Mi Ngôn

Chương 11: Đàn ông cặn bã thì ai cũng phải diệt trừ




Ma Xuyên lấy một bộ đồ thường cho tôi, trên đó có một mùi gỗ rất thơm, giống như vừa lấy ra khỏi cái hòm cây chương vậy.

Vì hắn cao hơn tôi nên ống quần dài hơn một khúc, tôi bèn gấp nó lên một chút. Áo len cũng cực kì rộng giống vậy, cổ áo hơi rộng nhưng may mà còn áo khoác bên ngoài che lại.

Ngoại trừ quần áo thì hắn còn lấy thêm một cái khăn, một đôi tất cho tôi. Thậm chí bao bì của hai món này của chưa mở ra, đều mới cả.

Trừ đồ lót ra thì những thứ có thể đưa được hắn đều đưa cả rồi, suy nghĩ cũng rất chu đáo.

Thay đồ xong thì tôi nhét quần áo bẩn lại vào trong túi, cố nhịn tiết trời lạnh đi ra khỏi phòng tắm.

Tất cả khẩu phần ăn mỗi ngày của Tần Già đều là đồ chay của thôn dân dưới núi luân phiên chuẩn bị, Lê Ương đi về còn lấy thêm được một phần ăn nữa. Nhiêu đây phần bốn người ăn thì cũng miễn cưỡng là đủ, chỉ có cơm là hơi ít một chút. Nghiêm Sơ Văn dứt khoát đi qua làm món cơm khác luôn, đổ hai chén cơm vào chảo xong rồi xào thành một đĩa cơm chiên trứng thơm phức.

Bình thường thì Ma Xuyên đều dùng cơm một mình trong chủ điện, Lê Ương thì dùng cơm trong gác nhỏ. Hôm nay đông người nên mọi người bèn ăn chung luôn ở dưới gác nhỏ.

Cách bày trí trong gác nhỏ ngập tràn phong cách Tằng Lộc, trên ghế sofa hình chữ L phủ đầy lớp thảm lông cừu đầy màu sắc, bàn đặt kế lò sưởi, ống khói thì thông thẳng lên nóc nhà. Bức tường kế bên cầu thang bày đầy các ảnh chụp và bài vị của các ngôn quan đời trước, bên dưới có đốt đèn bơ và cả hoa tươi, trái cây được thờ cúng thường năm.

"Lo nhìn cơm của mình đi, đừng nhìn thầy." Mọi người đang ngồi vây quanh bàn ăn cơm thì Ma Xuyên đột nhiên mở lời nói.

Mấy người trên bàn ăn đều cùng dừng đũa lại nhìn về phía hắn, tôi nhướn mày một cái theo bản năng định nói ai nhìn anh thì đã nghe Lê Ương ngồi bên cạnh bảo: "Tại con vui quá, hôm nay Tần Già ăn được nhiều ghê."

Được lắm, hoá ra là tên nhóc này đang nhìn trộm.

Tôi gắp một miếng rau xanh, thuận miệng hỏi: "Lê Ương bảo khẩu vị của anh không tốt, ăn nhầm đồ hỏng rồi à?"

Người ta bình thường thì là mùa hè mới bị khẩu vị không tốt, sao mà còn có kiểu mùa đông cũng ăn không vào nữa vậy? Lộn xộn, khó chiều, còn khó nuôi hơn mấy con cá chép kia của Bách Tề Phong nữa.

"Mỗi lần đến biển Ba Tư xong thì Tần Già sẽ có vài ngày ăn không vào. Thật ra con cũng giúp một tay được nhưng mà Tần Già lúc nào cũng không chịu dẫn con theo." Ma Xuyên vẫn còn chưa nói gì thì Lê Ương đã giành trước đáp thay hắn, cả gương mặt nhỏ nhắn căng chặt trông hệt như một ông cụ non.

"Biển Ba Tư?" Nghiêm Sơ Văn đưa ngón trỏ lên đẩy đẩy mắt kính: "Có ai qua đời à?"

Vẻ mặt của Ma Xuyên vẫn như bình thường, nuốt hết thức ăn trong miệng xong rồi mới nói: "Lúc ăn cơm không nên nhắc tới những chuyện này." Hắn gắp một miếng đậu hũ cho Lê Ương xong rồi nhàn nhạt bảo: "Lúc nào cho con đi được thì sẽ cho con đi, nhưng không phải là bây giờ."

Lê Ương bĩu bĩu môi, trông có vẻ hơi không phục. Nhưng cuối cùng vẫn cậu bé vẫn không dám cãi lời Ma Xuyên, chỉ thấp giọng "Dạ" một tiếng rồi ngoan ngoãn cúi đầu xuống ăn cơm.

Ăn cơm xong thì tôi phụ Nghiêm Sơ Văn dọn chén đũa, nhân lúc trong bếp chỉ có hai người thì tôi mới hỏi ra mối nghi ngờ giấu trong lòng từ nãy tới giờ.

"Biển Ba Tư làm sao vậy? Mới đi có một lần mà anh ta tới cơm cũng ăn không vô luôn rồi hả?"

Nghiêm Sơ Văn ngây ra một lúc mới kịp phản ứng lại "anh ta" trong lời của tôi là chỉ ai, vừa bỏ cái chén trong tay vào ngăn tủ vừa nói: "Trong tộc Tằng Lộc, nếu như không cần chăn thả thì đa số bọn họ chỉ đến biển Ba Tư vào lúc người thân qua đời thôi. Còn Tần Già ấy thì chỉ cần có người qua đời là phải đến biển Ba Tư để chủ trì nghi lễ an táng..."

Biển Ba Tư là hồ thánh của tộc Tằng Lộc, người Tằng Lộc đều cho rằng nước là thứ tồn tại thánh khiết nhất trên thiên địa, người sau khi chết rồi sẽ tan trong nước, hoá thành nước, quay về với tự nhiên, được cho là một loại công đức, cũng là một kiểu chuyển hoá sinh mệnh.

"Kiểu an táng dưới nước này không chỉ có tộc Tằng Lộc mà các dân tộc và quốc gia khác cũng có sử dụng. Bình thường đều là do những người làm công việc khâm liệm chuyên nghiệp xử lý di thể, ném cả thi thể của người chết vào trong nước rồi để mặc cho nó trôi, hoặc là lấy dao tách rời thi thể ra, cắt thành từng bộ phận rồi ném vào trong nước." Lúc Nghiêm Sơ Văn nói mấy chuyện này trông có vẻ như chỉ đang nói đến chuyện cơm tối hôm nay hơi mặn, biểu cảm trên mặt qua loa, bình thản: "Cách an táng dưới nước của tộc Tằng Lộc là vế sau."

2

Trước khi phản ứng lại được thì đại não của tôi không khống chế được tưởng tượng theo, tiếp sau đó thì lông tơ trên cổ của tôi dựng đứng hết cả lên.

Tôi chỉ cho là "Máu thịt cốt tuỷ của người chết" trong miệng của Niết Bằng là một kiểu nói... đã gia công qua mặt nghệ thuật rồi, không là máu thịt cốt tuỷ thật, còn là kiểu dính cả da lẫn gân nữa.

Nghiêm Sơ Văn bảo những người kĩ tính một chút thì xương cốt đều phải nghiền nát ra, nước máu đôi khi còn chảy ra khỏi cái túi lan đầy đáy thuyền, dính hết lên cả áo giày của Tần Già. Cái mùi hương đó qua nhiều năm không thể nào tiêu tan được, có tẩy rửa thế nào cũng không sạch nổi. Mùa đông thì còn đỡ chứ mùa hè thì không thể nào mà chịu nổi.

1

Nghiêm Sơ Văn còn bảo thổi vang kèn sừng trâu là một lời tiễn biệt với vong hồn, cũng là đang nói với cá đang bơi trong nước: Ăn cơm thôi. Những con cá kia sẽ kết thành đàn xuất hiện quanh khắp thân thuyền, đuổi bắt tranh nhau. Giữa mặt hồ sẽ từ từ lan ra từng gợn sóng đỏ thẫm, chỉ trong mười mấy phút thôi mọi thứ lại yên bình trở lại, mà những người trên bờ hoàn toàn không hay biết về chuyện này.

"Cho dù cậu có biết những người đã chết đi này sẽ đến được với một nơi tốt đẹp hơn, thế nhưng nghi thức đẫm máu này quả thực không phải nói muốn quen là quen được. Trời ơi, sao tự nhiên tớ thấy hơi đau bụng qúa? Tớ đi vệ sinh một cái, cậu về trước đi, không cần đợi tớ đâu." Nghiêm Sơ Văn nói xong thì ôm bụng chạy ra khỏi nhà bếp.

Tự dưng được nghe một đoạn phổ cập đáng sợ thế này khiến tôi thấy hơi khó tiêu hoá được, sau khi ra khỏi phòng bếp cũng không về lại gác nhỏ mà đi ra châm một điếu thuốc, chầm chậm tản bộ tới trước cây bách cực lớn trong góc miếu thờ kia.

Tuy đang vào mùa đông nhưng bây giờ vẫn đang vào lúc giữa trưa có mặt trời, ở ngoài này cũng không thấy lạnh lắm.

Chẳng trách hắn không để cho Lê Ương giúp đỡ, mấy chuyện này thì quả thực là không nên để cho con nít tham gia.

Hắn bảo bọc cho Lê Ương giống như một người cha thực sự đang bảo vệ sự ngây ngô của đối phương, để nó không cần phải tiếp xúc với những thứ đen tối này quá sớm, có lẽ cũng là một kiểu... bù đắp cho tuổi thơ của bản thân?

Tôi ngửa đầu lên nhìn tán cây đại thụ rậm rạp, kí ức quay trở về năm mười một tuổi.

Kì nghỉ đông năm đó, tôi đi theo cha con Nghiêm Sơ Văn tới Bằng Cát, sau khi chứng kiến một màn bạo hành trong thần miếu xong thì bị doạ tới đầu cũng không dám quay lại nữa. Ai mà ngờ sau khi về mới biết, giáo sư Nghiêm cảm thấy văn hoá dân tộc của cái nơi Bằng Cát này rất đáng để đào sâu nghiên cứu nên quyết định ở lại thêm một ngày nữa.

Tối đó tôi nằm trên giường lăn qua lộn lại không ngủ được, trong đầu cứ vẩn quanh một màn hồi sáng mới thấy - Người đàn ông giận dữ, thiếu niên bị đánh, và cả đôi mắt lúc đối phương ngẩng đầu nhìn lên... ngập tràn sự quật cường.

Tôi của mười một tuổi đã nghĩ thế nào thì tôi của lúc đã trưởng thành nhìn lại lần nữa có đôi khi cũng không hiểu được. Dù sao thì hôm sau, trời vừa sáng thì nhân lúc những người khác còn chưa tỉnh tôi đã lén mặc đồ vào rồi một mình đi đến thần miếu lần nữa.

Cửa của thần miếu vẫn còn mở, cửa của đại điện cũng mở toang nhưng bên trong lại im phăng phắc, một chút động tĩnh cũng không có. Tôi vòng qua đại điện đi thẳng về phía sau, mới đó mà đến được trước gốc cây bách kia.

Tất nhiên là thiếu niên kia không thể nào vẫn còn ở đây rồi, trên mặt đất và trên cây đều chẳng còn một chút dấu vết nào, dường như một màn tôi nhìn thấy hôm qua kia chỉ là ảo giác thôi vậy.

Tôi đá một cục đá dưới chân, "vèo" một tiếng bay thẳng tới chính giữa cửa kho chứa củi bên cạnh.

Bản thân cái phòng chứa củi kia đã rách nát, tồi tàn rồi, tường bên ngoài mọc đầy rêu xanh, cửa lại càng xiêu vẹo sắp gẫy, bên dưới thủng một cái lỗ lớn.

Tôi đi qua đó khom người xuống định nhặt cục đá lên, đầu ngón tay vừa mới chạm vào trên cục đá thì trong cánh cửa kia bỗng dưng xuất hiện một bàn tay thò ra nắm chặt lấy cổ tay tôi.

Cái tay đó trắng cực kì, dưới bóng tối lại tạo ra một cảm giác xinh đẹp vô thực, đồng thời cũng không có chút độ ấm nào.

Con người ta vào lúc hoảng sợ cực độ thì hoàn toàn không thể thốt nên lời, tôi trừng to mắt hoảng loạn hất cái tay kia ra, ngồi phịch mông xuống đất không phát ra được bất cứ một tiếng ú ớ nào.

Khi đó tôi chỉ mới mười một tuổi, còn chưa phải là một người kiên định theo đuổi chủ nghĩa duy vật, vì vậy chỉ cho là mình gặp phải ma giữa ban ngày ban mặt. Tôi nuốt ức một ngụm nước miếng rồi lồm cồm bò dậy định trốn.

"Đừng đi!"

Tôi vừa bò dậy được một nửa thì ngây ra.

Sao mà con ma này... còn biết nói tiếng phổ thông nữa vậy?

Tôi vừa ngạc nhiên vừa nghi hoặc nhìn lại, cái tay trong cánh cửa kia đã không thấy đâu nữa rồi: "Cậu là người hay ma vậy?"

"Người." Thiếu niên đằng sau cánh cửa nói.

Vừa nghe thấy là người thì tôi thở phào một hơi, cả người bủn rủn ngồi thụp xuống đất, không nhịn được oán trách: "Sao mà cậu lại cố ý trốn trong đó hù người ta vậy chứ?"

"Tôi bị nhốt ở đây không ra được, không phải cố ý trốn vào trong đây hù cậu."

Nghe cậu ta nói xong thì tôi mới chú ý đến trên cửa có một cái ổ khoá lớn.

Đây rốt cuộc là cái nơi quái quỷ gì vậy, vừa đánh người lại vừa nhốt người ta, có còn vương pháp gì nữa không vậy trời?

Nhìn chung quanh một lát tôi lại phát hiện ra một hòn đá to gần bằng nắm tay trên mặt đất.

"Cậu chờ một chút, tôi cứu cậu ra ngoài." Tôi cầm hòn đá lên định đập khoá, nhưng vừa mới giơ lên thì người bên trong đã cản tôi lại.

"Không cần, không cần cứu tôi, là... cha tôi đã nhốt tôi lại."

Tôi cầm cục đá cau mày hỏi: "Sao cha cậu lại nhốt cậu?"

Âm thanh đằng sau cửa im lặng, lát sau mới nói: "Ông ấy cảm thấy tôi đã phạm lỗi sai."

Còn tưởng là vụ án ghê gớm trong núi sâu gì, nếu là việc nhà thì không thể lo được rồi.

Tôi ném hòn đá đi rồi ngồi xuống trước cửa, nói chuyện với người bên trong cách một cánh cửa: "Cậu đã phạm lỗi gì rồi?"

Lần này thì đối phương im lặng lâu hơn.

Thấy cậu ta chậm chạp mãi không mở miệng, tôi còn đang định bảo thôi vậy thì bên trong lại vang lên giọng nói khàn khàn của thiếu niên: "Chị của tôi... bị một gã đàn ông xấu xa bắt nạt, tôi muốn giúp chị ấy tìm ra gã đàn ông xấu xa đó, ra mặt cho chị ấy. Nhưng từ nhỏ tôi đã được bế tới cho người cha này nuôi dưỡng rồi, ông ấy cảm thấy tôi nên cắt đứt hết tất cả những quan hệ trong quá khứ, không nên coi chị gái như người thân của mình."

Rắc rối dữ. Tôi suy nghĩ một lúc mới miễn cưỡng hiểu rõ được mối quan hệ của bọn họ.

"Cha cậu là cha cậu, cậu là cậu, ông ta dựa vào cái gì mà can dự tới cuộc đời của cậu? Cho dù có là một cô gái không quen biết bị bắt nạt thì cậu bắt gặp trên đường cũng có thể ra mặt thay cho cô ấy, đổi thành chị ruột thì sao có thể không giúp được cơ chứ?"

Khi đó Bách Tề Phong đã ly hôn với mẹ tôi, con gái của cuộc hôn nhân kế đó đã biết đi biết nhảy luôn rồi. Trong lòng tôi khi đó tràn ngập oán hận với ông ta nên địa vị của nhân vật "cha" này trong lòng tôi thậm chí còn chẳng bằng con chó nhà Nghiêm Sơ Văn nuôi.

"Đừng nghe lời cha của cậu, bản thân cậu thấy làm thế nào khiến mình vui thì cứ làm vậy đi. Đàn ông cặn bã thì ai cũng phải diệt trừ, cậu không sai đâu." Tôi nói vô cùng chắc nịch.

"... Cậu là người đầu tiên nói với tôi như vậy đó." Cậu ta vừa giống như cảm thán vừa giống như buông bỏ được gì đó.

Cánh cửa gỗ giật giật, một chốc sau từ dưới cửa lại thò ra một cái tay. Chỉ khác là lần này trên cái tay đó có nắm chặt một thứ gì đó sáng lấp lánh.

"Cậu có thể giúp tôi làm một việc được không? Giúp tôi đưa sợi dây chuyền này cho chị tôi. Bảo chị ấy hãy bán sợi dây chuyền này đổi lấy tiền, bảo với chị ấy nữa là chị ấy không cần phải lo lắng, cho dù tất cả mọi người đều không giúp chị ấy thì tôi cũng sẽ giúp chị ấy." Giọng điệu của thiếu niên không một chút do dự, chần chừ nào.

Lấy việc giúp đỡ người khác làm niềm vui là một đức tính tốt đẹp, huống hồ khi đó tôi cũng đã đoán được người trong cửa kia chính là thiếu niên bị đánh dưới gốc cây kia.

Tôi nhận lấy sợi dây chuyền trong tay cậu ta xem thử, đó là một sợi dây chuyền bằng vàng thuần, mặt dây chuyền là một cái hộp vàng hình lục giác, to cỡ nửa lòng bàn tay, bên trên khảm đầy đá ngọc lam và san hô.

Bà ngoại tôi hồi trẻ đã hay thích sưu tầm mấy món trang sức châu báu, mấy sợi dây chuyền, bông tai của bà ngày nào cũng đổi một kiểu, hai tháng liền có thể mang mỗi ngày mỗi kiểu khác nhau. Nhớ lại trong mấy món bà sưu tầm cũng có một sợi dây chuyền thế này, cái hộp vàng điêu khắc rỗng còn mở ra được, bên trong có một khối nhỏ in đầy kinh văn, bà ngoại nói đó là bùa hộ thân mà bà tốn cả mới tiền mới thỉnh được, quý lắm.

Tôi ước lượng thử sợi dây chuyền trong tay này, nặng hơn cái sợi kia của bà ngoại một chút, chắc là cũng đắt hơn một chút.

"Chị cậu ở đâu?" Tôi hỏi.

Đối phương đắn đo một chút rồi mới dùng cách nhớ đơn giản nhất để chỉ đường tới nhà chị gái cho tôi.

Tôi nhớ kĩ trong lòng rồi cho sợi dây chuyền vào trong túi.

"Cậu cứ tin tưởng tôi vậy à? Lỡ như tôi cầm đồ chạy trốn luôn thì phải làm sao bây giờ?" Trên cái cửa ván gốc mục nát có đầy khe hở to to nhỏ nhỏ, tôi định nhòm qua đó nhìn thử người bên trong phòng chứa củi nhưng lại chỉ thấy được một mảnh tối thui.

"Sơn quân đã chỉ dẫn cậu tới đây thì chắc chắn là có lý riêng của Người." Thiếu niên nói.

Tôi bĩu bĩu môi, trong lòng không nhịn được lẩm bẩm: Có liên quan gì tới Sơn quân đâu? Tự tôi đi tới đây mà!

"Vậy tôi đi đây, đợi tin tốt của tôi đi." Nói xong thì tôi đứng dậy phủi phủi đất trên ống quần, xoay người lại rồi lén lén lút lút lẻn đi lại con đường vừa nãy mò tới.