tôi biết ông đang tự đấu tranh với mình. Ông muốn từ chối lời đề nghị của bá tước nhưng viễn cảnh những người này có thể làm cho ông nhiều việc, thế là lý trí thường tình đã thắng lòng kiêu hãnh nơi ông. Ở đây có cơ hội cứu một vụ nho và sẽ chỉ là ngu ngốc khi từ chối nó.

Ông lầm bầm, “Ngài bá tước thật quý hóa quá.”

“Chúng tôi sẽ vào việc nay, ông St.Allengère ạ.”

Và nói là làm, họ nhảy xuống xe. Họ không cần chỉ thị. Họ biết chính xác việc cần làm.

Tôi theo cha tôi vào trong nhà. Tôi đặt tay lên cánh tay ông. “Thế là tất cả mọi việc đều ổn phải không ạ?”

“Bố không thể hiểu động cơ của anh ta.”

“Anh ta cảm thấy tiếc cho bố… Chắc là có nghe thấy vụ tai nạn và biết tất cả những khó khăn này. Con dám nói là anh ta có sự cảm thông.”

“Con còn chưa biết con người này đấy thôi. Chúng ta là đối thủ của bên ấy. Bố chắc là anh ta sẽ múa tay trong bị khi bố bị mất toi vụ này.”

“Có lẽ bố đánh giá anh ta không đúng rồi.”

Cha tôi lắc đầu, “Anh ta có động cơ để làm thế, bố đoan chắc như vậy. Con người nay không làm gì mà không có mục đích hết.”

Katie đi tới từ lúc nào và đã lắng nghe hết với thói tò mò trẻ con của nó.

“Ông ấy là một tên khổng lồ đáng sợ hả ông ngoại?”

Cha tôi gật gù vẻ nghiêm trọng.

“Cháu muốn được gặp ông ta. Có phải ông ta ở trong tòa lâu đài kia không? Có phải ông ta to khủng khiếp không?”

“Bây giờ làm gì có người khổng lồ nữa, Katie”, tôi nhắc nó.

Katie bĩu môi thất vọng. “Ông ta có ăn thịt người khác không ạ?”

“Trong cách ăn nói hiếp đáp người khác”, cha tôi nói.

“Thôi quên anh ta đi”, tôi nói. “Chúng ta đã có đầy đủ người làm và có thể tiến lên phía trước.”

Cha tôi đồng ý nhưng ông không thích cái sự thật là sự cứu vãn lại đến từ phía bá tước.

*

* *

Thật là một đêm đáng nhớ. Mọi việc đâu vào đấy bà khắp nơi tràn ngập bầu không khí tươi vui náo nức. Sau những ngày đầu trục trặc, giờ đây mọi việc lại xoay ra thuận lợi và thành công ngoài mong đợi. Hầu như tất cả vùng đều tụ tập trong nhà chúng tôi. Ánh sáng từ các ngọn nến và đuốc làm ấm bầu không khí ban đêm. Trên sân cỏ trước nhà, dàn nhạc chơi hết mình những bản nhạc dân ca, người ta hát trong khi xoay mình những điệu dân vũ. Katie ngồi cạnh tôi, ngây người vì ngạc nhiên.

Vì mùa đã thắng lợi, bánh nhân đậu phộng và trái cây bày trên bàn. Đêm càng khuya, tiếng hát càng nồng nàn và các vũ điệu càng bốc lửa. tôi ngồi im trên ghế ngắm nhìn, cảm động khi nghe lại bài hát Ngoại vẫn ngâm nga khi tôi còn bé:

“Nàng đi qua vùng Lorraine

Với đôi guốc…”

Có một ai đó đến cạnh tôi, rồi ngồi xuống. Tôi quay lại, trái tim đập gấp gáp vì ngạc nhiên, sợ hãi và đúng là cũng vì phấn khích nữa.

Tôi nghe mình thốt lên. “Bá tước de Carsonne.”

“Một cách thân mật”, anh đáp, ghé mặt mình sát vào mặt tôi. “Làm ơn hãy nói rằng em vui sướng khi gặp tôi.” Anh cầm lấy tay tôi, đưa lên môi hôn. Anh nhìn sang Katie. “Không cần phải bảo tôi. Đây chính là tiểu thư Katie xinh như mộng. Tôi rất sung sướng được gặp cô, thưa tiểu thư.” Anh nói, đoạn cầm tay nó trịnh trọng chạm môi vào.

Tôi có thể thấy một tia sáng hân hoan bừng lên trong mắt Katie. Nó chưa bao giờ được hôn tay như vậy – nhất là lại bởi một quý ông rõ ràng là quan trọng đến thế.

“Cháu biết ông là ai”, Katie nhanh nhảu nói, nó chưa bao giờ bỏ lỡ dịp để nó cái điều đang chất chứa trong đầu.

“Vậy thì chúng ta đã là người quen.”

“Ông đúng là một quái nhân chứ?”

“Tôi nghĩ câu trả lời là có lẽ thế.”

“Nhưng mà ông không phải là một người khổng lồ.”

“Rất tiếc về điểm này.”

“Ông có ăn thịt người không?”

“Trông tôi giống một kaniban lắm à?”

“Kaniban là gì hả mẹ?”

“Là kẻ ăn thịt người.”

“Thịt người không phải là khẩu phần ăn hằng ngày của tôi, thưa tiểu thư.”

“Vậy bác có ăn thịt cháu không?”

“Thật là một cuộc nói chuyện ngớ ngẩn, con cũng biết thế đây, Katie.”

Anh cười giòn giã, nâng cằm con bé lên mỉm cười với nó. “Không phải cho bữa điểm tâm đâu.”

“Vậy thì bữa tối?”

“Bác sẽ phải vỗ cho cháu béo lên đã.”

“La la la lá là”, anh hát, “Ta ngửi thấy mùi máu của một cô gái Ănglê.” Và Katie cười khúc khích vì thích thú.

“Ông có muốn gặp cha tôi không?”

“Không. Tôi chỉ muốn biết chắc là tất cả mọi việc ở đây đều tốt đẹp và những việc không may cũng đã qua.”

“Rất biết ơn ông.”

“Nếu tất cả đều tốt thì tôi mãn nguyện rồi. Em nghĩ gì về những thứ này …cái buổi lễ làm rượu nho này này.”

“Rất thú vị.”

“Hấp dẫn…mới lạ đối với một nữ doanh nghiệp của London và Paris.”

“Đúng thế.”

“Tôi thấy tiểu thư Katie cũng rất thích. Thưa tiểu thư tôi muốn được giới thiệu với tiểu thư một lễ hội thực sự…như là nó đã diễn ra hàng trăm năm trước…họ làm như thế trong lâu đài của tôi. Cô có ban cho tôi vinh dự được mời cô không?”

“Bác muốn nói mời cháu đến lễ hội làm nho của bác ư? Ồ, vâng, cháu thích lắm. Chúng ta sẽ đến phải không mẹ?”

“Còn phải xem lại đã.”

“Nhưng tại sao chúng ta không thể đi?”

“Chúng ta phải xem ông ngoại có chương trình gì dành cho chúng ta không đã.”

“Ngoại không có mà.”

“Như vậy”, bà tước nói, “mọi việc đã được dàn xếp xong. Madame Sallonger, Mademoiselle Katie, hai vị là khách mời của tôi. Một mùa nho thật sự sẽ được tổ chứ sau ba ngày nữa.”

Katie vỗ tay sung sướng.

“Bác hứa sẽ không ăn thịt cháu.”

Katie nhún vai và cười rũ ra vì thích thú.

Cha tôi nhìn thấy cảnh này và bước nhanh về phía chúng tôi.

“Chào ngài bá tước.”

Vị khách đứng dậy mỉm cười với một vẻ tao nhã đặc biệt như thể việc đến thăm một kẻ thù truyền kiếp là một việc làm tự nhiên nhất trên đời.

“Tôi rất mừng là mọi chuyện ở chỗ ông đều diễn ra tốt đẹp.”

“Tôi phải cảm ơn ông.” Cha tôi bắt đầu, giọng nói có vẻ căng thẳng.

“Không cần phải nghĩ đến chuyện đó. Chỉ là một việc cần làm thôi. Tôi nghe nói đến tai nạn. Lại đúng vào lúc vào mùa chứ. Tôi đoán ông đang ở tình thế khó xử, thế là tôi gửi người của tôi đến.”

“Vâng, họ đến rất đúng lúc.”

“Vậy là tôi hài lòng rồi.”

“Tôi cảm thấy nợ ông điều này.”

Bá tước vẫy tay xua đi. “Madame Sallonger và Mademoiselle chấp nhận lời mời đến hội làm rượu nho ở lâu đài của tôi. Một phần thưởng nhỏ cho những người phục vụ mà tôi có thể đáp lại.”

Cha tôi có vẻ hết sức sửng sốt, “Tôi chắc ngài bá tước muốn đi tham quan một vòng. Ông có vui lòng đi với tôi không?”

“Rất hân hạnh.”

Bá tước mỉm cười đầy ngụ ý khi cúi đầu chào tôi rồi nghiêng mình trước Katie, hai mẹ con chúng tôi nhìn theo anh đi khuất với cha tôi.

“Bác ấy không phải là một người khổng lồ. nhưng mà lại tố hơn người khổng lồ. Bác ấy làm con buồn cười quá đi mất. Con thích bác ấy lắm, còn mẹ?”

Tôi im lặng.

Con bé có vẻ hơi thất vọng. “Bác ấy không ăn thịt người. Đó c hỉ là một trò đùa.”

“Ồ!”

“Con thích bác ấy lắm”, con bé nói thêm gần như là khẳng định.

Đêm ấy, tôi không gặp lại anh nữa.

Tôi sung sướng khi có thể ở một mình trong phòng. Không có gì phải nghi ngờ vẻ quyến rũ của anh. Tôi tự hỏi tại sao anh lại phái người đến đây và tại sao bỗng dưng tối nay anh lại xuất hiện ở nhà tôi. Đầu tiên anh chứng tỏ quyền lực của mình bằng cách khiến những người đang làm việc cho cha tôi quay lại chỗ anh, rồi sau đó lại làm một cử chỉ đẹp. Rõ ràng mọi việc này đều đã được trù tính cẩn thận.

Tôi thao thức hồi lâu nghĩ về anh.

Sáng hôm sau chỉ có hai cha con, cha tôi nói. “Cái ông bá tước này cư xử đến lạ… Mọi việc lại xoay ra như thế, cứ như thể chúng ta là bạn với nhau từ đời nào đến giờ. Hai nhà chưa hề có một mối quan hệ xóm giềng bao giờ.”

“Vâng anh ta đã phái người đến giúp.”

“Tại sao? Bình thường thì anh ta hẳn đã nhảy lên vì sung sướng đặc ý vì vụ nho của chúng ta thất bát. Hai nhà bao giờ cũng là đối thủ của nhau. Hơn nữa, dòng họ ấy còn có một mối thù lâu đời với nhà ta.”

“Không phải với cá nhân cha.”

“Ông nội con và anh ta là kỳ phùng địch thủ. Nếu họ có cơ hội đốn ngã nhau thì cả hai đều không hề do dự đâu. Vậy tại sao có cái chuyện tốt đẹp đáng ngờ này?” Cha nhìn tôi thăm dò và tôi thấy mặt mình đỏ bừng lên. “Con đã gặp anh ta.”

“Vâng, trong rừng như con đã kể cho bố nghe.”

“Bố nghĩ có chuyện gì liên quan đến con. Con phải thận trọng đấy, Lenore.”

“Bố đừng lo cho con.”

“Có thể là anh ta đang toan tính theo đuổi con. Nghe nói anh ta rất đa tình mà con thì lại rất lôi cuốn.”

“Có vẻ như anh ta rất quý Katie.”

“Bố cho rằng đó chỉ là một phần trong âm mưu. Rõ ràng anh ta cũng chẳng mấy quan tâm đến con trai mình.”

“Katie bị anh ấy lôi cuốn. Anh ấy chơi trò người khổng lổ và những kẻ anh thịt người. Anh ấy có vẻ rất thú vị.”

“Bố không thích chuyện này chút nào. Bố đã nóng lòng muốn đưa hai mẹ con về đây biết bao nhưng bây giờ bố sẽ thở phào nhẹ nhõm khi chúng ta cùng quay về Paris.”

“Bố đừng lo, con đâu có còn là một thiếu nữ bé bỏng ngây thơ nữa. Bố hãy nhớ là con là một góa phụ với một đứa con nhỏ.”

“Bố biết. Nhưng anh ta nổi tiếng là một người đàn ông có sức quyến rũ ghê gớm.”

“Con biết là anh ta cho là mình rất lôi cuốn phụ nữ.”

“Bố cũng sợ những chuyện khác nữa.”

“Con đã nói bố đừng lo lắng mà.”

“Nhưng con đã hứa đến hội nho ở bên ấy mà.”

“Katie ít nhiều cũng đã nhận lời trước khi con có thể can thiệp.”

Cha tôi lắc đầu. “Bố không thích thế chút nào.”

“Mọi chuyện sẽ tốt đẹp thôi.” Tôi nói trong khi tôi biết trong lòng tôi rất thích cuộc phiêu lưu này dù vẫn biết là bố tôi đúng và vị bá tước cao ngạo kia hẳn nghĩ tôi là một con mồi dễ dàng bị xơi tái.

Tôi nóng lòng muốn chứng minh anh ta sai.

*

* *

Đêm ấy sẽ còn mãi trong ký ức của tôi. Nhưng lúc ấy tất cả lại có một vẻ gì không thật. Thậm chí cả bây giờ tôi cũng có thể nhắm mắt lại hồi tưởng về nó đến từng chi tiết. Màn đêm trong lành đến nỗi những ngôi sao trên đầu dường như dễ với tới hơn, một đêm ấm áp và lặng gió. Giọng nói của khách khứa vang đến tai chúng tôi từ một nơi xa lắm – tiếng hát hòa với tiếng đàn viôlông, accorđêông, và tiếng trống.

Nhưng tất cả những điều tôi nhớ được đều là về bà tước. Anh đã sắp đặt làm sao để anh và tôi tách ra khỏi những người khác và hai người ngồi ở một cái sân nhỏ được bao quanh một bức tường nở rực những bông hoa giấy và nghe đâu đây trong không gian phảng phất mùi hương quyến rũ của một loài hoa tím. Tôi nhấm nháp thứ rượu nho đặc biệt nhất trong hầm rượu của lâu đài, ăn loại bánh mà người ta chỉ làm ăn mừng những vụ hái nho.

Cái lúc anh gửi một cỗ xe đón mẹ con tôi đến tòa lâu đài cũng là lúc buổi tối huyền diệu bắt đầu. Cỗ xe dường như chạy rất chậm dù rằng nó mang quốc hiệu của dòng họ vẻ vang này. Cha tôi tỏ ra lo lắng và tôi đã phải hết sức trấn an ông là mọi việc sẽ đâu vào đấy. Chúng tôi sẽ trở về nhà vào lúc nửa đêm và cha tôi lầu bầu như vậy là quá khuya đối với Katie làm tôi phải lý luận rằng thức khuya như vậy một đêm cũng không có hại cho Katie nhiều lắm.

Ông lấy làm chắc chắn ngài bá tước đang chuẩn bị một chiến dịch tấn công tôi. Thực ra tôi cũng thiên về suy nghĩ ấy, nhưng tôi không có ý định trở thành một nạn nhân dễ dãi của một tay Đông Joăng khét tiếng. Tôi đã sống một cuộc sống quạnh quẽ quá lâu và một chút vui thú mà tôi muốn tham dự cũng không gây nên một chuyện gì tệ hại.

Tòa lâu đài mới tráng lệ làm sao! Ở đâu cũng có những món đồ cổ quý giá. Khi tôi bước chân vào đại sảnh, có một cảm giác thật lạ xâm chiếm tâm hồn tôi. Đêm nay sẽ không giống một đêm nào khác trong đời tôi.

Cái tháp tròn cao ngât ở cánh chính được bao quanh bởi hàng lan can bằng đá, những cái tháp hình trụ khác ở hai bên hông lâu đài trông thật ấn tượng cùng với những bức tường dày đồ sộ trên có trổ ra những ô cửa sổ dài và hẹp…tất cả tạo nên khung cảnh huyền bí, kì vĩ về thời Trung cổ. Tôi có cảm giác tôi đặt chân vào một thế giới khác.

Bá tước cùng con trai đứng bên chào đón chúng tôi. Katie và cậu trai đưa mắt nhìn nhau dò hỏi. Katie nắm vai trò chủ động. “Chào cậu, Raoul. Cậu sống ở đây thật sao?” Con gái tôi háo hức muốn biết người ta dội dầu sôi sùng sục lên đám quân thù như thế nào.

“Ồ, thưa tiểu thu, ngày nay chúng tôi có những phương tiện nhẹ nhàng hơn để đối phó với quân thù.” Bá tước nói.

Trong lúc đứng ở đại sảnh cổ kính, tôi cảm thấy dường như quá khứ đang vây bọc quanh tôi và bá tước là một phần của cái không khí ấy – một vị chúa tể với những quyền lực tối thượng tin rằng ông ta có thể thiết lập một vương triều ngay trong thời đại này như tổ tiên của mình đã làm một cách hiển hách trong quá khứ.

Tôi nhìn ngắm các loại vũ khí treo trên tường. chiếc lò sưởi vĩ đại mang tước hiệu gia tộc, những lỗ châu mai bên trong có những hàng ghế đá rõ ràng là đã có vài trăm năm trước. Tất cả gây nên một không khí hào hùng vẻ vang.

Bá tước sắp đặt mọi việc theo ý muốn của mình. Anh nói rằng chắc Katie muốn xem cái cách người ta tiến hành làm rượu nho ở một trong những tòa lâu đài cổ nhất nước Pháp.

“Ở đây chúng ta sẽ chứng kiến một phong tục cổ xưa. Tất cả mọi thứ đều được thực hiện như cách đây mấy trăm năm. Cháu sẽ muốn xem người ta ép nho như thế nào.”

Anh nhắc cậu con trai Raoul là cậu phải quan tâm chu đáo đến vị khách của mình, rồi anh giao cho thầy giáo của Raoul, ông Grenier trách nhiệm trông coi hai đứa. Người ta giới thiệu bà quản gia Le Grand với tôi. Bà này khẳng định rượu vang dành cho trẻ là hoàn toàn đúng độ và bà biết chúng muốn được nếm loại bánh dùng vào dịp này.

Tất cả được dàn xếp thật khéo và Katie hết sức hào hứng đi chơi với những người bạn mới để lại tôi một mình với bá tước.

Vâng, thật là một cảnh tượng không thể nào quên. Chúng tôi dõi nhìn những người làm công đeo những cái giỏ nặng trĩu rải nho lên những cái máng, trong đó những trái nho chín mọng sẽ được giẫm nát theo tiếng nhạc. Lớp nho dày ít nhất là một mét hai, rồi những người đạp nho xuất hiện.

Bá tước chăm chú ngắm nhìn tôi, “Chắc em đang nghĩ làm thế này là không vệ sinh. Để tôi cam đoan với em là tất cả mọi thứ đều đã được chuẩn bị chu đáo. Tất cả mọi dụng cụ đều được làm sach. Chân và bàn chân của những người đạp nho đều được cắt móng và cọ rửa cẩn thận. Em xem họ mặc những chiếc quần lửng đặc biệt. Tất cả bọn họ…đàn ông cũng như đàn bà. Mọi chuyện bao giờ cũng được thực hiện như thế ở lâu đài. Người ta sẽ hát những bài dân ca truyền thống trong lúc nhảy múa. Đấy, họ đã bắt đầu rồi đấy.”

Tôi nhìn theo những người đang nhảy múa một cách nhịp nhàng trong lúc đôi chân họ mỗi lúc một nhấn sâu hơn trong chất nước màu tím.

“Họ sẽ làm như thế cho đến tận nửa đêm.”

“Nhưng Katie…”

“Sẽ vui như Tết bên cạnh Raoul. Ông Grenier và bà Le Grand sẽ chăm nom làm sao cho cô bé thật thoải mái, phấn khởi.”

“Tôi nghĩ tôi…”

“Chúng ta hãy tận hưởng khoảng thời gian tự do một chút. Điều này tốt cho hai ta… thậm chí cho cả bọn trẻ. Đừng có sợ mà. Trước lúc nửa đêm, em sẽ an toàn trên xe trở về nhà. Anh đảm bảo đấy. Anh xin thề.”

“Thôi mà, đâu cần phải nghiêm trọng thế. Tôi tin lời ông.”

“Xin em đi theo anh. Chúng ta cần một khoảng không yên tĩnh. Anh muốn được nói chuyện với em.”

Và thế là tôi thấy mình ngồi trong một khoảng sân ngát hương, dưới bầu trời chi chít những vì sao…một mình với anh…mà cũng không hẳn là một mình vì tiếng ồn ào của đêm hội vẫn vẳng lại chỗ chúng tôi và thỉnh thoảng bầu trời đêm trong sáng lại phát lên một tiếng sấm rền xa xa và trên cái nền ấy là tiếng dàn nhạc vang lên từ sân sau.

Một người giúp việc xuất hiện mang rượu nho, bánh lễ cùng với nĩa và khăn ăn có thêu gia huy.

“Loại rượu này anh chỉ đưa ra vào những dịp thật đặc biệt.”

“Như là vào một hội mùa nho.”

“Ôi dào, một ngày như thê này năm nào chả có. Vậy thì có gì đặc biệt nào? Anh muốn nói cái ngày mà Madame Sallonger là quý khách trong tòa lâu đài này.”

“Anh là một chủ nhà thật duyên dáng lịch thiệp.”

“Anh có thể trở nên rất mực dễ thương khi anh làm những điều mà mình muốn.”

“Em cho là tất cả chúng ta đều thế.”

“Còn những trường hợp khác, ta bộc lộ những nét tính cách khác và cả những lỗi lầm nữa. Anh muốn nghe chuyện về em. Em có hạnh phúc không?”

“Như hầu hết mọi người, em có thể nói như thế.”

“Nói như thế khá mơ hồ. Mức độ hài lòng của người trong cuộc sống vốn khác nhau lắm.”

“Hạnh phúc hiếm khi là một trạng thái dài lâu. Người ta chắc phải là may mắn ghê lắm mới đạt đến được điều đó. Còn thường thì hạnh phúc chỉ là những khoảnh khắc ngắn ngủi. Chắc là người ta không khỏi ngạc nhiên khi ngẫm lại câu mình nói: Lúc này sao tôi hạnh phúc thế.”

“Và em đang nói lúc này em hạnh phúc?”

Tôi ngập ngừng. “Em thấy tất cả những chuyện này đều thú vị. Lễ hội làm rượu nho, tòa lâu đài…Tất cả đều mới mẻ đối với em.”

“Nếu vậy, anh có thể rút ra kết luận rằng đó không phải là một niềm hạnh phúc thực sự mà chỉ là một kinh nghiệm dễ chịu không?”

“Chắc là thế.”

Anh ghé người lại gần tôi. “Vậy tối nay chúng ta hãy làm một lời tuyên thệ nhé.”

“Một lời tuyên thệ?”

“Rằng chúng ta sẽ tuyệt đối trung thực với nha. Hãy nói cho anh biết cái gì ở đây đã thu hút em vậy?”

“Em đã muốn đến thăm tòa lâu đài này ngay từ lúc thoáng thấy nó ở đằng xa. Anh xem, em ra đời ở rất gần đây. Bao giờ cũng có một cái gì rất huyền bí về Villers-Mure. Em thật sự bị kích động khi sống gần đây.”

“Anh cũng cất tiếng khóc chào đời ở đây, trong tòa lâu đài này. Thế là nơi sinh của hai ta rất gần nhau. Nói cho anh nghe, em có cảm giác gì về ông nội của em?”

“Rất buồn.”

“Đừng để cho mình phải buồn phiền về lối sống của ông ta. Anh cảm thấy một khoái cảm thật sự trong việc căm ghét con người này. Anh có những cảm xúc thật dữ dội về ông ta. Đó là loại người mà anh ghét nhất. Thật thú vị và hay đáo để khi có những cảm xúc mạnh mẽ về người khác và anh là một người có những cảm xúc như vậy. Dù là tình yêu hay lòng thù hận thì anh cũng sống hết mình cho nó. Yêu thương hết mức và căm ghét đến điều…”

“Nó sẽ làm cho cuộc sống trở nên hết sức mệt mỏi.”

Anh nhìn tôi đăm chiêu. “Hoàn cảnh xuất thân của em khác xa. Có lẽ là người Anh không câu nệ như chúng ta. Tuy vậy họ che đậy những hỉ nộ ái ố của mình dưới một vẻ hờ hững giả tạo. Anh cho đó là một kiểu đạo đức giả.”

“Có lẽ nhờ thế, cuộc sống sẽ nhẹ nhàng hơn là phải đối phó với tình yêu và lòng căm thù đạt đến đỉnh điểm như anh nói.”

“Có lẽ thế”, anh trầm ngâm nói. “Thật là thú vị khi thấy Katie vui đùa bên Raoul, cô bé thật hồn nhiên như ngọn gió.”

“Đó là một bản tính tự nhiên.”

“Cũng như Raoul quá nghiêm nghị, rụt rè.”

“Katie bao giờ cũng cảm thấy an toàn tuyệt đối. Nó biết nó có thể nói với mẹ bất cứ chuyện gì. Em nghĩ điều đó làm cho nó trở nên tự nhiên, nó nó tạo cho con bé một lòng tin vào bản thân.”

“Em muốn nói Raoul thiếu cái đó?”

“Anh biết rõ điều ấy hơn em chứ.”

“Anh chưa gặp một người mẹ nào mẫu mực như em.”

“Em đã làm chuyện đó một cách tự nhiên.”

“Chắc là con bé là tất cả đối với em.”

“Đúng thế.”

“Con bé thật may mắn.”

“Em cũng cho là thế.”

“Em được Madame Cleremont nuôi dạy mà.”

“Phải. Em cũng rất may mắn.”

“Đó là một người phụ nữ tốt đẹp.”

“Anh nói cứ như thể anh biết rõ bà em lắm.”

“Anh biết hết tất cả những chuyện diễn ra ở đây và đã có cả một vụ xì căng đan ở đây khi bà em đi khỏi. Mẹ em đã từng là một thiếu nữ đẹp nhất vùng. Lúc ấy anh còn nhỏ nhưng lại có đôi tai dài lắm và anh dùng nó để tìm hiểu mọi sự. Thế là anh biết Henri St.Allengère đem lòng yêu mê mệt người đẹp và lão già Alphonse độc ác đã từ chối ban phước cho đôi trẻ. Henri lúc ấy chỉ là một cậu bé và chỉ có một lựa chọn hoặc bỏ rơi người yêu hoặc bị từ bỏ. Cuối cùng bố em quyết định chạy thoát một mình. Tội nghiệp Marie Louise. Mẹ em đã sống với người mẹ tận tâm của mình và bà cụ đã suýt vỡ tim khi cô con gái yêu chết trên bàn sanh.”

“Em là nguyên nhân cái chết của mẹ.”

“Một nguyên nhân vô tình.” Anh mỉm cười với tôi. “Khi ngoại em muốn cháu có một danh phận đã tìm đến lão già chuyên chế kia. Lão ra không muốn em có mặt ở đây nên đã đẩy bà cháu em sang tay một người bà con xa xôi nào ở bên Anh – một nhánh đã tách ra theo đạo Tin Lành. Bà Cleremont đã phải làm một cuộc trao đổi. Bà có tài năng thiên phú và là một của báu trong vương triều St.Allengère. Lão già sẽ trao bà vào tay dòng họ Sallonger nếu họ chăm nom đứa bé và cho phép nó được nuôi dạy như con cháu trong nhà. Nhờ thế lão trút bỏ được một gánh nặng và một cái gì nhắc nhỏ đến tội lỗi của con trai. Rồi rất lâu sau, em đã lấy một người con trai trong nhà Sallonger và đó có thể là một kết cục hạnh phúc. Nhưng rồi lại có một chuyện xấu xảy ra.”

Tôi lại cảm thấy cái nhói đau của ký ức – những chuỗi ngày ở Florence…mỗi ngày trôi qua lại nhân đôi tình yêu của tôi dành cho Philip…thậm chí cả sau kỷ niệm kinh khủng về cái chết của Lorenxo.

“Sao trông em buồn thế. Em lại nhớ những kỉ niệm ngày xưa phải không?”

“Mọi chuyện kết thúc thật bi thảm. Chuỗi ngày hạnh phúc quá ngắn ngủi.” Tôi nói và đột nhiên có ý muốn kể cho anh nghe về việc Philip biến mất rồi người ta tìm thấy thi thể của anh trong khu rừng gần nhà.”

“Tại sao vậy?”

“Em không biết. không bao giờ biết được. Chúng em đã hạnh phúc là thế. Chúng em vừa tim thấy một ngôi nhà riêng. Ôi, chuyện này không làm sao hiểu nổi.”

Rồi tôi kể cho anh quãng thời gian kinh khủng khi tòa đưa ra phán quyết.

“Thật lạ lùng. Chắc là có một bí mật nào đó mà anh ấy không thể cho em biết.”

“Em không thể nào tin là anh ấy đã tự sát. Đôi khi em tự hỏi không biết có phải có người muốn giết anh ấy không.”

“Vì sao?”

“Bởi vì nếu anh ấy không tự sát thì đó là cách lý giải duy nhất.”

Và tôi kể cho anh nghe về cái chết của Lorenzo.

“Anh thấy đấy, đôi khi em nghĩ… mặc dù lúc đó em không nghĩ như vậy…chỉ sau khi mọi việc xảy ra với Philip, em mới nghĩ…có người đã định giết Philip nhưng lại ra tay giết nhầm Lorenzo.”

Rõ ràng là anh tỏ vẻ kinh ngạc.

“Điều này hiển nhiên đã rọi một ánh sáng khác vào sự việc. Em có nghĩ có bao giờ em quên được chuyện này không?”

“Không, em sẽ không quên được.”

“Đã bao giờ em cố giải đáp điều bí ẩn này?”

“Em cứ nghĩ hoài nghĩ mãi về chuyện này, nhưng có vẻ vô lý quá. Em đi đến một kết luận là việc anh ấy tự sát là một câu trả lời khả dĩ nhất. Nhưng nếu ai đã biết về anh ấy thì đều hiểu điều này không thể xảy ra.”

“Sẽ không có ai thay thế được vị trí của anh ấy. Anh ấy sẽ mãi mãi nằm lại trong ký ức của em…với những hình ảnh trong tuần trăng mật. Thời gian quá ngắn ngủi đối với hai người để có thể khám phá ra những khiếm khuyết. Người ta nói, người được Chúa trời yêu là những người chết trẻ.”

“Anh tin như vậy à?”

“Điều đó có nghĩa là họ mãi mãi ở tuổi thanh xuân đúng như cái hình ảnh họ lưu lại trong đầu những người biết họ.”

“Nghe giọng anh có vẻ như ghen tỵ. Chắc chắn là anh không lấy làm tiếc vì vẫn còn đang sống chứ?”

“Không đâu. Anh liều mạng với việc tấ cả những tội lỗi, khiếm khuyết của mình sẽ có ngày bị bại lộ. Em đã kể cho anh nghe về chồng em. Anh cũng sẽ cho em biết về người vợ quá cố. Như em có thể đã biết, hôn nhân trong những dòng họ như nhà anh đều được sắp đặt trước.”

“Em có thể hình dung được.”

“Khi tròn 18 tuổi, anh đã được người ta tìm ra một đám.”

“Em chỉ ngạc nhiên là anh lại chấp nhận một điều như vậy.”

“Anh đã nổi loạn, đã chống đối đấy chứ. Anh đâu có yêu mê mệt cô gái ấy cho cam. Nhưng đó lại là ái nữ của một trong những dòng họ trâm anh lâu đời nhất nước Pháp. Cô cũng biết đấy chúng tôi là những dòng họ lớn nhất nước Pháp. Mặc cho Liberté, Égalité, và Fraternité, chúng tôi vẫn giữ những truyền thống cũ. Chỉ có một ít những dòng họ quý tộc thực sự trốn thoát được đống tro tàn của thế kỷ trước. Carsonne thật là may mắn. Lẽ ra chúng tôi cũng đã bị lật đổ. Có lẽ nông dân ở vùng này ở trong trạng thái ù lì, mơ ngủ. Tòa lâu đài này hoàn toàn không bị tấn công. Với lại, chúng tôi ở gần sát biên giới với nước Ý. Thế là dòng họ này còn sống sót cùng với vài dòng họ khác. Những gia đình quý tộc thâm căn cố đế này liên kết với nhau như họ đã làm trong những ngày huy hoàng của hoàng đế Napoleon….cho đến ngày tàn của nền quân chủ phong kiến. Vâng, anh buộc phải cưới người con gái họ đã chọn cho anh. Cha anh giải thích anh không nên quan trọng đời sống tình cảm cá nhân. Anh phải hoàn thành nghĩa vụ của mình sinh ra một người nối dõi dòng họ và người thừa kế phải là người kết hợp dòng máu cao quý De La Tour với một dòng máu xanh khác. Một khi anh đã hoàn thành nghĩa vụ, cha anh nói, anh có thể vui chơi hưởng lạc tùy thích. Tất cả những người đàn ông quý tộc ở Pháp đều phải thực hiện nghĩa vụ với vợ sau đó tha hồ vui thú với tình nhân. Đó cũng là một lối sống.”

“”Được tất cả các quý ông chấp nhận, em chắc thế!”

“Em nói đúng. Thế là anh cưới vợ. Nàng Evette tội nghiệp, vẫn còn là một đứa trẻ, mới 17 tuổi đầu, khó có thể đảm nhiệm vai trò mang nặng đẻ đau….nàng không thích hợp với vai trò làm mẹ cũng như anh với vai trò làm cha. Tuy vậy, chúng tôi cũng đã làm nhiệm vụ của mình và Raoul ra đời. Nhưng trời đất ạ, trong khi sanh con, Evette đã lìa đời, và thế là anh mồ côi vợ.”

“Vậy gia đình anh không nghĩ anh nên tục huyền và đẻ thêm những đứa con mang dòng máu xanh quý tộc ư?”

“Có chứ. Nhưng anh không chịu. Anh đã thực thi nghĩa vụ của mình. Bây giờ anh làm chủ đời mình vì cha anh đã từ trần. Có lẽ chuyện hôn nhân không phù hợp với anh. Anh thích tận hưởng tự do hơn.”

“Nhưng anh chắc chắn anh sẽ không cho phép hôn nhân hạn chế tự do của mình.”

“Chắc là không. Anh là người sẽ chọn đường đi theo ý thích của mình. Tuy vậy, anh cũng lấy làm hài lòng lắm khi có cả một đội quân theo đuổi, đó là những người đàn bà mơ đến địa vị một bá tước phu nhân và có một chỗ đứng trong tòa lâu dài này. Bao giờ anh cũng phải khéo lắm mới thoát được đấy.”

“Em dám nói những cuộc vây hãm ấy rất nóng bỏng và mạnh mẽ, ráo riết.”

“Muôn màu muôn vẻ. Còn em, Madame Sallonger yêu quý, em cũng thích sống đơn côi sao?”

“Em nghĩ thà sống thế này còn hơn một cuộc hôn nhân bất hạnh.”

“Chắc chắn là có nhiều kẻ rắp ranh bắn sẻ?”

Tôi làm thinh, nhớ đến Drake. Vào một đêm như đêm nay, anh trở nên xa xôi hơn bao giờ hết.

“Anh cho rằng mình đã gợi nên những kỷ niệm không vui. Tha lỗi cho kẻ thô lậu này.” Anh định rót đầy rượu vào cốc của tôi.

“Xin cảm ơn. Em uống thế là đủ rồi.”

“Em từ chối rượu nho đặc biệt của anh ư?”

“Rượu mạnh làm em say.”

“Em thấy thế à? Có lẽ là do không khí đêm nay, hương của các loài hoa, và sự bầu bạn của anh chăng?”

“Có thể.”

“Ước gì ông nội em nhìn thấy em ngồi ở đây với anh vào lúc này. Thật là một khoái cảm không gì sánh được khi chiêm ngưỡng lão già nổi trận lôi đình.”

“Điều ấy làm anh khoái trá ư?”

“Vô cùng tận. Anh không cần bất cứ một thứ gì khiến cho anh cảm nhận được hạnh phúc khi trò chuyện với em, nhưng nếu anh cần thì chính là nó đấy.”

“Anh căm ghét ông nội em đến thế sao?”

“Còn hơn là thế nữa. Đó là một mối cừu hận giữa hai gia đình. Một mối thù không đội trời chung. Anh ghét ông ta hơn bất cứ ai trên đời này. Có một số kẻ tội lỗi nhưng anh thấy họ vẫn còn có thể chấp nhận được…như bản thân anh chẳng hạn. Anh chỉ không chịu được những kẻ xấu xa làm ra vẻ một ông thánh. Ông nội em là một kẻ như thế. Ông ta độc ác, nhẫn tâm, ích kỷ. Ông ta làm cho tất cả những người làm công cho mình phải khiếp sợ - trong đó có cả những người máu mủ ruột thịt. Lão bạo chúa tin rằng Chúa trời và lão là bạn bè tốt của nhau và là liên minh với nhau. Lão nghĩ lão đã dọn được một chỗ dành sẵn trên thiên đường. Lão nghĩ lão sẽ đá dít Chúa Jesus ra khỏi cái ghế của Ngài ở bên tay phải của Chúa Trời khi đến ngày lão gõ cửa thiên đường, phải, lão vẫn tin là lão sẽ được lên thiên đường. Thực ra anh cho rằng lão còn nghĩ người nhà Trời sẽ phái xuống những vị thiên sứ đặc biệt để rước lão già lên trời ấy chứ. Lão đi nhà thờ mỗi ngày, việc nhà của lão là một chủ đề cho những buổi cầu nguyện dài lê thê trong lúc lão nhắc mọi người nhớ tội lỗi của họ, và lão – với tư cách là sứ giả của Chúa lòng lành – giáng trần là để trừng phạt bất cứ một lỗi lầm nào. Mọi người được lão giáo huấn là kẻ nào làm một sẽ phải trả nợ gấp hai gấp ba. Trong nhà nguyện riêng của lão, lão thì thầm trò chuyện với Chúa Trời qua bức tường mà lão đã cho làm theo trí tưởng tượng của lão vì thế mà ông Chúa Trời ấy trông cũng khó chịu hệt như lão già. Anh đoan chắc với em là quỷ sứ còn dễ thương hơn một con người như thế.”

Tôi phì cười trước lối so sánh của anh.

“Lão là kẻ thù của chúng tôi từ hồi nào đến giờ và cha anh đã truyền sự căm ghét của ông sang cho anh. Mối cừu hận muôn năm.”

“Anh ghét ông cụ biết bao. Chắc chắn là ông cụ có điểm nào đấy chuộc lại được những nét tính cách trên chứ.”

“Anh chỉ có thể nghĩ ra một điều. Lão già là ông nội của em và gián tiếp có công trong việc em hiện diện trên cõi đời này.”

Tôi im lặng còn anh thì tiếp tục. “Em cũng còn may là lão không muốn gặp cháu nội. Em đã gặp bà cô Ursule chưa?”

“Rồi và cả chú ấy nữa.”

“Ursule đã có cái can đảm mà cha em lúc cần lại thiếu. Sau đó, ông ấy cũng nổi loạn chống lại ông già nhưng đáng lý ông ấy phải làm điều đó đúng lúc để có thể sống một đời hạnh phúc với người con gái xinh đẹp tuyệt trần Marie Louise. Hãy tưởng tượng xem điều gì sẽ xảy ra nếu ông làm thế. Hai ta sẽ biết nhau sớm hơn rất nhiều. Ursule thật ngoan cường. Chính cha anh đã giúp bà ấy và Louis Sagon. Ông tạo cho người họa sĩ công việc vẽ tranh, họ còn có một ngôi nhà nhỏ là một ưu đãi để thực hiện công việc. ông làm tất cả những điều này để trả đũa lão già Alphonse. Đó là một gia đình bất hạnh, lỗi chung quy là tại lão già tai ngược. Sau đó lại đến chuyện cô nàng Heloise. Cũng mới xảy ra gần đây. Cô ta là con của René. Bác trai của em có hai người con gái, đó là Heloise và Adèle. Ngoài ra còn có một người con trai tên là Patrice. Cũng như cha mình, Patrice nhắm mắt tuân theo mọi mệnh lệnh của ông nội mà không mảy may thắc mắc. Patrice sẽ là người thừa hưởng vương triều St.Allengère, tất nhiên là sau ông René. Hai cha con họ đã vất vả vì chuyện ấy biết bao, nghĩa là họ không bao giờ làm trái ý lão độc tài và tuyệt đối trung thành với lão, coi ý muốn của lão là mệnh lệnh tối thượng. Có lẽ họ nghĩ làm như vậy cũng sẽ được đền bù hậu hĩnh.”

“Hãy kể cho em nghe về Heloise đi.”

“Đó là một tuyệt thế giai nhân…lại hiền nữa, dịu dàng như dòng nước. Nàng đã trầm mình xuống sống. Khúc sống ấy cạn đến nỗi không ai đặt ra câu hỏi có phải đó là một tai nạn không. Có lẽ nàng đã xuôi tay trước cuộc đời. Nghe đâu nàng bị người tình bỏ rơi. Đó là một cú gần như hạ đo ván ông René. Ông bố cưng chiều Heloise hơn hẳn Adèle. Cái cô Adèle này chẳng hề có nét dịu hiền của cô em. Cô ta rất gần gũi với em mình…và bao giờ cũng bảo vệ cô em. Trời ơi, ai là người cần phải bảo vệ trong cái nhà ấy chứ. Adèle đi sang Ý. Cô ta rất quan tâm đến nghề nghiệp của tổ tiên. Người ta xầm xì rằng mặc dù là phận nữ nhi, Adèle đóng một vai trò quan trọng trong chuyện làm ăn của gia đình, đó là lý do cô ta sang Ý học hỏi thêm về các phương pháp dệt lua. Và trong lúc cô ta đi xa nhà thì tai họa đã xảy ra cho Heloise.”

“Người yêu của cô ta là ai?”

“Có một cái gì đó rất bí ẩn về người đàn ông này. Heloise không nhắc đến tên hắn, nếu có thì Adèle hẳn đã xé xác hắn ra làm trăm mảnh. Đó là một người đàn bà mãnh liệt và dữ dội, khi người em chết, cô ta suýt phát điên lên vì đau khổ.”

“Và như vậy cái tên người yêu bí ẩn ấy sẽ không bao giờ bị phát giác? Chắc chắn là ở một nơi như chốn này anh ta khó có thể mai danh ẩn tích.”

Anh chợt im lặng và bất thần một suy nghĩ nảy ra trong óc tôi: Chính ngươi là tên sở khanh đó.

Tôi cảm thấy mọi thứ lộn tùng phèo lên. Con người này có cái gì nguy hiểm nhưng mới quyến rũ làm sao. Tôi biết thành tích bất hảo của anh trên tình trường vậy mà tôi vẫn bị anh cuốn hút. Tôi biết mình phải bỏ đi. Tôi đã được cha cảnh cáo. Còn bây giờ anh nhìn tôi dò xét như thể anh đang cố khám phá ra những ý nghĩ trong đầu tôi.

“Có lẽ đã khuya rồi”, tôi nói.

“Thời gian đang trôi qua. Thời gian thật ngang ngược. Nó vù vù trôi qua khi người ta cầu xin nó ngừng trôi, nó gần như giẫm chân tại chỗ khi người ta mong nó qua phắt cho rồi. Dù sao thì tối nay cũng là một buổi tối tuyệt vời đối với anh.”

“Phải, rất thú vị, nhưng tôi phải đi tìm Katie thôi. Đã quá giờ nó đi ngủ lâu rồi.”

Tôi đứng lên, anh đứng sát cạnh tôi, cầm tay tôi kéo lại bên anh, gần đến nỗi tôi cảm thấy hơi ấm của anh. Tôi không phải là người thấp bé nhưng anh cao hơn tôi đến 6 insơ và tôi phải ngước lên nhìn anh. Tôi nóng lòng muốn chứng tỏ cho anh biết là tôi không hề rung động trước sự thân mật của anh.

“Thật là một buổi tối dễ chịu”, tôi nói vẻ lạnh lùng. “Cảm ơn anh thật nhiều.”

“Anh mới là người cần nói câu cảm ơn.” Tôi thoáng nghĩ đến chuyện anh muốn hôn tôi và giật mình cảnh giác, có thể là tôi đã nhận ra rằng tôi sợ anh thì ít mà sợ mình thì nhiều.

Mất hết cả kiên nhẫn, tôi cố gắng xua đuổi tác động của anh đối với bản thân tôi. Tôi biết anh là một tay chơi bời lão luyện. Tại sao tôi lại cho phép anh thu hút tôi đến vậy? Tại sao tôi lại thầm mong anh hôn tôi và tuyên bố tình cảm đắm say của mình? Có lẽ tôi cô đơn quá chăng? Có lẽ tôi mong ước một cuộc sống lứa đôi bình thường có chồng có vợ. Tôi đã nếm trải điều đó…và tôi đã bị tước đi một cách phũ phàng. Tôi nghĩ đến Drake…nhưng Drake chưa bao giờ khơi dậy ở tôi một cảm xúc tương tự như thế này.

Bất thình lình anh kéo tôi lại gần hơn và dịu dàng hôn nhẹ lên trán. Tôi vùng ra, cố không để lộ sự ngạc nhiên hay cảm xúc của mỉnh. Tôi giả vờ cho rằng đó là phong tục của người Pháp, một chủ nhà lịch thiệp có thể hôn khách của mình như thế. Tôi nói tỉnh queo. “Bây giờ tôi phải đi tìm con gái thôi.” Anh khoác tay tôi một cách trìu mến trong lúc đưa tôi đến đám đông, Katie đang ở đó cùng với Raoul và ông Grenier. “Thật tuyệt vời phải không mẹ?” Katie hào hứng kêu lên. “Đây là lễ hội mùa nho tuyệt nhất mà con được chứng kiến đấy.”

Rõ ràng con bé đã trở thành bạn của Raoul và thằng bé rất vui với tình bạn mới mẻ này. Tội nghiệp cậu bé, hình như nó không có nhiểu thời khắc vui vẻ với một người cha như anh. Tôi cho rằng nó luôn ghi lòng tạc dạ những bổn phận mà một ngày kia nó phải gánh vác để tiếp nối truyền thống vẻ vang của dòng họ. Nó sẽ phải giỏi giang trong tất cả mọi lĩnh vực của một người đàn ông và bên cạnh nó chỉ có ông thầy làm bầu bạn. Thái độ của Katie đối với cuộc sống chắc là một điều vô cùng mới lạ đối với nó.

Katie hoàn toàn sung sướng nhưng đã đến lúc phải từ biệt cuộc vui.

Bá tước lệnh cho người mang xe đến. Đích thân anh tháp tùng chúng tôi về nhà và Raoul cũng xin được đi theo. Tôi ngồi cạnh con gái, một tay ôm eo lưng nó. Con bé ngả đầu tựa vào vai tôi và tôi có thể thấy đôi mí mắt nó dịp lại mặc cho nỗ lực muốn chống lại cơn buồn ngủ của nó. Tiếng vó ngựa đều đều chẳng mấy lúc đã khiến nó ngủ say.

Tôi cảm thấy đôi mắt của bá tước quan sát mẹ con tôi. Raoul ngồi với dáng căng thẳng bên cạnh cha nó. Tôi hình dung nó bao giờ cũng có vẻ thiếu tự nhiên như vậy bên cạnh cha.

Cuối cùng tôi nói. “Ta đã về đến nhà.”

Katie choàng tỉnh giấc, đôi mắt ngơ ngác và vụt nhớ ra nó đang ở đâu.

“Raoul ơi, tôi có thể đến thăm con chim ưng của bạn không? Bạn đã hứa cho tôi xem mà. Tôi có thể thăm lâu đài không? Tôi còn chưa được xem hết.”

Bá tước lên tiếng thay cho con. “Xin tiểu thư đến chơi bất cứ lúc nào cô muốn, tiểu thư Katie ạ. Bao giờ chúng tôi cũng hân hạnh được tiếp đón cô.”

Katie cười sung sướng. “Đây là một buổi tối vui nhất của cháu.” Nó trịnh trọng tuyên bố.

Bá tước trao cho tôi một nụ cười chiến thắng.

Cha tôi không giấu vẻ nhẹ nhõm khi thấy mẹ con tôi về đến nơi an toàn. Rõ ràng ông có ý đợi chúng tôi.

“Ngoại ơi, thật tuyệt vời hết chỗ nó. Ông ngoại phải tận mắt thấy cảnh họ nhảy múa trên đống nho mới được. Nước nho bắn tóe lên chân họ…và họ cứ nhảy, nhảy mãi.”

“Tôi thật sự sung sướng khi hai người có một tối vui.” Bá tước nói.

Chúng tôi chào từ biệt và tôi nán lại lắng nghe tiếng bánh xe lăn trong đêm tối.

“Chắc các con rất mệt.”

“Vâng ạ”, tôi đáp.

“Cháu chẳng mệt tí nào.” Katie lắc đầu nguây nguẩy.

“Cháu cũng mệt đấy, đáng lý cháu phải đi ngủ lâu rồi.”

“Thôi nào, con đã díp mắt lại còn gì.”

Và con bé ngủ ngay lập tức khi tôi giúp nó nằm vào giường, nhưng giấc ngủ trốn biệt đối với tôi. Thật là một đêm đáng nhớ và có cái gì đó đầy ý nghĩa. Ngài bá tước trải đời người Pháp này khác biệt với bất cứ người đàn ông nào tôi đã biết.

Rồi tôi nhớ đến Heloise hình dung trong đầu cảnh người đẹp đã trải qua những tuần lễ thần tiên…có thể là hàng tháng đầu tiên…trước khi cô biết cô đã đặt trái tìm mình lầm chỗ.

Tôi cố nhớ lại vẻ mặt của anh khi kể về Heloise. Anh có phải là người ấy không nhỉ? Chắc là có bàn tay của anh trong đó.

Tôi tự biết mình cần phải hết sức thận trọng.

*

* *

Ngày hôm sau một cỗ xe đến đón Katie, trên xe có bà Le Grand. Bà quản gia đoan chắc với tôi là con gái tôi sẽ tuyệt đối an toàn. Ngài bá tước đặc biệt giao phó trọng trách ấy cho bà vì thế mà tôi không cần phải lo lắng.

“Tôi không biết tôi có nên cho phép con bé sang bên ấy không.”

“Ôi mẹ”, Katie phản đối. “Con muốn đi cơ. Con muốn gặp Raoul. Bạn ấy đã dẫn con đi thăm lâu đài với con chim ưng và bầy chó nữa.”

“Tôi chịu trách nhiệm chăm nom con gái bà, thưa Madame.”

Tôi cảm ơn bà quản gia và thấy rõ tôi không có lý do để từ chối.

Khi Katie đã lên xe đi rồi thì cha tôi đến.

“Thật quái lạ. Nhà ta và nhà ấy chưa bao giờ thân thiện với nhau kiểu này.”

“Không phải là ngớ ngẩn khi cứ khư khư ôm mãi mối hận thù hả bố?”

“Lenore, con gái yêu của bố, ông bá tước De Carsonne nuôi mối thâm thù chẳng kém gì chúng ta đâu. Sự thay đổi này bố không thích tí nào. Nó xảy ra từ khi con gặp anh ta.”

“Đây là vì tình bạn giữa con anh ấy và Katie.”

“Cũng là âm mưu của anh ta thôi.”

“Chúng chỉ là hai đứa trẻ thôi mà. Chúng được vui đùa bên nhau thì cũng là điều tốt. Hai đứa thích chơi với nhau ngay lập tức. Tội nghiệp thằng bé, con không nghĩ là nó có bạn bè đồng trang lứa.”

“Chẳng còn gì phải nghi ngờ, họ nuôi dạy nó cũng theo cái cách của bọn họ - cho rằng mình cao quý hơn người và có thể đè đầu cưỡi cổ tất cả chúng ta.”

“Đó cũng là điều anh ta nghĩ về dòng họ St.Allengère. Ồ, bố ơi mối thù truyền kiếp giữa hai dòng họ rồi cũng được hóa giải với Romeo và Juliet đấy thôi.”

“Bố nghĩ chúng ta nên quay về Paris. Bố tin chắc là họ sẽ làm tốt mọi chuyện cả khi không có chúng ta ở đây. Cũng không tốt nếu để tất cả mọi việc ở salon cho bà bá tước giải quyết. khi nho đã được đóng vào thùng và mọi thứ dược xếp đâu vào đấy trong hầm rượu, bố sẽ sẵn sàng lên đường.”

“Bao giờ thì xong ạ?”

“Cuối tuần này. Sau đó chúng ta sẽ rời khỏi đây.”

Tôi gật đầu đồng ý.

Chiều tối hôm ấy Katie trở về, hân hoan, vui sướng nó có cả một ngày đầy ắp những cuộc phiêu lưu.

“Họ có một hầm ngục. Mẹ biết hầm ngục là gì không?”

“Có.”

“Chúng con khám phá tòa lâu đài cùng với thầy Grenier, thầy kể cho chúng con nghe về những sự kiện lịch sử…nhung mà thú vị vô cùng vì toàn là về lâu đài không hà. Rồi thầy đưa chúng con đi cưỡi ngựa. Họ có một phòng Quên. Mẹ có biết phòng Quên nghĩa là gì không?” Nó hấp tấp hỏi rồi không đợi tôi trả lời, liến thoắng nói luôn. “Có nghĩ là quên lãng ấy mà. Người ta đẩy người xuống đấy….nó sâu, tôi đen như một cái hang vậy…Chỉ có một cái lỗ ở trên trần… Người tù bị bỏ lại ở đó…cho đến chết…bị quên lãng, bây giờ thì mẹ đã hiểu chưa?”

“Chắc là một chỗ ghê rợn lắm.”

“Vâng ạ”, Katie nói giọng vui vẻ. “Raoul có một con chim ưng. Bạn ấy giảng giải cho con biết mọi việc được làm như thế nào. Chúng con còn đi ra ngoài bao lơn. Từ đây mẹ có thể nhìn thấy những cánh đồng trồng dâu, những tòa nhà mọc lên cạnh một con sông nhỏ. Gia đình St.Allengère sống ở đấy. Họ trùng họ với nhà ta, mẹ ạ.”

Đợi đến lúc có thể xen vào tôi nói, “Katie, cuối tuần này chúng ta sẽ về nhà.”

“Ồ không đâu mẹ…Con vừa mới cảm thấy vui mà.”

“Tiệc vui nào cũng có lúc tàn, con ạ.”

“Tiệc không tàn…nếu mẹ không cho phép nó kết thúc.”

“Chúng ta phải về thôi, Katie.”

“Cuối tuần này”, con bé phụng phịu và nó buồn bã trong vòng năm phút.

Ngày hôm sau một cỗ xe lại đến đón nó sang chơi bên lâu đài.

*

* *

Cùng ngày hôm ấy tôi cưỡi ngựa đi dạo. Chỉ còn hai ngày nữa thôi tôi sẽ rời xa nơi đây. Tôi mong rằng tôi sẽ có một kỷ niệm đáng nhớ. Tôi cứ nghĩ hoài về mảnh đất chôn nhau cắt rốn của mình, nơi đây mẹ tôi đã sống và đã chết vì sự sống của tôi. Nhưng mọi chuyện lại trở nên phức tạp với sự xuất hiện của bá tước. Anh đã xuất hiện ngoài dự tính của tôi và làm cho kỷ niệm của tôi ở đây có một cái gì như là một cuộc phiêu lưu.

Tôi không ngạc nhiên khi gặp anh vào ngày hôm ấy. Dường như anh có ý đợi tôi để gặp tôi một lần nữa.

Trên con tuấn mã, anh phi thẳng về phía tôi, cũng cái con ngựa đen mà anh cưỡi hôm chúng tôi gặp nhau lần đầu.

“Chào một ngày tốt lành, Madame Sallonger. Thật vui sướng khi tìm thấy em.”

“Cảm ơn.”

“Tôi nghe nói em sẽ sớm rời khỏi đây.”

“Chắc con gái tôi đã cho ông biết.”

“Raoul nó thật vọng lắm.”

“Ồ, cậu bé sẽ tìm ra một bạn chơi khác.”

“Nó tìm đâu ra một Katie thứ hai? Cả tôi nữa, tôi cũng buồn lắm.”

“Chẳng bao lâu ông sẽ quên việc chúng tôi từng đến đây.”

“Một đánh giá hoàn toàn sai lạc và em cũng nhận thấy thế.”

“Tôi nghĩ ông quá để cao mẹ con tôi rồi.”

“Đó là những lời từ trái tim.” Tôi cười ý vị còn anh tiếp tục một cách nồng nhiệt. “Tôi cảm thấy chúng ta có thể là bạn tốt…nếu em cho phép. Tôi đã nghĩ thật nhiều về em kể từ buổi gặp gỡ đầu tiên.”

“Thật vinh hạnh cho tôi nhưng nói thật, chuyện tôi lại làm cho ông phải nghĩ đến…thì nghe lạ quá!”

“Đó là một chuyện hoàn toàn tự nhiên nếu em biết là em khác về cơ bản so với những người đàn bà mà tôi từng gặp.”

“Phải, trên đời này chẳng có ai giống ai cả.”

“Hầu hết mọi người không làm cho tôi để tâm.”

“Đó là bởi vì ông cao ngạo quá.”

“Em thực tình nghĩ về tôi như thế à?”

“Có thể tôi đã khinh suất khi nói vậy. Tôi còn chưa biết nhiều về ông.”

“Tôi nghĩ em sẽ lấy làm thú vị khi khám phá ra những nét khác ở tôi.”

“Thật tiếc là tôi khòng còn ở đây nữa để thực hiện những cuộc khám phá ấy.”

“Tôi cho là em có thể ở lại lâu hơn.”

“Tôi còn có công việc phải làm chứ.”

“Thế không còn ai khác làm thay em sao?”

“Dĩ nhiên, tôi không thể vắng mặt quá lâu.”

“Tôi tin rằng em đang né tránh tôi.”

“Tại sao tôi phải làm thế?”

“Có lẽ bởi vì em có hơi hoảng.”

“Ông là người khó cưỡng nổi đến vậy sao?”

“Đúng thế.”

“Có lẽ là đối với những người phụ thuộc vào tấm lòng hào phóng của ông, nhưng xin lỗi ngài bá tước tôi không thuộc loại đó.”

“Em ngại tôi ở phương diện khác. Tiếng tăm của tôi đã đến tai em. Tôi là kẻ thù xấu xa của cả họ nhà em.”

“Tôi biết ông là kẻ thù của ông nội tôi nhưng tại sao kẻ thù của ông tôi lại phải là kẻ thù của tôi?”

“Nếu vậy…tôi là bạn của em.”

“Một người quen dễ chịu, ta có thể gọi là thế.”

“Đó là cách em miệt thị tôi ư?”

“Tôi tin là đây là lần gặp thứ tư giữa chúng ta. Sao tôi lại phải tức giận ông nhỉ?”

“Nhưng chẳng lần nào chúng ta nói chuyện bình thường cả.”

“Lần đầu tiên ông xuỵt chó đuổi tôi, lần thứ hai ông là một chủ nhà lịch thiệp và bây giờ chúng ta tình cờ gặp nhau….À, còn một lần ông là người khách không mời của cha tôi.”

“Anh sẽ cảm thấy buồn khi không có em ở đây.”

“Ông thật tử tế khi nói thế”, tôi giễu cợt nhẹ nhàng.

“Anh nói thật lòng. Xin hãy thuyết phục cha em ở thêm một tuần nữa… Chúng ta sẽ gặp nhau hàng ngày.”

“Sợ là chỉ mất thời gian của ông…và của tôi.”

“Thôi đừng có đùa nữa. Em cũng biết em tác động đến anh như thế nào. Em lôi cuốn anh. Vậy mà em cứ tỉnh như không…lạnh như không…Tuy vậy anh biết có một ngọn lửa đang âm ỉ cháy trong em.”

“Ông nói về tôi như thể tôi là ngọn lửa trại ấy.”

“Anh nghĩ anh đã trót yêu em rồi.”

“Ngài bá tước, xin ngài đừng đùa giỡn.”

“Anh không bao giờ mang về những vấn đề quan trọng ra bông đùa. Em có ý định khóc thương chồng em suốt đời không?”

Tôi im lặng nhưng trong lòng tự nhiên thấy thơ thới vui tươi. Tôi thích đối đáp với anh. Nó kích thích tôi, làm tôi thấy mình trở lại tuổi 16, một điểu mà tôi không hề cảm thấy kể từ ngày làm đám cưới với Philip. Tôi muốn tiếp tục trò chơi đấu khẩu. Có yếu tố nguy hiểm song cũng đầy kích thích. Tôi biết anh là chuyên gia trong những mối quan hệ như thế này. Anh lôi cuốn tôi. Có lẽ bất cứ người đàn bà nào cũng bị anh lôi cuốn. Anh đặc biệt trải đời, giàu kinh nghiệm nhưng có lẽ điều quan trọng nhất là anh phát ra một sức mạnh chinh phục mà tôi tin rằng đó là một yếu tố hấp dẫn giới tính không sao cưỡng lại được. Rõ ràng anh là một người đàn ông có cung cách riêng của mình và rất thành thạo chuyện đó. Tôi nghĩ đến cô gái quý tộc Evette mỏng manh và tất cả những người đàn bà mà anh chỉ cần vẫy tay là họ xô nhau chạy đến. Chính là anh có ý định cộng tên tôi vào danh sách ấy. Chắc chắn điều này không bao giờ thành hiện thực. Vâng,…tuyvậy, tôi vẫn bị cuốn vào câu chuyện bông lơn với anh. Tôi cảm thấy đây là một loại thách thức đầy thú vị - lôi cuốn ta vào cuộc tung hứng và nhất là phải tỉnh táo khôn ngoan bởi vì không được để lại một hậu quả đáng tiếc nào đằng sau. Vì vậy mà tôi không thể dối lòng, tôi rất thích những cuộc gặp gỡ, trò chuyện, đấu lý với anh. Bất thình lình, tôi nghĩ đến người đẹp Heloise nổi lềnh bềnh trên một khúc sông nông choèn. Có phải cô ấy cũng có một khởi đầu giống tôi?”

Bây giờ thì anh lại rót đường rót mật vào tai tôi. “Anh sẽ mở ra cho em một cuộc sống mới. Đem em ra khỏi quá khứ đau buồn, tạo cho em một cơ hội khép tất cả những chuyện đó lại trong một cánh cửa sau lưng.”

Có lẽ anh đúng chăng? Tôi đã sống quá lâu trong cái bóng đen của quá khứ? Lẽ ra giờ đây tôi đã là một người bạn đời yêu quý của Drake. Tôi nghĩ tôi có thể tìm thấy được hạnh phúc bên chàng. Drake rất tốt đẹp, hào hiệp, một người đàn ông mà ta có thể tin cậy được. Anh sẽ là một người chồng tận tụy và người cha tốt của Katie.

Tất nhiên, bá tước cũng đã mê hoặc Katie nhưng chỉ là ở bề ngoài. Anh dùng Katie làm phương tiện để tiếp cận với tôi. Drake khác anh biết bao nhiêu.

“Em đang nghĩ đến điều gì vậy?”

“Đến việc trở về.”

“Em nghĩ em có thể lẩn tránh anh dễ vậy sao?”

“Lẩn tránh à? Tại sao ông lại dùng từ đó? Tôi đâu phải tù nhân của ông đâu.”

“Không, chính anh mới là tù nhân của em.”

Tôi bật cười.

“Em thật là một người đàn bà độc ác.”

“Chính vì ông đã nói thế mà tôi phải thành thật với ông. Tôi biết động cơ của ông. Tôi không thuộc về cái tập hợp những cô thôn nữ đồng trinh bị mờ mắt vì gia huy của ông…mà cũng không phải một trong những quý bà vây quanh ông để có một tước hiệu và trở thành chủ nhân của tòa lâu đài này. Cả hai thứ đó đều chẳng có ý nghĩa gì đối với tôi.”

“Thế còn chủ nhân của những thứ đó thì sao?”

“Như tôi đã nói, tôi còn chưa biết nhiều về người ấy ngoài việc ông ta …là một người thú vị.”

“Và như vậy tôi làm em vui?”

“Ông biết rõ như thế.”

“Còn em lại bỏ bùa mê cho tôi. Em biết rõ như thế.”

“Ông là người từng trải, còn tôi cũng đâu phải là cô gái ngây thơ dại khờ gì. Tôi đã trải qua những năm hoa mộng rồi. Cả ông cũng thế. Tôi chỉ muốn ông hiểu rằng ông chỉ phí thời gian tìm kiếm một chiến thắng dễ dàng ở hướng này. Với lại quanh ông còn có biết bao những khả năng dễ dàng hơn.”

“Em hiểu lầm tôi rồi.”

“Tôi hiểu ông rất rõ. Nói thật nhé, tôi thích những cuộc gặp gỡ của chúng ta nhưng tôi không gán bất cứ một ý nghĩa nào cho nó.”

Anh thở dài. “Anh thấy khó mà thuyết phục được em tin vào tình cảm của mình.”

“Chẳng khó khăn chút nào. Tôi hoàn toàn hiểu ông. Giờ thì tôi phải quay về thôi, tôi cần chuẩn bị cho chuyến đi.”

“Giả sử anh mời cha em và em đến dự một buổi hòa nhạc ở lâu đài. Anh có những nhạc công danh tiếng. Em có thích nhạc không?”

“Rất thích. Nhưng chúng tôi không thể chấp nhận lời mời của ông. Chúng tôi sẽ về Paris vào cuối tuần này.”

“Anh đang nghĩ đến chuyện phát hiện cho được điều gì đã xảy ra với chồng em. Anh thấy là chuyện này không thể đơn giản gạt sang một bên. Ta hãy cố gắng tìm ra lời giải cho bài toán hóc búa này. Một khi em đã biết sự thật, em sẽ không còn day dứt nghĩ về người đã khuất nữa. EM sẽ thoát khỏi tấn thảm kịch ấy. Em sẽ không còn bị ám ảnh và âu sầu về một người đã chết nữa mà có thể mơ ước về những điều kỳ diệu có thể có trong hiện tại.”

“Có quá ít cái có thể làm được trong mối quan hệ của chúng ta.”

“Có đấy, anh tin là có.”

“Tôi thấy tôi phải đi đường này. Đó là con đường tắt đi về nhà.”

Khi đã trông thấy những vườn nho bao quanh nhà tôi dừng ngựa lại.

“Trong trường hợp không có dịp gặp ông trước khi đi, xin chào tạm biệt ông ở đây.”

“Nghe như em muốn đuổi anh.”

“Vớ vẩn…Chỉ là một lời tạm biệt.”

Anh cầm tay tôi đưa lên môi hôn.

“Em biết là mọi chuyện không kết thúc ở đây.”

Tôi cảm thấy có một làn sóng ấm áp trào lên trong lòng bởi vì tôi không thích một kết cục như thế này.

Tôi rút tay lại.

“Au revoir”, anh nói.

Tôi quay đi, ra roi phóng vụt đi.

Về với không khí bận rộn ở Paris, tôi sẽ quên tất cả những chuyện này, tôi tự nhủ. Mối liên hệ với người đàn ông này sẽ có ý nghĩa gì? Chỉ là một cuộc tình thoáng qua như ngọn gió. Không cưới xin. Ý nghĩ kết hôn với người đàn ông này thật lố bịch. Thực ra nó là một cái gì cũng hấp dẫn và quyến rũ đấy. Nhưng có bao giờ anh ta lại ngỏ lời. Đó là lý do tại sao tôi sớm phải rời khỏi đây.

Tất nhiên, anh sẽ không nghĩ đến chuyện lấy vợ. Anh chỉ lấy vợ một lần, cô nàng Evette lá ngọc cành vàng và chỉ để thỏa lòng mong ước của cha mẹ. Anh cũng đã có con trai nối dõi và không muốn bước vào vòng ràng buộc của hôn nhân một lần nữa. Với lại, tại sao một người đàn ông như anh lại căm ghét chuyện hôn nhân thì tôi không sao hiểu nổi, bởi vì anh sẽ không giữ trọn lời thề dưới bàn thờ Chúa nếu anh không muốn. Anh là một người chồng điển hình kiểu Pháp…rất mực tao nhã, quan tâm đến vợ con và thực hiện đầy đủ cái gọi là bổn phận trong nhà rồi ra ngoài tung tẩy vui thú với hết người tình này đến người tình khác.

Đó là cái gọi là hôn nhân thời thượng của giới thượng lưu Pháp. Không phải là cái dành cho tôi

*

* *

Trước khi lên đường tôi muốn đến viếng thăm mộ mẹ tôi. Ngôi mộ của bà nằm trong nghĩa trang của nhà thờ nhỏ ở Villers-Mure. Cha tôi không muốn tôi lai vãng đến gần ngôi nhà của ông nội. Tôi nghĩ ông sợ những phản ứng bạo liệt của ông nội nếu ông phong thanh hay tin tôi đang ở đây. Tôi không muốn có mối liên hệ nào với một người ông như vậy, nhưng tôi muốn đến thăm mộ mẹ.

Tôi phóng ngựa lên đỉnh ngọn đồi mà từ đó tôi có thể nhìn xuống lãnh địa của dòng họ St.Allengère. Tôi nhìn thấy ngôi làng gần nhà mấy, con sông nhỏ len lỏi qua những tòa nhà bằng đá và một cây cầu nhỏ nhỏ cong cong. Thật là một vùng non nước hữu tình. Tôi cũng nhìn thấy tháp chuông nhà thờ và nhắm đúng hướng để đi đến đấy.

Làng quê thật yên ắng. Chắc mọi người đi làm hết cả. Tôi đi vào nhà thờ sau khi buộc con ngựa bên ngoài. Tiếng bước chân tôi trên những phiến đá lát sân vọng lên phá tan cái không khí trầm mặc thanh bình của nhà thờ. Tôi bâng khuâng nghĩ ngợi, đây là nơi Ngoại và mẹ tôi thường đến cầu nguyện. Các ô cửa sổ ở đây thật đẹp. Cửa sổ kiểu Jesse là của đóng góp của Jean Pascal St. Allengère vào thế kỷ 16, cái cửa sổ trang hoàng bằng những hình vẽ ổ bánh và cá bơi tung tăng là của Jean Christophe St. Allengère một trăm năm sau. Còn đây là tượng Thánh John, “món quà của Alphonse St.Allengère.” Tôi đứng nhìn chằm chằm vào tên ông. Ông nội! Nhớ lại những gì bá tước nói về ông mình, tôi không khỏi mỉm cười.

Cái tên St. Allengère còn xuất hiện ở nhiều nơi nữa. Họ là những người bảo trợ chính trong nhà thờ qua bao thế kỷ qua. Tôi chỉ là kẻ không mời mà đến. tôi không được phép có mặt ở đây. Cả cha tôi cũng không muốn tôi đến đây. Tôi tự hỏi ông nội sẽ làm gì khi biết chuyện tôi dám bước chân vào vương quốc của ông.

Không khí trong nhà thờ rất ấm nên tôi cởi khăn quàng ra trong lúc chăm chú quan sát mọi vật trang trí trong nhà thờ, bàn thờ, bục giảng đạo…đều là quà tặng của người ông mộ đạo của tôi. Khắp nơi đâu đâu cũng có bằng chứng về tấm lòng mộ đạo của ông.

Đây là nhà thờ của ông. Tòa lâu đài Carsonne có nhà thờ riêng vì thế tôi đoán bá tước không bao giờ đến đây. Anh khác hẳn ông nội tôi, nếu những câu chuyện bỡn cợt của anh nói lên tín ngưỡng của anh thì con người này chắc không hướng lòng tin vào đấng tối cao. Tôi đi ra ngoài nhà thờ và tìm đường đến nghĩa trang. Những bức tượng công phu, trau chuốt đặt trên nhiều ngôi mộ. Đó là những thiên thần hay tượng các thánh. Một số bức tượng lớn và giống như thật đến nỗi bạn dường như có ý đợi chúng cất lên tiếng nói.

Tôi không nghĩ chỗ yên nghĩ của mẹ tôi nằm ở giữa những công trình nghệ thuật đẹp đẽ này, những ngôi mộ công phu nhất, hoành tráng nhất là ngôi nhà ngàn năm của tổ tiên tôi về bên nội. cái tên St.Allengère khắc trên nhiều ngôi mộ. tôi đi dạo qua tất cả những ngôi mộ của dòng họ. Đây là Marth St.Allengère, phu nhân ngài Alphonse sinh năm 1822 tạ thế năm 1850. Vậy đây là bà nội tôi. Bà chết vào lúc còn rất trẻ. Tôi dám nói là việc sinh nở và cuộc sống với Alphonse nghiệt ngã đã sớm chấm dứt cuộc đời vắng bóng niềm vui của bà. Tôi tiếp tục cuộc khám phá và nhìn thấy ngôi mộ của Heloise. Không có bực tượng nào đặt ở đây. Ngôi mộ này hơi nhỏ, nhưng cây cỏ quanh mộ được chăm bón chu đáo. Có một bình hoa cắm mấy bông hồng nhạt màu. Tôi nghiệp Heloise! Tôi nghĩ đến hoàn cảnh của cô. Chắc là cô đã phải đau khổ ghê dớm mới kết thúc cuộc đời bằng cách ấy. tôi nghĩ đến bá tước. tất nhiên có thể anh chẳng có gì liên quan đến cô gái đáng thương. Thật không công bằng nếu tin chắc rằng anh là tên sở khanh nọ. nhưng mà Heloise đẹp nhất vùng và tôi biết anh sẽ vô cùng khoái chí nếu quyến rũ được cô con gái của kẻ thù.

Một lúc sau tôi mới tìm ra ngôi mộ của mẹ mình. Nó nằm trong góc, giữa những ngôi mộ hết sức đơn giản. chỉ có một cái tên Marie Louise Cleremont. Tạ thế năm 17 tuổi. Một cảm xúc mạnh mẽ dâng lên trong cổ và tôi thấy một bụi hồng được chăm bón tốt qua hàng nước mắt.

Câu chuyện của mẹ cùng không khác với nỗi bất hạnh của Heloise là bao. Nhưng mẹ ra đi ngoài ý muốn của mình. Tôi lấy làm mừng là mẹ không liều thân hoại thể. Chính sự ra đời của tôi đã cướp đi cuộc sống của mẹ. Nếu mẹ còn sống chúng tôi sẽ luôn ở bên nhau: Ngoại, mẹ và tôi. Heloise đáng thương không có can đảm đối mặt với cuộc sống. câu chuyện của cô có một kết cục khác, dù nó cũng bắt đầu như mẹ tôi, yêu một người bỏ rơi mình vào lúc khó khăn nhất. Một bài học cho tất cả những người đàn bà nhẹ dạ, cả tin.

Tôi chậm rãi quay về, tìm đường trở lại sân nhà thờ nơi tôi cột con ngựa. Tôi đi qua khu mộ dành cho dòng họ St.Allengère và giật mình khi thấy một người đàn ông đứng bên ngôi mộ của Heloise.

“Chào cô”, người đàn ông lên tiếng. Trong khi đáp lại lời chào, tôi không cưỡng lại được ý định muốn đứng lại.

“Một ngày đẹp trời hả? cô bị lạc lối ư?”

“Thưa không. Tôi chỉ ghé qua thăm nhà thờ. Tôi để ngựa của mình ở ngoài sân.”

“Một ngôi nhà thờ cổ kính và rất đẹp phải không?”

“Thưa vâng.”

“Cô là người là ở đây.” Ông đưa mắt nhìn tôi dò xét. “Tôi tin là tôi biết cô là ai. Có phải cô đang ở lại bên vườn nho?”

“Dạ phải.”

“Vậy cô là con gái của Henri?”

Tôi gật đầu, người đàn ông tỏ vẻ xúc động.

“Bác nghe nói cháu đang ở đây.”

“Vậy… bác là bác trai của cháu.”

“Đúng. Nom cháu rất giống mẹ…giống lắm ấy, đến nỗi thoạt nhìn bác đã ngỡ cháu là Marie Louise.”

“Cha cháu cũng nói là cháu giống mẹ.”

Bác tôi nhìn xuống ngôi mộ.

“Cháu ở đây có vui không?”

“Dạ, cháu rất thích ạ.”

“Thật đáng tiếc là mọi chuyện lại xảy ra như thế. Còn Madame Cleremont, bà cụ có khỏe không?”

“Dạ khỏe, bà cháu đang ở London.”

“Bác cũng có nghe nói về của hàng thời trang. Bác tin là nó rất phát đạt.”

“Vâng, bây giờ chúng cháu có một chi nhánh ở Paris. Ngày mai cháu sẽ quay lại đấy.”

“Bác nghĩ cháu chính là Madame Sallonger.”

“Vâng đúng thế ạ.”

“Tất nhiên bác có biết chuyện. cháu lớn lên trong gia đình và cuối cùng kết với một người con trai trong gia đình ấy. Philip, phải không?”

“Bác biết nhiều về cháu quá. Vâng ạ, cháu đã lấy anh Philip.”

“Và bây giờ cháu là một góa phụ.”

“Dạ cháu đã là một góa phụ được 12 năm rồi ạ.”

Đúng lúc ấy cái quàng tôi cầm trên tay vướng vào một bụi cây, tuột khỏi tay tôi. Người bác gỡ chiếc khăn ra. Đó là một chiếc khăn quàng bằng lụa màu tím nhạt giống những cái khăn chúng tôi bán ngoài cửa hàng.

Ông bác sờ vào chất vải và nhìn nó một cách chú tâm. “Loại lụa này đẹp quá.” Ông không đưa trả cho tôi. “Tha lỗi cho bác. Lẽ tự nhiên, bác quan tâm đến vải vóc. Nó chính là cuộc sống ở nơi đây mà.”

“Vâng, cháu hiểu.”

“Chất liệu rất tuyệt.”

Ông vẫn ngắm nghía cái khăn trong tay. “Đây là một loại lụa hoàn hảo nhất. bác tin rằng nó chính là lụa Sallon.”

“Đúng thế ạ.”

“Tuyệt quá. Chưa có một loại lụa nào trên thị trường có thể sánh với nó. Bác cho là chính chồng cháu đã khám phá ra quy trình này và đem áp dụng vào sản xuất trong các nhà máy ở Anh.”

“Đúng là nó được khám phá ra bởi một người trong gia đình Sallonger, nhưng không phải do anh Philip, chồng quá cố của cháu, mà là do anh của anh ấy là Charles.”

Ông bác nhìn tôi với ánh mắt sửng sốt.

“Bác bao giờ cũng nghĩ rằng sáng kiến ấy là của chồng cháu. Cháu có chắc là mình không nhầm không?”

“Chắc chắn là cháu không thể nhầm được. cháu vẫn còn nhớ tất cả những chuyện này rất rõ. Chúng cháu đã hết sức ngạc nhiên khi Charles công bố công thức dệt loại lụa này bởi vì anh ta luôn tỏ ra là một người chẳng thiết gì đến công việc. Chồng cháu thì…ngược lại. nếu có ai đó khám phá ra lụa Sallon thì phải là anh Philip mới phải. nhưng oái oăm thay lại chính là Charles. Đó là một phát minh thiên tài và tất cả chúng cháu đều chịu ơn Charles.”

“Charles à? Anh ta là người đứng đầu công việc hiện nay?”

“Vâng. Nó được để lại cho hai người con trai và khi chồng cháu… mất… Charles trở thành người chủ duy nhất.”

Ông bác im lặng. tôi nhận thấy khuôn mặt ông tái đi và tay ông run rẩy khi trả lại tôi cái khăn.

Ông ngước mắt nhìn tôi và nói. “Đây là mộ con gái bác.”

Tôi cúi đầu ra chiều thông cảm.

“Đó là một nỗi đau không thể nguôi ngoai đối với cả gia đình. Con bé đẹp là thế, dịu dàng là thế…vậy mà hoa chưa kịp nở đã vội lìa cành.”

Tôi muốn an ủi người cha già vì trông ông quá thương tâm. Đột nhiên ông mỉm cười. “Nói chuyện với cháu thật vui. Ước gì…bác có thể mời cháu đến chơi nhà.”

“Cháu hiểu mà. Và cháu cũng rất vui khi được gặp bác.”

“Ngày mai cháu đã đi rồi à?”

“Vâng ạ.”

“Tạm biệt cháu. Thật là một…tiết lộ chấn động nhất.”

Ông chậm rãi lê bước ra ngoài nghĩa trang và tôi cũng tìm đến chỗ con Marron đang đứng dụi mõm.

Buổi tối cuối cùng, chúng tôi đến nhà cô chú Ursule và Louis, một nếp nhà nhỏ nhưng xinh xắn và ấm cúng.

Thật là một buổi tối dễ chịu. Cô Ursule nói bao giờ cô cũng mong đợi những cuộc viếng thăm của cha tôi và hy vọng nếu có khi nào tôi về đây tôi lại đến thăm vợ chồng cô. Về phía mình tôi cũng bày tỏ niềm vui của mình, kể cho mọi người nghe tôi đã đến nghĩa trang viếng mộ mẹ và gặp bác René ra sao. Đầu tiên cha tôi giật mình hoảng hốt nhưng sau cũng trấn tĩnh lại được.

“Tội nghiệp René”, ông nói. “Đôi khi tôi nghĩ chính anh ấy cũng ao ước có được can đảm để bỏ đi.”

“Anh ấy là con rối trong tay cha chúng ta”, Ursule đáp một cách thẳng thừng. “Anh ấy thực hiện mọi điều cha muốn và phần thưởng là được thừa hưởng gia tài.

“Nếu như”, chú Louis nói thêm, “anh ấy không làm gì phật ý ông già trước khi ông ấy quy tiên.”

“Tôi rất mừng là tôi đã chọn tự do”, Ursule nói.

Sau đó câu chuyện chuyển sang đề tai về bá tước.

“Đó là một ông chủ tốt”, chú Louis nói. “Anh ta để cho tôi được tự do sáng tạo và trong chừng mực tôi giữ gìn bộ sưu tập của dòng họ này đâu vào đấy tôi có thể vẽ theo ý mình. Thỉnh thoảng anh ấy còn tạo điều kiện cho tôi có một phòng triển lãm tranh. Tôi không biết chúng tôi sẽ xoay sở ra sao nếu không có cha anh ấy và bây giờ đến anh ấy.”

“Hắn làm thế là để trả thù cha chúng ta”, người cha hiền lành của tôi nói.

“Bá tước rất có “gu” thưởng thức nghệ thuật”, Louis nói. “Anh ấy tôn trọng nghệ sĩ và tôi nghĩ không phải là anh ấy không chịu ảnh hưởng những tác phẩm của tôi. Tôi nợ người ấy rất nhiều.”

“Cả tôi nữa cậu Henri ạ. Vì thế cậu đừng đánh giá anh ta quá khắc nghiệt.”

“Em thừa nhận là hắn có ơn với hai người. nhưng tiếng tăm của hắn trong vùng…”

“Đó là truyền thống trong gia đình ấy. Bá tước vùng Carsonne bao giờ cũng là người đàn ông đa tình. Ít nhất thì bá tước Gaston cũng không khoác một bộ mặt đạo đức giả như cha chúng ta… Và hãy nghĩ đến bao nhiêu đau khổ mà ông già đã gây ra.”

“Em dám nói là người mà chị bênh vực cũng gây ra khối rắc rối trong vùng…”

“Này Henri cậu đang ám chỉ đến Heloise trong khi cậu không có bằng chứng là anh ta có dính líu gì đến vụ này.”

“Rõ quá rồi còn gì. Hắn đang cố ve vãn Lenore nhà em đấy.”

“Nếu vậy”, Ursule nhìn tôi, “Cháu phải cẩn thận.”

“Katie lại thích chơi với con trai hắn là Raoul”, cha tôi tiếp tục. “Hôm nay nó ở đàng ấy cả ngày. Hắn cho xe đến đón con bé. Em chỉ muốn bảo thẳng vào mặt hắn là hãy biến đâu cho khuất mắt.”

“Cậu phải khéo léo hơn một chút chứ. Đằng nào thì ngày mai cậu với Lenore và Katie cũng đi rồi, thế thì có gì phải sợ nào?”

Tôi thích thú nghe những điều mọi người nói về anh. Thực ra đó là tất cả những gì tôi còn nhớ được về cái buổi tối cuối cùng ở nhà cô Ursule và chú Louis.

Ngày hôm sau chúng tôi đã có mặt ở Paris.

Chỉ có bà bá tước ở đây. Ngoại tôi và Cassie vẫn ở lại London.

“Có chuyện gì vậy?” Bà bà tước kêu lên. “Trông cô trẻ hẳn ra. Có chuyện gì mới hả?”

Tôi đỏ bừng cả hai má.

“Tôi rất thích ở đấy.”

“Chúng cháu đến thăm lâu đài”, Katie nói liến thoắng. “Người ta nuôi cả chim ưng ở đấy và rất nhiều chó săn…có cả những con cún rất dễ thương. Này, họ còn có cả một cái hầm Quên để đẩy một người mà họ muốn quên mãi mãi vào đấy.”

“Ước gì chúng ta lại có dịp đến đấy”, bà Bá tước nói. “Madame Delorme đã mang cái áo nhưng màu hoa cà lại. Bà ta nói nó quá chật. Bà ta sẽ là người đầu tiên bước vào nếu tôi đoán trúng.”

“Nếu bà để họ trong phòng này họ sẽ chết”, Katie tiếp tục câu chuyện.

“Một ý thật hay. Nhưng ta muốn nghe tất cả mọi chuyện về chuyến đi này.”

Katie hồ hở miêu tả về một lễ hội hái nho.

“Nhưng cái buổi lễ vui nhất vẫn là ở lâu đài. Họ nhảy múa trong những cái máng. Những cái máng thật lớn và nước nho ngập dưới chân họ. Tất nhiên, là họ phải rửa chân thật sạch trước khi làm thế. Đấy là nước nho, bà hiểu không?”

Bà bá tước vừa nghe Katie huyên thuyên vừa nói lại tình hình cửa hàng trong lúc tôi vắng mặt và tôi nhận ra đôi mắt của bà tò mò nhìn tôi như thể nghi tôi có chuyện gì không muốn cho bà biết.

Tôi về nhà chưa được ba ngày thì có một người khách tìm đến. Bà bá tước tiếp khách rồi vội vàng chạy đến chỗ tôi mặt mày hí hửng.

“Có một quý ông đến tìm cô. Anh ta không cho biết tên, nói là muốn làm cho cô ngạc nhiên. Chu cha, người đâu mà phong nhã và quý phái đến từng chân tơ kẽ tóc. Là ai vậy?”

“Để tôi xuống xem sao”, tôi nói nhưng trong bụng đã rõ là ai rồi.

Anh nở một nụ cười đáng ghét nhất trần đời.

“Bà Sallonger quý mến của tôi, tôi đang ở Paris và không thể quay về Carsonne nếu không đến chào bà.”

Bà bá tước đứng cạnh tôi, nở nang cả mặt mày vì thích thú.

“Đây là nữ bá tước Ballander. Còn đây là bá tước De la Tour.”

“Rât hân hạnh được gặp ngài.”

“Cả tôi cũng vậy, thưa nữ bá tước.”

“Ông dùng một chút gì để giải khát? Một chút rượu nho chăng?”

“Bá tước là một người sành rượu nhất. Chính ông ấy cũng làm rượu mà. Tôi không nghĩ là chúng ta có bất cứ loại rượu nào hợp với khẩu vị của ông ấy.”

“Bất cứ loại rượu nào mà bà mời tôi thì nó cũng đều ngọt như mật. Tôi thật sung sướng được có mặt ở đây, ở Paris này.”

“Đây là một thành phố ưa thích của ông phải không bá tước?” Bà bá tước đon đả.

“Vào lúc này…thì nó là nơi mà tôi ưa thích nhất.”

Bà bá tước bỏ đi để lại chúng tôi với nhau với nụ cười đầy ẩn ý. Tôi quay lại nhìn khách.

“Làm ơn hãy tỏ vẻ vui mừng khi được gặp tôi.”

“Tôi chỉ thấy ngạc nhiên.”

“Vậy sao? Chắc chắn là em không nghĩ là tôi để cho em trốn thoát dễ dàng đến thế.”

“Không phải là vấn đề bỏ trốn.”

“Xin lỗi. Một cách nói ngớ ngẩn. Rất sung sướng được gặp lại em. Cửa hàng của em sang trọng quá.”

“Người ta phải thanh lịch khi ở Paris.”

“Tôi chấp nhận lời nhận xét nhân danh thành phố tôi yêu. Trong khi tôi ở đây, tôi sẽ cho em xem nhiều thứ của Paris.”

“Ông cũng biết là tôi đã ở đây một thời gian mà.”

“Biết. Nhưng chắc chắn là anh vẫn có thể làm em ngạc nhiên.”

“Tôi không mảy may nghi ngờ là ông sẽ làm điều đó.”

Nữ bá tước quay lại với một khay trên có một chai rượu, mấy cái ly và bánh ngọt. “Xin mời vào phòng khách, ở đấy thoải mái hơn.”

Bà rót rượu ra hai cái ly. “Bây giờ tôi sẽ để hai người lại với nhau, chắc là hai người có nhiều chuyện muốn nói.”

“Bà thật chu đáo quá.” Bá tước trầm trồ.

Bà tặng anh một nụ cười rạng rỡ. Tôi có thể thấy là rõ ràng bà rất thích bá tước và quyết định ngay lập tức là anh là người đàn ông dành cho tôi. Cái nghề mai mối của và vẫn chưa bị mai một đi và từ lâu bà vẫn thầm tìm kiếm trong cánh đàn ông độc thân một người phù hợp với tôi.

Rõ ràng bà chẳng hiểu gì về bá tước hết.

“Thật là một quý bà duyên dáng.”

“Đúng thế. Tôi biết bà ấy từ ngày còn con gái. Bà ấy từng là bà Nguyệt se duyên cho nhiều đôi bằng cách giới thiệu các tiểu thư với giới quý tộc thủ đô và giúp họ tìm được một người chồng xứng đáng.”

“Chắc bà ấy làm được việc lắm.”

“Tất nhiên, bây giờ bà ấy không thể làm nữa mà trở thành một trong những người chung vốn và điều hành ở chỗ chúng tôi. À mà ông ở lại đây bao lâu?”

Anh mỉm cười, nhún vai. “Chưa biết được. Điều này còn tùy thuộc rất nhiều… vào hoàn cảnh.”

“Ông ở đâu?”

“Tôi có một ngôi nhà ở đại lộ faubourg Saint-Honoré đoạn ngay trước ngã tư giữa đại lộ Saint-Honoré và Royale.”

“Tôi biết nơi này.”

“Đó là nhà ở tại Paris của tôi trong vòng 50 năm qua. Khách sạn cổ của chúng tôi bị đốt cháy trong thời gian Cách mạng.”

“Ông có hay ở Paris không?”

“Công việc hoặc thú vui sẽ dẫn đường cho tôi đến đây.” Tôi nghe có tiếng nói của Katie. Nó đang lý sự với bà bá tước.

“Mẹ con đang bận đấy, Katie.”

Katie mở hé cửa. “Ôi”, nó sung sướng reo lên. “Đó là ngài bá tước.” Con bé chạy bề phía ông khách chìa tay ra cho anh hôn. Bà tước hôn tay nó trang nghiêm như hôn tay một quý bà.

“Raoul ở đâu ạ?”

“À, nó đang ở Carsonne.”

“Tại sao bác không mang bạn ấy theo cùng?”

“Tôi có một việc quan trọng ở đây còn Raoul lại có bổn phận của nó ở Carsonne.”

“Thật đáng tiếc quá.”

“Tôi sẽ nói cho nó biết điều này. Chắc Raoul sẽ cảm động lắm.”

Cô giáo Leclerc bước vào phòng. Rõ ràng cô đang tìm Katie.

“Đây là Mademoiselle Leclerc, cô giáo của Katie”, tôi giới thiệu. Quả thật tôi có hơi xấu hổ với cảm giác khó chịu trong lòng khi thấy đôi mắt anh dừng lại trên người cô, ước lượng, đánh giá. Cô giáo đang ở độ đẹp nhất và trẻ trung hơn tôi. Tôi cũng nhận thấy sự có mặt của anh đã tác động đến cô như thế nào – cô đỏ bừng hai má và đôi mắt đẹp dường như long lanh hơn. Tôi nghĩ bụng, bạn không bao giờ biết chắc về con người này.

Cô giáo Leclerc nói cô đến tìm Katie để đưa đi dạo.

“Con đi đi Katie.”

“Bác sẽ vẫn ở đây khi cháu trở lại chứ?”

“Tôi cũng hi vọng thế.”

Con bé có vẻ hài lòng và ra khỏi phòng với cô giáo của nó.

“Thật là một cô bé láu lỉnh duyên dáng. Nó chỉ có thể là con gái của em. Tôi rất mong nó gặp Raoul nhiều hơn.” Tôi vẫn không thể gạt hình ảnh cô giáo ra khỏi đầu.

“Trong khi ở đây tôi sẽ giới thiệu với em về Paris.”

“Như tôi đã nói rồi, tôi đâu phải người xa lạ gì.”

“Tôi muốn nói đến một Paris thực sự…một Paris chỉ có người dân địa phương mới có thể chỉ cho em. Tôi có thể nghĩ ra nhiều cái để cho em xem.”

Và quả thật những ngày sau đó là những ngày hạnh phúc mê ly. Tôi biết anh đã bỏ bùa mê cho tôi và tôi tự trấn an mình là không cần phải sợ hãi. Tôi đâu còn là một trinh nữ thơ ngây. Bao giờ tôi cũng nhớ tôi đang đánh bạn với loại người nào…lịch duyệt, từng trải, có ý thức tìm kiếm thú vui ở những người đàn bà nhẹ dạ. Bao giờ tôi cũng tâm niệm điều đó và tự hào về bản lĩnh của mình. Nhưng mọi chuyện đều khác đi khi tôi ở bên anh. Dường như anh không biết mệt mỏi trong cố gắng muốn làm tôi hài lòng và mỗi ngày trôi qua như trong ống kinh vạn hoa với những cảm xúc tốt đẹp…quá tuyệt vời để có thể gạt sang một bên. Tôi vui sướng, vô tư lự như một cô nữ sinh trung học…như đã lâu lắm rồi tôi không còn trong tâm trạng ấy nữa. Tôi hòa vào niềm vui với anh, nhưng bao giờ cũng vậy, ngay vào thời điểm sung sướng nhất bên tai tôi vẫn văng vẳng lời cảnh báo. Và thỉnh thoảng hình ảnh cái xác của nàng Heloise xinh đẹp nằm trong khúc sông cạn lại hiện lên trong đầu tôi. Còn mẹ tôi nữa. Người mẹ trẻ con của tôi đã si mê một cách liều lĩnh và thiếu khôn ngoan. Tôi có thể hiểu được tình cảm của họ. Thật dễ quên mình trong những phút giây xúc động với một người đàn ông mà mình yêu say đắm.

Nhưng thường thì tôi buông mình cho niềm vui thuần túy của những ngày vàng lộng lẫy ấy. tôi đã học được biết bao điều từ anh. Có những lúc anh rất mực nghiêm túc và anh không chỉ thuần túy tìm kiếm niềm vui về cảm giác. Anh là người thông kim bác cổ, đặc biệt là có những kiến thức sâu sắc về nghệ thuật. Anh cũng quan tâm sâu sắc đến lịch sử dân tộc và chia sẻ với anh niềm quan tâm này cũng là một điều hết sức thú vị. Anh dành cho quê hương đất nước một tình cảm dữ dội, tha thiết, tuy vậy anh vẫn có thái độ phê phán đúng đắn với những biểu hiện chưa tốt. tôi cảm thấy tôi học được rất nhiều điều về anh trong đó có cả những hiểu biết về bản thân mình.

Tôi mon chờ những cuộc gặp gỡ giữa hai người. Tôi biết cha tôi lo lắng lắm nhưng tôi trấn an ông là ông không cần phải sợ hãi. Dù vậy ông vẫn không thôi lo lắng. Dù vậy ông vẫn không thôi lo lắng. Trong khi đó bà bá tước hết sức hào hứng. Bà hoàn toàn bị bá tước chinh phục. Anh nắm được đúng cái nghệ thuật đối xử với phụ nữ và biết điều chỉnh thái độ của mình để làm sao cho phụ nữa cảm thấy mình là đối tượng được kính trọng, yêu thương bởi mình hết sức quyến rũ, khả ái.

Anh mua quà cho Katie, hoa tươi cho bà bá tước, nói chuyện nhũn nhặn với cha tôi. Anh nóng lòng muốn chinh phụ cả gia đình tôi. Và đó là một phần trong sách lược của anh.

Anh đưa chúng tôi đến nhà hát xem vở Orpheus trong địa phủ. Anh bảo tôi đó là một vở nhạc kịch mà anh yêu thích bởi vì nó đem các vị thần ra chế giễu. Đó là một vở kịch rất hay, tất cả chúng tôi đều thích. Thậm chí cả cha tôi cũng quên nỗi lo lắng mà bật cười rất thoải mái và trên đường trở về nhà những giai điệu quyến rũ của vở kịch vẫn văng vẳng bên tai tôi. Đúng, đây là vở nhạc kịch ưa thích nhất của tôi.

Bà bá tước hết lòng khuyến khích tôi tham gia những cuộc thám hiểm Paris với anh. Tôi nói cần phải làm việc nhưng bà không muốn nghe đến chuyện đó.

“Này chúng tôi làm mọi việc một cách hoàn hảo nhé. Chúng tôi chẳng làm thế lúc cô đi vắng đấy sao. Hãy cứ vui vẻ, thưởng ngoạn khi có điều kiện. lúc nào làm việc chả được.”

Ngày vui ngắn chẳng tày gang, tôi chẳng bao giờ quên những ngày đầy ráng vàng hạnh phúc ấy. Paris là một trong những thành phố đẹp nhất thế giới và dưới sự dẫn dắt của bá tước, nó trở thành một xứ sở thần tiên. Đôi khi Katie đi cùng chúng tôi, nhưng thường thì chỉ có hai chúng tôi với nhau.

Chúng tôi đến đồi Montmartre, anh cầm tay tôi trong lúc chúng tôi sải bước trên hè phố. Chúng tôi thăm nhà thờ với kiến trúc kỳ lạ của phương Đông, đó là một nơi làm nên bản sắc đặc biệt của Paris. Anh kể cho tôi nghe về St.Dennis, một vị thánh yêu nước người Pháp và những người tử vì đạo đã hi sinh cho Tổ Quốc. Anh dẫn tôi đến xem cái chuông lớn nhất – Francoise- Marguerite hoặc La Savoyarde de Montmatre cao gần 20 mét. Anh dạy tôi cách lắng nghe âm thanh khác lạ của nó. Tôi đã cùng cha đến đây một lần rồi nhưng với anh mọi việc dường như có thêm một ý nghĩa mới và một cái gì đặc biệt thú vị. tôi phát hiện được nhiều điều mới mẻ mà trước đây tôi chưa nhận ra. Anh đã mang một ánh sáng mới đến cho mọi vật và dưới ánh sáng ấy dường như chúng trở nên tuyệt diệu hơn, thú vị hơn.

Cái nhìn của anh về quá khứ cũng thật đặc biệt, có một cái gì hoài cổ. anh không thích Cách mạng vì nó đã phá hủy lối sống cũ, anh tỏ vẻ cay đắng khi nói về đám đông quần chúng bởi vì tổ tiên anh đã phải đau khổ dưới bàn tay của họ. chỉ có một may mắn lớn lao là dòng họ của anh vẫn còn sống sót.

“Nó bị thúc đẩy bởi ý muốn tội lỗi”, anh nói, “như một sự ghen tỵ…một khao khát muốn phá hủy bởi vì đó là cái mà người ta thiếu.” anh đưa tôi đến Conciergerie thăm hầm mộ Salle Saint Louis còn có tên gọi là Salle des Pas Perdus bởi vì trong thực tế những kẻ tội đồ bị xử chém sẽ đến đây trong khi chờ để bước lên máy chém. Anh tỏ vẻ nghiêm nghị khi chúng tôi đến thăm xà lim trong đó Marie Antoinette sống những ngày cuối cùng. “Chủ thể của sự lăng nhục chịu tác động của những tên bạo chúa”, anh nói với một vẻ ghê tởm.

Thế là tôi có dịp được nhìn thấy nhựng mặt khác trong tính cách của anh. Và bao giờ anh cũng khiến tôi ngạc nhiên.

Tôi phát hiện ra là anh là một từ điển bách khoa về nghệ thuật khi chúng tôi đến viện bảo tàng Louvre. Anh cho tôi thấy những bức tranh quen thuộc dưới một ánh sáng mới. Anh rất mê Leonard Da Vinci và chúng tôi đứng rất lâu ở phòng trưng bày lớn trong khi anh phân tích bức họa Đức mẹ Đồng Trinh trên bờ đá. Tất nhiên anh cũng say sưa nói về Mona Lisa, bức họa được mang sang Pháp năm 1793. anh cho tôi biết về Francois Premier, một người đặc biệt quan tâm đến hội họa đã mang Leonard từ Ý sang Pháp để người họa sĩ vĩ đại đó có thể trưng bày tác phẩm của mình lần đầu tiên. “Ông ấy là một họa sĩ không thực hiện được hoài bão của mình”, anh nói, “có thể là cũng như anh. Nhưng anh e rằng mình cũng có những thiếu sót tốt lành trong đời.”

“Phải khôn ngoan lắm mới biết được điều đó”, tôi nói. Thật là những ngày hạnh phúc! Tôi sẽ không bao giờ quên những ngày ngọt ngào, tốt đẹp ấy. Mỗi buổi sáng lại bắt đầu một cuộc phiêu lưu thú vị. Đó cũng là một lối sống, tôi tự nhủ. Nhưng tôi cũng tự răn mình một trăm lần một ngày rằng đó chỉ là một cái gì phù phiếm. sẽ chấm dứt…vào một ngày gần đây.

Nhưng tôi vẫn bám chắc lấy những khoảnh khắc ấy, tận hưởng tất cả những hương vị ngọt ngào của nó. Tôi có một cảm giác khó chịu rằng tôi đã trở thành một con mồi của anh theo cái cách mà anh mong muốn. Tôi đã quên đi vấn đề này trong khi khám phá ra những nét mới mẻ trong bản tính của anh.

Chúng tôi đến khu Père-La Chaise – quá nhiều cho một khu vực của Paris. Tôi thường tự hỏi Père-La Chaise là ai và anh cho tôi biết đó là vị linh mục – cha tinh thần của vua Louis XIV, và nghĩa địa này được đặt tên theo ngôi nhà của ông là nơi bây giờ dùng làm nhà nguyện. Chúng tôi đứng lại hồi lâu để ngắm nhìn các tượng đài và ngôi mộ của các danh nhân.

“Một bài học cho tất cả chúng ta”, anh trầm ngâm nói. “Cuộc sống thật ngắn ngủi. Khôn ngoan thay là những kẻ biết sống hết mình cho những khoảnh khắc ngắn ngủi ấy.”

Anh xiết chặt tay tôi và mỉm cười.

Tôi rất thích những điểm dạo chơi ngoài trời. tôi thích vẻ kiều diễm, thanh lịch của công viên Parc Monceau một nơi tung tăng bao nhiêu trẻ con cùng với những cô bão mẫu và những pho tượng khác thường về các nhân vật nổi tiếng như Chopin với cây đàn Piano và những biểu tượng đại diện cho Đêm và sự Hài Hòa. Bọn trẻ yêu các pho tượng và khi tôi dẫn Katie đến đây chơi nó rất ghét phải từ giã bạn bè để về nhà.

Một hôm khi chúng tôi ở Jardin des Plantes, tôi nhận ra những ngày đầy những ráng vàng hạnh phúc rồi cũng chấm dứt. chúng tôi ngồi trên băng ghế ngắm nhìn những con công khệnh khạng đi lại và tôi nhớ có lần đã nói với anh rằng có những thời khắc nhất định bạn nhận ra rằng mình hoàn toàn hạnh phúc. Và đây là một trong những khoảnh khắc như vậy.

“Em sắp phải về nhà rồi.”

“Nhà ư? Thế đâu là nhà em?”

“London.”

“Tại sao em lại phải về đấy?”

“Bởi vì em xa đấy lâu quá rồi.”

“Chẳng phải Paris cũng là nhà em sao?”

“Mỗi người chỉ có một nơi duy nhất là nhà thôi.”

“Em đang nói em cảm thấy nhớ nhà ư?”

“Em chỉ có cảm giác là em phải đi. Đã lâu lắm rồi em chưa gặp Ngoại.”

“Anh hy vọng em muốn ra đi chỉ vì thế. Những ngày vừa qua không tuyệt vời sao?”

“Rất tuyệt. Em đã sợ là em làm anh tốn nhiều thời gian.”

“Đó là cái cách giết thời gian mà anh thích nhất. Em cũng biết như vậy, đúng không? Những cuộc gặp gỡ này rất thú vị đối với anh và anh hy vọng em cũng cảm thấy thế.”

“Cho phép em nói thẳng nhé. Anh có động cơ của mình và có thể là anh đã phí thời gian.”

“Động cơ của anh là lạc thú. Anh tìm thấy nó và đó không phải là sự lãng phí thời gian.”

Tôi im lặng. thật khó mà chấp nhận sự thật là anh đã không nói điều đó…một cách dễ lọt tai hơn.

“Sao em có vẻ trầm ngâm làm vậy?”

“Em đang nghĩ về nhà.”

“Anh không cho phép điều đó xảy ra. Ngày mai em muốn đi đâu nào?”

“Ngày mai em phải chuẩn bị quay về nhà.”

“Xin em hãy ở lại. Thử nghĩ coi anh sẽ trống vắng ra sao nếu em rời khỏi đây.”

“Em cho là anh sẽ mau chóng tìm được đối tượng khác để tiêu sầu.”

“Đó là điều em nghĩ…anh đến với em chỉ để giải trí thôi ư?”

“Không. Đó là điều không có trong dự định của em.”

“Em biết tình cảm của anh dành cho em mà.”

“Anh đã làm cho nó trở nên đơn giản.”

“Em có thích những cuộc đi chơi của chúng ta không?”

“Đó là những ngày vui sướng nhất.”

“Em sẽ bỏ phí nếu em ra đi.”

“Đúng thế. Nhưng em có công việc ở London. Sẽ có rất nhiều chuyện phải làm.”

“Và rồi em sẽ quên anh ngay.”

“Em sẽ nghĩ đến anh, chắc thế.”

Anh cầm tay tôi. “Tại sao em lại sợ hãi thế?”

“Sợ ư? Em mà sợ?”

“Phải. Sợ hãi…Em sợ không dám để cho anh đến gần.”

“Em nghĩ có thể là do em khác với hầu hết những người phụ nữ mà anh quen biết.”

“Đúng thế. Và đó là một trong những điểm mà anh cảm thấy hết sức cuốn hút..”

“Vì thế mà em đã không hành động như anh có thể chờ đợi.”

“Làm sao em biết được mong muốn của anh?”

“Em đã nhận ra cái cách sống mà anh theo đuổi.”

“Em biết về anh rõ ràng đến thế sao?”

“Em nghĩ em hiểu anh đủ để rút ra một vài điều.”

Anh xiết chặt cánh tay tôi. “Đừng đi, xin em đừng đi. Hãy để cho chúng ta có thời gian biết về nhau rõ hơn…”

Tôi biết anh đang đề nghị điều gì và lấy làm xấu hổ phải thú nhận là nó có một sức cám dỗ khó tả. tôi giận dữ giật tay ra. Một cuộc tình ư? Chắc là có những pha hấp dẫn, gợi tình và cuồng nhiệt…cho đến lúc nó bốc cháy thành tro. Một cuộc phiêu lưu như vậy không dành cho tôi. Tôi cần một mối quan hệ lâu dài, bền vững. Một vài tuần…có lẽ là một vài tháng say đắm…không thể thay thế cho tình yêu.

Có thể anh đề nghị lấy tôi? Nếu có thế thì tôi cũng cảm thấy do dự. Lý trí nhắc nhở tôi rằng tôi cần phải cân nhắc một cách lạnh lùng trước khi dấn sau vào bất cứ mối quan hệ nào với anh. Nhưng tất nhiên là anh không nghĩ đến chuyện cưới xin. Anh đã lấy vợ một lần vì lợi ích của dòng tộc và bây giờ anh chỉ cần tự do…không có bất cứ một sự vướng bận nào. Anh có một tài sản kếch sù và một lịch sử gia đình vẻ vang hùng mạnh. Anh phải thực hiện nghĩa vụ đối với Carsonne. Không có cưới xin gì hết. anh cần tự do.

Tại sao tôi lại để anh đi quá xa như vậy? Tại sao tôi lại cho phép mình có quá nhiều cảm xúc trong chuyện này? Tôi sợ rằng bản thân mình đã để anh lôi kéo đi quá xa. Tôi ngắm nhìn con chim công đực đang vênh vang tự hào, khoe bộ lông rực rỡ của mình với vẻ dương dương tự đắc trong lúc con chim cái bé nhỏ xám xịt bị nó bỏ lại phía sau.

Một cách nào đó cảnh này tiếp cho tôi sức mạnh. Không bao giờ. Không bao giờ. Tôi tự nhủ.

Tôi đứng lên, lạnh lùng nói. “Em nghĩ đã đến lúc đi về rồi.”