Mê Tông Chi Quốc

Chương 12: Hồi thứ ba: cầu la sư






Triệu Lão Biệt dặn dò xong xuôi, hẹn đúng mười hai giờ đêm nay hai người đợi lão ở chân cầu La Sư cùng đi biệt bảo, sau đó liền nhét viên "Ngọc Định Phong" vào trong người, vội vàng bỏ đi mất dạng.



Tư Mã Khôi và La Đại Hải từ lúc đó đứng ngồi không yên, hai người vô cùng ngứa ngáy chân tay, linh tính mách bảo chuyện tối nay chắc hẳn vừa mạo hiểm vừa hấp dẫn, nói không chừng còn được chia không ít đồ tốt, thế là liền vội vàng chuẩn bị mọi việc.



Trước tiên, hai người phân phát thuốc lá và đồ hộp ọi người trong nhóm, sau đó tìm một ngọn đèn dầu còn dùng được, lại lo lỡ đâu gặp phải bất trắc bên ngoài, nên mỗi người đều thủ trong mình một con dao díp ba khía. Loại dao díp này có ba mặt lưỡi, rãnh sâu khoét trên khe, nếu xuyên vào gan tụy người nào thì vết thương không thể khép miệng, cho dù được đưa đến bệnh viện kịp thời vẫn không thể tránh khỏi cái chết do mất quá nhiều máu. Trong khu vực Hắc Ốc không thiếu loại hung khí kiểu này. Hai người thu xếp gọn gàng đâu vào đấy, chỉ chờ màn đêm buông xuống là lập tức đến chân cầu La Sư tìm gặp Triệu Lão Biệt.



Đợi mãi mặt trời mới xuống núi, hai người liền đứng dậy chuẩn bị xuất phát. Ai ngờ đúng lúc này, một cô gái tên là Hạ Cần lại đến tìm gặp. Trước khi nghỉ học ở trường, Hạ Cần từng là bạn cùng lớp với Tư Mã Khôi và La Đại Hải, tuy rằng cô nàng không phải hạng xinh gái nhưng thân hình cân đối, khuôn mặt dễ nhìn, thành tích học tập cũng khá, mà quan trọng hơn là điều kiện chính trị của gia đình rất tốt, sớm muộn cô nàng cũng tham gia quân đội, con đường tương lai có thể nói là vô cùng xán lạn. Từ trước đến nay, Hạ Cần rất ít khi kiếm chuyện thị phi với đám người La Đại Hải, thế mà hôm nay đột nhiên đến đây tìm gặp, khiến Tư Mã Khôi và La Đại Hải cảm thấy vô cùng ngạc nhiên.



Hạ Cần không đội mũ, hàng tóc mái hỉ nhi lòa xòa trước trán, đằng sau kết thành hai bím dài và nhỏ, trên người mặc bộ quân phục loại đắt tiền, quần kaki màu xanh da trời, ngực cài huy hiệu Mao chủ tịch. Cô nàng vội vàng từ thành phố chạy đến đây, quần áo ướt đẫm mồ hôi, dường như có chuyện gì quan trọng lắm muốn thông báo cho hội Tư Mã Khôi biết, nhưng khi nhìn thấy bộ dạng ngang ngược, vô lại, bất cần đời của hai người bọn họ, cô cảm thấy vô cùng thất vọng. Hạ Cần thở dài bất lực, lời nói vốn dĩ sắp vọt ra khỏi miệng lập tức bị nuốt ngược vào trong, thay vào đó cô nàng đã không ngừng trách mắng bọn họ một thôi một hồi, nói họ không nên cam tâm buông thả bản thân như vậy mà phải tìm cơ hội học tập nhiều thêm một ít, nếu không sẽ lãng phí mất tuổi thanh xuân quý giá.



Tư Mã Khôi ghét nhất phải nghe người khác lên mặt dạy đời, nên trong lòng thầm nghĩ: "Cái con nhóc này sao lắm chuyện thế không biết, bây giờ là thời đại nào rồi mà còn học tập?" Tuy nghĩ vậy nhưng miệng cậu ta vẫn điềm nhiên lấp liếm: "Cậu nghĩ bọn tôi muốn thế này à? Vì sao người ta phải học tập hử? Đương nhiên là vì muốn thể hiện giá trị cái tôi của bản thân. Nhưng tôi lại nghe có một nhà hiền triết nói thế này, người ta sinh ra trên đời nhất thiết phải lần lượt đi theo các tiêu chí: trước tiên là sinh tồn, tiếp đến là cảm giác an toàn, thứ ba là tình yêu, gia đình, thứ tư là sự tôn trọng, xếp hàng thứ năm mới là thể hiện cái tôi. Bây giờ bọn tôi ăn bữa sáng lo bữa tối, cuộc sống có hôm nay mà không có ngày mai, ngay cả tiêu chí đầu tiên cũng chẳng đạt được thì làm gì còn tâm trí mà nghĩ đến việc học hành nữa."



Hạ Cần tự biết miệng lưỡi mình không thể thắng nổi Tư Mã Khôi, bởi chỉ có quỷ mới biết nhà hiền triết nào đã nói với cậu ta mấy triết lý đó, hay chính cậu ta thuận miệng nói nhăng nói cuội? Cô nàng đành nói: "Bạn Khôi ạ! Chúng mình dù sao cũng là bạn cùng lớp với nhau, tớ nói thế chẳng qua là muốn tốt cho các cậu mà thôi!"



Thấy điệu bộ Tư Mã Khôi và La Đại Hải có vẻ như muốn kết thúc câu chuyện ở đây, hai người bọn họ, tay cầm chiếc đèn dầu, thắt lưng giắt theo hung khí, Hạ Cần lại tưởng hai tên này chuẩn bị ra ngoài đánh lộn với người ta, liền vội vàng hỏi họ định đi đâu?




Đầu óc La Đại Hải không thể nhanh nhạy như Tư Mã Khôi nên nghe hỏi liền thuận miệng trả lời ngay: "Bọn tôi đến cầu La Sư..." Nói được nửa câu, cậu ta tự biết mình lỡ lời, lập tức lấy tay bịt mồm lại.



Hạ Cần từng nghe nói đến cầu La Sư ở vùng ngoại ô hẻo lánh, đó là chiếc cầu bằng đá cổ xưa đã bị bỏ hoang từ lâu, đi qua cầu là rừng sâu núi thẳm và khu nghĩa địa rộng lớn; ở đó tịnh không có bóng người qua lại, không hiểu hai người bọn họ đến đó làm gì vào đêm hôm khuya khoắt thế này? Cô nàng không khỏi sinh nghi, trong lòng chắc mẩm bọn họ đến đó chỉ để gây họa mà thôi.



Tư Mã Khôi vội vàng giải thích, bọn họ đến đó tuyệt đối không phải để đánh nhau mà là... mà là để bắt chim cút. Khu vực gần cầu La Sư cỏ hoang mọc rậm rạp, cao ngút ngang thắt lưng, trong bụi cỏ có rất nhiều tổ chim cút.



Cậu ta nói vậy cũng không hoàn toàn sai sự thật, vì người ngoài mới vào khu Hắc Ốc, muốn chắc chân ở đây thì buộc phải đánh nhau với bọn lưu manh vô lại bản địa. Trừ phương pháp hai bên mang quân lính đánh nhau lộn tùng bậy ra, cách tốt nhất chính là "chọi chim cút".



"Chọi chim cút" là một hình thức cá độ, bắt nguồn từ cuối thời Minh và được lưu hành rộng rãi trong dân gian, cũng giống như các trò chọi chim, đấu chó, chọi dế khác. Lúc đầu, khi mới đến đây, vì Tư Mã Khôi tìm được một con chim cút mỏ sắt, lông vũ tím biếc, rồi trong vòng ba ngày nó liên tiếp hạ gục mười lăm con chim cút khác của bang Hắc Ốc nên cục diện mới được thay đổi, và hội Tư Mã Khôi mới giành được chỗ dung thân.



Sau sự việc ấy, mỗi lần hai bên có tranh chấp gì đều lấy phương thức "chọi chim cút" để giải quyết; nhưng chim cút không nuôi bộ được lâu nên Tư Mã Khôi phải tìm trăm phương nghìn kế ra bãi cỏ hoang bắt chim. Có điều, nửa đêm nửa hôm thế này thì không thể bắt nổi, giờ lấy lý do đó quả thực chỉ là miễn cưỡng viện cớ mà thôi.



Hạ Cần nghe giải thích mà bán tín bán nghi, khăng khăng đòi đi theo bằng được mới chịu tin. Tư Mã Khôi khuyên giải thế nào cũng không được, nhìn lên thấy sắc trời đã nhá nhem tối, bây giờ cũng không thể đuổi cô nàng về thành phố nên đành phải chấp nhận cho bám đuôi.



Đêm hôm đó, vòm trời chi chít sao nhưng lại không có trăng, không gian chẳng có lấy một ngọn gió mát mà oi bức ngột ngạt đến khó thở.



N.g.u.ồ.n. .t.ừ. .s.i.t.e. .T.r.u.y.e.n.G.i.C.u.n.g.C.o...c.o.m. Ba người xách theo ngọn đèn dầu lặng lẽ rời khỏi khu Hắc Ốc, bước thấp bước cao đi rất lâu trong khu đất vắng vẻ, cuối cùng cũng nhìn thấy chiếc cầu đá đã bị sập mất một nửa, bắc ngang qua lòng sông khô cạn. Đây chính là cầu La Sư. Đối diện với cầu La Sư là một vùng hoang vu, gò đồi nhấp nhô lượn sóng, trong đó là đồng cỏ mênh mông không biết đâu là bờ, và khu nghĩa địa cổ rộng lớn có từ ngàn năm trước, mộ phần chôn cất lộn xộn chẳng có lớp lang gì cả, phần lớn là mộ vô chủ, người bị chôn dưới đất đều là người nghèo, thậm chí còn có những mộ tận mấy người chôn cùng một hố. Nghe nói ở đây ma quỷ hoành hành rất dữ nên ít người dám qua lại sau khi trời tối.



Trời vào hạ, lòng sông phía dưới gầm cầu tích đầy bùn cát, cỏ dại mọc um tùm, phía sâu bên trong lùm cây ếch nhái không ngừng cất tiếng kêu ộp ộp, bọ gậy nhung nhúc từng bầy bơi lội trong mấy vũng nước tù, những con dơi to hơn cả chim thỉnh thoảng lại liệng vèo qua trước mặt, khiến người ta sợ đến vã mồ hôi hột. Có điều, Tư Mã Khôi và La Đại Hải sống ở nơi hoang vu này đã quen rồi nên vẫn điềm nhiên như chẳng nhìn thấy gì. Xem chừng vẫn còn sớm, mấy người bọn họ liền ngồi bừa xuống một bãi đất dưới chân cầu, tắt đèn dầu, vừa hút thuốc vừa chờ đợi.



Tư Mã Khôi thấy cơ sự đã đến nước này, sợ rằng không thể giấu giếm thêm được nữa, liền thuật lại việc gặp Triệu Lão Biệt cho Hạ Cần nghe một hồi, rồi bắt cô nàng hứa khi về tuyệt đối không được hé môi kể với bất kỳ ai.



Hạ Cần thấp giọng đồng ý: "Cậu cứ yên tâm, tớ nhất định không bao giờ thành kẻ phản bội đâu, nhưng hai người các cậu cứ làm mấy việc thị phi này, chẳng sớm thì muộn cũng rước họa vào thân. Mấy hôm trước, tớ nghe bố tớ nói, cục cảnh sát đã quyết định bài trừ tận gốc bang Hắc Ốc đấy. Nếu các cậu không muốn bị nhốt vào tù thì phải sớm trở về thành phố mới được."



Tư Mã Khôi nghe tin ấy, trong lòng cảm thấy hơi khó chịu. Thông qua sự tiếp xúc trong những ngày ở đây, cậu phát hiện cái gọi là "Bang Hắc Ốc" thực ra là những con người rất thuần phác, họ chỉ là những người đẩy xe bán khoai lang, bánh hành dạo, nếu không thì là những kẻ lưu lạc không nhà không cửa. Tất cả bọn họ đều sống nhờ vào con đường sắt, chẳng gây ra tội ác tày trời nào cả; nếu quả thực bắt họ phải rời khỏi túp lều hoang tàn này thì họ phải đi đâu để tìm chốn dung thân?



Trái lại, La Đại Hải chẳng buồn để tâm, cậu ta nói nếu như không thể sống trong Hắc Ốc thì sẽ dẫn Tư Mã Khôi đi Đông Bắc. Ông già cậu ta trước đây có gốc rễ sâu trong quân đội đến tận đâu đấy chứ, muốn quan hệ có quan hệ, muốn đường đi có đường đi, không chừng đợi khi cậu đủ tuổi còn được sắp xếp vào trong quân đội, việc gì phải cố sống cố chết bám trụ ở đây mà chịu uất ức.



Hạ Cần nói: "Đông Bắc thì có gì hay cơ chứ, đến mùa đông lạnh chết đi được, chẳng phải lưỡi của cậu khi nhỏ bị đông cứng nên giờ mới thế này sao?"




La Đại Hải bĩu môi tỏ ý khinh thường: "Cậu thì hiểu gì? Đồ con gái tóc dài, óc ngắn!" Đoạn cậu quay sang hỏi Tư Mã Khôi: "Khôi này, bố cậu sau này cũng đến Quan Ngoại phải không? Cậu bảo cái vùng ấy như thế nào nhỉ?"



Tuy rằng Tư Mã Khôi mơ hồ cảm thấy cái thằng như mình đây tiền đồ mờ mịt, số phận khó đoán, nhưng từ trước đến nay đều tự hóa nguy thành an, nên sớm đã chẳng buồn quan tâm đến điều này nữa, bây giờ nghe La Đại Hải gợi lại chuyện Quan Ngoại, liền nói: "Tớ chưa bao giờ đến vùng Đông Bắc, trước đây chỉ nghe ông già kể, ở đó vào mùa đông đúng là tuyết bay ngập trời, khắp nơi đóng băng đông cứng, vạn vật đều chìm vào giấc ngủ, có người còn bị đóng băng cả mũi. Thế nhưng trong rừng già núi sâu, những việc quái lạ nhiều vô cùng, nên chỉ cần ngồi trong lâm trường nghe người già kể chuyện cổ xưa, nghe suốt cả mùa đông cũng vẫn không hết."



Để giết thời gian, Tư Mã Khôi liền kể cho La Đại Hải và Hạ Cần nghe câu chuyện ly kỳ mà ông bố Trương Hồ Lô từng gặp ở Quan Ngoại. Ông bảo ở ngôi miếu hoang trong núi sâu vùng Quan Ngoại, một hôm bỗng nhiên có lão đạo sĩ đến; lão ta thu nạp một đồ đệ ở dưới núi làm đạo đồng, đồng thời xây một tòa điện để thờ sư tổ. Hai thầy trò cùng nhau ở trong đó tháng nọ tiếp tháng kia. Trước cửa điện um tùm rậm rạp, bất kể ở đây chỉ toàn cỏ dại cây hoang, nhưng hôm nào cũng nhìn thấy hai đứa trẻ hồn nhiên nô đùa ở ngoài hang núi. Mỗi ngày lão đạo sĩ gặp chúng, đều thuận tay đưa cho hai đứa bé khi thì viên kẹo, khi thì cái bánh. Thời gian lâu dần, hai bên trở nên khá thân thiết, nhưng hai đứa trẻ đó tuyệt đối không dám lại gần cửa điện một bước.



Cứ như vậy nhiều năm trôi qua, tất cả đều bình an vô sự, mãi cho đến một ngày, lão đạo sĩ từ dưới núi mang về mấy quả đào tươi ngon, trên cuống còn dính mấy chiếc lá, quả nào quả nấy căng mọng mỡ màng. Lão mang đào bày lên hương án trong điện thờ, dâng lên sư tổ. Lão đạo sĩ đi suốt một ngày đường, vừa mệt lại vừa buồn ngủ, thần thái lờ đờ, cứ thế ngồi trong điện, ôm hương án, dần dần thiếp đi.



Lúc này, một trong hai đứa trẻ đứng thập thò ở ngoài, rồi bò lên bậu cửa nhòm vào bên trong. Nó nhìn thấy mấy trái đào tươi mọng, không nhịn nổi liền len lén lẻn vào trong điện ăn trộm. Ai ngờ lão đạo sĩ đột nhiên hèm lên một tiếng, nhảy bật người dậy, giơ tay tóm lấy đứa trẻ, chẳng nói chẳng rằng kẹp mạnh nó vào dưới nách, ba chân bốn cẳng xông thẳng vào lò đốt hương phía sau điện, chân tay cuống quýt lột sạch quần áo của đứa trẻ, dùng nước tắm rửa sạch sẽ rồi vứt sống nó vào một nồi nước to, lấy nắp gỗ nắp chặt lại, rồi dùng tảng đá to chèn lên trên.



Lão đạo sĩ lại gọi tiểu đạo sĩ đồ đệ đến, ra lệnh cho hắn chất thêm củi vào lò, tuyệt đối không được bớt lửa, cũng không được mở nắp vung xem bên trong là thứ gì, sau đó lão ta chạy đi tắm rửa thay quần áo, tế bái thần linh.



Tiểu đạo sĩ trong lòng thầm nghĩ, người xuất gia nên lấy thiện làm gốc mới phải, sao lại ăn thịt người tàn nhẫn như thế? Chỉ e rằng sư phụ đang muốn tu luyện môn công phu tà đạo nào đó. Tai hắn đã nghe thấy đứa trẻ bên trong nồi khóc thét giẫy giụa, nên cảm thấy không nhẫn tâm, định mở vung nồi phóng sinh cho nó. Thế nhưng lại sợ lỡ đâu sư phụ chẳng ăn được thịt người, sẽ lấy dao mổ thịt hắn, thế nên hắn lại không dám kháng lệnh.



Lửa càng cháy càng đượm, tiếng kêu thét càng lúc càng nhỏ, rồi dần dần trở nên u tịch vô thanh, khiến tiểu đạo sĩ nghĩ rằng đứa trẻ chắc đã bị đun chết. Hắn lại lo nước trong nồi bị cạn nên nhè nhẹ hé mở nắp vung, đang định nghé mắt vào xem, đột nhiên nghe thấy "bùm" một tiếng, đứa bé từ bên trong nhanh thoăn thoắt chui ra ngoài trốn mất dạng.



Vừa lúc đó, lão đạo sĩ đang ôm hộp thuốc chạy tới, trông thấy sự tình, vội vàng giục đồ đệ chạy ra ngoài cửa tìm kiếm, kết quả tìm khắp nơi mà đứa bé vẫn biệt vô âm tín. Lão đạo sĩ đành gạt nước mắt than dài: "Đồ nhi ngu ngốc, mi làm hỏng việc lớn của ta rồi! Ta ở bao nhiêu năm trong chốn rừng sâu núi thẳm này cũng chỉ vì quả nhân sâm ngàn năm đó thôi. Nếu nấu nó thành nước uống cùng với thuốc, có thể trường sinh bất lão. Xem ra ta không đủ phúc phận, ước nguyện thành tiên cũng vô vọng rồi. May mà nước canh trong nồi và quần áo của đứa trẻ vẫn còn giữ lại, đem luyện thành linh đơn uống cũng được thượng thọ, miễn nhiễm bách bệnh." Nói xong, hai thầy trò liền gấp gáp quay trở vào trong điện.



Nhưng khi bọn họ trở về tìm kiếm quần áo thì phát hiện không biết chúng đã biến mất từ lúc nào, chẳng những thế nước trong nồi cũng bị một con chó hoang trụi lông uống cạn, một giọt cũng không còn. Lão đạo sĩ thất vọng quá tới mức đổ bệnh, mấy tháng sau thì âu sầu lìa đời, còn con chó hoang, nghe nói về sau lông đen mọc kín toàn thân, óng mượt tuyệt trần, từ đó nó bỏ vào rừng sâu không bao giờ quay trở lại nữa.



Trên núi chỉ còn sót lại vị tiểu đạo sĩ, một mình ngồi giữ điện sư tổ trống toang hoang, sau này hắn rơi vào tình cảnh cùng quẫn, không kế sinh nhai, đành buộc phải phá giới thành cướp, theo chân ông Trương Hồ Lô làm thổ phỉ. Câu chuyện này do chính miệng hắn kể lại cho ông Trương Hồ Lô nghe.



La Đại Hải và Hạ Cần nghe Tư Mã Khôi kể với giọng rất quả quyết, như thể thực tế đúng là đã từng xảy ra việc ấy, trong lòng cảm thấy rất mơ hồ, không thể phân biệt nổi câu chuyện này là sự thực hay do Tư Mã Khôi bịa ra.



Tư Mã Khôi giải thích: "Đã là truyền thuyết thì đừng thắc mắc nó thật hay giả, nhưng các cậu có biết vì sao tớ kể chuyện này ra không? Là vì tớ cứ cảm thấy cái lão già Triệu Lão Biệt đi lùng bảo vật kia, hao hao giống với tên đạo sĩ đi lùng bắt nhân sâm thành tinh."



La Đại Hải cũng gật đầu đồng ý: "Mẹ kiếp! Mấy lũ bợm đó chẳng đứa nào ra gì! Cậu xem bây giờ là mấy giờ rồi mà lão già chết tiệt ấy còn chưa đến? Tớ thấy, chắc quá nửa là bọn mình bị lão cho leo cây rồi."



Tư Mã Khôi gật gật đầu, lớn giọng sang sảng: "Là con người, ai chẳng có tính xã hội, mà xã hội lại là cái quần thể tạp nham đầy tính mâu thuẫn. Mấy năm kinh nghiệm đã mách bảo cho chúng ta rằng, bất luận thế nào cũng đều phải tin câu này: trên thế giới, loại khốn nạn nào cũng có." Cậu ta nói xong liền nhổm người đứng dậy, định bụng nhìn quanh xem Triệu Lão Biệt đã đến chưa, không ngờ vừa ngẩng đầu trông ra phía xa thì đã giật nảy người. Dường như không tin vào cảnh tượng mình đang nhìn thấy, cậu ta vội vàng đưa tay dụi mắt rồi nhìn lại.




Lúc bấy giờ, mây đen u ám, che phủ mọi vì sao vốn chi chít trên nền trời, bóng tối bao trùm bủa vây khắp không gian, chỉ duy phía đối diện với cầu La Sư, nơi tận cùng đầu bên kia của cánh đồng hoang là lung linh ánh đèn. Và, không thể ngờ ở đó lại có một thành trì trải rộng hàng trăm dặm, có sức chứa trên dưới vạn người, quy mô quả thực không nhỏ. Có điều, do màn đêm mịt mùng, tầm nhìn bị mộ phần và cỏ hoang che lấp, lại thêm khói bay sương phủ la đà, nên khi nhìn qua đó chỉ thấy khung cảnh chập chờn lúc mờ lúc tỏ bất định. Trong thành đó hiện rõ ma khí vô cùng nặng nề, khiến người ta không khỏi dựng tóc gáy sợ hãi.



La Đại Hải và Hạ Cần cũng phát hiện ra cảnh tượng dị thường đó, và ba người đều cảm thấy da gà nổi lên từng đợt. Chưa bao giờ bọn họ nghe nói trong khu nghĩa địa bỏ hoang này lại có sơn thôn, thị trấn. Nơi đây tuy rất hiếm dấu tích của con người, nhưng ban ngày thỉnh thoảng vẫn có kẻ qua lại trên đường, có điều chưa ai từng nhìn thấy người sống trong khu nghĩa địa, nên chẳng hiểu sao tự nhiên hôm nay lại nổi lên một tòa thành lớn như vậy? Nhìn tòa thành đó âm hiểm dị thường, lẽ nào đó là ma thành dưới âm phủ?



Tư Mã Khôi và La Đại Hải đều không tin vào mấy chuyện ma quỷ nên hai người mau chóng định thần, thắp đèn dầu, rút con dao díp ba khía ra, lăm lăm trong tay, hướng thẳng vào bức thành trì chập chờn mờ tỏ như ma trơi rồi tiến từng bước đến đó. Bọn họ định nhìn xem rốt cục là thứ gì đang tác oai tác quái. Hạ Cần tuy rằng không muốn đi, nhưng cô nàng càng không muốn ở lại một mình dưới chân cầu, nên đành níu áo Tư Mã Khôi theo sát phía sau.



Ba người hướng tầm mắt nhìn về phía tòa thành ma, lần mò từng bước trong nghĩa địa, vừa đi vừa phạt cỏ tiến lên. Tuy rằng cả bọn đi rất lâu trong bóng tối, nhưng dường như càng đi càng cảm thấy chột dạ, vì bất luận đã đi được khá xa nhưng trước sau vẫn cảm thấy như không thể đến gần tòa thành ẩn hiện ánh đèn nến ấy.



La Đại Hải trong lòng không tránh khỏi cảm giác rờn rợn, liền khuyên Tư Mã Khôi: "Tớ thấy bọn mình nên rút đã, hảo hán sợ gì cái thiệt trước mắt, nếu tiếp tục đi không khéo lại lạc đường mất!"



Tư Mã Khôi nhìn thấy sắc trời đúng là tối quá, trong lòng cũng thầm cảm thấy lực bất tòng tâm, nên đành quyết định rút lui rồi tính tiếp. Ba người bèn quay đầu về phía sau, ai ngờ cánh đồng cỏ hoang rộng mênh mông, đêm đen bao trùm mịt mùng, chút ánh sáng tỏa ra từ ngọn đèn dầu chỉ đủ soi rõ trong phạm vi ba bước. Ánh sáng lói của ngọn đèn hiện lên giữa khu nghĩa địa hoang vắng này chẳng khác nào ánh lửa ma trơi. Tất cả những gì có thể nhìn thấy bây giờ chỉ là những nấm mồ nối tiếp nấm mồ. Ba người bọn họ đi không biết bao lâu, nhưng vẫn không thể quay về lòng sông khô cạn dưới chân cầu La Sư, còn ngoái đầu nhìn lại, thấy khoảng cách giữa họ và tòa thành trì ẩn hiện ánh sáng ma quỷ đằng kia dường như vẫn không hề thay đổi.



Trên trời giờ đã không nhìn thấy bóng dáng nửa ngôi sao, nên cũng chẳng thể phân biệt đâu là hướng nam, đâu là hướng bắc. Mất vật tham chiếu, cảm giác không gian càng bồng bềnh như không tồn tại. Trong đêm hè oi bức, thời gian phảng phất như dừng lại, ngưng tụ tại một điểm.



Trán La Đại Hải đầm đìa mồ hôi lạnh, cậu ta không nhịn được lẩm bẩm thành tiếng: "Thế này chẳng phải đang gặp ma à? Nghe người ta đồn những hồn ma bị chết oan khuất thường xuất hiện trên đường vào ban đêm để dẫn lối cho lữ khách, bắt họ đi vòng vo một hồi rồi quay trở lại điểm xuất phát, cuối cùng khiến họ cùng quẫn mà chết. Tục truyền con đường đó gọi là Hẻm ma ám. Chẳng lẽ hôm nay anh em bọn mình lại đâm vào con hẻm ma?"



Tư Mã Khôi vẫn bình tĩnh hơn cả: "Cùng lắm thì lãng phí một đêm ở đây, sáng ngày mai đợi khi chim kêu trời sáng thì cô hồn, dạ quỷ gì cũng phải tiêu tan."



Cậu lại vung dao huơ huơ trước mặt: "Có thứ giết người này trong tay, bất kể trong nghĩa địa có vật gì không thanh sạch, ông đây cũng phanh thây chúng ra thành ba mảnh."



Tuy mạnh miệng như vậy nhưng thời khắc này dường như cách biệt hoàn toàn với thế giới bên ngoài, mỗi giây mỗi phút đều kéo dài đằng đẵng tựa ngàn thu, bởi hoàn toàn không thể cảm nhận được sự trôi chảy của thời gian, nên ba người khó lòng át chế được sự phát tác của chủ nghĩa duy tâm. Họ lo rằng bọn họ thực sự đang bị sa vào con hẻm ma ám, đường ma đi, người không thể đi, ngộ nhỡ lạc bước vào trong đó, chỉ e vĩnh viễn không thể đợi đến thời khắc chim kêu trời sáng.



Hải ngọng đột nhiên nhớ ra một việc, cậu ta kể với Tư Mã Khôi và Hạ Cần rằng theo cách nói lưu truyền của dân gian vùng Đông Bắc, nếu một người đi lạc trong núi, thì thường lỡ bước vào nhầm thành cổ, trong thành chắc chắn chẳng có ai là người sống, chỉ có một lão già gầy đét như thanh củi khô, da dẻ nhăn nheo, đầu đội mũ chóp nhọn, khi nhìn thấy người thì tự nhận: "Đầu đội mũ hoàng kim, mình mặc áo lưu ly, bản quan là đại vương trong mộ, cưỡi thỏ ngọc đi tuần".



Nếu gặp phải tình huống như vậy thì lão già đó tuyệt đối không phải là người, mà là con chồn tinh, còn gọi là "Hoàng đại tiên" từ trong núi chui ra, nếu ai còn muốn sống sót thoát ra khỏi hẻm ma ám, thì phải lập tức dập đầu cúi lạy và cầu xin nó dẫn đường.