Trước đây, Tư Mã Khôi đã biết trong kính viễn vọng Lopnor có chiếc tàu ngầm bị mất tích của Liên Xô, kí hiệu là Z-615, thuộc chi đội tàu ngầm độc lập thứ 40 của lực lượng vũ trang hải quân Liên Xô. Chiếc tàu ngầm này mang theo hai quả tên lửa ra khơi, sau đó mất tích và trở thành con tàu ma xuất quỷ nhập thần, nơi nó gặp nạn cũng trong phạm vi hải vực đi qua vành đai 30° vĩ Bắc.
Thế giới bên ngoài thỉnh thoảng lại bắt được sóng ngắn của con tàu này phát ra, nhưng rất khó xác định chính xác vị trí cụ thể. Chiếc tàu ngầm động cơ Diesel quy chuẩn ấy, dường như liên tục di chuyển, chặng đường nó đã đi vượt xa mức độ duy trì liên tục trên biển 11 ngàn hải lý.
Tư Mã Khôi hơi bất ngờ, anh đưa ống nhòm cho những thành viên còn lại quan sát, sau khi nhận định rõ tình hình, mọi người thì thầm bàn luận. Cả hội suy đoán: có lẽ chiếc tàu ngầm vẫn chưa vào đến vực sâu giữa tâm Trái đất, thì gặp sóng thần hoặc thềm sói mòn, nên kết quả bị xoáy vào vòng tròn ma quái bên dưới 30° vĩ Bắc, giống như tình cảnh của chiếc bè gỗ đang chở mọi người lúc này.
Chúng đều di chuyển theo vòng tuần hoàn trong thủy thể dưới lòng đất, suốt từ năm 1953 đến nay, hai mươi mấy năm ròng rã không nhìn thấy ánh mặt trời. Có điều, vòng tròn ma quái tựa con rắn tự cắn đuôi mình, lại nằm ngay trong tầng từ trường phía dưới cùng của lớp vỏ Trái đất, sóng ngắn hoàn toàn có thể truyền dẫn ra ngoài thông qua đám sương nhiễm từ.
Đội thám hiểm chỉ có thể giải thích được như vậy về những tín hiệu cổ quái, mà cả hội đã nhận được khi còn ở dưới sa mạc Lopnor. Nhưng hắc động dưới lòng đất sóng vỗ dữ dội, lại sâu hun hút, không khác gì đại dương mênh mông. Mọi người ngồi trên bè gỗ, mặc cho sóng nước dập dềnh cuốn trôi, bởi vậy cơ hội gặp được chiếc tàu ngầm là vô cùng mong manh.
Thế mà, giữa lúc này, nó bỗng dưng lại xuất hiện ngay trước mặt, như thể tự rước xác đến, khiến mọi người không khỏi cảm thấy nghi ngờ. Cao Tư Dương dụi mắt, trách móc Tư Mã Khôi: “Anh làm công tác bảo mật tốt quá nhỉ? Sao trước đây không kể cho bọn tôi biết dưới lòng đất còn có chiếc tàu ngầm của Liên Xô?” Tư Mã Khôi sợ nhất là phải đấu lý với Cao Tư Dương, anh liền viện cớ thoái thác: “Làm sao mà tôi biết nó bỗng dưng lại mọc ra chỗ đó, mẹ tiên nhân, đúng là gặp ma giữa ban ngày”.
Hải ngọng cũng muốn ra đó để xem xét tình hình cho ba năm rõ mười, liền đề nghị: “Chắc trên tàu có đồ hộp, vũ khí và pin đèn chưa biết chừng. Khó khăn lắm chúng ta mới tóm được cọng cỏ cứu mạng, nên tuyệt đối không được bỏ qua nó”. Tư Mã Khôi nói: “Chiếc tàu ngầm này rơi xuống hắc động hai mươi mấy năm nay, chưa biết đã bị thủy thể nuốt chửng hẳn chưa.
Tôi thấy bây giờ nó chỉ là con tàu ma hữu danh vô thực mà thôi. Người bên trong chắc đã ngỏm củ tỏi từ tám đời nào rồi, chắc gì đã tìm thấy lương thực và pin. Có điều, trong vòng tròn ma quái dưới lòng đất, khả năng còn ẩn chứa rất nhiều bí mật mà khó có thể tưởng tượng.
Chúng ta không được bỏ qua bất kì manh mối nào”. Thắng Hương Lân nhắc nhở Tư Mã Khôi: “Thủy thể dưới lòng đất rộng mênh mông, bè gỗ trôi không biết bao nhiêu ngày đêm trong cõi biển u minh này, bây giờ, chúng ta chỉ có thể suy đoán chỗ này đại khái là một địa điểm nào đó nằm trên vĩ tuyến 30°, còn kinh tuyến thì không cách nào xác định được.
Trong khi đó, bên trong tàu ngầm chắc chắn phải lắp đặt la bàn từ trường hồi chuyển, nếu có thể xác nhận tham số, thì chí ít chúng ta cũng có thể biết vị trí cụ thể của chiếc bè gỗ. Tôi thấy mạo hiểm lần này là rất đáng. Tuy trong con tàu có thể không còn thủy thủ nào sống sót, nhưng thông tin sóng ngắn mà nó liên tục phát ra lại rất bất thường.
Chúng ta muốn tiếp cận nó, nhất định phải thật đề cao cảnh giác mới được.” Đương nhiên, Tư Mã Khôi cũng biết, đoạn sóng ngắn tín hiệu Morse đó rất có thể là do các thủy thủ đã phát đi trước khi con tàu lâm nạn, và nó đã liên tục phát đi trong suốt hai mươi năm, thông qua máy điện đàm không dây công suất thấp và truyền dẫn ra ngoài.
Những nạn nhân đang đối mặt với cái chết ấy, muốn cảnh báo đội cứu hộ không nên tiếp cận con tàu. Xem ra, có thể lúc đó trên tàu đã xảy ra việc gì đó vô cùng đáng sợ, nhưng nếu không vào tận trong khoang để chứng kiến tận mắt, thì e rằng họ sẽ vĩnh viễn không thể biết nguyên do thực sự là gì.
Nghĩ vậy, anh bảo mọi người phải vô cùng thận trọng, chuyến đi này tuyệt đối không phải buổi diễn tập. Nói xong, anh đưa báng súng thò xuống nước làm mái chèo, gắng sức lái bè về phía phát hiện ra tàu ngầm. Bè gỗ trôi trong bóng tối không biết bao lâu, đột nhiên có một luồng khí chuyển động thổi ù ù lướt Trong chớp mắt, gió nổi lên như nước triều dâng, kéo con sóng dâng cao như ngọn núi, bè gỗ bị cuốn tung lên tận ngọn rồi lập tức rơi xuống lòng vực sâu, sinh tử chỉ cách nhau khoảng cách mong manh như sợi chỉ, vì tất cả có thể bị dòng khí nuốt chửng bất cứ lúc nào.
Mưa lớn quất phần phật, quần áo mọi người ướt sũng. Khung cảnh trước mắt phút chốc bỗng chìm vào bóng tối vô biên. Cao Tư Dương lấy vải mưa che đèn cácbua, nên luồng sáng mới không bị tắt, rồi đợi khi sóng yên bể lặng đôi chút, cô mới xách đèn ra soi để đếm số người.
Những thành viên còn lại thấy lòng đất tối như đáy nồi, chìa bàn tay ra không nhìn thấy năm ngón, nên ai nấy đều bật hết cả đèn quặng lên để phân biệt phương hướng. Tư Mã Khôi thấy Nhị Học Sinh say sóng, đã nôn hết mật xanh mật vàng, thân hình run rẩy như chiếc lá sắp lìa cành, răng va vào nhau nghe lập cập, liền nói: “Hải ngọng là tay bơi lội vô đối đấy, người ta còn tặng cho mỹ danh ‘mò trăng đáy bể’ nữa cơ, lâu lâu cậu ta lại làm cú nhảy vực, một phát là đã xuống sâu mấy nghìn mét, rồi ngồi đó thong dong ngắm cá chép hóa rồng giữa sóng lớn.
Có cậu ta ở bên cạnh, chú mày cứ việc yên tâm khỏi lo chết đuối”. Hải ngọng ngồi phía sau, chối đây đẩy: “Ớ! Đừng trông đợi gì ở anh. Người chứ có phải rái cá đâu mà dám ngồi thong dong ngắm cá chép hóa rồng, cùng lắm cũng chỉ biết vài chiêu vặt vãnh như vịt cạn thôi, chẳng tài cán gì hơn mọi người đâu”.
Nhị Học Sinh xua xua tay, ý muốn nói: không phải cậu ta sợ rơi xuống nước, mà chỉ là đột nhiên nhớ lại một chuyện rất khủng khiếp. Năm đó, tàu cá của ngư dân quần đảo Chu Sơn ra biển tác nghiệp, họ thường nhìn thấy một cái nắp hình tròn bồng bềnh trên biển, đáy gầm khe có phao gỗ, trông đen sì sì, ruột rỗng, không biết nổi lềnh bềnh trên mặt biển đã bao năm.
Trước đó, có người định vớt nó lên, nhưng kéo mãi nó vẫn không động đậy, những người bơi lội giỏi nhất nhảy xuống đó thử mò xem, thì phát hiện bên dưới nắp sắt là ống cao su rất to, nhưng làm thế nào cũng không kéo nó lên được, và không rõ phía dưới còn nối liền với vật gì, người ta rộ cả lên vì suy đoán.
Theo lời những lão ngư dân, vật này tồn tại ở đây từ thời trước giải phóng, có lẽ là kho báu mà bọn cướp biển chôn giấu, rồi chúng cắm phao tiêu trên mặt nước để xác định vị trí, đề phòng lúc quay lại vớt lên không tìm thấy. Sau này, các ban ngành địa phương hay tin, họ đã nhúng tay vào việc, và thật không ngờ “cái nắp sắt” hoàn toàn là công trình chế tạo quân sự, bên trong còn giấu cáp quang thông tin, chắc chắn không phải bọn cướp biển để lại.
Việc này thu hút sự chú ý của tất cả các đơn vị liên quan, họ cất công mời sở trục vớt tàu thuyền đến, huy động nhiều tàu cá tham gia trục vớt, nhưng dù thế nào cũng không thể dịch chuyển được vật khổng lồ dưới lòng biển sâu. Hải quân trinh sát và phát hiện: đó là tàu ngầm của Nhật thời kì hậu chiến chiến tranh Thái Bình Dương.
Có lẽ nó đã va đập phải quần thể san hô dưới đáy biển, máy móc lại đột nhiên hỏng hóc, nên khiến nó không thể nổi lên mặt nước. Thế là, các thủy thủ đành thả phao tiêu liên lạc, vì phía dưới nắp sắt có một cái ống thông thẳng vào trong tàu, vừa có thể phát tín hiệu cấp cứu cho thế giới bên ngoài, vừa giúp cung cấp dưỡng khí.
Thế nhưng cỗ tàu ngầm này lại gặp vận rủi, phao tiêu liên lạc bị tắc nghẽn, đồng thời không thể kịp thời xử lý sự cố động cơ diesel, nên dẫn đến dưỡng khí trong khoang bị tiêu hao nhanh chóng, khí áp trong lòng tàu mất cân bằng, các cửa khoang chịu ảnh hưởng của áp lực đẩy vào từ phía bên ngoài nên không thể mở cửa thoát hiểm từ trong ra được, và kết quả là hơn 60 viên thủy thủy quân Nhật đều bị chôn sống dưới đáy biển, họ chết vì ngạt thở.
Do điều kiện kỹ thuật, nên đến tận ngày nay người ta vẫn chưa thể trục vớt con tàu. Nhị Học Sinh vì đã từng nghe bạn bè làm trong sở trục vớt tàu thuyền mô tả cả quá trình một cách sinh động, mà đương nhiên, trong đó không thể thiếu những chi tiết nhiễm màu sắc phóng đại, như tình hình bên trong con tàu và quá trình xảy ra tai nạn, tuy những chuyện đó chỉ là tin vỉa hè, nhưng tất cả đều hằn khắc thành ám ảnh trong đầu Nhị Học Sinh, nên cậu ta luôn cảm thấy tàu ngầm là vật báo hiệu điềm gở, cái vỏ sắt khổng lồ đó chẳng khác gì chiếc quan tài, và chỉ cần sai sót một chi tiết vô cùng nhỏ bé xảy ra, thì sẽ dẫn đến những biến cố nghiêm trọng.
Không những thế, cái chết còn đến rất thảm thương, trước khi chết họ sẽ phải chịu đựng nỗi tuyệt vọng và sự hoảng sợ đến cùng cực, và rất có thể họ sẽ vĩnh viễn nằm lại trong khoang tàu dưới đáy biển tăm tối. Thế mà bây giờ cả hội lại liều lĩnh xông vào trong đó, mà không xảy ra điều quái gở thì mới lạ.
Không biết họ sẽ tìm thấy gì trong con tàu ma đã mất tích hơn hai mươi năm nằm giữa vòng tròn ma quái dưới lòng đất? Và chuyện gì đã xảy ra với con tàu hơn hai mươi năm về trước? Cứ nghĩ đến những điều này, cậu ta lại lạnh cả người. Tư Mã Khôi gạt ngay: “Thời xưa, trình độ văn hóa cỡ chú mày được coi là tú tài đấy, tước vị trên bậc tú tài đều được coi là quan lớn, quan lớn lên công đường không phải quỳ, mắc tội không bị phạt, ngay cả thần quỷ cũng còn nể sợ vài phần nữa là, việc gì chú phải tự mình nhát ma minh thế? Bớt thỏ đế đi cho anh nhờ!” Hải ngọng cũng chế giễu: “Cái gì mà lạnh người, tớ thấy cậu ta có mà đông cứng từ đời thuở nào rồi ấy chứ, đút cho miếng canh xem cậu ta còn thấy lạnh nữa không?” Cao Tư Dường sờ trán Nhị Học Sinh, thấy trán cậu ta nóng như phải bỏng, lúc này mưa to như trút, trên bè gỗ lại không có gì che chắn, trước sau, trái phải, hễ thò chân xuống là thấy nước, cô liền bảo Tư Mã Khôi: “Tạm thời cứ trốn vào trong tàu ngầm chốc lát cũng được, biết đâu lại tìm thấy ít thuốc men thì sao”.
Lúc này, chiếc bè gỗ bị sóng đẩy phăng về phía trước, nhờ ánh sáng ngoằn ngoèo của những lằn sét trong mây mù, nên mọi người có thể thấy khoảng cách giữa chiếc bè và vật thể đen sì, khổng lồ, giống như tàu ngầm Z-615 càng lúc càng gần, rồi cảm giác dồn nén theo đó càng lúc càng tăng.
Khi đến gần, mọi người lại phát hiện con tàu đã rách nát không còn nguyên vẹn nữa, vỏ ngoài han gỉ loang lổ thành từng vết rạn nứt. Tư Mã Khôi cũng thầm lấy làm lạ, vì nhìn thân tàu có vài lỗ thủng bị nước tràn vào, có lẽ lúc nó mới rơi xuống đây hãy còn nguyên vẹn, nhưng do nước biển ăn mòn nhiều năm, nên bây giờ mới hư hại nghiêm trọng thế này; nhưng sao nó không bị chìm xuống nước mà vẫn nổi như vậy được nhỉ? Tuy nhiên, Tư Mã Khôi không hiểu nguyên lý cấu tạo của tàu ngầm lắm, nên ý nghĩ đỏ chỉ thoáng qua trong đầu giây lát, rồi anh không để ý đến nó nữa.
Anh đốt một cây nến tín hiệu chiếu sáng khu vực mặt nước xung quanh, quăng dây thừng gắn móc câu lên cầu thang nối lên tàu. Mọi người buộc cố định chiếc bè gỗ thật chặt, sau đó đội mưa chạy lên cầu thang, loạng choạng dò dẫm đến trước nắp khoang chính. Đến gần, cả hội mới phát hiện ống nhòm ngầm ban đêm và đèn halogen cường quang 42cm đều bị hỏng nặng, còn nắp khoang đóng chặt từ bên trong, hoàn toàn không có cách gì mở ra được.
Cả hội đành dự tính phải chui qua một khe nứt khá lớn để vào trong. Họ ghé mắt nhìn, thấy các khoang bên trong cấu tạo theo hình trụ, vừa thấp vừa hẹp, không khí ẩm ướt, nước ngấm khắp nơi, khiến hơi thở mọi người trở nên gấp gáp khác thường. Thông qua số hiệu khắc trên thân thuyền, cả hội có thể xác định nó chính là Z-615 – con tàu ma một đi không trở lại hai mươi năm về trước.
Nhị Học Sinh nói với hội Tư Mã Khôi: “Chỗ này giống như ‘buồng điều áp’, phân bố hai bên mạn tàu, vết nứt kéo dài từ ngoài vỏ vào sâu tít bên trong, xem ra Z-615 từng bị va chạm rất mạnh, không biết thứ gì đã đâm nó ra nông nỗi này?” Tư Mã Khôi thấy, chỉ cần đi xuyên qua buồng điều áp là có thể bò vào lòng tàu ngầm, bên trong tối thui và im lìm.
Tuy đến giờ chiếc tàu ngầm Z-615 chỉ còn là cái xác sót lại, nhưng anh vẫn không dám coi thường. Tư Mã Khôi bảo Thắng Hương Lân lắp phim vào máy ảnh, nếu phát hiện ra điều gì quan trọng, thì có thể kịp thời ghi hình lại, rồi anh phân công Hải ngọng kiểm tra lại súng ống đạn dược một lượt.
Thân súng M-1887 đã được cải tiến, trông ngắn hơn cả súng lục, phù hợp sử dụng trong môi trường huyệt động, khoang tàu thuyền hay vùng địa hình chật chội, ngoài ra loại đạn mà đội thám hiểm Taninth lắp bên trong, lại toàn loại đạn vỏ kim loại đặc chế, có tác dụng chống thấm rất tốt.
Mọi người chuẩn bị giây lát, rồi lần lượt nối nhau kéo qua khe nứt giữa hai tầng vỏ, chui vào trong chiếc tàu ngầm nằm nghiêng nghiêng một phía, xung quanh không một bóng người, cũng không thấy một thi thể nào, không gian chật chội tràn ngập bầu khí âm u và dồn nén. Tư Mã Khôi quan sát địa hình, thấy có vẻ cả hội đang đứng bên trong một đường hầm chính, ngẩng đầu lên là chạm phải hệ thống đường ống chi chít, trong đó , một đầu có cánh cửa đóng chặt, còn tận cùng đầu bên kia có một tầng chứa nước ngọt và khoang nhiên liệu, cỗ tàu ngầm này tuy dài gần trăm mét, nhìn từ ngoài vào trông vô cùng khổng lồ, nhưng ngoại trừ hai tầng vách vỏ tàu ra, thì bên trong ít nhất cũng phải chia thành ba tầng – tầng trên, tầng giữa và tầng dưới.
Bởi vậy, kết cấu bên trong con tàu rất chật chội và phức tạp. Hội Tư Mã Khôi lần đầu bước vào đây nên không khỏi cảm thấy hoa mắt chóng mặt, mọi người đành chia nhóm ra để tiến hành lục soát. Trong một khoang khép kín, Tư Mã Khôi lật mấy bộ đồng phục dự bị của các thuyền viên, thấy trên cầu vai có biểu tượng cá voi, có lẽ đây là đồng phục của nhân viên SONAR.
Thời kì chiến tranh lạnh, đồ dùng của quân đội Liên Xô nhất loạt đều được sản xuất theo quy chuẩn dành cho chiến tranh hạt nhân, nên độ bền và chắc, chắc chắn đã vượt xa mức bình thường, Nhị Học Sinh mà mặc nó vào người thì chắc là sẽ giúp cậu ta che chắn được luồng khí âm lạnh dưới lòng đất.
Suốt mấy năm ở lâm trường, Nhị Học Sinh không hề có lấy một bộ quần áo nào không có mụn vá, nay thấy bộ đồng phục vẫn còn nguyên lành, nên cậu ta chẳng chần chừ mà mặc luôn vào người, rồi lúc thì sờ huy hiệu cá voi trên cánh tay, lúc lại đút tay vào túi áo, ngắm chỗ nọ nghía chỗ kia, thấy chỗ nào cũng mới lạ.