Mở To Đôi Mắt Xinh Đẹp Của Em

Chương 18: Las Vegas, nơi tình yêu thăng hoa




Những ngày đầu tháng ba, hơi lạnh mùa đông vẫn còn vương vất khắp các đường phố Bắc Mĩ. Cả đêm qua, Tuyết Nhung hầu như không chợp mắt. Từ sau khi gửi thư cho Lancer, lúc nào lòng cô cũng ngổn ngang trăm mối suy tư. Đã có lúc cô hối hận tự hỏi liệu tâm sự những chuyện đau lòng của mình và gia đình với Lancer có phải là việc làm đúng đắn? Dù sao anh ấy cũng là một người ngoại quốc, hơn thế nữa môi trường sống của anh lại hoàn toàn khác cô, liệu anh có thể chấp nhận một người con gái có hoàn cảnh thê thảm như cô hay không? Lúc này, Tuyết Nhung nghĩ, lẽ ra cô không nên gửi bức thư đó cho Lancer, mà cứ tiếp tục sống những tháng ngày yên bình trên mảnh đất Hoa Kỳ mơ ước này. Tại sao cô lại để bức màn đen tối của quá khứ ám ảnh cuộc sống mới tốt đẹp của mình? Lancer sẽ phản ứng thế nào đây? Anh ấy liệu có đủ nhẫn nại để đọc hết bức thư dài dằng dặc đó hay không? Sau khi đọc xong, anh ấy sẽ nghĩ thế nào, sẽ trân trọng cô hơn hay sẽ cho rằng phụ nữ Trung Quốc đều là những sinh vật kỳ quái?

Rồi Tuyết Nhung lại tự hỏi không biết Lancer có đến sân bay hay không? Hay là anh ấy sẽ dừng bước tại đây? Mong rằng chuyện đó sẽ không xảy ra. Lancer là một người lạc quan và can đảm, nếu anh ấy yêu cô thật lòng thì khi đọc thư xong nhất định sẽ hiểu lòng cô. Bức thư đó rất dài, nhưng chỉ để thổ lộ một điều duy nhất: Tình cảm cô dành cho anh là nghiêm túc và chân thành, khi cô đi với anh có nghĩa là cô đã tự nguyện giao cả cuộc đời mình cho anh. Cô không muốn sống cuộc đời bi kịch như những người phụ nữ trong gia đình mình, để rồi lại bị đàn ông phản bội, ruồng bỏ và chà đạp. Khi trải lòng với anh về những chuyện trong quá khứ, cô chỉ muốn anh chịu trách nhiệm đưa cô đi tiếp quãng đường tương lai. Đó chính là mong muốn trong sâu thẳm trái tim của những người phụ nữ Trung Quốc: “Anh thật lòng yêu em, có thể, em thật lòng yêu anh, cũng có thể. Nhưng muốn em đi cùng anh suốt cuộc đời thì anh phải dắt tay em cùng tiến lên phía trước. Như những đôi tình nhân Trung Quốc bao đời nay đã từng hứa, anh phải hứa với em rằng: sẽ cùng đồng cam cộng khổ, chia ngọt sẻ bùi, sống bên nhau đến đầu bạc răng long, mãi mãi không lìa xa”. Mặc dù đây là cảnh giới cao nhất của một cuộc hôn nhân hạnh phúc, và trên thực tế có vô số người đàn ông không thể làm được điều đó, nhưng nếu anh là Lancer của cô, là người con trai tốt bụng mà cô yêu tha thiết thì nhất định sẽ làm được.

Ngày 30 tháng ba, sáng sớm.

Sau khi sắp xếp xong hành lý, Tuyết Nhung bước ra cửa. Trước khi ra khỏi phòng, cô nán lại, chăm chú nhìn người con gái đối diện với mình trong gương. Thời tiết hanh khô của mùa đông thường khiến các cô gái phải bôi rất nhiều son dưỡng môi, nhưng Tuyết Nhung thì không. Dù vậy môi cô vẫn căng mọng và tràn đầy sức sống. Sau một đêm mất ngủ, mí mắt cô đã sụp xuống, chỉ còn lại một đường mờ mờ trên bọng mắt. Nhìn vào đôi mắt lờ đờ đó, cô cũng không hiểu mình đang vui hay đang buồn. Lúc này, lòng Tuyết Nhung bỗng dâng lên một nỗi xót xa vô hạn. Cô lẩm bẩm: “Mẹ, khi trở về từ Las Vegas, con sẽ không còn là con gái nữa, mà đã là một người đàn bà. Mẹ ơi, hãy nói cho con biết, liệu quyết định này của con có đúng hay không? Phải làm sao con mới có thể nhình thấy hết được những con đường mà con phải đi qua hả mẹ?” Những con đường đó, đã có lúc, chúng đã hiện ra trước mặt cô, nhưng rồi lại biến mất. Nhưng Tuyết Nhung còn có thể rút lui được nữa không? Không, bất luận thế nào, cô cũng phải giữ đúng lời hứa của mình. Cô phải đến sân bay và chờ đợi số phận đưa ra phán xét cuối cùng.

Tuyết Nhung đến sân bay trước nửa tiếng. Tại sao Tuyết Nhung lại làm vậy? Bản thân cô thực sự cũng không biết. Cô mua một tách cà phê ở phòng chờ, sau đó kéo hành lý đến ngồi gần cửa soát vé của chuyến bay đi Las Vegas. Trong lúc chờ đợi, không biết làm gì, Tuyết Nhung ngồi nghịch chiếc đồng hồ màu hồng phấn đeo trên tay. Đó là món quà sinh nhật mẹ tặng khi cô mười sáu tuổi, một chiếc đồng hồ hiệu “Hello Kitty” - nhãn hiệu mà cô thích nhất. Mặt đồng hồ gắn hình chiếc đầu nhỏ xinh của chú mèo Kitty. Mỗi khi kim giây nhích thêm một chút, chiếc đầu đó lại lắc lư, trông đáng yêu vô cùng. Hồi nhỏ, cô rất yêu quý chiếc đồng hồ này. Chiếc đồng hồ mua đã lâu, nên dây đeo màu hồng đã dần ngả sang đen, nhưng Tuyết Nhung vẫn không nỡ vứt đi. Đó là món quà của mẹ cô, là tình thương mà mẹ dành cho cô. Và chính lúc này đây, món quà này lại tiếp tục cùng cô bước qua thời khắc quan trọng nhất của đời người.

Sắp đến giờ lên máy bay, cổng soát vé vốn lạnh lẽo, vắng vẻ giờ bỗng chật ních người. Tuyết Nhung ngồi im trên ghế, bất giác đưa mắt nhìn vào dòng người đông đúc, tìm kiếm một bóng hình. Không có, Lancer chưa đến, cô nhìn thêm lần nữa, nhưng anh vẫn không xuất hiện. Lúc này, những vị khách ngồi bên cạnh cô đều đã đứng cả dậy, chầm chậm di chuyển về phía cửa, rồi xếp thành hai hàng ngay ngắn chờ đến lượt soát vé.

Lancer vẫn chưa đến.

Bắt đầu soát vé. Dòng người từ từ nhích lên trước. Anh ấy vẫn chưa xuất hiện. Tuyết Nhung thấy mắt mình ươn ướt. Cô vội cúi đầu xuống, nhưng không ngăn được những dòng lệ trào ra khỏi khóe mắt… Tí tách… tí tách…

Bỗng nhiên, từ phía sau một vòng tay ấm áp và mạnh mẽ siết chặt lấy cô. Cô vội ngoảnh đầu lại, đó chính là Lancer.

Anh ôm cô chặt hơn, rồi thốt lên từng câu từng chữ thật rành rọt và tha thiết: “Em viết một bức thư dài như vậy chỉ để xác minh anh có thật lòng với em hay không, vậy thì anh cũng có cách riêng để kiểm chứng tình cảm mà em dành cho anh, đó là chờ em rơi lệ vì anh. Bây giờ anh đã nhìn thấy những giọt nước mắt đó rồi. Em yêu à, giờ em không cần phải nói gì cả, chúng ta mau lên máy bay thôi!”

Nói đoạn, Lancer nhét vào tay Tuyết Nhung một thứ gì đó, rồi vội kéo cô đến cửa soát vé.

Sự xuất hiện của hai người khiến mấy cô tiếp viên hàng không đang đứng soát vé gần đó cứ ngây ra nhìn, mọi cử động đều ngừng lại như bị đóng băng. Thậm chí người phụ nữ da đen đứng tuổi nãy giờ vẫn làm việc như một chiếc máy bên màn hình máy tính cũng hướng mắt về phía Lancer và Tuyết Nhung, mà chính xác hơn là nhìn vào vật Lancer cầm trong tay. Tuyết Nhung đưa mắt nhìn theo ánh mắt người phụ nữ da đen nọ, mới biết thứ thu hút mọi ánh nhìn đó là gì? Đó là một chiếc gối, một chiếc gối vô cùng độc đáo. Trên gối vẽ hình một cậu bé theo kiểu hoạt hình. Nét vẽ đơn giản nhưng hết sức ngộ nghĩnh và đáng yêu. Tay cậu bé đang cầm một chiếc ống nói, đặt lên miệng. Từ trong ống nói, âm thanh phát ra tựa như những làn sóng uốn lượn, những nốt nhạc phía trên như muôn vàn trái tim hồng xinh vui vẻ nhảy nhót.

Chẳng đợi Tuyết Nhung kịp hiểu chuyện gì đang xảy ra, đám người nọ lại chuyển hướng nhìn, chỉ vào vật gì đó trong tay cô, rồi hét ầm lên. Lúc này, Tuyết Nhung mới phát hiện ra, thứ Lancer nhét vào tay cô cũng là một chiếc gối, hơn nữa kiểu dáng còn giống hệt chiếc gối của Lancer. Điểm khác duy nhất là hình vẽ một cô bé cầm túi, đang đặt tay lên đầu gối, cúi người lắng nghe những âm thanh phát ra từ chiếc ống nói của cậu bé nọ. Dưới những sóng âm thanh uốn lượn là một hàng chữ nguệch ngoạc đáng yêu: “Cậu thật xinh đẹp… trong mắt tớ!”, khiến hai má cô bé ửng hồng.

“A, đó là gối đôi đó!”, “Ôi chao, lãng mạn thật đó!” Xung quanh vẫn rộn lên những tiếng reo hò. Lancer bỗng dưng nói lớn: “Chắc là mọi người sẽ không khó chịu khi chúng tôi tựa đầu vào gối tâm sự với nhau trên máy bay chứ!” Vậy là một tràng cười lại rộ lên. Tuyết Nhung xấu hổ, tay ôm chặt gối, lao người qua cửa, rồi cứ thế cắm đầu chạy về phía trước. Còn Lancer thì vừa giơ gối lên cao, vừa la hét om sòm, chạy theo sau. Những người không quen biết họ, khi chứng kiến cảnh tượng hài hước này đều phải thốt lên rằng: chẳng có gì sánh được với tuổi trẻ và tình yêu, thật lãng mạn, thật ngưỡng mộ quá đi mất!

Chuyện của Lancer và Tuyết Nhung thu hút sự chú ý của bạn bè trên mạng, mà nói đúng hơn là các fan của họ. Mọi người tò mò không biết hai người sẽ nói gì và làm gì trên máy bay? Tuy nhiên, Tuyết Nhung vốn là người vô cùng kín đáo, nên họ chỉ khai thác được vài phân đoạn vụn vặt của toàn bộ câu chuyện giữa hai người thông qua Lancer.

Trong đó, có một chuyện như sau: Lancer ân cần kê gối cho Tuyết Nhung dựa đầu, rồi sau đó ngọt ngào nói: “Anh nghĩ chắc em đã mệt lắm khi phải viết một bức thư dài đến thế. Thế nên em yêu, em hãy tựa đầu lên chiếc gối đầy ắp yêu thương này và nghỉ ngơi đi nhé. Anh sẽ tựa đầu lên chiếc gối còn lại, im lặng ngắm nhìn khuôn mặt đang ngủ xinh đẹp của em. Anh sẽ mãi mãi ở bên che chở bảo vệ em. Em yêu, từ giờ trở đi, em có thể ngủ một cách vô tư, tỉnh dậy một cách vô tư, yêu một cách vô tư, mà không cần phải lo lắng ưu tư gì cả. Em à, em hãy sống với chính con người mà em mong muốn nhé!”

Chiếc máy bay đong đầy yêu thương từ từ đáp xuống Las Vegas trong một buổi chiều rực nắng. Tuyết Nhung và Lancer dắt tay nhau bước ra khỏi sân bay. Song, phản ứng ban đầu của Tuyết Nhung không giống như đa số khách du lịch khác, thường kinh ngạc và kích động khi nhìn thấy những chiếc máy chơi may rủi được đặt khắp nơi, xếp hàng dài ngay ngắn như một binh đoàn hoan hỉ chào mừng bạn đến với Las Vegas. Chỉ khi cùng Lancer ngồi trên taxi vào trung tâm của thành phố nổi tiếng xa hoa bậc nhất này, cô mới thấy mình như đang lạc vào một hành tinh khác. Hai bên đường, những hàng cọ cao vút, điệu đà tỏa bóng xuống đường phố. Trên vỉa hè, khách du lịch nhàn nhã đi bộ dưới bóng cây. Nhìn họ, cô có thể hiểu Las Vegas là điểm đến của mọi tầng lớp, mọi màu da. Do thời tiết ở đây nóng và ẩm ướt, nên đa số nam giới đều mặc những bộ cánh mùa hè sặc sỡ, còn các bà các chị lại chọn cho mình những bộ váy mát mẻ, hở vai và lưng. Dù là nam hay nữ, trên môi họ luôn nở nụ cười vừa hồn nhiên, vừa ngây ngô đến khó hiểu. Nói chung, ở đâu trên đường phố Las Vegas này bạn cũng có thể nghe thấy những tiếng cười khanh khách ngả ngớn vang lên không dứt.

Nhưng, chẳng lâu sau, Tuyết Nhung liền phát hiện đám người đó chẳng hề thú vị bằng những thứ lạ lùng và cổ quái đang vẫy chào cô ở hai bên đường. Thứ đầu tiên cô nhìn thấy là sòng bạc Vay-nơ nguy nga, đứng sừng sững giữa trời như con mắt của thần Dớt. Những tia sáng lộng lẫy hòa quyện trong màu nắng chiều vàng rực của Las Vegas, tạo nên một tuyệt tác nhân tạo, tô điểm cho trời đất thêm muôn phần tráng lệ. Sau đó, Tuyết Nhung còn nhìn thấy kim tự tháp Ai Cập, tượng nhân sư, nhìn thấy những tòa nhà chọc trời của New York, nhìn thấy cung điện của hoàng đế Xê-đa nằm cạnh tượng nữ thần tự do, thấy tháp Eiffel của Pari, thấy những cây cầu ở Venice với những dòng xe chạy nhanh như gió.

Trước khi đến Las Vegas, Tuyết Nhung đã từng nghĩ, trên thế giới có rất nhiều thành phố nổi tiếng đáng để đi, ví như Pari và London cổ kính, hay New York và Thượng Hải hiện đại phồn hoa. Vậy tại sao có nhiều người lại mê mệt thành phố Las Vegas này đến thế nhỉ? Nhưng khi đặt chân đến đây, Tuyết Nhung đã tìm được câu trả lời. Những thành phố nổi tiếng như Pari hay London có vẻ đẹp độc đáo mang phong cách Châu u, ngược lại New York và Thượng Hải lại là tinh hoa của thế giới hiện đại. Trong khi đó, Las Vegas là sự giao thoa giữa hai vẻ đẹp đó, bản thân thành phố lại nằm giữa một vùng sa mạc nóng bỏng, nên đã hình thành một phong cách riêng biệt cho mình. Nếu dùng một từ tiếng Anh để diễn tả phong cách này, thì đó chính là “glamorous”. Bạn có thể dịch từ này thành “quyến rũ” hay “mê đắm lòng người”. Song Tuyết Nhung thấy dịch như thế vẫn chưa đủ để diễn tả được hết sự cuốn hút kỳ lạ của thành phố tuyệt mĩ này.

Cô thực sự không biết nên dịch từ “glamorous” sao cho chính xác nhất. Là “phồn hoa” ư? Không hẳn. Hay là “lộng lẫy vàng son” chăng? Cũng không phải. Thực ra, cô hiểu sở dĩ mình không thể diễn tả hết ý nghĩa từ “glamorous” là vì ở Trung Quốc không có nơi nào, người nào đạt đến mức được gọi là “glamorous”. Ở đây, bạn không thể dùng tiền bạc và phồn hoa để định nghĩa cho từ “glamorous”. Khi đặt chân lên vùng đất “glamorous” này, con người ta sẽ rũ bỏ chiếc áo khoác bức bối của cuộc sống thường nhật, để chìm đắm trong men say của sự hưởng thụ một cách trần trụi, để mặc sức đuổi theo sức mạnh đồng tiền và những dục vọng buông thả, để tìm thấy khoái lạc trong sự mất mát và tuyệt vọng tột cùng. Ở Las Vegas, sức mạnh của đồng tiền đã vượt qua cả nhân tính và lí trí, cũng vượt lên cả những giá trị văn hóa và đạo đức tồn tại bấy lâu nay. Ở đây, tiền là thượng đế. Las Vegas là thành phố của những linh hồn sa ngã, thành phố của tội lỗi. Song chính vì thế mà nó mới xứng với từ “glamorous”, mới khiến cho những kẻ đến đây có được tất cả những gì mình muốn, mới khiến họ sẵn sàng từ bỏ nhân cách của mình, sống phóng túng để đổi lấy thứ gọi là tự do tinh thần, giải phóng tinh thần một cách triệt để.

“Em yêu, em thấy thế nào?” Sau khi xuống xe, Lancer ôm chặt lấy Tuyết Nhung lém lỉnh hỏi.

“Em thấy như thể mình vừa đi du lịch vòng quanh thế giới vậy”.

“Ha ha ha ha!” Hai người cười vang.

“Nhưng tại sao anh lại chọn đến nơi này?” Tuyết Nhung không giấu nổi sự tò mò.

“Em muốn biết vì sao à?” Lancer nói giọng thần bí: “Đợi đến khi chúng ta nghỉ trăng mật xong, em sẽ có đáp án thôi.”

“Ai nghỉ trăng mật với anh? Anh còn dám nói nhảm nữa thì chết với em!” Tuyết Nhung giơ nắm đấm lên dọa. Lancer vội nhảy sang gốc cọ gần đó, giơ hai tay lên trời hét lớn: “Tôi… yêu… Đinh Tuyết Nhung”.

Hai người họ cứ thế vừa đeo ba lô, vừa đánh đánh đấm đấm đùa giỡn đuổi theo nhau đến trước cửa một khác sạn lớn. Lancer kéo Tuyết Nhung vào, rồi thì thầm khe khẽ vào tai cô: “Đây là khách sạn mà chúng mình sẽ ở. Ở đây, chúng mình sẽ trở thành công tử và quý cô thực thụ.”

“Đây là khách sạn gì vậy? Tại sao anh lại đặt một nơi xa xỉ như thế này chứ?” Tuyết Nhung nhìn về phía chiếc cửa xoay lớn bằng kính, đi vào toàn là những khách ăn vận lộng lẫy sang trọng, có vẻ đều là tầng lớp giàu có. Bên ngoài còn có những phục vụ ăn mặc com-lê đen, lễ độ hướng dẫn khách dừng xe trước cửa khách sạn.

Nghe thấy câu hỏi của Tuyết Nhung, Lancer đứng im tại chỗ, rồi kéo cô đến trước mặt mình nói: “Em yêu à, giờ em hãy nhìn vào mắt anh đi, và để những lời anh nói sau đây khắc sâu trong tim em: Em, là người con gái đầu tiên anh yêu, cũng là người con gái duy nhất anh nguyện ước được cùng tận hưởng những khoảnh khắc xa xỉ và lãng mạn chỉ có một lần trong đời này. Hãy để cho tình yêu nảy mầm từ Mi-chi-gân của chúng ta đơm hoa kết trái trên vùng đất Las Vegas này em nhé!”

Khoảnh khắc đó, Tuyết Nhung chắc chắn được một điều, cô đã không nhìn nhầm người con trai này! Đó chỉ là cảm giác trong tích tắc, nhưng sao mắt cô lại ươn ướt khi nghe những lời anh ấy nói.

“Bellagio” - “Bách nhạc cung”. Tên của sòng bạc này gắn liền với đài phun nước âm nhạc nổi danh khắp thế giới. Trước đây, khi nghe một bài hát của Sara Brightman. Từ đó, Tuyết Nhung đã hoàn toàn bị mê hoặc bởi chất giọng trời phú của cô ấy. Sau này, khi tìm bài hát của Sara trên mạng, cô mới biết bài hát nổi tiếng nhất của cô ấy là “Time to say goodbye”. Đó lại là một trong những bài hát được đài phun nước của sòng bạc Bellagio nổi tiếng này lấy làm nhạc chủ đề. Bây giờ, phàm là những người nghe danh mà đến Las Vegas đều sẽ bị mê đắm bởi những giai điệu du dương trầm bổng, rung động đáy lòng của bài hát này. Trước khi đến đây, Lancer đã từng hứa với Tuyết Nhung sẽ cùng cô nghe nhạc của Sara.

Khi đẩy cửa bước vào thế giới bên trong sòng bạc, Tuyết Nhung lập tức bị phong cách bài trí độc đáo và dữ dội của sảnh tiếp tân làm cho kinh ngạc. Trần sảnh được trang trí bởi vô số những bông hoa thủy tinh sặc sỡ sắc màu, tỏa sáng rực rỡ. Nào là tím sẫm, đỏ, vàng, cam, xanh lá cây… đều đủ cả. Nhưng điểm tinh tế nhất chính là mỗi bông hoa không chỉ có một tầng màu đơn điệu, mà màu sắc như cuộn vào nhau tầng tầng lớp lớp, đậm nhất là phần nhụy hoa, nhạt dần ở cánh hoa rồi đến viền cánh thì trở nên trong suốt.

Càng đáng kinh ngạc hơn là sau mỗi bông hoa thủy tinh, họ còn lắp thêm những bóng đèn với độ sáng tối khác nhau. Nhờ hiệu ứng bức xạ ánh sáng, những bông hoa nhân tạo vô tri vô giác bỗng trở nên sống động như được thổi hồn vào đó, giống như một tác phẩm nghệ thuật, nhưng lại không hẳn là một tác phẩm nghệ thuật, giống như một đóa hoa, nhưng không hẳn là hoa, giống như một thiếu nữ, nhưng cũng không hẳn là thiếu nữ. Chúng mang trong mình một chút cuồng dại, một chút an tịnh, một chút mạnh mẽ, một chút yếu ớt, đan xen vào nhau, tầng tầng lớp lớp. Chúng thích thú nhìn những kẻ đứng dưới, rồi trêu ghẹo họ với vẻ vừa lả lơi vừa duyên dáng.

Tuyết Nhung không thể ngờ trong những công trình kiến trúc có vẻ phù phiếm này lại ẩn giấu những tuyệt tác nghệ thuật giá trị, tinh tế và sống động đến như vậy. Điểm này của Las Vegas cũng giống New York, sức hút của những thành phố như thế này không chỉ nằm ở những tòa nhà chọc trời, những con đường lộng lẫy xa hoa, mà còn ở những dòng sông lâu đời, những bảo tàng “Behind Silk Curtains” và hòn đảo Greenland xinh đẹp.

Rời mắt khỏi những bông hoa thủy tinh, hai người tiếp tục đi đến vườn hoa nằm trong Bellagio. Phía dưới vòm kính được làm bằng thủy tinh trong suốt, vịt trời, hoa dại, cỏ dại, cây dại được làm sống động như thật, phía trên những cánh bướm rực rỡ sắc màu, những cánh chuồn trong suốt đang tung bay như thể rất tự do. Thế giới thực đã được cường điệu hóa khi đưa vào đây, để rồi đã tạo nên một thứ vĩnh hằng: những hình tượng không phải hiện thực, nhưng lại vượt trên cả hiện thực đã khắc sâu vào tâm tưởng của những người được tận mắt ngắm nhìn chúng, mãi mãi để lại những dư âm không thể phai nhòa.

Theo như lời Lancer nói, những gì Tuyết Nhung nhìn thấy chỉ là một góc núi lạnh lẽo trong thế giới ảo của Las Vegas. Anh sẽ dẫn cô từng bước đi vào trái tim văn hóa Mĩ.

Đi dạo hết Bellagio thì thành phố đã lên đèn. Khi còn nhỏ, mỗi lần thầy giáo nhắc đến từ “thành phố sáng đèn” trong bài giảng, Tuyết Nhung lại liên tưởng đến cảnh đêm ven bờ sông Trường Giang và sông Gia Lăng quê cô. Hồi nhỏ, khi thành phố núi Trùng Khánh còn chưa sầm uất như bây giờ, những người dân quê cô luôn tự hào vì cảnh đẹp về đêm ở nơi đây. Mỗi dịp nghỉ lễ hay có bạn bè thân thiết đến thăm, mọi người đều hẹn nhau đến một nơi tương tự như công viên Nga Linh[1] ngày nay. Khi màn đêm dần buông, đứng từ trên cao nhìn xuống, bạn sẽ thấy những ánh đèn lung linh như những vì sao, điểm xuyết lên không gian đêm huyền ảo, mênh mang không bờ bến.

[1] Công viên tư nhân sớm nhất được xây dựng ở Trùng Khánh.

Sau này, Trùng Khánh trở thành thành phố trực thuộc trung ương. Chính phủ lại cho xây dựng thêm những con đường ven sông, từ đó những tòa nhà cao tầng bắt đầu mọc lên như nấm, thắp đèn sáng choang. Những cột sáng sặc sỡ trên tầng cao nhất ở các tòa nhà giao thoa với nhau, phản chiếu xuống lòng sông, tạo nên vô số những hình vẽ và văn tự trôi nổi theo làn sóng nước. Nhiều lúc Tuyết Nhung nghĩ, so với những ánh đèn truyền thống trước đây, thứ ánh sáng hiện đại này liệu có được coi là sự lí giải cho bốn từ “thành phố sáng đèn” hay không nhỉ?

Tuyết Nhung cũng từng đặt chân đến Thượng Hải, và được ngắm nhìn bến Thượng Hải nổi tiếng khắp Trung Quốc. Nếu so với thành phố phồn hoa đô hội này, thành phố núi Trùng Khánh quê cô chỉ là “quạ so với thiên nga”. “Thành phố sáng đèn” bốn chữ đó nên tặng cho thành phố Thượng Hải tráng lệ mới đúng. Nhưng thật tình cờ, khi đến Mĩ, vì phải chuyển máy bay, nên Tuyết Nhung lại có cơ hội được ngắm nhìn thành phố New York từ trên cao. Lúc đó, cô lại thấy những ánh đèn ở khu Ma-hat-than mới xứng với bốn từ “thành phố sáng đèn”.

Không ngờ hôm nay Tuyết Nhung lại cùng Lancer đến Las Vegas. Mặc dù vẻ đẹp của thành phố này vào ban ngày cũng đủ khiến người ta phải lóa mắt, nhưng vẫn chưa đến mức khiến cô phải kinh ngạc tột độ. Nhưng khi Lancer dẫn cô đến nhà hàng Pháp Mix trên tầng thượng khách sạn Mandley Bay, nhìn qua cửa sổ thang máy xuống dưới, Tuyết Nhung đã phải thốt lên kinh ngạc: “Trời đất ơi!”, thì ra “thành phố sáng đèn” thực sự trên thế giới chính là đây! Thành phố mà ban ngày chỉ giống như một tấm bản đồ văn hóa hỗn tạp, giờ như được phục sinh bởi bàn tay ma thuật của những ánh đèn lộng lẫy. Nó trở nên sống động và tinh tế, đâu rồi vẻ phù phiếm và nhộn nhạo của ban ngày, trước mặt Tuyết Nhung giờ chỉ còn lại một thành phố trong mơ huyền ảo và đầy mê hoặc. Nơi đây không chỉ hội tụ ánh đèn của một thành phố, một quốc gia, một nền văn hóa, mà hội tụ ánh đèn của mọi thành phố, mọi quốc gia, mọi nền văn hóa, hội tụ của những gì lộng lẫy nhất, chói lòa nhất, hài hòa nhất và sống động nhất. Nhân loại đã chứng minh được đầu óc thiết kế siêu việt nhất của mình khi màn đêm buông xuống ở Las Vegas. Những ánh đèn thông minh được thiết kế bởi những bộ óc siêu việt đã thu hút được ánh nhìn của cả thế giới, kích thích cảm quan của con người, khiến họ phải ngả mũ bái phục, rồi tâm phục khẩu phục ngoan ngoãn móc tiền từ trong hầu bao, kính cẩn và thành tâm dâng chúng cho thành phố kiều diễm này.

Nếu màn đêm ở Las Vegas có thể khiến bạn phải bàng hoàng kinh ngạc, thì nhà hàng Mix của khách sạn Mandley Bay lại khiến Tuyết Nhung gặp khó khăn khi cố gắng tìm ra một tính từ để miêu tả. Sang trọng ư? Không đúng. Hiện đại ư? Không hẳn vậy. Lộng lẫy? Không chỉ là lộng lẫy. Đẹp ư? Nếu vậy thì cụm từ “xa hoa tráng lệ” liệu có thể diễn tả được hết không nhỉ?

Lancer nói, nhà hàng Mix nằm trong top mười nhà hàng sang trọng và đắt đỏ nhất Las Vegas. Mấy năm trở lại đây, nhà hàng này liên tục đứng đầu danh sách bình chọn các nhà hàng quyền lực nhất của tạp chí du lịch và tạp chí Forbes. So sánh về độ chịu chơi của các nhà hàng ở Las Vegas, Mix luôn là một trong những nhà hàng chơi trội nhất, lịch sự nhất, lãng mạn nhất. Vì thế, Lancer mới chọn nơi đây để cùng Tuyết Nhung thưởng thức bữa tối đầu tiên ở Las Vegas.

Mặc dù Tuyết Nhung đã tìm ra được tính từ chính xác nhất để diễn tả vẻ đẹp của nhà hàng mang phong cách Pháp này, nhưng cô lại cảm thấy có vẻ cụm từ “chơi trội” mà Lancer nhắc đến cũng khá chính xác.

Tính về mức độ “chơi trội” thì Mix là nhà hàng có sảnh ăn hoành tráng nhất mà Tuyết Nhung đã từng thấy. Song, sự độc đáo và khác lạ của nhà hàng này không phụ thuộc vào việc nó cao bao nhiêu, rộng thế nào, vì có lớn đến đâu cũng chẳng thể nào sánh được với nhà ăn của Đại lễ đường nhân dân Trung Quốc. Sự cuốn hút của Mix nằm ở sự bài trí tinh tế và độc đáo của nhà hàng này. Thực sự, không gian ở đây cao rộng bao nhiêu, Tuyết Nhung không thể đoán được. Nhưng sau khi tính toán độ dài của những nhánh đèn chùm treo trên trần, cô nghĩ chiều cao của nhà hàng này chắc chắn là một con số đáng sợ. Mỗi nhánh đèn chùm dài độ 24 inch, được tạo nên bởi vô số bóng đèn nhỏ. Mỗi bóng đèn lại có kích thước khác nhau, vì được thổi thủ công nên rất trong và sáng. Trên trần, những chỗ đèn thủy tinh duyên dáng rủ xuống tựa như những bọt nước nhả ra từ miệng cá, rồi được xâu chuỗi lại bởi chính những chú cá trong suốt tưởng tượng đó. Nếu như nhà hàng Mix chỉ có vài chiếc hay vài chục chiếc đèn chùm như vậy thì chẳng có gì đáng kinh ngạc. Nhưng ở đây có hẳn một dàn đèn chùm lớn, được xâu lại bởi 15 vạn bóng đèn thủy tinh có kích thước to nhỏ khác nhau. Ngoài ra, giữa sảnh còn đặt khoảng hơn chục chiếc bàn ăn vuông vắn, quây lại với nhau thành một vòng tròn vừa vặn. Mặc dù phần trung tâm của vòng tròn này là đoạn ngắn nhất của dàn đèn, nhưng bù lại những quả cầu thủy tinh ở đây lại tỏa ra thứ ánh sáng màu bạc rất đẹp mắt. Khi hướng ánh mắt theo ánh sáng đó ra bên ngoài, bạn sẽ bắt gặp những dây đèn có độ dài đa dạng, thoạt nhìn có vẻ lộn xộn, không có dụng ý, nhưng thực ra lại được sắp xếp rất có quy luật: trên những chiếc bàn ăn ở bên trái, các nhánh đèn sẽ rủ xuống phía sau ghế của thực khách, trong khi đó, tại những chiếc bàn ở bên phải, chúng sẽ treo lơ lửng, cách đầu các thực khách vài mét.

Màu sắc chủ đạo của nhà hàng là màu trắng và màu sữa, sàn được lát bằng đá tự nhiên, loại đá cẩm thạch màu sữa sống động và trang nhã. Khăn trải bàn và khăn ăn đều có màu trắng tinh khiết, chỉ có chân nến đặt trên bàn là có màu đỏ. Màu đỏ vừa lộng lẫy vừa cô đọng, nổi bật giữa màu trắng của chiếc bàn ăn và màu sắc chủ đạo của không gian xung quanh tạo nên một sự tương phản dữ dội. Giống như vẽ rồng điểm mắt, những chiếc chân nến nhỏ bé đã khiến cho nhà hàng vốn nổi tiếng hoa lệ lại càng thêm hoa lệ, vốn nổi tiếng lãng mạn lại càng thêm lãng mạn, và ngập tràn men say của tình yêu.

“Em thích nơi này lắm! Cảm ơn anh nhé!” Khi hai người ngồi vào chiếc bàn dành cho mình, Tuyết Nhung không kìm nén nổi xúc động nói với Lancer.

Lancer đưa tay dịu dàng vuốt những lọn tóc mái lòa xòa trước trán cô, mỉm cười nói: “Thế này thì anh phải ghen mất thôi! Đáng ra em phải thích anh hơn mới đúng chứ!”

Đây chính là Lancer, trong bất cứ hoàn cảnh nào, anh ấy cũng có thể khiến bạn từ buồn thành vui, từ vui thành vui hơn nữa. Tuyết Nhung thầm nghĩ, tại sao ông trời lại tạo nên chàng trai rất biết cách chọc cho người khác vui này kia chứ. Cô cảm thấy mình thật may mắn, thật sự rất may mắn.

Mặc dù nói là nhà hàng Pháp, đầu bếp Pháp nhưng thực đơn lại toàn bằng tiếng Anh. Mặc dù vốn tiếng Anh của Tuyết Nhung không tồi, nhưng đối với một cô gái trẻ mới đến Mĩ chưa đầy một năm như cô, thì những gì viết trong đó có vẻ hơi quá sức. Dù vậy, cô vẫn gọi món khai vị trước theo thói quen của người Mĩ. Món đầu tiên có thể đọc hiểu, đó là sa lát tôm hùm. Cô liếc nhìn sang bảng giá bên trái. Trời, những hai mươi sáu đô kia á! Những món phía sau cô chỉ hiểu lờ mờ, khó khăn lắm mới nhìn thấy tên một món có hai chữ “canh Thái”, có lẽ đó là “món canh được làm theo kiểu Thái” chăng. Cô lại liếc nhìn bảng giá, mười bốn đô, là món rẻ nhất trong số các món khai vị. Được, sẽ gọi món này.

Tiếp đó, Tuyết Nhung lại đưa mắt xuống dưới, nhìn vào danh sách các món chính. Tất cả các món cá đều có giá từ hai mươi chín đến ba mươi sáu đô. Nhìn xuống tí nữa, các món thịt và gà đều có giá xê dịch từ ba mươi tư đến bốn mươi tám đô. Trời ạ! Sao thịt lại còn đắt hơn cả cá. Dù nghĩ thế nào cô cũng vẫn không thể hiểu nổi, đành quay lại với món cá. Xem ra, cô chẳng thể hiểu được những món ăn phức tạp chế biến với cá này. Loay hoay một lúc, cuối cùng cô cũng tìm thấy một từ quen thuộc trong một hàng tên dài dằng dặc - “Rice” - “Cơm”. Sao lại có cơm ở trong món cá này thế nhỉ? Tự dưng, Tuyết Nhung thấy mình thật ngốc nghếch và quê mùa, sự kiêu ngạo vốn có bỗng chốc tiêu tan, như thể bị những con cá to lớn ở vùng đảo Java[2] nuốt chửng mất.

[3] Một đảo ở In-đô-nê-xi-a.

Kệ đi, cứ gọi món “Rice” này vậy. Choáng thật! Món cá với gạo này cũng đến hai mươi chín đô. Thôi được rồi, chỉ cần gọi thêm một món tráng miệng nữa là xong. Nhưng tất cả những món có hai chữ “sô-cô-la” hoặc “bánh ga-tô”[3] đều có giá từ mười đô trở nên.

[3] Hai chữ mà cô có thể hiểu.

Song lúc này, Lancer lại cứ luôn miệng hỏi cô muốn uống rượu gì?

Tuyết Nhung thầm nhẩm tính trong đầu, vị chi tất cả đã là năm mươi ba đô rồi! Lại còn thêm tiền rượu, tiền boa, tiền thuế, trời đất ơi! Chỉ cần ăn vài bữa thế này, thì cô chắc sạt nghiệp mất thôi! Nhưng Tuyết Nhung vẫn thở phào nhẹ nhõm. May mà khi còn ở trên máy bay, cô đã hẹn với Lancer trước, tất cả chi phí của chuyến đi Las Vegas này sẽ được trả bằng số tiền biểu diễn của cô trong tất cả các buổi quyên góp từ thiện sau này mà anh ấy chủ trì. Lúc này, Tuyết Nhung đang mừng thầm trong lòng, cũng may cô còn có chút tài nghệ có thể đem ra làm vật thế chấp, nếu không, chuyến đi Las Vegas lần này… ôi thôi, chẳng dám nghĩ tiếp nữa đâu.

Vậy Lancer thì sao? Anh ấy cũng chỉ là một sinh viên bình thường như cô, lấy đâu ra số tiền lớn như vậy để chi trả cho chuyến đi Las Vegas này? Tuyết Nhung bỗng thấy có gì đó không công bằng. Cô đã nói tất cả bí mật về gia đình mình cho anh biết, vậy mà bây giờ mới phát hiện ra mình thực sự chẳng hiểu gì về người con trai mà cô đã từng nghĩ mình hiểu rất rõ này.

Chẳng bao lâu, món khai vị đã được bưng đến. Tuyết Nhung cầm thìa khuấy vào giữa bát canh màu sữa, rồi nếm thử một miếng. Ngay lập tức, cô liền nhận ra đây là món canh dừa thịt gà bình thường mình vẫn ăn. Ăn xong canh, đợi một lúc thì món chính cũng được bê đến. Giữa chiếc đĩa trắng to chỉ có một nhúm cơm đen đen tượng trưng, một miếng cá bé tí rưới thêm ít nước tương nằm ngất ngưởng bên cạnh như thể để trang trí. Đúng là cũng có cá đấy chứ! Tuyết Nhung cầm dao cắt một miếng ăn thử, trời ạ, cũng chỉ là món cá hồi bình thường thôi mà, mùi vị cũng chẳng khác món cá hồi ở những quán ven đường cạnh trường đại học Middlesex là mấy, đầu bếp Pháp cái gì kia chứ!

Vậy mà bên cạnh cô, Lancer vẫn không tiếc lời khen ngợi, cái gì mà tinh hoa ẩm thực Pháp ngon nhất mà anh ấy từng được ăn. Tuyết Nhung nhịn không nổi, bật cười nói: “Mấy món Âu Mĩ của anh và mấy món em ăn trong nhà ăn sinh viên của trường đại học Mi-chi-gan chẳng khác gì nhau cả. Còn mấy món Âu Mĩ được làm trong mấy tiệm ăn Trung Quốc cạnh trường cũng giống mấy món trong nhà hàng Thiên Nga ở quê em, cái đó gọi là ‘hai con hổ, hai con hổ…’ cái gì nữa ấy nhỉ?” Lancer liền hát tiếp: “Chạy thật nhanh, chạy thật nhanh, môt con không có tai, một con không có đuôi, thật kỳ lạ, thật kỳ lạ!” Hai người vừa hát vừa cười, cười đến mức đau cả bụng.

Sau khi ăn xong, đồ tráng miệng được đưa tới. Lúc này, Lancer cứ đòi gọi hai ly rượu vang sản xuất năm 1947. Anh nhìn đăm đăm ly rượu đỏ, trầm ngâm rất lâu, sau đó đột nhiên ngẩng đầu lên nói với Tuyết Nhung: “Anh biết một cô gái rất nghiêm túc với tình yêu và đàn ông như em nhất định muốn biết về anh khi đã nói cho anh tất cả chuyện của mình. Bây giờ đến lượt anh. Khi so sánh với chuyện mà em đã trải qua, anh thấy vô cùng xấu hổ vì câu chuyện hời hợt của mình. Sau khi uống cạn ly rượu này để có thêm chút can đảm, anh sẽ kể cho em nghe”.

“Anh sinh ra trong một gia đình giàu có. ‘Giàu có’ phải nói hai chữ này thế nào ấy nhỉ? Ý anh muốn nói là khi chúng ta lái xe qua đại lộ trung tâm của Las Vegas, hai bên đường có rất nhiều nơi thuộc sản nghiệp của gia đình anh, vì vậy mọi thứ ở đây anh đều nắm rõ như lòng bàn tay. Ngoài ra ở California, Florida hay Nam California cũng đều có gia nghiệp nhà anh. Song anh lại lớn lên ở New York. Từ nhỏ, anh luôn cảm thấy mình là người vô cùng may mắn và hạnh phúc vì được sống trong nhung lụa, muốn gì được nấy, được ngồi máy bay riêng của gia đình đi du lịch khắp nơi, được vào học những trường chỉ dành cho tầng lớp quý tộc. Anh cũng là một trong những kẻ được đám bạn ngưỡng mộ nhất, và có nhiều con gái đeo bám nhất. Nhưng vào khoảng năm mười bốn tuổi, anh bỗng thấy ngán ngẩm mọi thứ xung quanh mình, và bắt đầu sống buông thả. Nhớ hôm sinh nhật mười bốn tuổi, anh đã lén uống rượu, và chẳng bao lâu sau thì có bạn gái.”

“Em biết không, vì là con trai của một gia đình giàu có như vậy nên anh trở thành đối tượng theo đuổi của tụi con gái, chỉ cần vẫy tay một cái là sẽ có kẻ lao vào anh. Chỉ trong vỏn vẹn một năm, từ mười bốn đến mười lăm tuổi, anh đã có đến sáu cô bạn gái, trong đó có một cô mới được vài ngày đã bị anh bỏ rơi như vứt đi một món rác. Mặc dù nổi tiếng là kẻ lăng nhăng và đểu cáng, nhưng vẫn có không ít con gái chạy theo, sẵn sàng làm bạn gái của anh. Đến năm mười sáu tuổi, anh bắt đầu thấy chán đám con gái, không, phải nói là chán tất cả đàn bà sống quanh mình mới đúng. Anh thấy bọn họ chẳng khác gì lũ ruồi nhặng hay đống rác vứt đi. Anh bắt đầu căm hận bản thân, căm hận tất cả mọi thứ của thế giới này, căm hận sự giàu có. Anh cho rằng căn nguyên khiến cuộc sống của anh rơi xuống vực thẳm là sự giàu có, và tiền bạc chính là thuốc độc. Anh nghĩ nếu mình sinh ra trong một gia đình bình thường như những đứa trẻ khác, thì chắc chắn sẽ lớn lên khỏe mạnh và vui vẻ, sẽ yêu thật lòng, được yêu thật lòng, mà không phải sống giữa những gì giả dối và phù phiếm.”

“Thế rồi, chẳng biết từ lúc nào anh đã hút thuốc phiện. Cuộc sống mỗi ngày một sa đọa của anh khiến cha mẹ sợ hãi và lo lắng, nhưng họ vẫn không nghĩ nguyên nhân khiến anh như vậy chính là sự giàu có, vì hai người anh và cả chị gái của anh vẫn sống rất nghiêm túc, chăm chỉ học hành giống như những cậu ấm cô chiêu khác. Họ đều vào học trường của Ivy League[4], sau khi tốt nghiệp lại về giúp cha anh mở rộng thêm cơ ngơi của gia đình. Họ còn tưởng anh có vấn đề, nên đưa anh đến gặp bác sĩ tâm lý… Nhưng cách đó chẳng có tác dụng gì với anh. Anh hận đến tận xương tận tủy cuộc sống và cách sống này. Sau khi tốt nghiệp cấp ba, anh bỏ nhà ra đi, mang theo một vài thứ giản đơn đến miền Tây, cuối cùng vào học tại trường đại học Mi-chi-gan. Anh từ chối mọi trợ cấp của cha mẹ vì không muốn quay trở về cuộc sống quá khứ trước sự tác động của họ. Anh muốn trở thành một người bình thường nhất, tự do nhất, có thể sống một cuộc sống mà mình mong muốn mà không phải lo lắng gì cả. Anh không muốn lấy tiền bạc ra để chịu trách nhiệm, cũng không muốn mình phải chịu trách nhiệm với những đồng tiền đó”.

[4] Là một liên đoàn bao gồm tám cơ sở giáo dục bậc nhất ở miền Đông Bắc Hoa Kỳ.

“Nhờ vay mượn và làm thêm, anh đã tốt nghiệp được đại học. Ở trường, chẳng ai biết lai lịch của anh, cũng chẳng ai nhìn anh với con mắt khác lạ. Anh được sống cuộc sống bận rộn và đầy đủ như biết bao chàng trai khác. Đó là những tháng ngày vui vẻ nhất của anh, khoảng thời gian mà anh có thể cảm nhận được vị ngọt ngào của sự chiến thắng sau khi đã nỗ lực hết mình. Anh học về xây dựng, chẳng dính dáng gì đến nghiệp gia đình, nhưng chính vì thế càng thêm say mê. Mỗi lần thi cử, mỗi lần đạt thành tích cao, anh lại có cảm giác mình đã tiến thêm được một bước nữa trong cuộc đời. Mỗi khi bưng đĩa lên gặm miếng sandwich được mua bởi chính những đồng tiền mình đổ mồ hôi công sức làm ra, lòng anh xúc động muốn rơi nước mắt. Và sau đó, anh lại cảm thấy hạnh phúc, ngọt ngào, thấy mình tồn tại có ý nghĩa.”

“Khi học hết năm thứ tư, bà ngoại là người yêu thương anh nhất qua đời. Khi còn sống, bà có một trường đua ngựa vô cùng nổi tiếng ở phía Nam Florida. Trước lúc mất, bà đã bán trường đua này đi, rồi để toàn bộ số tiền bán được dưới tên anh, quy định đến năm anh hai tư tuổi sẽ được sử dụng. Mặc dù đang bắt tay vào nghiên cứu, và cũng đã qua hai tư tuổi, thậm chí đã tròn hai lăm tuổi, nhưng anh chưa từng động đến một đồng trong số tiền đó. Lần đến Las Vegas này là lần đầu tiên anh sử dụng đến nó. Anh nghĩ có lẽ đó là ý Chúa, Chúa đã ban cho anh khả năng này, để anh có thể cùng người con gái mình yêu nhất đời trải qua những khoảnh khắc đẹp đẽ nhất ở nơi đây. Anh nghĩ, lúc này, trên thiên đường, bà ngoại cũng đang mỉm cười hiền từ nhìn chúng ta”.

Lặng lẽ nghe câu chuyện của Lancer, trong đầu Tuyết Nhung cũng đang tự kể lại một câu chuyện khác, đó là chuyện về anh thợ săn Hải Lực Bố[5]. Một ngày nọ, Hải Lực Bố đi săn trong rừng, bỗng nhiên thấy chim chóc sợ hãi bay ra khỏi tổ, các loài động vật trong rừng cũng bỏ chạy toán loạn. Anh thợ săn Hải Lực Bố hoàn toàn không hiểu chuyện gì đang xảy ra nên vội vã hỏi một chú chim tốt bụng. Chú chim nọ bèn nói: “Hải Lực Bố, anh cũng mau chạy đi, cơn đại hồng thủy sắp tràn đến đây rồi, tất cả nơi đây trong chốc lát sẽ bị nhấn chìm hết.” Hải Lực Bố thấy vậy liền nói: “Người trong thôn tôi vẫn chưa biết có cơn đại hồng thủy này, tôi phải quay về nói với họ đã.” Chú chim nhỏ nói: “Hải Lực Bố, tin này ngoài anh ra, không được nói cho ai biết cả, nếu nói cho họ thì anh sẽ biến thành tượng đá đấy! Đừng ngốc nghếch nữa, mau mau chạy theo chúng tôi đi!”

[5] Một câu chuyện dân gian của Mông Cổ.

Nhưng Hải Lực Bố vẫn chạy về hướng ngược lại với chú chim: Anh phải đi cứu những người thân ở trong làng! Khi chạy về đến làng, anh liền hét lớn với tất cả dân làng: “Cơn đại hồng thủy sắp đến rồi! Mọi người mau chạy đi!” Đúng lúc mọi người đang nháo nhào bỏ chạy, hai chân Hải Lực Bố bắt đầu tê cóng và cứng lại. Anh không thể nhích chân nổi, dù chỉ một bước, nhưng vẫn cố gắng dùng toàn bộ sức lực cuối cùng của mình hét lên: “Cơn đại hồng thủy sắp đến rồi, mọi người mau mau chạy đi!” Cứ hét thêm một câu thì một bộ phận trên người anh lại biến thành đá, đầu tiên là chân, rồi đến eo, rồi đến ngực. Giọng nói của anh mỗi lúc một nhỏ dần, nhỏ dần rồi cuối cùng im bặt… Cả người Hải Lực Bố đã cứng đơ như đá. Cuối cùng, anh bị nhấn chìm bởi dòng nước lũ tàn ác, trong khi những người khác lại được cứu sống.

Lúc này, cảm giác hoang mang tột độ đã xâm chiếm toàn bộ tâm trí của Tuyết Nhung. Cô cảm thấy như có một giọng nói nào đó văng vẳng bên tai mình: “Cơn đại hồng thủy đã đến rồi, mau mau chạy thôi!” Song cô lại đứng ngây ra như tượng đá, không nhúc nhích nổi.

Tuyết Nhung cứ đứng im bất động như thế.

Từ nhỏ đến lớn, Tuyết Nhung cũng giống như biết bao cô gái khác, mơ ước một ngày mình sẽ trở thành cô bé Lọ Lem, và gặp được chàng hoàng tử bạch mã của mình. Lần đầu tiên tham gia lễ hội khiêu vũ từ thiện, cô cảm thấy giấc mơ của mình đã thành hiện thực. Lancer chính là Darcy còn cô là Elizabeth[6]. Sau đó, tại nhà hàng Red Lobster, anh ấy đã trở thành chàng hoàng tử bạch mã đích thực của Tuyết Nhung, khiến cho giấc mơ đẹp của cô lại càng đến gần hiện thực. Song giờ đây, khi màu sắc cổ tích đã bị xóa nhòa, khi hiện thực cuộc sống nghiệt ngã đã đi đến trước mặt cô như một tên quỷ ngang ngược và hống hách, Tuyết Nhung mới hiểu ra rằng thế giới trong mơ và hiện thực không thể là một. Cô bé Lọ Lem và bạch mã hoàng tử mãi mãi chỉ là một câu chuyện cổ tích đẹp đẽ. Còn trong hiện thực cuộc sống, cô tuyệt đối không nên là một cô bé Lọ Lem nhem nhuốc tội nghiệp, ngốc nghếch chờ đợi hoàng tử bạch mã đến thay đổi số phận của mình.

[6] Đôi tình nhân trong “Kiêu hãnh và định kiến” của nhà văn Anh Jane Austen.

Cô không thể ngờ chàng trai người Mĩ bình thường đang đứng trước mặt cô lại là một công tử đã từng sống buông thả, ăn chơi trác táng. Nhưng điều làm cô tức giận nhất chính là gia thế giàu có của anh ấy. Chẳng phải Lancer chính là “nhị thiếu gia”, “tam thiếu gia” gì gì đó mà người ta vẫn nhắc đến sao? Qua lại với những kẻ có gia thế như thế này quả là chuyện quá đỗi nguy hiểm. Mặc dù, bây giờ Lancer đã ăn năn hối cải, quay đầu làm lại. Nhưng dòng máu ăn chơi đã ngấm sâu trong người anh ấy, chẳng qua anh ấy chỉ đang tạm thời trấn áp bản chất của mình, biết đâu một ngày nào đó nó lại phát tác thì sao? Tuyết Nhung vốn nghĩ tình yêu giữa cô và Lancer cũng bình thường như bao tình yêu khác. Mặc dù, anh ấy đẹp trai đến hoàn hảo, nhưng nhìn chung những chàng trai Mĩ có vẻ đẹp giống anh ấy không thiếu. Cho dù đó là một anh thợ điện, một người lái xe tải, một nhân viên bán hàng, chỉ cần khoác lên người bộ com lê, thắt thêm một chiếc cà vạt là sẽ trở thành những anh chàng cao to đẹp trai. Người da trắng bọn họ là thế, đẹp như Lancer chẳng hiếm gặp. Còn so với con gái Trung Quốc, Tuyết Nhung cũng được liệt vào hàng xinh đẹp. Xét về tài sắc, cô hoàn toàn có thể tự tin vào bản thân mình. Cô và Lancer quả là một đôi kim đồng ngọc nữ xứng đôi vừa lứa.

Song sự cân xứng đó, sự cân xứng mà Tuyết Nhung âm thầm tạo dựng nên trong sâu thẳm trái tim mình giờ đây đã hoàn toàn bị phá vỡ. Lancer bỗng chốc biến thành một hoàng tử bạch mã đích thực. Nếu so sánh với anh ấy, cô chính xác là một cô bé Lọ Lem bằng xương bằng thịt. Thật là mỉa mai thay! Cô không có nhà, không có người thân, không có tiền. Thậm chí ngay cả tư cách lưu lại lâu ở quốc gia này và một công việc tử tế cô cũng không có. Cô không phải là cô bé Lọ Lem thì còn có thể là ai được nữa.

Dù vậy, Tuyết Nhung tuyệt đối không cho phép mình là một cô bé Lọ Lem nhem nhuốc.

Khi còn ở Trung Quốc, vì đau ốm liên miên nên mẹ cô không thể nhận dạy thêm tiếng Anh nhiều như các giáo viên khác. Ngoài ra, bà còn để ra một phần lớn trong tiền lương của mình để dành dụm làm phí du học cho Tuyết Nhung sau này, và nộp tiền học đàn cho cô. Chính vì thế mà mẹ con cô luôn sống trong nghèo khổ, và phải chạy ăn từng bữa. Nhưng dù thế nào đi nữa, Tuyết Nhung vẫn không thấy mình giống cô bé Lọ Lem, và thua kém người ta. Cô luôn đứng thẳng người, ngẩng cao đầu, nhìn lũ công tử nhà giàu theo đuổi mình bằng nửa con mắt. Rồi khi đến Mĩ, cô lại là kẻ rách nát nhất trong số những lưu học sinh Trung Quốc ở đây. Tuy nhiên, Tuyết Nhung vẫn không thấy mình là cô bé Lọ Lem hèn mọn và kém cỏi. Cô luôn tin rằng, sự nghèo đói và khó khăn chỉ là tạm thời, cô có thể thay đổi bằng sự nỗ lực của mình, tại sao lại phải dựa dẫm vào một kẻ có tiền, để anh ta dùng tiền biến mình từ cô bé Lọ Lem thành công chúa cao quý chỉ sau một đêm? Tại sao lại phải đi đôi giày thủy tinh của đàn ông? Tại sao phải nhọc lòng chờ đợi kỳ tích xảy ra? Tại sao phải nhờ bọn họ thay đổi số phận của mình? Cô, Đinh Tuyết Nhung, không bao giờ tin vào người khác và sức mạnh từ bên ngoài. Cô chỉ tin vào sức mạnh của chính mình.

Song, giờ đây, dường như số phận lại đang trêu ngươi Tuyết Nhung, để “giấc mộng đẹp” đó trở thành hiện thực. Chỉ trong tích tắc, cô đã biến thành cô bé Lọ Lem may mắn chỉ có trong thế giới cổ tích.

Nhìn Tuyết Nhung đứng ngây ra như tượng gỗ, Lancer thực sự không biết phải nói gì. Anh chỉ ngồi lặng lẽ nhấp từng ngụm rượu vang. Khi đã uống cạn giọt rượu cuối cùng, anh nắm lấy tay cô, buồn bã nói: “Anh biết em sẽ phản ứng thế này, vì thế anh mới không dám nói thân phận của mình cho em biết. Anh rất sợ mất em.” Anh dừng lại một lúc nhìn sang bên cạnh rồi nói tiếp: “Mỗi người trong chúng ta đều không thể tự chọn cha mẹ và gia đình cho mình đúng không? Anh không thể rũ bỏ hết những chuyện trong quá khứ của mình, cũng không thể cắt đứt mối liên hệ với gia đình mình. Mặc dù anh đã cố gắng hết sức để làm, nhưng anh phải thừa nhận gia đình và quá khứ có ảnh hưởng không nhỏ đến anh. Có những thứ không phải cứ dùng lí trí là có thể thay đổi được. Nhưng anh nghĩ, chỉ cần hai đứa chúng mình yêu thương nhau thì sẽ không có vấn đề gì, đúng không em?”

Lúc này, Tuyết Nhung không còn tâm trí để trả lời bất kỳ câu hỏi nào của anh. Đầu óc cô vừa trống rỗng, vừa bức bối như thể bị nhét đầy bởi một thứ gì đó. Trước mắt cô lúc lại hiện lên cảnh tượng phóng túng của Lancer với một người phụ nữ khác, lúc lại lập lờ hình ảnh anh khúm núm sợ sệt khi đứng trước cha mẹ, anh chị. Người con trai này không đơn thuần như những gì anh ta thể hiện. Quá khứ của anh ta quá phức tạp. Vì thế, tương lai nếu sống cùng anh ta sẽ rất đáng sợ. Càng nghĩ, trái tim cô càng thêm lạnh lẽo, lạnh như thể sắp đóng băng.

Khi Lancer nắm tay cô lần nữa, Tuyết Nhung liền rụt tay lại, rồi lẩm bầm: “Em muốn về nhà”.