Mạn Thiên Hoa Vũ - Thường Yên

Chương 35: Lạc Đường






Bữa cơm tối tuy đông nhưng cảm giác không mấy vui vẻ, tất cả mọi người đều yên lặng khiến tôi càng ngại ngùng.

Sau khi buổi tụ họp kết thúc, do tôi là khách nên không phải đụng tay, việc rửa bát do hai chị em Đào Mận phụ trách.

Diệu Loan thì phải trở về nhà, Trần Thuyên không nói hai lời, phân công cho Đỗ Quân nhiệm vụ "hộ tống" cô gái nhỏ.

Khỏi phải nói, Diệu Loan hạnh phúc tới mức nụ cười kéo dài tới mang tai, hai mắt nhíu lại thành sợi chỉ dài.

Ai về phòng nấy, nhưng Nguyễn Tái lại kéo một chiếc chõng tre lớn ra giữa sân, trên đặt một khay trà nóng.

Y mỉm cười với tôi, tôi cũng vui vẻ kéo Trần Thuyên ngồi xuống.

Nguyễn Tái thong thả rót trà, nói: "Chỉ huy sứ đã vất vả rồi."
Đỗ Quân sao? Tôi liền ngừng động tác nhấp trà, nghiêng đầu nhìn Trần Thuyên.

Trần Thuyên cười cười, nhận lấy chén trà từ Nguyễn Tái nhưng không uống vội: "Phải, đây cũng là lần đầu Quân nhận nhiệm vụ này, có lẽ hiện tại vẫn chưa quen lắm."
Tôi liền huých vào tay Trần Thuyên một cái, thỏ thẻ: "Hai người đang nói gì đó?"
"Có lẽ nàng chưa biết rằng Diệu Loan là con gái của An phủ lộ Bắc Giang phải không?" Anh mỉm cười, từ tốn hỏi tôi.

Tôi ngẩn ra, Diệu Loan trông vậy mà là con gái nhà quan? Khoan đã, cũng không phải là không có lý.

Trang phục của cô nàng được làm từ chất liệu cao cấp hẳn so với chị em Đào Mận, tuy có chút vô duyên (hẳn là do được nuông chiều, tôi trộm nghĩ) nhưng cử chỉ cũng khá tao nhã.

Một người làm quan cả họ được nhờ, Nguyễn Tái là quan lớn ở kinh thành thì nhà chị gái của y chắc chắn cũng nhận được không ít hào quang.

Có khi chính vì vậy mà Đào Mận quen biết được Diệu Loan.

Vậy còn Đỗ Quân? Tôi nhìn sang Trần Thuyên và Nguyễn Tái đang tủm tỉm cười.

Trên đời này ngoài chuyện tình cảm nam nữ thì không có gì có thể làm khó được Đỗ Quân.

Và nếu tôi không nhầm thì có lẽ y đang thực hiện nhiệm vụ "Mỹ nam kế" rồi.

Nhớ lại khuôn mặt cứng đơ của Đỗ Quân mà tôi không nhịn được cười, không biết y phải cố gắng nhiều như thế nào đây.

Trong khi Trần Thuyên và Nguyễn Tái trao đổi về những chuyện đã xảy ra trong ngày hôm nay thì tôi lại thả hồn lên bầu trời đầy sao.

Tiếng gió thổi xào xạc, côn trùng kêu rả rích...!lại thêm chất giọng trầm ấm của Trần Thuyên tựa gần tựa xa khiến cả cơ thể thôi bỗng chốc được thả lỏng đôi phần.

Hai mắt tôi dán chặt lên màu đen thẳm của trời đêm, tâm trí bay bổng, và không hiểu vì lý do gì lại liên tưởng tới khuôn mặt của Hỷ.

Nói không ngoa, Hỷ chính là một mắt xích quan trọng trong vụ án này.

Nó chắc chắn đã thấy được điều gì đó tại xưởng đúc, do quá hoảng sợ và thêm việc bị ngã đập đầu xuống đất mà bị mất trí nhớ tạm thời.

Hiện tại tôi chỉ lo lắng hai điều, một là bè lũ "phản diện" kia có phát hiện ra Hỷ hay không? Liệu chúng có mò đến nhà Hỷ đuổi cùng giết tận hay không? Nếu có thì tạm thời cũng đã có Bách Chu lo liệu, tôi không cần phải suy nghĩ quá nhiều.

Một mặt do Trần Thuyên rất yên tâm về cậu ta, còn lại thì có lẽ vì Bách Chu mang dáng hình của Đạt, từ sâu thẳm tôi biết mình có thể tin tưởng cậu.

Tuy nhiên, nếu Hỷ bình an thì nghĩa là nó không biết gì cả, manh mối có thể bị cắt đứt từ đây.

Điều thứ hai, làm thế nào để Hỷ nhớ ra khoảng thời gian bị chôn vùi kia? Tôi phải làm gì đây...!
"Niệm Tâm!"
Giọng nói của Trần Thuyên kéo tôi trở lại với mặt đất, tôi nhận ra mình đang dần ngả người vào lồng ngực của anh, chỉ thiếu chút nữa thôi là hoàn toàn nằm gọn trong vòng tay ấy.

Tôi như bị điện giật, vội vã ngồi thẳng dậy.

Phía đối diện là Nguyễn Tái đang ho húng hắng, hai mắt ngó nghiêng xung quanh.

Khi nãy tôi giống như bị bầu trời đêm hút mất hồn phách, cả cơ thể mất đi sức lực, chẳng trách không tự chủ được mà nghiêng về phía Trần Thuyên.

Có thể nói, chính bản thân tôi đã thấm nhuần tư tưởng mê trai đẹp mất rồi...!
Tâm trí lại bắt đầu miên man suy nghĩ, bỗng nhiên tôi có cảm giác mình đã thấy được ánh sáng ở phía cuối đường hầm, chỉ cần cố gắng thêm một chút nữa là sẽ tìm được lối ra.


"Tâm! Ta đang hỏi nàng đó!"
Một lần nữa, Trần Thuyên tiếp tục cắt ngang dòng suy nghĩ của tôi.

Nguyễn Tái ừm hửm một tiếng, bảo: "Bẩm cậu, hẳn là hôm nay tiểu thư Niệm Tâm đã rất mệt mỏi rồi."
Trần Thuyên nghe vậy liền cúi đầu quan sát tôi, nheo mắt hỏi: "Hay là nàng vào phòng trong nghỉ ngơi sớm đi?"
Tôi lắc đầu quầy quậy, thật thà đáp rằng do bầu trời ở đây quá đẹp, tôi chỉ là đang thưởng thức nó mà thôi.

"Phải rồi, Quan gia muốn hỏi gì tôi thế?" Tôi cười hì hì hỏi.

Trần Thuyên không biết gì sao lại tỏ ra không hài lòng, hừ một tiếng không đáp.

Nguyễn Tái liền nói: "Đại khái ta đã xác định được kẻ cắp tại chùa Thượng Tân rồi."
Nghe vậy, tôi cảm thấy tâm trạng tốt lên không ít.

Nguyễn Tái lại nói, chứng cứ vẫn chưa đủ nên không thể mạo hiểm được bởi đây là một kẻ có gia thế không tồi.

Cậu nhóc đó bằng tuổi với Đào, là con cháu của một nhà buôn lớn nổi tiếng khắp lộ Bắc Giang.

Bị đẩy vào chùa xuất gia không phải vì một tâm hướng Phật, mà bởi ở nhà không ai dạy nổi nữa.

"Vậy...!học sĩ muốn tôi giúp tìm chứng cứ sao?"
"Cũng không phải." Nguyễn Tái mỉm cười.

"Việc này một mình ta có thể lo liệu, không thể khiến cậu Thanh và tiểu thư mất thời gian được."
Tôi tròn mắt nhìn, không khỏi tò mò.

"Cái mà học sĩ cần là một lý do để lật lại vụ ăn cắp, từ đó chứng minh rằng Đồng vô tội." Trần Thuyên thay Nguyễn Tái trả lời thắc mắc của tôi.

"Hiện tại học sĩ vẫn đang âm thầm điều tra."
Nguyễn Tái tiếp lời Trần Thuyên, nói rằng cũng sắp tới ngày Rằm rồi, khi ấy gia đình của kẻ cắp sẽ tới dâng hương, mà chắc chắn cũng không thiếu những người có chức vị.

Tôi nghe cái đã hiểu ra ngay.

"Ồ, học sĩ muốn tạo ra một tình huống khiến tất cả mọi người phải đồng ý tra khảo lại từ đầu để có thể rửa tội cho Đồng phải không?"
"Chính là như vậy!" Y vui mừng gật đầu.

"Vậy đơn giản rồi." Tôi tủm tỉm cười.

"Đức Phật thiêng tới vậy, đáng ra học sĩ phải nhờ Người giúp mới phải.

Đám người trần mắt thịt như chúng ta nào có ai dám cãi lại Người."
Cả Trần Thuyên và Nguyễn Tái đều trố mắt ra nhìn tôi.

Nguyễn Tái vội chắp tay: "Xin tiểu thư giải thích rõ hơn."
Tôi cười he he, trong lòng thở phào tám tám chín mốt lần vì ngày trước đã không quá lười biếng.

Vượt thời gian không phải là để vận dụng kiến thức của tương lai mà lên mặt với đám người cổ đại hay sao? Tôi nhấp một ngụm trà rồi một hơi kể lại câu chuyện cổ tích ngày xưa từng đọc.

Không cần tôi phải phân tích dông dài, Nguyễn Tái đã có thể tự mình suy ra được kết quả mà y mong muốn.

Nguyễn Tái lại chắp tay cảm ơn tôi một hồi, sau đó xin phép lui về phòng nghỉ ngơi.

Trước khi quay đi, y nói một câu tối nghĩa vô cùng: "Đúng là tiểu thư Niệm Tâm thật rồi."
Tôi khịt khịt mũi, quay sang hỏi Trần Thuyên ý của Nguyễn Tái là gì.

Anh cụp mắt, nụ cười phảng phất: "Không phải khi xưa nàng rất thích kể chuyện cho ta nghe hay sao? Câu chuyện hôm nay giống như đã đưa ta và học sĩ Tái về với mười năm trước vậy..."
Âm cuối có chút xót thương mờ nhạt.

Tôi không biết nói gì cho phải, đành lấp lửng: "Được gặp lại nhau là tốt rồi, đúng không?"
Trần Thuyên không trả lời tôi, chỉ mỉm cười gật đầu.

Tay anh đưa lên, gạt sợi tóc mái đang bay phất phơ trước mắt tôi, dịu dàng kéo nó qua mang tai.

Không giống những lần tiếp xúc trước đây, lần này Trần Thuyên không chút do dự, động tác rất dứt khoát.

Anh nói: "Nàng có biết Bạch Cư Dị không?"
Tôi đáp có, trước đây đã từng đọc thơ của Bạch Cư Dị và đặc biệt là hai câu thơ kinh điển trong "giới ngôn tình": "Trên trời nguyện hoá chim liền cánh/ Dưới đất làm cây nhánh dính liền."
Tôi nhận xét với anh: "Hừ, thề với cả nguyện.

Chỉ được cái mồm thì làm được gì chứ? Lời nói gió bay cả, theo tôi thì hành động vẫn là nhất..."
Trần Thuyên cười dịu dàng ngắt lời tôi, nói rằng trong lúc đợi Đỗ Quân trở về thì nghe anh đọc thơ nhé?
Đương nhiên là tôi đồng ý.

"Hoa phi hoa,
Vụ phi vụ.
Dạ bán lai,
Thiên minh khứ..." (1)
Vừa đọc, Trần Thuyên vừa nhìn thẳng vào mắt tôi dò xét.

"Lai như xuân mộng kỷ đa thời,
Khứ tự triêu vân vô mịch xứ."
Hai câu cuối của bài thơ như một lời trách móc mà Trần Thuyên đã kìm nén rất lâu, bỗng một ngày không hiểu vì sao lại quyết định nói ra.

"Khi tới, giống như một giấc mộng xuân ngắn ngủi
Khi đi rồi, tựa như mây trời tìm mãi chẳng ra."
Tôi không trốn tránh ánh nhìn của Trần Thuyên mà ngó lại anh thật lâu.

Tôi lại không hiểu ý của anh là gì đấy?
Ôi người con trai này...!là muốn mượn lời thơ để nhắc lại chuyện cũ với tôi mà thôi!
Vậy tôi phải đáp lại anh như thế nào đây? Kể lại quãng thời gian quay trở lại thế kỷ hai mốt rồi quen phải tên Phùng khốn nạn kia, những đêm mơ thấy anh mà tỉnh dậy trong nước mắt? Hay là an ủi rằng tôi sẽ không bỏ anh mà đi được đâu, tôi bị kẹt lại thân thể này mất rồi...!
Tôi không biết nữa, vận mệnh của tôi hoá ra cũng không hề nằm trong tay tôi.

Làm sao tôi có thể trấn an người khác trong khi chính mình vẫn luôn hoảng sợ?
Vậy là từ trăm ngàn lời nói gói gọn thành một hành động mà chính tôi cũng không hiểu nổi.

Tôi rướn người lên, ngón cái và ngón giữa chụm lại rồi búng một cái thật mạnh vào trán Trần Thuyên.

Anh như chết trân, có lẽ không ngờ được tôi lại làm như vậy.

Tôi cười giận dữ, phun ra hai từ: "Đồ ngốc!"
"Nàng..." Hai mắt Trần Thuyên tràn đầy sự rung động mạnh mẽ.

Chỉ chừng vài giây sau, anh bật cười, tay xoa xoa trán.

"Ta hiểu rồi."
Và anh nói: "Nàng đang ở đây."
Đúng vậy, tôi ở đây chính là hiện thực.

Nếu cứ chăm chăm nhìn về quá khứ thì sẽ đánh mất hiện tại, mong rằng Trần Thuyên đã thật sự nhận ra được điều này.

Chúng tôi chờ thêm khoảng một khắc thì thấy Đỗ Quân ủ rũ trở về, có thể thấy "mỹ nam kế" đã hành hạ anh chàng này quá nhiều.

Y báo cáo lại với Trần Thuyên rằng đại khái Diệu Loan kia cũng không hề nghi ngờ gì, thêm một thời gian ngắn nữa là có thể bắt tay bí mật điều tra từ phía an phủ.

Đây là nơi trọng yếu, có thể đang nắm giữ nhiều thông tin giá trị đối với chúng tôi.

Mà đã gọi là vi hành thì đương nhiên không thể để lộ thân phận ra với người ngoài, vì vậy mà Trần Thuyên và Đỗ Quân đã chọn một con đường cũng chẳng hề dễ dàng hơn là "mỹ nam kế" đối với con gái an phủ sứ.

Lại chui vào chăn, nhưng không giống với đêm hôm trước, lần này tôi đánh một giấc tới khi trời sáng rõ.

Khi vệ sinh cá nhân xong thì mới phát hiện rằng cả nhà Nguyễn Tái đều đã ra ngoài đi làm cả.

Trong nhà chỉ còn lại tôi và Trần Thuyên, anh hỏi tôi có muốn tới chùa Thượng Tân không, dù sao hiện tại vẫn đang phải chờ Đỗ Quân đi điều tra thêm rồi mới nghĩ tới các bước tiếp theo được.

Tôi lắc đầu từ chối, tuy rằng tôi có lòng kính Phật nhưng không phải là Phật tử, mà nếu có đi cũng sẽ bị cuốn vào vụ ăn cắp tiền của cháu trai Nguyễn Tái.

Trong lòng tôi vẫn đang canh cánh về Hỷ, tôi chỉ muốn ở nhà, mong rằng có thể từ trong yên tĩnh mà tìm ra cách giải quyết.

Đúng như lời dự đoán của Đỗ Quân gửi gắm Đoàn Nhữ Hài, chuyến đi này không hề bình yên.


Gần một tuần trôi qua, phía Đỗ Quân chưa có thông tin gì hữu ích mà tôi tuy đã tìm ra cách để giúp Hỷ lấy lại trí nhớ nhưng lại không đủ tự tin vào bản thân mình.

Tình hình đúng là có hơi trì trệ.

Những ngày này, tôi cùng Trần Thuyên thường xuyên tới nhà Hỷ lấy danh nghĩa là thăm hỏi nhưng thực tế là để làm thân với thằng bé.

Phạm thị, mẹ của Hỷ, ban đầu cũng có chút cảnh giác nhưng thấy chúng tôi không có ác ý gì, mỗi lần đến lại mang theo biết bao nhiêu hoa quả bánh kẹo nên dần dần đã tin tưởng rằng là do tôi thật sự yêu thích Hỷ mà đến.

Tôi còn bịa đặt với bà ta rằng Hỷ trông rất giống em trai tôi, hiện tại tôi và em trai đang ở rất xa nhau, không biết đến bao giờ mới được gặp lại nên mới sinh lòng thương yêu thằng bé.

Một lời nói dối kết hợp với sự thật càng đáng tin hơn.

Chúng tôi còn gặp cả cha Hỷ, ông ta là một người nông dân hiền lành chất phác, không cần phải để ý nhiều.

Còn Hỷ thì vẫn là trẻ nhỏ dễ dụ, càng ngày càng yêu quý tôi.

Không phải ngày nào cũng có thể tới gặp Hỷ, tôi ngoan ngoãn ở nhà với Trần Thuyên.

Anh không hề rảnh rỗi, vẫn phải giải quyết những tấu chương khẩn cấp do Tả ngân bài thị vệ vượt sông mang tới.

Chỉ nghe nói y lớn tuổi nhất trong đám Dạ Hành, đầu óc thông minh sắc bén lại vô cùng cẩn thận tỉ mỉ nên nhận nhiệm vụ chuyển công văn, tấu chương quan trọng từ kinh thành đến.

Tả ngân bài thị vệ chỉ xuất hiện vào ban đêm, giao đến rồi sẽ lánh đi, chờ Trần Thuyên giải quyết xong sẽ lập tức quay trở lại thành.

Cũng bởi vậy mà tôi chưa một lần được nhìn thấy mặt.

Giống như mọi ngày, tôi yên lặng ngồi cạnh Trần Thuyên giải quyết công sự.

Trên giấy là chi chít những con chữ, còn trên mặt Trần Thuyên hàng lông mày nhíu chặt.

Ngón tay gõ gõ lên trán, có vẻ như đây là một vấn đề rất khó xử lý.

Thấy tôi cứ nhìn chăm chăm vào tờ tấu chương, anh liền đưa cho tôi, nghiêm túc hỏi: "Nàng nghĩ sao?"
Tôi nhận lấy tờ giấy cẩn thận nhìn qua một lượt rồi trả lại, cũng nghiêm túc trả lời: "Không biết chữ."
Trần Thuyên bật cười, nét mặt đã giãn ra vài phần.

Anh nói: "Vẫn là đám Ai Lao, năm nào cũng đến."
Tôi kêu lên: "Ôi người anh em thân thiết!"
Anh đặt tấu chương xuống bàn, nghiêng đầu nhìn về phía tôi, thấy vậy tôi vội vã lấp liếm rằng mình đang nói đùa.

Đừng tưởng tôi chỉ ăn không ngồi rồi nhé, đây cũng có giấy bút đầy đủ.

Tôi tự mình "chế tạo" một chiếc bút từ bút lông bình thường, tuy vẫn phải chấm mực từ nghiên nhưng để viết lách cũng dễ dàng hơn bội phần.

Nhớ những ngày đầu tiếp xúc với bút lông, cổ tay tôi mỏi nhừ, trong lúc bực tức đã bẻ gãy mất ba chiếc bút của Trần Thuyên.

Đương nhiên anh không chấp nhặt mấy chuyện này, còn khẳng định rằng tôi bẻ một thì sẽ lập tức mua bù cho mười cái nhưng tôi là một người con gái rất có nguyên tắc.

Nếu đã để đàn ông tiêu tiền vì mình thì phải tiêu vào những cái có ích, ví dụ như đồ ăn ngon hoặc quần áo đẹp chứ không phải là dăm ba chiếc bút lông, không thực tiễn gì cả.

Tôi đang ngồi phân tích các khó khăn trong việc giúp Hỷ lấy lại trí nhớ, khổ sở đủ đường.

Ở nơi này không có sách, cũng chẳng có internet để tôi đi tra cứu, mọi thứ đều phải lôi từ trong cái đầu vô dụng này ra.

Bởi vậy mà giấy bút rất quan trọng, giúp tôi ghi lại bất kỳ thứ gì mà tôi có thể nhớ ra.

May mắn là tôi đã từng thực hành rồi, thậm chí còn thành công vài ba lần, giờ chỉ cần nhớ lại đầy đủ mà thôi.

Tôi viết bằng chữ Quốc Ngữ hiện đại, lại sử dụng nhiều ký hiệu kỳ lạ khiến Trần Thuyên rất hứng thú.

Tuy rằng rất muốn dạy anh, nhưng điều này có thể gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới lịch sử nên đương nhiên tôi không dám rồi.

Chỉ cần tôi tỏ ra nghiêm túc là Trần Thuyên sẽ không ép hỏi, chúng tôi có thể thoải mái ở cạnh nhau làm việc riêng.

Và có một sự thật là Trần Thuyên luôn luôn chấp nhận những điều tưởng như vô lý từ tôi, như cách tôi nói chuyện, cách tôi kể những câu chuyện lạ kỳ...!
Trần Thuyên lại vùi đầu vào đống tấu chương, tôi khều khều tay áo anh, nói: "Nếu bây giờ tôi muốn tới gặp Hỷ thì liệu có ổn không?"
Hôm nay là ngày Rằm, chắc hẳn Nguyễn Tái đã có cơ hội rửa oan cho cháu trai ở chùa Thượng Tân rồi.

Nghe nói mỗi Mùng Một hoặc ngày Rằm, dân chúng đến thắp hương cầu phúc rất đông.

Mà các vị tai to mặt lớn tại địa phương cũng sắp xếp để đến, bởi vậy mà Đỗ Quân phụ trách đi theo Nguyễn Tái tiện bề tìm thêm thông tin và ra lệnh cho vài Dạ Hành còn lại đi điều tra quanh lộ Bắc Giang.

Ngoài ra thì Bách Chu thì vẫn luôn bảo vệ gia đình Hỷ, vậy là chỉ còn khoảng một, hai Dạ Hành đang nấp ở đâu đó xung quanh căn nhà bảo vệ Trần Thuyên.

Mọi ngày đến nhà Hỷ đều có Đỗ Quân theo cùng, đại khái hai người họ vẫn chưa tìm được gian tế nên không tiện tiết lộ ra ngoài quá nhiều, còn hôm nay thì...!
Trần Thuyên nhíu mày: "Ngay bây giờ?"
Tôi biết, không có Đỗ Quân bên cạnh thì chúng tôi chỉ nên ở nhà mà thôi.

"Đúng vậy." Tôi gật đầu, nghiêm túc nhìn anh.

Trần Thuyên đáp: "Ta biết nàng sẽ không đưa ra những yêu cầu vô lý, nhưng ta vẫn cần một lý do thuyết phục."
"Tôi hiểu.

Nhưng tôi thật sự cần đến gặp Hỷ ngay, rất có thể...!sau hôm nay chúng ta sẽ biết được nên tập trung điều tra theo hướng nào."
Sắc mặt Trần Thuyên ngưng trọng, không cần thừa thãi hỏi thêm bất cứ điều gì liền đồng ý cùng tôi tới gặp Hỷ.

Trên đường đi anh nói rằng hiện tại có một Dạ Hành hộ tống chúng tôi tới nhà Hỷ, nhưng sau đó họ sẽ lập tức toả đi tìm Đỗ Quân báo tin và ở lại nhận lệnh từ y.

Tôi ngước lên nhìn bầu trời, nhẩm tính.

Hiện tại có lẽ đã giữa giờ Thân, là khoảng bốn giờ chiều, trời cũng sắp tối rồi...!
...!
Không ngoài dự đoán, khi tôi cùng Trần Thuyên bước ra khỏi gian phòng ngủ nhà Phạm thị thì sắc trời đã nhá nhem.

Phạm thị ngó vào phòng, thấy Hỷ đang say ngủ liền tỏ ra vui mừng, vội vã kéo tay tôi nói: "Vợ chồng tôi biết cảm ơn cô Tâm thế nào đây?"
Chẳng là từ ngày bị ngã mất trí nhớ, giấc ngủ của thằng nhóc Hỷ cũng không còn yên bình nữa.

Đêm nào nó cũng thức thao láo, chỉ mệt mỏi nằm trên giường.

Hoặc nếu có ngủ được thì còn tệ hơn: Gào thét trong mơ.

Tôi lợi dụng điểm này, nói với Phạm thị rằng mình biết một chút y thuật và đã từng gặp qua trường hợp của Hỷ nên có thể giúp đỡ.

Cứ như vậy, tôi luôn có một khoảng thời gian ngắn ở riêng với Hỷ để tìm cách lấy lại trí nhớ cho thằng bé.

Đương nhiên tôi cũng không mặc kệ nó mà tỉ mỉ miêu tả lại triệu chứng bệnh của Hỷ với Đỗ Quân, nhờ y đi tìm một thầy lang tốt bốc thuốc.

"Cháu coi Hỷ như em trai, không cần phải cảm ơn gì đâu!" Tôi cười đáp.

Phạm thị vẫn cứ cảm ơn rối rít, nói chúng tôi ở lại ăn bữa cơm, đợi lát nữa khi cha Hỷ về sẽ dẫn chúng tôi quay lại nhà trọ.

Trời sắp tối rồi, không có người dẫn đường thì có thể sẽ gặp đôi chút khó khăn.

Tôi và Trần Thuyên nhìn ra ngoài cửa sổ rồi lại nhìn nhau, Đỗ Quân vẫn chưa tới sao? Nhưng mà...!chúng tôi cũng không nên ở lại thêm nữa, bởi tôi có quá nhiều thông tin cần nói với Trần Thuyên.

Phạm thị biết không giữ được chúng tôi ở lại liền bảo: "Vậy để tôi lấy cho cô cậu bát sữa đậu uống tạm rồi về kẻo đói."
Việc này đương nhiên tôi và Trần Thuyên không tiện từ chối.

Phạm thị lật đật chạy lên chạy xuống, khi tôi uống hết bát sữa của mình và giải quyết nốt nửa bát của Trần Thuyên thì bà cũng tìm được một chiếc đèn cũ kỹ.

Phạm thị đưa nó cho Trần Thuyên, dặn dò chúng tôi đi đường cẩn thận.

Rời khỏi nhà Hỷ, tôi thấy Bách Chu đã đứng sẵn phía ngoài đợi.

Cậu thấy Trần Thuyên liền cúi đầu, xin phép được hộ tống anh trở về.

Trần Thuyên quay người nhìn ánh đèn leo lét trong gian nhà, lắc đầu: "Ngươi ở lại đây, tiếp tục bảo vệ gia đình này.


Vài ngày nữa ta sẽ quay lại."
Ý tứ của anh rất rõ ràng, rằng tôi và anh vẫn chưa giải quyết được chuyện này.

Tôi thấy hơi ngạc nhiên, thì ra Trần Thuyên cũng không hề tin tưởng Bách Chu hoàn toàn.

Trong lòng tôi muốn gào thét một trận.

Sao tên ngốc này lại có thể làm hoàng đế cơ chứ? Anh biết rõ có kẻ muốn giết mình nhưng lại không chịu để thị vệ đi theo, cứ muốn một thân một mình ("đính kèm" theo là một cô gái vô cùng yếu đuối) là sao?
Còn chưa kịp nêu lên ý kiến thì Bách Chu đã nhún chân, loáng một cái biến mất sau thân cây lớn.

Trần Thuyên nâng cao cây đèn, nói: "Đi thôi."
Chúng tôi im lặng quay trở lại con đường mòn, rừng cây hai bên tối đen, thi thoảng lại có tiếng loài chim kỳ lạ nào đó kêu lên the thé.

Tôi co rúm người lại đi cạnh Trần Thuyên, quay qua quay lại quan sát xung quanh.

Đây là hậu quả của việc ngày xưa xem quá nhiều phim kinh dị, trong đầu tôi hiện đã vẽ lên cả mười cái kịch bản về một con quái vật lao ra từ trong rừng, cắn đứt cổ tôi mà lôi đi rồi.

Tôi cảm tưởng như hai chúng tôi đã đi bộ rất lâu rồi nhưng vẫn chưa về tới nhà chị của Nguyễn Tái.

Không chỉ đôi chân mà cả người tôi bủn rủn, dường như uống hai bát sữa đậu xong còn thấy đói gấp biết bao lần.

Một tay tôi bám hờ vào vạt áo Trần Thuyên, chân lê bước đầy mệt mỏi.

Khoan đã.

Có gì đó không đúng.

Tôi dừng lại, trong lòng dâng lên một cảm giác sợ hãi không tên.

Trần Thuyên đi lỡ thêm vài ba bước chân, lập tức quay lại hỏi tôi có chuyện gì.

Dưới ánh trăng sáng vằng vặc, không khó để anh nhìn thấy khuôn mặt tôi đã trở nên trắng bệch.

Tôi có thể nghe thấy tiếng tim đập mạnh trong lồng ngực, toàn thân lạnh toát.

Run run đưa tay lên, tôi hỏi Trần Thuyên: "Kia là cây gì?" Thân cây thẳng tắp, bề ngang phải hai người lớn ôm mới xuể.

Phía trên cành lá chi chít, chĩa ra bốn phía.

Trần Thuyên nhìn theo tay tôi, khó hiểu đáp lại: "Là cây mộc miên."
Tôi sợ mình nhìn nhầm, lấy hết can đảm mà tiến thêm vài bước để quan sát.

Trên cành cây thấp nhất có buộc một mảnh vải trắng, đang bay phất phơ trong gió.

Tôi quay ngoắt lại phía sau, thấy ánh đèn thôn nhà Hỷ vẫn như ở rất gần.

Dường như...!tôi và Trần Thuyên chưa hề rời khỏi nơi này.

"Chúng ta đã đi qua cái cây này năm lần rồi." Tôi nói với Trần Thuyên, rùng mình một cái.

"Ý nàng là sao?" Trần Thuyên còn tiến đến gần cây mộc miên hơn nữa.

Tôi vuốt vuốt ngực, đáp: "Tôi đã cẩn thận quan sát rồi.

Mảnh vải trắng kia, hình dáng cây, và cả những cây xung quanh nữa.

Không thể nhầm được, chắc chắn có vấn đề ở đâu đó.

Anh thử nghĩ xem, khoảng cách giữa hai nhà không quá xa, đáng lẽ ra chúng ta đã về nhà rồi ấy chứ."
Tuy rằng tôi nói chuyện có chút không ăn nhập, nhưng may mắn là Trần Thuyên đều hiểu.

Anh trầm trầm ngâm suy nghĩ trong lúc quan sát cây mộc miên to lớn trước mắt rồi nhún chân nhảy lên, giật mảnh vải trắng xuống.

Tôi chạy lại nhìn, đúng rồi, là một mảnh vải trắng bị rách ở đầu...!
Chuyện gì đang xảy ra thế này?
"Có lẽ cao là ta và nàng đã lạc đường." Trần Thuyên kết luận.

Đây có thể là một lời giải thích hợp lý, nhưng tôi lại thấy có gì đó không đúng.

Con đường này chúng tôi vẫn lựa chọn để đi từ nhà Nguyễn Tái tới gặp Hỷ, nó vốn chỉ là một con đường mòn bình thường, không hề có ngã rẽ.

Chỉ cần quan sát kỹ thì chắc chắn không thể quẹo nhầm đường mà đi lạc được.

Đặc biệt là còn có Trần Thuyên, anh đâu phải một người vô ý vô tứ như tôi.

Ấy khoan, cây mộc miên kia trông khá quen thuộc, hình như ở thời hiện đại vẫn còn loại cây này thì phải.

Thân cây có gai lại thẳng tắp, lên tít trên cao mới phân nhánh.

Nó...!là cây gạo mà? Thì ra cây gạo còn có tên là mộc miên.

Quác.

Gió bỗng nổi lên, cành lá rung lắc, có tới ba bốn con chim vừa bay khỏi tán lá cây gạo vừa kêu toáng lên.

Giữa nơi đồng không mông quạnh thế này, mọi thứ trở nên vô cùng đáng sợ.

Tôi chợt nhớ ra một câu nói từ xa xưa gắn liền với cây gạo mà dường như ai ai cũng biết.

Cây gạo có ma, cây đa có thần.

Thiếu chút nữa tôi đã ngã nhào xuống đất, nếu như không có Trần Thuyên nhanh tay đỡ lấy.

"Nàng sao vậy? Mệt lắm à?" Anh lo lắng hỏi.

"Quan gia..." Tôi run rẩy bám lấy tay anh.

"E là...!chúng ta gặp đã gặp phải Quỷ dựng tường rồi!"
- --
(1) Trích thơ Hoa phi hoa – Bạch Cư Dị
Dịch nghĩa:
"Là hoa mà chẳng phải hoa,
Là sương, nhưng không phải sương.
Đêm tới đây
Đến sáng lại đi mất...".