Mành Chỉ Đỏ

Chương 3: 3: Quá Khứ Chẳng Vãn Hồi





Xuân tháng Ba…
Mưa tuyết dai dẳng hơn một năm nay trên đỉnh Tuyết Vân Sơn đã qua đi, những bông tuyết trắng xóa lẳng lặng tan thành những giọt nước mát lành để nhường chỗ cho những tia nắng hiếm hoi sà xuống, len lỏi khắp ngóc ngách Phong Linh Đường.

Tuyết tan.

Nghinh Uyên viện dần lấy lại được vẻ đẹp thơ mộng vốn có.

Ánh sương đầu ngày của tiết trời mùa Xuân nồng đượm kết tinh lại thành những giọt nước long lanh như những viên ngọc phỉ thúy, hờ hững chảy dài xuống mặt đất, tạo thành những dòng xoáy nước li ti đan xen vào nhau.

Thật khó để mà nói rằng là do cảnh nơi đây có ý, hay do lòng người có tình.

Gốc bồ liễu ngoài cửa viện Nghinh Uyên cũng bắt đầu e ấp khoác lên trên mình lớp y phục sắc hồng mỹ lệ, thanh cao, tô điểm cho nơi đây thêm vẻ phong tình kín đáo.

Được đắm chìm trong cảnh tượng “Đào hồng liễu lục” (*) cùng nhau khoe sắc như vậy thật khiến lòng người trở nên khoan khoái, chẳng còn vướng chút ưu phiền.

(*) Đào hồng liễu lục: Ý chỉ phong cảnh mùa Xuân tươi đẹp.

Giữa khoảng sân trước cửa viện có một cô nương khoác trên mình một bộ bạch y, không ngừng bặm môi vụng về vung thanh kiếm gỗ trong tay, chốc chốc nàng lại nhận được những tiếng thở dài não nề của lão nhân bên cạnh.

“Không phải ta đã nói với con bao nhiêu lần rồi sao? Kiếm chiêu không được hời hợt, phải vận sức mà đánh.”
Lời lão vừa dứt, chẳng ngờ thanh kiếm gỗ trong tay nàng vì bất cẩn mà rơi bộp xuống đất.

Lão lắc đầu chán nản rồi thở hắt ra một hơi.

“Chiêu thức tầm thường nhường vậy còn không thể thi triển, con bảo ta làm sao có thể truyền thụ cho con Tiêu Dao kiếm phổ đây?”
Nàng chán nản thả người xuống đất, đôi mắt không biết từ lúc nào đã ầng ậng nước mắt.

“Cho dù đệ tử có thể luyện được Tiêu Dao kiếm phổ của người, đệ tử cũng có thể dùng được vào việc gì đây.

Chẳng thà người đừng bắt con luyện kiếm nữa, để con xuống phòng bếp phụ giúp việc với Ngân Như còn có ý nghĩa hơn.”
Mấy năm về trước, khi Hàn Trọng còn là đại đệ tử của Phong Linh Đường thì nàng rất chăm luyện kiếm.


Ngày ngày bám theo y luyện võ.

Y luyện cự đao, nàng dùng kiếm gỗ.

Thiên phúc tu luyện khi ấy của nàng rất cao, chỉ vẻn vẹn mười tuổi đã có thể bước vào Phàm Cảnh.

Nhìn khắp Phong Linh Đường năm ấy có lẽ chẳng mấy ai có thể sáng bằng nàng.

Năm xưa Ngọc Minh Kiếm Tiên còn đang tiêu diêu giang hồ đã từng dùng một kiếm trong Tiêu Dao kiếm phổ đánh tan ba ngàn quân binh của Bắc Ly, tin này truyền đến khiến cả Đại Trần Quốc năm ấy không khỏi một phen dậy sóng.

Ngọc Minh Kiếm Tiên cũng là người đứng đầu Lương Ngọc Bảng trong suốt năm năm, là cao thủ trong những cao thủ, võ công thâm sâu khó lường.

Nếu chỉ luận bàn về võ công, trong Đại Trần Quốc e chỉ có vị tướng quân Lâm Chiến Thiên là có thể đơn đả độc đấu với Ngọc Bội mà cũng chưa chắc có thể giành được vị thế thượng phong.

Đương nhiên nhờ vào thiên phú luyện kiếm của mình mà Ngọc Bội mới có thể đứng trên đỉnh cao của võ lâm, thế nhưng cũng không thể phủ nhận được sự lợi hại của Tiêu Dao kiếm phổ, thứ kiếm phổ chí cao vô thượng của phái Côn Luân.

Lão hết lòng dạy dỗ nàng, thế nhưng giờ đây nàng lại chẳng còn tâm tư với việc cầm kiếm, khiến lão vô cùng chán chường thất vọng.

Dù là vậy, thế nhưng lão cũng chưa từng mở lời trách móc nàng.

Phận sư đồ biết bao nhiêu năm nay, lão đã sớm biết tâm tư của nàng vốn đã chẳng còn để ở trên đỉnh Tuyết Vân quanh năm buốt giá này nữa.

Thời còn niên thiếu, lão cùng đã từng theo đuổi một bóng hình, vì nàng ấy mà từ bỏ chức vị cao quý nhất của phái Côn Luân, vì nàng ấy mà đánh đổi hơn hai mươi năm nay sống trong nhung nhớ héo mòn.

Và cũng chính là vì lão, nữ nhân năm ấy đã tự đẩy bản thân vào cửa tử, chết đến vạn kiếp bất phục.

Cái chết của người trong lòng tuy rằng đã hai mươi năm trôi qua, thế nhưng vết thương lòng mãi mãi chẳng thể liền sẹo giống như một con dao ngày ngày đâm vào tim lão thêm những vết day dứt chằng chịt.

Trông thấy nàng của hiện tại, lão cảm thấy giống như bản thân đang soi vào một chiếc gương phản chiếu lại quãng đời niên thiếu ngắn ngủi trước kia; Tấm chân tình bị thời gian giày xéo, nỗi lạc lõng giữa cảnh đời bất tận âm u.

Nỗi thương cảm dần ngập đầy trong khóe mắt, lão cũng chẳng còn tâm tư đâu mà dạy dỗ nữa, lão cúi người xuống đỡ lấy thân nàng, sau đó đưa tay phủi phủi bụi đất trên chiếc áo trắng mỏng manh của nàng.


“Hôm nay đến đây thôi, ngày khác vi sư lại tiếp tục dạy con.”
Lão vừa quay gót đi khuất khỏi cửa viện, Ngân Như chẳng biết từ nơi đâu lạch bạch chạy ra chỗ nàng.

Nhìn thấy vẻ mặt u buồn của nàng, nha đầu thầm cắn môi giận dữ.

“Lão sư người thật quá đáng mà! Sao người lại nỡ nặng lời với tỷ để tỷ phải khóc thế này?”
Nàng đưa ống tay áo lên lau đi mấy giọt nước đang đọng trên khóe mi, chẳng nói lời nào.

Trông thấy nàng như vậy, nha đầu lại càng kích động nói:
“Muội sẽ đi tìm lão sư, không thể để lão sư bắt tỷ phải luyện kiếm nữa.

Hừ, tỷ đã không thích thì thôi, tại sao lại còn phải ép buộc tỷ cơ chứ? Cái thứ sắc nhọn nặng nề ấy thì có gì hay ho đâu.”
Ngân Như cầm lấy tay nàng toan kéo đi để đòi lấy công đạo, chẳng ngờ nàng không bước cùng, thành ra Ngân Như bị kéo giật trở lại người nàng.

“Sư tỷ, còn không mau đi?”
Ngân Như ngước đôi mắt đầy vẻ thắc mắc lên nhìn nàng rồi hỏi.

Nàng lúc này mới mở miệng nói, thế nhưng câu nói lại chẳng có chút nào liên quan đến câu chuyện của hai người.

“Muội… muội hãy kể cho tỷ nghe thêm về A Âm cô nương đi.

Rốt cuộc nàng ấy có đợi được ý trung nhân hay không?”
Từ cái hôm Ngân Như kể với nàng về A Âm cô nương, lòng nàng lúc nào cũng ngập tràn những suy nghĩ về cô nương ấy.

Nàng biết nàng và A Âm có một điểm giống nhau, đó chính là cả hai người đều đang cùng chờ đợi tình yêu, chờ đợi nỗi khát vọng âm ỉ cháy sâu tận đáy lòng.

Đồng bệnh tương liên, đương nhiên sẽ nảy sinh sự đồng cảm.

Trước đây Ngân Như đã từng nói với nàng rằng nha đầu vốn đã có thể thoát ra được khỏi chốn thanh lâu từ lâu rồi, thế nhưng vì A Âm mà nha đầu mới ở lại để hầu hạ nàng.


Mà nay Ngân Như đã trốn thoát, có lẽ ở nơi đó đã chẳng còn điều gì để nha đầu còn phải lưu luyến nữa.

Phải chăng ước nguyện đó của nàng ấy đã hoàn thành, phải chăng con thuyền của tình yêu đã lại một lần nữa cập bến về phía A Âm, đền bù cho nàng tất cả quãng thời gian mòn mỏi trông ngóng trước kia?
Thế nhưng trái với dự liệu của nàng, chẳng ngờ Ngân Như lại cúi gằm mặt ủ rũ, có vẻ trong tâm tưởng đang tranh đấu vô cùng kịch liệt.

Biểu hiện này của Ngân Như khiến nàng trong một chốc cảm thấy có một nỗi bất an dâng đầy trong lồng ngực, nàng khẽ hỏi lại:
“Ngân Như, trả lời tỷ đi, rốt cuộc A Âm có đợi được y không?”
Một thoáng sau, nha đầu mới nhỏ giọng đáp lại nàng:
“Không… không đợi được.

Nàng ấy mất rồi, mất vào cái hôm muội trốn thoát khỏi Ngọc Hương lầu.”
Nàng sửng sốt lặp lại:
“Muội… muội nói sao? Nàng ấy mất rồi… Sao lại mất rồi?”
Ngân Như nhẹ gật đầu giải thích:
“Ngày đó có một đám nam nhân của Ôn Lạc môn đến Ngọc Hương lầu tầm hoa vấn liễu, tình cờ người kéo đàn hôm đó lại là A Âm cô nương.

Lũ súc sinh đó vừa nhìn thấy dung mạo của A Âm liền giống như dã thú thấy mồi ngon.

Bọn chúng ngay lập tức chỉ thẳng tên trên bảng danh hoa của Ngọc Hương lầu, bắt nàng phải hầu hạ bọn chúng.”
Nha đầu ngồi phịch xuống nền đất lạnh, đôi tay nhỏ nhắn đưa ra bứt bứt mấy ngọn cỏ non bên dưới đất.

“Trước giờ A Âm chỉ bán nghệ không bán thân, chắc tỷ vẫn còn nhớ chứ?”
Nàng gật đầu, chăm chú nghe từng lời nói dần nhuộm nỗi niềm uất hận từ khuôn miệng nhỏ của Ngân Như.

“A Âm nhất quyết không thành toàn, bọn chúng vì tức giận và sĩ diện mà trói tay chân nàng lại, cưỡng ép nàng phải thất thân.”
Nghe đến đây, khí huyết trong người nàng bỗng chốc nóng rực lên, bàn tay không tự chủ mà nắm chặt thành quyền.

“Tủi nhục lẫn bi phẫn… Nàng ấy dứt khoát cắn lưỡi tự tử…”
Ngân Như nhìn thẳng về phía nàng, ánh nhìn gắt gao giống như muốn xuyên thấu tâm can đầy mê muội của nàng lúc này.

“Tỷ liệu có biết không? Cái lúc thi thể A Âm còn chưa lạnh hẳn, lũ súc sinh đó vẫn giằng xé lấy y phục của nàng, ra sức làm nhục thi thể của nàng.

Sau cơn hoan lạc của loài cầm thú, chúng bỏ mặc xác nàng lõa thể giữa vũng máu tươi mà phủi tay áo bỏ đi, giống như cái chết của nàng đối với bọn chúng hoàn toàn chẳng có một chút can hệ nào.

Đó là một mạng người đấy! Đó là mạng của một người thiếu nữ đang ở độ tuổi xinh đẹp nhất, là mạng của trái tim nhân hậu nhất trong cõi đời này!”
Ngân Như ngửa mặt lên trời òa ra khóc lớn.


Chẳng ai có thể hiểu được thay cho Ngân Như, chẳng ai có thể thấu triệt được sự thương tâm đang lấn át tâm hồn non nớt của con bé.

Cái khoảnh khắc trở về căn phòng đã từng chứa đựng biết bao tình thương tỷ muội với A Âm, nhìn thấy thân hình quen thuộc ấy đang đội lên trên mình vải trắng đưa tang, lòng nha đầu dần trở nên lạnh lẽo.

Nỗi bi thương đó cứ đè nén trong lòng nha đầu suốt bấy lâu nay, giờ đây có dịp phát tiết ra lại giống như trút hết mọi nỗi thống hận thay cho người con gái đáng thương ấy.

“Nhưng chúng là người của Ôn Lạc môn, tông môn rường cột trong thiên hạ.

Kẻ nào dám tính toán với chúng? Kẻ nào dám vì tính mạng nhỏ nhoi của một kỹ nữ đứng lên chống lại cả tông môn mấy ngàn người?”
Tấm lưng nhỏ bé không ngừng run lên, nàng ôm lấy Ngân Như, truyền cho nha đầu những hơi ấm ít ỏi của mình.

“Kẻ nào… kẻ nào có thể vì A Âm mà đòi lấy công đạo…”
Danh hoa tuyệt sắc phong lưu một đời nơi Ngọc Hương lầu hóa ra lại có một kết cục bi thảm đến như vậy.

Nếu nàng không chờ đợi một nam nhân, làm sao thảm kịch đó có thể xảy ra.

Giá như ngay từ đầu nàng đừng vì chấp niệm bản thân mà phí hoài tuổi xuân nơi lầu son phóng đãng, có lẽ giờ đây nàng đã có thể cùng phu quân tâm đầu ý hợp, cử án tề mi.

Thế nhưng đó là lựa chọn của nàng, là khát khao mà nửa cuộc đời nàng luôn mong mỏi.

Nàng không sai, cái sai của nàng có lẽ là vì nàng đã quá tin tưởng vào tình yêu mà chọn cách chờ đợi.

Nàng đem bản thân ra đánh cược với tình yêu, lấy trái tim làm bạc vụn.

Để rồi nàng đã thua trắng, thua một cách thảm hại.

Dù có xinh đẹp cách mấy, có tài hoa ra sao, nàng cũng chỉ là một bông bèo nước trôi nổi giữa trần thế đầy những gập ghềnh.

Thế gian này sẽ không chỉ vì một A Âm mà thay đổi sự vô tình vốn có, cũng sẽ chẳng vì mất đi một tiếng đàn mà khung cảnh trở nên tịch mịch.

Tất cả sự thay đổi đều là do lòng người mà ra, từ lòng người mà có.

Bởi duyên khởi duyên diệt, đều không do thiên ý, chỉ tại nhân tâm.