Hồi thứ năm: Đáy biển
Mấy năm ở đội du kích Bắc Miến, dường như ngày nào Tư Mã Khôi cũng phải nếm trải những thời khắc lăn lộn nơi đầu súng ngọn giáo, nên hiểu sâu sắc luật lệ của rừng già là lấy thịt đè người, mạnh sống yếu chết; chỉ cần tỏ ra nương tay hay do dự một chút, chắc chắn sẽ chết mà chẳng có đất chôn thây. Lúc này, đột nhiên anh phát hiện có kẻ kề súng ngay sau gáy, không kịp nghĩ ngợi lâu la, liền lập tức thi triển chiêu: "Túm đầu quật ngửa". Anh đột ngột cúi mạnh người về phía trước, đồng thời vai phải ngửa ra sau phản đòn. Rồi không đợi kẻ tấn công lén kịp rơi xuống đất, anh nhanh chóng kẹp chặt cánh tay cầm súng của đối phương.
Vết thương ở vai trái của Tư Mã Khôi vẫn chưa lành, nên không thể phát huy tối đa sức mạnh, anh chỉ đành gắng gượng thuận thế thúc một cùi chỏ như trời giáng từ trán xuôi xuống dưới, trúng ngay lá mía trên sống mũi, chỉ nghe tiếng xương mũi gẫy rủn, phát ra một tiếng kêu nhỏ, vụn xương đâm ngược vào trong não, tên đó chẳng kịp ư hử nửa lời đã mềm nhèo nhẹo đổ rạp xuống đất.
Trong lúc cấp bách, Tư Mã Khôi thân thủ nhanh như cắt, ra tay tàn độc gọn gàng, nhưng giờ đây, sau khi hạ gục kẻ địch, anh không còn đủ sức thu thế nên cũng đổ nhào xuống theo. Điều anh lo sợ là chúng không chỉ có một tên, nên vội vàng lăn sang một bên, thuận đà cuộn một vòng giơ tay túm lấy khẩu súng trường SMLE, đang định chạy lên phía trước hô hoán hội La Đại Hải mau tìm chỗ ẩn nấp thì thấy hai mươi mấy tên lính Miến Điện được vũ trang đầy đủ thình lình từ rừng rậm chui ra.
Đám lính mới xuất hiện phần đông đều vận y phục đen, đầu chít khăn rằn, trong tay lăm lăm khẩu súng xung phong MP.18, họng súng đen ngòm chĩa thẳng vào hội ba người La Đại Hải ở phía trước. Xem tình hình này, chỉ cần Tư Mã Khôi dám manh động một chút, họ sẽ lập tức bị bắn tan xác.
Tư Mã Khôi tự biết không thể phản kháng nổi, đành buông vũ khí đầu hàng, chịu trận để người ta trói gô lại, siết chặt như bó giò. Tư Mã Khôi tự than khổ trong bụng, chẳng ngờ vào đến tận rừng sâu rồi mà vẫn còn gặp kẻ địch, nhưng nhìn trang phục và vũ khí của nhóm người này có vẻ rất hỗn tạp, không giống với quân đội chính phủ. Nơi ma quỷ hung hiểm dị thường ở núi Dã Nhân này, có lẽ chỉ những hạng người chạy tháo mạng như "đội du kích, phạm nhân giết người cướp của hoặc buôn bán thuốc phiện" mới dám lui tới.
Tư Mã Khôi không đoán nổi nhóm người này rốt cục muốn làm gì, nhưng trong lòng cũng ngầm hiểu mình đã giết chết một đồng bọn của đối phương, nay lại rơi vào tay chúng, đừng nói có viễn cảnh tốt đẹp gì chờ đợi phía trước mà ngay cả tính mạng chắc cũng khó có thể bảo toàn.
Đúng lúc này, từ phía sau đám lính vũ trang Miến Điện lại có sáu người nữa bước ra, già có, trẻ có, trong đó còn có một thằng tây cao to lực lưỡng. Có điều, không ngờ kẻ cầm đầu lại là một cô gái trẻ măng, mặt mày xinh xắn, thanh tú, xem ra cũng chỉ tầm hai mươi mấy tuổi là cùng, đầu đội chiếc mũ chiến đấu có lắp kính chắn gió, trên người mặc bộ trang phục của thợ săn; trông cô ta toát lên vẻ sáng láng, anh dũng, tinh tường, từng trải hơn người.
Đám lính vũ trang Miến Điện lục soát hội bốn người Tư Mã Khôi từ ngoài vào trong rất kỹ càng, rồi đem mấy vật phẩm vụn vặt cùng cuốn nhật ký của Karaweik tất cả giao nộp cho nữ thủ lĩnh xem xét.
Cô ả mặt không biến sắc, cầm từng món lên xem, đến khi lật đến cuốn nhật ký của ông Từ Bình An thì một chút biểu hiện kinh ngạc khẽ thoảng qua gương mặt. Cô ả lập tức gấp cuốn nhật ký lại, cúi đầu nhìn xác chết của đồng bọn đổ rạp trên mặt đất, rồi đi đến trước mặt Tư Mã Khôi, chăm chú nhìn từ đầu xuống chân như ngầm đánh giá, cuối cùng cũng mở miệng hỏi: "Các anh là người Trung Quốc hử? Sao lại mặc quân phục của quân đội nhân dân Miến Điện? Các anh đến khu rừng già trong vùng núi sâu Bắc Miến này để làm gì?"
Trong mắt Tư Mã Khôi, cô ả trông rất giống với các nhân vật nữ chính bước ra từ phim cổ trang, chẳng biết gốc gác lai lịch ra sao, nhưng nghe đối phương hỏi như thể hoàn toàn không biết việc quân đội nhân dân Miến Điện Cộng hòa có hàng vạn người Trung Quốc, thì liền suy đoán có lẽ họ mới từ nước ngoài đến đây. Anh lại thấy cô gái phát âm tiếng Trung nghe rất trong và chuẩn, không giống với người lớn lên mới học, lại đoán chắc cô ả là người Trung Quốc, hoặc chí ít cũng từng là người Trung Quốc. Tư Mã Khôi cũng tự biết người Trung Quốc mà trà trộn giữa đám người Miến Điện, chỉ liếc mắt một cái là nhận ra ngay, nên thấy chẳng cần thiết phải giấu giếm làm gì, trong lòng thầm nghĩ: "Xem chừng việc này quá nửa là có đất xoay chuyển tình thế", nhưng trước mắt vẫn chưa rõ đám người này và quân đội chính phủ liệu có liên quan gì đến nhau không, nên không trả lời, mà chỉ gật đầu một cái.
Cô ả mỉm cười ra vẻ thân thiện rồi hỏi: "Sao anh không dám nói, hay tại sợ quá?" Đầu óc Tư Mã Khôi lúc ấy không ngừng hoạt động để tìm kế thoát thân, nhưng miệng vẫn giảo hoạt mập mờ: "Quả là tôi đang vô cùng hoảng sợ."
Nào ngờ, nghe xong cô ả lập tức đanh mặt lại, cái nhìn lạnh băng như nước đá, khẽ hừ lên một tiếng trong cổ họng: "Đừng giở trò cợt nhả với tôi! Khi nãy thuộc hạ của tôi vừa dùng họng súng kề ngay sau gáy, mà anh vẫn đủ thời gian giơ tay thúc chân giết hắn ngay tức thì, không những thế, còn giết vô cùng nhanh gọn tàn nhẫn, chẳng hề do dự một giây. Anh giết người mà không thèm chớp mắt; có được thân thủ nhanh nhẹn và tố chất tâm lý kiệt xuất như vậy mà còn dám mở miệng kêu lo lắng, hoảng sợ vào lúc này sao?"
Tư Mã Khôi nhìn ánh mắt sắc như dao của cô ả thì biết cô nàng này không phải tay dễ đối phó, nhưng miệng vẫn lem lẻm: "Sở dĩ tôi cảm thấy lo lắng là vì cô ở gần tôi quá, nếu cô đứng cách xa tôi khoảng mười bước thì còn tạm được, nhưng nếu vượt quá khoảng cách này là tôi lại cảm thấy không an toàn."
Cô ả lạnh lùng trợn mắt nhìn Tư Mã Khôi một cái: "Tôi hỏi gì, tốt nhất anh hãy thành thực mà trả lời. Chẳng qua niệm tình các anh là người Trung Quốc, nên tôi đã không hạ lệnh bắt sống mang về. Nếu bây giờ tôi giao nộp các anh cho bọn người Miến Điện, chắc chắn các anh sẽ bị họ lột da ăn sống ngay trên cọc. Tôi nghĩ chắc anh hiểu rõ, bọn họ có nhiều chiêu đày ải thể xác người khác như thế nào."
Tư Mã Khôi hoàn toàn phớt lờ lời đe dọa của cô ả, hùng hồn nói: "La Đại Hải tôi xin hoan nghênh các vị đến làm, ai làm tốt sẽ được trọng thưởng."
La Đại Hải đang bị người ta trói nghiến, ấn nằm xuống đất, từ đầu đến giờ chẳng kêu rên nổi tiếng nào, bây giờ nghe thấy Tư Mã Khôi mạo nhận mình nói nhăng nói cuội, lập tức giãy giụa, ngoác miệng mắng lớn: "Tiên sư thằng Khôi, sao cậu mất dạy thế hả? Cậu có chú không hử? Tớ ị vào chú cậu!"
Cô ả thấy Tư Mã Khôi và La Đại Hải căn bản không coi mình ra gì, hơn nữa hai người đều là dạng mồm mép giảo hoạt, hỏi cả ngày mà chẳng thăm dò được nửa câu tử tế từ miệng họ, bởi rõ ràng hỏi đông, họ lại đi trả lời tây.
N.g.u.ồ.n. .t.ừ. .s.i.t.e. .T.r.u.y.e.n.G.i.C.u.n.g.C.o...c.o.m. Lửa giận không biết từ đâu bốc lên ngùn ngụt, ý niệm giết người vụt lóe lên trong đầu, cô ả giật mạnh tóc của Tuyệt ngược ra sau, liền sau đó rút "xoẹt" con dao săn ra, ánh thép lạnh băng. Cô ả gí lưỡi dao xuống dưới cằm Tuyệt, mắt nhìn chằm chằm vào Tư Mã Khôi, hằn giọng đe dọa: "Nếu anh còn nói năng bậy bạ nữa, tôi sẽ cắt đứt cổ họng con bé này."
Nhưng Tuyệt không hề sợ sệt, điềm nhiên nói: "Tôi muốn chết từ lâu rồi, có giỏi thì cứ cho tôi một cái chết thật sảng khoái xem nào!" sau đó cô liền nhắm mắt chờ đợi, Karaweik ở bên cạnh cuống quýt gào thét, nhưng bị một người Miến Điện đạp ngã vật ra đất, cầm súng chọc mấy cái liên tiếp vào đầu, trong phút chốc, máu chảy lênh láng khắp mặt cậu bé.
La Đại Hải nhìn thấy cảnh tượng ấy, không dằn lòng được liền luôn miệng chửi mắng. Tư Mã Khôi cố nuốt giận vào trong, mặt không biến sắc, tuy bề ngoài vẫn tiếp tục hời hợt ứng khẩu, nhưng trong lòng thì âm thầm tìm cơ hội thoát thân, cướp súng khống chế lại kẻ địch. Khi đưa mắt nhìn tứ phía, anh đột nhiên phát hiện: ngoại trừ hai mươi mấy tên lính vũ trang Miến Điện ra thì mấy người do cô ả cầm đầu còn cõng theo ống kim loại dài ở sau lưng.
Tư Mã Khôi nhận ra loại vũ khí này, nó có tên tuổi đàng hoàng, gọi là "Giáo mỏ vịt". Cây giáo rỗng ruột, được làm bằng ngũ kim, thân to bằng quả trứng ngỗng, cán dài bằng vai người, bên trong chứa ba khúc ngầm, có thể kéo dài hoặc thu lại tùy ý, phía trước mũi còn có hình đầu thú há miệng, từ trong khe miệng nhả ra ngọn giáo giống hình đầu gậy, mũi giáo bằng, dẹt và sắc lẻm, hơi giống với cây thiền trượng ngũ hành mà các tăng nhân du phương vẫn thường sử dụng, nhưng tinh tế và nhanh nhạy hơn nhiều, lại rất tiện mang theo. Nó chính là công cụ độc môn để phán đoán điều kiện địa chất mà Kim Điển tiên sinh thường dùng khi vẫn còn treo biển hành nghề năm xưa. Loại công cụ này có thể đào núi lấy đất, ngay cả tầng nham thạch cứng rắn, dày đến mấy tấc cũng vẫn đào được. Không những thế, nếu lỡ trong núi hoang rừng thẳm chẳng may gặp phải bất trắc, còn có thể sử dụng như như món binh khí phòng thân. Nghe nói, bọn trộm mộ ở khu vực Lĩnh Nam và Quan Đông trước đây vẫn thường dùng nó để đào huyệt mộ, bật nắp quan tài.
Tư Mã Khôi nhìn không sai vào đâu được, trong lòng bèn sinh nghi: "Xem ra nhóm người này không phải lính truy sát do quân đội chính phủ phái đến. Nhưng từ trước đến nay nước giếng chẳng phạm tới nước sông, vậy hà cớ gì họ cứ nhất định phải tranh chấp với bọn ta nhỉ? Hơn nữa, núi Dã Nhân thần bí khó lường này có thể nói là góc tối nguy hiểm nhất trên thế giới, vậy rốt cục trong núi ẩn chứa những bí mật gì đáng để bọn trộm mộ bất chấp tất cả, mạo hiểm tính mạng tìm đến đây?"
Bên cạnh cô ả còn có một lão già chừng ngoài năm mươi tuổi, thân hình trung bình, hơi gầy một chút, dưới cằm còn để một nhúm râu dê, đầu trọc lốc, bóng lộn, giống với dáng vẻ của một "học giả". Lão ta nhìn thấy không khí lúc này đã căng thẳng đến cực độ, dường như sắp xảy ra nguy cơ tàn sát đẫm máu đến nơi, liền vội vàng chạy ra dàn hòa. Trước tiên, lão ta giải thích đầu đuôi sự việc cho Tư Mã Khôi nghe, lão tự giới thiệu mình họ Khương, quê ở Thiệu Hưng, Chiết Giang, xuất thân là một "nhà thư pháp", đoạn quay sang giới thiệu cô nàng thủ lĩnh, thì ra cô ả họ Thắng, tên Ngọc, mọi người thường gọi là Ngọc Phi Yến.
Khương sư phụ thanh minh rằng bọn họ là đội thám hiểm khảo sát địa lý, muốn vào sâu trong lòng núi Dã Nhân để tìm dấu tích con đường Stilwell năm xưa. Đầu tiên họ phải bỏ rất nhiều tiền để thuê một đội quân phiệt rất có thanh thế ở vùng tam giác Bắc Miến, sau đó mới tìm cơ hội tiến vào núi. Nhưng khổ nỗi, chẳng ai trong số họ thông thuộc môi trường trong rừng rậm, lại không có người dẫn đường, nên cứ loanh quanh mãi trong núi suốt mười mấy ngày trời mà chẳng có kết quả gì.
Khi nãy đội thám hiểm nghe thấy tiếng súng trong rừng, lập tức tỏa ra tứ phía ẩn trốn, sau đó phát hiện hội mấy người Tư Mã Khôi, trên mình ai nấy đều khoác súng trường, hơn nữa lại có vẻ giống người Hoa, chỉ sợ xảy ra nhầm lẫn tạo thành xung đột không đáng có, nên mới sử dụng hạ sách tấn công lén. Kỳ thực chẳng qua họ chỉ muốn sau khi giải trừ vũ khí của đối phương, sẽ ngồi xuống thương lượng chính sự, nào ngờ Tư Mã Khôi hạ thủ quá tàn độc, khiến tình hình vượt ra ngoài dự liệu ban đầu, chẳng những hai bên chẳng khống chế được cục diện mà phía họ còn tổn thất một người anh em.
Khương sư phụ là một tay lọc lõi già đời, vừa nhìn là biết loại người như Tư Mã Khôi không thể dùng biện pháp cứng rắn mà chỉ ưa mềm dẻo, nên liền khuyên giải: "Trông các hạ râu hùm hàm én, rõ ràng là tướng vương hầu, không những thế thân thủ lại vô cùng phi phàm, chắc chắn không phải hạng người chơi không ngồi rỗi, khiến tôi bội phần khâm phục. Trộm nghĩ, hôm nay chúng ta bèo nước tương phùng, trước đây đã chẳng gây thù, thì bây giờ cũng đừng nên kết oán, mất một tên lâu la đâu có đáng gì? Nhưng chớ vì một việc nhỏ mà làm tổn thương hòa khí. Chúng tôi chỉ muốn hỏi một việc, cậu có biết chuyện gì liên quan đến con đường U Linh không?"
Nhưng lão đã phỏng đoán nhầm, Tư Mã Khôi là loại người rượu mời không uống, rượu phạt lại càng không, dầu mỡ chi cũng chẳng ưa, thì làm gì có chuyện anh dễ dàng tin vào mấy lời đường mật khéo léo ấy. Không đợi Khương sư phụ nói hết câu, anh liền đột ngột mở miệng chen vào: "Bọn hối tử[19] trộm mộ các ông muốn tìm con đường Stilwell trong núi Dã Nhân để làm gì?" Anh suy đoán nhóm người Ngọc Phi Yến rất có khả năng là dân trộm mộ, nhưng không rõ mục đích cụ thể của cô ả, cho nên mới mang câu này ra làm mồi nhử, hỏi xem đối phương có phải là "hối tử" thật hay không.
Lời vừa dứt khỏi miệng, Ngọc Phi Yến và Khương sư phụ đã trợn mắt ngạc nhiên, không ngờ Tư Mã Khôi lại có thể nhận ra lai lịch của cả bọn, nên trong lòng không khỏi kinh ngạc, chẳng kìm được đã bất giác buột miệng hỏi: "Sao cậu biết?"
Tư Mã Khôi quan sát phản ứng của đối phương liền biết phán đoán của mình hoàn toàn chính xác, bèn dùng ánh mắt hướng về phía cây giáo mỏ vịt mà bọn họ đeo sau lưng, rồi cười nhạt hì hì lên mấy tiếng: "Võ Đại Lang nuôi rùa - người nào của nấy thôi mà."
Ngọc Phi Yến và Khương sư phụ nghe xong, miệng không khép lại nổi, hai người liếc mắt ngầm trao đổi, sau đó Khương sư phụ lại gần cởi trói cho Tư Mã Khôi, nhưng ba người còn lại thì vẫn không được thả. Bọn họ chỉ mời một mình Tư Mã Khôi đến nói chuyện cụ thể.
Trước mắt, hai bên cùng có rất nhiều chuyện muốn hỏi đối phương, nhưng chẳng ai chịu mở lòng trước, bởi vì hệ lụy để lại rất lớn. Dường như mọi việc liên quan đến họ đều là những việc mờ ám trong bóng tối, hơn nữa lại không biết đối phương rốt cục là người như thế nào, nên chẳng ai dám dễ dàng hở miệng nửa câu. Trong giới lục lâm có quy tắc "Ba nói, ba không nói". Nếu lỡ gặp phải tình huống như bây giờ có thể vận dụng phương thức quen dùng của các hành bang, hai thủ lĩnh của mỗi bên cùng nhau ngồi xuống mặt đối mặt - "Gạn đáy biển". Đây là cách sử dụng ám ngữ trong "Mắt đáy biển giang hồ" của thế giới ngầm để thăm dò, gạn hỏi lẫn nhau. Sau khi đôi bên đều hiểu rõ gốc rễ ngọn ngành, mới dám đem những việc cơ mật ra bàn bạc chi tiết.
Khương sư phụ tìm thấy một phiến đá dài phủ đầy rêu xanh ở gần đấy, sau đó sai bọn lâu la lấy mười tám chiếc nắp ấm trà quân dụng để thay thế "bát trà", lại đổ đầy nước lọc vào trong, rồi lần lượt bày bố mười tám chiếc nắp ấm ở phía phải theo trận pháp đáy biển. Mọi việc xong đâu đấy, lão bèn mời Tư Mã Khôi và Ngọc Phi Yến ngồi vào hai phía đối diện của phiến đá.
Ngọc Phi Yến là chủ, lẽ đương nhiên phải mở màn trước, cô ả đẩy hai chiếc nắp trong thế trận ra phía trước, tay trái giơ ba ngón nhè nhẹ ấn vào một nắp, tay phải lại xòe ra bốn ngón chỉ chiếc nắp còn lại, nhếch mép cười: "Hành bang các phái, lấy nghĩa khí làm trọng, tam nhất bất nhị, lá rễ như nhau. Tư Mã huynh, mời anh uống trà trước."
Vết thương trên vai Tư Mã Khôi lại ngâm ngẩm đau, trong đầu dường như có hàng ngàn con bọ đang ngọ nguậy, nhưng đã đến cơ sự này cũng đành đâm lao thì phải theo lao, anh vắt kiệt sức lấy lại tinh thần, nhìn hai chiếc nắp ấm bên trái và bên phải, biết rằng nếu tùy tiện uống sẽ bị đối phương đánh giá mình là kẻ ngoại đạo không hiểu phép tắc. Nghĩ vậy, anh liền lắc đầu nói: "Tại hạ đã không phải tam lão gia, cũng chẳng phải tứ thiếu gia, đâu dám mạo muội trước mặt quý lão gia."
Ngọc Phi Yến thấy anh am hiểu luật lệ, liền nhè nhẹ gật đầu, rút hai chén trà về, rồi bày lại thế trận "Nhất tự trường xà", xếp mười tám chiếc nắp thành một đường dài ngoằn ngoèo như rắn lượn, đoạn gạn hỏi: "Xin hỏi huynh đài, thế trận treo biển gì, trên biển viết chữ gì?"
Tư Mã Khôi biết Ngọc Phi Yến đang muốn hỏi lai lịch và xuất thân của mình, bèn trả lời: "Ở nhà chẳng dám cãi cha, ra ngoài chẳng dám cãi thầy, quý lão đại đã hỏi, thật chẳng dám giấu. Thế trận treo biển chữ, trên biển viết chữ đổ biển dốc sông, tại hạ họ Tây, đầu đội bảy mươi mốt, lưng cõng bảy mươi hai, chân giẫm bảy mươi ba."
Ngọc Phi Yến vừa nghe liền hiểu ngay, thì ra Tư Mã Khôi là truyền nhân của Kim Điển tiên sinh, nhưng thấy đối phương tuổi đời còn trẻ, khó lòng tin ngay được, nên lại tiếp tục dò hỏi xem bản lĩnh của anh lớn cỡ nào, được truyền thụ những bí kíp gì. Nghĩ vậy, cô ả bèn hắng giọng: "Tại hạ còn muốn thỉnh giáo huynh đài, trên người mang theo hàng gì?"
Tư Mã Khôi trả lời: "Trên người chẳng có hàng gì đặc biệt, chỉ mang theo nửa bộ Kinh Kim Cương lừng danh năm hồ bốn bể, nhưng tại hạ chỉ là chân trong chân ngoài, nếu có chỗ nói không đúng, chỉ mong lão thiếu gia bỏ quá cho."
Anh nói xong, trong bụng thầm nghĩ: "Làm gì có chuyện hỏi tôi mãi thế, tôi cũng phải hỏi cô mới được", đoạn liền thay đổi thế trận chén trà đáy biển ban đầu thành thế trận "Nhị long xuất thủy", xếp mười tám chiếc nắp thành hai hàng, mỗi hàng chín chiếc song song nhau, rồi quay sang gạn hỏi Ngọc Phi Yến: "Dám hỏi quý lão đại, trong tay có bao nhiêu thuyền?" Vì khi nãy Tư Mã Khôi đã biết hội Ngọc Phi Yến là dân trộm mộ, cho nên cứ trực tiếp hỏi thẳng cô ả xem rốt cục đã tìm thấy bao nhiêu minh khí được tùy táng trong mộ cổ.
Ngọc Phi Yến cũng không chịu lép vế, liền đáp: "Hỏi hay lắm, trong tay tại hạ thuyền không nhiều cũng chẳng ít, chỉ có khoảng chín ngàn chín trăm chín mươi chín chiếc." Nói một cách tóm tắt, ý của cô ả là: "Quá nhiều, chẳng thể nhớ nổi."
Tư Mã Khôi thấy thủ đoạn của cô ả lợi hại, không mấy đáng tin nên hỏi tiếp: "Trên thuyền treo cờ hiệu gì?" Sở dĩ anh hỏi vậy vì bọn "hối tử" trộm mộ trong dân gian, thủ pháp không giống nhau, do chịu sự hạn chế của nhân tố môi trường địa lý và kinh nghiệm kỹ thuật, nên đa số đều phân khu vực để hành sự, dân Hà Nam không xâm phạm đến lãnh địa của dân Thiểm Tây, dân Quan Ngoại không vào Quan Nội. Câu hỏi khi nãy của Tư Mã Khôi đại ý là: "Nhóm người các cô thường đào mộ ở khu vực nào? Sử dụng loại kỹ thuật gì?"
Ngọc Phi Yến lập tức đối đáp: "Trên núi treo cờ thắng lợi, dưới núi treo cờ vàng đất, mùng một, hôm rằm treo cờ long phụng, đầu thuyền treo cờ vuông khẩu hiệu lớn, cuối thuyền treo cờ chín mặt uy phong!" Trong lời cô ả ẩn chứa hàm ý sâu xa, muốn nói nơi nào cũng đều đi cả. Những ngôi mộ cổ từ các triều đại xa xưa, tuy rằng đâu đâu cũng có, nhưng các ngôi mộ chôn ở nơi bình nguyên rộng rãi thường dễ đào dễ lấy nhưng đồ kiếm được lại thường không đáng tiền, cố sống cố chết, tim đập chân run, liều mạng một phen cuối cùng lại lấy được mấy thứ dưa chẳng ra dưa, táo chẳng ra táo, thật chẳng đáng chút nào. Ngược lại những ngôi mộ trong núi sâu toàn chôn những bậc đế vương, hầu tướng, minh khí bảo vật muốn bao nhiêu, có bấy nhiêu. Nhưng những ngôi mộ đó địa cung mộ đạo, tường đá nắp sắt, chôn giấu rất nhiều ám khí, cài đặt vô số cơ quan ngầm, kiên cố khó phá, vừa không dễ tìm thấy, lại không dễ khai quật. Ngọc Phi Yến luôn tự nhận mình là dân trộm mộ cao siêu, mộ thường không chê ít, lăng tẩm vua chúa trong núi sâu cũng không ngại khó, chỉ cần cô ả trúng ý thì chẳng có ngôi mộ nào không thể khai quật.
Tư Mã Khôi nghe mấy lời tự cao tự đại này, quả không thể lĩnh giáo nổi: "Tôi hỏi trên thuyền cô có bao nhiêu ván? Mỗi ván đóng bao nhiêu đinh?" Ý anh muốn hỏi: "Bản lĩnh của cô lớn cỡ nào mà dám khoác lác thế hử? Cẩn thận gió to bay mất lưỡi đấy!"
Thần sắc Ngọc Phi Yến điềm nhiên như không, bình thản trả lời: "Mỗi thuyền có bảy mươi hai ván, tương tự bảy mươi hai phép địa sát, trên ván có ba mươi sáu đinh, giống như ba mươi sáu phép thiên canh." Ý cô ả muốn nói: "Thuộc hạ của tôi vừa là cao nhân hiểu bí thuật phong thủy lại là chuyên gia tinh thông địa lý, am tường thuốc nổ, dưới vòm trời này chẳng nơi nào chúng tôi không thể kiếm ăn được."
Tư Mã Khôi cảm thấy khó chịu trong lòng, lạnh lùng hừ một tiếng, lại hỏi: "Ván có lỗ mà không có đinh là loại ván gì? Ván có đinh mà không có lỗ lại là loại ván gì?"
Ngọc Phi Yến đối đáp trơn tru: "Loại có đinh mà không có lỗ là ván nhảy, loại có lỗ mà không có đinh là ván gió." Trả lời xong, cô nàng lập tức quay sang hỏi lại: "Anh bảo trên trời có bao nhiêu ngôi sao?"
Tư Mã Khôi nghe xong liền không phục, thầm chửi: "Dựa vào mấy món vặt vãnh nhà cô mà dám hỏi thân thủ của tôi sao?" nghĩ vậy anh liền thể hiện thái độ bất cần: "Sao trên trời, đếm không hết, tiền nhân nói có ba vạn sáu mươi sáu, còn cô có mấy sợi gân trên người?"
Ngọc Phi Yến thấy ban đầu đối phương còn khá tuân thủ luật lệ, nhưng càng ngày càng trở nên vô phép tắc, không nhịn nổi cơn giận thoáng qua, liền nhướng mày đáp: "Trên người có bảy sợi gân, cứ việc xẻ thịt lột da mà tìm. Thế anh có biết một con dao có mấy lỗ không?"
Tư Mã Khôi không thèm khách khí đáp: "Một dao hai lỗ, cô có mấy quả tim, cho tôi mượn một quả mang ra nhắm rượu chơi!"