Mất Tư Cách Làm Người

Chương 12




“Quý khách ơi, dậy thử mà xem này”. Một buổi sáng, cô con gái đứng ngoài đứng ngoài trà quán, cất giọng lanh lảnh gọi tôi. Tôi bất đắc dĩ phải thức dậy, bước ra ngoài hành lang.

Cô gái nhỏ rất hưng phấn, hai má đỏ bừng. Nàng lẳng lặng chỉ tay lên trời. Tôi thử nhìn lên. Tuyết. Tuyết rơi trên núi Phú Sĩ. Đỉnh núi trở nên trắng tinh, sáng lấp lánh. Tôi mới nghĩ rằng núi Phú Sĩ nhìn từ đèo Misaka cũng đâu có tệ.

“Tuyệt quá”, tôi nói.

“Chẳng phải rất tuyệt sao?”, nàng có vẻ đắc ý, dùng ngôn từ rất trau chuốt thế mà hỏi tôi. Ngồi xổm dưới đất, nàng tiếp tục nói “Không lẽ núi Phú Sĩ nhìn từ đèo Misaka, vậy mà còn chưa đẹp hay sao?”

Có lẽ tại tôi thường nói với nàng là núi Phú Sĩ nhìn từ đây trông có vẻ thô tục thế nào ấy và nàng cứ mãi ấm ức trong lòng.

Tôi liền nghiêm nghị nói chữa lại “đúng là núi Phú Sĩ mà không có tuyết rơi thì vẫn thô tục đấy”.

Tôi mặc bộ dotera đi dạo quanh sườn núi, hái đầy hai nắm tay loài hoa nguyệt kiến thảo(13), đem về trồng ở khu vườn sau của trà quán.

13. Nguyên văn là tsukimosou, một loài hoa nguyên gốc ở Bắc Mỹ, chiều cao khoảng 60cm, hoa thường màu vàng. Câu nói của Dazai “Cỏ nguyệt kiến thảo rất hợp với núi Phú Sĩ” đã thành một câu nói thời danh, được trích dẫn lại rất nhiều lần.

“Bé này, đây là loài hoa nguyệt kiến thảo của tôi và năm sau tôi sẽ lại đến đây ngắm hoa nên đừng có xả nước giặt đồ vào chỗ này nhé”, nàng gật đầu.

Sở dĩ tôi chọn loài hoa này vì nghe nói hoa nguyệt kiến thảo rất hợp với núi Phú Sĩ. Cái trà quán nơi đèo Misaka này nằm xa xôi hút nẻo nên thư từ bưu phẩm không đến được. Từ đỉnh đèo, lên xe buýt đi khoảng nửa tiếng sẽ đến một khu làng lạnh lẽo dưới chân đèo đúng như tên gọi của nó là Kawaguchi (Hà u: cửa sông). Thư từ bưu phẩm gửi cho tôi nằm trong bưu điện của làng Kawaguchi này cho nên cứ khoảng ba ngày một lần, tôi lại phải xuống nhận lấy. Tôi thường chọn ngày đẹp trời mà đi. Người con gái soát vé xe buýt cũng không giới thiệu gì về phong cảnh nơi này. Tuy thế, đôi khi chợt nhớ ra, nàng cũng thuyết minh cho chúng tôi bằng một cái giọng đọc tản văn gần như thầm thì lơ đãng “đây là núi đỉnh đèo Mitsutoge, kia là hồ Kawaguchi, có loài cá tên gọi là Wakasagi…”

Sau khi nhận thư từ bưu phẩm nơi bưu điện Kawaguchi tôi lại lên xe buýt về trà quán. Trên đường về, tôi ngồi cạnh một người phụ nữ chừng sáu mươi tuổi. Bà mặc một chiếc áo màu nâu đậm khoác ngoài chiếc kimono. Gương mặt trắng xanh của bà giống hệt mẹ tôi. Người con gái soát vé xe chợt nói như thể nàng vừa mới nhớ ra “Mọi người có thấy hôm nay núi Phú Sĩ trông rất rõ không ạ?”. Lời nói chẳng có vẻ gì là thuyết minh hay cảm thán gì cả. Mọi người khách từ người nhân viên công ty mang cặp táp đến cô gái geisha mặc áo lụa, tóc búi cao theo kiểu truyền thống, chiếc khăn tay điệu đàng đưa lên môi, đều khẽ xoay người nhìn ra ngoài cửa sổ, chăm chú vào đỉnh núi hình tam giác như thể mới thấy lần đầu, buông lời cảm thán “thế à”, “đúng nhỉ”, làm trong xe náo động cả lên. Tuy thế, người phụ nữ ngồi kế bên tôi, dường như đang che giấu nỗi khổ đau nào đó trong tim, không như những người khác, bà không hề nhìn núi Phú Sĩ mà ngược lại, nhìn chăm chú vào những tảng đá ven đường. Trông thấy bà lão như vậy, tôi cảm động muốn run lên và cũng muốn cho bà lão ấy biết rằng tôi cũng như bà, chẳng muốn nhìn ngọn núi Phú Sĩ thô tục ấy làm gì. Và cho dù bà không nói với tôi nhưng tôi cũng muốn thể hiện cho bà thấy sự thông cảm của mình với nỗi khổ đau và cô tịch của bà đang mang chịu. Và như thể muốn cho bà biết điều đó, tôi ngồi sát lại với bà và cùng nhìn vào những tảng đá bên đường.

Bà lão dường như cảm thấy an tâm về tôi phần nào đó, đưa ngón tay thanh mảnh chỉ vào một chỗ ven đường, và chợt nói bâng quơ:

“A, cỏ nguyệt kiến thảo”

Cho dù xe buýt đang chạy nhanh nhưng một vùng màu vàng rực của cỏ nguyệt kiến thảo vẫn cứ mãi in sâu trong mắt tôi cho đến bây giờ.

Đối mặt với núi Phú Sĩ với độ cao đáng nể 3778 mét, cỏ nguyệt kiến thảo đứng thẳng hiên không một chút nào dao động, có thể nói cỏ nguyệt kiến thảo có một sức mạnh phi thường. Quả thật, loài cỏ này rất hợp với núi Phú Sĩ.

Tháng mười đã trôi qua mà công việc của tôi hầu như không tiến triển được chút nào. Tôi nhớ con người. Đám mây đỏ rực buổi hoàng hôn trông như bụng một con chim nhạn, và tôi đứng nơi hành lang lầu hai hút thuốc một mình. Cố tình tránh nhìn núi Phú Sĩ, tôi ngưng thần nhìn chăm chú vào những chiếc lá đỏ rừng già, rơi như những giọt máu nào nhỏ xuống. Và tôi cất tiếng gọi bà chủ trà quán đang quét lá rụng trước sân:

“Này bà, ngày mai chắc đẹp trời đấy nhỉ”

Ngay cả tôi cũng lấy làm ngạc nhiên trước trước câu nói gần như tiếng reo vui của mình. Bà chủ ngừng tay chổi, ngước nhìn lên, chau đôi lông mày như lấy làm lạ, rồi hỏi tôi:

“Ngày mai quý khách không có dự định gì à?”

Nghe vậy tôi cứng lưỡi.

“Chẳng có gì cả”

Bà chủ phá ra cười:

“Ông có vẻ buồn đấy nhỉ. Sao không leo núi mà chơi?”

“Leo núi thì leo lên rồi phải leo xuống, chán chết. Với lại, dù leo lên núi nào đi nữa cũng thấy một quang cảnh núi Phú Sĩ giống như nhau. Chỉ nghĩ thế thôi là tôi đã chùn chân rồi”

Hình như lời tôi nói có vẻ kỳ lạ thì phải. Bà chủ nhà mơ hồ gật đầu rồi lại cúi xuống quét lá vàng rơi.

Trước khi đi, tôi kéo rèm, ngắm nhìn núi Phú Sĩ qua khung cửa kính. Trong đêm trăng, núi Phú Sĩ trắng xanh như một tinh thể nước. Tôi thở dài. À, mình đã nhìn thấy núi Phú Sĩ. Những ngôi sao lớn lấp lánh. Ngày mai sẽ rất đẹp trời đây. Chỉ vậy cũng là niềm vui trong những ngày sống tăm tối. Tôi kéo rèm lại và đi ngủ. Nhưng tôi chợt thấy lạ và nghĩ rằng ngày mai đẹp trời thì có liên quan gì đến mình đâu chứ nhỉ và tự cười khổ sở trong chăn. Thật là khổ. Công việc của tôi thuần túy chỉ viết văn thôi. Và dù thỉnh thoảng cũng cảm thấy niềm vui nhưng phần lớn tôi đều thấy chẳng sung sướng gì. Không chỉ có vậy, nói thật tình những cái gọi là thế giới quan của tôi hay quan điểm nghệ thuật hay văn học ngày mai hay cái mới mẻ tân kỳ đều làm tôi phân vân và rất mực khổ sở.

Tôi nghĩ mình chỉ nắm lấy cái đơn giản, tự nhiên và cố gắng viết ra một cách rõ ràng cô đọng ra trên mặt giấy. Chỉ có thế mà thôi. Khi nghĩ như thế, đôi khi hình dáng núi Phú Sĩ trước mắt tôi lại mang một ý nghĩ nào khác nữa. Hình dáng đó, biểu hiện đó có lẽ là cái đẹp “biểu hiện đơn nhất” theo như tôi thấy. Dù có đôi lần tôi cảm thấy mình có thể hiểu được một chút gì đó về núi Phú Sĩ nhưng có nhiều lần khi tôi lặng ngắm cái vẻ đơn giản vô song của cái hình trụ đứng, cảm thấy quả thật ngọn núi chắc chắn là tặng vật của Phật Di Lặc. Nhưng cái tặng vật này với vẻ biểu hiện vô song gần như không thể nào chịu nổi của nó lại khiến tôi nghĩ rằng có một cái gì sai lệch trong dáng vẻ núi Phú Sĩ. Và sự sai lệch này một lần nữa làm tôi lạc lối.

Hết sáng đến chiều, tôi ngồi ngắm núi Phú Sĩ và sống qua những tháng ngày u uất. Khoảng cuối tháng mười, một đoàn du nữ từ phố Yoshida (hình như một năm họ chỉ có một ngày tự do thoải mái thế này) kéo nhau lên đèo Misaka bằng năm chiếc xe hơi. Tôi ngắm họ từ căn gác lầu hai. Từ những chiếc xe hơi, những em gái đủ sắc màu túa ra như những chú chim bồ câu truyền thư tung bay khỏi tổ. Đầu tiên vì chưa biết rõ đường đi lối lại, các em nép sát nhau, chen lấn nhau trong im lặng rồi sau khi nỗi bất an về chỗ lạ biến mất đi, từng người dáo dác tản ra theo lối rẽ. Vài em thật dịu dàng chọn những bức tranh bưu thiếp nơi đầu trà quán, vài người chăm chú ngắm nhìn núi Phú Sĩ. Thật là một quang cảnh tăm tối u buồn không thể nào chịu nổi. Tôi, một người đàn ông u buồn nơi căn gác tầng hai, đồng cảm với đoàn du nữ đến mức không tiếc thân mình lại không thể làm gì hơn cho sự sung sướng hạnh phúc đó của họ. Tôi chỉ còn biết cách ngắm nhìn mà thôi. Đau khổ thì vẫn cứ khổ đau, cái gì rơi rụng tàn tạ thì cũng phải tàn tạ rụng rơi. Điều đó chẳng liên quan gì đến tôi cả. Đó là cách cách mà thế giới này vận hành. Và việc cứ nhìn ngắm cái dáng vẻ của đoàn du nữ một cách lạnh lùng thờ ơ như thế càng làm tôi cảm thấy khổ đau.

Đành phải tựa nương vào núi Phú Sĩ thôi. Đột nhiên tôi chợt nghĩ ra điều đó. Này, phải chăng núi cũng chăm lo cho đoàn du nữ? Với tâm trạng đó, tôi ngước mắt nhìn lên ngọn núi đang đứng thẳng giữa trời lạnh giá như một ông chủ đút tay vào túi áo dotera với dáng vẻ hiên ngang, đang cai quản thế giới này. Khi nương tựa vào ngọn núi, tôi cảm thấy yên tâm và nhẹ lòng hơn nhiều. Từ bỏ việc ngắm đoàn du nữ, tôi dẫn đứa bé trai mới sáu tuổi của trà quán cùng với con chó có bộ lông mượt mà tên là Hachi đi dạo chơi về phía đường hầm gần đèo. Nơi cửa hầm, tôi bắt gặp một du nữ thon thả, tuổi chừng ba mươi đang mải mê hái hoa không biết chán. Khi chúng tôi đi ngang qua, nàng vẫn mải mê hái hoa, không liếc nhìn chúng tôi lấy một cái nào. Hãy chăm lo cho cô gái này nữa nhé, tôi ngoái lại nhìn núi Phú Sĩ, rồi kéo tay đứa bé, đi sâu vào trong hầm. Không biết phải làm gì, tôi cố bước những bước dài và để cho từng giọt nước lạnh trên nóc hầm rơi xuống trên đầu trên cổ.

Vào thời điểm đó, chuyện kết hôn của tôi bỗng nhiên bị ngưng trệ. Phía gia đình tôi ở quê hoàn toàn không ủng hộ gì chuyện cưới xin của tôi thành ra tôi cảm thấy rất khó khăn. Nhưng tôi cũng cứ hy vọng rằng ít ra nhà cũng gửi cho tôi khoảng 100 yên gọi là để có thể tổ chức một đám cưới tuy nhỏ nhưng cũng đàng hoàng rồi sau đó chuyện sinh kế gia đình thì dựa vào công việc viết lách của tôi cũng được. Nhưng sau vài lá thư gửi gia đình, tôi biết chắc rằng sẽ không có bất kỳ một khoản viện trợ nào cả. Và điều này làm tôi vô cùng khó xử. Nếu vì vậy mà nhà gái cự tuyệt thông gia thì cũng đành chịu thôi, nhưng ít nhất mình cũng phải nói rõ ràng mọi chuyện mới được. Tôi nghĩ vậy và một mình xuống đèo, đi thăm nhà gái ở Kofu. Tôi ngồi đối diện với bà mẹ và cô con gái nơi phòng khách và nói với họ tất cả. Đôi khi tôi nói với hai mẹ con như thể đọc diễn văn vậy. Nhưng tôi nghĩ rằng mình đã nói cạn lời, và rõ ràng minh bạch. Người con gái rất bình tĩnh:

“Như vậy là nhà anh phản đối đám cưới của chúng ta phải không ạ?”, nàng nghiêng đầu hỏi.

“Không, nhà anh đâu có phản đối”, tôi nói và ấn mạnh lòng bàn tay phải xuống bàn. “Anh nghĩ là nhà anh nói anh phải tự lo liệu mà thôi”.

“Dạ, vậy cũng đủ rồi ạ”, mẹ nàng mỉm cười rất cao quý. “Như cậu thấy đấy, nhà chúng tôi cũng chẳng giàu có gì. Việc tổ chức một đám cưới xa xỉ cũng sẽ là một điều khó xử đối với gia cảnh nhà chúng tôi. Nhưng chỉ cần cậu thật lòng thương yêu con gái chúng tôi và nghiêm túc với nghề nghiệp của mình, đối với chúng tôi thế là quá đủ”.

Tôi quên cả việc cúi đầu đáp lễ, cứ thừ người nhìn bâng khuâng ra ngoài vườn một lúc lâu. Tôi thấy mắt mình cứ cay cay. Mình phải thật hiếu hạnh với bà mẹ này mới được.

Trên đường về, người con gái đưa tôi ra tận bến xe buýt. Vừa đi, tôi vừa chợt hỏi một câu nghe kỳ kỳ:

“Sao em, chúng mình cần thời gian tìm hiểu nhau thêm không?”

“Dạ không đâu, với em như thế đã nhiều rồi ạ”, nàng cười.

“Em không có câu gì hỏi anh sao?”, tôi lại ngớ ngẩn nói.

“À, có đấy”.

Tôi nghĩ mình sẽ thành thật trả lời tất cả những câu hỏi của nàng.

“Trên núi Phú Sĩ giờ này, tuyết đã rơi chưa anh?”

Tôi hơi bất ngờ trước câu hỏi của nàng.

“À, rơi rồi, trên đỉnh ấy…”, tôi đáp lời và ngước mắt nhìn núi Phú Sĩ trước mặt. Tôi cảm thấy kỳ lạ.

“Chẳng phải ở Kofu này cũng nhìn thấy núi Phú Sĩ hay sao? Em đùa anh đấy à?”, rồi bỗng lỡ lời “câu hỏi gì ngu ngốc vậy. Em mang anh làm trò cười sao?”

Nàng cúi đầu cười thầm.

“Dạ, tại vì anh ở Misaka mà. Nếu không hỏi về núi Phú Sĩ em nghĩ mình sẽ thất lễ”

Thật là một cô gái kỳ lạ, tôi nghĩ.

Từ Kofu trở về, tôi bị đau vai đến mức thở không nổi nữa. “Tuyệt thật đấy, bà chủ à. Misaka này thật tuyệt đấy. Tôi cảm giác như mình trở về nhà vậy”

Sau bữa tối, bà chủ nhà và cô con gái thay phiên nhau đấm bóp lưng cho tôi. Tay bà chủ thì cứng và ấn mạnh, còn tay cô gái thì mềm, ấn chẳng cảm thấy hiệu quả gì cả. Cứ bị tôi nói mạnh nữa lên, ấn mạnh vào, nàng bèn lấy một thanh củi rồi cứ thế đánh thùm thụp vào vai tôi. Đúng là nếu không làm như thế thì cơn đau sẽ không thuyên giảm, và tôi chợt quyết tâm vào chuyện cưới xin ở Kofu.

Sau khi từ Kofu trở về, hai ba ngày sau tôi cứ thẫn thờ, chẳng muốn làm việc, chỉ ngồi nơi bàn, viết lảm nhảm, hút bảy tám gói Batto rồi nằm lăn ra, hát đi hát lại bài “Kim cương cũng mài mới sáng”, cứ vạ vật như vậy, không viết được một trang tiểu thuyết nào cả.

“Quý khách chắc có chuyện gì không vui ở Kofu à?”

Một buổi sáng, tôi đang ngồi nơi bàn, tay chống cằm, mắt nhắm lơ mơ, đầu nghĩ lan man thì cô con gái mười lăm tuổi, vừa lau cái tokonoma(14) nơi góc phòng, vừa hỏi tôi với vẻ gì cay đắng chua chát.

14. Chỗ góc lõm vào nơi bức tường, thường để treo tranh và đặt một bình hoa trang trí thường thấy trong phòng theo kiến trúc Nhật Bản.

“Đúng vậy, thật là tệ”, tôi đáp lời mà không ngoảnh lại.

Cô gái vẫn không ngừng tay, nói tiếp “Chà, tệ quá. Hai ba ngày nay, quý khách như không viết được gì đúng không? Mỗi sáng cháu hay gom lại những trang bản thảo của chú lại rồi đánh số thứ tự. Công việc đó thật vui. Chú càng viết nhiều cháu càng vui. Chú có biết cháu lén lên gác nhìn chú đấy không? Lúc đó chú đã trùm chăn mà ngủ mất rồi”.

Tôi thật vui khi nghe những lời nói đó. Có lẽ nói hơi khoa trương chứ đó thật là những lời động viên trong sáng làm cho con người ta muốn sống hơn. Cô bé không đòi hỏi nhận lại điều gì cả. Tôi nghĩ nàng thật đẹp.

Vào cuối tháng mười, lá cây đều đen thẫm lại, và sau một đêm bão núi rừng đã khoác một chiếc áo tắm tối mùa đông. Những khách tham quan chỉ lác đác vài người. Trà quán cũng hoang vu. Đôi khi bà chủ quán dắt đứa con trai sáu tuổi đi mua sắm đồ ở thị trấn Funatsu dưới chân đèo hay ở phố Yoshida. Và ngày đó trên trà quán tịch liêu trên đèo này chỉ còn mình tôi với cô gái nhỏ. Tôi ngồi thẫn thờ trên lầu hai, xuống dạo loanh quanh nơi trà quán, rồi đến chỗ sân sau nơi cô bé đang giặt đồ mà nói lớn tiếng:

“Thật chán quá nhỉ”, rồi cười xòa. Nàng vẫn cúi đầu. Khi thử nhìn vào gương mặt ấy, tôi giật mình. Cô bé đang khóc. Thật là một tình cảm đáng sợ. Tôi chợt cảm thấy đau khổ, vội đưa mắt nhìn ra con đường nhỏ ven núi phủ đầy lá rơi và hấp tấp bước nhanh về phía ấy.

Từ ngày đó, tôi bắt đầu cảnh giác. Hễ khi chỉ còn lại hai người trên trà quán, tôi cố gắng ngồi yên trong phòng mình nơi lầu hai, không bước chân ra ngoài. Khi có khách lên trà quán, tôi mới bước xuống nhà, ngồi ở một góc quán, nhâm nhi tách trà để có thể bảo vệ cô bé. Có lần có một cô dâu, được hai ông già mặc áo thêu tháp tùng, đi xe hơi ghé trà quán nghỉ chân. Lúc đó, trong trà quán chỉ còn có mình cô bé. Tôi từ tầng hai bước xuống, ngồi nơi góc trà quán, phì phèo thuốc lá. Cô dâu mặc áo kimono kiểu susomoyou, thắt lưng obi thêu kim tuyến, thật đúng là một bộ lễ phục chính thức đường hoàng. Không biết phải tiếp mấy vị khách kỳ lạ này như thế nào nên cô bé sau khi châm trà cho cô dâu và hai ông già xong, đến đứng nấp phía sau tôi mà quan sát cô dâu. Vào ngày chỉ có một lần trong đời này, từ phía đèo này nàng về làm dâu nhà nào ở Funazu hay Yoshida. Và trên đường đi nàng ghé vào đây nghỉ chân và ngắm nhìn núi Phú Sĩ. Thật lãng mạn đến mức buồn cười. Lúc đó, cô dâu bước ra khỏi trà quán, tiến đến mỏm đá phía trước quán lặng ngắm nhìn núi Phú Sĩ. Nàng đứng bắt chéo hai chân. Thật là một tư thế can đảm. Tôi đang ngắm nhìn cô dâu và núi Phú Sĩ với vẻ khâm phục thì bỗng nàng hướng về đỉnh núi và hét lớn.

Sau l tôi bỗng có tiếng than khe khẽ “aya”. Cô bé ngay lập tức nhận ra tiếng hét đó. Khi cô dâu đã chiếc xe mọi người đang chờ và đi xuống núi, tôi mới mỉa mai.

“Nàng đã từng kết hôn. Đây chắc là lần thứ hai hay thứ ba gì đó. Chắc hẳn chú rể đang chờ nàng dưới chân núi. Vậy mà nàng lại cho dừng xe nơi đây và ngắm nhìn núi Phú Sĩ. Nếu là cô gái mới làm dâu lần đầu tiên thì mặt đâu có dày quá thế”

Cô bé cũng tán đồng. “Nàng ta đã hét lớn đấy. Miệng mở rộng như thế kia mà hét lớn như vậy thì đúng là mặt dày. Chú đừng bao giờ lấy người con gái như thế làm vợ nhé”

Lời nói của cô bé làm tôi đỏ mặt. Quả thật thấy mình có lớn mà chẳng có khôn. Nhưng chuyện cưới xin của tôi cũng dần dần trở nên tốt đẹp. Tôi đã nhờ một vị đàn anh lo liệu giùm. Lễ cưới tổ chức tuy đơn giản mà nghiêm túc, chỉ gồm hai ba người bà con thân cận, được tiến hành nơi nhà vị đàn anh này. Tôi cảm thấy mình hứng khởi như tuổi thiếu niên.

Mới vào tháng 11 mà trên Misaka tiết trời đã lạnh khó mà chịu nổi. Trong trà quán đã phải dùng lò sưởi.

“Qúy khách à, trên tầng hai lạnh lắm. Mỗi khi làm việc xin quý khách cứ xuống làm việc bên lò sưởi này đi ạ”, bà chủ quán nói. Nhưng vì tôi không thể viết trước mặt người lạ nên đành từ chối. Bà chủ lo lắng cho tôi nên mới xuống thị trấn Yoshida dưới chân đèo mua thêm một cái bàn sưởi kotatsu(15) nữa. Tôi vùi mình vào trong kotatsu nơi tầng hai, thật sự cảm động trước tình người nơi trà quán này. Nhưng rồi tôi chợt thấy việc suốt ngày ngắm núi Phú Sĩ đã hai phần ba tuyết phủ với những cây khô mùa đông nơi núi đồi gần đó và chịu đựng cái lạnh cắt da cắt thịt nơi đỉnh đèo Misaka này chẳng có ý nghĩa gì nữa và tôi quyết định hạ sơn. Trước ngày rời đi, tôi mặc hai lớp áo dotera, ngồi nơi góc trà quán nhâm nhi một tách trà nóng thì thấy hai người con gái mặc áo lạnh mùa đông, dường như nhân viên đánh máy thì phải, từ phía đường hầm tiến lại. Hai người đang cười nói thì nhìn thấy núi Phú Sĩ phủ tuyết trước mặt và họ đứng sững lại như trời trồng. Rồi sau khi thì thầm to nhỏ với nhau điều gì đó, cô gái đeo kính, có làn da trắng chạy đến chỗ tôi và mỉm cười.

15. Một dạng bàn sưởi điện gắn dưới đáy bàn rồi trùm chăn phủ lên, thường được dùng vào mùa đông để sưởi chân tay cho ấm.

“Xin lỗi, nhưng anh có thể chụp cho hai đứa một tấm hình không ạ?”

Tôi không biết phải trả lời sao. Tôi không rành lắm về máy móc, lại không có sở thích chụp hình gì cả. Mang hai lớp áo dotera, với điệu bộ lôi thôi lếch thếch mà ngay cả người trong trà quán cũng thấy tôi có vẻ giống sơn tặc mà lại được hai em gái xinh như mộng, chắc hẳn đến từ Tokyo nhờ vả chuyện này thật tình tôi khổ sở phát điên. Nhưng rồi nghĩ lại, thấy hai người này thấy bộ dạng của tôi có vẻ gì đó là chụp hình được nên mới nhờ chăng. Vì thế, tôi làm bộ thản nhiên, đưa tay nhận lấy chiếc máy ảnh từ tay cô gái đưa cho lại hỏi nàng về cách chụp như thế nào rồi run run nhìn vào ống ngắm. Núi Phú Sĩ to lớn nằm giữa khung hình, dưới chân núi là hai bông hoa nhỏ xíu thắm tươi. Hai em gái đều mặc áo choàng màu đỏ. Họ đứng khoác tay nhau với vẻ mặt rất nghiêm trang. Tôi buồn cười quá, tay cầm máy cứ rung rung. Cố nén cười, tôi lại nhìn vào ống ngắm. Hai bông hoa đỏ lại càng e lệ nghiêm trang hơn. Thấy khó lấy cảnh này quá, tôi cứ bỏ mặc họ, hướng máy về núi Phú Sĩ mà chụp. Tạm biệt nhé, núi Phú Sĩ, Người đã chở che tôi rất nhiều. Và tôi ấn nút.

“Đã chụp rồi đấy”

“Cám ơn anh nhiều ạ”

Hai cô gái đồng thanh nói. Khi về đến nhà rửa hình ra chắc hai nàng sẽ ngả ngửa người kinh ngạc. Vì trong hình chỉ thấy núi Phú Sĩ mà thôi, chứ chẳng thấy bóng dáng mình đâu cả.

Ngày hôm sau, tôi rời đèo Misaka. Tôi trọ lại một đêm nơi quán trọ rẻ tiền ở Kofu. Sáng hôm sau, khi đứng ở lan can cáu bẩn nơi phòng trọ, tôi nhìn lên núi Phú Sĩ. Bị núi non trập trùng che khuất, núi Phú Sĩ chỉ còn thấy được khoảng một phần ba, trông như thể một cây lồng đèn Trung Hoa(16) vậy.

16. Nguyên văn “Hoozuki”. Loài cây này cao khoảng 60-70cm, lá hình elip, có trái đỏ như lồng đèn Trung Hoa.