Mai Sẽ Là Một Ngày Mới

Chương 1: Từ tiểu thư thành kẻ vô gia cư




Trước hết, xin tự giới thiệu, tôi tên Lê Anh Thư, năm nay hai mươi mốt tuổi, hiện là sinh viên năm thứ tư, chuyên ngành Quản trị kinh doanh, và vẫn đang “ế theo xu thế”. Xin đừng nhìn tiêu đề mà nhầm lẫn, tôi tự gọi mình là tiểu thư để tăng mức “kịch tính” cho câu chuyện mà thôi, chứ thật ra gia đình tôi trước đây cũng chỉ tầm khá giả, chứ không tới mức đại gia quý tộc này khác.

Tôi sinh ra khi đất nước đã mở cửa được một thời gian. Bố mẹ tôi hồi đó nhanh nhạy rút khỏi biên chế nhà nước, ra ngoài mở doanh nghiệp cung ứng vật liệu xây dựng, một ngành nghề kinh doanh rất thức thời. Thế là bố mẹ tôi được gọi một cách kính trọng là “doanh nhân thành đạt” thay vì cách gọi đầy miệt thị “con buôn”, “con phe” như thời kỳ bao cấp. Mặc dù cũng là đi trước đón đầu nhưng bố mẹ tôi không phải quá xuất sắc nên công ty của gia đình tôi chỉ cỡ be bé xinh xinh, chủ yếu là làm thầu phụ, sân sau cho các doanh nghiệp lớn mà thôi. Do đó, tôi và em trai tôi không phải tiểu thư công tử sang chảnh gì, chẳng qua là có cuộc sống dễ chịu hơn một số bạn đồng lứa một chút. Ít nhất thì từ bé đến lớn, tôi không phải chịu áp lực học hành thi cử vì tôi học trường tư, và đã biết trước sẽ vào một trường đại học quốc tế hay liên kết nào đó. Bố mẹ định hướng tôi học chuyên ngành Quản trị với hi vọng sau này tôi sẽ nối nghiệp, tôi vâng dạ nghe theo vì bản thân cũng không có đam mê gì, lúc đó không hề nghĩ tới cái chuyên ngành thiếu thực tế này về sau gây khó khăn cho tôi khi đi xin việc đến thế nào.

Đó là sơ lược về thân thế của tôi, giờ xin mô tả qua một chút về ngoại hình. Tôi không cao nhưng cũng không thấp, tầm 1m62, dáng dấp mảnh khảnh, một cách nói dễ nghe hơn của “gầy khẳng khiu, thẳng đuột, trước sau như một”, khuôn mặt tương đối ưa nhìn, không đẹp như hoa hậu nhưng cũng không đến nỗi ma chê quỷ hờn.

Có lẽ cuộc sống của tôi sẽ vẫn cứ bằng phẳng như thế nếu thị trường bất động sản không rơi vào thời điểm khó khăn như mấy năm vừa rồi. Các tòa nhà cao tầng mọc lên như nấm, cung vượt quá cầu, bong bóng vỡ, kéo giá bất động sản trở về giá trị thực của nó nhưng vẫn không cứu được vô số dự án thất bại, những khu biệt thự, cao ốc bỏ hoang ngày càng nhiều. Dự án ế ẩm khiến các chủ đầu tư lâm vào bước đường phá sản, kiệt vốn, mất khả năng thanh toán cho nhà cung cấp. Thị trường chung là như vậy nên doanh nghiệp của bố mẹ tôi cũng rơi vào khó khăn, không có khách thì lo mà có khách nhưng chây ỳ không trả nợ thì càng chết. Bố tôi vì bế tắc công việc, thời gian rảnh quá nhiều nên tìm được một thú vui mới không lấy gì làm hay ho: Cờ bạc, cá độ. Bình thường thì mẹ tôi giám sát bố rất chặt nhưng lại không ý kiến gì chuyện này, chắc vì nghĩ ông đã lăn lộn nửa đời người, hẳn sẽ tự biết đúng sai giới hạn. Không ai ngờ, khi đã bị cuốn sâu vào cơn lốc đỏ đen, con người ta ai cũng mù quáng như ai, bất kể tuổi tác hay địa vị xã hội. Một đêm chơi poker của bố tôi mất đi hàng trăm triệu tới cả tỷ bạc là chuyện cơm bữa, hay một trận bóng mà bay hết mấy chục, mấy trăm triệu là bình thường. Tất nhiên cũng có lúc bố tôi thắng nhưng về cơ bản thì thua mới là chủ yếu. Ông trở thành một con bạc khát nước, như con thiêu thân lao vào lửa, không cần biết ngày mai thế nào, gia đình, tương lai con cái ra sao.

Cuối cùng, sau hơn một năm bố dính vào cờ bạc, gia đình tôi từ có của ăn của để đã chính thức phá sản, lâm vào cảnh nợ nần túng quẫn. Khốn khổ một điều là như người ta công ty có phá sản thì của chìm của nổi vẫn vô vàn, quẳng phần xác công ty cho các bên thu hồi nợ xâu xé còn bản thân, gia đình vẫn giầu có, chỉ có bố tôi là dại dột mang hết tài sản của nhà quẳng vào trò đỏ đen, đến khi tỉnh ra thì đã quá muộn.

- Thư, bố mẹ cần nói chuyện với con. – Một ngày bố mẹ gọi tôi vào phòng, nghiêm nghị nói.

- Có việc gì vậy ạ? – Tôi ngồi xuống, nghĩ bụng chắc lại nói về chuyện du học của tôi, tình hình gia đình thế này thì tôi sẽ không đi nữa, đợi khi ra trường kiếm một công việc ổn định là được rồi.

Nhưng hóa ra, cuộc đời vốn không đơn giản như vậy, chuyện mẹ tôi nói không có chút gì liên quan tới việc học hành của tôi. Số là hơn hai năm trước, khi còn ăn nên làm ra, bố mẹ tôi đã bí mật chuyển tiền ra nước ngoài đầu tư làm quốc tịch, một trào lưu khá phổ biến trong giới nhà giàu thời gian gần đây, và tới thời điểm hiện tại, cả bố mẹ lẫn em trai tôi đều đã có thẻ định cư dài hạn ở châu Âu. [1]

- Mẹ xin lỗi, vì con đã trên mười tám, không thể làm giấy tờ theo bố mẹ do việc chứng minh phụ thuộc quá rắc rối nên lúc đó bố mẹ chỉ nghĩ đơn giản là khi có quốc tịch sẽ bảo lãnh cho con sau.

- Vâng, con hiểu. – Qua cơn choáng váng ban đầu, tôi khẽ gật, chấp nhận rằng đây là chuyện ngoài ý muốn.

Sau đó mẹ tôi ngập ngừng nói tiếp, công ty nhà tôi đã công bố phá sản và giải thể, may mắn là sau khi thanh lý tất cả tài sản công ty thì về cơ bản cũng thanh toán được các khoản nợ của ngân hàng, tránh được việc bị truy tố. Chỉ có khoản nợ cờ bạc bố tôi vay nặng lãi thì không trả nổi, sau khi bán toàn bộ tài sản gồm cả cái nhà chúng tôi đang ở do ông bà để lại thì gia đình tôi vẫn còn nợ hơn năm tỷ. Năm tỷ có thể không phải số tiền quá lớn nhưng khi đã trắng tay không còn gì thì đó quả là một con số nặng nề.

- Mặc dù đã được khoanh nợ [2] nhưng nhà ta không còn khả năng chi trả nữa. Vì thế…

Vâng, vì thế nên bố mẹ cùng em trai tôi bỏ trốn, để lại một mình tôi, không nhà không cửa, sau lưng là khoản nợ cờ bạc khổng lồ của bố.

- Bố mẹ hết cách rồi mới phải làm thế, thằng Duy vẫn còn bé quá, nó cần phải có môi trường an toàn. – Mẹ tôi sụt sịt nói. – Mẹ chỉ còn hai lượng vàng của hồi môn bà ngoại cho mẹ, mẹ để lại cho con hết, cố gắng xoay sở sống tốt nhé. Mấy năm nữa thôi bố mẹ sẽ về giải quyết.

Tôi hiểu ý mẹ cố gắng xoay sở sống tốt không phải là tôi phải cố tự nuôi sống bản thân vì tôi đã hơn hai mươi tuổi, ngoài đi học cũng có đi làm thêm, đủ tiền để sống qua ngày, ý mẹ tôi ở đây là tôi lo mà chống đỡ với bọn cho vay nặng lãi. Bởi vì khoản đầu tư của bố mẹ tôi ở nước ngoài không được rút ra cho tới khi họ có quốc tịch, và cũng chẳng thể đem thế chấp vay tiền nên tạm thời món nợ năm tỷ kia vẫn treo trên đầu. Tôi phải đợi ít nhất là năm năm nữa, khi nào bố mẹ tôi có quốc tịch thì mới lấy được khoản tiền đầu tư kia ra trang trải nợ nần.

Nghĩa là, hoặc tôi phải kiếm ra năm tỷ trả nợ, hoặc tôi phải tìm cách trốn chui trốn nhủi trong vòng vài năm tới nếu không muốn bọn người kia “xin tý huyết”!

…………………

Ngày bố mẹ lên đường, tôi còn không được đi tiễn, bởi sợ có người theo dõi. Tôi phải đến trường như bình thường, mẹ tôi mặc quần áo ở nhà xách làn ra chợ rồi lẻn cổng sau chợ bắt taxi đến thẳng sân bay. Bố tôi đi người không ra bến xe buýt chuyển vài chuyến khác nhau cắt đuôi rồi ra sân bay. Em tôi thì được gửi gắm người quen đưa đi từ giữa giờ học. Tóm lại, đến khi bọn người kia phát hiện ra thì gia đình ba người của tôi đã yên vị trên máy bay, nhà cũng chỉ còn cái xác không, chìa khóa cùng giấy tờ đã giao lại cho chủ nợ khác.

Tôi đến trường không phải đi học mà tới xin bảo lưu, với tình hình này thì có điên mới tiếp tục chường mặt trên trường. May mắn là tôi có một bà mẹ rất sáng suốt, từ khi tôi mới bước chân vào trường bà đã nhanh tay đóng hết tiền học cả bốn năm. Trừ phi tôi thi trượt phải học lại còn thì không có gì phải lo, cho dù bảo lưu mấy năm, tôi vẫn có thể quay lại học tiếp bất cứ lúc nào.

- Còn hơn nửa năm nữa thôi, sao phải bảo lưu? – Bà giáo vụ cằn nhằn.

- Gia đình em chuyển đi một thời gian nên phải bảo lưu, khi nào về sẽ học nốt ạ.

Tôi lang thang quanh trường, cố gắng tiêu hóa cái suy nghĩ đây là lần cuối mình còn đến đây, không biết bao giờ mới có thể quay lại. Chỉ mới tháng trước thôi, tôi còn tìm mọi cách bùng học, còn túm năm tụm ba với đám bạn nói xấu thầy này, cô kia mà giờ ước mong duy nhất của tôi là có thể đến lớp. Nếu được quay lại, tôi sẽ chăm chỉ học hành hơn, sẽ cư xử dễ thương hơn, sẽ mở lòng ra với mọi người. Nhận ra bản thân bắt đầu nhảm nhí, tôi khẽ cười chua chát, tôi đâu còn là con bé con trong vòng tay bố mẹ để có thể nói mấy câu hứa hẹn là có ngay được cái mình muốn.

- Thư, lên lớp nhanh lên, hôm nay có điểm danh đấy. – Tuấn, thằng bạn thân của tôi đang đi ngược lại, nheo mắt nhìn tôi.

- Thế sao mày ở đây?

- Tao điểm danh rồi, đói quá xuống kiếm cái gì ăn.

- Ừ.

- Ừ gì mà ừ, nhanh cái chân lên.

- Tao…

Tôi chưa kịp nói hết câu đã nhận ra bóng mấy chiếc xe thương binh quen thuộc, liền cuống cuồng kéo Tuấn chạy về phía gốc cây cổ thụ gần đó.

- Con điên này, mày làm sao thế?

- Im. – Tôi đưa tay suỵt khẽ, đầu óc quay cuồng nghĩ cách thoát khỏi tình huống này.

Theo lịch thường ngày thì mấy tay chạy xe thương binh đòi nợ thuê này sẽ không vào tận trong trường, cùng lắm là đứng ngoài chờ tôi về dọa nạt vài câu hoặc ở lỳ trước cửa nhà tôi mà thôi. Có lẽ chúng đã đánh hơi được sự tháo chạy của bố mẹ tôi nên đang túa ra các nơi đi tìm, nếu giờ rơi vào tay chúng, tôi sẽ sống không bằng chết. Nghĩ tới cảnh bị chặt ngón tay hay thậm chí phải móc nội tạng trả nợ, người tôi run lên bần bật.

Tôi kéo Tuấn đứng ra phía ngoài, che cho tôi bên trong, nhưng khi tôi liếc qua khóe mắt thấy đám người kia sắp đi tới thì đầu óc không nghĩ được gì nữa, vòng tay qua người, giấu mặt vào ngực nó. Cái mánh khóe ngớ ngẩn tôi vốn nghĩ chỉ có trên phim này không ngờ có ngày tôi lại phải dùng tới, may mà Tuấn rất cao nên cả người tôi lọt thỏm trong lòng nó, đám người kia không thể nhìn thấy mặt tôi.

- Này… – Tuấn trợn mắt nhìn tôi một cách kinh dị, định ẩy tôi ra thì tôi càng giữ chặt.

Cho tới khi đám người kia đi khỏi tôi mới buông nó ra, cả người mềm oặt, tựa vào bên cây thở dốc, nỗi sợ vẫn khiến tôi run rẩy, không dám tin mình vừa thoát chết trong gang tấc.

- Mày bị điên rồi hả? – Tuấn nhìn tôi tức giận, rít qua kẽ răng.

- Tao xin lỗi, bất đắc dĩ thôi.

- Có chuyện gì?

- À, yêu mày quá không kiềm chế được ấy mà. – Tôi nhún vai, thản nhiên nói.

- Mày…

- Thôi mày lên lớp đi, tao yêu mày đến mấy cũng không chịu được mày nữa rồi. – Tôi mỉm cười, xua xua tay.

Tuấn vẫn chưa hết bực mình bỏ đi không thèm nói câu nào, tôi bất giác không kiềm chế được, gọi lớn:

- Tuấn!

- Cái gì? – Nó quay mặt lại nheo mắt nhìn tôi.

- Cám ơn mày nhé.

Nói xong tôi vẫy tay quay người đi thẳng, giấu đi đôi mắt bắt đầu cay cay, cảm giác như bóng lưng dần xa của Tuấn đã mang theo cuộc sống tôi vốn quen thuộc đi mất. Nó, cũng như ngôi trường này, như bố mẹ, hay những người bạn khác đều thuộc về thế giới cũ của tôi, thế giới không có sự lo lắng sợ hãi tồn tại, và tất cả đã là quá khứ. Tôi không kể với Tuấn một phần vì không muốn bị thương hại nhưng phần lớn hơn tôi không muốn lôi kéo người khác vào rắc rối của gia đình mình. Tôi biết nó luôn sẵn sàng giúp đỡ tôi, nhưng trong hoàn cảnh này sẽ là rất nguy hiểm cho nó, và cả cho tôi. Tôi không thể dựa dẫm hay giao phó sự an toàn của mình cho bất cứ ai.

Tôi không về bằng cổng phụ hay cổng chính, thay vào đó đi vào khu ký túc xá rồi men theo sân sau, trèo ra khỏi trường. Con đường bí mật này do bọn bạn sống trong ký túc chỉ cho tôi, vốn là chỗ để chúng nó chuồn đi chơi đêm.

………….

Tôi vừa đi vừa ngẫm nghĩ xem mình sẽ phải làm gì trong thời gian tới khi trên người chỉ có một cái balo đựng ít quần áo, hai cây vàng mẹ tôi để lại và ít tiền mặt. Nhưng có thế nào tôi cũng sẽ không rời bỏ Hà Nội như mẹ tôi gợi ý, dù cho việc ra đi lúc này là thượng sách. Trong phút chốc tôi đã mất cả gia đình, nhà cửa, trường lớp, bạn bè, công việc, giờ lại còn không được hít thở bầu không khí quen thuộc, nhìn ngắm cảnh vật quen thuộc thì chắc tôi không sống nổi. Cuối cùng tôi tự an ủi mình “nơi nguy hiểm nhất chính là nơi an toàn nhất”.

Tôi đi lang thang chán thì quay về nhà bác. Bố tôi có hai người chị gái còn mẹ tôi có một em trai nhưng nói chung thì “anh em kiến giả nhất phận”, các bác với cậu tôi chỉ có thể giúp trong mức độ nhất định chứ không ai có thể bán nhà đứng ra gánh nợ cho bố mẹ tôi cả. Mà tính ra, ngoài khoản năm tỷ kia, tôi nghĩ rằng bố tôi cũng nợ hai bà bác không ít tiền và việc họ không đòi lúc này là quá tử tế rồi. Vốn hai bác lẫn cậu tôi đều chỉ có con trai nên trước giờ tôi như công chúa của cả hai họ, các anh, em trai ra sức chiều chuộng tôi, cho tới thời điểm này.

- Sách con gửi bác hôm trước đây. – Bác tôi lôi ra chiếc vali kéo nặng trịch đưa cho tôi.

- Vâng, con xin, con cám ơn bác.

- Thế đợt tới em định ở đâu? Hay ở đây luôn đi. – Ông anh họ bằng tuổi tên Sơn của tôi hào hiệp nói.

- Anh ra phòng khách ngủ nhường phòng cho em nhé? – Tôi cười. – Em đùa đấy, em ra ngoài ở vẫn hơn.

Cho dù có không nhìn thấy cái lườm cháy mặt cảnh cáo của bác tôi đối với Sơn thì tôi cũng không định ở lại đây. Tôi hiện giờ chính là quả bom hẹn giờ nghĩa đen, chỉ cần tôi lui tới bất cứ chỗ nào quen thuộc hay họ hàng, bạn bè thì cả tôi lẫn họ sẽ đều gặp nguy hiểm. Như tôi đã nói, khi bị dồn tới bờ vực, thì chỉ có thể tự lo cho mình chứ không thể nghĩ tới việc dựa dẫm vào ai kẻo tất cả sẽ cùng ngã.

- Bác xin lỗi vì không giúp gì được cho con cả. – Bác tôi rầu rĩ tiễn tôi ra cửa.

- Bác đừng nói vậy, con lớn rồi, con tự lo được. Thời gian tới con sẽ đổi số điện thoại nên nếu không gọi được con, bác cũng đừng lo lắng ạ.

- Cần gì thì con gọi bác nhé? – Bà nói rồi dúi vào tay tôi ít tiền. – Con cầm lấy một ít…

- Dạ thôi con có đủ tiền rồi, cám ơn bác. – Thực ra không phải tôi sỹ diện, chỉ là tôi quá ngại ngùng bởi bố tôi đã cầm của bà quá nhiều tiền.

Tôi kéo chiếc vali, trên vai đeo balo ra đi, sau đó mua một chiếc sim điện thoại mới, thay cho chiếc sim cũ dùng đã nhiều năm, rồi tiện tay deactivate toàn bộ facebook lẫn email đang sử dụng. Từ giờ, đối với những người quen cũ, coi như Lê Anh Thư tôi đã bốc hơi khỏi thế giới này.

Chương sau >>

........................................

Chú thích:

[1] Đầu tư lấy quốc tịch khá phổ biến ở các nước phát triển trong mấy năm gần đây, hiện có Mỹ, Canada, Úc, Hàn Quốc, và một số nước châu Âu đang áp dụng. Hình thức đầu tư thường là mua bất động sản, đầu tư dự án, trái phiếu, mở doanh nghiệp, vv., với mức đầu tư tối thiểu là 500 ngàn USD hoặc EUR, riêng Úc thì trái phiếu tầm 1.5 triệu AUD. Sau khi chuyển tiền, hoàn tất giấy tờ thì người đầu tư sẽ được cấp Resident Card/ID hoặc PR hoặc Green Card, tùy theo cách gọi của mỗi nước. Và cho tới ít nhất 5 năm, khoản tiền này sẽ bị “giam” (không được rút tiền khỏi dự án, không được bán nhà/trái phiếu), chỉ có thể cho thuê nhà hoặc ăn tiền lời.

[2] Khoanh nợ là chủ nợ và con nợ thống nhất khoản tiền gốc và lãi phải trả, từ đó không phát sinh thêm lãi nữa.