Mạn Thiên Hoa Vũ - Thường Yên

Chương 76: Thái An Thừa Ân




Đương cơn mơ màng, câu nói ngắn gọn của Đông Ly lập tức kéo tôi thoát khỏi giấc ngủ mê.

Tôi gạt chăn ngồi dậy, mù mờ nhìn con bé: "Cái gì?"

Đông Ly hít một hơi dài, tiến gần thêm một bước: "Thiều Nghiêu... chết rồi ạ."

Khựng lại vài giây, tôi hít một hơi dài: "Em nói rõ hơn xem nào."

Con bé gật đầu, vừa đỡ tôi đứng lên vừa tóm tắt sự việc: "Đã quá giờ Thìn ba khắc mà chưa thấy cô Thiều Nghiêu tới trông cậu Vũ nên mợ Vân Phi mới nhờ em đi gọi... Kết quả là vừa bước vào cửa thì thấy..."

Thấy Thiều Nghiêu gục người trên chõng tre, máu chảy thành vũng dưới mặt đất.

Đông Ly chỉ nhìn lướt qua cũng đoán được cái chết của Thiều Nghiêu có điểm bất thường, lập tức che giấu thông tin, phong tỏa hiện trường rồi nhanh chóng quay về tìm tôi. May mắn là chuyện này mới chỉ có Đông Ly biết.

Từ sau vụ hương Hoàng Vân, vì lý do sức khoẻ mà mẹ Sinh không tham gia vào việc quản gia nữa, mọi chuyện đều giao cho Vân Phi xử lý. Còn em dâu tôi sinh đứa thứ hai xong cũng chẳng khoẻ khoắn gì, phần lớn thời gian chỉ giải quyết mấy vấn đề sổ sách tiền nong, còn lại chỉ tập trung chăm sóc con trẻ.

Nếu trong phủ họ Đoàn có chuyện hệ trọng, người đứng ra làm chủ sẽ là em trai Đoàn Nhữ Hài. Giờ này cậu ta còn đương trong triều, người duy nhất có thể tỉnh táo đưa ra quyết định cũng chỉ còn mình tôi.

"Em đi báo với Vân Phi một tiếng." Tôi chạm tay vào then cửa, nghĩ thế nào lại quay đầu bảo Đông Ly.

"Dạ..." Con bé hơi ngẩn người. "Chuyện này cũng không nhỏ..."

Tôi gật đầu: "Ừ, khéo léo một chút. Tiện thể đi tìm hiểu xem trước đó Thiều Nghiêu đã ở cùng ai và làm những gì luôn nhé."

Chưa nói tới việc tìm ra nguyên nhân cái chết của Thiều Nghiêu, chúng tôi còn phải chuẩn bị sẵn sàng về việc phải thông báo thế nào với nhà họ Trương. Đứa con gái út của họ khăn gói tới kinh thành, khỏe mạnh tươi vui bước vào phủ họ Đoàn... chưa được bao lâu thì đột ngột từ giã cõi đời, bỏ lại ước mong được trở thành người nâng khăn sửa túi cho em trai tôi.

Đúng là trước đây tôi không ưa gì Thiều Nghiêu, nhưng sau khi được nhắc nhở thì cô ta đã cố gắng thay đổi tính tình, biết tôn trọng người lớn trong phủ và cũng coi như một lòng một dạ với Đoàn Nhữ Hài. Giờ đây...

Tôi đẩy cửa bước vào, tận mắt thấy Thiều Nghiêu đang ngồi trên chõng, đầu gục xuống dưới.

Ngoài trời nắng vàng rực rỡ, bên trong phòng lạnh lẽo âm u. Không phải tôi chưa từng thấy người chết, nhưng một mình đối diện với Thiều Nghiêu như thế này cũng chẳng hề dễ dàng.

Cố gắng đè nén dòng cảm xúc rối loạn, tôi từng bước tiến lại gần Thiều Nghiêu, ngồi xổm xuống quan sát. Không biết cô ta gây thù chuốc oán với kẻ khác đến mức nào...

Khoan đã.

Tóc gáy dựng đứng, không khí xung quanh như đóng băng khiến cả người tôi như rét run.

Trên người Thiều Nghiêu không có bất kỳ vết thương nào như tôi đã tưởng mà quanh miệng và dưới cằm, cổ áo lại dính đầy máu tươi.

Cảnh tượng này khiến tôi kinh hãi, suýt nữa đã ngã ngửa về phía sau. Tôi đưa tay lên che miệng, ngăn lại cơn buồn nôn đang dâng lên cổ họng.

Mùi máu tanh phảng phất, tôi dần tỉnh táo lại.

Nếu tôi không nhầm thì có lẽ Thiều Nghiêu đã trúng độc Chúc Đương Phong, sau đó... nôn ra máu mà chết.

"Chắc cô cả cũng đoán ra rồi ạ?" Đông Ly quay trở lại từ khi nào, thoáng chốc đã đứng bên cạnh tôi.

Tôi không trả lời con bé, chỉ khẽ gật đầu. Đông Ly lại nói: "Sáng nay, sau khi cô Thiều Nghiêu dùng bữa cùng dì Nương xong thì thấy trong người khó chịu nên nói rằng muốn về phòng nghỉ ngơi một lát."

Trong tôi đột nhiên dâng lên cảm giác vô cùng bất an, vội hỏi: "Từ trước tới giờ... mọi người vẫn thường ăn sáng cùng nhau à?"

Đông Ly đáp: "Không hẳn ạ. Vốn dì Nương có thói quen dùng bữa sáng một mình, gần đây cô Thiều Nghiêu muốn học hỏi thêm từ dì ấy nên mới cố gắng gần gũi."

Chuyện này ai ai ở phủ họ Đoàn cũng biết.

"Thi thoảng, em và mấy người làm khác sẽ tới dùng bữa cùng dì Nương, nhưng chỉ khi dì ấy gọi thôi ạ." Con bé tiếp tục cung cấp thông tin.

Tôi thở hắt ra một hơi: "Dư Nương... vẫn ổn chứ?"

"Dì Nương trúng độc, hiện đang bất tỉnh. Em đã cho người đi mời thái y Bân tới, chỉ mong ngài ấy không có ca trực trong cung thôi ạ. Mà... sáng nay không chỉ có Thiều Nghiêu dùng bữa với dì Nương đâu ạ." Đông Ly nghiêm túc nói. "Cả Dần và cái Nụ cũng giống như dì Nương, nhưng chắc do ăn ít nên tình trạng không nghiêm trọng cho lắm."

Chúc Đương Phong không thể vô duyên vô cớ xuất hiện tại phủ họ Đoàn, rõ ràng kẻ hạ độc đã nhắm tới Dư Nương. Bà ấy vừa mới quay lại kinh thành, vì sợ đêm dài lắm mộng nên tôi mới nhắc Đông Ly hỏi vụ hương Hoàng Vân, nhờ Dư Nương dẫn đi tìm nơi bán. Vậy mà ngay ngày hôm sau đã xảy ra chuyện.

Tôi quá chủ quan, tin tưởng cuộc trò chuyện của Đông Ly và Dư Nương đủ riêng tư, không ai có thể nghe lén mà quên dặn dò bà ấy đừng hé nửa câu với người khác.

Sáng nào Dư Nương cũng đi kiểm tra từng ngõ ngách trong phủ, dừng lại hỏi han bao nhiêu gia nhân, nếu có lỡ lời kể câu chuyện nhang khói với ai thì tôi cũng chẳng thể khua chiêng gõ trống hỏi từng người một được.

Tuy nhiên, nghĩ theo hướng hơi vô nhân đạo một chút thì cái chết của Thiều Nghiêu không hoàn toàn là vô ích. Nhờ đó mà tôi đã phát hiện trong phủ họ Đoàn có kẻ xấu trà trộn, khả năng cao gã này còn có liên quan tới vụ bắn tên khi xưa nữa.

Không rõ gã vào phủ từ khi nào mà lại có thể im hơi lặng tiếng đến thế, chưa hề gây ra bất cứ chuyện gì khiến tôi hay Đoàn Nhữ Hài nghi ngờ.

Cho tới hôm nay.

Không có lấy một dữ kiện, tôi hoàn toàn chẳng thể đoán được kẻ xấu là nam hay nữ, già hay trẻ; mục đích của gã là hãm hại họ Đoàn hay chỉ muốn âm thầm theo dõi, báo cáo từng đường đi nước bước của chúng tôi với chủ nhân?

Tôi lại nghĩ, hẳn là gã gian tế cũng không thông minh cho lắm.

Trừ tôi và Đông Ly thì cũng chỉ có Nhữ Hài biết về hương Hoàng Vân, còn lại tất cả người trong phủ họ Đoàn, kể cả Vân Phi, đều tưởng rằng mẹ Sinh mắc "bệnh lạ", sức khoẻ đi xuống nên mới thay đổi thói quen thắp hương khấn Phật.

Từ việc Dư Nương bị hạ độc, có thể thấy rằng gã gian tế là kẻ gián tiếp đưa hương Hoàng Vân vào phủ họ Đoàn - thông qua Dư Nương. Mục đích của gã là gì thì tôi không rõ, nhưng phải đến hiện tại, khi biết tôi trực tiếp điều tra thì gã mới cuống lên, lập tức dùng Chúc Đương Phong để giết người diệt khẩu.

Tới lúc Đoàn Nhữ Hài về phủ, tôi và Đông Ly không giấu diếm thêm được nữa, từ trên xuống dưới phủ họ Đoàn đều biết tin Thiều Nghiêu đã chết còn Dư Nương, Dần và Nụ đều gặp chuyện không hay.

Kẻ thất thần, người sợ hãi. Mẹ Sinh ôm Lâm Vũ trong tay, nghẹn ngào khóc: "Hài ơi, con có gây sự với ai trong triều không mà để nhà ta phải chịu cảnh thế này... Biết nói thế nào với họ Trương đây hả trời!"

Em trai tôi cau mày không đáp, biểu cảm vô cùng u ám.

Cũng may, nhờ Phạm Bân mà Dư Nương không còn nguy hiểm tới tính mạng, Dần và Nụ đã có thể tự mình ngồi dậy ăn một ít cháo loãng.

Cả tôi và Đoàn Nhữ Hài đều nhất trí sẽ để ý hơn tới gia nhân trong phủ, dù rằng hai chị em hiểu rõ rằng tìm được gian tế không khác gì bắc thang lên trời. Kẻ kia sử dụng Chúc Đương Phong để hại người, hẳn sẽ ý thức được bản thân càng phải giấu mình hơn trước đây.

Ôi chao, người duy nhất có năng lực là Đông Ly nhà tôi, dù ba đầu sáu tay cũng sẽ chẳng thể theo dõi được nhất cử nhất động của mấy chục người trong phủ họ Đoàn chứ đừng nói là phát hiện gian tế.

Nói chung là... khó đấy.

Đoàn Nhữ Hài xin nghỉ phép mấy hôm rồi cùng mẹ Sinh đưa thi thể Thiều Nghiêu về cho gia đình.

Hiển nhiên chuyện hôm ấy đã được Nhữ Hài đưa tới tai Trần Thuyên, không thiếu một chữ.

Ngay sau khi em trai tôi khởi hành, Trần Thuyên xuất hiện, trên mặt không giấu nổi sự lo lắng. Xác nhận được tôi vẫn khoẻ mạnh, Trần Thuyên kéo tôi vào lòng, dịu dàng vuốt tóc tôi:

"Đừng sợ, trẫm ở đây rồi."

Tôi vùi mặt vào ngực anh, vòng tay ôm chặt, nhẹ nhàng đáp lời: "Em biết."

Nhưng... sự thật là không một ai biết gian tế ở trong phủ họ Đoàn từ khi nào, nếu gã thật sự rắp tâm muốn hại tôi thì dù có, hay không có Trần Thuyên cũng chẳng thay đổi được điều gì.

Trần Thuyên sắp xếp Dạ Hành hỗ trợ Đông Ly truy tìm kẻ giết hại Thiều Nghiêu, tôi nghe cái liền đồng ý ngay tắp lự. Ít nhất cũng đỡ được một việc, tôi sẽ có thời gian để lo chuyện khác.

...

Phủ họ Đoàn xảy ra biến cố không nhỏ, một người chết, ba người khác như mất đi nửa cái mạng. Mẹ Sinh và Nhữ Hài đã trở về phủ Hạ Hồng, chỉ có tôi và Vân Phi ở lại trông coi nhà cửa, khó khăn lắm mới vỗ về được gia nhân trong phủ.

Loáng cái nửa tháng đã trôi qua, mọi sinh hoạt tại phủ họ Đoàn đều trở lại với quỹ đạo ban đầu.

Sau khi giúp Vân Phi dỗ dành hai anh em Lâm Vũ và Thế Lâm ngủ trưa, tôi lết thân tàn về phòng riêng, ngã nhào xuống giường.

Đúng là có những lúc chỉ thở thôi cũng thấy mệt.

Một lát sau, Đông Ly xuất hiện với một tờ giấy trên tay. Con bé híp mắt suy tư: "Hiện em mới tìm được khoảng hơn hai mươi hàng bán nhang tại kinh thành, trong đó phân nửa được chia đều ở ba khu chợ lớn. Nếu dì Nương đã không nhớ mình mua nhang ở đâu thì em với cô tự đi trước vậy."

Tôi khẽ "ừ" một tiếng. Biết rõ đây chỉ là mò kim đáy bể, chưa chắc đã giải quyết được việc gì, chỉ là tôi muốn tìm cớ, thuyết phục chính bản thân mình ra ngoài mà thôi.

Tiết trời mát mẻ, dễ chịu vô cùng.

Từ trong nhà nhìn ra, phía bên ngoài ô cửa sổ là khoảng trời thênh thang, xanh ngút tầm mắt, mây trắng lững lờ. Cành lá rung rinh đùa vui theo gió, mang theo mùi vị nhân gian.

Mùa thu sắp qua đi rồi.

Tôi giống hệt con robot được lập trình sẵn, hết sức tập trung đi theo chân Đông Ly, cần mẫn ghé mũi ngửi bó hương vừa đưa tới gần. Đã biết trước là sẽ không tìm được Hoàng Vân mà tôi vẫn không khỏi cảm thấy thất vọng.

Sau khi rời khỏi hàng bán nhang thứ mười ba, tôi và Đông Ly không hẹn mà cùng sà vào hàng bánh ven đường. Ánh mắt kiên định của con bé như muốn nói rằng có đánh chết thì nó cũng không muốn đi ngửi nhang thêm nữa, có giỏi thì tôi cứ việc đi một mình đi.

Tôi là người ưa hưởng thụ, đương nhiên sẽ không lựa chọn gian khổ rồi. Tính ra tôi còn đặt mông ngồi xuống ghế nhanh hơn cả Đông Ly ấy chứ.

Con bé gọi hẳn năm chiếc bánh nếp đậu xanh, ngẫm nghĩ thế nào liền đứng dậy, bảo tôi: "Ăn nhiều thế này khéo mắc nghẹn, cô cả ngồi đây chờ em tí nhé. Ở góc đường đằng kia có hàng nước, em chạy ù đi mua cho cô cốc trà quế."

Chẳng chờ tôi đáp lời, nó chạy ù đi thật.

Tôi cầm chiếc bánh nếp trong tay, bóng lưng xa dần của Đông Ly như nhoà đi, hai bên tai chỉ còn tiếng ù ù đặc quánh.

Không rõ từ khi nào tôi lại mất đi sự nhiệt tình thuở xưa như thế nhỉ? Ngược về những ngày ban đầu mới trở thành Đoàn Niệm Tâm, tôi còn vác cái thân bệnh tật đi khắp chốn để giải cho bằng được án oan của Lưu Bích Thuỷ. Vậy mà giờ đây...

Là do tinh thần tôi ngày càng rệu rã, hay bởi bản thân quá dựa dẫm vào Trần Thuyên rồi?

"Này!"

Tôi giật mình, loáng cái đã thấy chiếc bánh cắn dở của mình nằm gọn trong lòng bàn tay của người thanh niên đang đứng sừng sững trước mặt.

Khiếp, tốc độ cúi người của người anh em cũng ghê đấy.

"Bánh ngon thế này mà để rơi xuống đất thì phí phạm lắm." Quân Trì mỉm cười, duỗi tay đưa bánh lại cho tôi. Phía sau anh ta là thằng nhóc theo hầu tên Bính, hẳn tiếng gọi tôi khi nãy là của nó.

"À... cảm ơn anh." Tôi gượng gạo đáp lời Quân Trì. "Ở... ở đây vẫn còn, anh có muốn ăn cùng không?"

"Được." Quân Trì sảng khoái gật đầu, vén vạt áo rồi ngồi xuống cạnh tôi.

Ô kìa, chỉ là lời mời xã giao thôi mà đồng ý nhanh thế! Nếu tôi nhớ không nhầm thì bình thường anh ta luôn duy trì một khoảng cách nhất định với tôi, tuy dần dà đã thân thiết hơn nhờ Trần Mạnh nhưng tựu chung lại vẫn là một vẻ lạnh nhạt mang theo ý muốn trốn tránh. Vì lý do này mà tôi mới dám mời Quân Trì một câu đó chứ.

Mặt trời có lặn ở đằng đông thì tôi vẫn phải ngồi gặm bánh bên cạnh Quân Trì, bầu không khí hết sức ngượng ngùng.

Đông Ly quay về với hai cốc trà quế, vô cùng bất mãn mà đặt xuống trước mặt tôi và Quân Trì rồi lùi ra một góc đứng cạnh thằng Bính.

Bỗng dưng tôi lại nghĩ ngợi, liệu Đông Ly có đang giấu diếm tôi - giống như Trần Thuyên hay không? Quân Trì là Dạ Hành, mà Đông Ly cũng là Dạ Hành, không lý nào hai người này lại chẳng quen nhau...

Tuy vậy, tôi và Đông Ly đã sống cạnh nhau đủ lâu để tôi có thể biết được khi nào con bé nói dối. Mà như thế... Rốt cuộc là sao nhỉ?

Tôi vừa nhai bánh, người hơi ngả về phía sau, hai mắt dán vào lưng Quân Trì. Thật muốn xé toạc lớp áo trên người anh ta ra để được quan sát thật kỹ hình xăm một lần nữa, xem anh ta có thật sự là Dạ Hành hay không.

"Sao thế? Nàng không khỏe à?" Quân Trì lại đột ngột lên tiếng, doạ tôi giật nảy cả người.

Chẳng khác nào đang làm việc xấu mà bị bắt quả tang, đầu óc tôi trống rỗng, miệng tự động phun ra một câu hỏi không đâu vào đâu: "Vết bỏng của anh đã lành chưa nhỉ?"

Nếu để Trần Mạnh nghe thấy thì chắc cậu hoàng tử bé con nhất định sẽ cười vào mặt tôi.

Quả nhiên, đến Quân Trì cũng không nhịn được cười. Anh ta khẽ ho một tiếng, nhẹ nhàng đáp: "Đã gần một năm rồi, không còn gì đáng lo nữa. Cảm ơn nàng đã hỏi thăm."

Tôi quan tâm tới tấm lưng của anh hơn đấy.

"Phải rồi, vài ngày trước ta nhận được thư của Chiêu Văn vương, người có mấy dòng hỏi thăm nàng."

Thấy Quân Trì nhắc tới Chiêu Văn vương Trần Nhật Duật, trong lòng tôi bỗng thoải mái hơn nhiều. Hoá ra là vì lý do này nên anh ta mới nhận lời ngồi lại với tôi.

"Vậy khi nào anh viết thư hồi đáp vương thì cũng cho tôi gửi mấy lời nhé. Dạo này vương và phu nhân vẫn khỏe chứ?" Tôi vui vẻ nói.

Quân Trì gật đầu: "Ừ. Phu nhân về thái ấp đã lâu nhưng vẫn nhớ thương nàng, còn dặn ta nếu có dịp thì đưa nàng tới Văn Trinh chơi một chuyến."

Khi nói câu này, ánh mắt Quân Trì nhìn thẳng vào tôi, nét mặt có gì đó hơi nặng nề. Chỉ một thoáng chớp mắt, biểu cảm của anh ta đã quay trở lại với bình thường, thậm chí còn dịu dàng hơn phân nửa.

Tôi không rảnh để phân tích tâm lý Quân Trì, chỉ cười phụ hoạ: "Được thôi, tôi cũng muốn đi thăm vương và phu nhân."

Thế là đến lượt anh ta tỏ vẻ ngạc nhiên vì tôi đồng ý quá nhanh.

"Nàng có thể đi?"

"Dĩ nhiên." Tôi tròn mắt nhìn Quân Trì.

Anh ta hơi cụp mắt trầm ngâm, cả người toát ra vẻ lạnh lùng khó đoán.

Tôi đây còn đi cả lộ Bắc Giang, phủ Thiên Trường rồi cơ mà, vì cớ gì lại không thể tới thái ấp Văn Trinh du lịch?

À, tôi biết rồi. Đếm đi đếm lại, lần nào tôi rời kinh thành cũng là nhờ dựa hơi Trần Thuyên cả. Mà nếu vậy... có lẽ anh sẽ không để tôi đi chơi xa với Quân Trì đâu nhỉ?

Nhưng rõ ràng Quân Trì là Dạ Hành mà!

Thắc mắc bấy lâu nay lại cuồn cuộn nổi lên trong tâm trí, tôi chỉ biết chửi thầm. Khốn kiếp thật! Theo ý tôi, Đông Ly đã từng đi điều tra về Quân Trì không chỉ một lần nhưng chưa từng chạm được đến thân phận thật của anh ta. Tôi không thể hỏi Trần Thuyên, cũng chẳng cách nào nói thẳng với Quân Trì, phải làm thế nào mới giải được câu đố này đây?

"Nếu ngày ấy... nàng cũng dễ dàng rời Hạ Hồng lên kinh thành, theo đuổi thằng nhãi họ Trần ấy thì hiện tại..." Quân Trì lẩm bẩm, hai mày khẽ nhíu, dường như đang chìm trong thế giới riêng của bản thân nên không để ý tới tôi.

Tôi chỉ cách anh ta một gang tay, tuy không hoàn toàn nghe rõ mười mươi từng từ nhưng cũng đại khái hiểu được ý tứ. Bốn chữ "thằng nhãi họ Trần" của Quân Trì doạ tôi sợ chết khiếp, nhưng ngay sau đó tôi chợt nhớ ra, họ Trần mà tôi quen biết không chỉ có anh em Trần Thuyên.

Là... Trần Thì Công - "thanh mai trúc mã" của Đoàn Niệm Tâm khi xưa.

Ý của Quân Trì là... nếu nàng ấy có đủ dũng khí để rời bỏ gia đình theo chân người thương tới Thăng Long thì chắc là không đến mức đau khổ dằn vặt rồi ra đi sớm như vậy nhỉ?

Tôi thầm cảm thán, không có đâu! Thằng cha Trần Thì Công đào hoa vô tình, vừa hèn nhát lại thích làm màu, đâu thể đảm bảo cho Đoàn Niệm Tâm một tương lai hạnh phúc. Tóm lại, cái gọi là "nếu như" của Quân Trì dù tính theo hướng đi nào thì cũng đều không thể xảy ra!

Một bên tôi phân tích thiệt hơn cho một Đoàn Niệm Tâm đã chết, không để ý bên cạnh là Quân Trì đã bừng tỉnh, thoát khỏi dòng suy nghĩ từ lúc nào.

"Niệm Tâm này, nàng còn nhớ chuyện trước kia không?" Anh ta đột ngột lên tiếng.

"À, trước kia nào nhỉ?" Tôi lơ đãng đáp lời, thực lòng không rõ Quân Trì muốn nhắc tới thời gian nào.

Anh ta ngưng lại đôi chút, giọng nhẹ nhàng như lá bay: "Sáu năm trước, khi nàng mới lên kinh thành."

Tôi liền gật đầu: "Vậy thì nhớ. Khi ấy tôi gặp nạn, rồi gia đình nhận được ân điển của Quan gia..."

Câu này tôi nói khá nhanh, mất chưa đến năm giây nhưng biểu cảm của Quân Trì lại theo đó mà biến đổi những mấy lần. Nguồn sáng trong mắt anh ta lóe lên trong khoảnh khắc rồi vụt tắt, chìm dưới hố sâu vạn dặm, chỉ còn lại đêm đen u tối.

Quân Trì bỏ lửng cuộc nói chuyện với tôi, thậm chí còn chưa ăn một miếng bánh, uống ngụm trà nào mà đã phủi áo đứng dậy. Anh ta nhàn nhạt nói: "Ta sẽ chuyển lời hỏi thăm của nàng tới Chiêu Văn vương và Trinh Túc phu nhân."

Không chờ tôi cảm ơn, Quân Trì dẫn Bính hoà vào đám đông giữa chợ, một thoáng đã mất dạng.

Đông Ly ngồi vào chỗ Quân Trì khi nãy, dẩu môi định nói gì đó nhưng lại thôi, yên lặng gặm nhấm chiếc bánh đậu xanh dẻo thơm. Con bé khẽ than thở: "Nguội hết cả trà rồi!"

Tôi không để ý tới con bé, cũng chẳng còn tâm trạng nào để ăn uống nữa. Sương mù đã tan đi được một phần nhỏ nhưng đường đi phía trước vẫn quá gập ghềnh, không rõ tôi nên lùi lại hay cứ liều mình, cắm đầu cắm cổ mà tiến lên?

Tuy rằng đầu óc tôi hay gặp trục trặc nhưng lúc cần thì vẫn có thể minh mẫn đủ dùng, và lúc này, chính là thời điểm như thế.

Không phải ai cũng biết về rắc rối giữa tôi, à nhầm, Đoàn Niệm Tâm và Trần Thì Công của nhiều năm trước. Thằng cha Trần Thì Công dù mặt dày xấu xa đến mức nào thì cũng sẽ muốn bảo vệ thanh danh của mình trước tiên, đương nhiên chưa từng hé nửa lời với người ngoài. Ngược lại về phía nhà tôi, Đoàn Nhữ Hài thương chị gái vô cùng, chỉ với lý do này thôi là đủ biết cậu ta không bao giờ lôi Niệm Tâm ra tán gẫu với kẻ khác.

Ngoài hai chị em tôi và Trần Thì Công, vẫn còn một người nữa biết về chuyện xưa.

Là Trần Thuyên.

Tôi còn nhớ rõ sáu năm trước, lần đầu "gặp lại" Trần Thì Công, tôi đã được Trần Thuyên nhắc nhở về mối quan hệ kỳ quặc với "bạn cũ". Khi đó mải lo án mạng nên tôi không thèm để tâm, hiện tại nhờ Quân Trì lỡ lời nên mới thấy mọi chuyện trở nên có lý hơn bội phần.

Điều quan trọng cần phải nhắc lại thêm lần nữa: Quân Trì là Dạ Hành.

Trần Thuyên và Quân Trì cùng biết về chuyện giữa tôi, lại nhầm nữa rồi, là chuyện giữa Đoàn Niệm Tâm và Trần Thì Công.

Một, Trần Thuyên đâu thể vô duyên vô cớ nắm được đầy đủ thông tin của Đoàn Niệm Tâm khi xưa rồi lắm mồm lắm miệng đem kể cho Quân Trì được? Vậy nên thứ tự chuẩn xác sẽ là: Dạ Hành Quân Trì điều tra về Đoàn Niệm Tâm trước rồi mới báo cáo cho sếp mình.

Chà, rõ ràng hơn rồi đấy. Chúng ta tiếp tục phân tích thêm nào.

Hai, vậy lý do Trần Thuyên không muốn tôi thân thiết với Quân Trì là gì? Nếu chỉ bởi Quân Trì từng theo dõi Đoàn Niệm Tâm thì có đủ động cơ hay không? Dĩ nhiên là không rồi!

Lần đầu tiên chính thức gặp mặt Quân Trì trên thuyền lớn về lộ Bắc Giang, anh ta từng nói rằng có phải chúng tôi từng gặp nhau ở đâu rồi, e rằng câu hỏi này chỉ mang tính chất tu từ.

Rất có thể, không, tôi phải chắc tới 98% Quân Trì và Đoàn Niệm Tâm có quen biết! 2% còn lại coi như biến số, kệ nó.

Chẳng phải Quân Trì vừa mới hỏi liệu tôi có "nhớ" ngày xưa không à? Tôi bảo có, anh ta tỏ ra vui mừng, nhưng nghe hết câu thì sầm mặt buồn bã. Đây rõ ràng là nhìn tôi mà nhớ Đoàn Niệm Tâm xưa.

Còn tại sao tôi lại đồ đoán Đoàn Niệm Tâm từng tiếp xúc với Quân Trì? Ý tưởng "nếu Niệm Tâm theo chân Trần Thì Công lên kinh thành" từ đâu mà có? Đáp án rõ ràng không phải là Quân Trì!

Như đã nói trước đây, mối tình giữa Đoàn Niệm Tâm và Trần Thì Công là chuyện riêng tư tới mức nào! Người chân ngoài chân trong như tôi chỉ nắm được cùng lắm là tám phần, thậm chí tới Đoàn Nhữ Hài cũng chưa bao giờ đề cập tới ý định của chị gái cậu, luôn duy trì sự hận thù đối với Trần Thì Công.

Không cần suy xét, Đoàn Niệm Tâm thật sự đã tin tưởng Quân Trì tới mức tâm sự chuyện trong lòng với anh ta.

Đáp án này khiến tôi vừa mừng vừa sợ. Nếu chỉ có vậy thì có hề gì, tôi không cần đề phòng Quân Trì thêm nữa, cứ để Trần Thuyên ăn một đống ớt vào mồm đi.

...

Mẹ Sinh và Đoàn Nhữ Hài về quê gần một tháng, nghe đâu khó khăn lắm mới giải quyết được chuyện của Thiều Nghiêu. Cũng may nhà họ Trương kia không giống như mấy cuốn tiểu thuyết Trung Quốc, đòi đưa tên họ Thiều Nghiêu vào trong nhà chúng tôi, ngồi trên bàn thờ họ Đoàn để được thờ phụng.

Hoàng hôn phủ xuống trần gian, bầu trời chia làm hai nửa. Một bên ráng hồng ấm áp, bên kia xám xịt tang thương.

Mấy ngọn đèn treo trên cành cây vừa mới được thắp lên, tuy không nhiều nhưng vẫn đủ dùng, soi sáng khoảng không. Trần Thuyên nương theo đó đọc tấu chương, thi thoảng lại đưa tay lên gõ gõ vào trán.

Dạo gần đây anh duy trì thói quen đến phủ họ Đoàn, dành khoảng hai canh giờ ở cạnh tôi. Cũng không có gì đặc biệt, Trần Thuyên mang theo tấu sớ phê duyệt, tôi yên lặng ngồi bên, khi thì học chữ, lúc thì gối đầu lên chân anh mà ngủ.

Tôi thấy sắc trời không còn sớm nữa, nhìn xuống đống chữ loằng ngoằng chỉ thấy choáng váng liền kéo áo Trần Thuyên, cười bảo: "Quan gia còn chưa chịu nghỉ ngơi nữa, hôm sau lại than mỏi mắt với em cho mà xem."

Hai mày Trần Thuyên nhíu lại tỏ ý không hài lòng nhưng miệng lại khẽ nhếch lên, xem chừng lời nhắc nhở của tôi rất vừa ý anh.

"Ái chà, hôm nay có người biết lo lắng cho ta rồi đấy." Trần Thuyên gấp lại quyển tấu chương, đặt một góc rồi nắm lấy tay tôi xoa xoa.

Nghe vậy tôi liền bĩu môi: "Em lúc nào mà chẳng quan tâm đến chàng."

"Thế cơ à?" Anh nhướn mi, gật gù. "Mười ngày nửa tháng không gặp nhau cũng có thấy nàng nhớ nhung gì ta đâu? Rảnh rỗi là lượn lờ phố xá, ăn bánh nếp đậu xanh, cùng người ta cười nói vui vẻ."

Tôi đần mặt nhìn anh. Được rồi, lời ít ý nhiều, định doạ tôi chắc?

Trông dáng vẻ lười nhác đáng ghét của Trần Thuyên, tôi kiên quyết giả ngu: "Bánh nếp ở hàng đó rất ngon, có dịp em sẽ dẫn chàng đi ăn. Phần đậu xanh ngọt vừa, lớp vỏ thì dẻo thơm, không biết làm cách nào mà chẳng hề bị dính răng nhé..."

"Không cần đâu." Trần Thuyên ngả người về sau, tay dựa vào chồng gối cao. "Thành An!"

Tôi trơ mắt nhìn Thành An nhảy từ trên bờ tường xuống, tiến lại gần hành lễ với Trần Thuyên rồi lôi ra một bọc đồ lớn từ trong không khí.

Y lanh lẹ tháo dây buộc, lộ ra phần lá xanh thẫm, bên trong là hơn chục cái bánh nếp chen chúc nhau.

Mắt thấy hình phạt đã tới gần, tai nghe tiếng dậm chân của Thành An sau bức tường lớn, tôi vừa hối hận vì đã xem thường mức độ ghen tuông của Trần Thuyên, vừa chửi thầm con nhóc Đông Ly bán chủ cầu vinh. Hoá ra khi ấy nó im lặng như vậy là để tìm cách báo tin cho sếp lớn, đúng là thứ hai lòng.

Tôi ăn đến cái bánh nếp thứ hai đã thấy lợm giọng, cuối cùng cũng nhận thức được đấu tranh với hoàng đế là chuyện không hề khôn ngoan tẹo nào.

Nghĩ làm làm, tôi đổi thành tư thế nửa ngồi nửa quỳ, tay chắp lại vô cùng quy củ: "Quan gia, dân nữ biết sai rồi ạ."

"Sai ở đâu nhỉ?" Trần Thuyên nín cười, giọng hơi nghẹn lại.

Tôi trợn mắt lên: "Lỗi sai của em là không nghe lời căn dặn của Quan gia ạ."

Trần Thuyên vẫn cố tình hỏi thêm: "Lời căn dặn nào của ta?"

Vừa sợ vừa buồn cười, tôi gân cổ lên gắt gỏng: "Quan gia có cần hỏi kỹ tới vậy không? Đã vậy thì để đứa dân đen này ăn hết, ăn cho no vỡ bụng, cho lăn đùng ra đấy! Quan gia vui rồi chứ?"

"Thôi thôi." Tên nhãi hoàng đế này cuối cùng cũng cười rộ lên, vô cùng hài lòng khi thấy tôi bị doạ cho run cả người nhưng vẫn cố lên mặt cãi ngang. "Chỗ còn lại nàng cho Đông Ly đi."

Tôi hất đầu một cái, nhỏ giọng hỏi: "Là Thành An mua ạ?"

"Chứ không lẽ ta mua?"

"Thế thôi, Quan gia cầm về... à thôi, cứ để đấy em ăn cũng được."

Dù tôi giận Đông Ly thật nhưng cũng không muốn con bé dính dáng tới Thành An thêm nữa.

Trần Thuyên hơi ngạc nhiên, tôi lập tức dùng hai ngón trỏ tạo thành dấu X, thể hiện cho sự rạn nứt giữa Đông Ly và Thành An.

Có vẻ anh cũng không quan tâm lắm tới chuyện này, tay khẽ đẩy gói bánh ra xa rồi nói: "Vậy lát để Thành An mang về ăn là được."

Lời này không tầm thường, mệnh lệnh của hoàng đế sẽ khiến Thành An phải nốc cho bằng hết đống bánh nếp này. Nghĩ đã thấy vui rồi.

Tôi hớn hở tựa vào lồng ng.ực Trần Thuyên, nhắm hờ mi mắt, hít hà hương trà thân quen giữa gió chiều lồng lộng.

...

Giận dỗi Đông Ly, chơi trò chiến tranh lạnh với con bé chừng ba ngày là tôi đã không chịu nổi. Người duy nhất hợp gu, bắt được sóng não của tôi trong cái nhà này chỉ có Đông Ly mà nay cứ phải cau mày ngậm miệng, chẳng khác nào tra tấn.

Tôi ngấm ngầm ra tín hiệu, chỉ mất một lúc là Đông Ly đã nhận ra, lập tức dập đầu tạ lỗi. Lần này con bé không giải thích dài dòng, chỉ một mực xin tôi tha thứ. Tôi vội đỡ Đông Ly đứng dậy, thở dài một hơi.

Đối với Đông Ly, tôi là núi cao, nhưng... Trần Thuyên lại là trời biển.

Thôi bỏ đi, điều này cũng chứng tỏ độ trung thành của Đông Ly, một lòng vì sếp lớn.

Tôi bắt con bé bóc hạt bí cho mình, ngoắc ngoắc tay nói: "Lần sau, nếu tôi gặp Quân Trì thì em không được báo với Quan gia nữa đấy."

Biểu cảm Đông Ly chỉ có hai chữ "cạn lời", vội hỏi: "... Cô cả vẫn muốn gặp cậu Trì ạ?"

"Dĩ nhiên." Tôi xếch môi. "Đã dặn trước rồi, nếu em vẫn cố tình làm trái thì tốt nhất là quay về sắp xếp quần áo rồi biến khỏi phủ họ Đoàn đi."

Con bé lập tức lắc đầu như điên, liên mồm bảo không dám.

Tôi đây không chỉ gặp Quân Trì mà còn muốn tìm hiểu xem anh ta và Đoàn Niệm Tâm trước đây có mối quan hệ như thế nào nữa kìa. Hừ, Trần Thuyên ở sâu trong cấm cung, nếu không có Đông Ly làm nội gián thì đố làm gì được tôi đấy.

Thế là tôi lại tiếp tục "vui vẻ" "lượn lờ phố xá", chớp mắt một cái đã quên sạch sẽ mấy câu quở trách của Trần Thuyên vài ngày trước.

Có câu: Đi một ngày đàng, học một sàng khôn. Còn tôi vừa bước chân ra đường lớn đã gặp phải người quen.

Đông Ly thấy tôi cứ đứng nguyên một chỗ thì tò mò kéo tay áo tôi hỏi: "Cô cả nhìn cái gì vậy ạ?"

Tôi trỏ về phía trước, chép miệng: "Người kia kìa... trông quen nhỉ? Rõ ràng gặp ở đâu rồi mà tôi không nhớ ra."

Con bé à một tiếng, bảo: "Ả tên Bội San, hình như ở trong nhóm bạn của cô Chi đó ạ."

À há! Chính là thiếp thất nhà quan dám làm mối cho tôi với ông chú ông cậu gì đó của ả. Khi ấy ả ta thân khoác lụa là, đầu cài trâm ngọc, bộ dáng thướt tha kiêu ngạo đến vậy mà hiện tại mặt mũi tái nhợt, áo quần nhăn nheo trông đến là nhếch nhác.

Tôi mang thắc mắc trong lòng ra hỏi Đông Ly, con bé khựng lại mất mấy giây rồi mới xua xua tay, cam đoan bản thân không biết gì.

"Quay về sắp xếp quần áo..." Tôi vừa lên giọng, Đông Ly liền tỏ ra sợ hãi không thôi, có bao nhiêu thông tin đều lôi ra cho bằng hết.

Bội San là thiếp của một ông Di phong họ Ngô - vốn là một chức quan rất nhỏ tại kinh thành. Nhà ông Di phong này có thể lên mặt với đời cũng là bởi quan hệ dây mơ rễ má với... Thái An vương Trần Thừa Ân.

Tạm thời để gã quý tộc này sang một bên, trước tiên phải nói về Bội San cái đã. Trước kia ả liếc người bằng nửa con mắt còn giờ khúm núm hèn mọn, lý do đương nhiên thuộc về nhà chồng rồi.

Tôi còn nhớ Đỗ Chi từng buồn bực vì Phạm Bân bị làm phiền trong thời gian dài, đến nay nghe Đông Ly nói mới ngộ ra.

Di phong họ Ngô mắc bệnh lạ, Bội San dựa vào mối quan hệ của mình với Đỗ Chi mà ngày ngày đến phủ nhờ cậy. Tuy thế, Phạm Bân lại bó tay, chịu không chữa nổi bệnh cho lão già họ Ngô kia nên phải viết thư hỏi ý kiến Dương Gia. Đây là câu chuyện mà tôi đã nghe.

Sự thật là họ Ngô kia không hề bị bệnh mà là... nghiện ngập. Và nghiện cái gì thì không cần nghĩ tôi cũng biết: Hoàng Vân.

Sợi dây quan hệ giữa Di phong họ Ngô và Thái An vương phủ bỗng dày hơn một chút.

Trần Thừa Ân đốt hương Hoàng Vân trong phủ, vừa hay Di phong họ Ngô - vốn là họ hàng đàng ngoại của gã - cũng nghiện Hoàng Vân.

Tôi và Đông Ly tìm chốn vắng vẻ để dễ dàng nói chuyện, quyết định ra đình hóng mát bên hồ Nhật Thịnh.

Khí trời hanh hao, ven hồ lạnh lẽo, thật khiến người ta cảm thấy thê lương.

Dùng ống tay áo lau qua ghế đá, tôi nhàn nhạt bảo: "Vụ đánh bạc và hương Hoàng Vân xuất hiện cùng lúc tại kinh thành, hẳn không phải là trùng hợp nhỉ?"

Đông Ly nín lặng, mặt mày túng quẫn vô cùng, hẳn là đang tìm cách đánh trống lảng.

Tôi khoanh tay trước ngực, dựa lưng vào cột đình, yên lặng nhìn Đông Ly.

Bà đây không tin là phía hai anh em Trần Thuyên, Trần Quốc Chẩn không tra được gì từ vụ ma sói. Hơn nữa, biểu cảm của Đông Ly cho thấy hai chuyện trên liên quan tới nhau, trăm phần trăm!

Tuy rằng bây giờ con bé chỉ là một nửa Dạ Hành, thậm chí còn bị hạn chế ra vào cấm cung... nhưng một khi Đông Ly vẫn quen thói cũ, tìm cách mách lẻo với Trần Thuyên thì rất rõ ràng, con bé cũng có thể nắm được vài thông tin quan trọng.

Túm cái quần lại, nếu Đông Ly không chịu tiết lộ với tôi thì đừng hòng quay trở về phủ họ Đoàn nữa.

Đấu tranh gần một khắc đồng hồ, cuối cùng Đông Ly cũng buông xuôi.

"Vụ... vụ việc này liên đới rất... rất rộng, em... em nghĩ Quan gia đã không muốn cô biết... thì... thì..." Con bé lắp ba lắp bắp, nửa muốn nói nửa không.

Tôi thở hắt: "Vì Thái An vương phải không?"

Đông Ly gật đầu.

Hầy, dù là án lớn hay nhỏ, một khi đã dính líu tới hoàng thân quốc thích thì sẽ trở nên nghiêm trọng gấp vạn lần.

Nếu... cả vụ ma sói và việc Hoàng Vân xuất hiện tại kinh thành đều là do Trần Thừa Ân gây ra... có lẽ Trần Thuyên đang đau đầu lắm đây.

Sau đó, Đông Ly kể cho tôi nghe về thân thế của Trần Thừa Ân. Đây cũng là một "giai thoại" từng được dân chúng truyền tai nhau, chỉ có điều thời gian trôi qua, dần dà không còn ai chú ý nữa.

Trần Thừa Ân không phải họ Trần, cũng không mang tên Thừa Ân. Gã ta vốn là một đứa trẻ mồ côi, đến cha mẹ mình là ai cũng không biết.

Khoảng ba mươi năm trước, kinh thành Thăng Long thường xảy ra cháy lớn vào ban đêm. Thượng hoàng Trần Khâm - khi ấy còn là Hoàng thái tử - vốn yêu thương dân chúng, thường không quản hiểm nguy mà hết lòng tham gia vào việc cứu hoả.

Nói chung ấy à, dù có là con giời thì cũng không thể lúc nào cũng gặp may mắn được. Thượng hoàng Trần Khâm gặp nạn, tình cờ được Trần Thừa Ân cứu mạng. Thấy thằng nhóc gầy gò đen nhẻm, Thượng hoàng rủ lòng thương, mang về nuôi dưỡng. Thực ra Thượng hoàng chỉ cần ban cho ít vàng bạc, tìm một gia đình tử tế cho Trần Thừa Ân là được rồi, không ai hiểu vì sao ngài lại nhất quyết nhận nuôi gã như thế.

Trần Thừa Ân sống trong nhung lụa, được ăn uống đầy đủ nên trổ mã siêu thành công, cao to lực lưỡng hơn hẳn người thường. Tuy vậy, gã ta hữu dũng vô mưu, nói thẳng ra là cái đồ não ngắn nên không được trọng dụng chứ đừng nói là ban chức quan trong triều.

Cái danh Thái An vương của gã, thứ nhất bởi gã là con nuôi của Thượng hoàng, thứ hai, gã cũng từng theo quân đánh đuổi giặc Thát, lập không ít công lao.

Giờ đã là thời bình, Thái An vương Trần Thừa Ân không thể hống hách, phải ngoan ngoãn mà sống. Chẹp, có những người không chịu nổi cuộc sống quá an nhàn, chỉ chăm chăm gây ra sóng gió. Gã ta thuộc trường hợp này chăng?

Tính ra, thái độ của Trần Thuyên và Thượng hoàng đối với Trần Thừa Ân không khác gì chính sách Ngụ binh ư nông cả. [1] Gã ta giỏi đánh nhau? Được, nếu quốc gia lâm nguy thì hẳn sẽ có đất cho gã phô tài. Nay khắp nơi thái bình an lạc, Trần Thừa Ân chỉ có thể làm một vị đại vương bình thường mà thôi.

Đông Ly xoa xoa cằm, đưa ra ý kiến: "Em nghĩ Thái An vương không phải là người an phận."

Tôi xì một tiếng khinh bỉ: "Thế cũng nói."

"Không đơn giản đâu ạ." Con bé chợt tỏ ra nghiêm túc. "Có lẽ cô cả không biết, cái tên Thừa Ân của gã là do Thượng hoàng ban cho, ghép với họ... ờ... họ Trần thì mang nghĩa: Chịu ơn của nhà Trần. Thượng hoàng không cho phép gã quên đi rằng tất cả mọi thứ mà gã có được đều là ân trạch của nhà Trần." [2]

Trời, sâu xa quá!

Đông Ly lại nói: "Còn phong hiệu Thái An, cô đoán xem nghĩa là gì đi?"

Nào, không được khinh người khác ít học. Tôi lườm con bé một cái thật dài.

"Chắc là Thái trong "thái bình", An trong "an ổn"?" Hoá ra trong bụng tôi cũng có ít chữ nghĩa, đây hoàn toàn là công lao của Đoàn Nhữ Hài.

Đông Ly cười đáp: "An thì đúng, Thái thì sai. Chữ "Thái" này mang nghĩa Cỏ hoang." [3]

Tôi kinh hãi, nghe... hơi kỳ quặc một chút nhỉ?

"Em thì không rõ lắm về Thái An vương. Dù sao người ta cũng mang cái danh đại vương, nào đến lượt dân đen như mình đánh giá. Tuy nhiên... cô cả thấy đó, hẳn là gã sống không được tốt cho lắm nên mới bị ban hiệu là Thái An đấy ạ." Đông Ly nhún vai.

Thái An Thừa Ân, gã chỉ là cỏ dại ven đường, nhờ nhận ơn đức lớn lao của Thượng hoàng nên mới biến thành cây cao bóng cả, đáng ra phải biết điều mà sống chứ không nên gây chuyện lớn như vậy.

Tôi im lặng hồi lâu, chợt thấy linh cảm của mình thật chuẩn xác. Ngay từ lần đầu gặp Thái An vương tôi đã thấy sợ hãi không thôi, chỉ muốn cách xa ba mét...

Trần Thừa Ân không chỉ là một tên đại vương ngạo nghễ, nếu... nếu... gã ta dám mở sòng đánh bạc, đưa ma tuý vào Đại Việt... thì đây là tội chết đó!

"Em thấy Thái An vương khá là chú ý đến cô cả. Cô nên cẩn thận, tránh càng xa càng tốt cô ạ. Gần gũi quá lại rước hoạ vào thân thì chết..." Đông Ly than thở.

Không cần dặn thì tôi cũng ý thức được điều này. Tôi nào dám quên mối quan hệ "bùng binh" giũa mình, Thượng hoàng Trần Khâm, Thái An vương Trần Thừa Ân cùng cô gái bí ẩn năm xưa.

Trong lòng tôi giật thót một cái, người thấm mồ hôi lạnh.

Nếu Hoàng Vân là trò của Thái An vương Trần Thừa Ân thì tại sao gã lại nhắm đến nhà họ Đoàn chúng tôi? Hơn nữa kẻ đứng sau bóng tối còn sử dụng Chúc Đương Phong để giết người... Vậy Thái An vương có liên quan tới vụ ám sát Trần Thuyên năm xưa hay không?



[1] Ngụ binh ư nông: Là chính sách thời phong kiến của nước ta, có nghĩa là "Gửi binh vào nông". Thời bình, quân lính sẽ được trở về sản xuất tại địa phương, nếu có chiến tranh thì huy động đi chiến đấu.

[2] Thừa Ân [乘恩]: Chịu ơn

[3] Thái An [蔡安]:

Thái [蔡]: Cỏ dại, cỏ hoang