Martin Eden

Chương 8




Nhiều tuần lễ trôi qua, Martin Eden miệt mài học ngữ pháp, xem lại những sách về phép xã giao và ngấu nghiến đọc những cuốn hợp với ý thích. Gã hoàn toàn không lui tới gặp gỡ bạn bè cùng tầng lớp. Những cô gái của tiệm Hoa Sen băn khoăn không hiểu có chuyện gì đã xảy ra đến với gã và cứ săn đón hỏi tin mấy gã hay gây gổ ở tiệm Riley thì sung sướng thấy gã không đến đó nữa. Martin đã khám phá được một kho tàng còn giấu kín trong Thư viện. Cũng như ngữ pháp đã cho gã thấy những mắc mớ của ngôn ngữ, sách vở đã cho gã thấy những khúc mắc của Thi ca. Gã bắt đầu nghiên cứu luật thơ, cách cấu tạo và các thể thơ; đằng sau cái đẹp, gã còn muốn đi tìm vì sao và do đâu mà có cái đẹp đó. Gã tìm thấy một cuốn sách hiện đại khác bàn về thi ca, coi thi ca là một nghệ thuật biểu hiện 1 ; cuốn sách bàn rất cặn kẽ với những bài minh họa phong phú rút ra từ những tác phẩm văn học hay nhất. Chưa bao giờ gã đọc tiểu thuyết một cách say sưa nhiệt tình như gã nghiên cứu những cuốn sách này. Trí óc gã như một tờ giấy trắng, hai mươi năm trời nay chưa hề được cày xới, giờ đây bị thôi thúc bởi lòng ham hiểu biết đã chín muồi, nó ghì chặt lấy những điều gã đã đọc với một sức mạnh mà trí óc của một sinh viên không thể có được.

Và giờ đây đứng ở địa vị thuận lợi này, nhìn về quá khứ, cái thế giới xưa cũ gã từng biết, cái thế giới của đất liền, của biển cả, của những con tàu, của những người thủy thủ và gái mại dâm hình như chỉ là một thế giới rất nhỏ bé, tuy nhiên nó đã hòa cùng với cái thế giới mới và trải rộng ra. Trí óc gã đã tập hợp chúng lại làm một, gã ngạc nhiên khi thoạt tiên gã bắt đầu nhìn thấy những điểm giao nhau giữa hai thế giới đó. Gã thấy mình cao quý lên vì những tư tưởng cao siêu và cái đẹp mà gã đã thấy trong sách. Cái đó dẫn gã tới chỗ tin tưởng vững chắc hơn bao giờ hết rằng ở phía trước và bên trên gã, trong xã hội của Ruth và của gia đình nàng; tất cả những người đàn ông, những người đàn bà đều nghĩ và sống với những ý nghĩ này. Thấp ở bên dưới, nơi gã sống, là tầm thường bỉ ổi. Gã muốn tẩy rửa tất cả cái tầm thường bỉ ổi đã làm nhơ bẩn đời gã, và vươn tới cái thế giới thiêng liêng nơi mà những giai cấp trên sống. Suốt thời thơ ấu và thanh niên, một nỗi băn khoăn mơ hồ luôn luôn giày vò gã. Gã không hề biết gã muốn gì, nhưng gã vẫn luôn luôn muốn một cái gì mà gã đi tìm hoài không thấy, cho đến tận khi gặp Ruth. Bây giờ nỗi băn khoăn ấy càng mạnh mẽ, đau đớn và cuối cùng, gã mới hiểu rõ ràng, dứt khoát rằng cái gã phải có là cái đẹp, là tri thức, là tình yêu.

Trong những tuần lễ ấy, gã gặp Ruth năm, sáu lần, và mỗi lần gặp gỡ, cảm hứng của gã lại tăng thêm. Nàng giúp đỡ gã học tiếng Anh, chữa cách phát âm và bắt đầu dạy gã số học. Nhưng những buổi gặp gỡ không chỉ để dành riêng cho những bài học sơ đẳng. Gã đã nhìn thấy quá nhiều ở cuộc đời, trí óc gã đã quá thành thực không thể chỉ hài lòng với những phân số, khai phương, phân tích mệnh đề. Có những lúc câu chuyện của họ xoay sang những vấn đề khác. Bài thơ gã vừa đọc, nhà thơ nàng nghiên cứu gần đây nhất. Khi nàng cao giọng ngâm cho gã nghe những đoạn mà nàng ưa thích, gã thấy mình như bay bổng lên đỉnh tột cùng của khoái cảm. Gã đã nghe nhiều người đàn bà nói, nhưng chưa bao giờ thấy một tiếng nói nào giống tiếng nói của nàng. Một âm thanh nhẹ nhàng nhất của tiếng nói ấy cũng là một niềm kích thích tình yêu của gã, mỗi một lời nàng thốt ra lại làm lòng gã rộn ràng, rung động. Tiếng nói ấy khoan thai, uyển chuyển như tiếng nhạc, phong phú, thanh nhã, khó tả, kết quả của học vấn và của một tâm hồn hiền dịu. Trong khi nghe nàng nói, gã thấy vang lên trong tai của ký ức những tiếng kêu khàn khàn của những người đàn bà man rợ, những cô gái điếm, và đỡ khàn hơn là giọng nói the thé của những người đàn bà lao động và những cô gái thuộc chính giai cấp gã. Rồi óc tưởng tượng bắt đầu biến hóa, những con người ấy tập trung lại để cho gã duyệt qua, mỗi người do sự tương phản lại càng làm tăng thêm gấp bội vẻ rực rỡ của nàng. Rồi, sự sung sướng của gã lại càng tăng thêm khi gã biết trí óc nàng thấu hiểu những điều nàng đọc, và run lên đầy thán phục cái đẹp của những tư tưởng đã được viết thành văn. Nàng đọc cho gã nghe nhiều đoạn trong tập thơ "Nàng công chúa" và nhiều khi gã thấy mặt nàng đẫm lệ, mỹ cảm của nàng thật là tế nhị. Trong những lúc ấy, cảm xúc của nàng nâng gã lên cho đến khi gã thấy mình như một ông thánh, và trong khi gã nhìn nàng, lắng nghe, gã thấy dường như gã đang nhìn vào mặt cuộc sống và đọc những điều bí mật sâu xa nhất của nó. Và lúc bấy giờ, cảm thấy mình đã đạt tới đỉnh cao của những tình cảm tế nhị, gã quả quyết đó là tình yêu, và tình yêu là cái vĩ đại nhất trên đời. Qua những hành lang của ký ức, tất cả những rung động nồng cháy gã đã hưởng xưa kia, lúc này diễu lại; những bữa chè chén say sưa, những cái ve vuốt của đàn bà, những trò chơi thô bạo, những cuộc thách thức ẩu đả - tất cả những cái đó hình như quá tầm thường, quá ti tiện so với cái nhiệt tình tao nhã gã đang được hưởng hiện nay.

Đối với Ruth, tình trạng này thật mơ hồ. Nàng chưa hề có một kinh nghiệm nào về những chuyện trái tim - những kinh nghiệm duy nhất của nàng về vấn đề này chỉ là của sách vở, trong đó những sự việc của cuộc sống hàng ngày được diễn đạt qua trí tưởng tượng thành một thế giới thần tiên không thực. Nàng không biết rằng người thuỷ thủ thô lỗ kia đang len dần vào trái tim nàng, tích lũy lại trong đó sức mạnh tiềm tàng để một ngày kia sẽ bùng ra thành những đợt sóng lửa trào dâng qua khắp cơ thể nàng. Nàng chưa biết thế nào là ngọn lửa thật của tình yêu. Sự hiểu biết của nàng về tình yêu hoàn toàn chỉ là lý thuyết. Nàng quan niệm nó như là một ngọn lửa mờ nhạt, dịu dàng như sương rơi, róc rách như tiếng nước chảy êm đềm, mát như bóng tối, mượt như nhung của đêm mùa hạ. Ý niệm của nàng về tình yêu đúng hơn là một tình cảm dịu dàng, muốn cho người được yêu sống êm đềm trong một bầu không khí ngát hương, và ánh sáng mờ nhạt của một thế giới tĩnh mịch thinh không. Nàng không mơ tới những chấn động như núi lửa của tình yêu, sức nóng chảy da thịt của nó và sự cằn cỗi hoang sơ của đám tro tàn khô nẻ. Nàng không thấy rõ tiềm lực của chính nàng mà cũng không thấy rõ tiềm lực của cuộc đời, những điều sâu xa của cuộc sống đến với nàng là biển cả của ảo ảnh. Tình nghĩa vợ chồng giữa cha nàng và mẹ nàng đã tạo cho nàng lý tưởng về tình yêu, và nàng mơ ước một ngày kia, không va chạm, không vấp váp, nàng cũng bước vào một cuộc sống êm ả, yên lặng như vậy, cùng với người nàng yêu.

Vì thế, nàng coi Martin Eden như một cái gì mới, một con người lạ lùng, và nàng cho là mới mẻ, là lạ lùng tất cả những động tác gã đã gây cho nàng. Điều đó chỉ là tự nhiên. Cũng giống như vậy, nàng đã có những động tác lạ lùng khi nhìn thú dữ trong rạp xiếc, hoặc đứng trước cơn giông tố, hay rùng mình trước một tia chớp xé trời. Trong tất cả những cái đó có một cái gì có tính chất vũ trụ, trong con người gã cũng có một cái gì có tính chất vũ trụ. Gã đến với nàng mang theo hơi thở của đất, trời mênh mông, vĩ đại. Ánh nắng chói chang của mặt trời nhiệt đới in trên nét mặt gã, cái sức mạnh ban sơ của cuộc sống lộ ra trong những bắp thịt cuồn cuộn, dẻo dai của gã. Con người gã bị cái thế giới huyền bí của những con người thô bạo với những hành động còn thô bạo hơn làm cho xấu xí, sứt sẹo đi, những tiền đồn của cái thế giới ấy, bắt đầu tự một nơi bên kia chân trời của nàng. Gã là một người man dại, chưa thuần hoá bà thầm kín trong thâm tâm, tính kiêu căng của nàng thấy xúc động khi thấy gã đến với nàng hiền lành như vậy. Nàng bị kích thích bởi ý thôi thúc tự nhiên muốn thuần hoá con người man dại kia. Đó là một sự thôi thúc ngoài ý thức, và nàng cũng không hề nghĩ rằng ước muốn của nàng là nhào nặn lại con người gã sao cho giống hình ảnh của cha nàng - một hình ảnh mà nàng tin là đẹp nhất trên đời. Mà nàng cũng không có cách gì - do thiếu kinh nghiệm để nhận rõ được cảm giác vũ trụ gã đã gây cho nàng là cái có tính chất vũ trụ nhất, đó là tình yêu. Với cùng một mãnh lực như thế, tình yêu kéo những người đàn ông, đàn bà lại gần nhau qua khắp thế giới, khiến cho những con nai, con hoẵng giết lẫn nhau trong mùa phát dục và hút những nguyên tố lại để chúng hoà hợp với nhau không sao cưỡng lại nổi.

Sự tiến bộ mau chóng của gã làm cho nàng vừa ngạc nhiên vừa thích thú. Nàng khám phá thấy ở trong gã những phẩm chất tốt đẹp không lường trước được, dường như ngày lại ngày, nó bẻ nụ, như những bông hoa trên mảnh đất thích hợp. Nàng đọc to thơ Browning cho gã nghe, và nhiều khi nàng rất bối rối với những ý kiến gã đưa ra về những đoạn cần được thảo luận. Nàng không đủ hiểu biết để mà nhận thức được rằng do chỗ gã có nhiều kinh nghiệm về những người đàn ông, đàn bà và cuộc sống nên thường thường những lời giải thích của gã còn đúng hơn của nàng nhiều. Đối với nàng những quan niệm của gã hình như có vẻ ngây thơ, tuy nhiều khi nàng bị kích thích bởi lối suy nghĩ hiểu biết táo bạo của gã: quĩ đạo của nó mênh mông quá giữa các vì sao đến nỗi nàng không theo nổi, chỉ có thể ngồi mà rung cảm trước tác động của sức mạnh không lường được. Rồi nàng dạo dương cầm cho gã nghe - lần này không phải là để khiêu khích nữa - mà mượn nhạc để nâng cao tâm hồn gã, nét nhạc lắng xuống những chiều sâu mà nàng không thể nào đo nổi. Bản chất gã mở rộng trước âm nhạc, như đóa hoa bừng nở dưới ánh mặt trời, và sự chuyển biến thật nhanh từ những bài nhạc ầm ĩ của giai cấp công nhân tới những tác phẩm cổ điển mà Ruth hầu như đã thuộc lòng. Tuy nhiên, gã để lộ ra sự thích thú có tính chất bình dân đối với nhạc của Wagner 2. Và khi nàng giải thích thì gã thấy màn đầu của vở kịch "Tannhauser" hấp dẫn gã hơn tất cả những bản nhạc nàng dạo. Gã thấy ngay bản nhạc ấy đã thể hiện cả cuộc sống của gã. Tất cả quá khứ của gã là đề tài của bản "Venusburg" còn đời nàng, gã thấy như phần nào được thể hiện trong mô típ nhạc ở bản "Hợp xướng của những người hành hương." Trong trạng thái mê ly ấy, gã thấy mình được nâng lên, cuốn tới một thế giới mộng ảo mênh mông của những linh hồn đang mò mẫm, nơi cái xấu và cái tốt không ngừng đấu tranh với nhau.

Đôi khi gã hỏi, khiến cho nàng trong giây lát tự nghi ngờ không biết những định nghĩa và quan niệm của mình về âm nhạc có đúng hay không. Nhưng về tiếng hát của nàng, gã thấy không còn gì phải hỏi nữa: đó là nàng tất cả, và gã ngồi đó say mê với âm thanh du dương diệu kỳ của giọng nữ cao trong vắt của nàng. Gã không thể nào không so sánh nó với những tiếng líu ríu yếu đuối, run rẩy the thé của những cô gái trong xưởng máy, không được bồi dưỡng, tập luyện, và tiếng rít khàn khàn từ cổ họng nứt nẻ vì rượu mạnh của những người đàn bà ở những thành phố cảng. Nàng thích hát và dạo đàn cho gã nghe. Sự thực đây là lần đầu tiên nàng dạo đàn ột tâm hồn con người nghe; và được nhào nặn chất đất dẻo của con người gã là một điều kỳ thú, bởi nàng vẫn nghĩ rằng nàng đang nhào nặn nó, và ý định của nàng là tốt. Hơn nữa, gần gã, nàng thấy vui thích. Gã không làm cho nàng sợ nữa. Nỗi ghê sợ đầu tiên thực ra chỉ là nỗi sợ của cái tôi chưa được bộc lộ ra hết của chính nàng, và nỗi sợ ấy đã không còn nữa. Tuy chưa biết rõ, nhưng nàng cảm thấy có quyền làm chủ nào đó đối với gã. Ngoài ra gã như bồi thêm sức mạnh cho nàng. Ở trường đại học nàng phải học tập vất vả, được thoát ra khỏi những chồng sách bụi bặm để làm cho làn gió biển tươi mát toát ra từ con người gã thổi vào nàng thấy như có thêm sức mạnh. Sức mạnh! Sức mạnh chính là cái nàng cần và gã đã cho nàng một cách rộng lượng. Bước vào cùng một phòng với gã, hoặc đón gã ở ngưỡng cửa, cái đó làm cho nàng thêm can đảm. Và khi gã đi rồi, nàng quay lại với chồng sách của mình, hăng hái hơn, với nguồn nghị lực mới.

Nàng hiểu rất rõ Browning của nàng, nhưng nàng chưa bao giờ hiểu được giỡn đùa với tâm hồn con người là một điều dại dột. Niềm thích thú đối với Martin càng tăng, thì ý muốn uốn nắn lại cuộc sống của gã đối với nàng càng trở nên một điều say mê.

Một buổi chiều, sau khi đã gạt chuyện ngữ pháp, số học, và thơ ca sang một bên, nàng nói với gã:

"Ông Butler, thoạt tiên, ông ta tương đối không có một thuận lợi nào hết. Ông cụ thân sinh ra ông ta trước kia là một người thu ngân ở nhà băng, sống lần lữa bao nhiêu năm, sau đó ông cụ bị bệnh sưng phổi chết ở Arizona. Ông cụ mất đi, ông Butler, lúc đó gọi là Charles Butler chỉ còn trơ trọi một mình. Như ông biết đấy, ông cụ vốn người Úc nên chẳng có họ hàng thân thuộc gì ở California, Ông Butler đi làm công ột nhà in - Tôi nghe ông ta kể lại chuyện đó nhiều lần - thoạt đầu ông ta chỉ kiếm được ba đô-la một tuần. Bây giờ thu hoạch của ông ta hàng năm ít nhất là 30 ngàn đô-la. Ông ta làm thế nào mà được như thế? Là người thật thà, biết giữ chữ tín, cần cù, tiết kiệm, ông ta tự kiềm chế, lánh xa mọi thú vui mà hầu hết những người trẻ tuổi đều vướng vào. Ông ta đặt kế hoạch nhất thiết mỗi tuần phải để dành được bao nhiêu đó, dù phải hạn chế các khoản chi tiêu khác. Tất nhiên, chẳng bao lâu, lương của ông ta được tăng hơn ba đô-la, và lương tăng thì ông ấy lại để dành ngày càng nhiều hơn.

Ban ngày đi làm, tối ông ta lại theo học lớp ban đêm. Ông ta luôn luôn hướng về tương lai. Sau đó ông ta theo học trường Trung học ban đêm. Khi mới mười bảy tuổi ông ta đã được ăn lương thợ xếp chữ vào loại cao nhất, nhưng ông ta là người có nhiều tham vọng. Ông ta muốn có sự nghiệp chứ không phải chỉ sống bình thường; ông ta vui lòng hy sinh tất cả những cái trước mắt để đạt được mục đích cuối cùng. Ông ta quyết định học luật và xin vào tập việc trong phòng luật sư của cha tôi. Ông cứ thử nghĩ mà xem - mỗi một tuần lễ chỉ được có bốn đô-la. Nhưng ông ta đã biết cách tiết kiệm, lương có bốn đô-la mà ông ta vẫn để dành được đấy."

Nàng ngừng lại để lấy hơi và để xem Martin tiếp thu câu chuyện ra sao. Nét mặt gã rạng lên thích thú khi nghe kể những cuộc vật lộn thuở thiếu thời của ông Butler, nhưng trên mặt gã cũng có nét cau lại.

"Tôi cho rằng đối với một người trẻ tuổi, cuộc sống như thế cũng khá gay go đấy!" Gã nhận định. "Bốn đô-la một tuần, ông ta làm thế nào mà sống nổi? Cô có thể yên trí là sống như thế thì đói rách lắm. Chứ sao, nguyên tiền trọ bây giờ tôi cũng đã mất năm đô-la một tuần mà cũng chẳng có gì là thú vị cả, Cô cứ tin thế cho. Hẳn là ông ta phải sống như một con chó. Thức ăn của ông ấy... "

"Ông ta nấu lấy ăn," Ruth ngắt lời, "bằng một cái bếp cồn nhỏ."

"Thức ăn ông ta ăn chắc còn phải tồi tệ hơn thức ăn của anh em thủy thủ trên những tàu đánh cá, nơi mà chúng tôi cho rằng không đâu có thể tồi hơn được nữa!"

"Nhưng thử nghĩ bây giờ ông ấy ra sao?" Nàng sôi nổi nói. "Thử nghĩ xem tiền thu hoạch của ông ấy đã cho phép ông ấy bây giờ sống như thế nào. Xưa kia nhịn ăn nhịn mặc, bây giờ được đền bù lại gấp trăm gấp nghìn lần."

Martin nhìn nàng, dứt khoát:

"Có một điều tôi cam đoan với cô là ông Butler bây giờ có tiền cũng chẳng sung sướng gì đâu. Lúc còn bé đã ăn cái kiểu ấy quen rồi, hết năm này qua năm khác, tôi dám chắc bây giờ dạ dày của ông ta cũng chẳng khỏe khoắn nào."

Nàng cúi xuống tránh cái nhìn soi mói của gã.

"Tôi dám chắc bây giờ ông ta đang mắc chứng khó tiêu." Martin khiêu khích.

"Vâng, đúng thế," nàng thú nhận, "nhưng... "

"Tôi dám chắc," Martin bồi thêm. "Ông ta hẳn là nghiêm trang long trọng như một con cú già, và mỗi năm có đến ba mười ngàn đô-la thật đấy, nhưng cũng chẳng biết hưởng cho nó sướng thân. Mà tôi cũng dám chắc rằng thấy người khác sung sướng ông ấy cũng chẳng lấy gì làm vui thú cho lắm, tôi nói có đúng không nào?"

Nàng gật đầu, nhưng vội giảng giải:

"Nhưng ông ta không phải là hạng người như thế. Bản tính ông ta vốn là người trầm lặng nghiêm trang. Bao giờ ông ta cũng thế thôi."

"Vâng, cô có thể tin rằng bao giờ ông ta cũng thế thôi," gã kêu lên. "Ba đô-la một tuần, rồi bốn đô-la một tuần, còn là một chú bé con mà đã tự nấu lấy ăn bằng một chiếc đèn cồn, rồi để dành tiền, làm việc cả ngày, học cả đêm, chỉ có làm, không biết chơi, chả bao giờ được hưởng cái vui, mà cũng chả bao giờ tìm để hưởng cái vui - như thế thì quả thật ba mươi ngàn đô-la đến với ông ấy cũng là quá muộn."

Trí tưởng tượng đấy trắc ẩn của gã đã vẽ lên trong óc gã hàng ngàn chi tiết về cuộc đời của cậu bé ấy và sự phát triển trí tuệ chật hẹp của cậu ta đã đưa cậu ta thành một người có ba mươi ngàn đô-la một năm. Với trí tưởng tượng mau lẹ, phong phú, nhìn xa thấy rộng của gã, cả cuộc đời Charles Butler được thâu tóm lại trước mắt gã.

"Cô có biết không?" Gã nói thêm. "Tôi cảm thấy thương cho ông Butler. Ông ta non trẻ quá không thể hiểu biết hơn được, nhưng chính ông ta đã tự cướp mất cuộc đời của mình chỉ vì ba mươi ngàn đô-la một năm, mà thực ra số tiền ấy đối với ông ta bây giờ cũng chả có ích gì. Chứ sao, ba mươi ngàn đô-la, số tiền to thật đấy, nhưng cũng chẳng mua nổi cho ông ta cái mà trước đây, khi còn là chú bé, chỉ vời mười xu tiền cũng đã có thể mua được như kẹo, hạt dẻ hoặc một tấm vé vào xem xiếc của người da đen."

Chính cái quan điểm độc đáo ấy của gã làm cho Ruth kinh ngạc. Không những nó mới đối với nàng mà nó còn trái ngược với những quan niệm của nàng, nhưng nàng vẫn cảm thấy trong đó có những mầm mống của chân lý, nó đe dọa làm lung lay, thay đổi cả niềm tin của nàng. Giá nàng mười bốn tuổi chứ không phải là hai mươi bốn thì có thể đã bị những quan điểm ấy của Martin làm cho thay đổi, nhưng nàng đã hai mươi bốn, vốn bảo thủ về bản chất và giáo dục, và đã bị kết tinh định hình trong cái xó xỉnh cuộc đời nơi nàng sinh ra và lớn lên. Thật thế, những lý luận quái lạ của gã làm cho nàng bối rối khi gã thoạt mới nói ra, nhưng nàng lại cho là chúng thuộc tính chất khác thường của con người và lối sống kỳ lạ của gã và nàng quên chúng ngay. Tuy nhiên trong lúc nàng không tán thành những lý luận đó, thì sức mạnh của lời nói, của ánh mắt, sự sôi nổi lộ ra trên nét mặt gã luôn luôn làm nàng rung động và kéo nàng lại gần gã. Nàng không thể nghĩ được rằng con người này từ một thế giới xa lạ với nàng đến đây, trong những phút này, lại có thể đem soi rọi những quan niệm rộng rãi hơn, sâu sắc hơn, vượt tầm hiểu biết của nàng. Nhưng giới hạn của bản thân nàng chính là giới hạn của thế giới của nàng; nhưng những trí óc bị hạn chế chỉ nhận ra giới hạn của mình khi soi vào trí óc của kè khác. Vì thế nàng cảm thấy nhỡn quan của nàng thật là rộng rãi, và những điểm bất đồng giữa gã và nàng chỉ chứng tỏ sự hạn chế của gã mà thôi, và nàng mơ ước giúp đỡ gã nhìn được như nàng đã nhìn thấy, để mở rông nhỡn quan của gã cho đến khi nó đòng nhất với nàng.

"Nhưng tôi đã nói hết câu chuyện của tôi đâu?" Nàng nói, "ông ta làm việc chăm chỉ - cha tôi bảo thế - chưa bao giờ cha tôi có một cậu bé phụ việc bàn giấy nào làm việc chăm chỉ như vậy. Ông Butler lúc nào cũng hăng say làm việc. Không bao giờ ông ta đến chậm, hôm nào cũng đến sớm một vài phút trước giờ quy định. Ấy thế mà ông ta vẫn dành được thì giờ. Bất cứ lúc nào rảnh lại lao vào học tập. Ông ta học kế toán, đánh máy, và để lấy tiền trả những bài học tốc ký, đêm đêm lại đọc tài liệu ột ký giả ở Toà án đang cần thực hành. Chẳng bao lâu, ông ta trở thành thư ký và tự làm ình trở thành một người có giá trị. Cha tôi khen ngợi ông ta lắm và thấy rõ ông ta nhất định phải tiến xa. Theo lời khuyên của cha tôi, ông ta học luật. Ông ta trở thành luật sư, và chẳng bao lâu sau khi ông ta quay về làm việc tại văn phòng của cha tôi, cha tôi coi ông ta như một người đồng sự trẻ tuổi. Thật là một người vĩ đại. Nhiều lần ông ta từ chối không vào Thượng nghị viện Hợp chủng quốc. Cha tôi nói: nếu muốn, ông ta có thể trở thành Chánh án Toà án tối cao bất kỳ khi nào ghế đó khuyết. Một cuộc đời như thế thật là nguồn cổ vũ cho tất cả chúng ta. Điều đó chứng tỏ một người có nghị lực có thể vượt lên khỏi hoàn cảnh của mình."

"Ông ấy thật là một người vĩ đại," Martin nói, thành thực.

Nhưng trong câu chuyện nàng kể, đối với gã hình như vẫn có cái gì không hợp với ý niệm của gã về cái đẹp và cuộc sống. Gã không thể tìm thấy một động cơ gì chính đáng khiến ông Butler phải sống một cuộc đời bo bíu, thiếu thốn đến như thế. Nếu làm như vậy vì tình yêu một người đàn bà, hoặc để đạt tới cái đẹp thì Martin có thể hiểu nổi... "Người tình say đắm" có thể làm bất cứ cái gì vì một cái hôn, chứ không phải vì ba mười ngàn đô-la một năm. Gã không thỏa mãn với sự nghiệp của ông Butler. Dù sao ở trong đó vẫn có một cái gì bần tiện. Ba mươi ngàn đô-la thì cũng tốt, nhưng chứng khó tiêu và không còn khả năng để hưởng hạnh phúc của con người, như thế cũng đủ cướp đi hết mọi giá trị của số tiền lớn ấy.

Hầu hết những điều đó, gã đã cố diễn đạt với Ruth, làm cho nàng kinh ngạc và thấy rõ ràng cần thiết phải cải tạo gã hơn nữa. Tâm hồn nàng thuộc loại tâm hồn thông thường thiển cận, tin rằng dòng giống, tín ngưỡng, chính kiến của mình là tốt đẹp nhất, đúng đắn nhất, còn tất cả những con người khác rải rác khắp thế giới đều ở địa vị thấp kém hơn họ. Chính cũng cùng một loại tâm hồn thiển cận như thế đã khiến cho anh chàng Do Thái cổ xưa cảm ơn Thượng đế rằng gã không phải sinh ra làm người đàn bà và đã cử đoàn truyền giáo hiện đại thay trời đến tận nơi cùng trời cuối đất. Và chính cái đó cũng làm cho Ruth ước mong nhào nặn con người này từ những xó xỉnh khác của cuộc sống, cho nó giống với những con người sống trong cái xó xỉnh của nàng.

Chú thích:

1. Nguyên văn: representive art (nghệ thuật biểu hiện hiện thực của cuộc sống. Danh từ này áp dụng cho các loại nghệ thuật: hội hoạ, điêu khắc, văn học).

2. Richard Wanger (1813 - 1883): một nhà soạn nhạc vĩ đại người Đức.